29 tháng 10 2013

HƯƠNG QUẾ TRÀ BỒNG

Đây là chuyến công tác miền Trung lần thứ 3 của mình trong năm nay. Chưa viết được gì, mình đưa lại bài cũ, viết từ ngày mình đến Trà Bồng vào tháng 7  năm 2012. Chẳng thể nói rất nhiều ấn tượng hay kỷ niệm, nhưng mỗi chuyến đi đều đọng lại trong mình một vài điều đáng nhớ. 



Với rất nhiều người, một tựa đề như vậy chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Nhưng với người Quảng Ngãi thì không, đó là tên bài hát khá nổi tiếng của nhạc sỹ Đào Việt Hưng viết về Trà Bồng. 
Lần đầu tiên mình đến Trà Bồng là năm 1999, hình như nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Trà Bồng vào tháng Tám (ngày đó mình làm cho Nhà máy lọc dầu, tụi mình đi dự lễ kỷ niệm khởi nghĩa). Chẳng có ấn tượng gì nhiều ngoài việc đường đi khá khó khăn, chiếc xe chở tụi mình ì ạch, ì ạch. Buổi lễ ầm ĩ, rồi tụi mình mua vài món đồ làm từ vỏ quế. Nhớ nhất là trên đường đi có một ao sen rất đẹp. Hết.
Chuyến công tác lần này mình đến Trà Bồng với một tâm thế khác. Chín chắn hơn, mỗi chuyến đi mình mong muốn học hỏi, biết thêm được những điều mới và chuẩn bị cho việc đó. Con đường tỉnh lộ 622 từ Quảng Ngãi đến Trà Bồng khá đẹp, xe chạy bon bon, chỉ mất hơn giờ đồng hồ. Những cánh đồng lúa, cánh đồng mía, còn lâu mới đến mùa trổ bông nằm xen ruộng sắn, khoai. Khi mình đi cách đây 13 năm, hầu như còn chưa có nhà cửa gì nhiều. Giờ thì khác hẳn, chạy dọc theo con đường tỉnh lộ nhiều đoạn nhà cửa khá khang trang, vườn cây, những cây dừa, cây cau vươn cao tít, xa xa là những ngọn núi, phong cảnh trữ tình rất đặc trưng của khu vực miền Trung.
Con đường ấy đây:


Đây nữa:


Thị xã Trà Bồng nhỏ, khoảng 5.000 dân, chạy dọc theo con sông Trà Bồng đang mùa cạn nước. Người Kinh sống ở khu vực trung tâm, buôn bán, làm lúa nước. Người dân tộc, chủ yếu là dân tộc Coh, sống xa hơn chút, trồng lúa nương và trồng quế.  Nói thêm, ở khu vực này, rất nhiều địa danh được bắt đầu từ chữ “Trà”. Nào Trà Khúc, Trà Bồng, Trà My, Trà Xuân, Trà Mỹ, Trà Phú, Trà Bình… Từ "Trà" có gốc từ jaya trong tiếng Phạn, và là một trong bốn họ chính thống của các vua Chiêm: On, Ma, Trà, Chế.
Ngôi trường mình đến là trường THCS Trà Xuân, một ngôi trường rất đẹp so với nhiều ngôi trường ở khu vực miền núi phía Bắc mà mình đã có dịp đến, nhà cửa khang trang, phòng máy rộng rãi, phòng chức năng gọn gàng… Trong sân trường, mấy cây bàng đã có quả to, chen lẫn chùm hoa bàng đang nở, và điểm những chiếc lá vàng, chẳng mấy chốc nữa sẽ đỏ ối, “đỏ như giọt máu lịm rơi cuối chiều”. Chẳng hiểu sao, chẳng tâm trạng gì mà mình lại nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Bính:
Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi.
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn.
Hôm nay lá thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song.
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây!
Quạnh hiu như tấm thân này
Lại âm thầm sống những ngày gió mưa...
Cây bàng đây, nào lá non, lá già, lá vàng, nào hoa nào quả:


Trà Bồng nổi tiếng với các rừng quế và sản phẩm từ quế. Muốn được ngắm rừng quế, nhưng không thể đi xa vì còn bận công việc, mình đành hài lòng với tấm ảnh chụp từ rất xa, và những tấm ảnh một khu vườn ươm quế khá rộng, cây non cao khoảng hơn gang tay đang lên xanh mướt mát. Chui vào một khu vườn ngắm cây quế vài năm tuổi, ngắt mấy chiếc lá quế trong tay, thấy mùi hương mãi vương vấn, nhớ ngày bé tụi mình chia nhau những mảnh quế bé tí xiu, nhâm nhi mãi trong những ngày đông lạnh, để cái vị ngọt thơm đọng thật lâu trong miệng. Thật may mắn, mình được mọi người dẫn vào một cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ quế, tranh thủ chụp được bao ảnh về các công đoạn để mảnh vỏ quế trở thành một món đồ mỹ nghệ. 
Vườn ươm quế:


Cây quế:


Phơi vỏ quế:

Đây nữa, phơi ngay ngoài đường:

Sắp hoàn thành hộp đựng tăm rồi. Đựng tăm trong hộp quế thế này rất thơm:

Trưa hôm đó, mình lại được nếm lần nữa món cá niên đặc sản, loại cá bé bằng ngón tay cái, dài khoảng 10-15cm, khi luộc lên người ta để cả ruột, ban đầu ăn thì hơi đắng nhưng chỉ vài giây sau sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm trong miệng. Ngay trước quán ăn, rồi cả xung quanh đó là những bụi tre rất đẹp, từng đốt tre mượt mà vàng óng, đây đó điểm những dải rất nhỏ màu xanh. Mình chợt nhớ lâu lắm rồi mình chẳng được ngắm những bụi tre đẹp như thế này. Và bâng khuâng nhớ về những ngày tuổi thơ sống với ông bà ở Nga Sơn. Bụi tre đẹp quá, chẳng thế mà quán có tên là Tre Vàng:
À, còn bài Hương quế Trà Bồng thì đây. Mình không đặc biệt thích, nhưng có lẽ người gốc Trà Bồng nghe bài này sẽ có cảm giác như khi mình nghe bài Sapa thành phố trong sương. Chắc vậy!

12 tháng 10 2013

CÂU CHUYỆN HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ VÀ NHỮNG VÒNG HOA



Gu đọc của mình lâu nay thay đổi nhiều. Mình đã chấm dứt từ lâu việc đọc những tiểu thuyết kinh điển kiểu như Jane Eyer, không còn hay mua những thứ rồ man rợ kiểu như Lụa, Thương, thậm chí đến cả Suối nguồn mình cũng thấy khiên cưỡng. Thay vào đó mình hay đọc những thứ gai góc hơn, đụng chạm đến các vấn đề xã hội, rồi thích đọc tiểu thuyết lịch sử, vừa đọc vừa google thêm. Haiza, dấu hiệu tuổi tác đây mà. Dù vậy, cái đứa dở hơi [mà lại còn] không biết bơi là mình đây vẫn còn lưu trong đầu biết bao những câu chuyện tình rồ man rợ đến khó tin, đọc suốt từ cái thưở 14-15 cho đến tận những năm chưa xa, và vẫn tin vào những tình yêu vĩnh cửu, khi người ta có thể làm tất cả mọi điều vì nhau, hì hì, rồi đến ngần này tuổi lại tin người ta có thể cùng nhau chui vào vạc dầu chẳng hạn :).
 
Một trong những câu chuyện tình mình say mê ngày đó là câu chuyện Hoa violet ngày thứ Tư. Trong câu chuyện, cho đến tận khi tóc bạc, bà lão từng là cô ca sỹ Jennie nổi tiếng ngày nào, vẫn không quên thứ Tư hàng tuần mang một bó hoa violet đến ngồi bên mộ người hâm mộ mình năm xưa. Chắc chắn đó là những bó hoa rất đẹp, được mua, được nâng niu bằng biết bao tình cảm trìu mến. Và khi đó, dù không phải hoa violet, những bông hoa tím dịu dàng, duyên dáng, mà bất cứ bông hoa nào, dù  chỉ là hoa dại, cũng sẽ trở nên rất đẹp.

Mình vừa từ một đám hiếu trở về, nhớ lại rất nhiều những đám hiếu gần đây mình đi và hơi bức xúc/phiền lòng chút. Nhiều điều muốn nói, nhưng mình chỉ nói về một khía cạnh duy nhất thôi, hoa trong đám viếng.

Ngày còn bé sống ở Sapa, mỗi khi có người mất, bọn trẻ con trong xóm hay được phân công đi xin hoa vì thị trấn nhỏ, làm gì có cửa hàng phục vụ đám ma. Đám trẻ chúng mình đi nghiêng ngó các nhà, ghé nhà này nhà kia xin, bao giờ cũng lễ phép giải thích xin hoa để làm vòng hoa cho đám ma. Thường đám ma không có nhiều vòng hoa và những vòng hoa khi đó có lẽ không phải khi nào cũng rất đẹp nhưng chắc chắn được kết bằng tình cảm thật sự của làng xóm, người thân.

Bây giờ, mỗi lần đi viếng đám tang, thật đơn giản, quẳng ra đôi trăm là có một vòng hoa, thông thường sẽ có một ít hoa giả xen lẫn với hoa thật. Nếu đám ở Hà Nội thì thật thê thảm, vừa xuống đến Văn Điển là bùm bụp, bao nhiêu vòng hoa bị quẳng tuốt xuống một cái hố được quây lại bên hông nhà tang lễ chính. Phẫn nộ nghĩ đến việc [hoàn toàn có thể] người ta sẽ tái sử dụng nếu không phải cả vòng hoa thì ít nhất là cái khung đó chắc không chỉ một lần. Những đám ma ở quê vòng hoa được làm cẩu thả hơn nhiều. Chỉ có rất ít hoa ở giữa là hoa cúc vàng, còn lại, những vòng bên ngoài, to và tốn hoa hơn nhiều, toàn là hoa giả được làm sơ sài bằng giấy bóng kính màu hồng màu đỏ hoặc loại nylon rẻ tiền nào đó, rồi vỏ bọc táo, lê tàu màu trắng, đương nhiên được thu gom từ các hàng bán hoa quả. Được cái có lẽ vòng hoa ở quê không bị tái sử dụng, vì những vòng hoa đó sẽ được đắp lên nấm mộ. Và thế là các vòng hoa cứ nằm đó, sau ít ngày thì giấy bóng kính bạc màu đi và sẽ còn rất rất lâu không phân hủy nổi.

Mình cứ lẩn thẩn nghĩ, tại sao nhất thiết phải có vòng hoa, nếu không phải là những vòng hoa được kết cẩn thận thực sự thì một thẻ hương cũng xong cơ mà. Điều cốt yếu nằm ở trong tâm chứ đâu phải cái vòng hoa mà phần lớn hoa cài ở đó được làm từ đồ thải một cách cẩu thả, miễn là cho xong chuyện. Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau! Và những vòng hoa như vậy, thay bằng thể hiện tình cảm của người còn sống, nhiều khi lại là một sự xúc phạm người đã mất. Chưa nói đến chuyện mỗi vòng hoa như vậy, dù được làm hết sức cẩu thả, cũng tốn cả gần trăm. Đôi chục vòng hoa là đôi triệu rồi.

Quay trở lại câu chuyện Hoa violet ngày thứ Tư. Chẳng dám mơ về một tình yêu nhớn như vậy cho bản thân, mình chỉ mong khi mình nằm xuống, những người thật lòng quý mến hãy đến viếng mình, còn nếu chỉ vì hình thức thì xin miễn cho nhau, để cả mình và người ta đỡ mệt. Tha thiết xin mọi người đừng bắt mình phải chịu đựng những vòng hoa đã được quay vòng một số lần, những vòng hoa làm từ đồ thải. Tiết kiệm tiền cho người đi viếng và người đã khuất [nếu còn biết gì] cũng không cảm thấy bị coi thường. Quý mến mình thì đến, một thẻ hương là xong, mà không thể đến được thì nhớ đến nhau một chút trong lòng cũng là tốt rồi. Haiza, nhưng mình biết, khi đã nằm xuống mình đâu còn quyết được điều gì, thế nên nhiều khả năng số phận mình cũng chẳng khác gì phần lớn những con sâu cái kiến khác. Thôi, bài học từ Trang Tử, bình thản trước tất cả mọi điều. Mà việc đầu tiên là sau bài viết này, mình sẽ quên ngay điều bức xúc về những vòng hoa. Hehe.

05 tháng 10 2013

MỘT LẦN ĐẾN BẮC TRÀ MY



Bài viết suốt từ chuyến đi công tác hôm tuần trước, vậy mà cả tuần mình chẳng tìm được thời gian để post. Hôm mình đến đập thủy điện, hồ nước cạn, đứng từ trên cầu nhìn xuống sâu hun hút. Qua mấy trận mưa, chắc hẳn bây giờ mà quay lại, mình sẽ chẳng nhận ra dòng sông, hồ nước ấy.
 
Nhân một chuyến công tác mà nhiệm vụ chính của mình là đóng vai con kiến trong hai cuộc họp, mình kết hợp đi giám sát tại một đôi điểm, nơi các hoạt động của dự án đang diễn ra. Mình chọn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đơn thuần vì sự thuận lợi về thời gian và khoảng cách, còn nếu có nhiều lựa chọn hơn nữa, chắc mình sẽ muốn đi xa hơn, các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang chẳng hạn. Thế mà cuối cùng mình đã có một chuyến đi thật thú vị.

Bắc Trà My là một huyện miền núi, nằm về phía nam tỉnh Quảng Nam, cũng chính là Đông Trường Sơn với khu di tích Nước Oa, nơi đặt bộ tư lệnh chỉ huy khu V trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Giáp với Trà Bồng, trên thực tế trung tâm hai huyện cách nhau chỉ 30km, cả hai huyện đều trồng nhiều quế nhưng cây quế của Bắc Trà My không nổi tiếng như cây quế Trà Bồng, vậy nên cũng không có một bài hát mang tên Hương quế Trà My :). Thời gian cuối này, Bắc Trà My nổi tiếng về một việc khác – đập thủy điện sông Tranh, con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh, với phần hạ nguồn được gọi là sông Thu Bồn. 

Lâu nay mình ít đọc thấy tin tức về những trận động đất tại khu vực này liên quan đến đập thủy điện sông Tranh. Cứ tưởng mọi việc đã có vẻ yên hơn, nhưng theo người bạn đồng hành của mình, “báo không động chứ đất thì vẫn động”, và trận động đất gần đây nhất vừa mới xảy ra hôm cuối tháng 8, ngay sau trận tổng diễn tập ứng phó với động đất ở Bắc Trà My hôm 28/8, nghe nói tiêu tốn đến hơn 40 tỷ với 2.000 người tham gia. Người ta chuẩn bị rất lâu, xây dựng đủ thứ, rồi hôm đó phá hủy, diễn tập cảnh cứu hộ với sự tham gia của cả trực thăng.

Nằm cách thành phố Tam Kỳ khoảng 55km, tụi mình đi mất hơn tiếng rưỡi thì đến trung tâm huyện vào lúc 11 rưỡi. Chén xong bữa trưa rất ngon miệng, với món ngon nhất chắc là cá nấu chuối chát và măng chua, thêm món cá suối rim khô, lẫn trong đó có cả cả cá niên, món cá đặc sản của các con sông khu vực này, mình tranh thủ đi thăm con đập, cách trung tâm huyện khoảng 8km. Đứng trên thân đập vĩ đại, nhìn mặt nước sâu hun hút bên dưới, mình rùng mình vì độ cao. Cả 6 cửa xả đều được nâng lên, mà nâng lên hay hạ xuống cũng có ý nghĩa gì đâu, chưa đến mùa mưa, nước cạn, mặt nước sâu hun hút dưới chân, còn rất rất lâu mới đến mức có thể tràn qua cửa xả. Đập ngăn nước, giữ lại nước cho thủy điện, vậy nên con sông phía bên dưới đập, hẳn ngày trước thơ mộng lắm, giờ chỉ còn là cái xác một con sông, nhìn từ xa cảm giác như nước thậm chí không chảy, vì có gì đâu mà chảy. Nhưng chỉ cần vài trận mưa thôi, chắc hẳn nước hồ lại dâng lên nhanh chóng, cái hồ lại treo đó, lơ lửng như một quả bom nổ chậm. Mình chả hiểu gì về xây dựng, về thủy điện, chả dám bàn gì. Chỉ hóng hớt được rằng từ thời Mỹ người ta đã làm khảo sát và quyết định không xây nhà máy thủy điện ở đây do không an toàn. Rồi bây giờ, nhờ có thủy điện, hàng năm tỉnh Quảng Nam thu tới mấy trăm nghìn tỷ tiền bán nguồn tài nguyên nước (năm 2012 là 535 tỷ). 

 
Đập thủy điện nhìn từ xa  
Hồ chứa nước

Dòng sông phía bên dưới con đập :(
Ngoài hồ thủy điện sông Tranh hiện đang là mối lo cho nhiều vạn dân, hồ Phú Ninh cũng là một mối lo ngại khác khi mà nếu sự cố xảy ra toàn bộ thành phố Tam Kỳ, rồi đến tận Thăng Bình cách đó hơn 30km cũng sẽ chìm trong mênh mông biển nước. Nghe nói trong trận lụt lịch sử năm 1999, người ta đã đưa ra phương án chủ động gây vỡ hồ Phú Ninh để hướng dòng nước đi hướng khác, cứu nguy cho Tam Kỳ nhưng ông chủ tịch tỉnh khi đó cương quyết liều, và cuối cùng Tam Kỳ không bị ngập và hồ nước cũng còn nguyên. Câu chuyện khi đó đã có một happy ending, nhưng đâu phải lúc nào cũng happy ending, và cái tình trạng nơm nớp không biết sống chết khi nào có thể làm người ta vỡ tim không chừng. Mình cứ mường tượng gia đình, đất đai, nhà cửa mình ở đó, rồi một ngày đẹp trời, bằng một con dấu lạnh lùng, người ta xây một con đập khổng lồ, và cuộc sống của mình bất an từ đó. Chẳng thể bỏ đi đâu, cứ phải sống, và hàng ngày đối mặt. Và những tiếng  nổ ùng oàng là có thật, đến cả ở Tam Kỳ cũng nghe thấy, và những cơn động đất là có thật, mà trận cuối mới cách đây chưa đầy một tháng.

Thôi, giờ sang mấy chuyện vui hơn. Trong chuyến đi, mình hóng hớt được nhiều điều rất thú vị. Ví dụ như trong số 92 học sinh người dân tộc của trường phổ thông dân tộc nội trú năm nay tốt nghiệp lớp 12, có tới 12 em đỗ đại học. Rồi Trần Lê Phương, gương mặt nữ duy nhất lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 trước là học sinh Bắc Trà My. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú thường có tỷ lệ đỗ đại học khá cao. Khâm phục thật. Chả bù cho cậu cả nhà mình, mẹ kèm cặp suốt ngày mà điểm số hết sức bình thường. Mình còn lo chả biết cậu có đỗ được đại học không ấy chứ. Haiza.

Lẽ ra mình còn có thể ghé chơi Bình Dương, đoạn sông quê hương của Tế Hanh, nguồn cảm hứng để ông viết bài Nhớ con sông quê hương, nhưng vì một cái hẹn khác, mình đành bỏ qua dịp đó. Mà chưa cần đến tận đoạn sông đó thì mình vẫn luôn phải lòng những con sông dịu dàng tha thướt miền Trung rồi.