11 tháng 4 2019

MẸ CÓ PHẢI BẠN THÂN CỦA CON KHÔNG?

Từ nhỏ đến lớn con gái luôn thân với mẹ lắm, chuyện gì cũng kể, yêu mẹ vô cùng. Khi con học cấp I mẹ luôn là người đưa đón, và suốt những năm đó, trên những chặng đường đó mẹ con ríu rít, luyên thuyên đủ thứ, rồi còn hát, đọc thơ cùng nhau nữa. Mẹ cũng quen và thân với nhiều bạn của con, ngày nào đến đón con mà chẳng gặp cơ chứ. Ngày đó mỗi năm vài lần con rủ bạn bè đến nhà chơi, theo chủ đề hẳn hoi, đại để như gặp gỡ mùa thu, gặp nhau cuối kỳ... Có lần mẹ nhắc sao lâu rồi không rủ các bạn đến nhà, con nói dỗi, các bạn đến chơi với mẹ chứ có phải với con đâu. Rồi một lần khi mẹ hỏi, mẹ có phải bạn thân của con không, con bảo, còn hơn bạn thân ấy chứ, bạn thân có bao giờ mua cho con nhiều thứ thế đâu 😊.

Mẹ con mình đã có biết bao buổi cùng nhau lang thang ở Bảo tàng mỹ thuật, phòng tranh 16 Ngô Quyền, đi nghe hòa nhạc, xem ballet… Đôi khi là những chuyến đi xa chỉ có hai mẹ con mà vẫn rất vui (tất nhiên có thêm Dad và anh Tôm thì hơn, nhưng không có cũng không ảnh hưởng nhiều đến niềm vui của hai mẹ con).

Từ khi con lớn, bước vào tuổi nổi loạn, con xa cách mẹ hơn hẳn. Bây giờ về đến nhà con sẽ ngồi ôm điện thoại. Hỏi con hôm nay đi học thế nào câu trả lời sẽ là bình thường. Hôm nay con có gì vui không, không. Thế có gì bực bội không, không. Tóm lại là no information. Hết bữa tối là chuồn lên phòng, chốt cửa bên trong. Mỗi khi có việc mẹ phải gõ cửa, mà thường xuyên con sẽ không nhanh nhẹn mở ngay. Mẹ hỏi han đôi câu xong là con bảo, mẹ hỏi xong chưa, tỏ rõ ý muốn mẹ ra khỏi phòng. Mẹ mà muốn ôm ấp, tình cảm một chút thì con đưa tay ngăn, tiếp theo là một tràng, Thồi thồi thồi, thồi thồi thồi. Có lúc con còn cười cười/hoặc mặt lạnh te bảo mẹ, mẹ ơi cửa kia kìa. Có lần mẹ trêu con, hỏi mẹ có phải là bạn của con không, con lạnh lùng, không, mẹ là mẹ. Chỉ khi nào muốn nịnh nọt xin mẹ một điều gì đó, nàng mới chớp chớp mắt cười với mẹ rồi nài nỉ, nhớ, mẹ nhớ.

Dù vậy, con vẫn thích đi cùng mẹ trong một số trường hợp, mà thường xuyên hơn cả là đi ăn, đi du lịch, shopping và nghe hòa nhạc. Nhưng nếu đang nghe hòa nhạc mà mẹ thì thầm gì đó thì con sẽ nhăn mặt, mẹ để yên cho con nghe. Đi ăn thì phải ngồi ở phía bàn không có mẹ, tức cùng bố hoặc anh Tuấn. Chỉ có đi du lịch hai mẹ con và shopping thì nàng mới sẵn lòng ở bên mẹ mọi lúc, mà nếu đi du lịch không phải chỉ hai mẹ con thì cũng tránh xa mẹ luôn.

Ít bữa trước thấy con buồn, con khóc, mẹ lo lắm. Mẹ gọi điện cho cô, tìm mọi cách để biết xem liệu ở lớp con có việc gì, hay điều gì khiến con buồn vậy. Cuối cùng thì tìm ra. Tất nhiên con gái chẳng hé một lời nào với mẹ. Mẹ thương con vô hạn, nói với bố con có chuyện không vui, đừng quát mắng con, hãy cố đem lại cho con những niềm vui nho nhỏ cho con quên chuyện buồn, rồi ít bữa mọi việc sẽ qua. Cũng may, bố dù không tâm lý như mẹ, không tìm đủ mọi cách để biết vì sao con buồn, nhưng khi mẹ nói như vậy thì bố cũng hiểu rằng con cần một chỗ dựa, con cần được chiều chuộng hơn, có những niềm vui nho nhỏ để quên đi nỗi buồn. Mấy hôm đó mẹ phải đi công tác, mẹ gọi điện chủ động bảo con đi mua bánh trà sữa, con sung sướng hỏi, thật á, thật á (vì trước đó mẹ bảo tháng này đang phải dồn tiền mua đàn cho con, nên mình cần tiết kiệm hết sức). May quá, chiếc đàn mà con mong chờ cũng về đến Hà Nội vào những ngày này, con có thêm nó làm bạn, ôm ấp cây đàn suốt từ hôm đàn về đến giờ. Tối qua mẹ bảo, thôi lên tập đàn đi, mẹ rửa bát cho, nàng sung sướng hết toáng lên, tỏ vẻ rất sung sướng và cảm động, rồi khoe con đã tập xong gần một bài rồi, cả tập đệm nữa, tập đệm đấy, mẹ biết không 😊.

Ừ, dù con không coi mẹ là bạn của con thì mẹ vẫn cứ coi con là bạn của mẹ 😊. Mẹ cố gắng hiểu con, đặt mình vào vị trí của con để biết con muốn gì, cần gì, khuyến khích con học, mang lại niềm vui cho con. Hy vọng tuổi nổi loạn sẽ qua, rồi con sẽ hiểu mẹ đã thương con, vì con đến như thế nào và trở lại là cô bé ngọt ngào, gần gũi ngày xưa. Yêu cô con gái của mẹ thật nhiều!

06 tháng 4 2019

KHI CON TRAI TRỞ THÀNH "NGƯỜI NHỚN"



Con trai bắt đầu nổi loạn khi con vào lớp 8, với những cơn nổi loạn ngày càng khiến mẹ đau tim hơn. Vụ đầu tiên là bỏ nhà qua đêm lần đầu tiên đâu đó kỳ 2 năm lớp 8. Còn vụ đau tim nhất là ngày 26/12, cái ngày mà mẹ sẽ không bao giờ quên được. Mẹ thường xuyên không biết phải làm gì với con, thường xuyên gọi điện cho bác Kh., một chuyên gia về tâm lý, trong tình trạng nước mắt đang chảy hỏi chị ơi em phải làm như thế nào trong hoàn cảnh này. Ai cũng bảo cứ bình tĩnh rồi nó sẽ trở lại như bình thường nhưng thật sự lúc đó mẹ như trong một đường hầm, không dám tin rằng phía trước sẽ có ánh sáng.

Lên cấp III, vào lớp 10 con vẫn tặng mẹ hết cơn đau tim này tới cơn đau tim khác, con ngủ trong lớp, con không hề chép bài, con không chơi với bất kỳ một bạn nào, thường xuyên mẹ nhận được tin nhắn báo con bỏ học… Mặt khác, con cũng thúc giục mẹ tìm lớp lập trình cho con học và cơ duyên để con đi học cao đẳng thực hành sớm cũng từ đây mà ra. Vật vã rồi cũng qua được lớp 10, với điểm tổng kết cuối năm 5.7 đã đủ để mẹ mừng sém rớt nước mắt. Và khi con lên lớp 11 thì có vẻ như những cơn nổi loạn của con bớt dần, hoặc đơn giản mẹ đã được con “rèn luyện” nên thần kinh trở nên thép hơn, không còn bực bội khi thấy con ngồi máy tính triền miên, khi con không chịu làm việc này, việc kia, rồi cả khi đi họp phụ huynh để nhận một bảng điểm mà nếu vào nhà khác chắc sẽ là một hoạt cảnh khá ầm ĩ. Dù vậy, mối quan hệ của con với cả nhà đã trở nên tốt hơn nhiều. Con bớt khóa cửa phòng hơn trước, dù đóng thì vẫn thường xuyên. Điểm tổng kết học cao đẳng của con rất khá. Con thường xuyên trêu chọc cả nhà, trêu chọc em khiến bố mẹ phì cười. Bữa cơm nào bố mẹ cũng tha hồ được uống thuốc bổ.

Mẹ đi công tác từ thứ Tư, tận chiều thứ Bảy mới về đến nhà. Đã định nấu một bữa cơm ngon thì cậu con trai rủ rê mẹ ơi đi ăn bên ngoài đi. Mẹ từ chối, bảo tháng này mẹ mua đàn cho em, hết sạch tiền rồi. Con trai xung phong ngay, con đãi. Lâu nay cậu cả đi dạy đàn, tuần 1 buổi được 400k chứ ít ỏi gì đâu. Con rút ví ra kiểm tra và bảo, con sẵn sàng đãi cả nhà 400k. Ôi ôi người lớn ghê. Mẹ ngại ngần, vì thực sự muốn xào cho em cún món bí mà em rất yêu thích, nhưng em cún phản đối ngay, mẹ nỡ đối xử với anh Tuấn như thế à. Chà, thế thì phải đi ăn ngoài thôi 😊.

Trên đường chở con đi mẹ gạ gẫm, hay sang năm khi con thi xong mẹ cho con sang Úc với Tuấn Anh ít bữa nhé, Tuấn Anh cũng học lập trình đấy. Con ngần ngừ, con chưa biết, con còn nhiều việc phải làm lắm. Hè này khi thi xong lớp 11 con định luyện thi IELTS, rồi học tiếng Nhật cấp tốc, tuần 5 buổi. Con và bạn Minh hẹn nhau rồi mẹ ạ. Với con khó nhất là có bằng cấp III mẹ ạ. (Cu cậu đã học xong 3 kỳ cao đẳng rồi, thêm 1 kỳ nữa là có bằng, và điều kiện để liên thông lên đại học là bằng khá cao đẳng, IELTS 6.5, và có bằng cấp III). Ừ, đúng là con chẳng giống ai. Học lập trình khó thế thì con chẳng kêu khó bao giờ, luôn đứng trong top đầu lớp, tiếng Anh tốt, chơi đàn tốt, còn bằng cấp III là thứ hầu như ai cũng học được thì con vật vã 😊. À mà mẹ không cần mua máy tính bàn cho con đâu, con tự dành dụm tiền để mua, 10 tr. là có một chiếc ấy mà. Nhưng mẹ hứa mua cho con một cái Macbook nhé.

Nghe con chia sẻ những dự định của mình, mẹ mừng biết bao. Con trai lớn thật rồi. Dù vẫn còn khiến mẹ đau đầu nhiều lắm, nhưng nếu theo đúng kế hoạch thì chỉ chưa đầy 20 tuổi con đã có bằng đại học rồi, bố mẹ sẽ không còn phải lo nhiều về con nữa. Hóa ra chuyện trăng đến rằm trăng tròn có vẻ như có thật. Vậy mà mẹ đã khóc vì con biết bao nước mắt, và nhiều khi tưởng như mình đang ở trong một đường hầm tối đen dài vô tận.

Cảm ơn con trai yêu. Mẹ thật mừng khi con có được niềm đam mê của mình trong cuộc sống. Chỉ cần thế với mẹ đã là đủ rồi con ạ. Yêu con thật nhiều!



01 tháng 4 2019

KHI BỐ MẸ VỀ NHÀ MÌNH



Cuối năm 1998, khi bọn mình ở bên Nga về và mua nhà ở Hà Nội, bố mẹ mừng lắm, bảo từ giờ mỗi khi về Hà Nội bố mẹ được ở nhà các con, không phải ở nhờ nhà ai nữa. Và suốt từ ngày đó, nhà mình đã trở thành “văn phòng đại diện” của ông bà theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Những năm đầu tiên khi bọn mình mới về ông bà còn làm du lịch, vậy nên lâu lâu mình đi thu tiền của khách hàng cho ông bà. Rồi cần chuyển gì cho ai, liên hệ việc này việc nọ. Có một lần trên nhà ông bà cần tuyển nhân viên, tụi mình đăng tuyển trên báo và nhà mình là địa chỉ để tuyển chọn.

Công việc kinh doanh thì vậy, mọi việc trong gia đình, họ hàng chúng mình cũng là người đại diện – thay ông bà đi các đám hiếu, đám hỉ, đám giỗ, những người ốm đau mỗi khi ông bà không thể về được, cả ở Hà Nội và ở quê. Mà mỗi năm những đám như vậy đều khá nhiều, lúc thì mình, lúc thì ông chồng đi. Ông chồng nhà mình đã trở nên thân thiết với họ hàng nhà mình đến nỗi có một lần mấy ông anh họ rủ ông chồng nhà mình về quê mà mình còn chả biết nhân sự vụ gì 😊.

Và suốt từ ngày bọn mình ở Hà Nội, năm nào ông bà cũng về nhà mình vài lần, thường đầu xuân sẽ là đám giỗ ông bà nội, rồi mùa hè thì đi nghỉ, mùa thu khi mát trời lại có một cớ nào đó để ông cần đi Hà Nội. Mỗi khi ông bà đi Hà Nội thì mấy chị em đều nói là ông bà về nhà dì Tuyết, nghe đầy ấm áp, như thể ông bà về ngôi nhà của mình chứ không phải đến nhà con hay đi đâu đó ít bữa. Mà cả sau này, khi vợ chồng cậu em trai đã chuyển về Hà Nội sống thì ông bà vẫn chỉ ở nhà mình mỗi khi có việc đi Hà Nội.

Ngày đó, khi ông còn khỏe, mỗi khi ông bà về mình sẽ chở ông đi chỗ này chỗ nọ, thăm họ hàng, rồi bạn bè. Mình nhớ đã chở ông đến nhiều nhà bạn bè lắm, cả những người khá có tiếng tăm như bác Dương Tường, bác Nguyễn Xuân Khánh hay nhà thơ Bảo Sinh. Có lần ngồi sau xe máy của mình, ông bảo, tiếng xe cộ ầm ì cứ như sóng biển. Rồi mỗi lần ông bà về đây, mình cũng hay cùng ông bà về quê, thăm mộ ông bà nội và họ hàng. Cả khi mua xe ông chồng nhà mình cũng cân nhắc kỹ càng mua loại xe nào để có thể chở được cả nhà và ông bà một cách thoải mái. Quả thật, chiếc xe đã làm rất tốt công việc của nó trong những lần ít ỏi chở ông bà và cả nhà đi chơi, đi thăm họ hàng, rồi năm 2016, khi sức khỏe ông đang rất yếu mà lại cần chở ông về Sapa, khoang xe rộng đã giúp ông được nằm một cách thoải mái hơn trên đoạn đường dài Hà Nội - Sapa. Rồi gần đây, khi ông muốn về thăm quê, ông vẫn bảo, bố mà bảo một câu là thằng Sỹ lên chở bố về Hà Nội ngay (dù các chị và các cháu nhà mình trên Lao Cai ai cũng có xe riêng) 😊.

Lâu nay sức khỏe ông chẳng còn như xưa, việc đi lại bị hạn chế hơn hẳn. Từ sau trận đột quỵ hồi tháng 6 năm ngoái, ông không còn ra được khỏi nhà. Hôm Tết về thăm, bà bảo, đám giỗ ông nội năm nay mẹ cho bố về dự, rồi về quê thăm mộ ông bà nội lần cuối. Thế nhưng cuối cùng việc đó cũng không thành. Bản thân ông tự thấy việc ra khỏi nhà là quá nhiêu khê, chưa nói đến đoạn đường tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng lại là dằng dặc đối với một ông già 90 tuổi từ Sapa về Hà Nội, dù rằng có xe đưa xe đón tận cổng.

Hôm qua bà lại về nhà mình, ở nhà mình một hôm đi thăm họ hàng, rồi ngày mai bà sẽ cùng ba cô em gái - các dì mình - đi chơi Nhật Bản vài hôm. Ngày trước thì hay chở ông bằng xe máy, còn bây giờ mình gọi taxi đưa bà đến thăm họ hàng. Vừa nhìn thấy mẹ mình bác Miên đã nước mắt lã chã ôm lấy mẹ mình nghẹn ngào. Đứa cháu nội của bác, nó gọi mình là cô, vừa mất cách đây vài tuần, để lại một cô vợ mới 30 và một đứa con vừa hơn hai tuổi. Hôm vào viện thăm nó rồi sau đó là đi đám tang nó, lần nào mình cũng khóc rất nhiều, thương anh chị mình quá. Thấy bác chảy nước mắt mình cũng không kìm lòng được. Ngồi với bác một lúc mình đưa mẹ đến thăm bác Tân. Bác Tân năm nay đã 92, chỉ ngồi một chỗ, sống một mình trong căn hộ với người giúp việc. Được cái bác hoàn toàn minh mẫn. Thấy mẹ mình đến bác mừng không để đâu cho hết. Còn mẹ mình thì sau đó lại kể lại chuyện bác Tân đã luôn thương mẹ thế nào, giúp mẹ ra làm sao khi mẹ đưa 5 đứa con nhỏ chạy Tàu về quê Thanh Hóa năm 79, rồi sau đó còn gửi chị Vân ở lại nhà bác cả năm trời. Câu chuyện lan man hết người nọ sang người kia, mà chủ yếu là những câu chuyện ngày xưa, những bác, những cô mà giờ ai cũng đã ngoài 80, thậm chí có bác đã 96 tuổi. Ngồi bên cạnh bác bây giờ chẳng còn đi được đâu, mình nhớ đến bố mình bây giờ cũng chỉ quanh quẩn trong mấy căn phòng trên tầng ba. Rồi còn mẹ mình. Liệu mẹ còn có thể về nhà mình được bao lần nữa? Nghĩ vậy lại thấy buồn buồn. Mẹ ơi, cầu mong mẹ mạnh khỏe. Cầu mong mẹ sẽ còn về nhà con được nhiều lần nữa mẹ nhé! Để con được đưa mẹ đi thăm họ hàng, để được nghe những câu chuyện ngày xưa.

Viết thêm: Lần nào mẹ về hai mẹ con, và nhiều khi cả ông chồng nhà mình, thường ngồi chuyện trò rất lâu. Tối qua mình bảo cún, con đi ngủ sớm cho bà ngủ nhé, không được làm bà mất ngủ. Cún cười cười đáp, mẹ cứ nói thế nhưng rồi có khi mẹ và bà lại thức đến 11h đêm ý, lần nào chẳng thế. Buổi tối mình và bà ngồi chuyện trò ở phòng khách, cậu con trai từ trên tầng hai đi xuống cười vẻ trêu chọc bảo, đấy, mẹ và bà đang làm đúng như em cún nói đấy. Ôi, lũ tiểu yêu!

Còn bữa cơm chiều nay thì bà kể chuyện tình hết sức lâm li của ông với người cũ :). Cún mắt tròn mắt dẹt nghe, thỉnh thoảng lại trầm trồ, ồi ồi. Mẹ trêu, con thấy chuyện tình của ông ngày xưa hoành tráng không, giống ngôn tình chưa, mẹ viết một entry nhé. Nàng cười cười. Ừ, chuyện tình  phải thế chứ, chả như chuyện của mẹ kể xong cún bảo, nhạt nhẽo thế thôi à mẹ. Ặc ặc.