29 tháng 5 2013

BÀI TOÁN CỦA MẸ, BÀI TOÁN CỦA CON

Bài  này mẹ viết cho con trai từ ngày con học lớp 3. Giờ thì con đã học xong lớp 5, chuẩn bị vào cấp II. Những bài toán của con ngày càng khó hơn, trong khi tính con thì vẫn thế, chả cẩn thận hơn bao nhiêu. Bài toán của mẹ cũng trở nên khó hơn, và ngày càng nhiều hơn những giây phút khi mẹ cảm thấy mình như bất lực. Mẹ đưa lại bài này lên đây như một cách để hô quyết tâm cho bản thân. Nào, mẹ con mình cùng cố gắng!

Ngày nào con mới đi học lớp 1, giờ con đã gần hết lớp 3. Toán lớp 3 bắt đầu khó, con phải làm các phép tính có tới 6 con số cho phép cộng trừ số chẵn, còn số lẻ và các phép nhân chia thì thường dừng ở mức 4 chữ số. Con là đứa trẻ thông minh, học nhanh lắm nhưng lười, giống như nhiều bạn khác của con, và cẩu thả vô cùng nữa. Nhiều khi mẹ cứ rên rỉ, mẹ có cẩu thả đâu mà con lại thế.

Chuyện đáng để nói là thế này. Con thường xuyên làm các phép tính nhân chia, cộng trừ với 4, 5 chữ số toàn bằng tính nhẩm mà không cần giấy nháp. Mẹ và bố choáng lắm, bảo con, đến bố mẹ đây còn phải dùng giấy nháp mà sao con không làm. Dặn dò, nhắc nhở con thường xuyên nhưng thói quen đó vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Đỉnh điểm của vấn đề là một buổi tối gần ngày thi, mẹ ngồi kiểm tra mấy trang bài của con với thỏa thuận là cứ một lỗi sai do không làm nháp thì sẽ được 1 roi. Phù, may quá, con chẳng bị sai phép tính nào :-)

Trước hôm con thi, mẹ dặn dò con rất cẩn thận rằng con luôn nhớ phải nháp trước rồi mới được ghi vào bài làm. Sáng hôm sau, trước khi con đi học mẹ không quên dặn dò lại. Buổi chiều, về đến nhà con khoe ngay, mẹ ơi, chắc con được 10 đấy, bài nào con cũng làm giấy nháp cẩn thận. Mẹ mừng lắm, thơm con và không quên nhắc rằng lúc nào cũng phải thế. Con trai kể tiếp, “Mẹ ơi, bạn Hưng thấy con làm trên giấy nháp bảo con, Xì, có mỗi thế mà cũng phải nháp”. Bó tay. Hưng ơi là Hưng! Bạn nào cũng thế này thì những lời mẹ dặn sẽ trôi đi đâu hả con. Làm cách nào để mẹ rèn cho con thói quen cẩn thận được nhỉ?

Mẹ vốn quan niệm về việc học của con khá nhẹ nhàng. Mẹ không ép con học, muốn con có một tuổi thơ nhẹ nhàng. Mẹ không quan trọng điểm số. Nhưng thói quen cẩn thận là điều mẹ muốn rèn cho con. Trong công việc, mẹ luôn cố gắng và thường làm được điều mình muốn. Thế mà sao có mỗi việc làm mẹ, mẹ học đã gần 10 năm nay và những khi con bướng bỉnh, lười học, mẹ thấy mình như đang thất bại. Bao tình thương dồn cho các con, bao lo lắng, chăm sóc…, vậy mà luôn luôn có biết bao điều cảm thấy chưa như ý. Giá như những kỹ năng làm mẹ cũng giống các bài toán của con, nháp, thử lại đáp số và ghi vào vở thì hay biết mấy. Chỉ có điều, mỗi con người là thực thể riêng biệt, chẳng ai giống ai. Lý thuyết mãi mãi chỉ là lý thuyết, các đáp án cho bài toán cuộc đời chẳng mảy may giống các đáp án trong bài tập của con. Ít nhất thì mẹ cũng mong rằng tình thương yêu của mẹ dành cho các con là gợi ý cho lời giải mọi bài toán khó nhất. Nào, mẹ con mình hãy cùng cố gắng.

Chú thích: Hưng là bạn thân của Tuấn, chẳng hiểu cô giáo mất cảnh giác thế nào mà lại phân cho hai bạn này ngồi cùng bàn. Hôm trước đi đón con, thấy con đang nhặt rác, dọn lớp cuối ngày, cô giáo giải thích là Hưng và Tuấn nói chuyện trong lớp, bị cô phạt :-)

Chua thêm, ngày xưa mẹ luôn là con ngoan trò giỏi, chả bao giờ bị ai nhắc nhở. Giá gien di truyền works ở khía cạnh này thì tốt biết mấy.


27 tháng 5 2013

LỚP MỘT ƠI LỚP MỘT!

Vèo một cái, con gái đã qua lớp Một. Buổi cuối cùng đưa con đi học, hai mẹ con đọc bài thơ “Lớp Một ơi lớp Một/Đón em vào năm trước/Nay giờ phút chia tay/Gửi lời chào tiến bước”

Tất cả như vừa mới hôm qua. Mẹ còn nhớ rất nhiều chi tiết. Mẹ nhớ buổi sáng bố mẹ đi từ 3.30 sáng để xếp hàng mua hồ sơ cho con. Vụ ầm ĩ với cái cổng đổ, với gần 800 hồ sơ cuối cùng được bán ra để sẽ có khoảng 250 em được nhận. Ngày mẹ đi nộp hồ sơ cho con. Ngày con đi thi. Ngày mẹ đi xem kết quả. Khi nhìn thấy tên con, mẹ còn phải nhìn đi nhìn lại mãi xem có đúng địa chỉ nhà mình, rồi chụp lại cho chắc chắn. Hôm khai giảng, con và các bạn xếp hàng nối đuôi nhau vào khu của lớp mình, cô Ng. gửi tin nhắn bảo, Chúc mừng hai mẹ con, mẹ gửi lại, Phải chúc mừng nhà trường có con em là học sinh chứ.

Những ngày đầu năm học, nhiều bạn đã biết đọc còn con thì thậm chí chưa biết đánh vần. Nhưng con học rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn con đã đuổi kịp các bạn. Con bắt đầu đọc truyện nhiều chữ từ khá lâu. Rồi từ đầu tháng 1 thì con đã có thể tự ghi nhật ký, với những nét chữ to cồ cộ, và rất nhiều câu cảm thán đại để như, mình rất sướng, mình rất vui… Gần đây thì con còn hay “sáng tác”, đề tên rõ ràng, Tác giả: Nguyễn Thùy  Dương, mà câu chuyện gần đây nhất là Vì ta yêu nhau, với hai nhân vật chính là công chúa Hoa Hồng và hoàng tử Philip. Mẹ không biết chuyện cô Y. thỉnh thoảng giật tóc con những lúc bài bị tẩy xóa, cho mãi đến gần đây, khi con nói con thích lớn lên làm cô giáo dạy Tiếng Việt ở trường Thực nghiệm, để con tặng các em điểm 10 cho các em vui. Không thể hình dung được giờ con đã khác đến thế nào, chữ con viết đẹp, cẩn thận, nhìn những nét chữ mực tím gọn gàng, đâu ra đấy, mẹ tin rằng khi lớn lên con sẽ là một người biết làm mọi việc sao cho chỉn chu.

Một năm học lớp Một giúp con trưởng thành lên nhiều. Con thích tiết sinh hoạt sao, con thích mẹ đón muộn để chơi cùng các bạn ở sân sỏi thật lâu. Con học nhảy và đã biết nhảy khá đẹp, những bước nhảy của con chưa thật nhuần nhuyễn nhưng mẹ vẫn mê mải ngắm những hôm đến đón con sớm và còn kịp xem. Buổi sáng đánh thức con dậy để đi học, nếu con õng ẹo, mẹ chỉ cần nói, Không biết mình sẽ ghi vào bản tự nhận xét thế nào nhỉ, là con lườm mẹ rồi vùng dậy làm mọi việc ngay. Con có thêm thật nhiều bạn thân, mà bạn thân nhất là K.M. Hôm Tết, cả nhà vừa ở Thái Bình lên thì gặp ngay bố mẹ đưa bạn và em đến nhà mình chúc Tết. Hai bạn còn chuẩn bị sẵn bao lì xì để mừng tuổi nhau.

Suốt gần một năm trời mẹ con mình đưa đón nhau, những ngày nắng, những ngày mưa, tất cả qua thật mau. Thế là một năm học, và là năm học cơ bản nhất, đã qua. Bước đầu tiên khó khăn  đã qua. Giờ thì con đi nghỉ hè rồi. Con sẽ tránh được cái nóng hầm hập của mùa hè Hà Nội năm nay. Con nghỉ thật vui nhé, và để khi quay về mẹ con mình lại chuẩn bị cho một nấc thang tiếp theo. Mẹ yêu con thật nhiều, công chúa nhỏ của mẹ. Và mẹ con mình cùng gửi lời chào lớp Một của con nhé. 
Cùng bạn sau  giờ học

Đây nữa
Đây là tranh của cún được treo ở trường

Rồi tập đàn nữa!

NGÀY HÔM NAY CON BƯỚC VÀO LỚP MỘT

Thế là con đã học xong lớp Một. Nhớ lại ngày con mới vào trường, mẹ post lại bài này lên đây.
(Đăng lần đầu 16/7/2012)

Từ lúc sinh con ra, biết bao niềm vui, mong chờ, ngày hôm nay con đã vào lớp 1. Buổi sáng mẹ đánh thức con dậy sớm hơn thường lệ, cùng con ăn sáng, dặn dò con từ giờ sẽ không được ngủ muộn nữa, sẽ không đến trường ăn nữa, sẽ phải nghiêm chỉnh vì con đã vào lớp Một. Công đoạn chải đầu tóc, mặc quần áo cho nàng công chúa mất thêm vài phút, 7.15 hai mẹ con ra khỏi nhà.

Vậy là từ hôm nay mẹ có thêm một nhiệm vụ đưa đón cô con gái yêu. Dọc đường đi con nói với mẹ con hồi hộp quá, rồi con náo nức rằng chỉ mấy tháng nữa con sẽ biết đọc truyện, để con có thể tự đọc, trước hết là những cuốn big book như cuốn của bác P.A cho. Mẹ hỏi con muốn hát bài gì, hai mẹ con cùng hát “Ngày đầu tiên đi học”, rồi “Hoa vàng mấy độ”, rồi "Mùa thu mây ngàn". Rồi mẹ lại đọc con nghe bài “Con yêu mẹ” của Xuân Quỳnh, bài “Cây ngô”. Thương con phải đi học xa, đoạn đường tổng cộng tới 4km, rồi đây sẽ là những ngày nắng, những ngày mưa, những ngày rét. Con ơi, hãy cố gắng, chẳng có thành công nào mà không khởi đầu từ những khó khăn. Và chút khó khăn này suy cho cùng là chuyện vô cùng nhỏ. Suy nghĩ tích cực hơn nữa, đoạn đường 15-20’ một chiều mỗi ngày sẽ là khoảng thời gian hai mẹ con mình có thể truyện trò, chia sẻ với nhau rất nhiều, hoặc cùng nhau hát những bài hát, đọc những bài thơ mẹ con mình yêu thích.

Qua 7 rưỡi chút hai mẹ con đã đến trường. Ngày hôm nay trường dành để đón các bạn lớp 1. Mẹ thật tự hào con đã tự thi được vào trường, bố mẹ không muốn và cũng không biết phải chạy chọt thế nào, ở đâu nên để con tự cố gắng. Hôm biết tin con đỗ vào trường thực nghiệm, bạn bè, các bác, các bà gửi tin nhắn chúc mừng mẹ con mình. Bà X. bảo “Bõ công xô đổ cổng trường nhé” (Bà nói thế oan cho mẹ quá, mẹ thực sự không xô đổ, mà góp phần thì có :-)). Mẹ tự hào về con, có lẽ cũng giống như ngày xưa, ông bà tự hào khi mẹ thi đỗ vào trường chuyên ngữ, rồi mấy năm sau được nhận học bổng đi nước ngoài. Dù chỉ là một thành công rất nhỏ, mẹ tin nó là nấc thang đầu tiên đưa con bước vào đời. Và nếu bước đầu con qua suôn sẻ, với tình yêu của bố mẹ, với nghị lực của con, con sẽ vượt qua mọi nấc thang khác.

Đưa con vào lớp, nhạc rộn rã, khiến lòng mẹ cũng rộn ràng, những bài hát đã lâu lắm rồi mẹ lãng quên. Con vui vẻ vào lớp ngồi, không rụt rè, đòi mẹ phải ở thêm. Mẹ thấy hạnh phúc khi tin rằng rồi đây con gái mẹ sẽ được học trong một môi trường vui vẻ, để thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Con thích múa nên mẹ sẽ đăng ký cho con vào câu lạc bộ dance sport, rồi cả những câu lạc bộ khác mà con có thể sẽ thích. Mẹ tin rằng rất nhiều niềm vui đang chờ đón con phía trước.

Con gái yêu ơi, ngày đầu tiên đi học, biết bao bỡ ngỡ, biết bao ấn tượng, tình cảm. Hy vọng con sẽ nhớ mãi ngày này của mình. Cũng như mẹ thôi, mẹ chẳng bao giờ quên được 3 buổi đi học vỡ lòng duy nhất, vào mùa xuân năm 1979, trước khi Tàu đánh sang mình mấy ngày, khi mẹ ngày nào cũng được điểm 10. Cái lớp học năm ấy, nằm trong khuôn viên nhà thờ bây giờ, đã mãi mãi hằn trong ký ức mẹ, là một kỷ niệm đẹp để mẹ mang theo suốt cuộc đời.

Chúc con gái yêu thật vui vẻ, hạnh phúc trong ngày này của mình. Mẹ yêu con. Mẹ sẽ nhớ mãi hình ảnh của con như thế này, khi con gần 6 tuổi, công chúa yêu thương của mẹ.

Mẹ ơi, đi học lớp Một thì lúc nào phải nghiêm nghị thế này à?

Không đâu con gái yêu ạ. Con hãy luôn vui vẻ, hạnh phúc như thế này!
Hay mãi như thế này con nhé!



10 tháng 5 2013

GỢI TÌNH (Tiếp theo và hết)



Cậu bé gày gò. Cậu đeo ba lô màu vàng, chiếc quần may bằng vải chéo màu xám, một chiếc áo len đỏ cổ chữ V và đôi giày da đen. Tóc cậu dày, cắt ngang trán, trên đôi mắt có những quầng thâm. Đó là điều đầu tiên Miranda nhận thấy, nó làm cậu trông hốc hác, phờ phạc, cứ như thể cậu hút thuốc quá nhiều rồi lại ngủ ít dù rằng cậu mới chỉ có bảy tuổi. Cậu ôm một tập giấy vẽ dày với những kẹp xoắn vòng. Tên cậu là Rohin.
-   Cô hỏi cháu thủ đô đi! – cậu vừa nói vừa nhìn Miranda.
Cô nhìn lại cậu bé. Đó là lúc tám rưỡi sáng ngày thứ Bảy. Cô nhấp một ngụm càphê. – Cái gì?
-   Đó là một trò nó vẫn chơi, - chị họ Laxmi giải thích. Cô ta cũng gày gò như cậu con trai, khuôn mặt dài và những quầng thâm dưới mắt. Chiếc áo khoác màu đỏ úa nặng nề treo trên vai cô ta. Tóc cô ta màu đen, ở thái dương có mấy túm đã bạc. Tất cả được buộc ra phía sau giống như kiểu các diễn viên múa balê. – Cô hỏi nó tên nước và nó sẽ nói thủ đô nước đó.
-   Giá mà cậu nghe thấy nó lúc trong xe ôtô, -  Laxmi nói. -  Nó nhớ gần như tất cả các nước châu Âu.
-   Đó không phải là trò chơi, - Rohin nói. – Cháu thi với một bạn ở trường. Bọn cháu muốn nhớ tên tất cả các thủ đô. Cháu cố gắng thắng nó.
Miranda gật đầu.
-   Được rồi! Thủ đô của Ấn Độ là gì?
-   Câu đấy dễ ợt, - cậu bé lùi ra xa, tay vung vẩy giống như một anh lính đồ chơi. Rồi cậu đi lại gần chị họ Laxmi và thọc tay vào túi áo khoác ngoài của mẹ. – Hỏi con một câu khó đi!
-   Senegal! – cô ta nói.
-   Dakar! – Rohin tuyên bố vẻ chiến thắng và chạy theo những vòng tròn rất to. Cuối cùng thì cậu chạy vào trong bếp. Miranda nghe thấy tiếng cậu mở và đóng tủ lạnh.
-   Rohin! Không được đụng vào khi con chưa xin phép! – chị họ Laxmi gọi với sang bếp vẻ bực bội. Cô ta cố gắng mỉm cười với Miranda. – Cô đừng lo, chỉ mấy tiếng nữa là nó sẽ ngủ thôi. Cảm ơn cô đã trông giúp.
-   Ba giờ tụi mình sẽ về, - Laxmi nói và cùng cô chị họ biến mất ngoài hành lang. – Tụi mình đang đỗ xe cạnh một xe khác.

Miranda móc chiếc xích cửa. Cô đi vào bếp để tìm Rohin nhưng giờ đây cậu bé đã ở trong phòng khách, quỳ trên một chiếc ghế quay. Cậu bé cởi chiếc balô ra, đẩy túi đựng đồ sửa móng tay của Miranda sang một bên và rải những chiếc bút chì màu ra mặt bàn. Miranda đứng nhìn qua vai cậu. 
Cô xem cậu cầm cây bút chì màu xanh vẽ phác thảo một chiếc máy bay.
-   Đẹp quá! – cô khen. Cậu bé không nói gì và cô đi vào bếp rót cho mình thêm cà phê.
-   Cô rót thêm đi, - Rohin gọi với sang.
Cô quay trở về phòng khách. - Thêm cái gì?
-   Cà phê ấy. Trong bình còn đủ mà. Cháu thấy rồi.
Cô đi lại bên chiếc bàn và ngồi xuống đối diện cậu. Thỉnh thoảng cậu gần như đứng lên để với một chiếc bút màu mới. Cậu chỉ hơi làm lõm chiếc ghế quay một chút.
-   Cháu còn bé quá chưa uống cà phê được đâu.
Rohin vươn người qua tập giấy vẽ, bộ ngực nhỏ và vai cậu gần như chạm vào tập giấy, đầu cậu nghiêng sang một bên. – Cô chiêu đãi viên cho cháu uống cà phê mà, - cậu nói. – Cô ấy pha với sữa và rất nhiều đường.
Cậu vươn thẳng dậy, làm lộ ra một khuôn mặt đàn bà bên cạnh chiếc máy bay với mái tóc lượn sóng dài và đôi mắt giống như những dấu hoa thị. – Tóc cô ấy sáng bóng hơn, cậu bé quả quyết và nói thêm. – Bố cháu cũng gặp một cô rất xinh trên máy bay.
Cậu nhìn Miranda. Khuôn mặt cậu tối đi trong lúc nhìn cô uống. – Cô cho cháu một ít càphê được không? Cháu xin cô đấy!

Cô tự hỏi, dù cậu ta có cái vẻ bề ngoài điềm tĩnh, trầm tư, liệu câu ta có phải là kiểu người có thể cáu giận chăng. Cô tưởng tượng cậu bé dùng chân đi đôi giày da đá cô, khóc đòi cà phê, khóc và gào cho đến khi mẹ cậu ta và Laxmi trở về đón. Cô đi vào bếp rót cho cậu một cốc cà phê. Cô chọn một chiếc cốc mình không thích lắm để nhỡ cậu có làm rơi vỡ thì cũng chẳng sao.

Miranda tự hỏi không biết có phải cho cậu bé ăn không. Trong bếp có một túi bánh bột gạo và một ít rau diếp. Cô đề nghị đi ra đường mua cái gì đó ở cửa hàng bán thức ăn nhưng Rohin nói cậu không đói và đồng ý ăn một chiếc bánh bột gạo.
-   Cô cũng ăn một chiếc đi! – cậu bé mời.
Họ ngồi ở bàn, những chiếc bánh đặt ở giữa. Cậu mở một trang mới trong cuốn vở vẽ.
-   Cô vẽ đi!
Cô chọn chiếc bút chì màu xanh. – Cô phải vẽ gì đây?
Cậu bé nghĩ một lát. – Cháu biết rồi, - cậu nói.
Cậu yêu cầu cô vẽ những thứ trong căn phòng khách: chiếc đi văng, chiếc ghế quay, tivi, điện thoại. – Như thế này thì cháu có thể ghi nhớ.
-   Ghi nhớ gì?
-   Ngày hôm nay của chúng ta cùng nhau, - cậu nói và với tay lấy một chiếc bánh khác.
-   Tại sao cháu lại muốn ghi nhớ?
-   Tại vì chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, không bao giờ.
Sự rõ ràng của câu nói làm cô giật mình. Cô nhìn cậu bé, cảm thấy hơi buồn. Rohin trông không có vẻ buồn. Cậu lật trang giấy. – Cô vẽ tiếp đi.

Và vậy là cô cố gắng vẽ các đồ vật một cách đẹp nhất mà cô có thể - chiếc đi văng, ghế quay, tivi, điện thoại. Cậu bé nép vào cô, gần đến mức đôi lúc khó nhìn thấy cô đang vẽ gì. Cậu đặt bàn tay nhỏ màu nâu lên trên tay cô. – Bây giờ thì cháu.
Cô đưa bút vẽ cho cậu.
Cậu lắc đầu. – Không, bây giờ thì cô vẽ cháu cơ.
-   Cô không biết vẽ đâu, - cô nói. – Trông sẽ không giống đâu.
Cái nhìn ủ ê lại lướt qua khuôn mặt Rohin, cũng giống như khi cô từ chối không cho cậu uống càphê. – Nào! Cháu xin cô đấy!
Cô bắt đầu vẽ khuôn mặt, cái đầu và mái tóc dày trước trán. Cậu ngồi yên với vẻ trịnh trọng buồn rầu, mắt cố định về một hướng. Miranda ước ao giá cô có thể vẽ thật giống. Tay cô chuyển động theo mắt một cách xa lạ, giống như nó đã chuyển động cái ngày hôm đó, khi cô ở trong cửa hàng sách, lúc cô phiên âm tên mình ra tiếng Băng-gan. Chẳng giống cậu bé gì cả. Cô đang vẽ dở chiếc mũi khi cậu vặn vẹo trườn ra khỏi bàn.
-   Cháu chán rồi, cậu tuyên bố rồi đi vào phòng ngủ của cô. Cô nghe thấy cậu mở cửa phòng, mở những ngăn kéo tủ của cô và đóng nó lại.
Khi cô vào cậu bé đang ở trong tủ. Một giây sau cậu bé chui ra, tóc rối tung, tay cậu cầm chiếc váy dạ hội màu bạc. – Cái này rơi ở trên sàn.
-   Nó tuột ra khỏi mắc đấy mà.
Cậu bé nhìn chiếc váy rồi lại nhìn Miranda. – Cô mặc nó vào đi!
-   Cái gì?
-   Cô mặc vào đi!

Chẳng có lý do gì để mặc cả. Trừ lúc thử ở cửa hàng Filene cô chưa bao giờ mặc nó cả, và chừng nào cô còn cùng Dev cô biết cô sẽ chẳng bao giờ mặc. Cô biết họ sẽ chẳng bao giờ đi nhà hàng, nơi anh vươn người qua bàn và hôn tay cô. Họ sẽ chỉ gặp nhau trong căn hộ của cô thôi, vào những ngày Chủ Nhật, anh mặc đồ thể thao còn cô mặc quần bò. Cô cầm chiếc váy từ tay Rohin, giũ nó ra dù chất vải đó chẳng bao giờ bị nhăn. Cô vươn người lấy một chiếc mắc áo không.
-   Cô mặc nó đi! – Rohin hỏi, bỗng dưng đứng ngay sau cô. Cậu vùi mặt vào cô, ôm eo cô bằng cả hai tay gày gò của mình. – Cháu xin cô đấy!
-   Thôi được, - cô nói, ngạc nhiên vì cái ôm khá mạnh của cậu bé.
Cậu bé mỉm cười thỏa mãn, ngồi vào mép giường.
-   Cháu phải chờ ngoài kia, - cô nói, chỉ ra cửa. – Cô sẽ đi ra khi cô mặc xong.
-   Nhưng mẹ cháu toàn cởi váy áo trước mặt cháu.
-   Thế á?
Rohin gật đầu. – Sau đó mẹ cháu thậm chí còn chẳng nhặt lên nữa. Mẹ cháu để kệ quần áo trên sàn nhà bên cạnh giường, thành cả đống.
-   Một hôm mẹ cháu ngủ ở phòng cháu, - cậu bé tiếp tục. Mẹ cháu bảo như thế dễ chịu hơn chiếc giường của mẹ cháu khi bây giờ bố cháu bỏ đi rồi.
-   Cô không phải là mẹ cháu, - Miranda nói, luồn tay xuống nách nhấc cậu bé ra khỏi giường. Cậu bé không chịu đứng và cô bế cậu lên. Cậu nặng hơn cô nghĩ. Cậu ta treo lên cô, tay bám chặt vào eo, đầu dựa vào ngực cô. Cô đặt cậu xuống ngoài hành lang và đóng cửa lại. Thận trọng hơn cô còn cài chốt cửa. Cô mặc chiếc váy, ngắm mình trong tấm gương lớn gắn sau cánh cửa. Đôi tất ngắn của cô trông kỳ dị vì vậy cô mở ngăn kéo tìm đôi tất dài. Cô tìm đôi tất tận trong góc, đi tất rồi xỏ chân vào đôi giày cao gót. Những sợi dây váy nhẹ như những tờ giấy trên xương đòn. Nó hơi rộng một chút. Cô không thể tự kéo khóa được.
Rohin bắt đầu gõ cửa. – Cháu vào được chưa?
Cô mở cửa. Rohin giữ cuốn sách, thì thầm lẩm bẩm gì đó. Cậu mở to mắt khi nhìn thấy cô.
-   Cô cần cháu kéo giúp cô cái khóa, - cô nói rồi ngồi xuống bên mép giường.
Rohin kéo chiếc khóa lên tận trên và khi đó Miranda đứng dậy. Rohin đặt cuốn sách xuống. – Cô trông rất gợi tình, - cậu bé tuyên bố.
-   Cháu nói gì?
-   Cô trông rất gợi tình.

Miranda ngồi xuống. Dù cô biết điều đó chẳng có nghĩa lý gì tim cô vẫn đập mạnh. Có lẽ khi nói về tất cả những người phụ nữ Rohin đầu nói họ là gợi tình. Có thể cậu bé nghe thấy từ đó trên tivi, hay nhìn thấy nó ở trên tờ bìa một tờ tạp chí. Cô nhớ lại ngày cô ở Mapparium, khi cô đứng cách Dev một chiếc cầu. Vào lúc đó, cô nghĩ cô biết từ đó có ý nghĩa gì. Vào lúc đó, những từ đó có ý nghĩa.
Miranda bắt chéo tay qua ngực và nhìn vào mắt Rohin: - Nói với cô một cái gì đó đi.
Cậu bé im lặng.
-   Điều đó có nghĩa gì?
-   Cái gì cơ?
-   Từ ấy đấy. Gợi tình ấy. Nó có nghĩa là gì?
Cậu bé nhìn xuống, bỗng dưng trở nên rụt rè. – Cháu không thể nói với cô.
-   Tại sao lại không?
-   Đó là một bí mật.
Cậu mím môi lại, mạnh đến mức có chỗ trở thành màu trắng.
-   Cháu nói với cô điều bí mật đi. Cô muốn được biết mà.
Rohin ngồi xuống giường bên cạnh Miranda và bắt đầu dùng gót giày đá vào mép tấm đệm. Cậu bồn chồn cười khinh khích, thân hình nhỏ bé của cậu cong lại như bị cù.
-   Nói với cô nào! – Miranda yêu cầu. Cô cúi xuống, túm mắt cá chân cậu bé, giữ chân cậu không cho động đậy.
Rohin nhìn cô, đôi mắt cậu như hai đường chỉ nhỏ. Cậu cố gắng đá tấm đệm nhưng Miranda giữ chân cậu lại. Cậu bé ngã ra giường, lưng thẳng như một tấm gỗ. Cậu lấy tay che mồm rồi thì thầm:
-   Từ đó có nghĩ là yêu một ai mà người ta không biết.

Miranda cảm thấy những lời của Rohin len xuống dưới da cô, giống như khi cô cảm thấy những lời của Dev cũng len dưới da như vậy. Nhưng thay vì cảm thấy nóng người lên cô chết lặng đi. Nó làm cô nhớ lại cảm giác lúc ở trong cửa hàng tạp phẩm Ấn Độ, giây phút cô biết, thậm chí không nhìn vào bức tranh, rằng Madhuri Dixit, người mà vợ Dev giống, rất xinh đẹp.
-   Đó là điều bố cháu làm, - Rohin tiếp tục. – Bố cháu ngồi cạnh một ai đó bố cháu không biết, một ai đó gợi tình, và bây giờ bố cháu yêu cô ấy chứ không yêu mẹ cháu.
Cậu cởi giày ra và đặt chúng cạnh nhau trên sàn nhà. Sau đó cậu lật chăn ra rồi chui vào giường Miranda, tay vẫn ôm cuốn sách. Một phút sau cuốn sách rơi khỏi tay cậu bé. Mắt cậu nhắm nghiền. Miranda nhìn cậu bé ngủ, chiếc chăn nâng lên hạ xuống theo nhịp thở. Cậu bé không tỉnh dậy sau mười hai phút như Dev, hay thậm chí sau hai mươi phút cũng không tỉnh dậy. Cậu cũng không mở mắt khi cô cởi chiếc váy màu bạc ra, mặc quần bò rồi cất đôi giày cao gót vào tủ, cuộn đôi tất lại và đặt nó vào ngăn kéo.

Khi đã dọn dẹp xong mọi thứ cô ngồi xuống mép giường. Cô cúi xuống cậu bé, đủ gần để thấy một ít bột trắng từ chiếc bánh nướng còn vương lại trên mép cậu rồi cô nhặt cuốn sách lên. Trong lúc cô giở các trang sách cô tưởng tượng những cuộc cãi nhau mà cậu bé thường xuyên phải nghe trong ngôi nhà mình ở Montreal. “Nó có xinh không?” – mẹ Rohin chắc thường hay hỏi bố cậu trong lúc vẫn mặc chiếc váy ở nhà mà cô ta đã mang trên người hàng tuần, bộ mặt xinh đẹp của cô ta trở nên hằn học. “Nó có gợi tình không?” Đầu tiên bố cậu bé phủ nhận điều đó, cô gắng thay đổi đề tài. “Nào! Nói tôi nghe!” Mẹ Rohin gầm lên. “Nói xem trông nó có gợi tình không?” Cuối cùng thì bố cậu bé thú nhận là cô ta xinh đẹp và gợi tình và mẹ cậu bé khóc mãi, khóc mãi trên chiếc giường xung quanh là đống quần áo. Mắt cô ta sưng lên như mắt ếch. “Làm sao mà anh có thể! Làm sao mà anh có thể yêu một người anh thậm chí còn chưa biết?” – cô ta vừa nức nở vừa hỏi.
Trong lúc tưởng tượng cảnh đó Miranda cũng bắt đầu khóc. Ngày hôm đó, khi họ ở trong Mapparium, mọi đất nước dường như đều gần đến mức có thể chạm vào được và giọng nói của Dev nẩy bật vào những tấm kính. Từ bên kia cầu, cách tới gần mười mét, những lời của anh vang lên trong tai cô, gần gũi và ấm áp đến nỗi bao ngày sau nó vẫn còn âm âm dưới làn da. Miranda càng khóc to hơn, không đủ sức dừng lại nữa. Nhưng Rohin vẫn ngủ. Cô đoán rằng cậu bé đã quá quen với chuyện đó, quen với tiếng khóc của một người đàn bà.


Chủ nhật Dev ngọi điện nói với Miranda rằng anh sắp đến. – Anh chuẩn bị đi đây. Anh sẽ đến đó lúc hai giờ.
Cô đang xem chương trình dạy nấu ăn trên tivi. Một người phụ nữ chỉ vào những quả táo, giải thích quả nào là tốt nhất để làm bánh nướng.
-   Hôm nay anh đừng đến.
-   Tại sao?
-   Em bị cảm lạnh, - cô nói dối. Thực ra thì cô cũng chẳng nói dối nhiều lắm. Cô khóc nhiều nên bị ngạt mũi. - Em nằm trên giường suốt buổi sáng.
-   Quả là giọng em có hơi ngạt, - anh dừng lại một chút. – Em có cần gì không?
-   Em có mọi thứ rồi.
-   Uống nhiều nước vào nhé.
-   Anh!
-   Anh đây, sao hả em?
-   Anh có nhớ hôm chúng mình đi Mapparium không?
-   Tất nhiên, anh nhớ chứ.
-   Anh có nhớ chúng mình thì thầm với nhau điều gì không?
-   Anh nhớ, - Dev vui vẻ thì thầm.
-   Anh có nhớ anh nói gì không?
Im lặng một lát. – Nào, hãy nói chuyện về em đi, - anh cười nhẹ nhàng. – Chủ nhật sau vậy được không?

Hôm qua, trong khi khóc, Miranda tin rằng cô sẽ không bao giờ, không bao giờ quên bất cứ điều gì, - thậm chí cả cách tên cô trông như thế nào trong tiếng Băng-gan. Cô nằm ngủ bên cạnh Rohin và khi cô tỉnh dậy thì cậu bé đang vẽ một chiếc máy bay trên tờ tạp chí Kinh tế cô giữ lại, giấu dưới đệm giường.
-   Devajit Mitra là ai vậy? – cậu bé hỏi, nhìn vào dòng địa chỉ.

Miranda mường tượng Dev trong bộ quần áo thể thao và giày thể thao đang cười vào điện thoại. Một phút sau anh sẽ xuống với vợ ở tầng dưới và nói với cô ta rằng hôm nay anh không đi chạy. Anh đã thư giãn cơ bắp trong lúc vươn vai rồi, anh sẽ nói vậy trong lúc ngồi xuống đọc báo. Dù sao cô cũng thấy rất thèm muốn anh. Cô sẽ gặp gỡ anh thêm một Chủ nhật nữa, có thể là hai, cô quyết định vậy. Rồi khi đó cô sẽ nói với anh điều cô đã biết từ lâu, rằng như thế này là không công bằng với cô, với vợ anh, rằng họ, cả hai người, xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn, rằng chẳng ích gì khi kéo dài điều này.

Nhưng Chủ nhật sau trời mưa tuyết dày đến mức Dev không thể nói với vợ là anh chạy bộ dọc theo đường Charles được. Chủ nhật tiếp theo tuyết đã tan nhưng Miranda có kế hoạch đi xem phim với Laxmi và khi qua điện thoại cô nói điều đó thì anh cũng không ngăn cô đừng đi. Ngày Chủ nhật thứ ba cô dậy sớm đi dạo. Trời lạnh nhưng nắng đẹp. Cô bước đi dọc theo con đường Commonwealth, đi ngang qua nhà  hàng nơi Dev đã hôn tay cô, sau đó đi bộ hết con đường đến Trung tâm Khoa học Công giáo. Mapparium đóng cửa nhưng cô vẫn mua một cốc cà phê. Cô ngồi trên một chiếc ghế ở chợ bên ngoài nhà thờ, nhìn những chiếc cột khổng lồ và mái vòm rất rộng của nó, nhìn bầu trời sáng sủa xanh ngắt trải dài trên thành phố…
Hết

(Đã in trong tập "Người dịch bệnh", NXB Lao động, 2004. Người dịch Đặng Tuyết Anh, Ngân Xuyên)