23 tháng 4 2024

TRƯỞNG THÀNH CÙNG CON_CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA CHÀNG TRAI NHÀ MÌNH

 

Cuối tháng 12 chàng trai bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp, bằng thì còn lâu mới được nhận, nhưng như vậy là có thể bắt đầu tìm việc để đi làm được rồi. Mẹ giục và chàng trai thì bình chân như vại, vâng vâng con nghỉ ngơi tý đã, sắp đến Tết rồi, ai mà nhận tầm này. Cái “nghỉ ngơi tý đã” của chàng trai kéo dài đến tận cuối tháng 2, sau Tết, sau chuyến đi nghỉ Tết kéo dài cả gần chục ngày của ba mẹ con. Chuẩn bị tinh thần tìm việc, chàng trai ôn luyện thêm về chuyên môn bằng các bài test trên một trang web chuyên ngành, chuẩn bị cho việc làm bài kiểm tra kỹ thuật. Rồi đến việc soạn CV để gửi đi. Chàng trai lôi CV đã soạn từ hồi nào ra xem lại, nhờ mẹ ngó hộ, nhờ thêm cả em Tuấn Anh ngó nữa.

Con trai bắt đầu ngó nghiêng các trang web tìm việc. Mẹ bảo chàng gửi CV lên Vietnamworks và cứ mạnh dạn gửi túa lua các trang khác nữa. Chàng trai thì chọn một cách tiếp cận khác, chỉ tìm những chỗ nào phù hợp mới gửi. Tự tin rằng mình đã có thời gian hơn nửa năm đi làm, bao gồm 3 tháng đi làm hồi hè lớp 11 và 4 tháng thực tập, thêm trình độ chuyên môn và tiếng Anh đều vững vàng nên chàng trai có ý làm cao, chỉ muốn nộp ở những nơi mà người ta yêu cầu bắt buộc phải thành thạo tiếng Anh. Sau một hồi tìm kiếm chàng trai quyết định gửi CV đến 3 nơi. Mấy cái email mất hút lên giời, chẳng một dòng hồi âm!

Giai đoạn này tìm việc chẳng dễ dàng gì. Mà nói chung giai đoạn nào chẳng thế, luôn luôn có cơ hội và cũng luôn luôn không dễ dàng với một người mới ra trường. Trải qua bao năm đi làm, các mối quan hệ của mẹ khá rộng, và vì mẹ lúc nào cũng nhiệt tình giúp người khác nên nếu mẹ mở lời nhiều khả năng sẽ giúp con nhanh chóng tìm được việc. Nhưng thực sự mẹ chưa muốn nhờ vải ai, muốn con tự vận động. Tuy vậy, mẹ cũng giao hẹn, nếu hết tháng Tư con vẫn chưa tìm được việc thì mẹ sẽ nhờ bạn bè và khi đó con phải chấp nhận công việc mẹ tìm giúp. Thêm một áp lực đối với chàng trai là mẹ bảo chỉ cho tiền tiêu vặt hết tháng Tư thôi, không có lý gì mẹ già cứ cặm cụi đi làm nuôi một chàng thanh niên ở nhà chơi điện tử, nhể :P.

Đầu tháng Tư em cún về qua nhà trước chuyến đi chơi Đài Loan. Vừa ngồi vào bàn ăn nàng đã hỏi mẹ bằng một giọng ngây thơ nhất trần đời, mẹ ơi thế bây giờ anh Tuấn vô công rồi nghề à. Hahaha, nàng rất biết tỏ ra ngây thơ. Tuấn ra vẻ quan trọng đáp trả, không không, anh là trader/nhà đầu tư tài chính 😊. Mẹ thì nhẹ nhàng bảo, không, anh đang tạm thời thất nghiệp thôi.

Sau vài tuần kể từ khi bắt đầu tìm việc, một hôm con trai bảo, con tìm được một chỗ nữa có vẻ phù hợp, con nộp hồ sơ đây. Chỉ 2-3 hôm sau chàng khoe, họ có vẻ nhiệt tình với con mẹ ạ, chị nhân sự chiều nay gọi điện nói chuyện với con và hẹn sáng thứ Hai đi phỏng vấn rồi. Tốt quá. Câu chuyện của hai mẹ con giờ chuyển sang kỹ năng phỏng vấn. Mẹ chia sẻ với chàng trai những kinh nghiệm tích lũy được từ vô vàn lần đi phỏng vấn xin việc và cả từ những lần phỏng vấn người khác nữa, cùng con nghĩ về những vấn đề người ta có thể hỏi và chuẩn bị trước câu trả lời. Rồi mẹ yêu cầu chàng trai cắt tóc gọn gàng trước ngày đi phỏng vấn. Con khá tự tin với buổi phỏng vấn, bảo người ta có vẻ nhiệt tình với con mẹ ạ. Chỉ vài ngày sau thì con đã chính thức được mời đi làm. Chàng trai không nhiệt tình lắm, vì vẫn muốn tìm một công việc tốt hơn. Nhưng mẹ thì bảo không có bước thứ nhất sẽ không có bước thứ hai con ạ, con cứ bước ra bên ngoài thế giới, làm việc nghiêm túc, xây dựng các mối quan hệ rồi sẽ có các cơ hội tốt hơn. Phần lớn mọi người đều bắt đầu với một công việc ban đầu khá khiêm tốn như vậy. Mà thực ra mức lương đó con chê thấp là so với những người đã có chút kinh nghiệm trong ngành của con thôi, chứ so với các ngành khác đều là cao, và cả so với các bạn tiếng Anh kém thì cũng là cao rồi. Thuyết phục một hồi thì chàng trai nhất trí và viết thư nhận lời với họ, thống nhất sau nghỉ lễ sẽ bắt đầu đi làm.

Vậy là con chỉ còn hơn một tuần nghỉ ngơi trước khi bước chân vào thế giới công việc. Nghĩ lại về chặng đường đồng hành cùng con, từ ngày con trong bụng, tới khi sinh, chập chững những bước đầu tiên, đến ngày đầu tiên đi học, những cơn nổi loạn của tuổi dậy thì và chặng đường đi học đại học, gọi điện khoe với bà, với một vài người bạn thân thiết, mẹ mừng đến chảy nước mắt. Dù con chẳng mảy may là đứa trẻ gương mẫu để được coi là “con nhà người ta”, dù con gây ra biết bao cơn đau tim cho mẹ, thì con đã đi qua một chặng đường đầu tiên suôn sẻ, thậm chí còn ra trường sớm hơn các bạn cùng trang lứa tới nửa năm. Con thích một cuộc sống nhẹ nhàng, không vất vả, và con thực sự đã sống như vậy – chẳng thi vào cấp 3, chẳng thi vào đại học, trôi qua ba năm đại học một cách nhẹ nhàng với kết quả không tệ. Và bây giờ thì đã có công việc đầu tiên với mức lương mặc dù con không hoàn toàn hài lòng thì vẫn là một mức rất khá với sinh viên mới ra trường.  

Chúc mừng con trai yêu thương với một chặng đường mới mà mẹ tin sẽ mở ra rất nhiều điều thú vị. Hãy tận hưởng cuộc sống, vui với công việc và không ngừng học hỏi. Mẹ tin con sẽ còn tiến xa, con trai nhỉ. Yêu con rất nhiều!

13 tháng 4 2024

HÀNH TRÌNH CON GÁI NỘP ĐƠN VÀO ĐẠI HỌC_Kết quả ngọt bùi!

Trường ở Mỹ chỉ yêu cầu nộp toàn bộ hồ sơ là xong. Học viện Âm nhạc Sibelius ở Phần Lan thì hồ sơ được đánh giá qua từng vòng. Gửi hồ sơ vào đầu tháng 1 và 16/2 con được Học viện thông báo đã qua vòng đầu. Thế là con qua được một cánh cửa và con chuẩn bị cho kỳ thi online về lý thuyết âm nhạc vào 6/3.

Vừa xong kỳ thi online với Học viện Âm nhạc Sibelius thì con nhận được tin trường Đại học North Texas nhận con, với một mức học bổng khá cao so với mức người ta hay cho sinh viên ngoại quốc. Ôi, mẹ gần như mất ngủ đêm hôm đó vì hạnh phúc khi được con báo tin lúc đã khá khuya. Mẹ nhớ lại ngày mẹ thi đại học, cách đây 35 năm, khi nhận giấy báo mẹ đỗ đại học điểm cao và được đi học ở nước ngoài, ông cũng mất ngủ, bảo con đã rửa hận cho bố. Hỏi con gái có vui không, con bảo con chả thấy vui, tốn nhiều tiền thế này vui làm sao được (Oài.) Mẹ phải trấn an nàng, việc của con là học, việc của mẹ là kiếm tiền cho con học, con cứ yên tâm. Xưa giờ mẹ chả dám nghĩ sẽ có thể cho con đi học ở Mỹ. Thi vào ngành của con khó như vậy, bây giờ con được trường nhận, được trường đánh giá cao, cho con nộp mức học phí hết sức hợp lý, thực sự mẹ hạnh phúc vô cùng và không ngại đi cày bừa cho con học đâu 😊.

Học viện âm nhạc Sibelius thì tận 5/4 mới thông báo kết quả. Con hồi hộp, chờ đợi, đếm từng ngày. Một sự cố nho nhỏ xảy ra, trong khi nộp đơn, vì lỗi mạng, con tưởng rằng video giới thiệu bản thân đã được upload lên nhưng hóa ra nó chưa được upload lên, mãi khá lâu sau cô giáo viết thư hỏi con mới tá hỏa. Lúc trước mẹ hoàn toàn tự tin rằng con sẽ được vào trường này, nhưng sau khi nghe con kể về vụ này thì hết tự tin rồi . Thêm nữa, trường ở Phần Lan yêu cầu 11/7 là hạn để nộp mọi giấy tờ cần thiết, bao gồm chứng nhận tốt nghiệp cấp trung học phổ thông. Làm sao có thể có được chứng nhận đó trước 11/7 khi mà 29/6 con mới thi xong. Mẹ thảo một tờ, đại để sau đó sẽ nhờ trường xác nhận rằng con đã thi, điểm số 3 năm cấp III, và lời khẳng định việc trượt tốt nghiệp là không thể, và gửi cho họ xem bản nháp đó. Hai mẹ con không thể làm gì hơn. Lúc trước con gái còn rất băn khoăn về việc sẽ đi học ở đâu – Phần Lan hay Mỹ, nhưng sau rất nhiều cân nhắc, đến những ngày sắp biết kết quả từ Học viện Âm nhạc Sibelius thì con gái bảo, con biết rõ mình muốn đi đâu rồi – con muốn đi học ở Phần Lan.

Đếm từng ngày chờ đến khi trường thông báo kết quả - con trượt. Thương con gái vô cùng. Mẹ an ủi dù sao tỷ lệ đỗ của con cũng là 50% rồi còn gì, nộp 2 trường được một trường nhận, với mức học bổng rất khá nữa, mẹ thấy thế là hạnh phúc rồi con ạ. Mẹ gửi cho con 1 triệu, bảo con đi ăn chơi với bạn cho đỡ buồn và động viên con học đại học ở Mỹ, rồi thạc sỹ nhất định sang châu Âu. Rồi nhắc con viết thư cho cô giáo hỏi vì sao con bị trượt. Lá thư của cô đến sau đôi hôm làm con choáng váng. Mẹ ơi, cô bảo con thi đàn được điểm cao nhất, bị trượt vì hồ sơ thiếu video giới thiệu bản thân, cô bảo cô cũng rất rất tiếc là con không được nhận, mong con nộp lại vào năm sau hoặc khi học thạc sỹ. Ảo thật, con không thể tưởng tượng con được điểm cao nhất trong kỳ thi. Trượt mà lại vui chứ! Thôi, số con là đi Mỹ, chốt đi Mỹ thôi 😊. Tìm hiểu kỹ hơn thì nàng biết rằng nếu học ở University of North Texas nàng có thể nộp đơn xin đi học 1 năm theo chương trình trao đổi sinh viên ở châu Âu, danh sách lựa chọn bao gồm một loạt các học viện danh tiếng luôn. Wow, hết buồn!

Một câu chuyện nho nhỏ trong quá trình nộp hồ sơ nữa. Một hôm con gái bảo, mẹ ơi có một cô giáo dạy đàn từ trường Đại học Denver viết thư mời con nộp vào trường cô ấy này. Hóa ra hồ sơ của con gái được nộp lên một platform chung và con đã lọt vào mắt xanh của một giáo viên dạy đàn từ trường đó. Nộp thôi, tại sao không. Trong khi các trường công của Mỹ thường không cho học bổng quá cao/toàn bộ, thì các trường tư lại hay cho học bổng toàn bộ, bao gồm cả sinh hoạt phí luôn. Trường con đã nộp là trường công, còn Denver là trường tư, nhỡ đâu được học bổng tốt thì sao. Hai mẹ con lại lọ mọ tốn thêm một ít thời gian nộp hồ sơ, làm quen với Common App, và tất nhiên là cả một khoản lệ phí nộp nữa. Tuy vậy, đến khi họ yêu cầu điểm SAT thì hai mẹ con bỏ cuộc. Chả hiểu có sự nhầm lẫn gì không nhưng sau một đôi thư qua lại trao đổi thì hai mẹ con thấy không cần mất thêm thời gian nữa.

Rồi trong mấy ngày chờ lá thư của cô giáo ở Phần Lan con loay hoay nhờ giới thiệu, liên lạc với một trường tư ở Pháp. Thầy giáo ở đó, một người có hồ sơ khá khủng, nhanh chóng trả lời rằng sẵn sàng nhận con, nhưng dù là một ngôi trường khá có tiếng, trường đó không cấp bằng đại học, tức không phù hợp với con.

Lao động vất vả, kết quả ngọt bùi. Con đã được đền đáp sau những buổi tập miệt mài, đến mức đau nhức lưng, đến mức mẹ phát sốt ruột, thường xuyên rên rỉ tập bớt đi con ạ. Cũng bõ công bà mẹ thư ký, có hôm đang làm việc bị con gái "ra lệnh", mẹ soạn giúp con cái thư thế này thế này ngay đi, để con trả lời thầy, nhanh lên :). Con gái vui sướng vô cùng và cảm thấy tự tin hơn với năng lực của mình. Sau đây sẽ là công cuộc chuẩn bị giấy tờ để xin visa. Con học nốt những tháng cuối, thi tốt nghiệp và lên đường sau vài tháng nữa. Chặng đường trước mắt chắc chắn sẽ đầy thử thách nhưng mẹ tin cũng sẽ ngập tràn niềm vui. Chúc mừng con gái yêu thương của mẹ. Yêu con vô cùng!

Cô con gái yêu thương của mẹ những ngày này đang sung sướng vi vui Đài loan cùng chị Thảo và hai em Thư Vi. Con gửi tin nhắn nói, con cảm ơn mẹ đã cho con (bắt con?) học tiếng Anh. Kiểu bây giờ đi đâu con cũng thấy tự tin :). Hihi, cảm ơn con đã hiểu và trân trọng.


HÀNH TRÌNH CON GÁI NỘP ĐƠN VÀO ĐẠI HỌC_Lao động vất vả...

 

Không giống anh Tuấn, con gái biết rất rõ con muốn đi du học. Khi học đến cuối cấp I con say mê nước Nhật, văn hóa Nhật, vậy nên khi đó con mơ ước đi học ở Nhật. Sau khi con học đàn harp một thời gian ngắn, nhìn thấy niềm say mê và sự chăm chỉ của con, các bác lãnh đạo ở dàn nhạc gợi ý có thể hỗ trợ con tìm học bổng du học Nhật bản. Nhưng lúc đó con gái đã ở cuối cấp II, niềm say mê văn hóa Nhật vẫn còn nhưng con gái đinh ninh rằng học đàn harp thì phải ở châu Âu chứ Nhật không phải là nơi con muốn đi. Thêm nữa, mẹ không muốn con phải chịu ràng buộc với dàn nhạc nếu đi du học qua sự giới thiệu của dàn nhạc. Mẹ cũng không muốn con bị ràng buộc bởi học bổng chính phủ, mà cứ 1 năm học tương đương với 2 năm, tức con sẽ phải làm tại cơ quan nhà nước, ở nơi họ phân công, trong vòng 8 năm (nếu chương trình đại học kéo dài 4 năm.) Vậy nên hai mẹ con bảo nhau sẽ xin học bổng của trường và sử dụng học bổng Utachi (mẹ ta chi 😊) thôi.

Công cuộc tìm trường thật gian nan, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, vì ngành học của con – biểu diễn đàn harp, hay biểu diễn âm nhạc nói chung, không phải là một ngành phổ biến, có nhiều người đi học để có thể hỏi kinh nghiệm. Khi đưa con đến gặp bác M.C, một nhà phê bình âm nhạc có tiếng, để xin lời khuyên (khoảng tháng 2/2023), hai mẹ con mông lung vô cùng. Bác M.C. dù không cho được lời khuyên cụ thể nào, nhưng cũng giúp gợi ra một đôi hướng để hai mẹ con tìm hiểu. Đọc trên báo chí, trong các cuộc chuyện trò, biết nhà ai có con đi du học ngành biểu diễn âm nhạc là mẹ nhắc con tìm cách liên lạc hỏi hoặc mẹ tự hỏi. Thông qua các anh chị lớn tuổi cùng trong nghề con cũng hỏi và được giới thiệu một đôi trường. Một số trường hợp mẹ con mình biết thì toàn những anh/chị/bạn có hồ sơ khủng, giải thưởng trong nước và quốc tế này nọ đủ cả. Con học đàn harp muộn, lại vào thời kỳ dịch Covid, làm gì có cơ hội đi thi để mà có bất kỳ giải thưởng nào. Bù lại, con có một danh mục các tiết mục biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia khá dày dặn, và ở tuổi 17 con đã có một buổi biểu diễn độc tấu cùng dàn nhạc. Một hồ sơ như vậy không phải quá ấn tượng nhưng cũng không tệ.

Hai mẹ con lọ mọ tìm hiểu, lướt qua một số các nước châu Âu – Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Áo, Anh. Hà Lan có một số trường có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng học phí khá đắt đỏ, thường trên 10.000 euro/năm. Bỉ có ít lựa chọn, dù mẹ có một số bè bạn người Bỉ, có thể nhờ vả này nọ thời gian đầu. Nếu định nộp hồ sơ trường của Pháp thì phải học thêm tiếng Pháp, mà ở Pháp không có nhiều lựa chọn. Hungary có học viện âm nhạc rất tốt, nhưng tiếng Hung khó mà sau này lại ít hữu ích nên hai mẹ con cũng loại. Tiếng Anh của con khá ổn, ôn luyện thêm chút là đủ điều kiện nộp học, hai mẹ con tự tin như vậy, vậy nên các trường giảng dạy bằng tiếng Anh là ưu tiên hàng đầu. Có khá nhiều trường ở Anh dạy ngành đó, hai mẹ con thậm chí đã có một buổi thức rất khuya để nói chuyện với Olivia, một cựu sinh viên người Anh ngành biểu diễn đàn harp mà con có cơ hội làm quen khi bạn ấy biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng từ hồi năm 2019. Olivia cho địa chỉ e-mail đôi giáo viên dạy đàn harp của các trường nhạc bên Anh để con chủ động liên hệ và trao đổi. Cuối cùng, vì học phí đắt đỏ ở Anh và không tự tin xin được mức học bổng cao, con không liên hệ với ai. Cân nhắc mức học phí rất mềm ở Đức và Áo và số lượng lớn các trường nhạc để lựa chọn, sau chương trình biểu diễn độc tấu vào tháng 12/2022, con bắt đầu công cuộc học tiếng Đức, tức từ khoảng cuối học kỳ I năm lớp 11. Qua một người bạn giới thiệu, con cũng liên hệ với một trường nhạc ở Áo, gửi cho một thầy ở đó video buổi biểu diễn độc tấu của con và nhận được phản hồi khá tích cực.

Nghĩ đến học phí đắt đỏ của các trường Mỹ, hai mẹ con chưa khi nào tính chuyện nộp đơn vào trường Mỹ. Thật may mắn, trong một lần được Dàn nhạc mời biểu diễn, con gặp nghệ sỹ violin Chuong Vu, hiện đang giảng dạy tại Đại học North Texas. Chú hỏi thăm tình hình học tập, dự định tương lai của con và khuyên con có thể nộp đơn vào trường chú hiện đang giảng dạy do trường có chính sách ưu đãi rất tốt dành cho những sinh viên ngoại quốc có năng lực. Vậy là có thêm một lựa chọn nữa.

Học tiếng Đức được một thời gian, chắc mới được 7-8 tháng thì con gái bảo, con không cách gì đáp ứng được yêu cầu tiếng Đức trước khi nộp hồ sơ đâu. Mẹ hoàn toàn hiểu – con vẫn phải học văn hóa, học đàn, song song với đó là các chương trình biểu diễn khá thường xuyên và chuẩn bị bài để dự thi. Vậy là lựa chọn nộp trường ở Áo hay Đức cũng bị loại. Rất may, hai mẹ con tìm hiểu thêm và biết được học viện âm nhạc Sibelius ở Phần Lan có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh với mức học phí khá mềm – 5000 euro/năm. Tốt quá. Chốt lại hai mẹ con quyết định sẽ nộp trường ở Mỹ và trường ở Phần Lan. Cả hai trường đều nhận dự thi qua video, không phải sang tận nơi thi trực tiếp. May quá là may, vì trong kế hoạch dự kiến của hai mẹ con có mục phải đưa con đi thi trực tiếp, cũng có nghĩa là phải hết sức lựa chọn trong việc nộp hồ sơ vì đâu có thể tập được nhiều bản nhạc khác nhau theo yêu cầu của mỗi trường và cũng đâu có sức lực và tiền bạc để đi thi ở nhiều nơi. Coi như tiết kiệm một mớ tiền, khởi đầu thế này là quá tốt đẹp rồi!

Trường ở Mỹ con nhờ chú Chương giới thiệu với cô giáo, trường ở Phần Lan con tự tìm thông tin về cô trên mạng. Mẹ đôi lần phải giục giã nhưng đến tầm tháng 11/2023 thì con đã liên lạc với cả hai cô, viết thư giới thiệu về bản thân, xin học cùng các cô một đôi buổi. Thật may, cô nào cũng nhanh chóng trả lời thư, vui lòng dành cho con một đôi buổi học. Sau buổi học cùng con thì cô nào cũng nói rằng ấn tượng về năng lực của con và khuyến khích con nộp hồ sơ. Hai mẹ con sung sướng, cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần.

Hai mẹ con phân công nhau những việc cần làm – mẹ giúp con viết thư giới thiệu về bản thân và thư giới thiệu, con phải lo những việc còn lại mà mẹ chẳng thể nào giúp được – chuẩn bị video dự thi, chuẩn bị chứng chỉ tiếng Anh, dịch công chứng học bạ và nộp đơn online. Viết thì đôi dòng thế này nhưng đó là rất nhiều công sức của con gái. Miệt mài ôn luyện tiếng Anh với chị Cốm trong vòng 4 tháng, cuối cùng con cũng có chứng chỉ tiếng Anh với mức điểm không cao, chỉ vừa đủ. Con gái hơi buồn nhưng mẹ bảo, đủ là được rồi, chỉ có người Việt mới đi khoe chứng chỉ IELTS với nhau chứ Tây ai quan tâm. Vụ học bạ khá lằng nhằng, mãi con mới mượn được học bạ từ phòng Đào tạo của trường. Trường ở Mỹ không nhận bản dịch qua công chứng thông thường mà phải là bản dịch cerfified/được xác thực. Mẹ không hiểu đó là gì luôn. May quá, có cô Tâm, bạn mẹ, đã từng làm ở hệ thống trường đại học Mỹ giải thích về bản dịch cerfitified. Mẹ nhờ nào cô Tâm, nào bác Hà, cả hai người đều đã mất thời gian mà vẫn không xác nhận được bản dịch. Nhưng cũng từ cuộc trò chuyện với bác Hà mà mẹ lại nhớ đến cô bạn có công ty dịch thuật nằm trong danh sách được chính phủ Mỹ công nhận. Loay hoay mãi mới xong vụ dịch cái học bạ, một việc tưởng chừng chỉ cần mang ra công chứng là xong. Miệt mài thêm hơn 1 tuần vào cuối tháng 12, cuối cùng thì các thư giới thiệu của con cũng hòm hòm, con gửi cho cô giáo và bác H. để mọi người chủ động sửa lại theo ý mình nếu cần thiết và cho con xin chữ ký. Phù, thế là công cuộc chuẩn bị đã hoàn tất!

THÀNH PHỐ TRONG SƯƠNG

Bố có rất nhiều bạn bè từ những ngày còn đi học. Suốt bao năm bị "đi đày" ở Sapa, chấp nhận làm một ông nông dân, bố hầu như cắt đứt mối liên hệ với những người bạn sinh viên của một thuở hào hoa, chỉ giữ lại mối liên hệ với một vài người bạn thân thiết nhất. Và bác Đính, người bạn đồng môn của bố là một trong số đó. Chẳng nhớ do duyên số thế nào mà về sau mình quen anh Tùng, con bác Đính, cũng là một nhà văn. Khi anh muốn viết bài về Sapa từ góc độ số phận một con người, ở đây là bố mình, anh hỏi mình một vài thông tin. Mình gửi thêm cho anh bài viết của Michaud, một nhà nghiên cứu dân tộc học đã dành rất nhiều thời gian ở Sapa và biết bố mình khá rõ. Trước khi gửi bài viết đi anh còn gửi cho mình đọc, nhỡ có chi tiết nào không chính xác. Mình đọc mà nước mắt ứa ra, nhớ thương bố vô cùng. Mình rất ân hận khi đã không có ý thức giữ gìn những bài báo, bài viết về bố, rất rất nhiều ở những năm bố mẹ làm khách sạn đó. Lưu lại bài viết của anh Tùng ở đây, bài đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần, để con cháu về sau đọc về ông. (Bài viết mình giữ nguyên, bài đăng trên báo bị kiểm duyệt, bỏ mất một câu.) Bố ơi, bố đã đi xa gần 1 năm rưỡi rồi, cả nhà vẫn luôn nhớ về bố với những kỷ niệm đẹp. Bố yên nghỉ bố nhé!

 

THÀNH PHỐ TRONG SƯƠNG

Tôi biết và yêu Sa Pa bằng một tình yêu xa, khi đơn vị đang truy quét địch vùng ven biển Hồ bên Campuchia. Ca khúc dịu dàng kể về một thành phố sương mù mây bay gió lạnh qua sóng đài phát thanh, đến an ủi những người lính Việt, xua tan cái khô nóng khốc liệt của mùa khô rừng khộp.

Về đời thường, tôi biết thêm Sa Pa ở nhiều cung bậc khác. Thì ra sương mù mây trắng Sa Pa ngoài vẻ mỏng manh lãng mạn thường thấy trong văn thơ, trong các tạp chí quảng bá du lịch còn bao phủ trong lòng nó những câu chuyện ẩn giấu, những số phận đời người.

Một trong những công dân Sa Pa mà những người ở thị trấn này lâu nhất hầu như ai cũng biết và kính trọng là ông Đặng Trung, chủ nhân “Auberge Đặng Trung”. Ông gọi cái cơ sở dịch vụ lưu trú của mình khiêm tốn là “auberge” (trong tiếng Pháp có nghĩa là quán trọ), nhưng cái “quán trọ” này đã có tên trong sách đỏ chỉ dẫn du lịch của Pháp và châu Âu từ những năm 90 thế kỷ trước. Khi ấy Sa Pa chỉ có mỗi khách sạn Công đoàn của nhà nước, vốn thừa hưởng hạ tầng kiến trúc từ thời thực dân Pháp và ba cơ sở lưu trú tư nhân.

Cũ hơn ông bác sĩ tất nhiên là Sa Pa, cái thị trấn heo hút bị bỏ quên trong mây từ đời nảo đời nào. Vài dòng lịch sử Sa Pa trong biên khảo: Sa Pa Français. Une brèvehistoire của tác giả Jean Michaud tôi trích lược như sau.

Ngày 8 tháng Năm năm 1909, Tourrès, công sứ Pháp tại Lào Cai, viết thư cho giám đốc trạm quan trắc Đông Dương, yêu cầu cung cấp thông tin khí tượng Sa Pa, Lồ Suối Tùng. Quan trắc khí tượng đã mang lại kết quả tốt như mong đợi. Vào năm 1913, trên các triền đất của cao nguyên Lồ Suối Tùng, người ta bắt đầu xây dựng các công trình kiên cố, với trạm điều dưỡng quân sự trên đỉnh đồi, nơi ngày nay là bể chứa nước mới của thị xã và trạm bơm.

Miéville, người Pháp đầu tiên đến sinh sống ở Sa Pa vào năm 1909, làm nông nghiệp. Năm 1912 tuyến đường mòn nối Lao Cai với Sa Pa được sửa chữa. Dịch vụ chuyển phát bưu điện do ngựa kéo bắt đầu hoạt động. Cũng vào năm đó người ta tiến hành xây dựng tòa nhà công cộng đầu tiên, khách sạn Hôtel de la Résidence provinciale. Năm 1918, hai biệt thự lớn được xây dựng trên khoảng đất ngày nay là khách sạn Victoria.

Năm 1922 Sa Pa xây dựng khách sạn Hôtel de la Résidence Supérieure, một nơi lý tưởng cho xã hội thượng lưu tụ tập, tiệc tùng và khiêu vũ trong mùa hè. Con đường qua thung lũng Ngòi Đum được sửa chữa nâng cấp, xe ô tô đi lại được vào năm 1924. Tháng Sáu năm 1929 cầu Lao Cai được hoàn thành. Sa Pa đã được kết nối với Lao Cai bằng điện thoại, và hai năm sau được kết nối với Hà Nội…

Các công trình kiến trúc Sa Pa bị tàn phá hai lần trong chiến tranh. Một lần năm 1946 do chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa kêu gọi tiêu thổ kháng chiến. Một lần năm 1952 do Pháp ném bom tiêu hủy sau chiến dịch Biên giới…Từ đó Sa Pa ngủ quên trong mây mù.

Mãi tới tận năm 1980, Sa Pa được nhạc sĩ Vĩnh Cát đánh thức, vinh danh là “thành phố trong sương” trong ca khúc nổi tiếng ông viết theo đơn đặt hàng của Tổng công ty rau quả Trung ương. Ca khúc thỏa mãn khách hàng bởi có đủ cả vườn tược hoa lá mận đào cũng như hạt giống rau các loại.

Ông chủ Auberge Đặng Trung giúp đỡ Jean Michaud viết tài liệu biên khảo lịch sử Sa Pa trên khi tác giả lưu trú tại đây. Họ có duyên với nhau bởi Đặng Trung rành tiếng Pháp, lại cũng có số phận lênh đênh chìm nổi hệt như cái thành phố mây mù ông đang sống.

 Ông Đặng Trung học Đại học Y khoa khóa 1, bạn đồng môn với cha tôi. Lứa sinh viên đầu tiên của các thầy Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… thường con nhà khá giả, tiếng Pháp làu làu. Đi học xa nhà, dù phải dạy kèm, dán hộp, bán báo… để lấy tiền ăn học nhưng Đặng Trung luôn là một trong những sinh viên giỏi đứng đầu khóa. Thi tốt nghiệp cả ba môn ông đều được điểm cao: Nội khoa 9 điểm, Ngoại khoa 10 điểm, Sản khoa 10 điểm.

“Chẳng ngờ hôm đến xem quyết định, đất trời gần như sập. Tôi đứng chết lặng khi không thấy tên mình”. Đặng Trung kể như vậy trong hồi ký.  Ông chưa được công nhận tốt nghiệp vì “có tồn tại, sai lầm trong quá trình học tập, cần phải có thời gian thử thách”.

Ngẫm nghĩ mãi, ông hiểu dần dần ra sai lầm của mình. Là vì ông là con nhà đại địa chủ ở Nga Vịnh, cùng quê huyện Nga Sơn với Hữu Loan, lại tích cực hướng theo làn gió đổi mới “Nhân văn – Giai phẩm”, vì bị nghi đã cộng tác với báo Đất Mới, một tờ báo của phong trào sinh viên mới ra được một số dã bị đình bản, vì đã đi bán báo Nhân Văn để lấy tiền ăn học.

Trong thời gian thử thách, ông đi làm phụ nề, đi dạy kèm, thậm chí ba lần phải đi bán máu ở bệnh viện Saint Paul…Hết kiên nhẫn chờ đợi cái bằng không bao giờ đến ấy, năm 1963 ông bỏ lên Sa Pa lập nghiệp. Khi ra đi lưng vốn còn mỗi 20 đồng mà riêng tiền vé tàu Hà Nội - Lào Cai đã là 5,9 đồng, tiền vé xe Lao Cai- Sapa là 1,1 đồng chiều lên và 0,8 đồng chiều xuôi. Lên Sa Pa, ông ở nhờ phòng trống nhà Bưu điện, làm đủ mọi nghề: kiếm củi bán cho lò vôi, cho khách sạn nhà nước, chặt vầu, nấu rượu, trồng lan, trồng dược liệu, đào rễ thông chưng dầu bán cho thương nghiệp…

Tôi biết những thông tin cặn kẽ này là vì đọc trong cuốn hồi ký của ông tặng cha tôi. Tôi vẫn gọi ông là bác sĩ vì chẳng có lý do gì một người đứng đầu lớp gồm toàn các giáo sư bác sĩ lại không phải là bác sĩ chỉ vì chưa được cấp bằng. Tri thức nằm trong tâm hồn, trong não người, không nằm trên tấm bằng vô cảm. Chính trị tanh tưởi chẳng nên thò mũi vào chuyên môn nhân đạo làm gì. Lên Sa Pa nhiều lần, tôi hay nghỉ lại cái “auberge” của ông và biết thêm nhiều chuyện nữa.

Khi đó ở Sa Pa chẳng có gì, khách đi công tác qua Sa Pa được giới thiệu thăm đài khí tượng, trại thuốc, trại rau hoặc mấy biệt thự cũ của Pháp còn sót lại. Nhóm “trí thức Sa Pa” ngày ấy như ông gọi vui, gồm ông Đức Đôn phụ trách vườn thuốc Sa Pa, ông Tác Nhân phụ trách đài khí tượng, anh Dưỡng kỹ sư khí tượng, cụ giáo Khánh - người ở Pháp về với cụ Hồ dịp hội nghị Fontainebleau.

Tôi nghĩ thầm biết đâu anh Dưỡng khí tượng kia lại là kẻ lăn gỗ chặn xe khách vì thèm nghe tiếng người trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Còn ông Tác Nhân hóa ra là thầy giáo dạy vật lý, từng dạy đại tướng Văn Tiến Dũng trong khóa tập huấn ở trường lục quân. Mọi người biết điều này khi bí thư huyện uỷ Sa Pa tháp tùng vị đại tướng đến thăm đài khí tượng, thăm thầy.

Đầu năm 1993, du lịch ở Sa Pa chớm mở. Loáng thoáng đã thấy du khách nước ngoài. Nhanh chóng nhận ra hướng đi mới, ông bác sĩ không được cấp bằng với vốn tiếng Pháp còn nhớ đã gắng tập nói lại dần dần..

Dịp may đến khi ông gặp vợ chồng người Pháp-Mỹ vợ là Catie Biau và chồng là David Johnson lúc họ đến Sa Pa. Quý mến và tin tưởng ông bác sĩ có cuộc đời nhiều trắc trở, hai vợ chồng đề xuất giúp ông 5000 dollars để xây dựng cái “auberge” đầu tiên. Tiếp tục phát triển, ông vay thêm vốn anh em họ hàng, vay vốn ngân hàng, mở rộng dần dần thành Auberge Đặng Trung trên phố Cầu Mây.

Chúa lòng lành luôn công bằng và chẳng quên một ai. Khách du lịch nước ngoài thích thú ồ ạt đến với ông bác sĩ già nói tiếng Pháp bằng thứ giọng Parisien của thế kỷ trước. Kinh tế du lịch đảm bảo nguồn thu tốt. Khách sạn ông bao giờ cũng dành để hai phòng cho các bạn lên chơi nghỉ lại.

Như để bù lại cho những tháng năm gian khó, ông quay lại với thú chơi hoa, chơi lan ngày trước. Vườn nhà ông trồng đủ loại hoa lan. Ông đặt mua, nhờ các du khách tìm giúp catalog hạt giống, tài liệu chăm sóc. Từ đó Auberge Đặng Trung nổi lên như một điểm sáng ngành du lịch mũi nhọn của Sa Pa. Báo ảnh Việt Nam gọi ông là “người yêu hoa tuyệt vời”. Báo Tết Người đương thời gọi ông là “Ông già hoa cỏ”. Năm 2002 kênh VTV3 cũng đến quay phim ông cùng ngôi nhà có vườn hoa trên núi. Cuốn phim dài gần 30 phút với nhan đề “Sa Pa với một người”. Sau đó, đoạn phim được dùng để quảng bá tuyên truyền cho du lịch Sa Pa. Trên phim, trên báo ảnh tất nhiên rất nhiều hoa đẹp, rất nhiều nụ cười tươi, chỉ những nhọc nhằn đắng cay xưa thì không xuất hiện.

Bác sĩ Đặng Trung mất năm 2022, sau cha tôi 4 năm. Lứa sinh viên khóa 1 Đại học Y Hà Nội các ông đã về trời gần hết. Cuộc sống đã sang một trang mới, một thế hệ mới. Tôi lên viếng ông giữa mùa hoa nở. Giữa cái thị xã trong mây này, mọi nỗi đau xưa rồi sẽ mờ dần. Tâm hồn chúng ta thật may cũng biết tự chữa lành. Như cành phong lan ông trồng kia, thời gian sẽ phủ lớp rêu tĩnh lên những mắt ghép đau, để rồi lại dâng hoa làm đẹp cho đời.

Bài báo của anh Tùng được minh họa bằng một bức ảnh ruộng bậc thang và một bức ảnh hoa phong lan. Nhưng mình muốn đưa bức tranh của bác Năng Hiển lên đây, vì đây mới thực là Sapa của mình

09 tháng 3 2024

MỘT THOÁNG KUALA LUMPUR

 Khi tìm vé cho chuyến đi, con gái cố gắng chọn đường bay giá rẻ nhất, là đường bay qua Kuala Lumpur. Sau một hồi thuyết phục thì nàng được mẹ đồng ý cho ngủ lại ở Kuala Lumpur một tối trước khi bay về Hà Nội. Hạ cánh xuống sân bay Kuala Lumpur, làm xong hết các thủ tục thì mới 5h sáng, ba mẹ con mệt nhoài vì mất ngủ và vì lệch múi giờ - lúc này ở Maldives mới 2h sáng. Về khách sạn khi còn quá sớm như thế này cũng chả giải quyết được vấn đề gì nên mấy mẹ con quyết định ngồi nghỉ một lúc và ăn sáng rồi mới về thành phố. Food courd làm việc sớm, món ăn hợp miệng, tốt quá, thế là vấn đề cái dạ dày được giải quyết. Con gái đã tìm hiểu và bảo đi Grab rẻ hơn đi tàu, vé tàu mỗi người 50 đồng mà Grab cả chuyến chỉ khoảng 70-80 đồng thôi. Sim thì con gái đã mua ngay khi mới xuống sân bay để thuận tiện cho việc tra cứu, đi lại trong ngày. Suốt ngày hôm đó ba mẹ con toàn đi lại bằng Grab, giá cả cũng chỉ như ở Hà Nội và khá thuận tiện cho một chuyến tham quan lướt qua thế này, khi thời gian hết sức eo hẹp.

Chỉ có trọn vẹn một ngày ở Kuala Lumpur, mấy mẹ con quyết định ưu tiên bảo tàng đầu tiên. Vậy nên sau khi về đến khách sạn, một khách sạn dạng serviced apartment ở ngay trung tâm, nhìn thẳng ra tòa tháp đôi, gửi đồ đạc và nghỉ ngơi ít phút ba mẹ con phóng thẳng đến Bảo tàng Quốc gia Malaysia. Vé vào bảo tàng rất mềm – 5 đồng/người, tương đương khoảng 25-27k tiền Việt. Ba mẹ con gặp may, chương trình tham quan bảo tàng có hướng dẫn miễn phí bắt đầu lúc 10.00 và thế là suốt hai tiếng sau đó ba mẹ con đắm chìm trong những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật về Malaysia, lịch sử hình thành, các thời kỳ khác nhau cho đến Malaysia ở thời hiện tại. Tuấn cứ nói đi nói lại, hay thật mẹ ạ, thế này mới gọi là bảo tàng chứ! Mình đã đến Malaysia một lần, khá lâu rồi, trong một chuyến công tác, cũng chả kịp tìm hiểu gì nhiều. Chuyến thăm bảo tàng lần này thực sự hữu ích và thú vị. Mình cứ tự hỏi, sức mạnh nào khiến họ có thể vươn lên để phát triển như vậy, trở thành một đất nước văn minh và đẹp đẽ như thế này.

Sau bữa trưa rất ngon miệng ở một nhà hàng Malaysia mấy mẹ con mới về khách sạn nhận phòng và nghỉ ngơi. Dù khá mệt nhưng đến 4 rưỡi thì ba mẹ con vẫn quyết tâm ra đường, bảo nhau mai về nhà tha hồ ngủ. Cún, dù đã lớn như vậy nhưng một số niềm yêu thích của trẻ con thì vẫn còn nguyên. Nàng muốn đi xem thủy cung, mẹ và anh tròn mắt, what, xem thủy cung sau khi đã ở Maldives và nhìn thấy đủ thứ trong mấy ngày vừa rồi á. Vậy nhưng nghe nàng thuyết phục một hồi thì mẹ và anh cũng vui lòng theo nàng đến thủy cung cách khách sạn chỉ khoảng 500m và đó lại là một trải nghiệm tuyệt vời khác của ba mẹ con cùng nhau. Thủy cung lớn, thiết kế đẹp, các loài sinh vật biển rất phong phú và có cả một số loài sống trên bờ biển nữa. Đường hầm trong thủy cung khá dài, cá mập (loài ăn thịt, trông hàm răng rất gớm) lượn lờ ngay trên đầu ba mẹ con. Cún lúc này lúc khác nhờ mẹ chụp ảnh, nào cá mập trên đầu, nào sứa sau lưng, etc. Nàng bảo, hôm nọ con mới đi thủy cung ở Times City đấy, con rủ bạn đi cùng. Èo, mẹ chưa bao giờ đến chỗ đó luôn. Còn mẹ thì gợi cho Tuấn nhớ về thủy cung con được đến thăm ở London vào năm 2007, khi con 5 tuổi. Đó là lần đầu tiên của cả mẹ và con, mẹ nhớ con đã phấn khích, vui sướng đến như thế nào với trải nghiệm lần đầu nhìn thấy những sinh vật biển kỳ thú.

Bữa ăn cuối cùng ở Kuala Lumpur Cún rủ mẹ và anh đi ăn ẩm thực đường phố. Thú thực ở Việt Nam mẹ chưa từng ăn kiểu đường phố như vậy, nhưng đi cùng con thì mẹ tin tưởng con hoàn toàn. Phố ẩm thực không dài,chắc chỉ khoảng 400-500m, khách khá đông. Hai bên đường là nhà hàng và các quầy bán đồ ăn. Đồ ăn thì đủ loại – đồ nướng thịt và hải sản, dimsum/há cảo, xôi xoài, ngô, mực, râu bạch tuộc, kẹo bánh, hoa quả… Ba mẹ con đi từ đầu đến cuối con phố, làm vài xiên thịt nướng các kiểu, ít dimsum, khoai tây rán, xôi xoài, kết thúc với nước hoa quả và kem, tất cả đều rất ngon. Cún còn tranh thủ mua thêm gói chocolate sầu riêng, món đặc sản của Malaysia mà mẹ dốt hơn nàng, không biết ăn.

Tối khuya hôm đó, chẳng biết là ngày gì mà khi mẹ con đã lên giường lúc hơn 11h bỗng nghe những tiếng nổ khá to. Nhìn ra ngoài Cún hét toáng lên, pháo hoa mẹ ơi. Wow, mẹ con mình gặp may, còn được ngắm pháo hoa ở Kuala Lumpur cơ đấy!

Thế là mẹ con mình đã kết thúc hành trình du xuân, một cái Tết thật dài. Chia tay ở sân bay Kuala Lumpur, con gái bay về Sài gòn để chỉ đôi hôm sau sẽ lại bay ra cho một chương trình biểu diễn, mẹ và anh bay về Hà Nội sau con 1 tiếng. Không nói ra nhưng mẹ đã có những lo lắng nho nhỏ trước chuyến đi – nhỡ ai bị ốm, mà đơn giản nhất là bị viêm họng trong những ngày ở Sapa, rồi trong suốt cả chuyến đi nhỡ các con gặp vấn đề về tiêu hóa hay sức khỏe. Phui phui, đến giờ thì chuyến đi phải nói là mỹ mãn, chỉ mỗi ví bị đau thôi 😊.

Chuyến đi là cơ hội để ba mẹ con được ở cùng nhau theo đúng nghĩa, nhiều những giây phút rất vui và không thể thiếu những lúc xị mặt với những thói quen xấu và thói quen suốt ngày trêu em của Tuấn. Chuyến đi cũng là động lực để các con mơ về những vùng đất khác. Chàng trai luyên thuyên mẹ cố gắng mẹ kiếm ngần này con kiếm ngần này để mình đi tiếp nhé và đôi lần như vậy Cún nhắc nhẹ, gớm, cứ đếm cua trong lỗ, anh còn đang thất nghiệp, tiền tiêu vặt cũng phải xin mẹ đấy 😊. Chuyến đi lần này mẹ thật sung sướng khi Cún là người lên kế hoạch, thu xếp tất cả mọi việc và mẹ chỉ việc đi theo. Cảm ơn con gái về tất cả công sức và sự nỗ lực của con! Chứng kiến con trưởng thành thế này mẹ yên tâm trong lòng rồi. Bao lâu nay con chim non vùng vẫy cố thoát khỏi vòng tay mẹ và đã đến lúc mẹ có thể tự tin để con bay đến những phương trời xa xôi. Chúc mừng mẹ con mình với những trải nghiệm tuyệt vời và mình lại mơ đến những vùng đất mới nhé!





Quang cảnh và các món ăn trên phố ẩm thực


20 tháng 2 2024

NHẬT KÝ MALDIVES_05_TRẢI NGHIỆM THIÊN ĐƯỜNG

 

Đảo nào của Maldives cũng rất đẹp, dù là đảo dân sinh hay resort, đảo nào cũng bờ cát trắng, làn nước xanh như ngọc bích bao quanh. Vậy nhưng nếu không ở resort 1-2 tối, trong một villa trên mặt nước sóng vỗ rì rào cả ngày đêm thì có lẽ thiếu đi một trải nghiệm độc đáo của đảo quốc này. Maldives có hơn 100 resort, mỗi resort nằm trên một hòn đảo tư nhân mà diện tích thường bé xíu. Không có phương tiện công cộng đến resort ngoài tàu cao tốc hoặc thủy phi cơ của họ đưa đón từ đảo sân bay, do đó, giá cả trên các trang web du lịch mới chỉ là một yếu tố, còn phải xem phí đưa đón thế nào, mà các resort ở xa phí đưa đón có thể lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn đô. Con gái bỏ khá nhiều thời gian, lạc giữa ma hồn trận các resort để cuối cùng đề xuất với mẹ 3 lựa chọn những resort trông rất đẹp mà giá cả cũng có vẻ hợp lý. Cuối cùng mẹ con thống nhất chọn Grand Park Kodhipparu, một resort cách sân bay chỉ 20’ di chuyển bằng tàu cao tốc, cũng có nghĩa là phí đưa đón khá mềm – 80 đô/người/hai chiều.

Dù tàu cao tốc mấy mẹ con đi đảo Maafushi chất lượng rất ổn thì tàu riêng của resort chất lượng còn tốt hơn – ít ghế hơn, sạch sẽ hơn, đến cả áo phao cứu hộ cũng là loại khá xịn mà mọi người được yêu cầu mặc ngay khi lên tàu. Sau khoảng 20’ con tàu băng qua những vùng nước rất đẹp, băng qua vài resort thấp thoáng phía xa, khi tàu gần cập cầu tàu của resort thì đã thấy một hàng nhân viên đứng trên cầu tàu chào đón, thậm chí còn có cả tiết mục đánh trống nữa. Một thanh niên trẻ đưa mấy mẹ con về phòng, hướng dẫn tỷ mỉ các dịch vụ trong resort cũng như trao đổi WhatsApp để nhà mình có thể liên lạc hỏi nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Hòn đảo resort nhỏ xíu, chiều dài chắc chỉ 500-700m, chiều rộng có lẽ chưa tới 200m. Các water villa/villa trên mặt nước được xây trên những cọc sắt chạy dài mãi tít ra biển, một phía có khoảng 30 villa và phía bên kia khoảng 70 villa. Thiết kế chung của các resort là các villa được xây hai bên một con đường lát gỗ duyên dáng rộng đủ để hai xe điện nhỏ tránh nhau. Chắc hẳn việc xây bao nhiêu villa trên mặt nước hay xây về hướng nào phụ thuộc vào cấu trúc san hô của thềm đảo để đảm bảo sự an toàn.

Con đường gỗ dẫn ra các villa trên mặt nước

Bước vào phòng là rất nhiều ô a. Căn phòng nhìn thẳng ra một mặt nước xanh ngọc, là vùng nước nông bên trên bãi san hô, dần chuyển sang vùng nước sâu màu xanh thẫm, mênh mông đến tận chân trời. Trong phòng có một ô kính diện tích khoảng 1m2 để có thể ngồi ở sofa cạnh đó nhìn xuống dưới, ngắm nhìn những chú cá lúc này lúc khác tung tăng bơi lội, nhiều con khá to, chắc dài tới 40cm. Có vẻ như ánh điện dưới gầm villa vào buổi tối thu hút cá nhiều hơn, vậy nên tối hôm đó hai anh em tha hồ ngồi ngắm, trầm trồ, chỉ trỏ cho nhau mấy chú cá, trong đó có một chú màu xanh biếc rất đẹp, cứ bơi qua bơi lại mãi. Bên ngoài căn phòng là một sảnh lát gỗ khá rộng kèm theo một chiếc lưới thoải mái cho 2 người nằm thư giãn. Mỗi căn villa đều được thiết kế kín đáo, có cầu thang dẫn thẳng xuống làn nước biển trong vắt, nơi chàng trai và cô gái đã vùng vẫy thỏa thích, thậm chí bơi xuống dưới gầm villa để vẫy mẹ đang nhìn từ trên xuống, rồi bơi ra xa đôi ba chục mét, khám phá những rặng san hô và cá ở gần đến thế và nhiều đến thế. Và để cho trải nghiệm thiên đường thêm trọn vẹn, từ khu lễ tân, trung tâm thể thao, các nhà hàng đều được thiết kế rất hài hòa, nằm sát biển để khách luôn có thể thu trọn vào tầm mắt những khung cảnh đẹp đến ngạt thở.

Phòng ở của nhà mình
Phòng nào cũng có một ô lưới trước cửa phòng, có thể nằm thoải mái 2 người

Cầu thang riêng của từng villa dẫn xuống biển
Khu cầu tàu
Xích đu dưới nước, lúc nào dưới chân cũng có mấy chú cá màu sắc sặc sỡ bơi lội
Trung tâm thể thao

Gửi mấy tấm ảnh cho người thân, bạn bè, ai cũng thốt lên, đẹp quá trời vậy, như ở thiên đường ý. Đúng rồi, đây đúng là thiên đường, chừng nào còn có tiền chi trả cho việc ở thiên đường và những dịch vụ rất rất đắt đỏ của thiên đường. Hết tiền thì thiên đường cũng hết 😊

Giấc mơ nào rồi cũng đến lúc kết thúc! Sau hai ngày trải nghiệm thiên đường, đốt kha khá tiền theo đúng nghĩa đen thì đã đến lúc mẹ con mình phải về lại hạ giới. Tạm biệt Maldives, tạm biệt những vùng biển, hòn đảo như trong mơ. Mẹ con mình phải lòng vùng đất này quá rồi, vậy nên nhất định chúng ta sẽ cố gắng kiếm tiền để quay trở lại, các con nhỉ!

NHẬT KÝ MALDIVES_04_THỦ ĐÔ MALÉ

 

Malé thủ đô, là trung tâm, từ đó các chuyến phà và thuyền cao tốc tỏa đi các đảo dân sinh. Thuyền cao tốc của resort tư nhân thường đón từ đảo sân bay, là một hòn đảo thuộc thủ đô Malé và cách khu hành chính Malé chỉ 10’ taxi. Vậy nên để đến được resort, ba mẹ con phải di chuyển từ đảo Maafushi về lại Malé. Để có các trải nghiệm khác nhau và cũng là nỗ lực tiết kiệm chi phí, con gái bảo mình đặt airb&b cho 1 đêm ở Malé mẹ nhé. Nhất trí. Xuống khỏi thuyền cao tốc ở trung tâm Malé ba mẹ con bắt taxi về địa chỉ đã đặt. Thấy taxi chạy thẳng qua cầu sang đảo sân bay, mình hỏi người lái xe ông có nhầm đường không đấy, không không, có gì mà nhầm. Qua sân bay rồi vẫn thấy xe chạy mãi, thực ra thì chả lâu gì nhưng cảm giác khi đến một nơi mới hoàn toàn xa lạ khiến mình sốt ruột. Cuối cùng, sau khoảng gần 20’ thì xe dừng trước một khu dân cư khá nhiều tòa cao tầng, là nơi ở của cư dân địa phương theo đạo Hồi. Cún mặc váy hơi ngắn, bình thường thì chả sao nhưng lọt vào giữa khu dân cư theo đạo Hồi cũng thấy hơi ngại. Nhìn tòa nhà thấy khá ba chấm, ba mẹ con hơi băn khoăn nhưng thôi, vẫn là buổi chiều, trời sáng thế này, sợ gì. Việc đi thang máy, mở cửa căn hộ đều dễ dàng và ba mẹ con lọt vào một căn hộ hai phòng ngủ sạch như lau như li, view nhìn ra biển đúng như trên mạng viết, bên trong phải nói là quá đẹp so với toàn bộ khu dân cư không có vẻ gì sang chảnh lắm. Cún băn khoăn, mẹ ơi chỗ này xa quá, hóa ra đây là Huhumalé, một hòn đảo nhân tạo bên cạnh Malé, hay con tìm một chỗ khác, mình chuyển sang trung tâm Malé đi, vụ này con chi tiền vì đây là lỗi của con. Chà, ghê chưa, người kiếm được tiền có khác, kakaka. Mẹ bảo, có gì đâu con, đây là một bài học hữu ích, sau đây con sẽ còn đi du lịch nhiều, lần sau con sẽ có kinh nghiệm hơn khi đặt phòng, biết tìm chỗ gần trung tâm hơn. Con mắc sai lầm nhỏ lần này, khi có mẹ ở bên, thì tốt hơn rất nhiều so với mắc sai lầm khi con đi du lịch một mình. Mà căn hộ đẹp thế này, lại còn có máy giặt để xử lý chỗ quần áo bẩn, có bếp để nấu nướng, có cửa hàng dưới chân tòa nhà để mua rau về luộc, mẹ chả thèm gì ngoài rau, tốt thế còn gì. Thế là mẹ con mình đã có một trải nghiệm thú vị với việc lọt vào giữa khu dân cư người theo đạo Hồi, tối hôm đó và sáng tinh mơ hôm sau, khi đến giờ cầu nguyện thì loa bên ngoài vang vang tiếng kinh cầu kéo dài đến 15’. Ba mẹ con ăn tối, ăn sáng với nhau trong căn hộ đó, cảm giác như ở nhà luôn 😊.

Thủ đô Malé bé xíu xiu, diện tích chưa đến 9km2 với dân số tới hơn 250k người – gần một nửa dân số của toàn bộ đất nước rộng vẻn vẹn gần 300km2, tức xấp xỉ 1/1000 diện tích Việt Nam. Con đường chính khá hẹp, rộng chừng 5-7m chạy men theo bờ biển vòng quanh đảo. Bảo tàng quốc gia nằm trên một con phố nhỏ, cách bờ biển khoảng 300m là một tòa nhà nhỏ, khu trưng bày bao gồm một phòng ở tầng 1 và một phòng trên tầng 2, hiện vật không có nhiều nhưng dù sao cũng cho cái nhìn thoáng qua về lịch sử đất nước này. Bên cạnh bảo tàng quốc gia là Nhà thờ Hồi giáo Malé. Sát ngay đó là công viên Sultan, văn phòng tổng thống, Bộ Hồi giáo, Bộ Du lịch, tất cả trong vòng bán kính vài trăm mét và các tòa nhà đều khá nhỏ. Bộ Ngoại giao cũng nằm trên con đường chính này, không có không gian đằng trước và chỉ cách vài mét bên kia đường là bến tàu cao tốc.

Tòa nhà bảo tàng quốc gia, phía trước là một vườn rất nhỏ, có chiếc ghế nửa xích đu, nửa ghế thường 

Cây đèn dầu của hoàng gia (Maldives duy trì chế độ quân chủ cho đến năm 1968)
Chiếc kiệu hoàng gia
Phủ Tổng thống, nằm ngay trên con đường chính của đảo
Tòa nhà Bộ Hồi giáo (Ministry of Islamic Affairs)
Đền thờ Hồi giáo
Quảng trường, hôm đó rất nhiều bồ câu

Khu chợ địa phương, có lẽ diện tích chỉ bằng 1/10 chợ Sapa, đầy màu sắc. Rau gì ở đây cũng to một cách kỳ lạ – rau mồng tơi có cả loại màu tím, thân to như ngón tay và lá đương nhiên to tương ứng được bó thành từng bó dài tới 50-70cm, mướp to đùng, dài 50-70cm, khổ qua cũng vậy, đến cả cây xúp lơ xanh cũng to gấp đôi những cây xúp lơ xanh thường thấy ở Việt Nam. Trầu cau vẫn là một món hàng phổ biến. Những xấp lá trầu to gấp 2-3 lần loại trầu quế, được xếp gọn gàng trên các sạp hàng. Cau to gấp rưỡi loại thông thường ở Việt Nam. Cau khô được bán rất nhiều, nhưng không phải kiểu bổ múi cau mà là những lát mỏng phần ruột cau. Loại chuối phổ biến ở đây buồng dài, quả nhỏ, treo từ cao rủ xuống, bổ sung thêm màu sắc cho khu chợ. Cún muốn tìm mua chocolate dừa làm quà. May quá, mấy mẹ con dễ dàng tìm ra món đồ này – những thanh tròn to hơn ngón tay cái, dài khoảng hơn 20cm và được bọc bằng lá chuối khô. Không ngon như chocolate của các hãng nổi tiếng nhưng được cái vị dừa rất rõ nét. Một vài món khác là chuối khô, xoài khô, các món làm từ dừa, hạt bàng

Rau mồng tơi rất to
Trầu và cau
Đảo quốc Maldives nhỏ như vậy, dân số hết sức khiêm tốn, nên việc họ không có một bề dày văn hóa để trưng ra, không có những công trình kiến trúc kỳ vĩ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều dễ nhận thấy là người dân khá thân thiện, và trong khi hết sức thân thiện thì họ cứa cổ khách du lịch, từ việc hét giá trên trời đến niêm yết công khai giá cũng trên trời mà khách du lịch đành vui lòng, hoặc không vui lòng 😊 chấp nhận.


17 tháng 2 2024

NHẬT KÝ MALDIVES_03_CÁC TUOR BIỂN

Dân du lịch ba lo chọn đến Maafushi vì các tour ở đây rất phong phú và giá cả phải chăng, thường rẻ bằng một nửa, thậm chí hơn thế, so với các tour tương tự nếu đặt từ resort. Với một thiên đường biển thì chưa cần đến cũng có thể hình dung đó là các tour lặn ngắm san hô, các loài sinh vật biển và các hoạt động thể thao… Vậy nhưng mẹ con mình đã được trải nghiệm nhiều hơn thế rất nhiều trong hai ngày ở Maafushi.

Tour ngày 1: Bơi cùng cá mập voi/whale shark và cá đuối/malta

Văn phòng du lịch hóa ra nằm sát cạnh khách sạn mấy mẹ con ở. Mà dù không ngay cạnh thì ở đảo đó có thứ gì cách xa nhau đến 500m đâu nên mọi việc đều rất thuận tiện. Đã tìm hiểu và liên lạc từ trước, ngày đầu tiên con gái đặt tour bơi cùng cá mập voi/whale shark và cá đuối/malta. Mỗi khách du lịch được phát một chiếc khăn tắm to, một bộ chân vịt, một bộ ống thở và áo phao. Đoàn hôm đó có một nhóm khoảng chục người khách Tiệp, thêm cặp vợ chồng người Slovenia, ba mẹ con mình người châu Á và hai anh chàng người Tàu. Tàu cao tốc chạy khoảng 2 tiếng mới đến vùng nước có nhiều khả năng có cá mập voi. Trong lúc tàu chạy, lâu lâu mẹ lại chỉ cho Tuấn một hòn đảo resort với đặc điểm dễ nhận thấy là hàng water villa/biệt thự trên nước – đặc sản của Maldives, và những vùng nước bao quanh các hòn đảo mang một vẻ đẹp ma mị, vùng xa nhất màu xanh đậm, gần hơn chút nữa xanh dương, và sát gần bờ thì xanh ngọc, và dù ở đâu thì cũng là một làn nước trong suốt, tinh khiết vô cùng. Thỉnh thoảng có những chú cá chuồn vút lên, bay một đoạn khá xa mới rơi lại xuống làn nước sẫm màu nơi vùng biển sâu.

Xưa giờ nói đến cá mập hầu như mọi người đều nghĩ đến việc cá mập tấn công người, nhưng hóa ra đó chỉ là sản phẩm của phim ảnh. Trong thực tế, có rất nhiều loài cá mập khác nhau mà chỉ vài loài ít ỏi tấn công người, và bơi cùng cá mập là một hoạt động du lịch rất phổ biến ở Maldives. Cá mập voi là loài được bảo vệ ở Maldives, mỗi con đều được gắn chip ở trên vây với mục đích này. Các tour bơi cùng cá mập voi mang tính hên xui, có thể gặp, có thể không. Với sự tiến bộ của công nghệ, ngày nay những người hướng dẫn tour có thiết bị để tìm kiếm cá mập voi và các nhóm thường xuyên liên lạc để chia sẻ thông tin, đưa khách đến vùng biển có cá mập voi. Hôm đó mẹ con mình gặp may, ra đến vùng nước đó một lát thì anh chàng hướng dẫn viên báo có cá mập, anh chàng chìa màn hình cho cả đoàn xem một chú cá mập voi đang nhẹ nhàng bơi. Sau những hướng dẫn cơ bản – không cố chạm vào cá mập, chỉ bơi bên trên con cá, nhìn theo drone để biết chính xác vùng nước có cá mập voi bên dưới… - thì mọi người được phép nhảy xuống biển. Suốt mấy tiếng liền cứ như vậy, nhảy xuống biển, bơi vài phút rồi lại lên, ban đầu ở khu vực cá mập voi rồi di chuyển sang khu vực cá đuối. Chàng trai và cô gái nhà mình hăng hái nhảy xuống biển mấy lần và kết quả cả hai đều có được trải nghiệm bơi ngay bên trên chú cá mập voi khá to cũng như nhìn thấy cá đuối. Hai anh em cười đùa, khoe với nhau thứ mình nhìn thấy, đến đầu giờ chiều thì mặt mũi cũng như một số phần da khác đã đỏ lên vì nắng. Mình rất kém, mãi mới dám nhảy xuống nước, và ngay sau đó vội vàng nhờ anh chàng hướng dẫn kéo lên, vậy nên mình chả nhìn thấy thứ gì. Nhưng không sao, chỉ cần nhìn thấy các con hạnh phúc, vui sướng thế này cũng đủ để mình bỏ thời gian đi theo các con rồi.

Hôm đó mình không mang theo đồ ăn vặt, sáng lại chưa kịp ăn vì khách sạn 7.30 mới phục vụ trong khi 7.45 cả đoàn đã bắt đầu đi, vậy nên ba mẹ con đói meo. Gần 2h tàu mới tấp vào bãi cát của một hòn đảo, thả mọi người lên bờ ăn trưa. Cứ tưởng như ở Việt Nam, tức sẽ được đưa đến một nhà hàng nào đó, hóa ra mỗi người được phát một hộp mỳ, một miếng đùi gà, một chai nước hoa quả và ngồi ăn ngay trên bãi biển. Mấy mẹ con trải khăn tắm lên bãi cát, vừa ăn vừa ngắm khung cảnh tuyệt vời, ăn xong đi dạo trên bãi biển, rồi xuống nước nghịch. Gần 3h thì cả đoàn lên tàu đi về, kết thúc một ngày đầy ấn tượng.

Tour ngày 2_Bơi cùng cá mập nhám/nurse shark và cá voi, cá đuối

Rất lâu không bơi nên sau ngày đầu tiên vùng vẫy Tuấn kêu mỏi chân, mỏi vai và một số chỗ rát vì nắng. Chàng bảo hay mai tìm các hoạt động trên đảo để chơi thôi. Mẹ cũng ngại ngần ra biển tiếp vì đằng nào mẹ cũng có bơi được đâu. Thế nhưng con gái bảo, không, tour ngày mai khác, loại cá khác, phải đi chứ. Định bảo hay con và anh đi, mẹ ở lại khám phá đảo, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua, vì làm sao mình có thể yên tâm ngồi nhà trong khi bọn nó vùng vẫy ngoài kia. Thấy mình ngại ngần, anh chàng ở văn phòng du lịch nhiệt tình quảng cáo tour ngày mai rất khác, cá mập nhám lúc nào cũng ở đó, không cần nhảy xuống biển vẫn nhìn được đầy đủ mọi thứ, và thời gian đi không lâu, chỉ 45’ thôi. Vậy là lại quyết đi, và với tour này con gái đặt thêm dịch vụ chụp ảnh và quay video bằng drone nữa. Chà chà, cô con gái của tôi thật biết tiêu tiền! Không biết nàng đã mất bao thời gian đọc mà có vẻ cái gì cũng biết.

Trải nghiệm của ba mẹ con trong ngày hôm đó thật tuyệt vời. Ngoài cá mập nhám, là loài cá vào mùa này luôn có ở đó, rất nhiều là đằng khác, mình còn được nhìn thấy những đàn cá heo nhào lộn, thỉnh thoảng lại có con tung mình lên mặt nước, xoay có lẽ phải 2-3 vòng rồi mới rơi xuống. Sau đó, để ngắm cá đuối ó/stringray, tụi mình được đưa đến một hòn đảo. Anh chàng hướng dẫn viên ném những chiếc đầu cá, mảnh xương cá xuống làm mồi và một lát sau thì những chú cá đuối ó xuất hiện, cùng một chú rùa biển và cả đôi ba con cá mập.

Con gái giữa đàn cá mập
Cá mập, cá đuối và rất nhiều những con cá nhỏ khác ở sát mép nước, vì thế mà người không dám nhảy xuống biển như mình mới có được cảm giác bị cá va vào :)

Tour hôm đó kết thúc với bữa trưa ở một sankbank/dải cát giữa biển đẹp tuyệt vời mà sau khi ăn xong Tuấn còn mải mê ngồi ngâm mình trong nước mãi, hết ở bờ biển bên này lại đi qua bãi cát rộng có lẽ chỉ hơn chục mét sang bờ bên kia. Ba mẹ con nói đi nói lại, đúng là tour thú vị thật. Mẹ nhắc Tuấn cảm ơn em đã lôi mẹ con mình vào một chuyến du lịch thú vị đến thế này. Vậy nhưng chưa hết đâu, phía trước còn nhiều trải nghiệm thú vị lắm 😊

Đây là bờ biển nơi mình ngắm rùa biển, cá mập và cá đuối 
Bãi cát nơi mình ăn trưa đại để thế này đây, nhưng vì trình chụp ảnh kém nên đành lấy tấm này từ trên mạng :)


NHẬT KÝ MALDIVES_02_MALÉ – MAAFUSHI, VỪA GẶP ĐÃ MÊ!

Gần 7h tối máy bay từ Kualar Lumpur mới cất cánh bay đi Maldives. Thời gian bay kéo dài 4.5 tiếng, nhưng do Malé, thủ đô của Maldives chậm hơn Kuala Lumpur tới 3 tiếng nên khi máy bay hạ cánh mới hơn 8h tối. Chiếc máy bay nhỏ, hạ xuống một sân bay có vẻ cũng rất nhỏ, từ đường băng hành khách tự kéo hành lý đi bộ vào khu vực nhà ga. Trước khi lên đường ba mẹ con đã nhắc nhau điền form xin nhập cảnh online, hành lý thì chỉ 7kg xách tay, vậy nên sau ít phút thì đã xong hết các công đoạn nhập cảnh.

Maldives bao gồm tới gần 1200 các hòn đảo nhỏ, vậy nên việc di chuyển hoàn toàn bằng phà hoặc thuyền cao tốc. Ba mẹ con tranh thủ ăn tối và chờ đến hơn 9h thì mới đến giờ đi thuyền cao tốc về đảo Maafushi, cách Malé khoảng 30km. Sân bay nằm sát bờ biển và ngay lập tức mình đã thấy nước ở đây trong đến cỡ nào. Thuyền cao tốc màu trắng, sạch sẽ và đẹp, có khoảng 30 ghế. Thời gian ghi là 30’ nhưng các chuyến tàu đêm thì lâu hơn, và đối với mình tối hôm đó thì chuyến tàu đi rất rất lâu. Mình ngồi trong thuyền mà cứ trông chờ đến lúc cập bến. Thuyền lao đi với tốc độ rất nhanh, ngoài kia mịt mù biển cả, nói dại mồm, nếu va phải bất kỳ chướng ngại vật nào thì tất cả sẽ lên thiên đường thật chứ không phải thiên đường hạ giới trong vòng một nốt nhạc. Ngoài mình ra liệu có ai lo lắng không nhỉ, hay những khách du lịch khác cũng như mình, lo mà không nói ra, còn với dân địa phương thì những chuyến tàu cao tốc buổi tối như thế này là điều thường ngày rồi. Và theo tin tức trên báo thì các vụ tai nạn với tàu cao tốc, phui phui, không quá thường xuyên. Tin tưởng và phó mặc cho con gái lên kế hoạch cho chuyến đi, mình hoàn toàn không hình dung việc di chuyển từ sân bay về đảo như thế nào, nhưng nếu đi lần nữa mình sẽ lựa chọn ngủ lại thủ đô Malé cho đêm đầu tiên, cách đảo sân bay chỉ 10’ taxi, rồi ngày hôm sau sẽ đi tàu về đảo. Khi chia sẻ với con gái nỗi lo lắng, con gái bảo mẹ, ôi zời, có tèo thì cũng phải tèo ở nước ngoài cho hoành tráng, có gì đâu 😊. Và mình thì luôn mua bảo hiểm loại cao cho mọi chuyến đi nước ngoài, trước hôm đi đã gửi bác Vân bảo hiểm của chuyến đi, trêu bác, nếu mẹ con em mà làm sao thì bác nhớ đi đòi tiền nhé, 6 tỷ một người đấy, kakaka.

Dòng chữ chào đón ở sân bay Ibrahim-Nasir (tên cựu tổng thống Maldives) rất duyên dáng, và phía sau là một cầu tàu bằng gỗ duyên dáng không kém, trên làn nước trong veo, như tất cả mọi bờ nước khác của xứ sở vô cùng đẹp đẽ này

Đảo Maafushi

Sau tất cả những lo lắng thì khá muộn, chắc 10 rưỡi đêm, thuyền cập bến đảo Maafushi. Khách sạn đã có người chờ sẵn trên bờ đón mấy mẹ con, va li được chất lên một chiếc xe hai bánh người kéo, đi về khách sạn chỉ cách bến tàu khoảng 400-500m. Mặc dù giá tương đương khách sạn 5 sao ở Việt Nam nhưng thực tế chỉ là một căn nhà 4 tầng khá nhỏ, mỗi tầng 4 phòng, trang bị cơ bản, nói chung tầm khách sạn 3 sao ở Việt Nam hoặc thậm chí thấp hơn. Cả ba mẹ con mệt quá rồi, ngủ để lấy sức cho các hoạt động ngày hôm sau thôi.

Đảo Maafushi là một trong số các đảo dân sinh lớn và quen thuộc với dân du lịch ba lô nhưng so với các đảo ở Việt Nam thì nó rất nhỏ, dân số đôi ba nghìn người với một trường học mà mỗi cấp chỉ có 1 lớp, vài shop kiểu cửa hàng tiện lợi, khoảng ba chục khách sạn, nhà nghỉ và có lẽ ngần đó nhà hàng, cộng thêm khoảng hơn chục công ty tổ chức tour. Hai con đường, mỗi đường chạy dọc một bên bờ biển và ở giữa là rất nhiều các ngõ nhỏ chạy song song nối hai con đường kia trên một hòn đảo chiều dài vỏn vẹn 1,26km và chiều rộng trung bình 260m. Các con đường trên đảo đều là đường cát và mọi nhà hàng, khách sạn đều chỉ cách bờ biển tối đa 200m. Cảm giác đầu tiên là hòn đảo rất sạch, kể cả khi bị cát vương vào chân thì cũng là cảm giác cát sạch, có lẽ do nước biển trong quá và bãi cát sạch quá, chẳng thấy một cọng rác, đến cả lá cây như cũng ngại rụng. Maafushi nằm giữa biển, theo logic thì hải sản phải là món ăn phổ biến, vậy nhưng có lẽ do cách ăn uống và giữ gìn vệ sinh mà tuyệt nhiên không thấy vỏ tôm, ghẹ hay các phần bỏ đi của hải sản ở bất cứ đâu. Mình cũng tuyệt nhiên không hề ngửi thấy mùi tanh nồng của biển thường khá đặc trưng ở Việt Nam. Đảo Maafushi đúng như hình dung của mình về một hòn đảo nhiệt đới giữa biển từ nhiều năm trước, với hàng dừa, bờ cát trắng, những tán cây nhiệt đới tỏa bóng mát, tạm đủ tiện nghi mà vẫn giữ được sự nguyên sơ từ những con ngõ nhỏ chưa bị bê tông hóa quá nhiều. Vừa mới gặp mà mình đã mê các hòn đảo của Maldives quá mất rồi! 

Con đường chính và cũng là lớn nhất đảo Maafushi, với căn nhà màu trắng - đối diện ngay cầu tàu - là trụ sở của công ty Icom, công ty vận chuyển khách bằng tàu cao tốc giữa Maafushi với các đảo khác

Những đoạn phố trên đảo Maafushi, hai bên là quán cà phê hoặc công ty du lịch
Đảo Maafushi hay đảo nào khác nhìn từ xa thì cũng đều như thế này - một vùng nước xanh ngọc và bờ cát trắng bao quanh đảo, đẹp như tranh!