28 tháng 5 2019

NƯỚC ÚC MÙA THU_TỪ TÒA NHÀ CỔ ĐẾN NHỮNG CHÚ CHIM TRÊN BÃI BIỂN ST KILDA, MELBOURNE

Khi biết khách sạn đoàn sẽ ở là Swanston Mecuri, trên con phố Swanston, chị A. bảo ngay, khu này là trung tâm của Melbourne đấy. Đúng là trung tâm của trung tâm. Từ cửa khách sạn có thể nhìn thấy những cổng chào của khu phố Tàu, cũng là khu phố ăn uống sầm uất. Bước chân ra khỏi khách sạn, về cả bốn hướng là hết cửa hàng này tới cửa hàng khác, từ các thương hiệu lớn, cửa hiệu rộng và lộng lẫy tới những cửa hàng, quán ăn nhỏ san sát cạnh nhau. Vậy nhưng cuối cùng mình đã không có thời gian bước chân vào bất cứ một cửa hàng nào trừ một lần đi cửa hàng thuốc và buổi tối cuối cùng trước khi về ghé siêu thị mua ít kẹo chocolate cho văn phòng và bọn trẻ.

Bù lại, mỗi nơi mình đến mình đều tranh thủ ngắm cảnh và tìm hiểu được nhiều điều thật thú vị. Trong khuôn viên của University of Melbourne có mấy cây trà rất to, niềm tự hào của họ. Tòa nhà của Khoa Nghệ thuật rất độc đáo. Và con đường trong khuôn viên của University of Melbourne với những tấm biển nhỏ đề tên những người có đóng góp lớn cho trường được lát suốt một đoạn dài, theo kiểu như ở đại lộ ngôi sao. nhà mình mà sáng tạo thế này nhiều khả năng sẽ bị đập tơi bời về việc sao lại dẫm chân lên mặt những người đáng kính trọng như vậy. Khi đến làm việc tại một cơ sở của RMIT, tụi mình được mời vào một phòng họp hết sức cổ kính, nơi trong quá khứ được sử dụng làm phòng xử án với những vụ án quan trọng diễn ra tại đây, và ngay cạnh căn phòng họp là một phòng tạm giam nhỏ. Thật thú vị khi từ căn phòng mang biết bao dấu tích thời gian đó, mình lại được đến một tòa nhà hết sức hiện đại trên phố Colins, nơi một phòng họp của Đại học La Trobe được đặt tít trên tầng 14, rộng rãi và hiện đại.
Tòa nhà cổ rất đẹp của University of Melbourne (Ảnh: Internet)
Và tòa nhà độc đáo của Khoa Nghệ thuật (Ảnh: Internet)
Bên cạnh những tòa nhà hiện đại và cổ kính, những buổi đến thăm các cơ sở giáo dục, bãi biển St. Kilda của Melbourne là nơi mình tham quan đầu tiên. Đây là bãi biển nổi tiếng nhất của Melbourne. Bãi biển rất đẹp. Không có hàng dừa và cát trắng như nhiều bãi biển Việt Nam nhưng bãi biển ở đây có một bãi cỏ xanh ngắt và rất sạch, như phần lớn mọi bãi cỏ khác ở Anh hoặc Úc. Từ cầu tàu có thể ngắm một vịnh đẹp lộng lẫy và hôm đó mình đã thật may mắn khi gặp được hai chú chim cánh cụt xanh, hay chim cánh cụt nhỏ bé, cư dân độc đáo của nơi này, loài chim cánh cụt chỉ sống ở Úc và New Zealand. Và chắc chắn trải nghiệm ngắm chim cánh cụt ngay giữa một Melbourne sôi động thực sự thú vị hơn rất nhiều so với chuyện ngắm các chú chim cánh cụt trong vườn bách thú. Cầu tàu được xây lần đầu vào giữa thế kỷ 19, ban đầu bằng gỗ, nhưng sau khi bị hỏng thì đã được xây lại bằng bê tông. Bước trên cầu tàu rộng và sạch chạy tít ra xa, thưa vắng người, mình nhớ đến cây cầu gỗ U-bein ở Myanmar, nơi chen cứng khách du lịch và mình đã chẳng thể nào thư giãn được. Lang thang cùng chị A. ở bãi biển khá lâu, sau đó tụi mình còn đến thăm nhà thờ cổ St. Kilda, ngôi nhà thờ được xây bằng đá sa thạch từ giữa thế kỷ 19. Nhà thờ nhỏ, kiến trúc đẹp, nép mình lặng lẽ nơi một con phố vắng, mà có  mấy con phố ở Úc sôi động đâu nhỉ. Nhà thờ hiện đã bị xuống cấp trầm trọng, cần được tu bổ và người ta đang thực hiện một chiến dịch quyên góp để tu bổ lại nhà thờ. Trong nhà thờ có một góc nhỏ trưng bày một số món đồ cổ - chuông, ảnh thánh, sách. Và dù nhà thờ cũ kỹ, xuống cấp, thì mình vẫn được nhìn thấy một cây đàn dương cầm nằm loại nhỏ, chắc hẳn sẽ được dùng trong các buổi thánh lễ. Ngay cạnh nhà thờ có một thùng gỗ được đóng ngang tầm với, để mọi người đi qua nếu cần thì lấy đồ ăn, và nếu có đồ ăn muốn chia sẻ thì cũng bỏ vào đó. Điều đó khiến mình nhớ đến những vò đựng nước dành cho du khách/người đi đường ở Bagan. Nhưng thú thật, dù đánh giá cao sự chu đáo, cẩn thận của họ, mình cũng không dám uống nước trong những chiếc vò đó.
Hai chú kangaroo ngồi bên cổng một quán cà phe, cũng uống như ai :)
Trên cầu tàu St Kilda, với bên dưới là làn nước trong veo
Một vịnh san sát những con tàu trắng rất đẹp trên nền một thành phố hiện đại
Và những cây brush tree (cây chổi lau?) được trồng rất nhiều trên bãi biển
Rời bãi biển St. Kilda khi trời đã chạng vạng, lúc những chú chim cánh cụt rời tổ đi kiếm mồi nhiều nhất, cũng là khi dễ dàng nhất nhìn thấy chúng, mình nghĩ đến cô con gái yêu thích khám phá. Ừ, chắc chắn rồi con sẽ đặt chân đến bãi biển này, cầu tàu này, và ngắm những chú chim cánh cụt đáng yêu, loài chim nhạy cảm, nhút nhát nhưng lại chọn một Melbourne sôi động làm nơi cư ngụ :)
Cầu tàu St Kilda dưới con mắt thợ chuyên nghiệp :) (Ảnh: Internet)

27 tháng 5 2019

NƯỚC ÚC MÙA THU_Sydney và Canberra

Chuẩn bị cho một đoàn sang Úc công tác và học tập, sếp bảo mình, “Mày cần phải đi, đi để nắm tình hình và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo”. Thật lòng mỗi chuyến đi nước ngoài với đông đối tác đều không hề nhẹ nhàng, có phần ngại ngần là đằng khác, nhưng công việc là công việc, nên mình lên đường, và tìm cách để có được niềm vui của mình trong một chuyến đi mà mình biết trước sẽ không hề dễ dàng.


Sydney đón mình vào một sáng tháng Năm se lạnh. Sau cả năm dài hít thở bầu không khí Hà Nội mà ứng dụng Air Visual luôn báo ô nhiễm ở mức nguy hiểm cho sức khỏe qua một màu đỏ chói mắt, thật vô cùng dễ chịu được hít đầy lồng ngực một làn không khí trong lành, cảm giác như vô cùng tinh khiết, không vướng một hạt bụi. Bầu trời xanh ngăn ngắt, làn nắng dịu nhẹ và những đám mây bồng bềnh gần như bất động trên bầu trời.

Tranh thủ vài tiếng ngắn ngủi ở Sydney, bọn mình đến khu Darling Habour để ghé qua nhà hát Opera. Đúng là một công trình kiến trúc độc đáo và vĩ đại. Nhưng mình cũng nhớ lại câu chuyện dự án xây nhà hát này đã bị đội vốn từ 7 triệu lên đến 102 triệu, kéo dài suốt 20 năm như thế nào và là một dự án gây nhiều tranh cãi, cho đến mãi sau này, khi nó trở thành một biểu tượng của Sydney và nước Úc. Cây cầu bắc qua vịnh Sydney nhìn từ xa thì vô cùng duyên dáng, cảm giác như mỏng manh nhưng khi đến tận nơi lại cho cảm giác to lớn và vững chãi.

Sydney không quá lạnh nên màu sắc mùa thu cũng không rõ nét đến thế. Chen giữa những cây lá xanh quanh năm, đây đó có những cây lá đã rụng gần hết, chỉ còn lại những chiếc lá vàng lưa thưa, rồi đây đó những vòm lá mới đang bắt đầu ngả sang màu vàng.
Những khung cảnh rất đẹp mình chụp được ở khu vịnh Sydney

Sau vài tiếng ở Sydney, mình cùng đoàn di chuyển về Canberra. Dù mắt cứ díu lại do cả đêm đi máy bay không ngủ được, lúc này lúc khác mình vẫn cố mở mắt ngắm con đường rất đẹp. Nước Úc rộng mênh mông, bằng 1/3 diện tích Trung Quốc mà dân số thì vô cùng ít ỏi, vỏn vẹn khoảng 25 triệu, thưa thớt vô cùng, vậy nên trên suốt con đường chạy từ Sydney đến Canberra dài khoảng 300km hầu như chẳng nhìn thấy làng mạc, thị trấn nào, xe cộ cũng hết sức thưa thớt. Hai bên đường là những cánh rừng, đồng cỏ chạy dài như bất tận, thỉnh thoảng mới thấy có dấu tích của một trang trại qua những con bò đang gặm cỏ hoặc một ngôi nhà trang trại bé xíu tít phía xa. Hôm đó mình đã không gặp con kangaroo nào, hoặc các bạn ấy có ra đường đón mà mình mắt cứ díp lại không nhìn thấy, nhưng mọi người nói ở dọc hầu hết các con đường cao tốc thế này rất nhiều kangaroo, cũng khá nhiều con bị xe cán chết do ban đêm mò ra ăn và không tránh được các phương tiện trên đường.
Những cánh đồng mênh mông - khung cảnh quen thuộc trên con đường Sydney - Canberra (Ảnh: Internet)
Mình đến Canberra khi trời đã tối. Tuy là thủ đô nhưng Canberra không hề nhộn nhịp và đông đúc. Lịch sử hình thành nên thành phố này cũng khá lạ. Do cuộc tranh cãi không phân thắng bại trong việc chọn Sydney hay Melbourne làm thủ đô mà người ta đã đi đến một giải pháp là chọn một điểm ở tương đối giữa hai thành phố đó để xây dựng một thủ đô mới. Quy hoạch thành phố được thực hiện hết sức cẩn thận, và sau đó mọi công trình lần lượt mọc lên đúng như trong bản vẽ. Canberra vô cùng thưa thớt, vắng vẻ, được quy hoạch theo kiểu thành phố vườn, nên đâu đâu cũng là rừng cây và công viên. Ngoại trừ một khu bé xíu được gọi là trung tâm khá đông đúc, phần lớn thành phố là những ngôi nhà thấp, thường chỉ một, hai tầng, nằm cách xa nhau. Trời cuối thu, tối sớm, 6h tối ngoài đường hầu như đã chả còn ma nào.

Trong hai ngày ở lại Canberra, ngoài công việc, mà nhân dịp đó mình được ngồi xe, ngắm vô vàn những con đường thành phố vắng vẻ như làng mạc, chạy giữa khu rừng với những thân cây màu trắng, thì mình có một buổi chiều đi thăm thành phố theo đúng nghĩa. Nhà Quốc hội, một điểm tour tham quan nào cũng đến, gây ấn tượng không phải do kiến trúc hay quy mô mà do cách tổ chức và thực hiện. Mình nhớ một câu chuyện mình đọc đã lâu, nói về các đoàn du khách Trung quốc khi được dẫn đến Quốc hội tham quan thường sẽ khinh khỉnh đi một vòng xung quanh, chẳng buồn nghe hướng dẫn nói gì rồi sẽ bĩu môi, ôi zào, tưởng thế nào, chẳng bằng cái ủy ban huyện của bọn tao. Hôm mình đến đó có mấy đoàn học sinh đang đi tham quan Quốc hội, các em được giảng giải về cách thức Quốc hội hoạt động, rồi vào cả phòng họp của Hạ viện và Thượng viện. Trong các hành lang của tòa nhà Quốc hội, ngoài rất nhiều ảnh các ông bà nghị, lịch sử phát triển... còn trưng bày khá nhiều hiện vật như bản thảo của các đạo luật quan trọng, quá trình những đạo luật này được phát triển qua những bản thảo bị sửa chữa, những tờ giấy ghép vào các trang… Bác hướng dẫn tụi mình ngày hôm đó là một người đàn ông chắc đã ngoài 70, kể cho tụi mình rất nhiều chi tiết thú vị. Chỉ có điều, thật buồn và tiếc, phần lớn đoàn mình hành xử cũng không khác các bạn Tàu là bao. Phần lớn mỗi khi bác ấy kể thì mọi người sẽ cầm điện thoại hý hoáy, nếu không thì ngồi ở ghế chờ gần đó ngáp, nói chuyện riêng hoặc chạy quanh selfie với bất cứ thứ gì. Từ mái nhà Quốc hội có thể phóng tầm mắt nhìn ra một khoảng khá rộng của Canberra – ngay gần đó là Tòa nhà Quốc hội cũ, một dãy nhà trắng nhỏ, trước cửa là hai vòm cây đang vào độ vàng rực rỡ. Xa hơn một chút là một khunh cảnh đẹp như tranh với hồ nước xanh, các mảng màu lá chen nhau – xanh, vàng, nâu và đỏ trên một nền trời ngăn ngắt xanh. Đứng trên nóc tòa nhà Quốc hội và ngắm những khung cảnh rất đẹp đó, mà sao lòng mình trĩu nặng. Với mỗi cá nhân như những gì mình đang chứng kiến, việc đất nước mình sẽ mãi mãi chẳng thể nào tiến đi đâu được là điều tất nhiên. Và mình cảm thấy có lỗi với người dân Úc, về việc mình đang quản lý những đồng tiền thuế của họ như thế nào. Haiza.
Khung cảnh thành phố mở ra bên dưới rất đẹp từ nóc tòa nhà Quốc hội

Sau tòa nhà Quốc hội là chương trình chụp ảnh, dù rằng cho tới đó thì ngày nào máy của mình cũng bị spam cả hàng trăm tin nhắn chủ yếu là ảnh mà khá thường xuyên sẽ có tới 5-7 cái ảnh giống hệt nhau. Hàng cây thuộc họ lê (quả nó nhỏ xíu, chẳng có bao nhiêu thịt mà ăn cũng không ngon) dọc bờ sông mùa này lá đỏ ối, soi bóng xuống dòng sông, còn dọc con đường khác dẫn đến bờ sông là những hàng cây là vàng rực rỡ, không khác gì những tán lá trong cảnh mùa thu của Levitan. Rất nhiều những chú vẹt cổ đỏ, trong tiếng Anh gọi là rosella, loài chim của riêng lục địa này, mà ban đầu mình nhầm là bồ câu, thanh bình đi lại trên bãi cỏ ngay bên cạnh. Vứt mọi thứ khỏi đầu, mình thoải mái ngắm một bầu trời mở rộng mênh mông, một hàng cây lá đỏ ối chạy dài hun hút, một con đường và khu vườn lá vàng rực rất đẹp ngay cạnh đó.

 Con đường lá đỏ dọc bờ sông mùa này đẹp tuyệt vời
 Những chú rosella thảnh thơi đi lại tìm thức ăn
Hàng cây đổi màu, đẹp như những hàng cây của mùa thu nước Nga
Đã cuối thu, trời tối rất sớm, vậy nên chỉ quá 4 rưỡi chút tụi mình đã phải rời nơi đó, tìm một chỗ để ăn rồi còn ra sân bay đi Melbourne. Sân bay vắng ngắt ngơ, phần lớn mọi người check in tự động nên chỉ một vài quầy có người làm dịch vụ. Về đến khách sạn đã hơn 10h tối, mình mệt rã rời, nhưng nghĩ đến chuyện ngày hôm sau sẽ được gặp chị A. thì thấy lòng ấm áp hẳn lên. Ngủ đã. Rồi sẽ tranh thủ khám phá Melbourne.