20 tháng 5 2015

ĐỘNG CƠ ĐỂ KIẾM TIỀN [TỪ LÚC CÒN NHỎ]

Buổi tối, trong lúc mẹ và em đang khúc khích cười với cuốn Bật mí tất tần tật về bố mẹ, trong đó có đoạn cho bố mẹ uống một thìa "thuốc trấn an cụ Khốt", hay viên thuốc "Bố mẹ bình tĩnh nào", hoặc nếu bố mẹ ngất xỉu khi nhìn thấy bảng điểm thì phải làm gì, vân vân và mây mây thì anh Tôm chen vào câu chuyện của hai mẹ con, bảo con cũng cần đi tìm cái gì thật bốc mùi. 

Mấy trang sách ấy đây :-)

Sau đó chàng tiết lộ rằng chàng đã có điểm thi môn Toán và Văn và điểm Văn của chàng cũng lẹt đẹt. Mẹ cứ tưởng chàng đùa cơ vì vốn cả nhà tính đều hay đùa. Sau một điểm 4 môn Văn từ đầu học kỳ, mẹ đã tìm chị gia sư Toán Văn và cương quyết yêu cầu con học cùng chị mỗi tuần 2 buổi. Trước hôm thi mẹ hỏi thăm hai chị em được báo cáo đã chuẩn bị khá tốt, rồi tối trước ngày thi Văn mẹ kiểm tra việc học của con, rồi hôm đi thi về con cũng báo cáo làm bài khá ổn, vậy nên điểm 4 học kỳ môn Văn của con thực sự làm bố mẹ choáng váng.
Chàng ra sức thanh minh rằng các môn khác chàng được điểm cao. Rằng điểm một môn Văn chưa nói lên điều gì, vân vân và mây mây. Dù vậy, cuộc họp gia đình chớp nhoáng được tổ chức ngay lập tức, với một số nghị quyết cũng được đưa ra ngay và luôn, bao gồm:
Trước hết là dừng tất cả mọi vụ ăn chơi nhảy múa của anh Tôm từ giờ cho đến khi có kết quả thi học kỳ năm học tiếp theo. Vụ ngay trước mắt bị dừng là chuyến đi chơi công viên nước cùng mấy bạn trong lớp vào ngày thứ Bảy. Những chuyến đi chàng vẫn được phép mà không bị coi là ăn chơi nhảy múa bao gồm khóa tu ở Thái Lan và về quê nội ngoại thăm ông bà (Hic, hôm rồi mẹ vừa bàn với bố rằng không cho các con đi Disnayland sớm thì chẳng mấy chốc các con đã lớn và lúc đó có mời các con cũng không muốn đi nữa.) Em cún thấy nói vậy thì phản ứng ngay, anh Tuấn học dốt chứ con có học dốt đâu mà con lại không được đi. Anh Tuấn thì bảo bố mẹ cứ việc đưa em đi Disneyland, con chả thích nữa. Đấy, hình phạt dừng mọi vụ ăn chơi có vẻ như chả hiệu quả bao nhiêu, giờ chàng đã lớn, ngày nào tha thiết đòi mẹ khi nào con cao đủ 1.3m cho con đi thăm lại Disneyland để con chơi trò bắn lên núi, nay chàng có muốn nữa đâu :(
Tiếp theo, thay bằng được nghỉ hè hoàn toàn, chị Linh sẽ đến học cùng con môn Văn tất cả khoảng thời gian con ở Hà Nội. Chị sẽ cùng con ôn lại chương trình Văn lớp 6 và lớp 7. Ngoài ra, mỗi tuần con sẽ phải đọc một cuốn truyện chữ do mẹ chọn. Việc mua truyện tranh sẽ bị hạn chế tối đa. Cứ đọc 125 trang truyện chữ con mới được phép mua một cuốn thám tử Conan. Chàng hơi phụng phịu chút nhưng rồi cũng xong và từ hôm đó đến giờ đã đọc xong cuốn Con Bim trắng tai đen. Tiếp theo sau đây chàng sẽ phải đọc hồi ký của ông ngoại.
Ba là tịch thu điện thoại của anh Tôm, cũng cho đến khi nào có kết quả thi học kỳ tiếp theo mới đem vấn đề ra bàn lại. Vụ này thì có tác động ghê gớm và ngay tức thì. Mặt chàng bí xị, chàng vùng vằng bảo điện thoại không bao gồm phụ kiện, con giữ lại tai nghe và xạc pin. Mẹ bảo cho con một chiếc điện thoại cục gạch khác chỉ để nghe gọi nhưng chàng bảo con không cần. Haha, dỗi rồi.
Vụ tịch thu điện thoại làm chàng nghĩ đủ mọi cách kiếm tiền để mua điện thoại mới. Chàng đòi đi làm thêm, đi thực tập. Bố mẹ giải thích đủ kiểu rằng rất khó xin việc, rằng với tuổi của chàng có rất ít cơ hội. Mẹ gợi ý chàng có thể đi rửa bát ở quán ăn, đi đánh giày, đánh máy cho mẹ, những công việc có vẻ như dễ tìm hơn cả. Đụng đến việc gì chàng cũng lắc đầu kêu khó. Chàng kêu muốn đi thực tập ở công ty bác. Ố kề, bố mẹ sẽ đưa con đến gặp bác, bác nhận hay không là việc của bác. Sau mỗi lựa chọn, cân nhắc, mẹ lại nhắc chàng, chỉ có ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ để bố mẹ chiều là cách kiếm tiền dễ nhất.
Hóa ra điểm kém có thể trở thành động cơ để kiếm tiền à. Ừ, mẹ nên AQ nghĩ như vậy để không quá phiền lòng con trai nhỉ. Biết đâu từ việc đó con sẽ hiểu kiếm dược đồng tiền khó khăn như thế nào để biết quý trọng những đồng tiền, sự chăm sóc của bố mẹ hơn.

Ừ, còn một chuyện nữa chứ. Tối đó chị Bưởi sang chơi, nghe mẹ kể chị bảo muỗi, khối nhà văn lúc còn nhỏ đi học vẫn hay bị điểm kém đấy thôi. Con cười sung sướng, đấy mẹ thấy chưa, con có khả năng trở thành nhà văn đấy mẹ ạ. Lớp con có bạn có khả năng trở thành nhà toán học đấy vì bạn ấy thi được có 1.75. Kakaka, bó tay với con, suy luận logic gớm. 

15 tháng 5 2015

THÙY DƯƠNG CHƠI ĐÀN TRANH BÀI CÒ LẢ

Con gái học đàn tranh đến giờ đã được gần 9 tháng. Thật may con vẫn giữ được niềm vui thích. Khó lòng nói rằng con rất say mê, chỉ là thích thôi. Nhiều khi con cũng lười không muốn tập nhưng là đứa trẻ có ý thức nên chỉ cần mẹ bảo mẹ không hề ép con, chính con ban đầu đòi học và đã thống nhất với mẹ sẽ tập hàng ngày là con lại ngoan ngoãn ngồi vào đàn. Buổi tối thời gian rất eo hẹp, chả mấy khi mẹ ngồi nghe con tập. Đôi lúc muốn có mẹ ngồi bên quá, con bảo mẹ ơi quả chín mềm rồi mẹ không hái là nó rụng đấy. (Chả là thỉnh thoảng khi hai anh em rửa bát, giúp mẹ việc nhà... mẹ hay đùa bảo mẹ trồng cây đã đến ngày hái quả. Những lúc như thế con hay cười bảo mẹ hái quả còn xanh quá, con mới có 8 tuổi, ít nhất phải 12 tuổi như anh Tuấn chứ :-)

Gần đây cô mới dạy con kỹ thuật rung tay trái. Tiếng đàn của con mềm mại hẳn lên. Mẹ nghe bài Cò  lả của con thấy mê quá thôi. Sinh nhật cô H. ở bên Anh, mẹ gọi điện nói chuyện với cô rồi bảo con đánh cho cô nghe, cô nói tiếng đàn của con làm cô nhớ nhà quá. Còn con thì bảo mẹ cố tình khiêu khích người khác, người ta đang ở xa quê, mình ở Việt Nam, lại đánh đàn đấy cho người ta thì làm người ta nhớ nhà, hehe.

Thật lâu mới đưa một clip của con lên facebook và lần nào cũng được bao người khen ngợi, ngưỡng mộ. Lần này cũng vậy. Mẹ tự hào về con quá thôi. Lưu lại đây cho con làm kỷ niệm, con gái yêu của mẹ nhé.

08 tháng 5 2015

TRÊN BÃI BIỂN CHESIL



Cho tới nay Ian McEwan đã 6 lần được đề cử cho giải thưởng Man Booker và cuốn Amsterdam của ông đã giành giải thưởng này năm1998. Cuốn Trên bãi biển Chesil được đề cử giải Man Booker vào năm 2007 và đã lọt vào danh sách ngắn. Vậy nên khi được Nhã Nam đề nghị dịch cuốn này, và cũng là cuốn đầu tiên của Ian McEwan tại Việt Nam, khỏi phải nói mình đã cảm thấy sung sướng như thế nào. Năm đó Nhã Nam có kế hoạch dịch 2 cuốn – On Chesil beachAtonement (Chuộc tội). Mình mê cuốn Atonement hơn (cũng trong năm đó cuốn này được chuyển thể thành phim và đã giành giải Oscar ở một số hạng mục. Còn mình thì chả quá liên quan đến cuốn này nhưng lại được VTV2 mời tham gia chương trình nói về đưa sách lên màn ảnh với cuốn Chuộc tội ở trung tâm, hehe). Chắc Nhã Nam chưa hoàn toàn tin tưởng mình nên chỉ đề nghị mình dịch cuốn On Chesil beach, là có vẻ dễ hơn và cũng mỏng hơn nhiều, chưa tới 200 trang tiếng Anh. Mình dịch miệt mài khoảng 3 tháng thì xong, rồi giai đoạn tiếp theo là trao đổi qua lại rất lâu. Cũng may, lúc dịch cuốn sách này là năm 2007, thời gian mình học thạc sỹ bên Anh, nên mình luôn có thể hỏi ai đó nếu có điều khó hiểu. Rồi biên tập viên của Nhã Nam rất cứng tay, những chỗ mình không hiểu rõ/bỏ lại ít từ không dịch được, đều được xử lý một cách tuyệt vời. Dù vậy, việc văn mình vợ người là không tránh khỏi, nhiều đoạn mình thấy mình dịch hoàn toàn ổn vẫn bị biên tập như thường. Nói gì thì nói, mình cảm thấy hoàn toàn hài lòng với cuốn sách. Bên cạnh cốt truyện độc đáo về đêm tân hôn của cặp vợ chồng trẻ, được kể ra bằng giọng văn rất đẹp, đôi phần cầu kỳ, sang trọng của McEwan và việc khai thác, mô tả tâm lý nhân vật rất sâu sắc, điều mình hết sức ấn tượng là những đoạn mô tả cảnh sắc của McEwan.

“Một cơn gió đổi chiều hoặc mạnh lên đem lại tiếng sóng vỗ, giống như âm thanh thủy tinh vỡ xa xa. Màn sương đang dâng lên làm lộ ra một phần đường viền những ngọn đồi thấp, lượn phía trên bờ biển càng ngày càng xa về phía Đông. Họ nhìn thấy khoảng mượt mà màu xanh dạ quang - có thể là mặt nước ánh như lụa của chính biển, hoặc của khu phá, hoặc bầu trời - thật khó phân biệt. Ngọn gió nhẹ đổi chiều mang qua cánh cửa chớp khép hờ một sự cám dỗ, mùi hương mằn mặn của oxy và khoảng không rộng mở…”.

Chắc hẳn từ khi Trên bãi biển Chesil ra đời đã có thêm rất nhiều người cố gắng hoặc mơ ước được đặt chân lên bãi biển sỏi cuội ấy. Chả thế mà cô bạn mình ở bên Anh, khi đến bãi biển đó là vội vàng tung tin ngay lên facebook, khoe với mình em đã đến bãi biển trong cuốn sách chị dịch :)

Mình nhớ mãi cảm giác khi dịch những dòng cuối cùng của cuốn sách. Một phần là cảm giác nhẹ nhõm khi làm xong một công việc, phần khác là cảm giác tiếc nuối khi đã đi đến cuối con đường. Giữa đêm khuya, kết thúc những dòng dịch cuối cùng, mình gửi đoạn văn cuối cùng trong cuốn sách, mà mình tin là rất đẹp đó cho một số người bạn, rồi nhẹ nhàng đóng máy tính đi ngủ. Sau đó mình và một cô bạn còn có cuộc tranh luận nho nhỏ về thông điệp của cuốn sách – Tình yêu và sự kiên nhẫn - nếu như anh có cả hai điều đó cùng một lúc - chắc chắn đã đưa họ vượt qua. Và khi đó, những đứa trẻ chưa sinh ra nào sẽ có được cơ hội của chúng, cô gái trẻ nào với chiếc bờm tóc sẽ có thể trở thành niềm yêu thương thân thuộc của anh? Đó là cách mà toàn bộ cuộc đời có thể thay đổi - bằng cách chẳng làm gì cả.” Ừ, nhưng tình yêu, một thứ mơ hồ đến vậy mà đến tận giờ mình còn chả hiểu rõ, thì làm sao để giữ mãi được nhỉ. Và làm sao để có cả hai, tình yêu và sự kiên nhẫn. Haiza! “Câu trả lời không dễ dàng chi” (Nguyễn Trọng Tạo)

Trong một ngày hè nóng nực, nhớ đến những vòm cây rực rỡ đầu hè của McEwan, mình muốn đưa lại đoạn văn đó vào đây làm kỷ niệm. Ừ, thế mà đã gần 8 năm kể từ khi mình dịch, và suốt từ đó đến giờ mình chưa dịch được thêm câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nào khác, và mình vẫn chưa được đặt chân đến cái bãi biển ấy :(

“Khi anh nghĩ về cô, điều khiến anh khá ngạc nhiên, là anh đã để cô gái với cây đàn viôlôn đó ra đi. Giờ đây, tất nhiên, anh thấy rằng lời đề nghị tự hy sinh của cô là hoàn toàn không thích hợp. Tất cả những gì cô cần là sự chắc chắn về tình yêu của anh, và sự đảm bảo của anh rằng không có gì vội vã khi cả cuộc đời trải dài trước mắt họ. Tình yêu và sự kiên nhẫn - nếu như anh có cả hai điều đó cùng một lúc - chắc chắn đã đưa họ vượt qua. Và khi đó, những đứa trẻ chưa sinh ra nào sẽ có được cơ hội của chúng, cô gái trẻ nào với chiếc bờm tóc sẽ có thể trở thành niềm yêu thương thân thuộc của anh? Đó là cách mà toàn bộ cuộc đời có thể thay đổi - bằng cách chẳng làm gì cả. Trên bãi biển Chesil anh đã có thể gọi Florence, anh đã có thể đi theo cô. Anh không biết, hoặc không quan tâm cần biết, rằng khi cô chạy khỏi anh, tin chắc trong đớn đau là cô chuẩn bị mất anh, cô yêu anh nhiều hơn bao giờ hết, hoặc vô vọng hơn bao giờ hết, và rằng âm thanh giọng nói của anh sẽ là sự giải thoát, và cô sẽ quay lại. Thay vào đó, anh đứng trong sự im lặng lạnh lẽo và chính đáng của bóng tối mùa hè, quan sát cô hấp tấp chạy dọc theo bờ biển, âm thanh những bước chân nặng nề của cô bị nhòa đi trong tiếng sóng biển, cho tới khi cô chỉ còn là một chấm nhập nhòe, lùi dần trên con đường mênh mông thẳng tắp của bãi sỏi toả sáng trong ánh sáng vàng vọt.”


Cuốn sách mình dịch ngày ấy đây, giờ hơi khó mua, vì lâu quá rồi