29 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_29


29/4/2020
Vậy là mình đã đi làm ở văn phòng được ba ngày. Dù mình đã quen làm việc ở nhà, cảm giác được quay trở lại văn phòng vẫn khá sung sướng, sau ngần đấy ngày giam mình trong bốn bức tường. Ngày đầu tiên đi làm trở lại ở văn phòng, bạn Ng. mang đến mời tất cả món bún chả. Hôm tiếp theo mình mời hai cô bạn cùng tuổi, mà ở văn phòng gọi bọn mình là ba chị Phúc Lộc Thọ, món bánh chưng gù. Trưa hôm nay, đã là ngày thứ ba đi làm, mình ra ngoài mua một chiếc bánh mỳ. Buổi trưa bọn mình thường đi một vòng nho nhỏ, từ Hàm Long rẽ phố Ngô Quyền lên Trần Hưng Đạo hoặc Lý Thường Kiệt, vòng sang Phan Chu Trinh rồi quay lại Hàm Long. Hôm nay đã có nắng mới. Quanh khu mình ít cây bằng lăng nên chưa thấy màu tím nhưng những vòm lá sấu, lá bàng thì xanh thẫm, đổ bóng rợp xuống những con phố bình yên. Chưa thấy tiếng ve nhiều nhưng chắc chỉ vài bữa nữa thì sẽ tha hồ rát tai. Ngoài đường chưa quá đông người, hàng quán cũng vậy nhưng rõ ràng cuộc sống đang dần trở lại bình thường hơn, và lòng mình cảm giác như lâng lâng trước một điều giản dị đến vậy :).
Cô K., một đối tác của mình, ghen tỵ bảo, bọn tôi chưa biết khi nào mới được mở cửa trở lại. Dù sao mình cũng vô cùng mừng khi thời gian cuối số ca ở Úc tăng rất chậm và đã thấy rõ Úc kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Tuần nào mình cũng liên lạc, nói chuyện với chị A. và G. mấy lần, nhớ lại những ngày đầu tháng 3 crazy, khi chị A. vừa sang đến Hà Nội trưa thứ Hai thì thứ Ba phải quay về ngay. Rồi các bác G. và H. cũng lần lượt về Úc trên những chuyến bay gần như cuối cùng trước khi bị cách ly. Vèo cái đã gần 2 tháng từ những tháng ngày đó. Chả biết bao giờ mình mới gặp lại mọi người, đặc biệt chị A., người lúc nào hết sức supportive và nice với mình. Hai tháng thay đổi thế giới, buộc mọi người sống và nhìn cuộc sống theo một cách khác hẳn.
Hôm nay đã là ngày thứ 13 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng dù điều đáng lo ngại là có một số ca tái nhiễm. Ôi chao, ngày nào mình cũng kiểm tra tin tức vào sáng sớm và buổi chiều, đếm từng ngày không có thêm ca nhiễm mới, để sau đây có thể thực hiện công việc như xưa – đi công tác, tham dự các buổi làm việc, họp hành trực tiếp. Các trường đối tác của mình rục rịch mở cửa trở lại. Lào Cai rồi các tỉnh khác đã tuyên bố không cách ly người từ Hà Nội. Tuy vậy, Sa Pa vẫn đóng cửa, chưa cho đón khách du lịch cho đến sau kỳ nghỉ lễ này. Đôi vợ chồng thuê nhà của ông bà đã phải đóng cửa hai tháng nay, tất nhiên là hoàn cảnh khá khó khăn. Dù ông bà không lấy tiền thuê nhà những tháng này, các bạn ấy còn mấy chỗ làm ăn khác và chắc riêng tiền trả lãi đã đủ khiến người ta phát điên. Mà nào chỉ riêng hai vợ chồng đó, khá nhiều khách sạn trên Sapa đang rao bán do không còn sức trụ nổi nữa. Mình luôn nói với bọn trẻ rằng nhà mình vô cùng may mắn khi mình vẫn có việc làm và được trả lương đầy đủ.
Mai là nghỉ lễ rồi. Chiều nay đã có tin nhắn tuần sau cún đi học trở lại. Cô giáo Tuấn chưa gửi tin nhắn nhưng có lẽ cũng thế. Chúc mừng các con! Thế là các con đã được quay trở lại trường sau một kỳ nghỉ dài lịch sử, chắc chỉ một lần trong cuộc đời. Nào, chúng ta cùng vui vẻ bên nhau nốt những ngày nghỉ lễ này nhé, để sau đây cả hai anh em bước vào một khoảng thời gian hết sức bận rộn, bù lại khoảng thời gian vừa qua! Cũng may, các con đã vượt qua khoảng thời gian đó một cách khá nhẹ nhàng, không như mẹ lo ngại. Cảm ơn sự hài hước của Tuấn, giúp những tháng ngày “phong thành” của mẹ có thêm rất nhiều tiếng cười. Và hy vọng điều mong ước của mẹ thành sự thật, để mẹ không còn phải tiếp tục viết Nhật ký những ngày các con nghỉ học nữa!

26 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_28


26/4/2020
Đã ngày thứ tư kể từ khi có lệnh nới lỏng phong tỏa. Mình vẫn làm việc ở nhà mấy hôm tuần trước, vẫn dặn bọn trẻ, và cả ông chồng vốn chẳng coi dịch bệnh là gì, rằng chưa đến lúc tưng bừng nhảy múa ăn mừng. Nguy cơ vẫn còn đó. Bằng chứng là một số ca đã âm tính, ít ngày sau dương tính trở lại và người ta phải tiếp tục cách ly những người đã tiếp xúc gần những ca dương tính trở lại đó. Mr hồ hởi, cuối tuần sau về quê được chưa nhỉ. Trời ạ, chẳng có gì là lạ nếu dịch dễ dàng bùng phát trở lại khi có rất rất nhiều người cũng hồn nhiên giống hệt ông chồng nhà mình. Mình bảo ngay, no, về gì mà về. Sao anh không nghĩ về bây giờ làm khó mọi người ở quê. Hoàn toàn có thể ông bà cũng ngại ngần khi con cháu ở vùng dịch về. Rồi còn hàng xóm. Kịch bản tươi sáng hơn là người ta không rào đường nhưng tránh xa, nhìn chúng ta như những ổ virus di động, và hoàn toàn có thể có một kịch bản khác là chắn đường, không cho xe biển số Hà Nội vào làng. Và mình cũng không muốn tiếp xúc đông người vào thời điểm này. Vậy nên Dad đi đâu thì tùy, mấy mẹ con sẽ ở trong nhà hết dịp lễ 1/5 này. Điều khác thường duy nhất mình cho phép bản thân là đi gội đầu, và lôi cổ cậu con trai đi cắt tóc. Cô bé ở đó lần nào cũng trầm trồ cậu con trai xinh quá, có hôm còn bảo mình, ăn gì mà đẻ con đẹp thế 😊.
Ngoài đường đã đông đúc lên nhiều. Hàng quán mở lại, dân tình tưng bừng đi ăn uống. Hôm qua mình đi viếng một đám ma, mẹ anh chị người quen bên Budapest. Thật đau lòng. Bà 82 tuổi, ra đi bất ngờ, và anh con trai duy nhất ở nước ngoài không thể về để nhìn mặt mẹ lần cuối. Nhà neo người cộng thêm thời dịch bệnh, nên rất vắng. Mình nghĩ đến khi nào mình ra đi chắc cũng vắng vẻ thế thôi. Nhưng mình thấy vắng vẻ như vậy cũng chả sao. Mình vốn sợ sự ầm ĩ, ít giao lưu. Chỉ cần ít người thân trong gia đình, vài bạn bè đến chia tay là đủ. Nhưng khi con cái không thể về bên bố mẹ lần cuối, nghĩ sao mà thấy đau lòng .
Một năm với nhiều điểm gở được cảnh báo qua giông gió mưa kỳ lạ đêm giao thừa và ngày mùng Một Tết. Và đến tận bây giờ, thời tiết bất thường ấy vẫn tiếp diễn. Bác T. kêu ca đã 4 ngày liền trời mưa và lạnh, như mùa đông, xuống tới quanh quẩn 10 độ, thậm chí còn đốt cả lò sưởi. Hà Nội cũng lạnh, đắp chăn bông, mặc áo khoác, nhiệt độ xuống tới 17-18. Mọi năm thường chỉ 20/4 là đã nóng, dùng điều hòa rồi. Năm ngoái cũng vào tầm này mình và Caron hẹn chia tay để cô ấy quay về Úc, trời nóng ơi là nóng, bọn mình ngồi ở quán café 11 Hàng Gai, còn năm nay thì cách xa vời vợi.
Đã lâu lắm mình ít ra đường nên còn không biết cây cối, trời đấtt ra sao. Sáng nay đi bộ ra chợ gần nhà, thấy bàng đã ra hoa. Ừ, có thể chỗ nào đó hoa bằng lăng đã chớm nở rồi cũng nên. Một mùa xuân khác thường, để rồi có lẽ sẽ được tiếp nối bởi một mùa hè khác thường, với những đợt nóng được cảnh báo sẽ vượt mọi kỷ lục .
Tình hình ở hầu hết mọi nơi vẫn đều vẫn rất bi thương. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng mà số người chết ở Mỹ đã vượt con số 50k, gần bằng toàn bộ số lính Mỹ chết trong những năm chiến tranh tại Việt Nam. Đến cả Anh cũng đã có hơn 20k chết. Một điều đáng mừng là con số người chết ở Ý và Tây Ban  Nha giảm tương đối, xuống dưới 500 người mỗi ngày. Mình không dám hỏi thăm Andrea nữa, vì số người chết ở Canada, dù chậm, vẫn tăng đều đặn. Úc thì khá ổn, số người chết ít, số ca nhiễm cũng chỉ tăng rất nhẹ. Caron bảo với mình chồng cô ấy vẫn đi làm ở bệnh viện, chắc hẳn Caron cũng lo lắng lắm, và mình chỉ biết nói keep strong and safe.
Hôm nay Ng. gửi cho mình tin nhắn, báo đây là zalo của ba em. Wow, vậy là có thể gọi trực tiếp cho chú để bố mình và chú nhìn nhau trong giây lát. Lời hẹn cuối năm sang thăm chú giờ đổ bể hết rồi. Mình bảo các em chừng nào dịch bệnh qua đi, đường bay mở lại bọn mình sẽ qua thăm chú. Cầu cho chú và bố mình được khỏe mạnh tới khi đó. Thôi, chẳng dám cầu xin nhiều, chỉ là những mốc nho nhỏ vậy thôi.
Và cứ đếm từng ngày, từng ngày, chờ đợi qua cột mốc 14 ngày không có ca mới để có thể yên tâm hơn!

22 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_27


22/4/2020
Thế là mình đã ở nhà đâu đó hơn một tháng. Ban đầu tất nhiên không ai có thể hình dung một việc như vậy. Và bây giờ thì hình như mình đã quen, mọi người đã quen. Cả tuần mình thường ra khỏi nhà hai lần, cuối tuần sẽ đi siêu thị để mua phần lớn thực phẩm cho tuần đó, và giữa tuần một lần nữa bổ sung thêm ít rau hoặc bánh mỳ.
Hôm nay là một thời điểm đáng ghi nhớ khác. Lệnh nới lỏng giãn cách xã hội bắt đầu có hiệu lực từ 0h đêm nay, và từ sáng mai cuộc sống có thể trở về với một sự “bình thường mới” – một số hàng quán được mở (mình đã gọi điện ngay cho em O. hẹn ra gội đầu 😊), nhiều dịch vụ sẽ được mở trở lại. Bọn trẻ con nhiều khả năng sẽ đi học trở lại từ đầu tháng 5, với quy định ngồi cách nhau 1.5m. Trong bữa ăn ông chồng hỏi thế thì học thế nào, nửa lớp học à. Việc đó thì từng trường họ sẽ quyết, ai mà quyết thay được. Có thể thay phiên nhau nửa lớp đi học ca một, nửa lớp học ca hai. Có những lớp ở miền núi vắng vẻ, trên dưới mười học sinh thì giờ chỉ việc yêu cầu ngồi xa nhau ra. Tuấn cười cười, thì nửa lớp học, nửa lớp ở nhà xem livestream, cún chen vào, xong rồi em nào cũng muốn ở nhà xem livestream, hahaha. Đúng mà, đấy hoàn toàn cũng có thể là một cách làm.


Hôm nay, câu chuyện làm mình cười mãi trong lúc hai mẹ con đi bộ và leo cầu thang trong nhà là vụ leo đến tầng 3, vì cún đang ngồi học ở phòng thờ nên hai mẹ con đi vào phòng em cún. Thấy chăn của em chưa gấp, mẹ gấp hộ em. Tuấn chép chép miệng. Mẹ lừ yêu, thì mẹ cũng gấp cho con còn gì nữa. Tuấn cười đáp ngay, con chép miệng chứ có gì đâu, mẹ đừng có nhạy cảm thái quá thế đi chứ. Rồi chàng cứ vừa đi vừa khoác tay qua vai mẹ, chả khác gì cá mè một lứa và kích bác em Dương các kiểu. Chàng ngó qua chỗ em, tung ra một câu, Dưởng cháo rồi quay lưng. Mẹ hét lên, đừng có quấy rối em, để yên cho em học. Chàng tỉnh bơ, con chào em một câu ý mà. “Dưởng cháo” là cách chàng chào em, mẹ bảo nếu con nói ngược thì phải là “Dường chao” chứ. Không, con thích nói Dưởng cháo, nghe nó hay mà. Ôi ôi, các diễn viên hài của mẹ. Thời gian nghỉ lâu này hóa ra là lúc mẹ và chàng trai ngày nào cũng cười với nhau suốt trong lúc tập thể dục bằng cách đi bộ trong nhà. Cảm ơn con trai.
Điều khiến Tuấn thất vọng nhất là bộ dục vẫn quyết định thi tốt nghiệp THPT. Mọi năm thi 2.5 ngày, năm nay phương án mới là 1.5 ngày, giảm tải nội dung. Tuấn rên rỉ, nhưng vẫn phải thi. Mẹ bảo, ôi giời, con lo gì, năm nào chả tốt nghiệp chín mấy phần trăm, có gì mà phải lo. Chàng đã nhận hết mọi điểm của khóa học cao đẳng lập trình Aptech, giờ mở cửa, mong trường cho chàng đến nhận bằng. Mẹ cũng mong được đi dự lễ của chàng quá. Sau đây chàng cần đăng ký thi IELTS rồi làm hồ sơ vào đại học. Chàng rên rỉ, con sắp phải đi học rồi, không được thư giãn thế này nữa, mẹ phải cho con nghỉ ngơi. Ôi zời, kỳ nghỉ của con đã kéo dài suốt từ 15/1 đến bây giờ, hơn ba tháng rồi đấy chàng ạ.

Bọn mình hỏi nhau liệu đã phải lên văn phòng làm chưa hay vẫn làm ở nhà. Câu trả lời chưa rõ ràng, sếp vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào. Chắc ai cũng ngại ngần và sếp cũng còn đang cân nhắc. Chỉ cần chủ quan và dịch bệnh vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào, như Sing bây giờ đấy, đọc mà phát sợ, có ngày cả nghìn ca nhiễm mới. Mình đã quen làm việc ở nhà. Dù sếp quyết thế nào thì mình vẫn xin làm việc ở nhà hết tuần này đã. Ngồi đâu cũng vẫn phải giải quyết công việc, đi lại làm gì cho thêm nguy cơ.
Đã 6 ngày nay không có thêm ca nhiễm mới nào. Chắc nhiều người cũng như mình, nín thở chờ đợi. Nhưng mặt khác, chắc hẳn ai cũng chuẩn bị tinh thần với một sự “bình thường mới”. Cuộc sống sẽ còn rất lâu nữa, hay chẳng bao giờ, có thể quay trở lại như xưa. Với mình và rất nhiều người khác, việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đứng cách xa người khác đã là một thói quen. Con gái chỉ ra cổng nhận gói đồ cũng đeo khẩu trang, nửa phút sau vào lại tháo ra.
Đến bây giờ thì mình và A. đều chuẩn bị tinh thần là có thể đến tận cuối năm nay các chuyến bay quốc tế mới được nối lại. Một hôm A. bảo mình, chị mừng là đầu tháng 3 chị bay sang, nếu không thì chả biết bao giờ chúng ta mới gặp nhau. Hi hi, mình và chị ấy thân thiết, quý mến nhau đến kỳ lạ. Ừ, đó cũng là một niềm vui của mình khi làm việc ở văn phòng này. Kế hoạch của bọn mình là các hoạt động trực tiếp sẽ được tổ chức từ tháng 9 nghe chừng lại đổ bể rồi. Điều an ủi là G. và mọi người ở trường ĐH TB đã quen với việc làm việc online, các buổi làm việc diễn ra hết sức suôn sẻ.
Cơn ác mộng ở Mỹ và châu Âu vẫn đang tiếp tục, với một kịch bản không thể tồi tệ hơn. Các con số tăng đến chóng mặt, và bây giờ thì mình chỉ còn thường xuyên quan tâm đến các con số liên quan đến Việt Nam. Mỹ có tới hơn 45.000 người chết. Câu lạc bộ 20.000+ đã có 4 thành viên, Anh chuẩn bị gia nhập. Đất nước Bỉ nhỏ bé như vậy mà đã có tới hơn 6.000 người chết. Mình sốt ruột, gửi tin nhắn hỏi thăm Sarah mà chẳng có câu trả lời. Mình nhớ lại việc đi làm ở nhà dưỡng lão hồi 2007-2008. Cái nhà dưỡng lão nhỏ, tổng cộng chỉ trên dưới 30 ông bà cụ. Một cuối tuần đi làm thì mình được biết bà cụ đã mất trước đó vài hôm, trong khi chỉ cuối tuần trước mình và bà cụ còn trò chuyện rất vui vẻ. Chuyện đó làm mình bị ám ảnh mãi. Thế mà bây giờ, hình dung ở rất nhiều nhà dưỡng lão người chết liên tục, tình cảnh đang diễn ra ở rất nhiều nơi bên Mỹ, Canada, Bỉ, Hung, Pháp, Tây Ban Nha, etc.
Ừ, mong ngóng xem từ mai cuộc sống quay trở lại sẽ thế nào! Cầu Chúa ban phước lành cho tất cả chúng con!

15 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_26

15/4/2020
Cuối ngày thì đã có quyết định rằng các tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ rất cao (Hà Nội đương nhiên nhận vinh dự này, cùng SG và 10 tỉnh thành khác, kể cả Lao Cai nhà mình) sẽ tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tuần, hơn chục tỉnh khác thuộc nhóm nguy cơ cao, các địa phương còn lại nguy cơ thấp, có thể nới lỏng, dần quay trở về cuộc sống bình thường hơn. Chả có gì mới, mình vốn nghĩ sẽ tiếp tục như thế này và sớm nhất cũng phải đầu tháng 5 bọn mình mới lên văn phòng lại được.
Công cuộc sửa phòng của cún nhanh hơn dự tính. Hôm nay Dad đã sơn xong phòng và cửa sổ (dạo này ít việc, buổi sáng Dad ghé qua văn phòng một lát rồi về làm thợ sơn cả ngày.) Nước sơn màu hồng, cửa sổ trắng. Trông phòng con gái lạ hẳn. Con gái cũng đã kịp mua một chiếc đèn cây rất duyên dáng. Đôi hôm nữa thì sẽ mắc xong rèm, treo lại giá sách lên, dọn dẹp và con gái sẽ được ở trong một căn phòng khác hẳn.
Buổi chiều con gái phụng phịu, mẹ ơi sao mẹ không giống các nhà khác nhỉ, mẹ giống các nhà khác đi, mẹ bắt con đi học thêm nhiều vào đi. Mẹ phì cười, sao lại thế, con không nhớ thỉnh thoảng mẹ nhắc con thì con lườm mẹ bảo con tự biết mình phải làm gì. Hì hì, tự giác học thì con biết rồi nhưng con cần phải học thêm Toán. Con nhất định phải thi đỗ vào chuyên Tự nhiên. Bây giờ con hoang mang rồi, con không biết con phải làm gì rồi, mẹ giúp con đi. Okie. Lại tìm một lớp học thêm Toán để nàng luyện. Con học chăm chỉ thế này mà không đỗ thì mẹ thương lắm. Mẹ không muốn con phải chịu áp lực học hành nhiều. Với mẹ con học như bây giờ là ổn rồi, vậy nhưng con gái cứ tự đặt áp lực lên mình.
Con gái ăn xong bữa tối rồi vội vàng lên chuẩn bị học online (cố tình trốn không ăn quả chuối tráng miệng). Tuấn rất ra vẻ đàn anh, chạy theo đến tận cầu thang đòi dúi quả chuối vào tay em. Bố mẹ cười vì biết thừa chàng chẳng phải tử tế gì với em mà chỉ vì biết em không thích ăn thì càng ép. Không nhét được vào tay em chàng bảo, mẹ đừng lo, mẹ cứ dọn bát đĩa vào bồn, con sẽ mang chuối lên tận nơi cho em và nhắc em học xong xuống rửa bát. Cún nói vọng xuống, đồ giả dối. Bữa cơm nào cũng đầy tiếng cười của các con, trêu chọc nhau, kiểu như ghét nhau lắm, cũng có lúc hét lên bực bội nhưng thường xuyên hơn cả là cười rất vui vẻ. Bố kể chuyện một gia đình người bạn mà ở đó cô em gái rửa hết bát đũa cho anh, Tuấn chen vào, đấy đấy, con cũng thích như thế, bố cười cười, nhưng anh nhà người ta cũng chiều em lắm, sẵn sàng làm mọi việc khác em nhờ, chăm sóc em đến nơi đến chốn. Chàng được thể, vâng đây đây, con mang chuối lên cho em đây 😊. Mẹ thì bảo, kể cả mẹ có rửa bát hộ em con cũng không có lý do gì để thắc mắc cả, em học rồi tập đàn suốt ngày, đâu có như ai đó vật vờ nằm ôm điện thoại và chơi game. Chàng nhảy dựng lên, mẹ ám chỉ ai đấy. Haha, mẹ có ám chỉ ai đâu, thế con thấy nhà mình có ai như thế không. Con không chơi game cả ngày, con học đấy. Mẹ không thấy kết quả học của con đấy à. Hì hì, thôi đến đây thì mẹ không tranh cãi với chàng nữa, vì đúng là khi cần thì kết quả học của chàng không tệ. Hôm trước chàng còn đeo chiếc kính không độ của em cún, đi đi lại lại trong nhà với một vẻ rất hề, đưa tay chỉ chỉ lên đầu bảo, big brain, big brain. Ôi ôi ồi, đừng có tự tin thái quá thế đi.
Ơn Chúa, có vẻ như Úc đã kiểm soát được tình hình. Số ca tăng nhẹ nhẹ qua mỗi ngày và số người chết cũng rất ít. Vậy nhưng hôm qua A. bảo chính phủ Úc đang cân nhắc có thể sẽ hạn chế các chuyến bay quốc tế đến tận cuối năm. Được cái bọn mình đang chuyển dần các hoạt động sang online một cách khá nhịp nhàng và hy vọng những tháng cuối của dự án này sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đã lâu lắm rồi, tới gần nửa năm mình chưa đi lại con đường Hà Nội – Sơn La mà đã hai năm nay hầu như tháng nào mình cũng rong ruổi. Lại thêm một mùa hoa ban nữa đi qua. Thật tiếc khi năm nay mình không được ngắm cây hoa ban rất đẹp ở cái góc sân trường ĐH Tây Bắc ấy. Sáng nay mình chạy ù ra siêu thị gần nhà mua bánh mỳ. Siêu thị vắng, đường vắng, phần lớn hàng quán vẫn đóng cửa. Những búp bàng “xanh như là thương nhau” hôm nào giờ đã bung lá. Và chẳng hiểu sao, đi trong cái nắng nhẹ cuối xuân, trong đầu mình cứ âm âm câu thơ của Lưu Quang Vũ, “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa”. Vậy nên mình tin rằng cơn ác mộng này rồi sẽ phải chấm dứt, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả, sẽ tốt đẹp thôi!

14 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_25


14/4/2020
Từ hôm thứ Bảy, 11/4, ông chồng tự coi là hết cách ly, về lại nhà với vợ con. Thế là nhà mình lại đầy đủ. Trước đó ít bữa con gái làm một cuộc cách mạng lớn, giải phóng rất nhiều đồ đạc trong phòng, gọn gàng và rộng hẳn ra. Bù lại, nàng kêu phòng con trông buồn, con muốn sửa lại phòng. Mà giấy dán tường của nàng đã bắt đầu bị mốc từ năm ngoái, đúng là đã đến lúc cần thay. Nhà tài trợ vĩnh viễn bảo okie, con tính toán, lên dự trù rồi bố mẹ xem xét. Nàng toét miệng cười sung sướng và bắt đầu tính toán sơn lại hay dán giấy, sơn màu gì, cửa sổ nên xử lý thế nào, rèm cửa thế nào… Một hồi nàng báo cáo với mẹ nàng thích sơn màu hồng nhạt, sơn lại cửa sổ màu trắng, bỏ một lớp cửa sổ bên trong, thay vào đó là rèm vải hai lớp, mua thêm cây đèn ngủ cao và thêm một bộ ga giường mới. Okie, con tự nói chuyện với bố đi. Chả hiểu bố con nói chuyện với nhau thế nào mà đến tối Chủ nhật thì Dad đã bóc được hết lớp giấy dán tường cũ, chờ tường khô để sơn cho cô con gái. Sẽ còn mất thêm đôi buổi để sơn tường, sơn cửa sổ, treo rèm và dọn dẹp, kê lại mọi thứ. Cô con gái náo nức lắm, dù rằng mấy hôm nay thì nàng không có phòng, và đồ đạc đang ngổn ngang ở hành lang và phòng thờ.
Hôm Chủ nhật mình tham gia một buổi hội thảo online về chủ đề làm việc ở nhà thế nào cho hiệu quả. Mặc dù những mẹo được nêu/thảo luận mình đều đã biết, nhưng thực sự buổi trò chuyện giúp mình có động lực quản lý thời gian tốt hơn. Ngay sau buổi đó mình đã quyết tâm bớt thời gian lang thang mạng mẽo đọc mấy thứ rác rưởi, dành ra mỗi ngày ít nhất 30’ theo đuổi khóa học nhạc, hàng ngày thay bằng mấy trang lá cải thì sẽ lướt New York Times một lần, mỗi tuần ít nhất xem 1 bộ phim. Mặc dù còn nhiều điều cần phải làm, ví dụ như mình cần dậy sớm hơn để có thể chơi đàn 30’ buổi sáng và ăn sáng tử tế, rõ ràng việc nghiêm khắc với bản thân hơn đã bước đầu tỏ ra hiệu quả 😊.
Hôm nay đã 14, mai là ngày cuối trong đợt cách ly xã hội lần thứ nhất. Chắc bọn mình, cái đám Hà Nội mắc dịch, sẽ được ưu ái cách ly thêm nửa tháng nữa, trong khi một số tỉnh thì sẽ dần nới lỏng. Có lẽ đã đến lúc người ta chấp nhận sự thật rằng khó lòng quay trở về tình trạng không còn người nhiễm mới nào, sẽ vẫn tiếp tục có các ca mới nhưng ở một mức độ không quá nhiều, vậy thôi, và cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn. Số ca nhiễm mới ở Hà Nội vẫn đều đặn tăng chậm chậm, trong khi số ca khỏi cũng khá nhiều. Tình cảnh ở New York và toàn nước Mỹ thật bi thương. Cứ qua một đêm mình ngủ dậy thì toàn nước Mỹ sẽ có khoảng trên dưới 2000 người chết và 30.000 ca nhiễm. Người ta nói đến tín hiệu lạc quan của Tây Ban Nha và Ý khi số ca chết hàng ngày bây giờ “chỉ còn” 500-700, trong khi Anh rơi vào một vòng xoáy bi thảm mới khi có ngày số ca chết lên đến 1000. Chao ôi, mình thậm chí còn sợ, muốn viết thư hỏi thăm Derek, ông chủ nhà ngày xưa, thời mình ở Leicester năm 2007-2008, mà cứ ngại ngần. Chỉ sợ không có hồi âm, hoặc tệ hơn, những tin tức xấu.  
Lễ Phục năm nay đã trôi qua một cách lặng lẽ. Mình còn nhớ buổi thánh lễ Phục sinh năm ngoái ở nhà thờ Thái Hà. Còn năm nay thì suốt từ đầu năm đến giờ mình chưa đi một buổi lễ nào. Hôm nay mình đọc về những đám tang vội vã, kéo dài vẻn vẹn 5’ ở Tây Ban Nha, với không quá 5 người tham dự đứng cách nhau 2m và một linh mục đứng cả ngày, làm lễ cho hết người này đến người khác, không khẩu trang, không găng tay, cho rằng "trong thời khắc lịch sử này, đó là đặc quyền của mình... Cuộc đời của tôi là dành cho mọi người - ở bên cạnh họ vào lúc khó khăn nhất". Đọc câu này nước mắt mình lại ứa ra, vì cảm phục vị linh mục, vì sự bất lực và nỗi đau của con người. 
Hôm nay nắng đã lên. Trời rất đẹp và mát mẻ trước những cơn nóng mùa hè đã chẳng còn xa xôi. Con người trong hàng thế kỷ đã quen nhốt đủ các con vật trong lồng, giờ đây thì bị những con virus bé tý tỳ ty nhốt lại vào lồng, bất lực tự hỏi liệu bao giờ, bao giờ thì cuộc sống mới trở lại bình thường??

11 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_24


10/4/2020
Thế là đã ba tuần trôi qua kể từ khi mình chính thức làm việc ở nhà. Wow, không ngờ thời gian trôi qua nhanh đến như vậy. Đêm qua, khi đã khuya lắm mình nghe tiếng hai anh em rúc rích dưới nhà, biết ngay bọn trẻ lại ăn đêm. Thế mà sáng nay con gái vẫn dậy rất sớm, lục đục ăn sáng rồi miệt mài ngồi tập đàn trong lúc mình cứ nằm mãi trên giường, tận hưởng tiếng đàn thánh thót của con gái vọng lên từ dưới phòng khách. Tầm 8.30 mình mò xuống bếp uống cốc nước, con gái dừng tập ngay, bảo mẹ lên nhà con mới tập tiếp, giờ con cảnh giác mẹ rồi. (Vụ này liên quan đến hôm trước mình lén chụp một tấm ảnh nàng đánh đàn, làm nàng phát khóc và mất hết tâm trạng.) Mẹ không biết làm gì hơn, đành sớm rút lên phòng cho nàng được thoải mái.
Hôm nay là Thứ Sáu tuần thánh, bọn mình được nghỉ. Không còn nghi thức họp team lúc 9.30 sáng và hàng mớ việc phải giải quyết, mình vật vờ đọc tin tức, lang thang trên mạng khá lâu. Hôm qua nói chuyện với H., H. nói cây táo trong vườn nhà em đang nở đầy hoa, mỗi thế thôi mà sao bỗng dưng mình nhớ da diết những bông hoa lê, hoa táo mùa xuân. Hoa lê Sapa thường nở rất muộn, phải giữa tháng 3, khi đào, mận đã tàn. Những bông hoa lê trắng muốt, tinh khôi trên cây lê ở vườn trước, vườn sau, bên chái nhà. Bố ngắt một cành hoa lê nhỏ cắm vào lọ mực xanh và tím, để cho bọn mình xem mực sẽ bị hút lên, làm biến màu những cánh hoa lê như thế nào. Ở Sapa thông thường chỉ nhiều hoa đào, hoa mận, nhưng nơi con đường nhỏ từ các bậc chợ đi lên để đến nhà chị T., chỗ gần đường Sở than có một cây táo mèo. Mình cứ nhớ mãi một lần cách đây 4 năm, mình và ông đi ngang qua đó, dừng lại ngắm mãi.
Chả hiểu sao, câu chuyện gắn với hoa táo mà đọng mãi, đọng mãi trong đầu mình, hầu như cứ nhắc đến hoa táo mình lại nhớ, là chuyện Người đầu bếp già. Mình như thể nhìn thấy căn lều nhỏ, với người đầu bếp già nằm trên giường trong những giây phút cuối của cuộc đời, và khi Mozart chạm tay vào cây đàn, bất chợt “như thể có hàng trăm viên pha lê rơi xuống sàn”, và ngoài vườn, những bông hoa táo bừng nở. Mình và T.H luyên thuyên với nhau một hồi, nói về truyện “Tuyết”, “Chuyến xe đêm”, “Bình minh mưa, và bài thơ “Nghĩ lại về Pautovsky”. Đã lâu mình ít đọc sách văn học mà hay đọc non-fiction, phần lớn là sách chính trị, và cũng mất khá nhiều thời gian với các tin tức lá cải vớ vẩn. Mình rủ T.H làm sao để có thể bớt mất thời gian với những thứ rác rưởi để dành thời gian cho những thứ đáng giá hơn. Challenging ra phết! Thế là tối mình lôi cuốn 100 truyện ngắn Nga hay mà Dad tặng mình tròn 20 năm trước ra đọc. Ừ, hóa ra trái tim mình vẫn còn dễ dàng thổn thức lắm! Không thể tưởng tượng nổi, 20 năm. Mình còn nhớ khi đó mình mới bên Nga về được hơn năm. Dịp đó Dad có việc về Hà Nội, mình và Dad lên Bờ Hồ chơi, lang thang phố sách Nguyễn Xí và Dad mua bộ sách tặng con gái nhân dịp sinh nhật. Bây giờ bố đã yếu, chuyện tặng mình bộ truyện 4 cuốn dày cộp đó chắc bố chẳng còn nhớ. Còn mình thì thấy may mắn vì giữ được một món quà quý của bố. Hôm tới về thăm ông sẽ kể ông nghe chuyện này, thể nào mắt ông cũng lấp lánh niềm vui, còn mình chỉ nghĩ thế này đã rơm rớm nước mắt. Tự dưng mình lại nhớ T.H bảo, nghe có vẻ lạ nhưng tớ nhớ đến bố tớ hầu như hàng ngày.
Rủ con gái đọc cùng mẹ đôi truyện ngắn, bảo con hay lắm con ạ, con nên đọc những thứ đẹp đẽ như thế này, con gái phản bác ngay, đấy là theo cảm tưởng của mẹ. Con đọc truyện trinh thám của con cũng thấy rất hay. Haiza, mẹ phải làm sao để đưa con vào thế giới của những điều đẹp đẽ, nhân văn như thế này đây? May mắn là con đã bị ảnh hưởng của mẹ khá nhiều, ít nhất thì thẩm mỹ âm nhạc của con khá tốt, con không hề nghe mấy thứ rác rưởi rất khủng khiếp kiểu như Để Mỵ nói cho mà nghe.
Sự cố ngày hôm nay là buổi trưa con gái ngủ quên, bỏ lỡ hai tiết liền. Thức dậy con gái hoảng hốt mẹ ơi chết rồi chết rồi, làm sao bây giờ. Mẹ bảo thì con gửi tin nhắn xin lỗi cô em ngủ quên, hoặc con nói mạng nhà em bị hỏng. Nhưng buổi sáng con vừa sinh hoạt lớp xong. Mà hôm nọ con đã báo mạng hỏng một hôm rồi. Ôi zời, mạng thì phút trước hoạt động, phút sau hỏng là chuyện thường. Ôi mẹ ôi cô đã gửi tin nhắn hỏi rồi này. Tuấn cười cười, để anh và mẹ lên giải cứu. Thế này nhé, em cứ lờ đi, cô gửi tin nhắn mình không trả lời cũng là một lựa chọn, hoặc em block béng cô để cô khỏi gửi. Anh đây này, anh cứ kệ cô. Ôi trời, đừng có làm gương xấu cho em như thế. Cuối cùng thì cún nhắn tin xin lỗi cô, báo rằng nhà em sửa mạng nên em không vào mạng được. Cô nhẹ nhàng nhắc lần sau nhớ báo với cô sớm để cô báo với thầy cô giáo bộ môn. Cún sung sướng, sao cô Nga hôm nay hiền thế, sao mẹ hiền thế. Mẹ nghiêm giọng, hôm nay lần đầu nên mẹ không trách mắng, nhưng lần sau mà tái diễn mẹ sẽ xử lý. Tuấn cười rất đểu, ôi xời, học vớ vẩn như thế thì có bỏ nhiều tiết cũng chả sao, việc gì mà phải to tát thế. Ặc ặc.

08 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_23


8/4/2020
“Tầm tầm trời cứ đổ mưa/Hết hôm nay nữa là vừa bảy hôm”. Không phải “bốn” như Nguyễn Bính viết mà đã cả tuần nay trời mưa, lúc này lúc khác có những khoảng lặng nhưng ngày nào cũng mưa. Có hôm mình còn không mở khóa cửa sắt ra sân. Có đi đâu mà mở làm gì, đến cả rác cũng 2-3 ngày mới đổ một lần. Trời mưa, muốn ra sân đi loanh quanh cũng không được. Rét nàng Bân năm nay quả là khác thường, hay vì nơi nơi phong tỏa, nàng Bân không về trời được nên gây ra sự vụ thế này.
Hôm qua trên báo chí đã thấy nhắc đến việc tiếp tục kéo dài “cách ly xã hội”. H. bảo VVOB đã chính thức yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà đến hết 30/4. Mình cũng chả nghĩ bọn mình lên văn phòng được trước tháng 5. Số ca nhiễm mới tăng chậm, vài ba ca mỗi ngày, nhưng trong số đó có những ca hết sức gây lo ngại. Chỉ hy vọng giống những ca trước đây, nó sẽ không lan quá rộng.
Sau một thời gian quá dài theo dõi và liên tục bị choáng váng, giờ người ta có vẻ ít choáng váng hơn, những con số chỉ còn là những con số khô khan, không còn là những phận người với bao câu chuyện đằng sau. Số ca nhiễm tại Mỹ đã lên đến hơn 400.000, hôm qua số người chết tại Mỹ thậm chí lên đến gần 2000 người. Liên tục các kỷ lục đau buồn nào đó bị phá vỡ. Tây Ban Nha sử dụng hầm đỗ xe làm nhà xác dã chiến. Công ty đóng quan tài dù đã tăng lên 25% nhân viên, mỗi ngày xuất xưởng 300 chiếc quan tài thì vẫn không đủ cung cấp cho thị trường mà mới chỉ đủ cho Madrid. Những tin tức vượt mọi sự tưởng tượng thông thường. Mà đây đâu còn là thời kỳ bình thường nữa!
Mình bảo các con, thật may mẹ con mình đều hướng nội nên việc ở nhà thấy chả có gì ghê gớm. Mình vốn đã sợ đám đông, sợ sự ồn ào từ lâu rồi. Tuấn bảo, đằng nào con cũng chỉ ở nhà. Mà các cô cứ bắt con học làm gì, giao bài đến tận cuối học kỳ đi, con làm đôi ba hôm xong rồi còn làm việc khác. Bắt tất cả vào mạng xong rồi tắt hết mic và video để một mình cô nói thì khác gì con xem YouTube. Haha, chàng rất có lý. Chàng đang ngóng, mà mình tin trước sau gì bộ dục cũng phải ra một quyết định như vậy thôi, xét kết quả học tập của 5 kỳ để công nhận tốt nghiệp Trung học. Chứ tầm này làm sao mà tổ chức thi cử tập trung được. Thi online thì chưa đủ hạ tầng cơ sở và cả trình độ để làm một kỳ thi như vậy. Let’s wait and see.
Cún thì đặt mục tiêu rõ ràng – thi vào chuyên Hóa. Một trong những động cơ để con thi chuyên là con không phải rửa bát, vì khi học ôn bận mà vào đấy rồi cũng bận lắm. Mẹ hết sức bất ngờ, thế em Th. thi vào chuyên cũng vì thế à, vâng, đấy là một động cơ lớn. Hơn một nửa lớp của Th. thi vào chuyên là vì như thế. Ôi trời, bây giờ mẹ mới biết đấy. Ăn xong cún nhõng nhẽo, đấy gần 7 rưỡi rồi, mà 8h kém 15 con đã phải  học. Mẹ thấy con khổ không, thời gian ngủ đủ giấc còn không có thì lấy đâu ra thời gian chơi. Thôi thôi cô ạ, cô lên nghỉ ngơi rồi học đi, để mẹ rửa bát cho. Nàng tủm tỉm cười, rối rít dạ vâng rồi biến lên tầng. Mẹ đành lọ mọ dọn dẹp nốt, và anh Tuấn thì liên tục bài ca mẹ chiều em quá rồi đấy, không thể nào chấp nhân được. Hôm nay cún phản pháo, anh cứ trêu em nên mẹ chiều em để bù đắp tổn thất tinh thần 😊. Mẹ vào hùa theo, em nói đúng đấy, con càng trêu em mẹ càng chiều em hơn. Haha, vụ này chàng có vẻ hơi khó đỡ.
Ở trong nhà lâu, việc tập thể dục đã thành thói quen. Ngày nào mẹ con cũng vòng vèo đi bộ trong nhà cùng nhau. Mẹ luôn đảm bảo tối thiểu 3km mỗi ngày, con trai thì ít hơn, bù lại con trai tập thêm chống đẩy. Cả lúc đi bộ cùng nhau cũng là lúc giao lưu, đùa vui. Con trai đã cao hơn mẹ nhiều, có lúc chàng đi bên cạnh, đặt tay lên vai mẹ, cứ như thể bạn bè rồi nhân cơ hội công kích em cún hoặc luyên thuyên những điều hết sức hài hước khiến mẹ không nhịn nổi cười. Trưa nay cún vừa bảo, con mà có một đứa con trai như anh Tuấn thì con tổn thọ sớm. Ừ, đúng là cũng tổn thọ thật, nhưng ở khía cạnh khác các con cũng mang lại cho mẹ rất nhiều niềm vui. Mà nếu muốn làm con ma có nhiều chuyện để kể thì đây, những trải nghiệm này cũng rất đáng giá con gái nhỉ. Mẹ tin khi lớn hơn các con sẽ yêu quý, chăm sóc nhau, như mẹ và các bác bây giờ. Chứ nếu một mình con hoặc anh Tuấn thì lấy ai làm người sẻ chia công việc, niềm vui nỗi buồn, right?
À, hôm nay Vũ Hán đã gỡ phong tỏa, các chuyến bay, đường tàu, đường bộ đều đã mở lại sau 76 ngày đóng cửa. Ở nhiều nơi khác dân Tàu đã lại đổ xô đến các địa điểm tham quan du lịch, mua sắm, và hoàn toàn có thể chẳng bao lâu nữa lại thản nhiên buôn bán, chén thịt thú rừng, tiếp tục tàn phá thiên nhiên... Than ôi, cái cơn rồ sống gấp tiêu vội sau khi bị kìm lại một thời gian thì bây giờ như chiếc lò xo bị nén đã bật tung trở lại. Nếu con người cứ tiếp tục sống theo cách như vậy, chẳng sớm thì muộn, con virus này hoặc con virus khác sẽ quay trở lại thôi.
Những ngày này Sapa của mình đang vô cùng yên ả, vắng lặng. Làm mình da diết nhớ một Sapa của mình những ngày mình thơ bé. Mình sẵn sàng đánh đổi nhiều tiện nghi bây giờ để được quay trở về ngày xưa ấy. Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ thôi!

06 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_22


6/4/2020
Hôm qua thì mình phải ra đường mua đồ ăn. Loay hoay một hồi với cái xe đạp điện của cô cháu Th. mà Đ. để lại ở nhà mình nhưng không được, mình đành dùng chiếc xe đạp điện bé tý của cô con gái, rất không thuận tiện cho việc chở nhiều đồ. Một danh sách khá dài các món cần mua, một số thứ mua ở chợ gần nhà và có một số thứ khác sẽ phải mua ở siêu thị. Chiến lợi phẩm của chuyến đạp xe ra chợ gần nhà là lỉnh kỉnh những thứ như gừng, chanh, sả, một ít rau và tôm, ghẹ. Vứt mọi thứ vào trong sân, mình làm tiếp chuyến hành trình thứ hai đến Vinmart. Túi đồ lần này nặng hơn, to hơn. Chỉ vài hộp sữa và nước hoa quả cho hai cô cậu thì đã 3kg rồi, thêm khá nhiều thứ khác nên giỏ chất đầy, rồi thêm một chiếc túi to đùng để giữa chân nữa. Được cái mình đã quen, biết cách sắp xếp và đi xe đạp của cô con gái nên mọi việc khá okie, khi về qua chợ mình còn mua thêm được nải chuối và một bó hoa ly màu tím đỏ rất đẹp, cũng rất rẻ nữa. Mọi khi hoa ly thường 15.000/cành, giờ còn có 9.000. Bó hoa được buộc thẳng đứng, ép vào chỗ giữa tay cầm và dây phanh. Hóa ra chiếc xe đạp điện bé tý mà cũng chở được nhiều đồ ra phết.
Chợ hơi đông một chút nhưng vẫn vắng so với những ngày Chủ nhật thông thường, còn siêu thị thì rất vắng. Hàng hóa ê hề, giấy toilet chất đầy. Mình nhớ đến những người bạn mình ở Mỹ và Úc, đâu đâu cũng không có giấy vệ sinh. A. kể hàng hóa vẫn tiếp tục khan hiếm, lúc có thứ này, lúc có thứ kia, hôm qua đi siêu thị nhưng không mua được trứng, vậy là có cớ để hôm nay đi tiếp. Người bạn ở Cali thì kể đã lâu không mua được gạo, thậm chí cả ở chợ người Việt ở Sacto. Dù thiếu thốn thứ này thứ kia một chút, mình và những người bạn mình rất ý thức chúng mình thuộc nhóm những người hết sức may mắn khi có một ngôi nhà ấm áp và đủ thức ăn hàng ngày, chưa nói đến những thú vui tinh thần. Một câu đùa nhưng chẳng hề đùa tý nào đủ để mình bị ám ảnh mãi. Câu nói đó được cho là một người Yemen đại để nói rằng, bọn Tây vớ vẩn, thiếu giấy toilet thì đã sao, bọn tao đây chỉ cần có c. để ỉa đã là xa xỉ rồi. Đúng vậy, trong những ngày mà hơn nửa thế giới bị phong tỏa này, biết bao người đang rơi vào cảnh vô cùng khó khăn với miếng ăn hàng ngày. Với người không phải lo lắng thì đây là dịp để sống chậm, nhưng với người phải lo miếng ăn hàng ngày, thời gian này khác gì chết chậm .
Đường vắng, trước khi đi mình có đôi phần lo lắng nhưng đã không bị ai chặn lại tra hỏi về việc ra đường có việc cần thiết hay không. Sáng nay lúc cả bọn họp sếp kể hôm qua chỗ gần nhà sếp nhiều người bị phạt vì họ đi câu cá. Zời ạ, ở trong nhà mấy hôm thì chết hay sao? Nhưng luôn luôn là như vậy, sẽ có những người ngồi xổm lên mọi quy định, dù Tây hay ta thì cũng vậy thôi.
Gần 2 tiếng đi chợ và siêu thị. Thêm một tiếng với vụ sơ chế thế là qua buổi sáng Chủ nhật. Bù lại, mấy mẹ con có thể yên tâm ngồi trong nhà cả chục ngày nữa. Hôm qua Nhà hát lớn Nga chiếu vở ballet Marco Spada nhưng con gái học cả ngày nên chẳng thể thu xếp ngồi xem cùng mẹ. Chủ nhật hóa ra lại là ngày con gái bận rộn hơn cả ngày thường. Buổi sáng nàng cứ rên rỉ, nhỡ con trượt thì sao. Thì học trường khác chứ có sao đâu. Không, con không thích trường nào cả, con chỉ thích mỗi chuyên Tự nhiên thôi, con mà không đỗ chuyên Tự nhiên thì con vào nhạc viện học luôn. Có lúc con vừa ngồi tập đàn con lại nghĩ đến bài thi, thế là con không tập đàn được nữa, con phải học bài. Bao giờ con thi xong con sẽ chỉ chơi và ngủ cả một mùa hè đó. Con khổ quá, con không có thời gian để ngủ đây này. Ôi trời, mẹ luôn bảo con gái con đừng tự cố đặt áp lực lên mình như thế. Mẹ giục con phải ngủ đủ giấc, không cần thức khuya mà cũng không cần dậy sớm quá. Mẹ rửa bát hộ con gái khi con mệt hoặc bận. Chỉ có anh Tuấn là không chịu hiểu, suốt ngày trêu chọc em và ngày nào cũng lặp đi lặp lại điệp khúc, mẹ chiều em hư rồi đấy. Lúc khác lại châm chọc, mẹ đã làm cả ngày mệt lắm rồi mà có mỗi việc xuống ăn cũng để mẹ gọi mấy lần, mẹ có còn nói được em nữa không hả. Tuấn cứ mở miệng ra là mẹ phì cười, vì con nói câu nào cũng hài hước quá thể.
Bữa ăn nào mẹ cũng cập nhật một chút tin tức cho các con. Đã ba hôm nay số ca nhiễm mới chỉ lác đác và ít nguy cơ lan rộng hơn. Nín thở, cầu mong cho tình hình ở Việt Nam yên ổn hơn. Trong khi đó các con số trên thế giới vẫn tăng rất nhanh, dù một số tâm dịch được coi là có thể đã qua đỉnh và đang đi xuống, với số người chết “chỉ còn” 500-700 người mỗi ngày. Không biết rồi những ngày tới Mỹ sẽ còn đi về đâu, châu Âu sẽ còn đi về đâu? Và trong những tình huống như thế này, tin tức về việc Mỹ nẫng tay trên 60 triệu khẩu trang, trả giá gấp đôi cho lô hàng đã đang ở sân bay của Tàu chuẩn bị sang Pháp, hay cuộc chiến tranh giành thiết bị y tế giữa các nước châu Âu, giữa các bang của Mỹ với nhau, nghe càng thêm đau lòng :(. 
Và bây giờ thì mình cầu mong sáng mai khi thức dậy mình sẽ không phải đọc những tin tức quá bi thảm!

03 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_21

3/4/2020
Mình ngủ không ngon giấc. Chắc tầm 4h đã tỉnh, nằm nghe tiếng mưa rơi mãi, cố dỗ giấc ngủ trở lại. Thông thường vào dịp này đã bắt đầu nắng, những năm gần đây năm nào chả có chuyện chen nhau đến ngất xỉu trong lễ giỗ Tổ dưới trời nắng nóng. Vậy mà năm nay lạnh, mưa rả rích suốt từ hôm kia, chiều qua ngớt, sân đã hơi khô rồi tối mưa trở lại, lúc mưa lúc ngớt đến giờ chưa thôi. Đã mấy ngày nay mình không ra khỏi nhà. Thức ăn vẫn còn nhiều nhưng rau thì sắp hết. Một số thứ khác cũng cần được bổ sung. Mình bảo Tuấn, mai con chở mẹ đến Vinmart rồi chờ mẹ ngoài đường nhé, mẹ vào một lát ra ngay. Không, con đi cùng mẹ, con còn cẩn thận hơn mẹ đấy. Mẹ có định đeo kính bơi không, mẹ có định mặc áo mưa không? Con sẽ đeo cả kính bơi, mặc cả áo mưa nhớ. Hồi mới đầu mùa dịch chàng cứ khăng khăng mua mặt nạ phòng độc cho cả nhà mình đi mẹ ơi, đeo mặt nạ đấy ngồi trong lớp học hay phóng xe ngoài đường trông ngầu cực. Hahaha, chàng luôn hài hước như thế đấy. Mẹ bảo thôi thế thì mẹ tự đi, mẹ đi bằng xe đạp điện của em cún cũng được. Tối nay Hà Nội ra thông báo sẽ xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng. Lúc ở siêu thị về thì dễ rồi, túi lỉnh kỉnh đồ ăn, thực phẩm, dễ chứng minh là có lý do chính đáng. Nhưng lúc đi đến đó thì sao nhỉ. Được cái lâu nay mình có thói quen mang túi đi mua đồ, liệu chìa túi ra có được coi là có lý do chính đáng??
Con gái ở nhà nhưng học chăm kinh khủng. Hôm nay 6h con đã dậy. Lục đục ăn sáng rồi lên nhà ngồi học. Thấy con học nhiều nên quả tình mình cũng chiều, mang nước lên tầng 3 nhắc con uống, lâu lâu lại rửa bát thay cho con một bữa. Ngay trước bữa trưa nàng làm một bát ngũ cốc nên bảo con không muốn ăn. Tuấn lập tức cười đểu, mẹ có thấy không, cứ hôm nào đến lượt em rửa bát thì em lại bảo không muốn ăn. Nghe anh châm chọc nhiều quá nên tuy không ăn nhưng trưa nay cún vẫn tự giác rửa bát. Bữa tối hôm nay ăn hơi muộn, mà cún thì có buổi học lúc 8.00. Mình giục con lên học đi, để bát mẹ rửa, Tuấn gầm gừ bỏ lên nhà, con dỗi đây, điệu bộ hề vô cùng. Lát sau khi mình rủ chàng đi bộ trong nhà thì chàng bá vai bá cổ mình bảo, mẹ cứ chiều em hư mẹ nhỉ, nhắc đi nhắc lại câu này dễ đến 10 lần 😊. Con đoán là trưa mai em sẽ xuống ăn như bình thường (ngày mai là lượt chàng rửa bát), mà con đoán thì chả có cái gì sai cả. Hai anh em hôm nào cũng thế, chí chóe tỵ nạnh nhau suốt ngày nhưng cũng luôn làm mình cười với những màn đối đáp rất hề, làm mình đỡ căng thẳng ra phết. Các con mà lầm lỳ cả ngày chắc buồn lắm.
Sáng hôm kia hỏi thăm sếp đôi câu. Sếp khoe trung bình mỗi ngày đi 10.5km trong nhà. Mà căn hộ của sếp nào có rộng rãi gì. Chà chà, phải học tập sếp ngay. Mình đặt quyết tâm 3-4km mỗi ngày. Thế là từ hôm qua mỗi ngày rủ con trai leo cầu thang hai lần, mỗi lần khoảng chục vòng. Rồi mỗi khi buôn dưa lê với ai thì mình sẽ không ngồi một chỗ nữa mà đi loanh quanh trong nhà. Tổng kết hôm qua được 3km và hôm nay thì được hẳn 4.7km. Khi con trai tập hít đất, mình làm cùng con trai để động viên tinh thần chàng. Nói chung giải quyết được một phần việc tập thể dục trong nhà. Nhưng cún từ chối không tham gia, con bận lắm, thời gian học còn không đủ. Ặc ặc.
Một tuần bận rộn trôi vèo qua. Thế là mình làm việc ở nhà đã được 2 tuần. Gần 12h trưa mình sẽ đứng lên lo cơm nước cho bọn trẻ, gần 1h ăn xong. 1.30 mình lại ngồi vào làm tiếp và thường 5.30 sẽ đứng lên. Nhưng vì ở nhà nên khá thường xuyên bị phân tâm, lúc này lúc khác bọn trẻ ới mình hoặc mình thấy cần phải giục giã tụi nó này nọ, rồi rủ Tuấn đi bộ trong nhà lúc khoảng 3-4h chiều… Chưa bao giờ cứu chuộc thế giới lại đơn giản hơn. Chỉ cần ở yên trong nhà. Mà ngày nào cũng viết blog thế này thành nhà văn sớm chưa biết chừng. Có câu chuyện cười về ông bầu Vũ Khắc Tiệp, thanh niên nhọ nhất trong năm. Đi Ý về tự cách ly, gần hết cách ly tại nhà thì có lệnh cách ly tập trung, hết thời hạn cách ly tập trung thì chung cư chàng ở bị phong tỏa, và gần hết thời hạn chung cư bị phong tỏa thì đến giai đoạn “cách ly toàn xã hội”. Bị cách ly hoài nên chàng viết sách, và chàng ra một lô các đầu sách đại để “65 mẹo để sống khỏe ở khu cách ly”, “Bách khoa toàn thư về cách ly”, “Cách ly – Từ lý luận đến thực tiễn”, “Cách ly ký sự”, “57 ngày không bao giờ quên” … Hahaha, mình cũng nên nghĩ tên sách cho mình dần được rồi đấy.
Cố gắng hài hước để cuộc sống đỡ căng thẳng. Nhưng thực tế ngoài kia đau buồn quá. Chỉ trong vòng một tuần, từ 26/3 đến 3/4, số ca nhiễm trên toàn thế giới tăng lên gấp đôi, từ 500k lên hơn 1tr. Mấy ngày cuối cứ mỗi ngày tăng đều đặn 60-70.000 ca. Số người chết trong một ngày ở Mỹ hôm qua tới hơn 1000, vượt mọi kỷ lục đến giờ. Mỹ đang chuẩn bị 100.000 túi đựng thi thể. Và hôm nay thì Hà Nội hẳn lại là một đêm mất ngủ khác, khi người ta phát hiện một ca bệnh đã đi khắp các phương trời, đến khám mấy bệnh viện, vào viện vì bị tai nạn, và bỗng dưng người ta phát hiện ra đồng chí ấy dương tính. Ôi trời!

01 tháng 4 2020

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CÁC CON NGHỈ HỌC_20


1/4/2020
Hôm nay VN lá cải giật tít “Ý ‘thắng trận đầu’ trong cuộc chiến chống Covid”. Trời ơi, làm sao có thể giật một cái tít vô cảm đến như vậy. Phương Phương cũng phẫn nộ phản ứng khi người ta nói Vũ Hán đã chiến thắng. Không có chiến thắng nào hết, chỉ có sự chấm dứt. Mà nào đã chấm dứt, hôm nay ở Ý số người chết vẫn là con số cao chót vót – 873 người. Trong bữa ăn mình hỏi các con báo viết như vậy có được không, Tuấn bảo, người bình thường nói như vậy thì không được, nhưng báo thì được. Chàng đang châm chích dân làm báo đây, mình hiểu, vì chàng rất hay đùa, trẻ không học lớn đi làm nhà báo. Mình hỏi nên viết thế nào, chàng bảo thì viết là số ca nhiễm mới giảm thôi. Ừ, đến đứa trẻ còn hiểu như vậy, mà tại sao một tờ báo lớn có thể giật một cái tít rùng rợn như thế??
Ngày 1/4 năm nay không có fake news nào gây bão. Chẳng ai còn tâm trạng để đùa cợt. Mà đùa cợt lúc này thì đúng là độc ác chứ còn gì nữa. Trong những ngày này, nói thật chỉ nhìn thấy những status khoe thanh nhã, điệu đà hay làm màu mình đã thấy vô duyên lắm rồi. Dù vậy, có những tin tức ấm lòng. Rất nhiều quán hàng trong SG bán cơm giá 1.000 hay 2.000 hay đơn giản là phát cơm cho những người bán vé số. Đã có những chính sách hỗ trợ người bán vé số, người thất nghiệp…. Rất nhiều những đóng góp để chung tay phòng chống dịch, hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ… Tin GS Nguyễn Văn Thọ tài trợ 2000 máy thở cuối cùng lại là một sự cố truyền thông. GS không hỗ trợ, nhưng sẽ mang công nghệ về Việt Nam để hỗ trợ sản xuất máy thở ngay trong tháng tới, trước hết là 2000 chiếc thật nhanh. Thế cũng là quá tốt rồi.
Trên mạng người ta kêu gọi ở nhà theo mọi kiểu. Có những kiểu rất thú vị. Ảnh một thanh niên nằm ườn trên sofa được kèm lời chú thích – 2019: vô trách nhiệm, 2020 – sống có trách nhiệm. Chưa bao giờ cứu chuộc thế giới lại đơn giản đến thế - cứ ở nhà đã là cứu chuộc thế giới rồi 😊. Có một bài Hịch Toàn quốc kháng dịch Covid 19 rất hài hước, mình đọc mà phì cười mấy lần.
“Hỡi đồng bào và chiến sỹ cả nước!
Chúng ta muốn khoẻ mạnh, chúng ta nhất định phải cách ly.
Nhưng do chúng ta cách ly nửa mùa, giặc Cô vít đã thừa cơ lấn tới, vì chúng quyết tâm cho nước ta toang một lần nữa!
Không! chúng ta thà chết đói ở nhà chứ nhất định không chịu để Cô vít lan ra toàn quốc, nhất định không chịu để hàng nghìn con người về chầu ông bà, ông vải.
Hỡi quốc dân!
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải ngồi im!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc.
Cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài đang trú tại Việt Nam, phải ngồi im, chung tay đánh đuổi Cô vít.
Ai có ghế dùng ghế. Ai có giường dùng giường, không có giường thì nằm ra đất, ra sàn nhà, sàn bếp. Ai cũng phải ra sức nằm im để chống Cô vít cứu nước.
….
Đừng thấy các nước người chết ra rả mà lo.
Chớ thấy nước ta có thắng lợi bước đầu mà tự phụ.
Nay giờ cách ly đã điểm !
Ta phải nằm im đến phút cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù có phải gò bó khổ sở, thiếu thốn đủ điều ở nhà mình trong 2 tuần tới, nhưng với một lòng kiên quyết cách ly, thắng lợi nhất định về với nhân dân ta, dân tộc ta!
Không có gì quý hơn sức khoẻ, tính mạng.
Hỡi đồng bào và chiến sỹ cả nước hãy tuân theo Công lệnh 16 của CP, hãy anh dũng ... ở nhà.
Việt Nam nằm im, mạnh khoẻ muôn năm!
Toàn dân đoàn kết thống nhất chống dịch nhất định thắng lợi!”
Hôm nọ mình kêu ca với A. tâm trạng mình tệ quá. Sau hôm đó mấy ngày liền A. thường gửi cho mình những đường link, thông tin thú vị để nâng cao tâm trạng. Đôi lúc những bài hài hước thế này cũng làm mình positive hơn nhiều. Mình vẫn tin và hy vọng Hà Nội có thể trụ được, nhưng đọc về những gì đang diễn ra trên thế giới thì vô cùng đau lòng.
Thời tiết năm nay thật lạ. Trời trở lạnh. Chỉ 19-20 độ. Cún đã tháo chăn bông từ lâu, hôm qua mẹ phải lồng lại ruột chăn cho con. Chẳng ai ngờ trận mưa đá đêm giao thừa là điềm báo cho một năm đầy bão táp mà ở thời điểm này đã có thể dự đoán sẽ còn kéo dài đến tận cuối năm, hay đến khi nào có vacxin. Mình làm việc ở nhà đã gần chục ngày. Có những hôm buổi sáng tỉnh dậy trên giường, nghe tiếng xe máy ngoài cổng, tiếng lao xao, rồi nghĩ về những con số nhảy múa đến chóng mặt ở châu Âu, ở Mỹ, mình cứ ngỡ như mình đang trong một giấc mơ nào đó chứ không phải cuộc sống thực. Chả biết đến tháng 5 bọn mình đã có thể quay trở lại văn phòng chưa. Lúc viết những dòng nhật ký đầu tiên cho chuỗi ngày các con nghỉ học, mình nào có ngờ rồi sau đây mình cũng sẽ rơi vào tâm dịch, cũng bị nhốt trong nhà, và cũng chỉ mong chuỗi ngày sớm chấm dứt để mình không viết nữa. Hôm nọ Tuấn bảo, dạo này mẹ chăm chỉ viết blog nhỉ. Ừ, mẹ viết để lại cho các con. Những gì các con đang chứng kiến, đang trải nghiệm là sự việc cả trăm năm mới xảy ra một lần. Viết để về sau các con đọc lại, hình dung ra các con ở thời điểm này. Thật may mắn khi các con vượt qua thời gian này một cách nhẹ nhàng. Cún chỉ xin mẹ cho mua sách để tự học, mua thêm ít truyện để giải trí rồi tự thu xếp thời gian học hành, nghỉ ngơi, tập đàn. Tuấn ôm điện thoại nhiều hơn, nhưng dịp này cũng ngồi lại vào đàn. Chiều nay hai mẹ con còn rủ nhau đi 30 vòng quanh sân nữa chứ. Khoảnh sân bé tý, mỗi vòng chắc chỉ được 15m, nhưng thế cũng là tốt rồi. Mẹ rủ rê ngày nào mình cũng đi quanh sân thế này vài chục vòng nhé, Tuấn cười cười, mẹ tập chống đẩy với con đi. Chà chà, lại làm khó mẹ rồi :)