31 tháng 12 2017

HAPPY BIRTHDAY TO TUỔI 88 CỦA ÔNG!!!!!!

Suốt từ tháng 7 mình chưa về Sapa thăm ông bà. Một lý do là vì tháng 8 ông bà về quê Thanh Hóa, rồi mình đưa ông đi Hải Phòng thăm bác Duyên. Tiếp theo sau đó, tháng 9 ông bà ở nhà mình cả tháng trời trong lúc cậu em chữa bệnh và ông thì cũng phải xử lý ngón chân bị gout. Vèo một  cái đã gần nửa năm qua. Vậy nên mình đã mong ngóng năm mới từ lâu để mình được về Sapa, được cùng cả nhà trong dịp sinh nhật ông đến thế nào. Mấy chị em chat chit cùng nhau, hẹn hò, chuẩn bị trước đó cả tuần, rộn ràng lắm. Cô cháu Ng. thì tuyên bố đóng góp món trứng luộc thuốc bắc và nhất định phải đế thêm “bắt đầu nhận lì xì từ ngày mai”, hahaa.

Sáng thứ Bảy cả nhà rời khỏi nhà lúc 7h. Hà Nội mưa dầm dề, khó chịu. Đường vừa phải, không quá đông, vậy mà cũng tận 11.30 mới lên đến nhà bác K. Dọc đường thì khỏi phải nói, bà gọi điện, chị này chị kia gọi điện, bác K. chuẩn bị hai mâm cơm để cả nhà bác V. và cô cháu Ng. cũng đến ăn cùng bữa trưa thứ Bảy đó. Chẳng thể nào thiếu được món rượu mà anh L. nhất định phải mời dì, nói thêm, “như uống Philatop ý mà”. Ôi trời, tiệc tùng từ trưa thứ Bảy, cười đến đau cả bụng với đủ mọi chuyện.

Lào Cai hửng nắng. Mình lại đi qua con đường quen thuộc, nhớ từng khúc quanh, nhưng lần này thì lơ mơ gần hết đoạn đường do tác dụng của cốc Philatop lúc trưa 😊.

Bước xuống xe, bầu không khí lạnh thân thuộc của Sapa ùa vào lồng ngực. Sapa lạnh, mù mịt, những cây mận cổ thụ nơi vườn hoa trung tâm cành đen đúa, phủ đầy rêu đứng trầm mặc, mờ ảo trong làn sương dày. Thị trấn nhỏ xíu đông nghẹt người. Mình không bước chân ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng lại thấy con đường chạy qua trước cửa nhà xe đứng im rất lâu không nhúc nhích. Nhúc nhích đi đâu được, cái con đường bé tý, vừa đủ 2 xe tránh nhau, mà bên dưới con đường đó giờ mọc lên tới mấy khách sạn toàn cỡ 200 phòng, nhu cầu đi lại nhiều đến thế thì làm sao mà còn chỗ để chen chân. Với  mình, chỉ cần khu vườn sau nhà mà tầm này hoa mai đã bắt đầu nở trắng, những nụ hoa mận rừng đang dần lớn, vài bông hoa đào bạch đã nở, rồi những bông cúc của ông ngoài ban công vẫn nở vàng, cây chanh trĩu những quả vàng ươm, nhìn ứa nước miếng, thế là đủ lắm rồi.
Cả nhà sung sướng bên bếp lửa, không chỉ buổi tối mà gần như cả ngày, tỉnh dậy là nhóm lò luôn :)

Mặc kệ dân tình chen nhau ngoài đường, cả nhà mình rộn ràng chuẩn bị cho buổi sinh nhật ông vào trưa Chủ nhật. 4 mâm đẫy. Tất cả gia đình 4 cô con gái, thêm anh Nh.-chị Ng. cùng vợ chồng cô cháu M., thêm hai mẹ con chị H, tổng cộng 28 người, kể cả đứa chắt nhỏ nhất của ông mới được hơn 1 tháng. Đầu bữa ăn, khi nâng cốc cả nhà đã hát “Happy Birthday to ông”, đến đoạn thổi nến cắt bánh lại hát một lần nữa, vui kinh khủng. Ông muốn phát biểu vài câu nhưng không nói được câu nào, cứ nghẹn ngào, lau nước mắt một hồi rồi đành thôi. Tính ông vẫn vậy, rất dễ xúc động, rất dễ chảy nước mắt. Mấy cô con gái cũng lau nước mắt. Lần nào về với ông bà, lần nào sinh nhật ông bà, hay bữa cơm với ông bà, cũng đều có thể là lần cuối. Chẳng hiểu phép màu nào đã giữ ông ở lại với chúng mình, chứ lần ông ốm cách đây năm rưỡi nào ai dám hy vọng có lúc ông được khỏe lại như thế này.
Ông ơi, chúc ông mạnh khỏe để còn ở bên con cháu dài dài ông nhé! Tất cả chúng con yêu ông bà vô cùng! HAPPY BIRTHDAY TO ÔNG AGAIN AND AGAIN!!!!

Ngon ơi là ngon
Món quà sinh nhật to nhất của ông đây - chắt ngoại mới được hơn tháng tuổi
Thật sung sướng được ở bên ông bà mỗi dịp thế này, vui ơi là vui
Ông lúng túng thổi nến, nhưng rất thành công, thổi vèo cái là tắt hết


30 tháng 12 2017

"SA THẢI SẾP" :)

Mong chờ mãi rồi cũng đến ngày làm việc cuối cùng. Gửi đi một tài liệu cuối, in và nộp báo cáo tuần, cái báo cáo cuối cùng mình sẽ phải viết mà mình hay đùa rằng viết mãi thế này thì chẳng mấy chốc thành nhà văn, viết một lá thư bàn giao công việc và mình thanh thản đóng máy, trả lại chìa khóa rồi ra về. Sáu tháng tròn. Không dài nhưng chắc chắn là không ngắn. Dù mình đã stress, bực bội rất nhiều nhưng chắc chắn mình cũng học hỏi được khối điều hay. Đi chào mọi người, mình nói với một cậu, chị thực lòng khâm phục sự dũng cảm của em, ngồi ở vị trí này để chịu trách nhiệm về những vấn đề quan trọng đến vậy.

45 tuổi. Và bắt đầu công cuộc tìm việc. Một người bạn trêu, gửi mình câu thơ “Đang khi có việc đàng hoàng/Bác từ tư vấn chuyển sang về hừu”, ặc ặc.

Tổng kết lại 18 năm đi làm mình đã đổi 4 công việc. Được cái lần nào cũng là chủ động "sa thải sếp", và không chỉ một lần gây rắc rối. Công việc đầu tiên, phiên dịch ở Ban quản lý nhà máy lọc dầu, mình xin thôi việc ngay trước kỳ họp hội đồng quản trị, và khi đó mình là phiên dịch cứng, được cử đi công tác để dịch cho cuộc họp đó. Mặc dù mình nói với sếp em sẽ cố gắng đến làm mọi lúc có thể trong dịp họp này, đồng chí nhân sự, một kiểu người rất phù hợp với chức vụ nhân sự trong các cơ quan nhà nước bực bội bảo biến, thế là mình biến, bỏ lại đằng sau hơn 1 năm bảo hiểm. Sau hơn 5 năm đi dạy một cách rất happy, mình lại cảm thấy cần thay đổi, nhưng rồi vật vã thêm tới 4 năm nữa mình mới tìm được cơ hội. Viết đơn thông báo xin nghỉ rồi đến hạn đó tự cho phép mình được nghỉ. Ngày đó mình dạy mấy lớp cử nhân tài năng, biết mình dạy buổi cuối cùng, một số em lớp khác cũng sang chia tay với mình, nghĩ lại vẫn cảm thấy ấm áp. Và lại một cuốn sổ bảo hiểm 9 năm vẫn còn nằm lại nơi cơ quan cũ.

Lần chia tay thứ 3 đau đớn hơn. Giống như đôi vợ chồng còn mặn nồng mà bị gia đình ép buộc phải xa cách. Vậy nên bây giờ mỗi khi nghĩ lại mình vẫn thấy thời gian làm ở đó là khoảng thời gian rất đáng nhớ và mình đã học được bao điều hay.

6 tháng tròn kể từ khi chính thức chia tay người tình thứ ba, mình kết duyên với một dự án tuy là vốn vay và lương cũng theo khung khác, nhưng cách quản lý, làm việc thì hoàn toàn theo cơ chế nhà nước.  Ban đầu cũng nghĩ gắn bó lâu dài, hết dự án rồi nghỉ hưu luôn. Nhưng đời không như là mơ. Tự nhủ với bản thân rằng cần cố gắng, chờ đợi rồi mọi sự sẽ tốt đẹp hơn, nhưng càng ngày chỉ càng chán nản, cho đến khi mình không thể chịu đựng thêm được nữa, nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục công việc thì đó thực sự là một sự bạo hành bản thân và nếu mình chấp nhận thì mình không còn tôn trọng được bản thân nữa. Ừ, không có duyên thì chia tay sớm, và mình hay tự trào, đời còn dài, zai còn nhiều. Nào biết có nhiều thật không, và có tử tế không, hay như mình đôi lúc đùa, những gien quý hiếm đều tuyệt chủng hết rồi. Mình biết rõ tìm được công việc phù hợp là điều khó khăn biết chừng nào. Nhưng nếu không thử thì làm sao biết được. Và cho đến bây giờ, mình vẫn nghĩ rằng quyết định nộp đơn từ đầu tháng 11 để cuối tháng 12 mình có thể nghỉ làm là quyết định rất sáng suốt.

Bây giờ thì mình đã thực sự nhảy ùm xuống ao. Sẽ tìm cách bơi vào bờ, phải bơi vào. Chúc mình một năm mới bình an và may mắn hơn chút, so với năm cũ thật nhiều biến động này! Mình ơi đừng lo lắng nhé. Rồi mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.

12 tháng 12 2017

NHỚ CON ĐƯỜNG CÓ CÂY HOA GẠO ĐỎ

Trên đoạn đường từ thị trấn Thạnh Mỹ đi huyện ChàVal, qua trường Mầm non Cà Dy khoảng vài km có một cây hoa gạo đỏ. Lần đầu tiên đi qua con đường đó, mình đã sững sờ bắt gặp cây hoa gạo đẹp đến thế, hoa đỏ rực, trùm hết cả cái cây to sừng sững ngay bên đường. Dưới chân cây hoa gạo là một cái miếu nhỏ, gợi ngay đến câu nói “Thần cây đa, ma cây gạo”. Từ lần đó trở đi, mỗi khi đi lại con đường đó mình luôn để ý đến cây gạo, kể cả khi hoa đã rụng hết và những vòm lá bung xa, xanh mướt.


Cũng trên con đường đó, ngược lên gần đến thị trấn ChàVal sẽ là chiếc hồ của đập thủy điện sông Bung. Mặt hồ phẳng lặng, buổi sáng phảng phất sương mờ huyền ảo, trưa chiều lại lung linh vẻ đẹp thuần khiết nơi miền sơn cước vắng vẻ. Khu vực này rừng còn rất nhiều, những vòm lá đan xen, kín bưng. Từ góc nào cảnh cũng rất đẹp. Vắng lặng, thanh bình. Thỉnh thoảng bên đường còn có những chùm địa lan màu tim tím thấp thoáng trên tả ly. Vậy nhưng cũng chính đó là con đường mà những người dân tộc K’Ho thất thểu chạy nạn sau vụ vỡ đập thủy điện, những khuôn mặt thất thần, đôi mắt trống rỗng. Và đó là con đường mình đến với những cô giáo người dân tộc hiền lành, rụt rè, những em bé người dân tộc nhút nhát, ít cười, ít nói, cứ nem nép mỗi khi có người lạ.    
Cảnh hồ thật đẹp và thanh bình
Gần nửa năm chia tay với công việc cũ, mình không còn cơ hội đi qua những con đường miền núi đẹp nhưng cũng rất buồn đó. Mình cứ luôn nhớ. Nhớ những đôi mắt to tròn, hàng mi cong rất đẹp của những em bé Tây Nguyên. Nhớ cảm giác trĩu nặng khi mình dự giờ một buổi học cho trẻ 3 tuổi mà cô giáo độc thoại có tới 70-80% khoảng thời gian, nhớ cảm giác sung sướng, tự hào khi dự một tiết dạy thú vị, khi trẻ được trải nghiệm, đôi mắt bừng sáng khoe sản phẩm của mình hay say sưa trong một trò chơi. Công việc của mình nhỏ bé, cố gắng đưa đến những thay đổi rất nhỏ trong lớp học thế thôi, nhưng nó mang lại cho mình niềm vui và niềm tin vào điều tốt đẹp của công việc mình làm.
Giá như giờ học nào mình dự cũng được nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười thế này
Quyết tâm ra đi, và thật may mình chỉ còn hơn 2 tuần ngồi lại ở cái văn phòng gần bộ Dục này. Một phần mình khá stress khi làm ở đây, mặt khác, không thể phủ nhận mình đã trưởng thành nhiều trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, hiểu rõ hơn cách làm của các dự án Việt Nam, có thêm một vài người bạn rất dễ thương.

Ngày 20/11 đi thăm cô giáo cũ, cô hỏi từng đứa đang làm ở đâu. Mình bảo em đang làm ở bộ Dục nhưng sắp bỏ. Cô hỏi vậy sau đây làm gì, mình bảo em không biết, em cứ nghỉ thôi. Cô tròn mắt, bọn bạn cũng cười ồ, rất ngạc nhiên với cách suy nghĩ của mình, còn mình thì cười, bảo em chán thì em không làm nữa. Ừ, có lẽ mình thuộc diện hơi bất thường thật. Công việc ở nơi danh giá, sếp hết lòng tin tưởng, thu nhập không tệ, nhưng nhất thiết ra đi chỉ vì những niềm tin về giá trị.

Quyết định nhảy ùm xuống ao thật chẳng dễ dàng. Công việc mới đâu có dễ tìm. Nhưng nếu không quyết tâm thay đổi mà cứ ở lại với công việc hiện tại chắc mình phát điên mất. Vậy nên mình nhất thiết phải nhảy ùm xuống ao rồi tìm cách bơi vào bờ. Và mình biết rất rõ điều mình muốn. Mình muốn làm với các cô giáo vùng cao, với bọn trẻ con dân tộc nghèo khó, đi lại những con đường miền núi xa xôi. Có thể vì từ nhỏ mình đã gắn bó với những con đường như vậy, để bây giờ, mỗi lần quay trở lại, thấy thân thương biết chừng nào. Để cố gắng mang lại sự thay đổi dù thật nhỏ cho những con người khốn khổ. Nếu không vì may mắn có bố mẹ cho học hành tử tế mình cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh đó, lấy chồng sớm, sinh con, nhếch nhác. Vậy nên mình rất muốn làm một điều gì đó, để có thêm những đứa trẻ được giống mình. Hay ít nhất thì cũng tạo nên một sự thay đổi dù là rất nhỏ. Liệu mình có viển vông quá không? Haiza.


Nhớ quá con đường có cây hoa gạo đỏ!

04 tháng 11 2017

PHẢI LÀM GÌ KHI GẶP CÁC CHUYÊN GIA GÂY MÊ CAO CẤP?

Chưa ra đi được nên hôm nay mình vẫn có vinh dự tham gia một buổi tập huấn dành cho thư ký tổng hợp. Hai chủ đề lớn là kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp và kỹ năng thư ký tổng hợp. Nghe cũng có vẻ hay ho nên cái đứa lúc nào cũng nghiêm túc là mình xông thẳng lên bàn trên cùng ngồi. Giảng viên là một cô giáo có cái tên khá lạ, đến từ Học viện Hồ Chí Minh (làm mình nhớ ngay đến cô bạn mình đang dạy ở đó). Tự hứa với bản thân là đã mất một ngày thứ Bảy thì phải học tử tế để khỏi phí thời gian. Nhưng chỉ sau 15 phút thì con bé chán hẳn. Giảng viên dông dài, chẳng có bất cứ một thông tin gì mới. Chán không để đâu cho hết. Kiến thức xã hội hạn chế, kiến thức chuyên môn nhạt nhẽo, phương pháp sư phạm thảm họa, không có gì ngoài đơn ca triền miên dông dài, ặc ặc. Mình ngồi bàn đầu ngáp ngắn ngáp dài, chảy hết cả nước mắt. Đến đoạn cô giáo lấy “Vêlêzuêla” ra làm một ví dụ thì mình tỉnh cả ngủ và suýt bật cười thành tiếng. Giảng viên tuy mọi kiến thức đều rất kém nhưng được cái có cập nhật tình hình ở Bộ Dục nhà mềnh, nên sử dụng đúng phương ngữ cho phù hợp với truyền thống Bộ Dục, kakaka.

Sau giải lao buổi sáng mình chả buồn nghiêm túc nữa, chui xuống tận cuối lớp bật máy lên ngồi dịch, viết blog, hoàn toàn không buồn nghe cô nói gì, chỉ thỉnh thoảng để ý câu hỏi để nhỡ bị hỏi còn biết trả lời. Mình nói đùa với cậu đồng nghiệp, hôm nay có vinh dự gặp chuyên gia gây mê cao cấp, khiến vừa 9h sáng mà đã ngáp ngắn ngáp dài, hai mí mắt cứ tự động khép lại.

Nói đùa vậy thôi, nhưng mình nghĩ đến câu chuyện với cậu con trai tối qua. Con trai đi học toàn ngủ trong lớp. Tuần trước cô giáo yêu cầu con và hai bạn nữa viết bản cam kết, hai bạn kia đã viết và nộp nhưng con vẫn chưa. Con bảo viết xong rồi thì sao, nếu con vẫn cứ ngủ thì biết làm sao, con mệt quá, chán quá thì con ngủ, đấy là phản xạ tự nhiên. Con lý luận thêm, trong lớp có rất nhiều bạn hút thuốc, hút thuốc còn vi phạm luật pháp sao cô không nhắc. Cô không xử được cái khó, thấy ca bọn con dễ hơn nên nhắm vào bọn con chứ gì. Con ngủ nhưng con vẫn quyết tâm ra trường. Con ghi làm gì khi những bài học thuộc lòng thì đằng nào cũng theo đề cương, thấy cô chả viết gì khác ngoài những thứ trong sách giáo khoa, khi nào gần thi con sẽ học. Thầy cô giảng chán lắm ý, cứ đều đều, các bạn ầm ĩ cô không nhắc được cũng thôi. Tất cả những điều con nói chả có gì sai, nhưng bố mẹ nhắc con đi học thì phải tôn trọng thầy cô giáo, rằng trong xã hội không có sự công bằng, các bạn ý có thể có người nhà/bố mẹ thân quen, làm to… rằng các bạn hút thuốc sẽ bị xử lý vì tội hút thuốc, nhưng con con ngủ thì bị xử lý do ngủ. Khi mẹ bảo cô hiểu con thì con cười vẻ rất ta đây, bảo mẹ 15 năm còn chẳng hiểu con, thế mà có 2 tháng cô hiểu được con thì choáng thật đấy.

Giảng giải cho con như vậy nhưng mẹ hiểu rằng nhiều điểm con có lý. Thầy cô giáo cũng có trách nhiệm trong việc không thu hút được học sinh, không làm được học sinh hứng thú với môn học. Nếu ngày nào cũng phải gặp những chuyên gia gây mê cao cấp như cô hôm nay thì mẹ chắc cũng ngủ, trong khi nhiều khả năng con phải gặp những chuyên gia như vậy khá thường xuyên. Tối hôm qua con làm mẹ cười phát sặc khi con đề nghị mẹ nói với cô con bị tâm thần để cô bớt chú ý đến con. Con tỏ ra vô cùng nghiêm túc, con đã tìm hiểu nhiều rồi, con ghi ra giấy, mẹ chỉ việc đọc theo những gì con ghi thôi. Hay cho con mượn điện thoại của mẹ, con nhắn cho cô. Khi bắt đầu mẹ phải nói thế này, tôi nói điều này đề nghị cô không nói với em Sỹ Tuấn, đề nghị cô giữ bí mật chuyện này… rồi mẹ nêu tên một số người cụ thể, ví dụ như con đã đi gặp bác sỹ tâm lý nào để tăng độ tin cậy. Nếu mẹ không giúp thì con sẽ tự tìm cách thể hiện [là con bị tâm thần nhẹ, ặc ặc]. Rồi con trích dẫn một câu, bảo con rất thích câu này, “Phải là một thiên tài mới che dấu được thiên tài.” Kết thúc cuộc nói chuyện rất dài con trai nịnh nọt, mẹ ơi mẹ cố lên nhé, mẹ nói với cô giúp con. Còn mẹ thì chỉ biết hứa mẹ sẽ trao đổi với ban phụ huynh, nhưng con phải hứa không được ngủ trong lớp nữa.


Ôi trời, nghe con nói mẹ vừa phì cười mà cũng choáng váng. Con đã lớn, biết tự tìm hiểu đủ mọi thông tin, lý luận đâu ra đấy và cương quyết với điều mình định làm. Sáng nay sang phòng hỏi con ngủ thế nào, con ngay lập tức lại nịnh nọt, mẹ ơi mẹ cố nhé. Mẹ phải làm gì với con đây. Hay lời khuyên nào cho con khi gặp các chuyên gia gây mê cao cấp, khi chính bản thân mẹ cũng không thể nghe nổi mà đang ngồi viết bài này! Hay chính việc ngoan ngoãn ngồi nghe những điều vô bổ mới là một sự lãng phí thời gian của bản thân?? Ôi trời, bài toán làm mẹ không có lời giải. Help me! Help me!
Sau giờ giải lao mình chuồn xuống cuối, ngồi gần cửa sổ với view nhìn ra bên ngoài rất đẹp, khu nhà 19 Lê Thánh Tông, nơi mình đã dạy 4 năm đầu khi mới vào nghề, thế là lại bồi hồi với bao kỷ niệm. He he, đỡ phí buổi sáng

27 tháng 10 2017

CHUYỆN CÚN ĐI THAM QUAN

Câu chuyện bắt đầu rất đơn giản. Lớp con tổ chức đi tham quan, giống như mọi năm ý mà. Địa điểm cũng chả có gì mới, công viên nông nghiệp Long Việt, nơi mẹ đã cùng lớp con đến hồi lớp 4. Vậy nhưng con vẫn vui và náo nức. Các con sẽ được ở bên nhau cả một ngày nhưng chỉ chơi và không học gì, thế đã là niềm vui rồi. Giấy gửi về thông báo trường không đặt ăn, học sinh tự chuẩn bị mang đi. Con náo nức lắm, và chắc không chỉ riêng con, rồi bắt đầu nghĩ sẽ làm món gì. Con vui sướng nghĩ đến chuyện sẽ được sử dụng chiếc hộp đựng cơm 3 tầng mà bố rất chiều chuộng mua cho con gái hồi năm ngoái, cũng trước chuyến tham quan của con. Rồi con nghĩ sẽ làm món gì. Mẹ gợi ý một số lựa chọn, sushi, spaghetti, cơm… Hôm thứ Hai mẹ thổi xôi tím bằng lá nếp cẩm, con thích quá bảo con sẽ mang xôi, và lập tức lên mạng tìm hiểu cách làm xôi các màu chứ không chỉ màu tím.

Thế rồi đến những ngày cuối ban phụ huynh thông báo là sẽ đặt ăn cho tất cả các con. Chở con trên đường đi học về, con phụng phịu, tổ chức đi dã ngoại cho trẻ con vui mà không để trẻ con tự làm đồ ăn mang đi thì mất vui à. Mẹ hỏi chỉ mình con muốn hay các bạn khác cũng muốn. Con bảo không phải mình con đâu, nhiều bạn cơ. Mẹ bảo con vậy thì con tìm hiểu xem có tất cả bao nhiêu bạn muốn tự chuẩn bị để mang đi để mẹ có ý kiến với ban phụ huynh lớp. Mặt khác, mẹ đưa ra ý kiến trong group chat lớp con là nên để các con tự chuẩn bị, vì việc các con có niềm vui quan trọng hơn so với chuyện bữa ăn bị nguội. Ý kiến của mẹ chẳng được ai đồng tình, với lập luận rằng nên đặt ăn ở đó cho nóng, cho đảm bảo sức khỏe, để các con có thời gian vui chơi, vân vân và mây mây, toàn những lý lẽ hết sức bảo thủ.

Hôm sau con gửi tin nhắn báo với mẹ có 28 bạn muốn được tự chuẩn bị đồ ăn. Mẹ tiếp tục nêu ý kiến rằng không chỉ riêng con mà có tới 28 bạn cùng theo ý đó, và có thể có giải pháp là để 28 bạn tự làm, các bạn còn lại thì đặt ăn. Vẫn tiếp tục bị phản đối với các lý do như trên, cộng thêm như vậy thì không phải tập thể đoàn kết blab la. Có ý kiến rằng nên biểu quyết, và những người lên tiếng đều là những người có con trai, và tất cả đều vote cho phương án đặt ăn, mẹ hoàn toàn lạc lõng. Mẹ chốt bằng câu mình không có thêm ý kiến gì nhưng chúng ta hãy tự hỏi chúng ta có đang lấy trẻ làm trung tâm và hiểu rằng trẻ muốn gì hay không.

Buổi tối mẹ thông báo tin không vui đó cho con và bảo mẹ chịu thôi, các con cũng phải lên tiếng chứ một mình mẹ không giải quyết được gì. Rồi mẹ hỏi vậy con có minh chứng nào về việc có 28 bạn muốn tự chuẩn bị không. Con nói ngay, có chứ và lôi ra một tờ giấy với danh sách các bạn muốn theo phương án nào. Một số bạn nam còn được đánh dấu hoa vào bên cạnh tên, con giải thích là thưởng vì sự tích cực. Ha ha, hóa ra đúng là các bố mẹ không biết con mình nghĩ gì, muốn gì thật. Phần lớn các phụ huynh lên tiếng và khăng khăng đặt ăn thì con các vị lại muốn tự làm, dù các bạn ấy là con trai. Suy nghĩ cực sai lầm rằng cứ là con trai thì không cần làm và không cần biết việc nấu nướng. Mẹ post tấm ảnh lên với dòng chú thích rằng bức ảnh nhằm chia sẻ thông tin. Lần lượt các phụ huynh vào xem ảnh, 5 người, 10 người, 20 người, rồi 30 người, lẳng lặng rút lui không nói gì, ặc ặc. Rất lâu sau có ý kiến rằng đã có thông tin về bọn trẻ như vậy thì có lẽ ai theo phương án đặt ăn thì cứ đặt, tự lo thì cứ tự lo, báo lại với ban phụ huynh sớm là đủ. Sau một lúc thì cô trưởng ban xông vào, lạnh lùng quyết rằng lần này chúng ta cứ đặt, sẽ có những lần sau cho bọn trẻ và bố mẹ tự làm. Rồi nói thêm là khuyến khích bạn nào muốn mang thêm thì cứ mang. Con buồn, mẹ bảo con cứ làm mang thêm đi thì con bảo như vậy không ăn được đồ ăn ở kia, lãng phí. Hai mẹ con trao đổi một chút về chuyện này, con nói con quá thất vọng với ban phụ huynh lớp này, con muốn chuyển lớp vì lớp 6E con có nhiều bạn từ cấp I học lên hơn. Rồi con bảo đồng phục lớp đó chất cực. Mẹ giải thích một hồi, và nói rằng suy cho cùng chuyện này chỉ là chuyện nhỏ, con thì nói thêm các bạn lớp con cũng có lỗi vì các bạn ấy không lên tiếng, rồi con kể giờ ra chơi ngắn, con chỉ kịp nói chuyện với vài bạn, có bạn nói ngay, nếu mà có ý kiến [đòi tự chuẩn bị và mang đồ ăn đi] thì còn bị bố mẹ mắng cho ý.
Cún rất cẩn thận, làm khảo sát hẳn hoi. Tờ giấy thì rõ là cẩu thả, chắc do ý nghĩ bất chợt. Các bạn trai còn được tặng mấy bông hoa bên cạnh vì tinh thần ham học hỏi :)

Thật không hiểu các phụ huynh nghĩ gì. Một mặt muốn con tự lập, khéo léo, làm được đủ mọi việc. Mặt khác, không khuyến khích con làm. Không biết rằng con mình muốn được chuẩn bị đồ ăn, dù đến tận trưa thì sẽ nguội, nhưng bọn trẻ chẳng quan tâm đến chuyện đó đâu mà sẽ vô cùng vui sướng khoe với nhau, mỗi đứa một món, nếm của nhau một thìa và cười đùa sung sướng. Đến cả khi được chỉ ra rõ con mình muốn điều gì rồi các vị vẫn chỉ khăng khăng theo ý mình. Haiza.

Cún buồn, kể với mẹ các bạn còn bảo nhau nếu tất cả không đi thì thế nào. Được cái trẻ con, vui đấy buồn đấy. Đến tối hôm trước khi đi tham quan cún quyết định vẫn sẽ làm xôi mang đi. Đến lúc này thì không kịp chuẩn bị năm màu làm xôi ngũ sắc nữa rồi, vậy nên cún chỉ có được 4 màu. Xôi trắng, xôi tím từ lá cẩm, xôi gấc và xôi xanh từ hoa đậu biếc.
Nồi xôi của cún trước khi lên bếp đây
Còn đây là hộp xôi con chuẩn bị để mang đi.
Ừ, mẹ có thể tự hào là mẹ luôn khuyến khích con học, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chả thế mà bây giờ mới 11 tuổi mẹ đã có thể yên tâm giao cho con nấu cả bữa cơm. Nhiều khi con cũng hét lên, mẹ không được so sánh con với người khác, mẹ không hiểu con. Mỗi lúc như vậy mẹ luôn suy ngẫm, tự hỏi mình đã làm điều gì chưa đúng và cố gắng điều chỉnh. Nhưng ít nhất thì qua việc này con cũng thấy rằng mẹ đã luôn khuyến khích, ủng hộ, luôn cố hiểu những suy nghĩ của con và làm bạn với con.
Con đi chơi vui nhé. Chuyện này suy cho cùng chỉ là chuyện nhỏ ý mà. Và cuối cùng con vẫn quyết định có một hộp xôi màu rất đẹp và ngon mang đi để ăn cùng các bạn. Mang đến cơ quan mời, ai cũng trầm trồ khen con khéo quá. Yêu con thật nhiều!


22 tháng 10 2017

To Continue or not to Continue

Năm 2008 mình đi học bên Anh về. Vật vã. Không còn hứng thú với công việc. Cả một năm đi học cũng chỉ là sự chạy trốn cuộc sống mà mình đã không còn tìm thấy niềm vui trong công việc. Cơ may đưa đẩy, mình apply được vào làm việc cho tổ chức của Bỉ với vốn kinh nghiệm làm dự án còn vô cùng ít ỏi. Bước khó khăn tiếp theo là không xin nghỉ ở trường được do mình bị một đôi ràng buộc nhỏ. Nhưng khi đó mình đã rất quyết tâm ra đi, chấp nhận bị kỷ luật đuổi việc sau khi tự bản thân đã bỏ được mấy tháng, mặc cho em giáo vụ bảo mình, chị cứ làm ở đó, ở đây em xếp cho chị chỉ 4 tiết một tuần thôi, chị vẫn có thể làm ở cả hai nơi được.

Mình đã có được 8 năm yên ổn với công việc khá thú vị và mình thực sự tin vào điều tốt đẹp của công việc mình theo đuổi. Thế rồi một ngày chẳng hề đẹp trời sếp báo văn phòng chuyển vào Đà Nẵng, mà hệ quả tiếp theo rất rõ – mình sẽ phải tìm việc mới. Loay hoay tìm việc, sửa lại CV cho phù hợp, viết cover letter. Số lượng đơn mình gửi đi đã khá nhiều mà hầu hết đều chẳng có hồi âm. Một nơi mình rất thích và được gọi phỏng vấn thì thật tiếc cho bọn nó không nhìn ra khả năng của mình nên chọn người khác. Công cuộc tìm việc thật chả dễ dàng gì. Haiza. Dù thế, trong lúc còn đang loay hoay với hàng mớ đơn không hồi đáp, khi chưa hết thời gian làm ở nơi làm cũ thì mình đã được mời đi làm ở một dự án khác, đúng lĩnh vực của mình, đúng điều mình có thể làm tốt, chỉ có môi trường, cơ chế là khác hoàn toàn.

Cho đến bây giờ khi mình đã chính thức làm ở đó được gần 4 tháng thì ý nghĩ bỏ việc cứ nhen nhóm trong lòng. Sếp quá tốt với mình, đồng nghiệp tốt, đặc biệt chị làm việc cùng team với mình rất dễ thương, hai chị em có thể chia sẻ khá nhiều điều không chỉ giới hạn trong công việc. Và mình cần tiền để nuôi con, mà trải nghiệm tìm việc mình đã có rồi, chẳng dễ dàng gì. Công việc ở đây thu nhập không tệ. Vậy nhưng mình không happy. Chỉ vì cơ chế làm việc. Nói với sếp ý định bỏ việc. Sếp chân thành giữ mình ở lại cùng những chia sẻ về kế hoạch trong tương lai hết sức hứa hẹn khiến mình lưỡng lự. Nhưng thêm một đôi sự việc nữa khiến mình thực sự tin mình không thể, và cũng không nên tiếp tục làm. Ừ, những giá trị trong cuộc sống của mỗi người rất khác nhau. Nếu cứ tiếp tục làm, mình sẽ không có được niềm vui trong công việc, mình sẽ luôn bực bội với bản thân, mình sẽ không thể tự hào kể về công việc của mình.

Chia sẻ với các con vấn đề của mẹ, Tuấn cười cười, mẹ cố đi làm đến năm con 19 tuổi đã. Mẹ tìm việc mới nhanh lên. Còn cún thì phụng phịu, con không muốn bị cắt giảm chi tiêu đâu. Và hôm qua, khi nói sau đây mẹ sẽ có thêm thời gian, Tuấn bảo bố mẹ cứ đi chơi đi, con sẽ đưa em đi học, còn em nấu nướng cho con ăn, bố mẹ đi thật lâu cũng được, miễn để tiền ở nhà cho bọn con. Haha, đề xuất của chàng không phải xuất phát từ tình cảm dành cho mẹ, muốn mẹ được nghỉ ngơi, mà đơn giản chàng nhìn thấy tương lai mẹ kèm chàng 24/24 ở nhà thì chàng ngán quá, nên tìm cách đẩy mẹ đi để được tự do.

Thật may mắn mình có được sự động viên, ủng hộ của bố mẹ. Mẹ bảo, con thấy mệt quá thì nghỉ đi. Và như thể lo mình thiếu tiền, tuần nào mẹ cũng gửi đủ thứ rau quả để mình đỡ phải mua. Chị cả cũng kể chuyện chị nghỉ việc năm mới ngoài 40 do kiên quyết không muốn làm điều mà chị tin là không đúng, dù đối với chị khi đó tiền nong là một vấn đề cần lo nghĩ, chắc chắn nhiều hơn so với mình phải lo nghĩ ở thời điểm bây giờ.

Sau bao cân nhắc, mình đã quyết. Và sáng nay, cuộc trò chuyện ngắn với một người bạn mình mới được giới thiệu đã tiếp thêm cho mình sự dũng cảm. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa kia sẽ mở ra. Đôi lúc mình cũng cần dũng cảm bước ra ngoài vùng an toàn chứ nhỉ. To continue or not to continue? Câu hỏi thật không dễ đưa ra câu trả lời. Nhưng mình tin là mình đã lựa chọn đúng.

20 tháng 9 2017

KHI MẸ CÓ NHÀ_02

Vừa mấy hôm trước một người bạn đưa lên facebook tấm ảnh với dòng chú thích đại để chúng mình ở cùng bạn đêm nay, uống chén rượu nhạt rồi mai âm dương cách biệt. Dù uống chén rượu nhạt nhưng tất cả mọi người trong tấm ảnh đó đều có bộ mặt hết sức hớn hở. Mình bảo chị đồng nghiệp, với bức ảnh này hoàn toàn có thể chú thích, may quá, cậu ấy chết nên bọn mình được ngồi uống rượu với nhau, ặc ặc. Câu chuyện liên quan là em trai mình vào viện. Chẳng phải ốm đau nặng gì lắm nhưng việc cần phải thế, và đó cũng là lý do để ông bà ở với nhà mình, lâu nhất từ trước tới giờ, đã được chục ngày và có lẽ phải cả chục ngày hoặc thậm chí hơn nữa để thường xuyên qua lại thăm con trai. Hôm qua trong bữa ăn mình đùa, may quá cậu ở viện nên ông bà ở với nhà mình lâu. Đúng vậy, thường mỗi khi về Hà Nội thăm họ hàng hay về quê ông bà thường chỉ ở nhà mình vài ngày, lâu lắm cũng chỉ 1 tuần là cùng. Mà ông bà nhiều tuổi, mình luôn tự nhủ lần gặp nào cũng hoàn toàn có thể là lần cuối nên mỗi khi được ở bên ông bà với mình luôn là niềm vui.

Mỗi khi ông bà ở với bọn mình sẽ luôn có một vài đảo lộn nho nhỏ. Đầu tiên là việc phân công công việc. Bà lúc nào cũng bảo, mẹ ở nhà có việc gì đâu, để mẹ làm cho chân tay vận động. Vậy là bà loay hoay dọn dẹp dù mình đã có người đến dọn nhà cửa tuần 2 lần. Bà rửa bát các bữa tối cho Tôm gần hết cả tuần. Cún hỏi, tuần sau bà vẫn còn ở đây à và sung sướng hét lên Yeah! (Chả là hai anh em được phân công mỗi người một tuần). Tất nhiên mẹ xông vào làm cùng bà, còn bà thì nói nhỏ, thôi con ra đi không chúng nó tỵ bà không công bằng. Tôm cười khoái chá, tuần sau nữa bà vẫn ở đây nhá (vì tuần sau nữa lại đến lượt Tôm rửa) nhưng bà cười bảo, thôi nốt tuần của em Dương rồi các con tự rửa. Mấy hôm đầu mới xuống nhà mình, bữa cơm chiều bà cũng toàn tranh đặt, về sau bố mẹ phải can thiệp để bà chỉ nhắc Tôm thôi chứ không làm hộ.

Mình đi làm cả ngày, sáng chỉ kịp lo cho cả nhà, còn việc ăn uống của ông thì bà bảo cứ để đấy mẹ lo, mẹ quen rồi. Bữa chiều bà cũng chuẩn bị rau, ướp thịt, mình về chỉ làm tý nữa là xong. Việc khó khăn đối với bà là chiếc bếp từ. Còn nhớ hồi năm 2015 khi hai vợ chồng đi Bắc Kinh, bà xuống trông nhà cho mình một tuần. Trước khi đi mình dán tờ giấy ghi chữ to lên khoảng tường, chỉ dẫn bấm nút thứ mấy từ bên nào sang… Mắt bà kém, các nốt trên bếp từ hoàn toàn nốt chìm mà màu lại không rõ. Có các cháu ở nhà thì bà gọi bọn trẻ bật giúp, còn nếu không bà sẽ loay hoay, đặt ngón tay chỗ này không được lại di chuyển sang chỗ khác. Hôm qua mình phì cười thấy bà có vẻ lấy hết sức ấn ngón tay rất mạnh lên một chỗ nào đó. Mình bảo­ mẹ ơi chỉ cần đặt tay vào đó nhẹ nhàng là đủ, không cần mạnh đâu ạ.

Bữa cơm tối là khoảng thời gian thật đầm ấm. Bà luôn ngồi cạnh để gỡ thịt, gỡ cá, gắp thức ăn cho ông. Bạn Cún và Tôm ngày trước đánh nhau như chó mèo, gần đây bỗng trở nên thân thiết một cách kỳ lạ. Bây giờ Cún chuyển sang ngồi cạnh anh Tôm, hai anh em trêu chọc nhau suốt bữa ăn nhưng không phải kiểu ngày xưa để Cún phải hét lên kèm theo nước mắt mà là kiểu trêu chọc cười đùa, rồi có khi Cún còn chọc tay vào anh đến mức vừa cách đây vài hôm làm đổ cả cốc nước trên bàn (may thế không phải bát nước canh!) Câu chuyện tối qua là bây giờ Tôm đi dạy thêm, có thu nhập rồi, nên cho em Cún mỗi tháng một khoản tiền tiêu vặt. Tôm bảo vậy anh cho em 1.000 nhé. Mẹ và bà phân tích một hồi thì chàng đồng ý từ giờ mỗi tháng cho em 50k tiêu vặt, nhưng bố mẹ vẫn cho chàng tiền đổ xăng, và câu kết của chàng là, thôi con lấy tiền bố mẹ cho để đổ xăng đưa em luôn, ặc ặc. Tôm có kế hoạch sau khi ra trường thì sang Nhật làm, mẹ bảo ừ khi đó anh sẽ giúp mẹ nuôi em, chăm em vì Cún cũng mơ ước đi du học Nhật Bản. Tôm tỉnh bơ, không, trẻ em cần phải được khuyến khích tự lập sớm, như con cũng cố gắng tự lập sớm đấy thôi, mẹ phải để em tự cố gắng chứ, kaka.

Từ hôm ông bà về, Tôm di chuyển lên phòng em, cùng chia nhau với em chiếc giường tầng, anh tầng hai, em tầng một. Tối qua trời hơi oi, mẹ bật điều hòa và hỏi hai anh em có muốn trải đệm ngủ trong phòng bố mẹ. Tôm bảo để con bàn với em xem thế nào rồi con sẽ nói với mẹ, có thể bọn con sẽ cho mẹ một niềm vui vì vinh dự mới được ngủ cùng phòng với chúng con 😊. Câu trả lời cuối cùng của hai anh em là No vì hai anh em vẫn thích chia nhau chiếc giường tầng trên tầng 3 hơn. Oai. Mẹ mừng. Từ bao giờ mà hai anh em đã đoàn kết thế. Chẳng bù cho cách đây chưa lâu, em cún còn bảo, anh Tuấn chẳng yêu con.


Lâu lắm rồi mình mới được ở bên ông bà khoảng thời gian dài thế này. Về nhà là nhìn thấy ông ngồi ở ghế bảo con đã về à. Gọi điện về chỉ cần nghe bà nói mẹ đây con đã thấy ấm áp trong lòng. Và việc ông bà ở đây còn làm hai anh em thân thiết nhau thêm nữa chứ. Như thế này thì cậu em cứ ở viện lâu thêm chút nữa cũng không sao!
Bữa ăn mà bà cũng trêu ông, để ông cười thật vui
Và mỗi khi cậu cháu tập đàn ông lại vô cùng sung sướng nằm ở ghế nghe và ngưỡng mộ cậu cháu :)

10 tháng 9 2017

ĐẾN LƯỢT CON GÁI NỔI LOẠN


Có vẻ như Tôm đang dần ra khỏi cơn nổi loạn tuổi dậy thì, hoặc đơn giản bố mẹ biết cách đối đầu với giai đoạn này hơn nên gần đây Tôm đã có nhiều biểu hiện khiến mẹ an lòng. Trong bữa ăn chàng luyên thuyên nhiều hơn, trêu chọc mẹ và em. Chàng ít khóa cửa phòng hơn trước, rồi buổi tối hay sang phòng bố mẹ nằm một lúc, duỗi dài người cho mẹ xoa lưng. Chàng luyên thuyên rất nhiều về dự định của mình, vẫn cương quyết đến 19 tuổi con sẽ kiếm đủ tiền để sống riêng nhưng khi mẹ dỗ dành cứ ở lại với bố mẹ rồi tiền kia để dành mua căn hộ của riêng mình thì chàng có vẻ hứng thú lắm.

Cún thì ngược lại, đang dần bước vào giai đoạn khó khăn. Vẫn ngọt ngào, ý thức việc học, ít để bố mẹ phải nhắc nhở nhưng con gái cũng thường xuyên bật lại bố mẹ. Gọi con là cún từ xưa đến giờ, năm ngoái con bắt đầu nhăn mặt, rồi có hôm hét lên, mẹ đừng gọi con là cún nữa, mất mặt con lắm, thế nhưng mẹ chẳng dễ dàng thay đổi được thói quen đã hình thành hơn 10 năm nay. Anh Tuấn cười cười, mẹ gọi em là chó ý, chó có nghĩa là cún lớn, ặc ặc. Còn hôm nay con tuyên bố chắc nịch, mẹ đừng gọi con thế nữa, nhà mình không có ai tên như thế cả, nếu mẹ gọi như vậy con coi là mẹ nói nhảm. Ha ha, chắc mẹ phải tập bỏ thói quen này thật rồi.

Đã từ khá lâu con cương quyết không cho mẹ chụp ảnh. Việc quay video những bản đàn của con cũng không được. Thỉnh thoảng thấy mẹ giơ máy con lập tức quay mặt đi, rồi bảo mẹ sống ảo quá đấy, mẹ cần đi trại cai nghiện, rồi là con sẽ tôn trọng con con, con không làm như mẹ... Sáng nay dỗ dành mãi mới cho mẹ chụp bàn tay con đang tập đan.

Năm ngoái con bảo mẹ còn hơn bạn thân ấy chứ, chuyện gì cũng chia sẻ. Bây giờ con nói rõ, mẹ là mẹ chứ không phải là bạn con. Con bảo, gu âm nhạc của con và mẹ khác nhau, ăn mặc cũng khác nhau, sở thích cũng khác nhau, không thể là bạn được. Con bắt đầu hay đóng cửa phòng, khóa trong hẳn hoi, nhiều khi chỉ đơn giản để ngồi trong phòng đọc sách. Dù vẫn thích đi cùng mẹ nhưng đã có lúc con từ chối để được ở nhà một mình.

Giống anh Tôm ngày trước, con tránh không cho mẹ ôm ấp, động chạm vào con cũng không được. Ngồi sau xe mẹ con không còn ôm mẹ như ngày trước nữa. Thỉnh thoảng mẹ nói giọng âu yếm với con thì con bảo, mẹ nói giống hệt bọn bắt cóc trẻ em, ặc ặc. Và cãi lại hầu như bất cứ điều gì mẹ nói.

Ôi trời, vừa dính chưởng con trai, hơi hồi sức một chút và bây giờ lại chuẩn bị để chiến đấu với con gái đây. Cuộc chiến tuổi dậy thì chưa bao giờ là dễ dàng. Hy vọng những kinh nghiệm bố mẹ có được với anh Tôm giúp bố mẹ vượt qua cuộc chiến lần thứ hai dễ dàng hơn.


31 tháng 8 2017

CON TRAI VÀ TÀI CHÍNH VI MÔ_02

Con trai ham kiếm tiền từ nhỏ, chuyện này thì mẹ đã viết một lần từ lâu rồi. Vào những năm lớp 8-lớp 9 đầy khó khăn, có hôm con hầm hầm bảo mẹ, con mong sớm được đi khỏi cái nhà này sống tự do một mình. Mẹ bình tĩnh nói, mẹ cũng mong con sớm tự lập, kiếm được tiền và sống riêng. Lâu nay dù, mối quan hệ chưa thể gọi là ngọt ngào nhưng đã dễ chịu hơn nhiều thì con vẫn giữ vững quan điểm “19 tuổi con sẽ kiếm đủ tiền để sống riêng”. Mẹ hỏi con có biết cần bao nhiêu tiền để sống riêng không thì chàng trai bảo con tính toán hết rồi, tối thiểu cần 4 triệu, còn nếu như con muốn thì khoảng 9-10 triệu.

Khi con vào lớp 9 dì Thu nhờ con kèm đàn em Tôm, mỗi buổi trả con 50k. Vậy là con kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng dậy đàn. Chẳng nhiều nhặn gì nhưng mỗi tháng 200k cũng đủ cho con tiêu vặt, không xin mẹ tiền mua gói bim bim, dù rằng đi chơi với mẹ thì vẫn xin mẹ như thường.

Đầu hè năm nay con tuyên bố con muốn kiếm nhiều tiền hơn, muốn có thêm học sinh. Tuy vậy công cuộc tìm kiếm học sinh tỏ ra chẳng dễ dàng. Con bắt đầu hiểu ra rằng phải quảng cáo bản thân và mẹ thì nói ai cũng có thể là khách hàng tiềm năng vậy nên con luôn phải có vài ba bản nhạc đánh tốt và bất cứ khi nào bố mẹ nói đánh đàn cho ai đó nghe thì không được từ chối. Con gạ gẫm dạy cho em Việt Hà và Bi nhà chú Thắng và chú Hải. Các em đã đồng ý nhưng sau một chuyến đi nghỉ ở quê con trêu em Việt Hà sao đó mà em từ chối không học cùng anh Tuấn nữa. Bố mẹ nhắc con bài học về phương pháp sư phạm, dạy trẻ con phải là dỗ trước rồi dạy sau. Ít hôm sau bố đưa con sang nhà một người bạn có cậu con trai bằng tuổi em cún nhà mình. Con tỏ ra rất người lớn, chơi cùng em rất vui vẻ và đến cuối buổi đó em tuyên bố con thích học cùng anh Tuấn. Khi chú hỏi con lấy học phí thế nào, con bảo cháu không quan trọng chuyện đó, cháu dạy trước hết để cháu cũng cố gắng hơn, kaka. Về nhà bố khen mãi, bảo ăn nói như người lớn, làm bố mát mặt với con quá. Đi dạy buổi đầu tiên về con rên rỉ, con gửi xe mất 5k mẹ ạ và cứ nhấn đi nhấn lại, 5% đấy mẹ ạ. Mẹ phì cười bảo thôi để mẹ chịu cho vụ gửi xe.

Như vậy là đến cuối hè năm nay con đã có 2 học sinh đều đặn, mỗi buổi 100k. Tháng này con được trả 800k. Em Bi cũng đã bắt đầu học buổi đầu tiên. Dự tính sau đây mỗi tháng con sẽ kiếm được khoảng hơn 1tr. Mẹ tuyên bố bây giờ con lớn rồi, các khoản đi chơi với bạn, tiền gửi xe, tiền xăng (vì bố mẹ sắp mua cho con xe phân khối dưới 50 để đi học cho thuận tiện) con sẽ tự lo. Chàng trai của mẹ bắt đầu tính toán và xót khi nghĩ đến tiền xăng, bảo hôm nào đi dạy em Tôm con vẫn đi xe đạp điện thôi, vừa đỡ tốn xăng mà không mất tiền gửi 😊. Chàng trai cũng đã mở tài khoản ngân hàng và mẹ dặn dò con luôn cố gắng gửi 2/3 số tiền con kiếm được mỗi tháng.

Chàng trai tính toán rất rõ ràng. Âm nhạc là thú vui, nghề nghiệp là lập trình. Và rất khoái chí với lựa chọn của mình, bảo đấy con biết tính toán nên con học nhàn. Con chỉ lười học môn con không thích chứ cái gì con thích con sẽ học tốt. Chàng trai cũng tính vài năm nữa con đi dạy đàn sẽ được 200k/buổi. Rồi khi học xong FPT, lương khởi điểm của con sẽ được khoảng 7-8tr. Cứ như thế này thì đến năm 19 tuổi đúng là chàng trai có thể kiếm đủ tiền ở riêng thật. Mẹ dỗ dành, con cứ ở với bố mẹ, rồi tiền lẽ ra tiêu để thuê nhà, sinh sống thì nên dành dụm, vài năm con có vài trăm triệu thì bố mẹ hỗ trợ rồi con vay thêm ngân hàng mua căn hộ.

Suốt hai năm vật vã với con bây giờ mẹ mới bớt lo phần nào. Có vẻ như con đã tìm được con đường của mình. Dù thế, mẹ biết con đường vẫn còn đầy khó khăn. Mà là người mẹ, liệu có lúc nào cất được hoàn toàn nỗi lo đâu nhỉ. Anyway, chúc mừng con trai nhé. Cứ vui sướng, cứ dành dụm những đồng tiền đầu tiên của con, con sẽ biết trân trọng hơn cả những đồng tiền bố mẹ dành dụm cho các con. Yêu các con rất nhiều!
Nghệ sỹ của mẹ đây. Mẹ thì thấy đầu tóc con khiếp quá nhưng mấy người bạn thì toàn khen trông rất đẹp, ặc ặc

26 tháng 8 2017

TUỔI 11 CỦA CON GÁI

Nhận lời dịch cuốn sách về Columbus, khoảng hơn tháng cuối mẹ ôm máy tính triền miên, đến mức không cách gì dành ra được một tiếng viết bài cho ngày sinh của con. Ơn zời, giờ thì bản thảo đã được gửi đi. Trong lúc chờ con học đàn, mẹ không còn phải miệt mài đọc, tra cứu nữa mà có thể thư giãn ngồi viết một entry với bao điều muốn lưu lại cho con gái.

Từ khi 10 tuổi sang 11, con đã trải qua những thay đổi thật rõ rệt. Một ngày nào đó mẹ giật mình nhận thấy so với anh Tuấn con cao nhanh hơn hẳn. Khi 11 tuổi rưỡi anh Tuấn mới chỉ cao đến khoảng giữa cằm và môi mẹ, còn con gái chưa tròn 11 tuổi đã cao ngang mắt mẹ. Người cũng bớt gầy, trông đã bắt đầu có nét tròn trịa thiếu nữ, miệng cười thì xinh ơi là xinh, trán bắt đầu lấm tấm những mụn trứng cá của tuổi dậy thì.

Dù vẫn luôn là đứa trẻ hết sức ngọt ngào, mềm mại, giờ đây con còn bộc lộ thêm những nét nữ tính vô cùng đáng yêu khác. Con yêu thích công việc nấu nướng. Con chủ động đọc, tìm hiểu, đòi mẹ mua lò nướng, các thiết bị cùng nguyên liệu để con tập làm bánh. Đưa con đi học làm bánh ở Bee Mart, các chị hỏi mẹ, chị học à, mẹ cười, chị chả cần học, chị có con gái học rồi, ai cũng ngạc nhiên và ngưỡng mộ con lắm. Con có thể đeo tạp dề ở trong bếp cả buổi, tập làm những món mà mẹ vốn không ăn được nên cũng chả làm bao giờ như gà rán phô mai, phô mai que… Cứ như vậy, từ lúc nào con đã hết sức thành thạo, tự chăm sóc được bản thân và cả anh Tuấn nữa. Để hai anh em ở nhà, mẹ rất yên tâm vì biết con đã biết dùng dao thành thạo, rang cơm rất ngon, rồi thậm chí ướp và rán sườn, rang thịt, làm trứng đúc thịt, luộc rau,… Có hôm đi làm về, mẹ kêu mệt, con đang nấu nướng, mẹ định làm cùng con, con ấn mẹ ngồi lại xuống ghế và hoàn toàn một mình chuẩn bị đến tận lúc đặt các thứ lên mặt bàn làm mẹ cảm động quá.

Bố đi vắng, con tự nhận trách nhiệm buổi tối xách giỏ quần áo lên tầng cho vào máy giặt rồi sáng lên phơi.  Đôi lúc con cũng nhường nhịn, rửa cho anh Tuấn một bữa bát mà không tỵ nạnh gì. Thỉnh thoảng mẹ cười cười bảo hai con, mẹ trồng cây đã đến ngày hái quả. Con bảo, mẹ hái quả non quá đấy 😊.

Tuổi 11 con đã lớn hơn rất nhiều. Con ý tứ hơn hẳn. Biết mẹ mới chuyển công việc, chưa được trả lương, con giảm bớt hẳn mọi đòi hỏi. Có khi thấy anh Tuấn đòi mẹ mua này nọ con còn nhắc anh, mẹ chưa có lương đâu đấy. Con tự tìm hiểu thông tin, kể bao điều khiến mẹ ngạc nhiên, mẹ hỏi sao con biết, con ranh mãnh cười, con đọc. Con trở nên say mê văn hóa Nhật Bản và mơ ước sau này sẽ đi du học Nhật, sẽ làm chủ chuỗi nhà hàng sushi. Thật may năm nay con được vào lớp học tiếng Nhật. Đi học những buổi đầu tiên về con đã viết mấy chữ Nhật lên bảng rồi thực hành nói vài câu chào hỏi đơn giản một cách vô cùng dễ thương.

Con gái đến tận giờ lúc nào cũng luôn ngọt ngào vô cùng. Dù vậy mẹ vẫn đang nín thở chờ tuổi nổi loạn của con. Đã có kinh nghiệm từ anh Tuấn, hy vọng mẹ sẽ cùng con vượt qua tuổi đó một cách nhẹ nhàng hơn. Mẹ con mình cùng nhau tạo nên những ký ức đẹp đẽ cho con nhé. Yêu con vô cùng!


25 tháng 8 2017

CON TRAI TRỞ THÀNH SINH VIÊN FPT :)

Thời kỳ nổi loạn của con trai làm bố mẹ hết sức đau đầu. Hiểu rất rõ rằng chẳng thể ép con, mẹ luôn tìm mọi cách để con dung hòa giữa những yêu cầu của bố mẹ và niềm yêu thích của con. Ngay từ khi còn học lớp 7, thấy con tỏ vẻ thích học Tin, mẹ đã gạ gẫm hay mẹ tìm ai đó dạy thêm cho con về Tin và máy tính. Con đồng ý. Mẹ tìm được một anh sinh viên đến học với con mỗi tuần 1 buổi. Anh cho con tháo máy ra, cùng con lắp, cùng con học những bước đầu tiên của lập trình cơ bản.

Lên lớp 8 con càng nổi loạn nhiều hơn, kết quả học Toán Văn vô cùng tệ trong khi riêng môn Tin con lại khá hơn hẳn, học đội tuyển thi học sinh giỏi cùng các anh chị lớp 9. Lớp 9 tình hình càng tệ hơn. Con chống đối nhất định không học Toán và Văn, thẳng thừng trả phiếu bài tập cho cô giáo nói em không làm, giờ thì Văn con thản nhiên ngủ không thèm làm bài. Riêng môn Tin thì con yêu thích và học khá, đến mức được đi thi học sinh giỏi cấp Quận và lọt qua cấp Quận vào được vòng thi học sinh giỏi cấp thành phố. Dù vậy, đến phút cuối con không được đi thi vì con không được học lực khá, điểm Toán Văn quá quá tệ, còn chả được trên trung bình. Vụ này mẹ rất phẫn nộ nhưng tất nhiên chẳng thể làm gì.

Lo lắng, không biết phải làm gì, có những lúc mẹ van nài con trong nước mắt, nếu không học thì sau này tương lai con sẽ thế nào. Con cứng rắn trả lời, con biết rõ con muốn gì. Ai bảo mẹ không cho con vào Nhạc viện từ đầu học văn hóa trong đó luôn. Một hồi rồi bố mẹ cũng chấp nhận con không thi vào trường cấp III nào cả mà sẽ học cấp III trong Nhạc viện. Quyết định xong như vậy, cuộc sống của con trở nên vô cùng nhẹ nhõm. 20/4 thi xong môn thi cuối kỳ, con bắt đầu ở nhà, chỉ tập đàn và tuần đôi lần học đàn tại Nhạc viện.

Con luôn thúc giục, mẹ tìm lớp cho con học lập trình đi và đôi lúc bảo mẹ, con sẽ là sinh viên Nhạc viện đầu tiên học Đại học FPT. Mày mò một hồi, may quá mẹ tìm được khóa Cao đẳng Thực hành của FPT. Gọi điện hỏi rồi đến tận nơi tìm hiểu kỹ hơn, con tỏ vẻ thích lắm và muốn đi học ngay sau dịp nghỉ hè. Thế mà sau khi đăng ký cũng phải thêm nửa tháng nữa mới có lớp cho con học. Thế là con đã thành sinh viên thật rồi. Chàng trai của mẹ giờ đã cao hơn bố, gầy như cái dây chun giãn dở, đầu tóc bù xù như tổ quạ, nhưng luôn được khen là giống nghệ sỹ.

Đi học buổi đầu tiên về con hào hứng kể mẹ nghe bao điều. Chương trình học thú vị lắm mẹ ạ, ghi rõ từ giờ đến cuối kỳ thế nào, có cả đi nghỉ đấy, mùa đông thì đi Sapa, mùa hè thì đi biển. Chàng bảo, toàn những thứ con học rồi, dễ lắm. Lớp con có rất nhiều người chẳng biết lập trình là gì, đi học vì thấy bảo ngành này dễ xin việc mẹ ạ. Sau buổi học đầu tiên ra khỏi lớp có anh chị bảo chả hiểu gì cả, rồi chiều hôm đó có anh hỏi bài con mẹ ạ. Chàng cười ranh mãnh, mẹ thấy chưa, con đi đường tắt. Đúng thật, trong khi các bạn đang học cấp III thì chàng vừa học cấp III ở Nhạc viện, vừa học đàn và học thêm lập trình. Ước mơ là sinh viên Nhạc viện đầu tiên học Đại học FPT của con đã có vẻ rất gần. Mẹ cười trêu, con còn là sinh viên FPT đầu tiên học Nhạc viện nữa chứ.

Cố gắng tìm hiểu những điều phù hợp với con, một hôm mẹ tìm được khóa học Introduction to Game Development, một khóa học online ngắn, vỏn vẹn 4 tuần, của Đại học Michigan, học bằng tiếng Anh. Dụ dỗ con thử và con đồng ý. Tuần đầu học thử mẹ ngồi cùng con vài tối, không ngờ tiếng Anh của con khá thế, có những bài con làm vèo vèo, có những bài khó hơn nhưng nhìn chung là vượt qua được. Mẹ mừng quá và con cũng rất thích thú với khóa học. Kết quả là con thiết kế được 2 game trên máy của mình và một chứng chỉ đã hoàn thành khóa học mà khi mẹ khoe cô Sarah cũng ngạc nhiên, nó hiểu hết khóa học cơ à 😊


Chúc mừng con trai của mẹ. Giờ thì mẹ tin mẹ con mình đã tìm ra con đường của mình rồi. Chàng trai mới 15 tuổi của mẹ đã trở thành sinh viên, mà mẹ thì luôn chúc con sẽ là ngôi sao sáng trong lớp. Cố lên con nhé! Để thực hiện mục tiêu 19 tuổi kiếm đủ tiền để tự lập sống riêng chứ nhỉ.
Chúc mừng con trai với thành quả của mình!


21 tháng 6 2017

NGÀY LÀM VIỆC CUỐI CÙNG

Vậy là đã đến ngày làm việc cuối cùng của mình ở văn phòng này, nơi mình đã gắn bó tới gần 8 năm. 8 năm, một đoạn đường so với mấy chục năm đi làm thì chẳng phải là dài nhưng cũng không hề ngắn. Mình nhớ những ngày đầu mới đi làm ở đây, cái cây lộc vừng dưới sân còn bé lắm, chỉ cao hơn đầu mình một chút, vậy mà bây giờ nó đã thành một cây xum xuê, bóng rợp mát một khoảng sân, những chùm nụ mấy hôm nay buông tha thướt từ vòm lá mướt xanh mùa hè.

Mình bắt đầu đi làm ở đây khi 37 tuổi, tất nhiên không hề còn trẻ và cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm trong công việc, vậy nhưng chắc chắn mình đã học thêm được rất nhiều điều, cả về công việc lẫn cuộc sống. Những mối quan hệ ở văn phòng phần lớn là tốt đẹp nhưng chẳng tránh khỏi đôi lúc có những điều nho nhỏ chẳng được như ý. Dù vậy, đến giây phút này đọng lại trong mình chỉ là rất nhiều những kỷ niệm đẹp. Bọn mình đã cười đến vỡ bụng với màn ghép từ của mấy cậu đồng nghiệp người Zimbabwe thành bài nhạc rap trong seminar năm 2013. Màn trình diễn múa nón của tụi mình trên sân khấu ‘’cuốc tế” cũng vào năm đó đến tận bây giờ vẫn còn được nhắc đến. Rồi còn biết bao những chuyến đi khác mà mỗi chuyến đi sẽ là cả một câu chuyện dài.

Ngồi viết lá thư chia tay, đầu tiên là cho mọi người ở văn phòng Việt Nam, rồi sau đó là Hội sở và các đồng nghiệp ở những nước khác, mình không tránh khỏi cảm giác buồn buồn. Những lá thư đáp lời càng gợi lại cho mình biết bao kỷ niệm. Cậu đồng nghiệp ở Campuchia còn gửi cho mình một tấm ảnh từ năm 2014, khi mình sang văn phòng bên đó công tác. Cả buổi chiều nhận bao nhiêu thư chia tay và đáp lời. Những người không yêu quý mình hay đơn giản chẳng có ấn tượng gì về mình đương nhiên im lặng, còn những đồng nghiệp khác dành cho mình rất nhiều lời đẹp đẽ làm mình thấy trong lòng ấm áp. Dù không hề khéo léo, mình tin mình đã rất chân thành và luôn cố gắng supportive với mọi người.

Một chặng đường khép lại. Thêm một chiếc bàn trống để lại sau lưng và chỉ cuối tuần sau thôi thì kể cả cái phòng này của tụi mình cũng sẽ được trả lại cho nhà khách và chắc chẳng mấy chốc sẽ có một đơn vị nào đó thuê. Rồi bất chợt một hôm nào đó có đến đây, bước chân lên tầng 3 mình cũng chẳng thể ngó vào để tìm lại cảm giác quen thuộc của những ngày xưa cũ.

Tạm biệt nhé! Khép lại một chặng đường, như con tàu đã đến cảng, để rồi lại lên đường đến những bờ bến mới. ‘’Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ/Nhưng không phải là điều tôi luyến tiếc.’’ Biết đâu sau này mình sẽ cảm ơn văn phòng chuyển vô Đà Nẵng để mình có cơ hội thay đổi công việc, làm những điều khác đi trong cuộc sống này.

TRỞ LẠI MIỀN TRUNG

Lần đầu bố mẹ đưa các con đến miền Trung là chuyến đi cùng ông bà vào mùa hè năm 2010, khi ông còn khỏe mạnh. Trên đỉnh Bà Nà, ông nói nhất định phải trở lại đây khi người ta xây xong khu làng Pháp. Tuấn khi đó còn bé lắm, mới 8 tuổi, vẫn rất say sưa với những trò trẻ con, cầm máy ảnh chụp bức ảnh minh họa cho ngôi làng Pháp trong tương lai, bảo để bố mẹ khỏi quên. Thế rồi những năm sau đi nơi khác, tiếp theo là sức khỏe ông kém, không đi xa được nữa, nhà mình chưa có dịp tất cả quay lại nơi này cùng nhau.

Mẹ và em cún vừa có chuyến đi Hội An vào tháng 10 năm trước, nhưng để đi tắm biển thì Đà Nẵng vẫn là lựa chọn hợp lý và Tuấn cũng đồng ý, vậy nên cuối cùng nhà mình đã chọn Đà Nẵng, Hội An làm điểm đến cho chuyến đi hè này. Phút cuối có thêm chị Thảo tham gia nữa, thêm một đồng minh cho hai anh em trong chuyến đi.

Mẹ kết hợp đi công tác nên vào Đà Nẵng từ thứ Ba. Thứ Năm bố cùng các con và chị Thảo bay vào sau. Chuyến bay sớm nên vẫn kịp đưa các con lên bán đảo Sơn Trà ngắm thành phố và biển. Chiều thứ Năm trời hơi mưa. Từ nơi hội thảo mẹ gọi về hỏi mấy bố con đi tắm chưa, bố bảo đang mưa, mẹ phì cười, ra biển thì mưa nắng khác gì nhau, đằng nào chẳng ướt hết. Cuối cùng thì tạnh mưa một lúc, tối mịt mới lôi được hai anh em lên khỏi biển, và việc đó lặp đi lặp lại, lần nào đi tắm biển cũng vậy, đã xuống biển thì rất khó lôi các con lên. Trước khi xuống tắm biển có một bạn gái chào Tôm bằng tiếng Hàn, tất nhiên là chàng không hiểu gì, chỉ hơi đoán, mặt lạnh te còn em cún thì biết ngay. Lát sau thấy Tôm trò chuyện với chị Thảo và em cún, bạn kia buột miệng, Ơ hóa ra người Việt. Cún kể rồi chua thêm với mẹ, lạnh lùng là phong cách của sao Hàn. Ặc ặc.

Ngày tiếp theo mẹ vẫn phải đi làm còn mấy bố con đi chơi Bà Nà. Chị Thảo sung sướng gửi tin nhắn bảo đẹp lắm dì ạ. Còn hai anh em thì khỏi nói, mê mải chơi các trò đến mệt nhoài, dù cún vẫn bảo không bằng Disneyland. Đương nhiên 😊.

Trở lại với Hội An cún náo nức vô kể. Cún nhất thiết phải nghỉ lại ở Tea Garden Homestay mà lần vừa cách đây hơn nửa năm hai mẹ con đã ở. Lần này họ đã có thêm restaurant ngay bên ngoài, ăn uống khá ngon và giá cả cũng hết sức phải chăng. Rồi cún đòi đưa cả nhà đi ăn ở Secret Garden, cái quán sang chảnh mà lần trước hai mẹ con đã ngồi. Buổi tối cuối cùng ngồi ở một quán cà phê trên tận mái của số nhà 66 Nguyễn Thái Học là một trải nghiệm vô cùng thú vị khác. Hai chị em, dù rằng vừa ăn tối xong vẫn nhiệt tình gọi món bánh xèo hoa quả, để rồi sau đó à lên bảo, ôi chẳng qua chỉ là bánh kếp cho hoa quả vào bên trong.
Vừa đến homestay hai chị em đã post ngay rồi

Đi thuyền đêm trên sông Hoài
Có chị Thảo làm đồng minh, con đòi đi chơi phố riêng với chị, cả đi dạo phố đêm và giữa trưa cho vắng
Rời Hội An vào giữa trưa, sau khi đã ăn xong, cả nhà lên xe đi Tam Thanh. Con đường nắng, vắng ngắt, vì mới được mở xuyên qua các khu rừng hoang nên không có nhà cửa. Vun vút qua bên ngoài ô cửa là những trảng đất đặc trưng của miền trung khô cằn, cây lúp xúp, đẹp mà đầy nhọc nhằn. Có những đoạn xe chạy dọc theo những bãi cắt trắng tinh khôi mà Cún đã say mê nghịch đến thế nào trong chuyến đi lần đầu vô đây. Mẹ rủ mấy anh em xuống nghịch cát nhưng nắng quá, chẳng bạn nào muốn.     
Biển xanh ngắt dưới ánh nắng ban trưa
Đến bờ biển Tam Thanh vào tầm hơn 2 h chiều, cả mấy chị em ồ lên bảo mẹ ơi ở lại đây thêm đi. Bãi biển hầu như không một bóng người, làn nước dưới ánh mặt trời rực rỡ xanh ngăn ngắt. Khu Resort cạnh bãi biển khá đẹp, sang chảnh. Chả bạn nào thiết tha gì làng bích họa, mẹ phải dùng kỷ luật để 4.30 lôi các con lên xe đi đến làng bích họa một lát.
Những tấm cột chỉ đường mới được dựng gần đây
Những chiếc thuyền mới được thêm vào ngôi làng bích họa
Đời không như là mơ. Đến lúc 5h thì bãi biển đã không còn vắng ngắt ngơ nữa. Resort không có bãi tắm riêng mà vẫn sử dụng bãi tắm chung. Tuy thế, đây không phải là khu du lịch nổi tiếng nên khách du lịch rất ít, chỉ toàn dân địa phương nên bãi tắm vẫn vắng tương đối so với hầu hết mọi nơi khác. Buổi đi tắm biển cuối cùng để mai về rồi. Mẹ nhắc các con tận hưởng vì cả năm nữa nhà mình mới lại đi biển.

Bữa tối cuối cùng ở một nhà hàng bên bờ biển cả nhà ăn uống nhiệt tình. Mà chả mấy bữa trong chuyến đi các con không yêu cầu món cơm rang dù mẹ luôn tìm các quán và món đặc sản ngon cho cả nhà. Ôi, đỡ cho mẹ quá 😊. Cún bảo con phải ăn ít thôi không lại như chị Thảo. Chị Thảo lườm, bảo chị béo chứ gì. Cún cãi, em có bảo chị béo đâu. Mẹ không được nói con bảo chị Thảo béo, con dùng từ hay thế còn gì. Haha.

Những chuyến đi của bố mẹ hay mẹ với cún thì có khá nhiều, nhưng rất lâu rồi cả nhà mình mới lại đi cùng nhau thế này. Nhìn các con chơi đùa, trêu chọc nhau, mê mải với những trò của các con, rồi đòi ở phòng riêng với lập luận trẻ con cũng cần được tôn trọng, mẹ thấy thật happy. Chàng trai Hàn lạnh lùng nhiều lúc cũng chịu khó giao tiếp hơn với cả nhà. Và khi được hỏi ấn tượng nhất về Hội An là gì, chàng bảo ăn ngon, chả thế mà ăn tới hơn chục xiên thịt nướng và nem lụi ở quán Giếng Bá Lễ. Hehe, ngồi xổm lên mọi giá trị khác.


Hãy tận hưởng những mùa hè tuổi thơ các con nhé. Yêu các con thật nhiều! 
Các con đã lớn, không cho bố mẹ chụp ảnh. 
Một tấm ảnh hiếm hoi của cả nhà mình trong chuyến đi đây