14 tháng 9 2016

TRUNG Á - ĐÃ MỘT LẦN TÔI ĐẾN!

Những  năm 90 xa xưa, nghèo khó ấy, cả cái thị trấn heo hút, vắng vẻ của mình chỉ có 3 người “đi Tây”. Mình đi theo diện học bổng, được coi là hoành tráng nhất, nhưng dưới con mắt của các anh chị công nhân thì chắc là nghèo khổ nhất. Chị Hoa đi xuất khẩu lao động ở Kiev, anh Vinh học trung cấp kỹ thuật ở Tasken. Ngoài ra còn một người nữa mà vì không có bất kỳ mối quan hệ nào nên mình cũng chả nhớ tên.

Thị trấn nhỏ, mọi nhà đều biết nhau, sang đó thì xa xôi cách trở đến thế, vậy nên 3 chị em trước kia chỉ biết nhau sơ sơ giờ rất quý mến nhau. Ngay từ năm đầu tiên, khi mình còn học dự bị ở Minsk chị Hoa đã vượt tới gần 600km đến thăm mình. Rồi mình cũng đến thăm chị tới 2 lần liền, mà những ký ức ngọt ngào về chuyến đi, về những ngày xa xưa thương nhớ ấy vẫn còn đọng mãi nơi mình. Ngồi đánh những dòng chữ này, lại thấy nhớ chị ấy quá thôi. Và cũng vì có anh Vinh ở Tasken, mình đã có dịp được đến cái thăm cái thành phố êm đềm xa xôi ấy, trong một chuyến đi đầy kỷ niệm.

Từ vùng núi Kavkaz đến trung Á là quãng đường rất dài, tới hơn 3000 km. Mùa xuân 1992, bố mẹ gửi cho mình một khoản tiền nhỏ (50 đô) nên mình bay đến đó lấy, mà giờ nghĩ lại hình như tiền vé nếu không quá thì cũng gần bằng ngần đó. Chính xác hơn là anh Vinh đưa tiền cho mình còn bố mẹ mình ở nhà đưa tiền cho nhà anh Vinh :). Ít nhất thì đấy là một lý do cực kỳ chính đáng để mình có cơ hội đi một chuyến xa đến như thế.

Dù đã thấm đẫm văn hóa Nga từ rất lâu trước khi sang Nga, dù đã mê say cuốn Giamialia truyện núi đồi và thảo nguyên với bối cảnh là đất nước Kyrgizistan, một nước láng giềng với Uzberkistan, chung nhau những thảo nguyên mênh mông, cùng nằm trên cung đường tơ lụa cổ xưa, hình dung của mình về Trung Á khi đó hết sức mờ nhạt. Một vài người quen, bạn bè ít ỏi đã từng đặt chân đến đó nói rằng thành phố đó nóng và có rất nhiều đồ ăn giống Việt Nam. Chấm hết.

Chuyến đi dài tới gần gần 5 tiếng bay, may thế, ngày đó có đường bay thẳng từ sân bay Mineralui Vody tới Tashken. Chắc hẳn mình đã được chờ đón ở sân bay, vì nếu không làm sao mình về được ốp. Một cô gái hơn 20 ở một ốp [gần như] toàn đàn ông. Mình hoàn toàn vô tư, anh ấy có lẽ cũng vậy, thuần túy chỉ là tình cảm đồng hương. Và việc đồng hương, bạn bè đến thăm nhau như vậy quá là bình thường. Anh ấy gửi mình vào phòng của mấy chị nào đó và mình đã có khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rất đáng nhớ.

Mới là tháng 2. So với những thành phố phương Bắc thì Tashken quả là ấm áp. Mình mặc chiếc áo khoác nhẹ màu hồng rất nhạt, chiếc quần ka ki thụng màu vàng cứt ngựa, đeo chiếc bờm nhỏ, tóc buông xõa, đeo chiếc túi nhỏ màu trắng. Ừ, sao mình cứ hay nhớ những chi tiết thật nhỏ đó trong khi bao điều quan trọng thì chẳng nhớ. Mình cùng anh ấy và đám bạn lang thang trên những con đường mùa xuân cỏ cây bắt đầu nảy chồi, nhiều nhất vẫn là đám hoa bụi màu vàng rực rỡ. Những cây mận, đào đang trong giai đoạn chuẩn bị để chỉ ít lâu sau sẽ bung ra rực rỡ, từ màu trắng tinh khiết của mận cho đến màu hồng nhạt, hồng sẫm của đào. Những hàng rào hoa hồng đang chuẩn bị trổ bông. Những thảm cỏ mà chỉ ít bữa nữa thôi sẽ phủ kín bồ công anh. Hương xuân tràn khắp không gian, trong một bầu không khí rất khác với cái thành phố nhỏ ở tít vùng núi Kavkaz xa xôi.

Thành phố Tashken là một thành phố của người Trung Á theo đạo Hồi, mà ngày đó dân Nga và cả người Việt hay miệt thị gọi là đầu đen (haiza, trong khi đầu mình cũng đen y hệt) đúng là rất khác biệt so với Piachigorsk. Những kiến trúc Hồi giáo cổ, trang phục phụ nữ đạo Hồi, khu chợ đầy hương vị phương Đông, quán ăn, đường metro với những chi tiết trang trí khác hẳn ở Moscow hay Kiev, Minsk ... Tất cả đều khiến mình say mê. Chỉ tiếc, vốn kiến thức, vốn sống ngày đó quá nghèo nàn, mình đã chẳng học được nhiều điều như lẽ ra đã có thể. Lang thang qua một số kiến trúc Hồi giáo với vốn kiến thức bằng zero, mình cũng không có một cố gắng nào tìm hiểu về con đường tơ lụa huyền thoại xa xưa ấy hay tìm cách đi xa hơn, thăm cửa ngõ sa mạc hay nơi bắt đầu của những thảo nguyên mà những lời ca và giai điệu Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời cứ gợi mình nhớ đến, dù rằng lời bài hát tiếng Nga thì chả mảy may liên quan. Mà kể cả nếu muốn thì chắc bọn mình cũng không có điều kiện, với cái túi tiền vô cùng eo hẹp của sinh viên :(.

Đọng lại rõ nét nhất với mình có lẽ là khu chợ trung tâm, chợ Chorsu hay còn gọi là Eski Juva. Chợ có hình vòm, giống như khá nhiều những khu chợ khác ở Nga. Len lỏi qua từng khu, nào khu hàng rau nơi cà rốt, khoai tây, khoai lang, cà tím… chất đầy trong những sọt to, rồi khu gia vị thơm nồng với vị quế, vị hồi, nghệ…, khu người Triều Tiên với rất nhiều loại kim chi và cả miến, một điều vô cùng đặc biệt với mình. Rồi khu hàng vải, hàng lưu niệm. Ngày đó mình đã hoàn toàn không hình dung ra mình đang ở một địa điểm trên con đường tơ lụa huyền thoại, mà nếu bây giờ lạc vào đó, chắc hẳn mình sẽ có thêm cảm giác như trong một phiên chợ Ba tư, văng vẳng đâu đây tiếng chuông lạc đà, tiếng vòng chân lách cách của những người con gái Ba tư trong truyện cổ Nghìn lẻ một đêm, tiếng những điệu nhạc Ba tư quyến rũ mà ngày trước, mỗi khi ở ốp nghe thấy bọn mình hay nhăn mặt nhìn nhau than van bọn Ả [rập] và Áp[ganistan] bật to quá, phát bực mình.

Như mỗi lần mình đến thăm một ai đó, chị Hoa, anh Hiếu, và lần này là anh Vinh, mọi người đều chăm sóc mình với đầy tình cảm ấm áp. Để rồi ký ức về chuyến đi theo mình mãi, đến mức đã gần 25 năm qua, mà sao giờ mình còn nhớ nhiều đến thế, những hình ảnh mình cùng mọi người đi chơi, thậm chí đến cả những chi tiết trên bộ quần áo hôm đó mình mặc.

Cuộc sống trôi qua chẳng chờ đợi ai. Mình thật có lỗi khi chẳng giữ mối liên lạc thường xuyên dù những tình cảm quý mến thì vẫn vẹn nguyên. Chị Hoa vẫn ở Kiev, lâu lâu chị em mới nói chuyện một lần. Cũng hẹn hò sẽ sang Kiev chơi nhưng mãi chỉ là kế hoạch :(. Anh Hiếu ở ngay Lao Cai, anh Vinh ở Sapa mà mình cả chục năm không gặp. Càng sống mình càng chiêm nghiệm thấy cuộc đời này thật hữu hạn, dù chỉ gặp một lần cũng cần phải có duyên. Thế mà mình, dù lòng đầy trân trọng, đã chẳng biết cách hoặc đơn giản là lười nhác không giữ những người bạn đó. Niềm an ủi là những kỷ niệm đẹp đó từ những ngày xa xưa sẽ còn mãi với mình, và chắc hẳn trong lòng những người bạn mình cũng vậy. Be happy, những người bạn yêu thương của tôi, và còn duyên, chắc chắn sẽ gặp lại!

Còn mình, giờ đây rất muốn được cùng con gái lang thang ở vùng Trung Á, với mơ ước đi thật xa, khám phá thật kỹ, đắm mình trong nền văn hóa độc đáo của cả dải đất này, lang thang qua những “thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời” hay sa mạc bỏng cát, lần theo dấu vết đoàn lạc đà trên cung đường tơ lụa huyền thoại ngày nào, hay những nơi vó ngựa Thành Cát Tư Hãn từng tung hoành, làm mưa làm gió, xoay chuyển hoàn toàn lịch sử cả một vùng đất.. Nào, mình lại mơ!

HẬU CHÂU ÂU

Đã gần nửa năm trôi qua kể từ chuyến du lịch châu Âu của hai mẹ con. Mẹ cũng không ngờ một chuyến đi có 2 tuần mà để lại trong con những cảm xúc mạnh mẽ đến thế. Thỉnh thoảng con lại bảo, mẹ ơi con nhớ châu Âu. Mẹ nói con chịu khó chờ vài năm nữa nhé, mẹ dành dụm tiền lo một số việc rồi mẹ con mình lại đi. Con gái vội thanh minh, bảo con nhớ thôi chứ có phải con đòi đi đâu. Ừ, con không đòi đi nhưng mẹ thì muốn đưa con đi lắm cơ. Con đáng yêu, ham học hỏi như vậy, nếu không tạo điều kiện cho con thì mẹ thật có lỗi. Từ ngày đi về, mẹ cũng ít nghe bài Paris có gì lạ không em. Tuy vậy, thỉnh thoảng, trên đường chở con đi học hay lúc nào đó mẹ chợt nhớ mà hát bài đó thì con không cho mẹ hát nữa, bảo mẹ cứ làm con nhớ. Mẹ trêu con, cố tình hát thêm vài câu, con đấm thùm thụp vào lưng mẹ, bảo con sắp chảy nước mắt đây này.

Con gái đã bị ảnh hưởng của mẹ thật nhiều, và giờ thì vượt xa mẹ rồi và thường xuyên khiến mẹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chắc hẳn những phòng tranh trong bảo tàng Lourvre đã hằn sâu vào trí óc con đến dường nào, nên dù trước đó con đã có tình yêu với hội họa, giờ con còn trở nên hiểu biết hơn nhiều. Con hay nhắc đến tranh, bức này bức nọ, con tiếc nuối vì chưa được ngắm một số bức con vô cùng thích, mà một trong số đó là bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer. Con bảo con thích bức đó lắm ấy mẹ ạ vì nó liên quan đến cuốn sách mẹ dịch :). Con hỏi mẹ khi nào thì cho con đi thăm ngôi làng bích họa. Con mê mải với những bức tranh trong triển lãm ở 16 Ngô Quyền hôm nọ. Và hôm qua, khi trên đường đi, mẹ nói về một bức tranh đang được rao bán với giá 200.000 đô, giải thích thêm là bằng cả ngôi nhà mình đang ở, con bảo mẹ ơi mình bán nhà đi mua bức đó nhé. Ôi, đến đoạn này thì đầu gấu hơn mẹ nhiều rồi :). Mỗi khi đi phòng tranh hay triển lãm, con thường xuyên thích những bức theo trường phái trừu tượng và ranh mãnh cười bảo mẹ, con biết bức tranh có ý nghĩa gì đấy :). Sinh nhật con, con muốn được tặng một bức tranh mà con thích ở May Gallery trên Sapa với giá chả hề rẻ tý nào, bà bảo làm sao chiều trẻ con hết được những điều đó, nhưng mẹ giải thích, đó cũng là đầu tư vào giáo dục, và bà lại nhất thiết đòi góp cùng mẹ để tặng con.

Suốt mùa hè dài ở với ông bà, một cách tự nhiên, con nghe cùng ông rất nhiều chương trình trong 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam. Thời điểm này, bài hát yêu thích của con là phần 2 mang tên Ai xuôi vạn lý trong trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương và Hoài cảm của Cung Tiến. Con mê mải nghe đi nghe lại, cười mẹ khi mẹ hát sai và bảo mẹ hát chẳng có nhịp gì cả. Khi mẹ giảng giải đôi điều về nhạc sỹ, về bài hát, con bảo con biết hết rồi, ặc ặc. Mẹ lại nhớ mùa hè trước, sau một mùa hè ở Sapa thì con say mê bài Gửi người em gái miền Nam và Tóc mai sợi ngắn sợi dài. Hóa ra mẹ đã có một tri kỷ thực sự để có thể nói về rất nhiều điều, và người bạn này chắc chắn sẽ bên mẹ mãi mãi, mãi mãi.

Con chẳng hề là học trò xuất sắc trong lớp, con chưa từng ở top 5 hay thậm chí top 10, nhưng với những kỹ năng mềm mà mẹ dần dần cùng con phát triển, với tình yêu với cái đẹp mà mẹ từng bước gieo vào lòng con, mẹ tin con sẽ có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, không chỉ đầy đủ về vật chất mà còn tràn đầy những niềm vui tinh thần.

Con gái yêu, công chúa ngọt ngào của mẹ, mẹ sẽ cố gắng để con có thêm nhiều những chuyến đi đầy ấn tượng như chuyến du lịch châu Âu nhé. Để con sẽ mãi nhớ về một tuổi thơ ngọt ngào, để mỗi chuyến đi là một nấc thang đưa con từng bước vững vàng vào đời.


Viết thêm: Mẹ đang đọc cuốn Độc hành, một cuốn theo thể du ký về con đường tơ lụa của một anh chàng đã bỏ ra khoảng thời gian rất dài khám phá con đường đó, con lập tức đọc theo mẹ và khen cuốn này hay quá, con thèm được khám phá thế này. Oài, nghiện hơi sớm đấy con ạ :P

09 tháng 9 2016

TUẤN BIỂU DIỄN BÀI CLASSIC MINOR BLUES

Giữa tháng 7 con trai có buổi biểu diễn trong chương trình Summer Festival của trung tâm nơi con học. Dù do trung tâm tổ chức thì nơi biểu diễn của con vẫn là sân khấu lớn - Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace. Thật tiếc mẹ vướng chuyến công tác nên không được xem con. Sau buổi biểu diễn, hỏi mọi người về con, mẹ được nghe khối điều hay ho. Thứ nhất là nhất định không chịu cắt tóc, để một bộ tóc dài trùm gáy, nhưng lại có vẻ rất bồng bềnh nghệ sỹ :). Lúc tập dượt buổi chiều, các chị đã hướng dẫn cách chào rồi, vậy mà con nhất định chào theo cách của mình - vung tay theo kiểu nhà binh, một tay đút túi. Chả giống ai cả, ặc ặc. Thấy Tự thì bảo con có sức hút sân khấu, thu hút người khác, khiến lúc đó ai cũng chú ý đến con.

Bố đưa con đi và quay lại video giữ làm kỷ niệm cho con. Chúc mừng con trai yêu, thêm một lần trên sân khấu lớn. Ảnh thấy Tự đưa lên facebook, con được bao người khen là rất đẹp trai. Ôi, tự hào về con trai quá thôi.



01 tháng 9 2016

KHÓA HỌC LÀM PHÙ THỦY


Một buổi trưa đi ăn với cô Huyền, mẹ than van về việc con trai lười học vô kể và thường xuyên hai mẹ con trong tình trạng chiến tranh căng thẳng. Ngay hôm sau cô gửi cho mẹ đường link khóa học Kích hoạt não giữa mà người ta gửi đến cho cô, với những lời lẽ quảng cáo rất ấn tượng, nào là tăng cường sức sáng tạo, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ, kiểm soát cảm xúc….

Đọc thư mời tham dự hội thảo giới thiệu về khóa học vào tối thứ Tư, mẹ hơi ngại ngần vì đi làm cả ngày đã mệt lắm rồi, về nhà nấu nướng, vội vàng ăn bát cơm rồi 7.30 tối phải có mặt ở một nơi cách nhà tới vài km thì ngại thật. Dù vậy, nghĩ đến con trai mẹ lại cố, ngọt nhạt rủ con đi cùng mẹ một hội thảo này hay ho lắm, thấy con đồng ý là mẹ mừng lắm rồi.

Phòng hội thảo nhỏ, trong một tòa nhà khá nhếch nhác, chẳng mảy may gây ấn tượng. Trẻ con người lớn nhốn nháo vì có khá nhiều trẻ mới chỉ 5-6 tuổi. Thông báo 7.30 bắt đầu nhưng đến 8h kém 15 thì mới có một em lên nói đôi câu rồi ít phút sau thì giới thiệu một thanh niên là giám đốc trung tâm lên phát biểu. Thanh niên giám đốc cũng không mảy may tạo ấn tượng gì. Nghe thoáng giọng đã nhận ra ngay âm của người vùng Hưng Yên hay Hải Phòng gì đó, đến cả bạn Tôm chỉ sau ít phút đã quay sang mẹ cười bảo anh ấy nói ngọng mẹ ạ :).

Phần bắt đầu hội thảo là một số bài thể dục ngắn với những động tác khá khó nhưng con bắt chước được ngay, quay sang cười mẹ làm mãi mà vẫn nhầm hoặc không làm được. Dần dần con hứng thú hơn khi được giới thiệu khóa học sẽ mang lại cho con những khả năng gì. Đến phần cuối khi có hai em bé được mời lên lên trình diễn một số khả năng đặc biệt thì Tôm bắt đầu bị cuốn hút. Từ lúc đó con bắt đầu cân nhắc, có khi con đi học khóa này đấy mẹ ạ. Lát sau lại chần chừ, mỗi ngày chỉ được dùng có 30 phút điện tử thì quá ít :). Nhận xét của con về buổi hội thảo là hay, khóa học có vẻ hứng thú, tuy vậy, vì một trong những điều kiện khi tham gia khóa học là mỗi ngày chỉ được sử dụng tối đa 30 phút phương tiện điện tử dù đó là điện thoại hay tivi nên con lưỡng lự mãi.

Một hồi rồi con cũng quyết định đăng ký khóa học. Mục tiêu không mảy may trong sáng. Con phát biểu chỉ cần học khóa này trong ba tháng là từ giờ đến khi học xong đại học con chả cần học gì nữa cả. Mẹ chấn chỉnh ngay, khóa học chỉ giúp con ghi nhớ tốt hơn chứ không có nghĩa không phải học gì nữa. Rồi con mơ màng về việc con sẽ đọc được xuyên qua sách nên con có thể để đáp án bên dưới cuốn vở mà vẫn đọc ngon, mẹ lại phải giải thích khi đó con chỉ tập trung hơn một chút là nhớ hết bài rồi, chả có lý do gì để quay cóp cả. Đại để những động cơ hết sức đen tối. Haiza.

Hai ngày học trọn vẹn vào thứ 7 và Chủ nhật trôi qua nhanh và rất đầy hứng thú. Chiều ngày Chủ nhật mẹ đến dự một lúc để theo lời các anh chị là “nghiệm thu việc học của các con”. Mẹ ngồi bên cạnh, trong lúc con vẫn hoàn toàn bị bịt kín mắt và cảm nhận các tấm thẻ màu, block màu. Tỷ lệ đúng tương đối. Thực sự là con không đoán, con không suy luận, loại trừ mà ngồi cảm nhận rất lâu.

Tiếp theo sau 2 ngày học là 36 buổi luyện tập tại trung tâm, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng 15’ vào các buổi tối, sau giờ học và buổi sáng cuối tuần. Con nằng nặc đòi tự đi trong khi mẹ muốn đưa con. Thỏa thuận là buổi đầu tiên mẹ đưa con đến, rồi những ngày tiếp theo con sẽ tự đi. Sự tiến bộ của con về khả năng cảm nhận tăng dần theo từng buổi luyện tập. Có hôm mẹ bảo mẹ thấy bạn đấy cảm nhận được thẻ rồi, con chấn chỉnh mẹ ngay, mẹ không được so sánh con với bất kỳ ai khác (đấy là điều cô giáo cũng nói từ hôm đầu tiên :). Đến khoảng buổi thứ 8 thì con bắt đầu luyện với bài UNO. Rồi đến buổi thứ 12-13 gì đó thì con luyện tập khả năng cảm nhận xuyên tường.

Mẹ luôn nói với con, những điều phù thủy nho nhỏ, đại để như bịt mắt kín mà cảm nhận được màu hay đọc được con số, chữ… chỉ là những thể hiện bên ngoài, còn mục đích chính là để con có trí nhớ tốt hơn, sáng tạo hơn, học tốt hơn. Chả rõ khóa học có thực sự mang lại những điều đó không, nhưng niềm tin cho con thì nó thực sự mang lại. Và con vốn là đứa trẻ thông minh, chỉ cần chú tâm một chút là con học khá rồi, nên bây giờ, khi được nói rằng trí nhớ con thực sự đã được cải thiện, con tin vào điều đó, con thực sự bớt vật vã với những bài thơ mà con thấy thật đáng ghét. Ừ, mẹ con mình cùng tự kỷ ám thị là trí nhớ con đã được cải thiện rất nhiều vậy. Hôm mẹ cùng con học thuộc lòng bài Ánh trăng, chỉ 10 phút là con thuộc. Những hôm sau thỉnh thoảng mẹ đọc lại, con cười khi thấy mẹ sai một đôi từ, rồi ra vẻ nghiêm trọng bảo, mẹ biết không, sai một từ cũng có thể làm sai hoàn toàn ý nghĩa của câu thơ đấy :).

Dần dần tìm hiểu về những khóa học ở cấp độ cao hơn, con háo hức lắm. Con say mê nói về chuyện bao giờ học xong cấp độ 1 con sẽ đăng ký đi học cấp độ 2 ngay. Mẹ tỏ vẻ khó khăn, con có biết một khóa học như vậy bao nhiêu tiền không, con phải cho mẹ biết rõ học xong được điều gì thì mẹ mới cân nhắc chứ. Con cười ranh mãnh, như vẫn thường xuyên cười vậy và bảo mẹ nói thế chứ con biết thừa mẹ rất muốn con đi học. Bố than van, giời ơi, học hết mấy khóa đấy là bố mẹ mất một chiếc xe máy đấy. Con lém lỉnh, bố mẹ bỏ ra chiếc xe máy để thu lại cả cái máy bay ấy chứ.

Đã đi được nửa đoạn đường của khóa học cấp độ 1. Con đang tập cảm nhận những nét chữ viết nhỏ khi bị bịt mắt. Niềm náo nức ban đầu vẫn còn nguyên vẹn. Buổi học nào cũng đầy hứng thú, mong chóng qua cấp độ 1 để lên cấp độ 2, khi con có thể cảm nhận được ý nghĩ người khác.

Em cún chỉ nghe mẹ nói sơ qua về khóa học của anh Tôm là lập tức xông vào đòi đi học ngay. Mới học đến buổi thứ 6 mà có hôm cô giáo đã cho cún tập cảm nhận thẻ bài ở bên kia bức tường rồi. Oai, thế là bỗng dưng mẹ tốn một mớ cho các con. Và thêm vụ đưa đón bạn cún thật mệt mỏi, 2 tối trong tuần mẹ con 8h mới về đến nhà. Nhưng mẹ hoàn toàn vui lòng với việc bỏ ra tới ngần đấy công sức và tiền bạc, nếu những lợi ích nó mang lại dù chỉ bằng một nửa những gì người ta quảng cáo. Và cách gì thì cũng có thêm một số kỹ năng mềm, hay là kỹ năng làm phù thủy, như mẹ hay nói đùa, thì cũng tốt mà. Cố lên các con nhé!



Hết anh đến em miệt mài tập làm phù thủy :)