18 tháng 6 2019

NGÀY ĐẦU TIÊN CON TRAI ĐI LÀM :)


Ngày đầu tiên đi học/Mẹ dắt em đến trường/Em vừa đi vừa khóc/Mẹ dỗ dành yêu thương
Bài hát này ngày xưa mẹ con mình vẫn thường hay ngân nga. Còn bây giờ, ngày đầu tiên đi làm, không phải sự bỡ ngỡ, sợ sệt mà là niềm náo nức mong chờ, chẳng cần ai dỗ dành. Nói đi làm cho oai vậy thôi, chứ thực ra là con đi thực tập. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ mùa hè con khá rảnh, con lên kế hoạch đi học ôn thi tiếng Anh lấy chứng chỉ IELTS, học tiếng Nhật và đi thực tập. Con nói về việc đi thực tập nhiều đến nỗi mẹ nghĩ tại sao lại không, khi mà ở nhà thì con cũng ôm máy tính suốt mà mẹ không rõ có hiệu quả không. Mẹ bảo thầy Tự cho con qua thực tập ở công ty thầy. May quá, thầy nhận lời luôn. Thầy đã biết con 6-7 năm nay và luôn yêu quý, dõi theo con. Buổi học đàn nào của mẹ cũng là một khoảng thời gian mẹ và thầy  ngồi nói chuyện về con. Trong thời kỳ nổi loạn đầy thách thức của con, mẹ bảo với thầy, chị chỉ cần bạn ý qua đây nói chuyện với em, không học được mấy cũng không sao.

Sau cuộc trò chuyện của mẹ với thầy, mẹ bảo con gọi điện và hẹn qua gặp thầy. Hai thầy trò hẹn nhau tuần sau sẽ đi làm. Nghĩ đến chuyện con đi làm xa, mẹ xót quá, thầy Tự cười cười, lại xót con rồi. Suốt cả tuần đó con đi ra đi vào và không dưới mấy lần bảo mẹ, ôi tuần sau con đi làm rồi, con mong quá. Mẹ dặn dò con cần ăn mặc như thế nào – con bảo con mặc áo sơ mi và quần âu. Ôi ôi, từ một thế kỷ nay có bao giờ con mặc áo sơ mi đâu, lúc nào cũng chỉ một hai chiếc áo phông, và mấy chiếc quần cũ kỹ. Rồi con đi cắt tóc cho gọn gàng. Con bảo con muốn mua đôi giày giống của bố cho lịch sự. Rồi ý tưởng đeo kính nữa cho có vẻ trí thức. Vụ này thì mẹ can ngăn 😊. Con cũng bảo từ giờ con phải ngủ sớm để dậy sớm đi làm. Nghe oai thật!

Sáng thứ Hai con dậy sớm, ăn sáng, mặc áo sơ mi trắng, quần âu tối màu chỉnh tề rồi phóng xe ra khỏi nhà từ 7.15’. Đoạn đường khá xa, khoảng 7-8km mà vào tầm đó chắc con đi mất 30-40’. Đến hơn 8h mẹ gọi điện hỏi, con bảo con nhầm giờ, văn phòng 8.30 mới làm việc, con đang ngồi dưới sân cho mát. Cả ngày mẹ sốt ruột nhưng không dám gọi điện hỏi con và chỉ mong đến chiều gặp thầy Tự hỏi xem con thế nào. Thầy bảo ôi cậu chững chạc, tự tin lắm, làm quen với tất cả mọi người ngay, chém gió như điên, rồi trưa phóng xe đi ăn cùng các anh. Thầy bảo mẹ, chị cứ yên tâm, em sẽ chỉ bảo bạn ấy đến nơi đến chốn.

Sau cả ngày ở chỗ văn phòng của thầy tại đường Tam Trinh thì chiều con phải phóng xe sang tận Mỹ đình, từ đầu này đến đầu kia thành phố, để học lập trình lúc 5.30. Bố mẹ bắt đầu ăn cơm thì trời đổ mưa, nghĩ đến con sốt ruột quá. Gần 9.30 thấy con gọi cho bố bảo con không có áo mưa. Bố thản nhiên, mua áo mưa mà về, còn mẹ thì sốt ruột không để đâu cho hết. Đi ra đi vào, gọi điện cho con, năn nỉ bảo con gọi taxi về, vứt xe lại đó rồi mai mẹ chở đi làm. Con cương quyết không, con ngồi chờ đến bao giờ tạnh con mới về vì ở đây không có chỗ bán áo mưa. Cuối cùng mãi tận gần 10.30 tối cậu con trai mới về đến nhà. Mẹ vội vàng làm cho con một đĩa mỳ ý rồi ngồi hỏi chuyện con. Con vui lắm, bảo đi làm rất thích và kế hoạch của con là đi làm tất cả các ngày trong tuần. Xong rồi con ranh mãnh hỏi, bây giờ con có quyền kêu mệt rồi phải không mẹ  - hihi, vụ này liên quan đến việc đôi lúc mẹ hay bảo, để cho mẹ nghỉ, mẹ đi làm cả ngày mệt lắm rồi - mà từ cuối tháng tất cả các ngày trong tuần con sẽ về muộn đấy (từ cuối tháng này con sẽ bắt đầu luyện IELTS, tuần 3 buổi, Thứ 3-5-7, còn học cao đẳng lập trình thì tuần 3 tối – Thứ 2-4 và 6). Mẹ bảo từ giờ mỗi ngày mẹ sẽ cho con 50k tiền ăn trưa, rồi hôm nào học tối thì thêm 20k tiền ăn bữa nhẹ, tóm lại mỗi tuần mẹ đưa thêm 300k, ngoài 700k mỗi tháng trước giờ vẫn đưa. Đấy, đi làm mà mẹ lại tốn thêm, chàng trai nhỉ.

Trước mắt con sẽ có khoảng thời gian từ giờ đến đầu tháng 9 đi thực tập toàn thời gian ở văn phòng này. Vào năm học rồi tính tiếp, con thì bảo con vẫn đi làm được tất cả các buổi sáng. Mẹ tin con sẽ học được nhiều hơn rất nhiều so với trong trường, và sau đây, dù có đi làm ngay hay học liên thông lên đại học thì con đều sẽ vững vàng hơn. Và không chỉ kiến thức chuyên ngành, chắc chắn con sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm về việc cần cư xử thế nào trong công việc.

Chàng trai của mẹ, bây giờ thì mẹ hoàn toàn tin rằng con trai sẽ vững bước vào cuộc đời, sống một cuộc đời tử tế và tự lo được cho bản thân mình rồi. Yêu con thật nhiều và mong con luôn giữ được những niềm vui trong cuộc sống thế này con nhé!

08 tháng 6 2019

CON GÁI VÀ NIỀM ĐAM MÊ MỚI

Kể từ khi còn bé, năm nào con gái cũng có ít nhất một chuyến xa nhà khá lâu, cả tháng hoặc hơn nữa, thường xuyên nhất là về Sapa với ông bà ngoại. Mẹ chả bao giờ phải lo gì, gửi con cho bà và bác T. là yên tâm nhất rồi. Có lần con còn bảo, mấy hôm nữa con về với bà, bà tha hồ chiều con, mẹ hết đường chống đỡ 😊.

Nhưng chuyến đi năm nay thì khác hẳn. Con vào Sài Gòn ở trong đó cả mùa hè với bác H. Bác H. không phải bác ruột, mặc dù bác rất nhiệt tình nhưng mẹ vẫn lo con làm bác vướng chân, không dưng lại phải chăm sóc thêm một đứa trẻ không hề là họ hàng.

Câu chuyện bắt đầu từ chỗ cách đây đôi năm chẳng hiểu từ đâu mà con lại tuyên bố con muốn học đàn hạc. Trời ạ, một thứ nhạc cụ quý tộc như vậy, mà nhà mình đâu có phải đại gia, mẹ chả bao giờ dám nghĩ đến. Khi con tuyên bố như vậy thì mẹ mới bắt đầu tìm hiểu đôi điều. Thứ nhất là chiếc đàn đó khá đắt – những thông tin ban đầu mẹ đọc là loại tầm tầm cũng phải khoảng 8.000 đô, còn tốt thì vài chục ngàn. Mẹ khi đó chỉ bảo nếu đó là niềm yêu thích thực sự thì sau vài ba năm bố mẹ sẽ cố gắng dành dụm mua đàn cho con học. Con chưa bao giờ quên, cứ lâu lâu lại nhắc, và nhấn mạnh không phải là thú vui thoảng qua, đây là thứ con say mê thực sự.

Một hôm, trong câu chuyện với một người bạn, tình cờ mẹ biết nhà thơ H.A ở Hà Nội cũng có một chiếc đàn harp. Nhờ giới thiệu, một ngày tháng 11/2018 bố chở hai mẹ con lên nhà bác ấy ở Sóc Sơn. Nhìn thấy cây đàn harp mắt con sáng lên, và khi có cơ hội, con ngồi vào cây đàn cả tiếng đồng hồ không muốn đứng lên, rồi ít lâu sau thỉnh thoảng lại bảo mẹ ơi hôm nào cho con đến nhà bác chơi nữa đi. Thấy con tha thiết quá, và vốn định năm nay cho con đi trại hè ở Anh, mẹ hỏi ý kiến con và con bảo con không đi trại hè đâu, con muốn có đàn cơ. Okie, quyết sẽ mua đàn.

Đàn harp có nhiều loại. Những cây đàn nhỏ nhất chỉ trên dưới chục triệu, nhưng đó là những cây đàn ít dây, sẽ bị hạn chế nhiều khi đánh. Ba hãng đàn harp nổi tiếng nhất thế giới là Lyon and Healy của Mỹ, Camac của Pháp và Salvi của Ý. Những cây đàn harp chuyên nghiệp của ba hãng này thường từ 15.000 đô trở lên, còn các cây đàn loại nhỏ hơn cho sinh viên thì cũng trên 3.000 đô giá tại cửa hàng. Cây đàn con được ngắm tại nhà bác H.A thuộc loại nhỏ, là một cây đàn Ogden của hãng Lyon and Healy, nên con cũng bị găm vào đầu là con muốn có một cây đàn như vậy. May quá, cây đàn đó giá gốc là 3.050 đô, tức là bố mẹ có thể cố gắng được.

Đã quyết mua đàn rồi nhưng vụ đặt mua cũng gian nan không kém. Bác H.A ngày trước mua thì được con trai ở bên Mỹ đến tận cửa hàng đặt mua rồi họ gửi về Việt Nam cho mình. Thế là mẹ thử nghĩ xem có thể nhờ ai ở bên đó đi xem đàn và mua giúp. Rồi mẹ lọ mọ đọc, tìm hiểu và viết thư cho một vài đơn vị phân phối. Một cửa hàng ở Thái trả lời là phải chờ 2-3 tháng mới có. Trang web chính thức của hãng không trả lời thư, một đôi cửa hàng khác cũng vậy. Một người bạn mẹ nhiệt tình nói để chị bảo con gái chị bên đó mua giúp và mẹ cũng đã định nhờ. May quá, tình cờ nói chuyện với cô Hoa thì được cô giới thiệu cậu em họ chuyên ship hàng từ Mỹ về. Mẹ gửi ảnh cây đàn, tên hãng và nhờ tìm. Thở phào, bớt được một khâu, tuy tốn hơn chút nhưng mẹ còn dành năng lượng làm việc khác. Hóa ra hãng không bán trực tiếp mà thông qua các đại lý, và những cây đàn như thế này không phải hàng sản xuất hàng loạt mà lúc có lúc không, thường phải order. Cây đàn đầu tiên con bị trượt, vì trong lúc còn đang loay hoay thảo luận với họ về chuyện đặt mua thêm dây, loại nào, bao nhiêu… thì họ bán béng mất cây đang có. Cậu kia nhiệt tình, để em tìm giúp chị ở một đôi nơi khác. Sau ít hôm thì tìm được, và rút kinh nghiệm lần trước, mẹ nhắc cậu ấy đặt cọc ngay, dù phải đợi 3 tuần họ mới có đàn về kho.

Từ lúc đặt mua đàn, con gái náo nức mong chờ lắm. Có lúc con như trong mơ, không tin được là con sắp có một cây đàn harp của riêng mình. Bắt đầu công cuộc đặt mua từ đầu tháng Hai, đến gần giữa tháng Tư thì con đã có được cây đàn trong nhà. Biết con mong từng ngày nên bố gửi chuyển phát nhanh từ Sài gòn về Hà Nội cho con, dù rằng như vậy lại tốn thêm khối tiền vận chuyển. Ôi, cái hộp đàn to như cái tủ lạnh loại 500l. Con thì sung sướng vô cùng và ngay lập tức bắt bố mang đàn lên phòng cho con để con tập. Những ngày nghỉ con ôm cây đàn tập tới 3-4 tiếng mỗi ngày.
Tìm giáo viên lại là một câu chuyện khác. Từ bác H.A mẹ biết ở Hà Nội không có giáo viên dạy đàn này. Chính xác hơn là có một cô ở Nhạc viện Hà Nội học trung cấp 4 năm loại đàn này ở Nga về, nhưng mọi người nói cô ấy không say mê cây đàn. Mà con thì tha thiết học đến vậy. Mẹ cũng biết ở Việt Nam chỉ có cô Mai Ý Nhi là nghệ sỹ đàn harp nổi tiếng nhất, hiện dạy tại Nhạc viện Tp HCM. Bác H.A cũng vẫn một năm đôi ba lần vào tận trong SG học ít bữa những khi có thể thu xếp thời gian. Mẹ tìm ra cô Mai Ý Nhi trên mạng, chia sẻ câu chuyện về con và hỏi cô có vui lòng dạy cho con trong dịp hè này. May quá, cô nhận lời ngay.

Đưa con vào Sài Gòn gửi nhà bác H. Đưa con đến nhạc viện gặp cô giáo, nhìn con ôm cây đàn với khuôn mặt rạng ngời mà nước mắt mẹ ứa ra. Cây đàn ở nhạc viện là loại đàn chuyên nghiệp dành cho dàn nhạc, giá tới gần 40.000 đô. Con tuyên bố xanh rờn, con sẽ mua cây đàn này. Mẹ bảo, hoàn toàn nhất trí, con cố gắng học để rồi kiếm tiền mua 😊.

Bà và nhiều người bảo mẹ cầu kỳ quá. Có lẽ vậy. Việc học đàn của con thật tốn kém. Mua cây đàn đã là một sự tốn kém, rồi còn vào tận Sài gòn tầm sư học đạo, trong khi nhà mình nào có phải đại gia. Nhưng mẹ tin đó là một sự đầu tư xứng đáng dù bố mẹ phải từ chối bản thân nhiều điều khác. Niềm vui tuổi thơ của con chẳng phải quan trọng hơn rất nhiều thứ khác như một phòng khách đẹp đẽ, một bộ bàn ghế, tủ bếp và những thứ đồ dùng đắt tiền khác hay sao. Mà hơn nữa, mẹ hoàn toàn tin việc học đàn sẽ giúp con trở nên thông minh hơn, và cả việc sống xa nhà tới hai tháng rưỡi chẳng phải sẽ cho con thêm nhiều kỹ năng quan trọng hay sao.


Đoạn nhạc con hoàn toàn tự tập sau hơn một tháng kể từ con có cây đàn mơ ước của mình
Còn đây là cây đàn của nhạc viện khiến con mê mẩn
Con hãy vui sướng với niềm đam mê mới của mình con nhé. Bố mẹ luôn bên con và ủng hộ con!

05 tháng 6 2019

MELBOURNE_"Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi!"


Trong toàn bộ chuyến đi mình có một ngày thứ Bảy rảnh rỗi trước khi bay về vào sáng Chủ nhật. Vì muốn tranh thủ thời gian, vì muốn chỉ đơn giản ngắm cảnh và không bị mất thời gian chờ đợi, chụp ảnh như thể bị ngáo, mình không rủ ai mà một mình đi ra Vườn Bách thảo Melbourne. Rất đơn giản, từ con phố Swaston, chỉ việc leo lên tàu điện và đi thẳng vài bến là đến. Chưa cần đến tận Vườn Bách thảo, con đường chạy dọc theo khu Queen’s garden và King’s domain garden cũng đủ cho mình thấy lòng đầy thư giãn rồi. Những hàng cây dọc theo con đường đã rụng lá gần hết. Cả một con đường dài hun hút rất vắng người, chỉ lác đác vài người đi chạy buổi sáng, và mặt đất phủ đầy lá, và một bầu không khí trong veo mà cứ nghĩ đến là mình lại ghen tỵ.
Con đường và hàng cây buổi sớm đẹp đến ngạt thở
Mình mê mải lang thang trong công viên, ngắm những bụi hoa trà chẳng biết nở từ khi nào mà giờ này vẫn còn rất nhiều hoa. Rồi hoa đỗ quyên, hoa hồng và rất nhiều loại hoa mình không biết tên khác. Không phải là nơi đầy “kỳ hoa thảo mộc”, nhưng công viên thực sự mang đến một cảm giác vô cùng thư thái. Những vòm lá hoặc xanh um, hoặc bắt đầu ngả màu, hoặc đã ngả hẳn sang màu vàng. Và những thảm cỏ xanh, những bụi hoa, tất cả hòa quện vào với nhau, tạo nên một bức họa lộng lẫy níu chân người. Biết đến bao giờ, mà có lẽ chả bao giờ, những người dân đất nước mình được hưởng những cảnh này. Một phần do đất chật người đông, một phần nữa là sự ưu ái của thời tiết, thiên nhiên. Những khu rừng nhiệt đới luôn có tầng cây thấp rất rậm rạp, không bao giờ có thể tạo cảm giác sạch sẽ. Bầu không khí nóng ẩm của vùng nhiệt đới cũng ngăn cản con người tạo nên những thảm cỏ mướt mát mà vẫn rất sạch như thế này. Chị A. bảo mình, vấn đề của chúng tôi là vấn đề hoàn toàn đối lập với nước em - ở đây quá khô hạn.

Rất nhiều hoa trà với các sắc màu
Giữa một không gian tuyệt vời
Và dòng sông Yarra, trái tim của Melbourne
Chuyến đi thăm nhà chị A. ở thị trấn Sunbury – một trong những nơi định cư đầu tiên của người da trắng tại châu Úc để lại những ấn tượng thật khó phai. Một thị trấn nhỏ bé, dân số khoảng 40.000 người, yên bình, vắng vẻ. Thị trấn Sapa của mình ngày xưa đã từng yên bình như vậy, mà giờ đây sao thật khó tìm một nơi vắng vẻ ở cả cái đất nước mình .

Hai ngôi nhà thờ nhỏ ở thị trấn Sunbury
Trong chuyến đi Úc hồi năm ngoái mình không đến thăm chú, vì thành phố mình đến khi đó là Brisbane, cách Melbourne tới gần 2h bay. Còn năm nay, ngay từ khi biết sẽ đến Melbourne mình đã nghĩ ngay sẽ đến thăm chú. Và cuộc gặp gỡ để lại cho mình nhiều ấn tượng quá. Chú đã già, nhớ nhớ quên quên. Trên đường đi cùng cô em họ về nhà, mình cứ thắc mắc, liệu ba em có nhận ra chị không nhỉ, cô em bảo, hên xui, 50/50 chị ơi. Vậy nhưng khi mình bước vào nhà chú ôm mình ngay, rất lâu, và hình như có nước mắt ứa ra. Còn mình thì nước mắt cứ chảy hoài, vì thương chú, vì thương bố mình, vì chú và bố mình nhìn giống nhau quá. Mình tin chú nhận ra mình. Chú ngồi cười nhìn mình ăn. Cuộc nói chuyện video sau đó qua zalo với bố mình làm cả hai bên đều rơi nước mắt. Chú cứ nói đi nói lại, bố cháu gầy quá, má tóp lại. Rồi hỏi đi hỏi lại mình, mai cháu có xuống ăn cơm với chú thím nữa không? Mọi khi chú đi ngủ sớm lắm, 6h hơn chút đã lên giường rồi, vậy nhưng hôm đó chú thức đến tận khi mình về, lúc gần 8.30. Khi mình chuẩn bị về chú ra hành lang, dúi vào tay mình một cuộn tiền. Trời ơi, mình đâu có thiếu, mình không muốn nhận nhưng chú trừng mắt nhìn mình, bắt mình nhận bằng được. Còn cô em họ bảo sau đây rồi ba em sẽ nhắc chị suốt cho mà xem, rồi lại hỏi khi nào cái Tuyết xuống ăn cơm. Mãi trưa nay em mới dám bảo ba em chị đến thăm, vì sợ nói sớm ba em sẽ ngày nào cũng nhắc. Chuyến đi thăm mà mình cứ ngại ngần, vì nghĩ anh chị em họ cả đời chưa gặp nhau, chẳng hiểu mình có được chào đón không, đã để lại cho mình quá nhiều cảm xúc. Và mình tự nhủ với lòng mình sau đây mình sẽ luôn có sẵn visa để khi nào chú ốm mình bay qua thăm.

Bố mình và chú, hai anh em giờ mỗi người một phương trời cách biệt, chỉ có thể nhìn nhau qua màn hình điện thoại, nước mắt ứa ra vì nhớ thương nhau. Rồi một lúc nào đó, như những chiếc lá không còn chút sức sống nào để bám vào cành, bố mình và chú cũng sẽ lặng lẽ ra đi mà chẳng được nhìn thấy nhau lần cuối. Buổi tối hôm đó về đến khách sạn, mình gọi điện nói chuyện với chị T., kể chuyện hai ông già mà giọng cứ nghẹn lại. Và mình biết, ký ức  về buổi tối hôm đó sẽ còn theo mình rất rất lâu nữa.
“Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi
Có ai góc bể chân trời nhớ nhau”

Những chiếc lá thu ơi, đừng rơi, đừng rơi! Hãy giữ thật lâu ký ức về những người thân yêu nhớ nhau nơi góc bể chân trời. Dẫu biết là quy luật, là điều không tránh khỏi, mà sao lòng không khỏi trĩu buồn! Tạm biệt Melbourne, nhưng lần này thì mình biết rất rõ mình sẽ còn quay trở lại để thăm chú, để mang những thương nhớ của bố mình gửi cho người em mà đã có lúc nào đó do hiểu lầm nên có đôi phần xa cách, nhưng cuối cùng thì tình cảm ruột thịt vẫn là điều thiêng liêng nhất, khiến người ta quên hết mọi điều, chỉ còn nhớ thương đọng lại mãi!