Ngày 1:
Bagan đón mình bằng bầu không khí
se lạnh buổi sáng. Đang là mùa khô và mát, nhiệt độ buổi sáng sớm khoảng 18-20
và nhanh chóng lên đến tầm 30 vào lúc trưa. Khách sạn mình ở là Kumudara Pagoda
View Hotel, mình chọn nơi này vì đọc review thấy nói đến cái view rất đẹp của
nó. Bác tài lòng vòng tìm đường mãi chả ra, chạy quanh mấy con phố chính nhỏ
xíu hai vòng liền, rồi khi bác lái xe vào một con đường đất hết sức vắng vẻ,
mình xua tay ra hiệu làm gì có nhà cửa ở đây mà vào nhưng bác ấy quả quyết đi
tiếp và chỉ một phút sau thì khách sạn hiện ra trước mắt tụi mình đằng sau một
cái baria rất ba chấm 😊. Cún hơi thất vọng chút với khu sảnh trông
có vẻ cũ, nhưng một tẹo sau thì nàng vui ngay vì hóa ra bên trong khách sạn khá
ổn. Khách sạn nằm tít rìa cái thị trấn New Bagan vốn đã rất thưa thớt, sát ngay
cạnh khu bảo tồn, nhìn thẳng ra khu đền tháp (nên đường vào khách sạn còn chưa
được làm tử tế mà chỉ là đường đất). Khách sạn được thiết kế theo kiểu resort,
rộng rãi với một loạt các vila và đôi tòa nhà hai tầng. Phòng ở của hai mẹ con
trên tầng hai, nhìn thẳng ra bãi cỏ của khách sạn, tiếp theo đó là mênh mông
các đền tháp nơi xa xa.
Việc đầu tiên là nhờ khách sạn đặt
vé đi Mandalay. Tiếp theo mình hỏi lời khuyên của họ về lịch trình đi chơi,
thuê xe. Lòng tràn đầy phấn khích nên sau khi nhận phòng (may quá, được nhận
phòng sớm, từ 8h sáng) và nhanh chóng ăn sáng bằng vài món dự trữ mang đi từ
nhà, tụi mình lập tức lao ra khỏi khách sạn, bất kể một đêm mất ngủ mà chả ai thấy
mệt mỏi gì.
Đúng 9.30, chiếc xe ngựa “hoàng
gia” đã sẵn sàng để đưa ba “đại da” Hà Thành cùng một “thiên kim tiểu thư” đi
khám phá vùng đất lạ. Giá tiền phải trả cho một ngày như vậy là 40.000 kyats, tương đương khoảng
25 đô. Từ khách sạn, chiếc xe đưa tụi mình theo một con đường đất nhỏ đi vào
khu khảo cổ Bagan (Bagan Archeological Zone) và chỉ 10’ sau thì tụi mình đã đến
được khu đền tháp đầu tiên. Lòng đầy phấn khích, cả nhóm xuống xe bắt đầu công
cuộc khám phá. Ngôi đền/ngọn tháp đầu tiên mà mình đến là một ngôi đền nhỏ
trong quần thể có tới vài ngàn ngôi đền mà trong hai ngày ở đây mình chỉ có thể thăm vài chiếc. Sau vài phút đi vòng xung quanh, một người phụ nữ rất thân
thiện chỉ lối cho bọn mình trèo lên bên trên tháp. Cô ấy bảo tranh thủ lên đi,
có thể ngày mai nó đã bị đóng rồi, không còn lên được đâu (hì hì, chắc đó chỉ
là một cách để gây hứng thú, tò mò). Mình ngại ngần nhìn lối lên bé xíu, chắc
chỉ rộng khoảng 60cm, đi phải lom khom, và những bậc thang bé xíu, dốc ngược,
không kể trong đền thì sạch hơn, chứ lối lên đó đất đầy dưới chân, mà cứ vào đền
là phải bỏ dép, kể cả tất, tít từ ngoài mép sân. Cún giục, lên đi mẹ. Ừ, cố mà
lên chứ, mấy khi. Vượt qua được lối lên nhỏ hẹp dốc ngược đó, khung cảnh mở ra
trước mắt từ trên mái ngọn tháp làm mình choáng ngợp. Lô nhô trong một khu vực
ngút tầm mắt là vô vàn những tháp tròn hoặc nhọn xây bằng gạch đỏ trên một vùng
bình địa bằng phẳng. Cây cối rất nhiều, đặc biệt là những cây táo dại lúp xúp,
nhìn từ trên xuống là những tán lá tròn, lá ken dày đặc, tạo nên những mảng màu
nổi bật giữa cánh đồng cỏ đang vào mùa khô vàng úa. Đây cũng là ngôi đền mà
sáng ngày hôm sau cả nhóm lọ mọ dậy sớm, đi từ 5.30 để ngồi chờ ngắm bình minh
lên vì chỉ có rất ít ngôi đền người ta mở cửa, cho phép du khách lên mái để ngắm
cảnh như vậy.
Phấn khích với ngôi đền đầu tiên mình leo lên
Những ngọn tháp đã đứng đây cả gần nghìn năm, nhiều ngọn đã hoang tàn, đổ nát
Một khu đền đài đổ nát, và gần đó, dưới tán cây mát rượi là một chiếc lều nhỏ, bên trong đặt những chiếc vại nhỏ đựng nước uống. Vại có 2 lần nắp đậy, đặt ngang miệng bình là một chiếc đĩa trên đó úp cốc, và úp lên tất cả là chiếc nắp bình, một hình ảnh rất phổ biến ở Bagan.
Thăm được hai ngôi đền (mà kỷ niệm
nhớ đời ở ngôi đền thứ hai là sau khi xem tượng Phật bốn mặt bằng đá mình bị
chém ngang cổ khiến cún đến tận ngày cuối vẫn còn nhắc nhở mẹ 😊)
thì bác đánh xe ngựa cho tụi mình đi ăn trưa. Bác đánh xe dừng lại nơi một quán
cơm bụi dưới gốc cây, bọn mình bảo no no, cho bọn tao đến nhà hàng nào tử tế
chút đi và trêu nhau, bác đánh giá các “đại da” Hà thành thấp quá. Vậy là đi
thêm ít phút rồi dừng lại ở một quán cơm khá đông khách, Tây tiếc đủ hết. Có lẽ
đây là bữa trưa kém ngon hơn cả của tụi mình, với giá khoảng 15 đô cho 4 người,
các món ăn đặc trưng của người Miến mà luôn luôn sẽ có các loại hạt đậu và một
ít salad lá chè.
Ăn xong, nghỉ ngơi đến 2h thì cả
nhóm tiếp tục công cuộc khám phá. Bảo tàng khảo cổ, một ngôi làng ven sông với
tu viện cổ bằng gỗ, chùa Ananda - một ngôi chùa lớn được xây dựng vào năm 1105 và
được bảo quản rất tốt.
Từ xa, ngọn tháp dát vàng của chùa Ananda rực lên trong nắng. Bên trong ngôi chùa bằng đá có 4 bức tượng Phật bằng vàng quay ra bốn hướng.
Ngôi chùa có một kiến trúc rất độc đáo, nửa phẩn đền tháp đặc trưng - chóp tròn nhọn với những nét hoa văn tinh xảo, xen vào đó là những mảng kiến trúc nặng nề của các tòa nhà liền kề với tháp
Đâu đâu cũng khiến mình choáng ngợp, và thường cứ cái sau còn gây choáng ngợp hơn cái trước. Khi hoàng hôn gần buông bác đánh xe nói sẽ chở nhóm mình đến một tháp cổ để ngắm hoàng hôn. Ngồi trên cỗ xe ngựa lọc cọc đi trên con đường đất nhỏ, tít từ xa tụi mình nhìn thấy một ngọn tháp cổ mà ở lưng chừng tháp lố nhố khá đông người đứng, ngồi xung quanh như một bầy khỉ, trông rất nhộn. Thế nhưng chỉ sau ít phút vòng vèo thì chính tụi mình cũng tiến đến gần cái tháp đó, gia nhập đám khách du lịch phần lớn là Tây để cùng ngồi chờ mặt trời lặn. Leo lên tháp khá vất vả, rồi ngồi cheo leo ở sườn tháp, nơi gờ tường chỉ rộng khoảng 40-50cm, khiến mình cũng hơi lạnh sống lưng chút và giục mọi người trèo xuống sớm vì sợ khi tối trời sẽ khó hơn nhiều. Và tất nhiên ngoài việc leo ở sườn tháp, không thể thiếu công đoạn chui lên, chui xuống qua chiếc cầu thang bé xíu xiu, dốc ngược. Điểm khác ở tháp này là có một cậu bé đứng bên dưới, chờ được boa vì cậu ấy đặt ở mỗi bậc cầu thang một cây nến nhỏ soi đường.
Cái ngọn tháp mà mình đã cố gắng leo lên để ngắm hoàng hôn đây
Con đường, tiếng vó ngựa, đền đài, tất cả như thể đưa mình về quá khứ nào đó thực thực hư hư
Bữa tối ở Seven Sisters
Restaurant rất ngon, kết thúc ngày đầu tiên đầy mỹ mãn. Cả nhóm trở về khách sạn
vào lúc 9h tối khi những tiếng dế, tiếng côn trùng ran ran xung quanh và một vầng
trăng tròn vành vạnh, vằng vặc sáng lơ lửng trên bầu trời đêm Bagan không một gợn
mây. Chả biết lần cuối mình nhìn thấy một vầng trăng như vậy là khi nào. Ở Hà Nội
có cảm tưởng như mình chả bao giờ nhìn thấy trăng hay sao ý ☹.
Ngủ sớm nào, bù cho đêm trước chập chờn trên xe cả đêm, để còn chuẩn bị cho vụ
đi ngắm bình minh vào sáng ngày hôm sau chứ.
Ngày 2:
5.30 sáng khi nhóm mình ra đến cửa
khách sạn thì đã thấy bác xe ngựa đứng chờ trong màn đêm còn tối om. Chú ngựa lại
cần mẫn lọc cọc đi trên con đường đất vẫn còn tối, xung quanh là những ngọn
tháp lặng lẽ nhô lên đầy bí ẩn. Ngồi trên thùng xe, lắng nghe tiếng móng ngựa
gõ lọc cọc trên con đường đất trong màn đêm, cảm giác như mình như đang quay trở
lại với một thời nào đó vô cùng xa xăm, như thể cả thế kỷ trước, và bất giác
mình nhớ tới câu chuyện “Một chuyến xe đêm” của Pautopxki. Nhóm mình lại leo
lên ngọn tháp đã leo hôm trước, cùng với khá nhiều các đồng chí Tây và có lẽ một
vài người Nhật. Mọi người chọn chỗ cho mình, im lìm ngồi hướng về phía Đông,
nơi mới chỉ có một chút màu hồng rạng lên tít phía xa. Lạnh. Và ai cũng phải để
chân trần. Mình và cún ngồi xuống một gờ gạch, chỉ lo cún bị lạnh chân, có thể
bị ốm. Một lát thì trời rạng dần, vừng đông hừng lên ở phía xa, và những chiếc
tháp, lùm cây dần hiện lên rõ hơn trong làn sương sớm mờ đục. Một lát sau thì
cún phát hiện ra có rất nhiều khinh khí cầu ở tít phía xa, tiếc rẻ bảo con muốn
được đi khinh khí cầu. Ừ, đến lúc đó mình vẫn chưa kể cho bạn ấy nghe rằng
trong khoảng tháng 12 đến tháng 3 ở Bagan có thêm một dịch vụ hay thú vui cho
du khách – ngắm bình minh Bagan từ khinh khí cầu – với cái giá chỉ dành cho những
đại gia thực sự, chứ tầm “đại da” như mình thì nghĩ đến còn thấy xót lắm –
300đô/30 phút. Những chiếc khinh khí cầu chậm chậm bay lên và một lát sau thì cả
đoàn gần 20 chiếc khinh khí cầu đã lên cao, mang lại cho bầu trời Bagan
một vẻ độc đáo mới.
Bắt đầu của công cuộc ngắm bình minh :)
Cho tới khi những quả khinh khí cầu đã lên cao
và toàn bộ khu đền đài ngập trong ánh nắng tinh sương buổi sáng sớm
Quay trở về khách sạn ăn sáng
xong, nhóm lại tiếp tục công cuộc khám phá. Lần này là ngôi đền lớn nhất Bagan
- Dhammayangyi. Nhìn từ xa, ngôi đền sừng sững vươn lên nền trời xanh và ở cự li gần nó
càng gây ấn tượng hơn. Vì ngôi đền chưa hoàn thành nên ít có những chi tiết chạm
trổ tinh tế. Người ta cũng nói rằng vì lý do đó nên nó không có tháp nhọn như phần lớn những ngôi đền khác. Bù lại, đó là cấu trúc tổng thể độc đáo, gợi nhớ cấu trúc các nhà
thờ với những mái vòm vút cao, những chiếc của gỗ tếch cao, dày và nặng
nề ở bốn hướng của đền.
Lang thang thêm một đôi ngôi đền,
nhóm dừng ăn trưa ở quán cơm theo phong cách Tàu rồi về khách sạn để chuẩn bị
đi chuyến xe lúc 4h chiều sang Mandalay, thành phố cách Bagan 145km.
Gần hai ngày ở Bagan theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa đã để lại trong mình những ấn tượng rất đậm. Mấy chị em bảo nhau đã thật là đã. Thị trấn nhỏ nhưng dễ thương. Khách sạn thân thiện, sạch đẹp. Đồ ăn ngon. Đặc biệt bác đánh xe ngựa rất thân thiện, nhiệt tình, lúc nào cũng tươi cười, chu đáo. Ngày đầu tiên chỉ hẹn thuê đến khi trời tối, vậy mà 9h tối bác còn đánh xe ra nhà hàng đón để tụi mình không phải đi bộ 15' về khách sạn. Hai ngày chỉ đủ cho tụi mình ghé thăm vài ngôi đền trong tổng số hàng nghìn đền đài lặng lẽ ngủ quên đã gần nghìn năm. Một con số thật kinh khủng. Cún bảo nhất định con sẽ quay lại để để trải nghiệm bay trên khinh khí cầu. Ừ, mong con chóng lớn, và chắc chắn đôi chân sẽ còn đưa con đến nhiều vùng đất độc đáo mà mẹ chưa từng đặt chân. Ngoài việc ngắm vô vàn đền đài thì cún còn một trải nghiệm vẽ lên tay đầy thú vị nữa chứ. Bạn ấy đang được vẽ đây:
Và cỗ xe ngựa "hoàng gia" của tụi mình :)
"Bagan là một thành phố cổ, nay là một khu vực thuộc
vùng Mandalay, Myanma. Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương quốc
Pagan tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13 ở miền trung Myanma. Ngày nay Bagan nằm ở vùng đất khô, trung tâm Myanma, nằm ở bờ phía đông sông
Ayeyarwady, cách Mandalay 145 km về phía Tây Nam, thuộc vùng Mandalay. Nó
có diện tích khoảng 25 dặm vuông với hàng nghìn đền chùa, tu viện. Những đền
chùa này được xây dựng trong khoảng từ giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13, trong
thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Tiểu thừa. Những đền
chùa được xây dựng trong thời đại hoàng kim này đánh dấu sự khởi đầu của những
truyền thống Phật giáo mới ở Myanma." (Wikipedia)
Chân thực đến từng chi tiết nhỏ. Sao mà nàng giàu năng lượng đến thế. Đã kịp đưa lên 2 bài thật sống động. Lòng người vẫn xôn xao náo nức lắm lắm!
Trả lờiXóaHi hi, em cũng vẫn còn đang phê đây :)
Trả lờiXóa