31 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THANH XUÂN


Với số điểm thi đại học tương đối khá, mình là 1 trong số 7 sinh viên năm đó của trường ĐHSP NN được gửi đi học nước ngoài, tất cả đều là đi Nga. Với gia đình nhà mình, đó là một niềm vui vô cùng lớn. Chủ nghĩa lý lịch đã vào hồi thoái trào chứ nếu còn nặng nề thì chắc cũng chẳng đến lượt mình. Hôm nhận giấy báo cả đêm bố không ngủ được. Bố đi ra đi vào, mừng đến phát khóc vì đã có đứa con giờ sẽ học thay cho bố, “đi máy bay thay cho bố mẹ”.

Đầu năm 89, trong khi đám bạn nhập học vào Khoa Anh và Khoa Nga thì mình nhập học bên Khoa lưu học sinh của trường ĐH NN, ngày đó bọn mình gọi đơn giản là Thanh Xuân. Khoa Lưu học sinh năm đó có hơn 400 học sinh, quá nửa học tiếng Nga để đi Nga, số còn lại sẽ đi các nước Hung, Bun, Đức, Tiệp… Đám thi đại học bằng khối C và D được chia vào học ở 3 lớp – C1, C2, C3, trong khi đám thi đại học bằng khối A được chia vào các lớp A. Khoa Lưu học sinh thực sự là nơi tập hợp những sinh viên ưu tú nhất trong mọi lĩnh vực, từ học thuật đến nghệ thuật và mình đã được biết những người thật giỏi giang. Lớp C1 của chúng mình là một tập hợp những người sẽ học các ngành rất đa dạng – ngôn ngữ, quân sự, mỹ thuật, luật… Một số đứa tụi mình học chuyên Nga đã 3 năm thì việc học tiếng Nga ở khoa dự bị giống như một trò thư giãn, chả khó khăn gì. Trong khi đó những người thi đại học bằng khối C, giờ mới bắt đầu học tiếng Nga thì thật vất vả. Không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ cũng có nghĩa không được đi học nên ai cũng phải cố gắng hết sức. Dù tiếng Nga đã khá hơn rất nhiều so với các bạn trong lớp, mình vẫn là đứa chăm chỉ. Ngày ngày miệt mài học và tối lại lên thư viện. Lớp học bọn mình trên tầng 3 ở tòa nhà D2. Khoảng sân trước tòa nhà đó trồng rất nhiều cây trúc đào, trong bức ảnh chụp cả lớp ngày đó, mình mặc chiếc áo màu xanh có những chấm nhạt và chiếc quần màu trắng, tóc xõa ngang vai. Mình và Th., cô bạn ngồi cùng bàn đã có màn trao đổi thơ với một người nào đó, nhiều khả năng một chàng sinh viên, suốt một thời gian dài. Bọn mình để lại một đôi câu thơ, và người kia họa lại. Chẳng cố tìm hiểu đó là ai, trò chơi dấu mặt đó kéo dài một thời gian. Cô bạn mình ngày đó khá thân thiết, mình hay lên phòng bạn chơi, một chiếc phòng xép chỉ 2 người chứ không phải phòng tập thể 12 người như bọn mình, giờ bạn ở phương nao? Nhớ một buổi chiều nào đó, từ ô cửa sổ bé xíu phòng bạn mình cố dõi theo một bóng dáng thân quen đi dưới bóng những cây xà cừ to trên con đường ra cổng.

Anh Ch., người đã cùng mình, anh D. và bạn L. lên thư viện học cùng nhau biết bao buổi tối, giờ ở một phương trời xa tít và thật may bọn mình vẫn giữ được những kỷ niệm trong sáng vô cùng đẹp đẽ của cái tuổi đôi mươi đấy. Mình sẽ chẳng thể nào quên một ngày mùa đông 89-90 ấy, anh chở mình bằng xe đạp suốt đoạn đường đi chùa Thầy. Đêm Giáng sinh, cả đám rất đông bọn mình cùng nhau đi nhà thờ Phùng Khoang, dự hết cả lễ nửa đêm mới về. Và buổi liên hoan Giáng sinh làm mình cứ ngơ ngẩn mãi với món quà của một bạn phòng 418.  

Cuối năm đó bọn mình có một kỳ thi quan trọng. Mặc dù khi thi đại học thường dân khối Đ thi Sư phạm hoặc ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nga, kỳ thi này cho phép bọn mình được chọn lại ngành. Những ngành năm đó đưa ra là tiếng Ả rập, tiếng Indonexia, Đông phương học và tiếng Nga và ngôn ngữ văn học Nga. Bọn mình miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi đó. Điểm của mình tốt, 19 điểm/2 môn, cộng thêm điểm ưu tiên mình được 20.5, chỉ đứng sau mỗi cô bạn H. được 21 điểm. Thuộc diện được chọn ngành trước, mình cân nhắc rất nhiều giữa học tiếng Ả rập, Indonexia hay Đông phương học, cuối cùng mình chọn học tiếng Ả rập, với tư duy vô cùng đơn giản – thứ gì hiếm thì quý – mà ngày đó những người Việt học tiếng Ả rập quả thực đếm trên đầu ngón tay.

Một năm học Thanh xuân trôi qua rất mau, với biết bao kỷ niệm. Có lẽ đây là năm học với nhiều những kỷ niệm ngọt ngào nhất cuộc đời mình. Việc học khá nhẹ nhàng, và mình biết thêm khá nhiều bạn mới, bao gồm cả một số các fan hâm mộ mà giờ nghĩ lại vẫn xao xuyến với những điều ngọt ngào nho nhỏ dù rằng mình chưa có người bạn trai nào theo đúng nghĩa suốt cả năm học đó. Hay vì mình chưa có bạn trai nên cuộc sống của mình mới nhiều màu sắc như vậy?

Tạm biệt Thanh xuân, tạm biệt một năm đầy kỷ niệm, những kỷ niệm của một thời thanh xuân, như sương, như khói. Nhiều khi tưởng như đã quên, nhưng thật ra những kỷ niệm đó chỉ nằm ở một nơi thật sâu trong lòng, chờ thời điểm thích hợp để bỗng dưng ùa về, như mình đã có một “"chiều nao thấy hoa cười". Và chiều nay, một chiều cuối cùng của năm, sao bỗng dưng nhớ đến thế những ngày tuổi xuân, những người bạn, những kỷ niệm tuổi xanh!


Tạm biệt một năm êm đềm, đẹp đẽ đến vậy, mình nào có thể hình dung cuộc sống đang dành cho mình vô vàn những bất ngờ, khó khăn ở phía trước. Nhưng trước mắt là hơn hai tháng hè đầm ấm với gia đình, trước khi cuộc sống quăng mình vào một nước Nga trong cơn khủng hoảng, và cơn trọng bệnh của bố mà mẹ đã phải gồng mình đến thế nào để chèo chống gia đình vượt qua!



26 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ (Tiếp)

Nhà bác Quang ngày đó ở dãy nhà K16, khu tập thể Trương Định. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ, rộng có lẽ chỉ 10m2, nằm trên tầng 2 của dãy nhà lắp ghép hai tầng. Những tấm gỗ cầu thang ọp ẹp dẫn xuống một gian bé tý xíu lợp giấy dầu làm chỗ đi vệ sinh, tắm rửa. Và ở bên ngách là một phòng cơi nới, rộng chỉ vài m2. Anh Lân và bác ở gian phòng cơi nới bên dưới, mình được ưu tiên ở gian phòng tử tế trên tầng 2.

Từ nhà bác Quang có hai cách để đi vào trường mình. Cách thứ nhất là đi ra đường Trương Định, rẽ sang đường Đại La, sau đó đi tiếp hết đường Trường chinh, hay còn gọi là đường Tàu bay, rồi vào đường Láng - ngày đó còn đầy những mảnh ruộng trồng rau húng - hết đường Láng thì đi vào đường Cầu giấy và cuối con đường đó là trường mình. Có thể đi tắt một đoạn, đó là từ khu tập thể Trương Định đi qua cây cầu khỉ sang đường Giải phóng, ngược lên ngã tư Vọng rồi từ đó vào đường Tàu bay. Nếu đi tắt thì gần được hơn 1km, có lẽ thế. Đấy là đoạn đường mình đã đi học suốt cả năm học lớp 12. Nghĩ lại, mình không thể hình dung nổi. Đoạn đường dài tới 13-14km. Ngày nào anh Lân cũng dậy rất sớm nấu cơm để mình và anh cho vào cặp lồng mang đi học, đi làm – em đi vào tận Cầu Giấy, anh thì xuống Văn Điển. Món ăn thường xuyên của hai anh em là lạc rang muối, mà hai anh em hay gọi đùa là chả lăn, cộng thêm một món rau nào đó, mùa đông thường xuyên là bắp cải xào. Chắc anh Lân dậy từ 4.30, vì mình phải đi học rất sớm, ngày nào cũng phải ra khỏi nhà trước 6h sáng, hôm nào trực nhật chắc còn sớm hơn nữa. Mình còn nhớ vào những ngày mùa đông mình đạp xe đến tận Ngã tư Sở trời mới tờ mờ sáng. Một thời gian sau khi ra ở ngoại trú thì mình kết bạn với H.Th., cô bạn bây giờ đã là một sếp lớn của ngành ngân hàng. Mình và H.Th ngày nào cũng chờ nhau ở chỗ cống Mọc và hai đứa vừa đạp xe song song vừa ôn bài với nhau suốt đoạn đường còn lại.

Buổi trưa, cùng một vài đứa bạn cũng ở ngoại trú như vậy tụi mình lôi cặp lồng cơm lạnh ngắt ra ăn. Bây giờ thì nuốt không nổi nhưng ngày đó chả kêu ca gì, thậm chí bọn ở nội trú nhiều khi còn xin vài hạt lạc của tụi mình, nắc nỏm khen ngon nữa. Câu chuyện thỉnh thoảng mình và anh Lân hay kể lại cùng nhau là một hôm anh Lân mang trứng đi ăn, anh đồng nghiệp cùng phòng xuýt xoa, hẳn một quả trứng cơ à, sang thế 😊

Dù căn phòng nhỏ như vậy, từ thời cô Huệ đã trồng một giàn thiên lý và khi anh Lân tiếp quản ngôi nhà thì giàn hoa vẫn còn đó. Mình còn nhớ những buổi chiều đầm ấm, hai anh em hái hoa thiên lý, thậm chí khi chưa có hoa thì còn hái cả những chiếc lá non để nấu canh. Và từ nhà bên văng vẳng vọng sang câu hát, Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Anh Lân khi đó đã đi làm nhưng vẫn chăm chỉ học lắm, tối tối phóng xe đi học thêm tiếng Anh. Rồi có hôm còn khoe với mình anh dịch mấy câu thơ tiếng Anh này, lâu quá mình chả còn nhớ gì, nhưng nhớ là mấy câu thơ về cây thông. Việc học hành như vậy về sau giúp anh Lân có khá nhiều cơ hội xin các khóa học bổng ngắn hạn và công việc cũng rất tốt.

Lên lớp 12 bọn bạn cùng lớp học thêm như điên. Bọn ở ngoại trú càng đồn thổi thầy cô này kia dạy hay, đua nhau đi luyện. Mình học thêm rất ít, duy nhất mỗi môn văn, vẫn là của cô Th. Những hôm phải học thêm mình về rất muộn. Đường Láng ngày đó hình như còn chưa có điện đường, bọn mình, thường chỉ có 2 đứa con gái, cắm cúi đạp xe qua cả đoạn đường dài khá tối với những cây xà cừ to đùng, tỏa bóng đầy hăm họa.

Mình không còn nhớ nhiều về những tháng ngày ôn thi đó, chỉ nhớ mình miệt mài ôn luyện Toán theo 2 cuốn bộ đề mà hình như năm đó mới ra. Mình cũng không thức đêm hôm nhiều, trong khi một cô bạn cùng lớp tên là H. thường kể về chuyện bạn ấy thức đêm thức hôm thế nào, rồi kiệt sức và nhắm mắt ngủ toàn thấy quan tài bay lơ lửng. Bọn khác bảo, con H. toàn bốc phét. Của đáng tội, H. thi đại học điểm hoàn toàn toàn bình thường.  

Đến ngày thi, anh Thanh (anh của anh Lân), xung phong đưa mình đi thi để mình đỡ mệt. Anh mượn được một chiếc Babeta – mà ngày đấy nhà mình gọi đùa là Ba bét nhè – chở mình đi trong 2 ngày thi.
Kết thúc một năm học gian truân, ngày nào cũng đạp xe gần 30km dưới trời lạnh khi mùa đông, nóng lúc mùa hè, không kể những hôm mưa to gió lớn chỉ có mảnh áo mưa buộc túm lại. Và cứ tự giác học hành như điên. Bố mẹ ở xa, nào có ai hỏi chuyện bài vở mình bao giờ. Mà nghĩ lại, ngày đó mình chả mảy may nghĩ mình vất vả, cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên học như một lẽ thường vậy thôi.

Mình đã được đền đáp xứng đáng. 10 điểm Toán (Khóa thi năm đó của trường ĐHSPNN chỉ có 2 điểm 10 Toán), 7 điểm Văn và 8 điểm tiếng Nga. Tiếng Nga thì hơi tệ, học chuyên mà được có 8 điểm, trong khi đó điểm tiếng Nga tính hệ số 2. Nhưng dù sao đó cũng là một thành tích tốt. Mình được 33/40, đứng khá cao trong bảng điểm của trường và được đi Nga học. Ngày đó chưa dùng chữ “được học bổng”. Được đi học mang nghĩa được nhà nước đài thọ hoàn toàn mọi chi phí đi học.

Kết thúc những năm tháng chuyên ngữ với biết bao kỷ niệm. Bây giờ con trai thỉnh thoảng cười cười trêu, ngày xưa mẹ được 10 điểm Toán thi đại học, thế bây giờ mẹ còn nhớ gì không. Những lúc như vậy mình bảo cậu, mẹ không nhớ rất nhiều điều trong Toán, nhưng mẹ tin những bài học ngày đó đã cho mẹ cách tư duy để mẹ học tiếp về sau, đã giúp mẹ trở thành con người như ngày hôm nay.

Dù đã phải sống cuộc sống hoàn toàn tự lập, xa bố mẹ từ năm 14 tuổi. Dù đã đói ăn, vất vả biết bao nhiêu, giờ đây, mỗi khi nhớ về quãng thời gian chuyên ngữ, trong mình chỉ còn lại những kỷ niệm ấm áp. Và chuyên ngữ chính là nấc thang để giúp mình đi tiếp những bước về sau. Nếu không học chuyên ngữ, nhiều khả năng mình cũng giống các chị, ở lại Sapa, lấy chồng Sapa, được bố mẹ đẻ/bố mẹ chồng cho miếng đất và nhiều khả năng giờ cũng giàu lên vì đất. Dù thế, mình rất thật lòng mấy lần bảo mẹ, nếu con ở lại Sapa, làm bà chủ khách sạn và có trăm tỷ thì con cũng không đánh đổi cuộc sống của con bây giờ dù con chỉ có ít tiền.


Tạm biệt chuyên ngữ. Mình đang vô cùng náo nức trước cả một tương lai rộng mở. Nhưng trước mắt sẽ là một năm học dự bị ở Thanh Xuân, nơi mình đã gặp người bạn trai đầu tiên với những kỷ niệm vừa ngọt ngào, vừa đau đớn. Và đó cũng là nơi mình gặp người không phải là bạn trai ngày nào nhưng để lại những ký ức không thể quên. Có phải vì nơi đó tên là Thanh Xuân mà nó đã lưu giữ của mình nhiều kỷ niệm đến vậy, để mỗi khi nhớ lại, lòng chẳng thể nguôi yên!

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ (Tiếp)

Những chiều mùa đông, gió lùa hun hút. Sau giờ học, cả lũ vội vã xuống nhà ăn sớm để còn được bát cơm nóng, rồi đóng cửa tránh gió lùa, ngồi trên giường đút chân vào chăn để học bài. Khổ nỗi chỉ một lúc sau bữa ăn thì bụng lại réo như thường. Hai lưng cơm chấm cơm chẳng giúp bọn đang tuổi ăn tuổi lớn no được. Trong tình trạng đó chả mấy đứa có thể ngồi yên học bài được. Thế là cả bọn bắt đầu kể về những món ngon đã từng được bố mẹ cho ăn. Rồi lôi lọ muối vừng, lọ sườn băm hay bất cứ món dự trữ nào hiện có ra để nhấm nháp. Thường sau 7.30 thì mấy cô nhà bếp sẽ đi bán vài món quà vặt. Với những buổi tối mùa đông lạnh lẽo thì những món quà đơn sơ như khoai lang luộc, sắn luộc, bánh mì (tất nhiên không kẹp bất cứ thứ gì cả) đều làm bọn mình ứa nước bọt. Mùa hè thì món phổ biến hơn cả là chè đỗ đen. Nhưng bọn mình cũng chả thường xuyên mua, vì tiền tiêu vặt bố mẹ cho rất ít, quá tay một chút cũng có nghĩa sẽ phải hy sinh nhiều thứ khác hoặc vay mượn bạn bè.

Một số lần, những chiều đông chỉ se se lạnh, lũ chúng mình vượt qua đường cái, sang những mảnh ruộng phía bên kia đường, mà ngày nay là bên kia đường Phạm Văn Đồng, hái những mớ rau dại về nấu bát canh. Tất nhiên là canh suông, chẳng có một thứ gì, nhưng đối với bọn mình vẫn thật ngon.
Một năm học cứ thế vèo vèo trôi qua rất nhanh. Mùa hè lại có nỗi khổ khác. Điện không có, nên tất nhiên quạt là khái niệm xa xỉ. Mình không còn nhớ nhưng G. kể chuyện mấy đứa gác tấm dát giường lên cửa sổ và thành ban công phía đằng sau, nằm ngủ cả đêm cho mát. Trời ạ, phòng bọn mình ở tầng 4, làm sao lại có thể ngủ như thế cả đêm mà không xảy ra chuyện gì.

Những ngày học thi tụi mình hay sang bên trường Sư phạm, ngày đó gọi là trường 1. Nơi bây giờ vẫn còn lại ngôi chùa nằm giữa sân trường ĐHSP thì ngày đó hết sức vắng vẻ, xung quanh chùa là con đường nhỏ, mương nước và hàng nhãn. Tụi mình ngồi ôn thi dưới hàng nhãn cả buổi, tự học thuộc lòng rồi truy bài nhau. Những chú ve kêu ran ran, đến nhức óc, và ở cuối con đường từ trường ĐH SP NN ra cổng, mấy cây phượng nở đỏ rực. Bọn mình chép thơ vào sổ, vương vấn mãi những câu kiểu như “Quay đi không dám nhận/Chùm phượng thắm thế kia/Bạn hiểu cho khi ấy/Xung quanh đông lắm kìa”.

Một sự kiện lớn trong nhà mình là khi mình học lớp 11 thì chị Vân lấy chồng, vào khoảng tháng 9/1987. Đối với mình, đó là một sự kiện rất lớn. Muốn về dự đám cưới chị lắm mà không biết làm sao. Buổi tối mình cùng cái H. đánh liều sang nhà cô Việt xin nghỉ, chả hiểu sao tay mình khi đó cầm mỗi cái lược, còn vài đồng tiền lẻ có lẽ nhét trong túi. Xin được cô xong thì phải ra ga tàu ngay nếu không thì sẽ muộn. Không còn nhớ gì nhiều nhưng ngày đó mới thay đổi, và ga tàu khá gần trường mình. Mình về cưới chị như vậy, trong tay có mỗi cái lược, không quần áo, túi xách mang theo 😊. Tận bây giờ mẹ vẫn hay kể chuyện đám đưa dâu đi thì mình lại phải về trường đi học. Con bé ngày đó mới 15 tuổi, và chuyện đi lại của cái thưở cách đây hơn 30 trần ai đến cỡ nào.

Hai năm ở tập thể trôi qua vèo vèo với biết bao kỷ niệm. Rất nhiều niềm vui nhưng cũng có những rắc rối. Phòng tập thể 14 đứa con gái tuổi teen, không có mới là chuyện lạ. Đến đầu năm lớp 12 mình xin bố mẹ được về nhà bác Quang ở, với lý do mình muốn được tập trung học. Bố mẹ đồng ý và sắm cho mình một chiếc xe đạp để mình tự đạp xe đi học hàng ngày. Bắt đầu một quãng thời gian mới với bao điều đáng nhớ khác.

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ


Dù vào được chuyên ngữ, rõ ràng xuất phát điểm của mình thấp hơn rất nhiều bạn lớp B (lớp dành cho học sinh vùng đồng bằng) và lớp C (toàn các tiểu thư công tử của các gia đình có điều kiện ở Hà Nội). Mình được có 9 điểm – 2 điểm văn và 7 điểm toán, so với điểm đầu vào của lớp B hình như 11, và lớp C chắc còn cao hơn tương đối. Ý thức về điều đó, mình rất chăm chỉ học. Mình và M., cô bạn cùng giường tầng, nấu ăn sáng cùng nhau, cùng nhau lên giảng đường học bài. Bọn mình rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, có đôi phần lặng lẽ, ít tham gia vào các cuộc tán phét, nghịch ngợm tập thể mà ở đó luôn có rất nhiều nói tục chửi bậy. Chả thế mà một năm – có lẽ cuối lớp 11-12 gì đó, trong cuốn sổ đoàn viên của mình bạn bí thư lớp ghi nhận xét “còn chưa thực sự hòa đồng”. Trong gia đình nhà mình các từ chửi bậy, nói tục không hề xuất hiện, thậm chí việc gọi con cái là mày tao cũng vô cùng hãn hữu, chỉ một đôi lần mẹ mình quá giận giữ mới dùng đến từ đó, nên ngày đó và mãi tận về sau nói tục là một thứ hoàn toàn xa lạ với mình. Chà chà, nếu nói tục là một tiêu chí đánh giá sự hòa đồng thì giờ mình ngon rồi. Thời làm cho bộ Dục mình xì chét đến mức nhiều khi rất cần văng tục cho đỡ điên, giờ thỉnh thoảng vẫn văng những lúc bực lên, tất nhiên không phải trước mặt bọn trẻ, hoặc theo cách tao nhã, ví dụ như Dm thì hét lên rê thứ chẳng hạn :P.

Tối tối mình và M. thường lên phòng học – là khu nhà lắp ghép cũ của chuyên ngữ học bài. Thời kỳ đầu còn chưa có điện, bọn mình mỗi đứa mang theo một chiếc đèn dầu bé tý. Từ ký túc xá lên chỗ phòng học chẳng xa xôi gì, vài bước chân. Nhưng buổi tối và vào cái thời chưa có điện đó thì cũng là vấn đề. Một vài lần có mấy chị lớp trên, rồi cả mấy đứa lớp mình, chùm tấm khăn trắng đứng nấp ở cầu thang/hành lang dọa ma, sợ chết khiếp. Một thời gian sau thì có điện. Lớp học, ký túc xá sáng sủa hơn nhiều, cuộc sống bọn mình cũng bớt phần tăm tối.

Mình không còn nhớ việc học ở chuyên ngữ có khó không, nhưng bây giờ mỗi lần gặp lại bọn bạn cùng lớp vẫn kể mình là tấm gương ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi thế nào. Và lôi chuyện những đứa học kém, với những đoạn văn đã trở thành “huyền thoại” của chuyên ngữ ra kể lại, cười nghiêng ngả. Nào là chuyện “canh gà Thọ Xương rất ngon”, “các thầy cô chuyên ngữ đã cho chúng em một chiếc gậy”… Một đôi lần hiếm hoi mình cũng bị điểm kém, mà đáng nhớ nhất là một lần điểm dưới trung bình môn Hóa. Mình còn nhớ mình đã đau khổ vì nó đến như thế nào, như thể đó là một thảm họa vô cùng khủng khiếp vậy. Đôi lúc mình cũng gây ra một số rắc rối nho nhỏ. Đó là một giờ văn, cô Th. đang thao thao giảng về việc bác về đến biên giới, cúi xuống hôn mảnh đất, mình cười cười thì thầm với cái D. ngồi bên canh, bác bị ngã xuống đấy. Chà chà, mới mười mấy tuổi, lại là cái đứa vốn ngoan ngoãn xưa nay, sao mình lại nghĩ ra thế nhỉ 😊. Cô Th. tra đến tận cùng, bắt mình đứng lên, dọa sẽ cho mình hạnh kiểm kém các kiểu. Con bé đứng cúi gằm mặt, lý nhí nhận lỗi nói chuyện riêng và những tội khác về nhận thức nữa :P. Khổ thân con bé Tết đó về nhà bò nhoài ra thu thập cánh hoa đào, phơi khô, đem lối lộ để cô làm nước dưỡng da. Thế rồi chuyện cũng qua.

Ngoài chuyện đó ra mình chả còn kỷ niệm gì đặc biệt về việc học. Nhớ mang máng là mình học khá, các bài kiểm tra chung toàn khối điểm mình luôn khá cao, nhưng trong mắt các thầy cô mình không hề nổi.

Ngày đó chúng mình học cả thứ Bảy, vậy nên cuối tuần chỉ có một ngày Chủ nhật. Cứ buổi chiều thứ Bảy khu ký túc xá vắng vẻ hẳn vì nhiều đứa sẽ đi thăm, ăn chực bữa cơm ở nhà họ hàng. Những đứa ở lại nghĩ đủ trò tiêu khiển ngày thứ Bảy. Một trong những trò đó là hát. Một bài hát được yêu thích nhất của tụi mình ngày đó mà bây giờ mình không thể nào tìm được trên mạng mình còn nhớ mang máng như sau:
“Xuống phố chiều nay ta đi trong nắng hanh
Náo nức người đi như con sông chảy quanh
Đường phố cũng vui hơn vì chiều nay thứ Bảy
Và em cũng vui hơn vì lòng em có anh”

Rồi những bài khác vẫn còn đọng lại trong mình như “Hát trên nông trường cao nguyên”, “Mây lang thang”, rồi cả “Hỏi người còn nhớ đến ta” của Hoàng Thi Thơ nữa chứ 😊. Viết những dòng này, mình nhớ lại hình ảnh bọn mình ngồi trên giường, đập tay ầm ầm xuống giường hát toáng lên “Xuống phố chiều nay ta đi trong nắng hanh”. Và biết bao những kỷ niệm thân thương của một thời cứ thế tràn về!


31 tháng 10 2019

EAST OR WEST, HOME IS THE BEST



Mặc dù rất ngại ngần, chần chừ mãi, cuối cùng bố mẹ cũng quyết định sửa sang nhà cửa. Ban đầu nghĩ đơn giản, cứ vừa sửa vừa ở, thì phần lớn mọi người vẫn như vậy đấy thôi. Vụ cháy nhà máy Rạng đông làm mẹ lo cuống cuồng, tìm mọi cách chuyển đi nơi nào xa hơn một chút, dù rằng nhà mình nằm cách tâm đám cháy tới 1.5km. Trên mạng có rất nhiều nhà cho thuê, nhưng khi nói chỉ thuê 2 tháng thì chẳng ai muốn cho thuê cả. Họ đề xuất mình thuê theo ngày, nhưng như vậy sẽ quá đắt đối với ngân sách. May quá, cuối cùng cô H. bạn mẹ cho nhà mình mượn một căn nhà ở phố Trần Duy Hưng, cách nhà mình chỉ khoảng 2km. Nhà 4 tầng, diện tích khoảng 35-40m, nằm trong ngõ đường Trần Duy Hưng, cách đường cái lớn có lẽ chưa tới 100m. Ừ, tốt quá rồi còn gì, không tốn tiền, gần nhà cũ và thuận tiện cho việc đi lại. Vừa để tránh vụ ô nhiễm do cháy nhà máy Rạng đông, vừa để ở tạm trong lúc sửa nhà.

Thuê một cô đến dọn ngôi nhà mượn được. Mẹ và cô ấy bò nhoài hết buổi chiều thứ Bảy thì nhà cửa đã sạch sẽ. Đúng tuần đó bố đi Sài gòn, ở nhà mẹ thu xếp dọn một số đồ thiết yếu sang nhà mới. Cũng đơn giản, vài vali quần áo, một thùng nồi niêu bát đĩa và ít đồ dùng quan trọng khác. Chỉ một lúc buổi sáng Chủ nhật đã xong. Chiều Chủ nhật mấy mẹ con đã ngồi ăn cơm ở nhà mới.

Nhà mới tuy 4 tầng nhưng chỉ có 2 phòng ngủ ở tầng 2 và tầng 3, tầng 4 là phòng thờ. Phòng ngủ tầng 3 điều hòa bị hỏng. Tóm lại là cả nhà vào chung một phòng ngủ, mẹ và em ngủ trên giường, bố và anh Tuấn ngủ dưới đất. Nhà mới cũng không có cửa sổ phía sau mà là tường kín nên khá bí, giếng trời nhỏ, chỗ cầu thang lúc nào cũng tối. Dọn sang nhà mới, trong lúc mẹ happy vì đã tìm được chỗ đi sơ tán cho cả nhà, tránh xa khu nhà máy Rạng đông thêm một chút, thì cún bảo, bây giờ con mới hiểu tâm trạng thất vọng của các em [Thư và Vi] khi dọn về nhà mới, có ý chê nhà mới không đẹp. Cũng phải thôi, nhà xây đã lâu, tường có chỗ mốc hoặc những vết đóng đinh còn lại. Nền nhà đá hoa, kiểu của 15-20 năm trước chứ không lát gỗ sạch sẽ. Đối với Tuấn, điều khiến chàng thất vọng nhất là nhà mới không có internet. Và có lẽ do bị vây giữa nhiều nhà cao tầng khác nên 3G cũng rất yếu. Mẹ mang ở cơ quan cục phát wifi về để sử dụng, nhưng sóng vẫn yếu như thường. Chàng rên rỉ suốt về chuyện đó, và trong vài ba ngày khi bên nhà cũ chưa sửa chàng vẫn chuồn về bên đó ngủ, chỉ ghé qua nhà mới vào bữa ăn.

Điều tiện nhất của ngôi nhà đó là rất gần bến xe bus, ngay đầu ngõ. Mẹ nghĩ ngay đến chuyện đi xe bus đi làm. Tiện thật, lên xe, ngồi một mạch là đến văn phòng. Mỗi tội xe đi chậm, thường buổi sáng mẹ phải ngồi trên xe tới 40-50’, buổi chiều còn lâu hơn nữa, cả tiếng đồng hồ, và tần suất xe cũng khá thưa – 15’ một chuyến. Xe đến trường cún thì nhanh hơn, cứ 5’ một chuyến, sạch sẽ, đông vừa phải, và chỉ đến bến thứ 5 là xuống, hầu như chả tắc gì nên chạy nhanh lắm. Thế là chuyển sang ngôi nhà đó được đôi hôm thì hai mẹ con quyết định sử dụng xe bus. Cún thích lắm với cảm giác được tự đi học về, không phải chờ bố đón nữa. Cún khoe, cứ đến giờ các bạn rủ, nào có đi về không, thế là nàng cùng nhóm bạn ra cổng trường, đi cùng cùng nhóm bạn đó qua 3 bến, đổi sang xe 22 để về nhà mình, trong khi nếu chịu khó đi bộ vài trăm mét thì nàng chỉ cần lên xe 22 là đi một mạch về ngay đầu ngõ.

Tuấn thì vẫn vậy, chả tìm thấy niềm vui nào trong ngôi nhà đi ở nhờ đó. Có hôm chàng rên rỉ, sao mẹ lại cho nhà mình ở trong một ngôi nhà tồi tàn thế này. Con đang chết dần chết mòn rồi đây này. Cả nhà mình đang thoái hóa thành vượn rồi 😊. Mẹ bảo, không có mạng mẹ cũng thấy tốt đấy chứ, nhà mình có nhiều thời gian nói chuyện với nhau hơn. Chàng bảo, mẹ không thấy đấy là dấu hiệu của người già à, chỉ người già mới không quan tâm đến thời cuộc.

Công cuộc sửa nhà tưởng chỉ 10 ngày là xong cuối cùng cũng kéo dài tới gần 3 tuần. Tuấn rên rỉ nhiều quá nên đến khi nhà cửa mới chỉ gần hoàn thiện thì mẹ đã cho cả nhà chuyển về. Toàn bộ tầng một được làm lại trần, sàn phòng khách lát lại bằng gỗ, nền bếp cũng mới. Sơn lại nhà cửa và đóng lại đồ gỗ. Rồi một số đồ dùng mới – quạt trần, ti vi… Hai anh em thích lắm, cứ trầm trồ, ôi xịn sò thật. Tuấn không quên thỉnh thoảng nhắc mẹ, nhưng mẹ phải dành tiền chuẩn bị đóng tiền học cho con đấy nhé. Còn cún thì nằm nhoài ra phòng khách, vẻ vô cùng thỏa mãn và tủm tỉm cười, lẽ ra con phải được ở nhà như thế này từ lâu rồi. Ôi trời, con là ai mà con nghĩ con cần được ở ngôi nhà đẹp đẽ như vậy từ lâu rồi. Mẹ cười cười hỏi đã giống nhà bác Hà chưa, cún bảo rồi ạ. Rồi hỏi xin mẹ cho con mời bạn đến chơi nhé.

East or West, home is the best. Đấy, chuyển khỏi ngôi nhà là các con cảm nhận được ngay ngôi nhà thân thương quan trọng đến như thế nào. Bây giờ thì cả nhà đã về lại ngôi nhà cũ. Mẹ sung sướng với ngôi nhà mới gọn gàng, đồ đạc đẹp đẽ và luôn được giữ gìn sạch sẽ. Các con hãy vui sướng với những năm tháng tuổi thơ của mình nhé. Nhà mình sẽ không còn nhiều thời gian ở bên nhau thế này đâu. Chẳng mấy chốc các con sẽ bay đi xa, và bố mẹ thì sẽ chỉ còn lại một mình, ngóng chờ những dịp các con về thăm nhà. Nhưng mẹ tin, dù đi xa đến đâu, các con cũng sẽ giữ mãi kỷ niệm về những tháng ngày tuổi thơ êm đềm mà bố mẹ cố gắng mang lại cho các con. Yêu các con thật nhiều!

01 tháng 10 2019

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_12


* Mẹ thích làm rượu, uống rượu, tất nhiên mỗi tối một chén bé xíu thôi. Tuấn thỉnh thoảng trêu mẹ là bợm rượu. Hôm qua trên đường đi chơi về, bà gọi điện và qua câu chuyện Tuấn hiểu bố mẹ đang nợ bà một ít tiền, chàng nhận xét ngay, “Mẹ vừa là bợm rượu lại vừa là con nợ nữa cơ à. Một combo thật là hoàn hảo.” :P

* Mẹ hỏi cún về lịch tuần sau, cún bảo tuần sau con thi ký xướng âm. Tuấn chen vào, ôi mấy cái đấy dễ ấy mà, ngày xưa con có học gì đâu mà vẫn qua. Cún lạnh lùng, “Qua 5 điểm với lại qua 9 điểm khác nhau nhá!” Tuấn cười cười cãi, ngày xưa con có học gì đâu mà vẫn được thầy khen giỏi đấy thôi. Mẹ quay sang lườm Tuấn, Tuấn vội vàng, “Thôi thôi con không nói gì nữa, nói gì nữa lại làm gương xấu cho em.” 😊

* Từ nhỏ đến giờ, vấn đề đau đầu của mẹ là Tuấn thích đi tất và sẵn sàng đi tất quanh năm ngày tháng, kể cả những ngày nóng 38-40 độ. Điệp khúc mỗi mùa hè của mẹ là nhắc nhở Tuấn ban ngày bỏ tất ra để cho chân được thoáng. Từ đầu mùa nóng đến giờ câu chuyện vẫn thường xuyên là, con ơi, con bỏ tất ra cho chân thở một chút đi, con lớn rồi, con biết tác hại của việc này rồi đấy, nhỡ chân con bị nấm thì chữa làm sao. Tối qua Tuấn bất ngờ từ trên nhà chạy xuống hỏi mẹ lọ muối, mẹ ngạc nhiên lắm, hỏi thì được biết cậu muốn ngâm chân nước muối và từ giờ trở đi sẽ làm như vậy hàng ngày. Cậu chàng hùng hồn tuyên bố, Con đã quyết định rồi, dù con có trở thành thiên tài đi chăng nữa thì cũng không thể ở dơ được. Hahaha, không biết ý định bất chợt này kéo dài được bao lâu và chàng vừa đọc được ở đâu chuyện này thế. Dù chưa biết có được lâu dài không thì mẹ cũng mừng húm. Hy vọng đây là một dấu hiệu khác của “trăng đến rằm trăng sẽ tròn” mà sẽ không sớm tắt ngúm như cái vụ chạy buổi sáng của chàng.

* Cún tha thiết vào Sài gòn học đàn hạc trong nhạc viện nhưng bố mẹ cứ băn khoăn nên không mặn mà hỗ trợ con. Cún buồn lắm, mặt nặng trình trịch, bữa ăn bố mẹ hỏi gì cũng lầm lì, trả lời chỏng lỏn. Rồi có lúc cún bảo, đấy nhân phẩm con không tốt [nên mới không gặp may :P]. Tuấn cười cười, Dương thái độ lồi lõm nhể, mẹ nhể. Ôi trời, giờ mẹ mới được khai sáng, mới biết đó là cách teen sử dụng từ ngữ.

* Đánh dấu kết thúc kỳ thực tập hai tháng rưỡi ful-time của con trai tại một công ty công nghệ thông tin, mẹ mời con trai đi ăn trưa. Con trai đi làm cả tháng mới được 3tr., bắt đầu biết thế nào là tiếc tiền. Con hỏi mẹ, mẹ ơi ăn ở đâu, mẹ đưa ra một đôi lựa chọn, chàng cứ băn khoăn, tốn tiền quá mẹ nhỉ. Với câu đùa, mẹ mời con đi ăn quán chay, chàng láu lỉnh bảo, thôi con để mẹ đi ăn một mình cho đỡ tốn :P. Hai mẹ con ngồi ăn, trò chuyện bao nhiêu điều. Con trai ăn hết cả đĩa salad và bảo, đấy, mẹ thấy không, con cũng ăn salad đấy nhé (Xưa giờ chàng rất ghét rau).

* Cả nhà về Sapa thăm ông bà. Trước khi quay trở về Hà Nội, mẹ đưa con trai lên phòng thờ, chỉ cho con ảnh cụ ngoại, nhắc con thắp hương và kể cho con nghe cụ giỏi giang thế nào, xây dựng cơ nghiệp ra làm sao. Tiếp theo là câu chuyện ông bà ngoại đã xây và làm các món đồ thờ trong phòng thờ này khi ông bà xây dựng lại cơ đồ thế nào. Kết thúc câu chuyện của mẹ, con trai cười cười hỏi, mẹ ơi, cả cụ và ông bà đều giỏi giang thế sao mẹ không được như vậy. Haha, mẹ bảo thì gien có lúc trội lúc lặn, mẹ đang chờ gien trội của con nổi lên đấy 😊.

* Mẹ làm món spaghetti cho các con. Hai em Thư và Vi thích lắm, bảo bác làm còn ngon hơn ở nhà hàng, thế này thì chẳng cần phải đi ăn ở nhà hàng nữa. Cún bảo, người nhà cả, cứ nói thật đi, không cần phải xã giao thế đâu. Vi bảo, em khen thật đấy chứ. Cún đáp lời, thôi em cứ nói thế cho mẹ chị vui một cũng được.

16 tháng 9 2019

NGẪU HỨNG ĐÀI LOAN_07_Ngày cuối với Cao Hùng

Còn một ngày cuối cùng với Cao Hùng/Kaohsiung, mình điểm lại những nơi còn chưa đến được. Cân nhắc một chút và mình lên một kế hoạch đơn giản cho ngày hôm sau – dạo bờ sông Ái Hà/Lover River, cách khách sạn có 300m, đi thăm ngôi nhà thờ được mô tả là “lớn nhất Đài Loan”, tiếp theo sẽ thăm Đầm Liên Trì và thời gian còn lại dành cho shopping.

Ăn sáng xong mình thong dong ra bờ sông. Bờ sông trong buổi sáng thứ Bảy thật thanh bình, vắng vẻ. Con đường đi dạo dọc bờ sông đẹp và sạch. Con đường chạy dọc theo bờ sông Đà Nẵng, vốn được coi là rất đẹp rồi, cũng không thể nào so sánh với nơi này. Mình đi chầm chậm, hướng tới ngôi nhà thờ mà mình hình dung chóp sẽ cao vút lên, chắc chắn từ con đường bờ sông mình sẽ nhìn thấy ngay khi đến gần. Đi khá xa mà vẫn chả thấy nhà thờ đâu, mình chìa bản đồ ra hỏi. Một zai trẻ bảo mình, gần đến rồi, đến kia rồi rẽ trái. Hóa ra đi thêm chút xíu nữa mình nhìn thấy ngay. Không như tưởng tượng của mình, ngôi nhà thờ khá bé. Chóp nhà thờ đúng là vút lên, nhưng chỉ là so với mái nhà thờ thôi, chứ về tổng thể thì nó lọt thỏm giữa vô và vàn những tòa nhà to nhỏ xung quanh. Tóm lại, ngôi nhà thờ được mô tả là “lớn nhất Đài Loan” đó chả lớn hơn nhà thờ Sapa bao nhiêu. Còn chi tiết “lớn thứ ba ở châu Á” thì mình thấy hoàn toàn sai. Chắc chắn ngôi nhà thờ đó nhỏ hơn nhiều so với Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ Phát Diệm, Vương cung thánh đường Phú Nhai, thậm chí nhỏ hơn cả nhà thờ Bùi Chu luôn. Khi thấy mình náo nức khoe em lên kế hoạch đi thăm ngôi nhà thờ “lớn nhất Đài Loan”, chị A. đã cảnh báo mình, chị nghi ngờ ngôi nhà thờ đó to và đẹp lắm, ở Châu Á Việt Nam là nước có nhiều nhà thờ đẹp nhất nhì rồi, chắc chỉ thua Philippines thôi. Chỉ có 2% dân số Đài Loan là người Thiên chúa giáo, so với 7% ở Việt Nam. Nhưng lạ lùng là cả ba khách sạn mình ở bên đó – Đài Bắc, Đài Nam và Cao Hùng, trong khách sạn nào cũng để sẵn một cuốn Kinh thánh bằng hai thứ tiếng – Trung và Anh.
 Con đường dọc bờ sông rất đẹp và sạch sẽ
 Những cây cầu gỗ duyên dáng để qua đường, không phải chờ đèn xanh
Và thành phố bên bờ sông rất đẹp. Hơi tiếc là mình không thấy có tour trên sông phổ biến như nhiều thành phố khác
Sau khi đi một vòng quanh nhà thờ, mình vào nhà thờ ngồi rất lâu, cầu nguyện, ngắm những đường nét trang trí cầu kỳ và rất đẹp của thánh đường. Hiệu sách của nhà thờ bán khá nhiều sách tiếng Việt. Từ hôm sang đây mình đã chỗ này chỗ khác gặp người Việt, biển hiệu, tên món hàng bằng tiếng Việt. Có thể hình dung người Việt chiếm tỷ lệ tương đối trong xã hội Đài Loan. Để rồi sau đây, khi ra sân bay mình còn choáng hơn nữa khi biển chỉ dẫn Departure có cả tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh, và có hẳn một làn đường chỗ kiểm tra an ninh ghi rõ dành riêng cho người Việt.

Ngôi nhà thờ tuy bé nhưng kiến trúc đẹp, bên trong cũng rất đẹp
Rời ngôi nhà thờ, mình leo lên một chiếc xe bus. Con phố đó khá lớn, và các tuyến xe bus thường sẽ chạy đến bến tàu điện ngầm. Chỉ cần đến được một bến tàu điện ngầm bất kỳ, mình sẽ dễ dàng đến được điểm mình muốn. Quả có thế, đi qua vài bến thì mình đã nhìn thấy tấm biển MRT. Thẳng tiến tìm đường đến Đầm Liên trì thôi.

Đầm Liên Trì được mô tả là một đầm sen khá đẹp, có tháp Long Hổ, Đài Xuân Thu và Đền Khổng Tử. Không quá mặn mà với văn hóa Tàu, cũng chả thích gì những họa tiết xanh xanh đỏ đỏ hoặc thếp vàng, còn đầm sen, thứ đáng giá nhất thì đã tàn, mình dành vỏn vẹn một tiếng ở khu này và chỉ 2h đã lên xe về lại trung tâm thành phố.


Đầm Liên trì với một số tháp và đền xung quanh đó
Đã đi thăm khá nhiều thứ và đi lại cũng đủ nhiều rồi, mình không còn hứng thú đi xem gì nữa, vả lại cũng cần mua chút quà cho các bạn ở nhà, vậy nên mình đến ga Formosa Boullevar để ngắm vòm ánh sáng “Dome of Light” khá đẹp ở đây, rồi từ đó đi mấy bước đến khu chợ đêm nổi tiếng. Chả hứng thú gì với các khu chợ, mình chỉ tranh thủ tìm mua một đôi món làm quà cho văn phòng, cho mấy bố con ở nhà rồi về sớm nghỉ ngơi. À, mà trước khi đến Đài Loan, mình chỉ biết Formosa là khu công nghiệp ở Vũng Áng, nơi đã gây ra vụ ô nhiễm biển nghiêm trọng, và từ Formosa đi vào đầu mình như một thứ gì đó negative. Thật không ngờ từ formosa lại mang một nghĩa hoàn toàn ngược lại, “hòn đảo xinh đẹp”, là một từ rất phổ biến ở Đài loan. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn 😊
 Vòm ánh sáng, một địa điểm nổi tiếng ở Cao Hùng đây.
Tạm biệt Đài loan. Tạm biệt những con phố rất gọn gàng, sạch sẽ. Tạm biệt những khu du lịch rất gọn gàng, dù đông nghẹt khách mà vẫn chẳng hề thấy rác vương vãi. Cuối cùng thì mình đã chẳng mua chiếc sườn xám nào, dù hình ảnh những cô gái Trung hoa trong những chiếc sườn xám đẹp đến nghẹt thở trong những bộ phim lấy bối cảnh cũ thỉnh thoảng lại quay về trong tâm trí. Và mình sẽ nhớ mãi cái khung cảnh lãng mạn, bàng bạc cổ xưa trong bài hát Mùa thu lá bay, nhớ một buổi chiều véo von với chị H.A trên chiếc cáp treo lãng mạn đó. Nhất định mình sẽ đưa bọn trẻ đến đây chơi, bọn nó sẽ không như mẹ, sẽ thích những món ăn đường phố lắm. Hẹn nhé, một ngày quay lại!

11 tháng 9 2019

NGẪU HỨNG ĐÀI LOAN_06_Hai lần đến đảo Cijin :P

Những điểm đáng đến thăm ở Kaohsiung, theo rất nhiều sách hướng dẫn và review trên mạng, bao gồm bờ sông Ái Hà/Lover River, Phật Quang Sơn, đầm Liên trì, đảo Cijin, Công viên địa chất Tianliao Moon World và một số điểm trong thành phố như Lãnh sự quán Anh, bảo tàng tàu hỏa Takao, Trung tâm nghệ thuật Pier-2. Chỉ có hai ngày ở Kaohsiung, mình ưu tiên ngày đầu tiên đi thăm đảo Cijin rồi nếu còn thời gian mới tính tiếp.

Từ trung tâm thành phố Kaohsiung đi đến đảo Cijin khá dễ, đến bến cuối của đường màu vàng – Sizihwan – Kaohsiung chỉ có 3 đường tàu nên việc nhớ các đường chẳng khó khăn gì, rồi lên phà sang đảo. Chị H.A bảo nên dành buổi sáng đi thăm tòa nhà Lãnh sự Anh cũ rồi từ đó sang đảo nhưng sau khi tiễn cô bạn xong, từ sân bay về mình quyết định sang đảo trước. Phà chạy liên tục, mươi phút lại có một chuyến, vé rất rẻ, khoảng 15k tiền Việt. Có hai làn đường lên phà, dành riêng cho khách du lịch và người địa phương. Người địa phương nhiều người đi xe máy, phóng qua cửa vào tầng hầm của phà, nơi để xe máy. Khách ngồi trên tầng 2, phà có ghế và mái che. Cũng có một khoảng không mái che bên ngoài cho những ai muốn ngắm cảnh mà không bị vướng tầm mắt.  Xuống khỏi phà là một nhóm các chàng trai đứng mời chào tour bằng xe đạp. Mình quyết định đi bộ vì thấy những điểm cần đến – ngọn hải đăng và pháo đài trên ngọn núi phía trước mặt – có vẻ không xa gì. Đúng lúc đó một chiếc xe bus dừng lại và một số người leo lên, mình cũng nhanh nhẹn leo lên. Chỉ khoảng một phút sau thì đến bến tiếp theo, người ta thông báo bến ngọn hải đăng. Con gà quyết định không xuống, ngồi ô tô đi một vòng quanh đảo xem sao. Xe chạy vòng vèo, vòng vèo, đúng là được xem khá nhiều nơi trên hòn đảo. Chốc lát lại có người lên xuống, con gà thấy xe chưa quay lại chỗ cũ là bến phà nên vẫn ngồi chờ. Sau khoảng 30-40’ gì đó thì thấy tấm biển lớn hiện ra báo hiệu xe chuẩn bị xuống đường hầm. Ra khỏi đường hầm một đoạn thì thấy có đường trên cao. Con gà nghĩ thầm, cái đảo bé tý mà cũng có đường trên cao cơ à, bọn này hoành tráng thật. Rồi đến những tòa nhà cao tầng, phố xá. Haha, mãi lúc này con gà mới nghĩ ra, thôi rồi, đường hầm để nối đảo với Kaohsiung. Hóa ra sang đảo chưa kịp xem gì đã quay lại thành phố bên này rồi, ặc ặc.

Lúc này chỉ còn mỗi mình ngồi trên xe. Thêm một đoạn nữa xe vào bến cuối. Bác tài ra hiệu cho mình xuống. Xa xa là cái trung tâm thương mại Dream Mall mà vừa tối hôm trước mình và cô bạn lượn lờ, ăn lẩu ở đó. 4G của mình không làm việc, chẳng cách nào tra được đường hay dùng google translation. Ừ, từ trung tâm thương mại đó ít nhất mình sẽ tìm được đường xuống metro để đi tiếp. Sao hôm nay gió to thế cơ chứ. Tiện thể vào trung tâm thương mại tìm mua một chiếc mũ thay cho chiếc ô đã không còn phù hợp trong một ngày gió lồng lộng thế này, rồi lộn ngược trở lại bến metro. Đã hơn 11h, làm gì nhỉ. Phải quay lại đảo chứ không nhẽ bỏ cuộc. Lọ mọ chui lên bến metro Sizihwan lần thứ hai trong buổi sáng hôm đó, mình được một chú taxi mời chào đi thăm tòa nhà Lãnh sự quán Anh. Okie. Có lẽ nên đổi hướng một chút nên mình leo lên taxi và chỉ vài phút sau đã có mặt ở chân ngọn đồi có tòa nhà đó. Đồng chí lái xe rất chu đáo, dặn mình lên ở cửa số 1, đi một vòng rồi xuống ở cửa số 2, từ đó đi bộ vài phút là đến bến phà sang đảo.

Tòa nhà lãnh sự quán Anh nho nhỏ, xây bằng gạch đỏ, nằm trên đỉnh một ngọn đồi sát ven biển, nơi mình có thể phóng tầm mắt sang Kaohsiung hay nhìn xuống con đường, bờ biển bên dưới, vịnh Tây tử với bãi cát màu đen nhánh. Tòa nhà lưu giữ rất nhiều những thông tin lịch sử về Đài Loan, về những người Anh đầu tiên đến nơi này thiết lập mối quan hệ… Khá nhiều bức tượng được dựng lên, mô phỏng cảnh sinh hoạt thời tòa nhà mới được xây dựng, thậm chí cả những bức tượng mô tả cảnh một vị bác sỹ đang khám mắt cho người dân.
 Tòa nhà lãnh sự Anh được xây bằng gạch đỏ, giản dị mà trang nhã
Con đường vòng vèo trong khu nhà của lãnh sự quán Anh, cây cối mát rượi trong cái nắng buổi trưa
Từ điểm tít trên cao này có thể phóng tầm mắt nhìn toàn bộ thành phố Kaohsiung

Lang thang một hồi, theo chỉ dẫn của đồng chí lái xe, mình đã lại ngồi trên chiếc phà sang đảo. Đã khá mệt, chui vào Seven Eleven nghỉ ngơi và ăn một chút gì đã. Những cửa hàng tiện ích như vậy có ở khắp nơi, và bao giờ cũng có hai món là trứng luộc thuốc bắc và khoai lang nướng. Ngồi nghỉ, ăn khoai nướng và đọc sách một lúc, đến hơn ba giờ mình đứng lên để bắt đầu đi khám phá hòn đảo.

Con đường leo lên ngọn hải đăng đối với dân miền núi như mình chả thấm vào đâu. Mình đi chậm rãi, thưởng thức khung cảnh thanh bình, vắng vẻ và bạt ngàn hoa ti gôn trên nền sườn núi xanh suốt dọc con đường lên ngọn hải đăng. Nhìn ngọn hải đăng được xây dựng cuối thế kỷ 19 này, mình nhớ đến những câu chuyện về các con tàu trong đêm tối tuyệt vọng bỗng dưng nhìn thấy một chấm sáng nơi xa, hay con tàu của Columbus trong cái đêm định mệnh thứ Năm, 11 tháng Mười năm 1494, khi ông nghĩ ông nhìn thấy một cái gì đó giống “một ánh nến nhỏ chập chờn”.
Con đường leo lên ngọn hải đăng đầy hoa tigon thế này đây
Và ngọn hải đăng nho nhỏ trên đỉnh núi
Lang thang khá lâu trong căn phòng trưng bày những bức ảnh về các ngọn hải đăng của Taiwan và một số hiện vật còn lại từ ngọn hải đăng Cijin, ngồi dưới tán cây uống nước và đọc truyện một lúc, mình tiếp tục xuống núi, đi khám phá ngôi pháo đài.

Ngôi pháo đài được xây dựng trước ngọn hải đăng cả trăm năm. Và giờ không còn hoàn toàn nguyên vẹn. Phần lớn chỉ là những bờ tường, nơi có thể ngồi thư giãn và ngắm toàn bộ hòn đảo, với bãi tắm cát đen nhánh ở phía xa. Kể ra có một người bạn đường tâm đầu ý hợp thì có thể cùng nhau ngồi đây véo von thì thú vị lắm.
 Chỗ ngồi nghỉ rất đẹp nơi bắt đầu con đường vào pháo đài 
Và con đường vào pháo đài cũng đẹp không kém
Pháo đài Cijin (Ảnh: Internet)
Rời pháo đài, mình lang thang vào khu phố chính, thử món mực nướng, thử món hoa quả ăn cùng đá xay ở một quán nổi tiếng. Nói chung những món ăn đường phố không phải là thứ dành cho mình, mực không ngon như mình tưởng tượng, món hoa quả đá bào thì chỉ có một lớp hoa quả bên ngoài, bên trong toàn đá bào và bộ nhá đã có thời gian sử dụng tới 46 năm của mình từ chối tiếp nhận 😊.

Con phố chính dẫn ra bờ biển ngay gần đó. Nếu đến đây chắc bọn trẻ nhà mình chắc sẽ thích lắm. Mình nhớ lại những chuyến đi biển với cả nhà, ông bà và bọn trẻ, khi cún còn bé lắm, mới 3, 4 tuổi, rồi lớn hơn chút nữa, 6 tuổi, khi nàng đã học lớp một. Con gái luôn ngọt ngào, tạo dáng chụp ảnh rất đẹp, dịu dàng như một bông hoa, hay như một nàng tiên nhỏ. Ông bà dắt tay nhau đi trên bãi biển thanh bình.

Còn bây giờ mình ở đây, lang thang trên bãi biển cát đen mịn màng, óng ánh, ngắm nhìn những con sóng xô bờ hoàn toàn một mình. Đứng trước thiên nhiên khoáng đạt, bí ẩn, mênh mông đến không cùng, dù không phải con chiên ngoan đạo, giây phút đó mình thực lòng vô cùng biết ơn Chúa, người
đã tạo ra tất cả những điều này và đã đem mình tới nơi này!
Bãi biển cát đen rất mịn trên đảo Cijin, nhìn từ pháo đài

Và bây giờ mình có thể nói mình đã đến đảo Cijin hai lần cơ đấy. Đúng quá rồi còn gì, hai lần qua phà cơ mà :P


06 tháng 9 2019

NGẪU HỨNG ĐÀI LOAN_05_"Bức tranh châu Âu giữa lòng thành phố Đài Nam"

Để thiết kế cho chuyến đi, mình đọc khá nhiều, và điều khiến mình quyết định dừng ở Đài Nam một ngày chính là bảo tàng Chimei, nơi được quảng cáo là “bức tranh châu Âu giữa lòng thành phố Đài Nam”.

Vé tàu tốc hành cho chặng Đài Bắc - Đài Nam đã được mua sẵn từ nhà. Buổi sáng tụi mình chỉ việc thảnh thơi kéo vali ra metro. Bây giờ thì thành thạo lắm rồi, tụi mình đi đúng một bến ra Taipei Main Station, chuyển sang khu dành cho tàu cao tốc – Taiwant Hight Speed Rail (THSR), đổi vé online đã mua từ nhà thành thẻ lên tàu để có chỗ ngồi. Đã đi tàu cao tốc ở châu Âu, nhưng đến đây mình vẫn phải phục lăn bọn Đài Loan. Tàu chạy từ đầu này đến đầu kia của đất nước, chặng đường gần 400km, tức từ thành phố Đài Bắc đến Cao Hùng (đi qua Đài Trung và Đài Nam) vậy mà suốt từ sáng đến khuya, cứ 10-15’ lại có một chuyến. Vé đặt online là vé mở, có thể lên bất cứ chuyến nào, nếu đổi thành thẻ cho chuyến cụ thể thì có ghế ngồi. Nếu không thì cứ lên tàu, mỗi đoàn sẽ có một số toa dành cho những ghế tự do, có chỗ ngồi hay không thì hên sui. Mình nhớ lại vụ năm 2016 đưa con gái đi châu Âu, hai mẹ con chạy hộc tốc để kịp lên chuyến tàu từ Bruxels đi Paris, suýt bị nhỡ chuyến. Một chuyện như vậy sẽ chả bao giờ xảy ra ở Đài Loan, không lên chuyến này thì chuyến sau, lo gì.

Gần 2h cho đoạn đường Đài Bắc – Đài Nam. Ga tàu THSR của thành phố Đài Nam khá xa, tới hơn 20km và đi mất tới 25-30’. Thành phố nhỏ bé, thưa dân. Khách sạn bọn mình đặt nằm ngay bên bờ sông Tăng Văn, một con sông nhỏ. View nhìn ra sông khá đẹp, bù lại khách sạn cũ và có mùi không mấy dễ chịu. Khu phố cổ An Bình/Anping Old street không để lại một ấn tượng gì. Những điểm tham quan như pháo đài, cổng đá… đều nhỏ xíu xiu và rất ít ấn tượng. Cả món trứng rán  hàu mà mình đọc từ khi ở Việt Nam cũng làm mình thất vọng.
Bờ sông đẹp, vắng vẻ, tha hồ đi dạo
Cây bàng ở đây hơi khác cây bàng ở Việt Nam, tán và lá đều rất đẹp

Lang thang ở Đài Nam một buổi chiều tối, sáng hôm sau tụi mình bắt taxi ra ga tàu cao tốc, gửi đồ ở đó rồi quay ngược trở lại khoảng 1/3 con đường vào thành phố để đi thăm bảo tàng Chimei. Đã nhìn thấy những mái vòm của tòa nhà bảo tàng từ hôm trước và không quá ấn tượng với mấy mái vòm đó, nhưng khi bước chân vào khuôn viên bảo tàng thì mình thực sự tin nó đáng để mình dừng lại nơi này. Giữa một khuôn viên rộng lớn như một công viên với thảm cỏ, vườn cây và hồ nước, kiến trúc khu nhà bảo tàng nổi bật lên rất đẹp, đúng là mang dáng dấp châu Âu với những mái nhà nhọn màu trắng, gợi nhớ những chóp nhọn của Vương cung thánh đường Sacré-Coeur hay Nhà Trắng.
Kiến trúc bảo tàng quả thực rất đẹp, đầy vẻ cổ điển


 Cây cầu có đôi phần bắt chước cầu Tình/Charles Bridge ở Praha, tất nhiên không thể so sánh về tính độc đáo và giá trị
Những bức ảnh mình lấy trên mạng cho thấy khuôn viên, cây cầu, đài phun nước, tất cả đều rất hài hòa và đẹp đẽ

Mình chỉ có 2 tiếng ở bảo tàng vì chiều hôm đó có kế hoạch về Cao Hùng, vậy nên vội vàng đi xem các gian phòng triển lãm thường kỳ mà điều khiến mình tò mò nhất là bộ sưu tập các nhạc cụ - điều mình đã đọc từ nhà. Choáng thật, một bộ sưu tập vô cùng phong phú các nhạc cụ, máy nghe nhạc cổ với những giải thích cặn kẽ, và rất nhiều trong số đó là các nhạc cụ đàn dây từ mọi miền trên thế giới. Bộ sưu tập những cây đàn violin, theo đánh giá của CNN là bộ sưu tập đàn violin lớn nhất thế giới, được trưng bày trong một phòng riêng. Những cây đàn nổi tiếng có thể kể đến cây đàn violin và celo của Bartolomeo Cristofori, một thợ làm đàn người Ý, cũng nổi tiếng do việc phát minh ra đàn piano. Rồi những cây đàn nổi tiếng từ các gia tộc làm đàn nổi tiếng của Ý như Amati, Guarneri và Stradivari với cái giá nhiều triệu đô – khoản tiền mà người bình thường rất khó có thể hình dung nổi. Video về quá trình làm đàn violin được chiếu đi chiếu lại suốt, giúp người xem hiểu rõ hơn về việc tạo ra cây đàn này.
 Một góc trưng bày violin ((Ảnh: Internet)
Và các dụng cụ đàn dây khác (Ảnh: Internet)

Phòng tranh không để lại ấn tượng thật đặc sắc vì mình đã đi xem khá nhiều bảo tàng tranh, dù vậy vẫn đủ để cho mình lang thang cả buổi mà không chán. Tiếc hùi hụi do ít thời gian nên mình không ở lại được lâu trong phòng trưng bày những bức tượng của Rodin. Bộ sưu tập vũ khí cổ xưa của bảo tàng này là một điều khác khiến mình trầm trồ, dù mình đã xem kha khá về vũ khí ở châu Âu.
Vì việc gia đình đột xuất của cô bạn, tụi mình không lang thang trong bảo tàng lâu như dự định mà sớm quay trở lại ga tàu cao tốc để đi tiếp đến Cao Hùng. Đúng một bến, còn chưa đến 15’, cho đoạn đường khoảng 60km và giá vé 80k. Hai đứa cứ trầm trồ, không thể hình dung nổi Đài Loan lại hiện đại đến thế.
Đường chờ tàu ở ga Đài Nam
Trước mắt là một buổi chiều và tối cuối cùng cô bạn ở lại cùng mình ở Cao Hùng, rồi sau đó cô bạn sẽ bay về Hà Nội trước do việc đột xuất, để mình ở lại lang thang hai ngày cuối ở Cao Hùng hoàn toàn một mình.
Chia tay Cao Hùng thì ít ra cũng phải thế này chứ: Lẩu hai màu Cao Hùng. Mỗi tội không dám ăn lẩu ớt cho màu đỏ nổi bật lên, và nói chung hai đứa chỉ ăn món rau là chủ yếu :)