17 tháng 2 2013

CHẠY GIẶC TÀU (Phần 1_trích "Hồi ký Đặng Trung"


Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi gần tròn 7 tuổi. Ngày đó, bố mẹ vừa đón tôi ở quê (Nga Sơn, Thanh Hóa) lên Sapa để đi học vỡ lòng, chuẩn bị vào lớp 1. Tôi đi học được đúng 3 buổi. Lớp học nằm trong dãy nhà hơi sâu phía trong khuôn viên nhà thờ bây giờ. Với lớp học đó, tôi chỉ còn nhớ một vài điều nho nhỏ. Ba buổi đi học là ba điểm 10. Một hôm giảng bài về bác Hồ, cô hỏi nhà ai không treo ảnh bác [chắc sau khi đã giảng giải bác được yêu quý ra sao, nhà nhà treo ảnh bác thế nào, vân vân và mây mây], cả lớp có mỗi mình tôi giơ tay :-). Và những tiết học của chúng tôi bị cắt ngang bởi lệnh báo động (tôi không còn nhớ là thật hay giả, có lẽ là giả) rồi chúng tôi phải chạy đi nấp ở chiếc hầm chữ A ngay mép sân trường.

Tôi cũng sẽ không bao giờ quên những ngày rục rịch đánh nhau, trước khi phải đi sơ tán, nhiều gia đình chen chúc buổi tối ra ngủ chỗ cống huyện (một ống cống không có nước, khá dài, đường kính khoảng 1.5m gì đó) và những đoạn đường tôi đi qua trong dịp chạy Tàu, mà bây giờ, mỗi khi đi qua đoạn đường Nghĩa Lộ - Mù Căng Chải – Than Uyên, tôi hay cố hình dung những ngày này của hơn 30 năm trước tôi đã đi qua nơi đây như thế nào, có những đoạn chúng tôi tung tăng hái hoa ban, nhặt hoa gạo. Rồi cả câu nói của bác Đôn, một người bạn thân của bố tôi "Nhà mình để lại hết các thứ, giúp đỡ cô chú Trung vì cô chú ấy nhiều con nhỏ" [Nhà tôi có 5 chị em, khi đó em Thực nhỏ nhất 5 tuổi, và chị Tú lớn nhất mới 13].
Trong cuốn hồi ký của bố tôi in năm 2010 (mà một số phần được anh con trai một người bạn của ông đưa lên ở đây) ông viết về việc chạy Tàu khá chi tiết, kỹ lưỡng. Hôm nay, 34 năm đã qua kể từ ngày đó, tôi đưa đoạn trích về việc chạy Tàu lên đây để gia đình, bạn bè và những người liên quan cùng nhớ lại quãng thời gian này hơn 30 năm về trước.

CHẠY GIẶC TÀU


            Tôi vẫn còn nhớ ngày 17-2-1979 như vừa mới ngày hôm qua.
Sau Tết Kỷ Mùi, ngày xuân, trời nắng nhẹ, gió lành, hiền hòa bà con trong thị trấn vẫn đi làm bình thường, dân làng vẫn ai làm việc ấy. Ngày ấy, vợ tôi làm bên hợp tác xã nông nghiệp, còn tôi ở bên hợp tác xã thủ công. Tôi đã thôi làm quản trị, đang làm phụ động, nghĩa là làm những công việc lao động thuần tuý, linh tinh của hợp tác xã như thu gom vật liệu, thu gom gạch rơi vãi, nghĩa là những công việc không tên cho có ngày công. Khoảng nửa buổi, có người từ thị xã Lao Cai vào đưa tin: Quân đội Trung quốc (quen gọi là giặc Tàu) đã tràn sang chiếm thị xã rồi… Đến khoảng trưa thì toàn thị trấn đã xác định rõ về tin Tàu chiếm Lao Cai. Dân tình hoang mang. Liệu nó có vào Sapa không? Chạy giặc ra sao? Chạy hay ở thế nào?
Chính quyền vẫn khẳng định và ra lệnh toàn dân phải ở lại, bám đất và sản xuất, làm ăn bình thường. Những ngày sau đó, liên tiếp tin quân Tàu đang trên đường tiến vào Sapa, đã qua Cốc San, đã vào qua km9 rồi km11, km14… Giặc đã xuống phía dưới Cam Đường, xuống Bến Đền, rồi giặc đã vào Bát Xát.  Dân Bát Xát đã theo đường mòn chạy sang Sapa để đi về Than Uyên. Một vài ngày sau, đã có những gia đình tự động rời Sapa đi ngược lên Ô quý hồ để sang Than Uyên, theo đường Nghĩa Lộ về Yên Bái vì lúc này đường xuống Lao Cai đã bị giặc chặn. Đã xuất hiện tình trạng mạnh ai nấy chạy, tuỳ hoàn cảnh, nhờ được xe ôtô hoặc đi bộ, tuỳ nghi di tản. Tuy lệnh trên vẫn bảo ai tự động đi sẽ bị cắt hộ khẩu song theo bản năng lo sống chết bà con đã bỏ đi dần.
Ngày 18 tháng 2, ông Đôn ở trại thuốc bảo tôi ra để cùng bàn bạc. Ngày 19, trại thuốc có xe ôtô về Hà Nội theo đường Than Uyên-Nghĩa Lộ, có thể cho vài cháu đi cùng. Tôi cùng ông Đôn, với lý do dạo quanh vườn thuốc thăm cây, thảo luận điều hơn thiệt trong chuyện đi hay ở. Tôi nhớ rõ vườn thuốc đang mùa mẫu đơn nở đẹp tuyệt vời, hoa to, cánh mảnh mai, trắng tựa lụa bạch. Hoa xòe rộng, đường kính cỡ 18-20 phân, hoa kép khoảng 20 cánh, khoảng giữa là cụm nhuỵ vàng dày và chính giữa là một noãn to cỡ quả trứng gà nhỏ màu tím, hương thơm lan toả khắp không gian.
Sang ngày 19, khi tôi sang hợp tác thì ban quản trị bảo tôi, cô Nguyệt kế toán hợp tác xã (là đảng viên) đã lấy lý do đưa gia đình đi xuôi rồi, và đề nghị tôi làm kế toán thay để có người viết séc ký và liên hệ với ngân hàng để lĩnh tiền. Vì tình hình chiến sự, hợp tác xã vẫn phải sản xuất, đóng áo quan phục vụ chiến trường. Nể lòng tôi đành phải nhận sổ chi thu và tập séc của hợp tác xã, sang văn phòng hợp tác xã làm  việc. Thị trấn và ban cán sự huyện đã thành lập ban chỉ đạo chiến sự. Chiều 20, bạn Dưỡng đến và giục nên thu xếp đi xuôi, bạn bảo: Rồi đây giặc đến Sapa sẽ tan, cuối cùng Việt Nam sẽ thắng nhưng sẽ là ăn mừng ở Hà Nội.
Trưa ngày 21 đã có những phát pháo bắn vu vơ qua thị trấn. Buổi chiều, tôi cùng nhà ông Ruân hàng xóm lo củng cố nơi tránh pháo, đem gỗ, giát giường ra lót ngoài cống ở gầm đường lớn, cách nhà khoảng 200m, để nếu cần chúng tôi chạy ra đấy trú tạm. Chăn chiếu cũng được mang ra đó. Đêm ấy, pháo kích lại bắn vào Sapa, tiếng pháo rít trên đầu nghe xé tai và những tia lửa đỏ vút qua. Cả xóm chạy nép ven ta luy ra cống. Khi đó Thực còn nhỏ, tôi khom người bảo vệ con, con chạy ra theo, còn vợ tôi dẫn Tuyết Anh cùng các chị ra trú nơi gầm cống.
Hôm sau chúng tôi vẫn chưa quyết định đi được. Hai vợ chồng đào một chiếc hầm sâu độ 1m ở gầm giường ngủ, bỏ vài đồ đáng giá xuống đó rồi lấy ván dày đậy lên: nào là hòm quần áo, chăn màn, nồi, bát và đáng giá nhất là cái rađio hiệu National có bộ quay đĩa tự động quay được chục đĩa, mới nhờ cô Huệ mua hôm trước Tết với giá 800 đồng.
Sang ngày 22 thì chúng tôi đã quyết định phải chạy, phải bảo vệ lũ con. Vợ tôi chuẩn bị ba yến gạo, 1 nồi nấu ăn, dăm cái thìa, bát, hai cái nồi lồng vào nhau, ít muối mỡ và rang sẵn ít gạo làm lương khô. Các con còn bé song mỗi đứa cũng phải có hành trang của mình là túi, ba lô hoặc cặp sách, trên đó dán mảnh giấy ghi tên mình và nếu lạc thì liên hệ ở đâu. Trong túi đựng quần áo cần thiết và một túm gạo rang.
Sáng ngày 23, vợ tôi dẫn 5 đứa con đi trước, các con đều tự phải đi bộ. Thực còn nhỏ nên được ngồi trên xe dạp do vợ tôi đẩy cùng gạo và các đồ dùng cần thiết khác. Còn tôi, vì chịu trách nhiệm kế toán, ghi chép thu chi của hợp tác xã nên chưa dám bỏ đi.
Tôi tiễn vợ con lên đường, ngược Ô quý hồ, theo đường đèo thẳng tiến. Được một lúc sau thì gia đình ông Đôn cũng đi. Gia đình ông con cái đã lớn khôn, con út của ông, cháu Hoàng, bằng tuổi con lớn nhất của tôi là Tú Anh. Ông bà bảo nhau để lại hết để còn giúp cô chú Trung đông con thơ dại. Ông bà đuổi theo gia đình vợ con tôi, đến đèo Ô quý hồ thì kịp và giúp đỡ vợ tôi trông nom các con tôi.
Đêm ấy, đoàn vợ con tôi cùng toàn dân chạy giặc ngủ ở vệ đường, gần lối rẽ đi Bình Lư. Rồi hôm sau lại gặp gia đình bác Chỉnh (anh vợ tôi). Bác Chỉnh cũng có một xe đạp, bác đèo hộ Tuyết Anh. Tuyết Anh khi đó lên 7, bác nói vui: Không biết sau này lấy chồng mày có nhớ đến bác không? Cháu đáp gọn: Đến khi ấy thì bác đã chết rồi. Câu chuyện vui đùa vậy mà không ngờ bác đã ra người thiên cổ sớm, năm 1985, khi bác mới có 48 tuổi. Đoàn lại đi tiếp đến Thân Thuộc do đi nhờ được xe của quân đội đi cùng chiều. Rồi từ Thân Thuộc, đoàn đi bộ tiếp đến Than Uyên, đoạn đường gần 12km.
Đêm 25, gia đình trọ ở một nhà đầu thị trấn Than Uyên, cách chợ khoảng 2km, còn Tuyết Anh nghỉ cùng bác Chỉnh trong bãi chợ Than Uyên để chờ đi tiếp.
Bên nhà anh chị Phương cũng đã đi hết, chỉ còn mỗi cháu Hưng ở lại trông nhà và cũng vì là giáo viên nên chưa dám đi. Tôi ở nhà trên, cháu ở nhà dưới, hai nhà cách nhau mấy chục mét, cháu lên cậu nấu ăn. Tối đầu, tôi còn ngủ ở nhà. Rồi hôm sau chúng tôi cũng đã sẵn sàng mỗi người một ba lô có dăm kg gạo, ít muối mỡ và vài bộ quần áo, một mảnh ly nông, một vỏ chăn, luôn sẵn sàng để khi cần thiết thì chạy. Tinh thần chúng tôi đã sẵn sàng, đôi chân còn dẻo.
Chiều ngày 24 có tin báo đội sơn cước của quân Tàu đã luồn rừng tiến sát Sapa, nên đêm hôm đó cậu cháu không dám ngủ ở nhà nữa vì e đến đêm biệt kích mò đến. Chúng tôi sang bên kia đường, lên núi Hàm Rồng ngủ vì trên núi đã có trạm gác của dân quân thị trấn. Trên núi, cậu cháu rải ly nông, ngủ giữa trời sao, có ba lô dã chiến và con chó gác cho ngủ.
Đến sáng chúng tôi về nhà, thấy còn yên ổn lại sang hợp tác xã, cùng ban quản trị làm việc. Trong bụng tôi đã có kế hoạch sẵn. Hàng xóm sát bên cạnh là nhà ông Hiệp, lái xe tải cho nông trường, cũng được biết thêm là sang ngày 25 ông ấy sẽ về tính cho vợ con chạy giặc. Vậy nên ở bên hợp tác xã nhưng tôi luôn để ý nếu thấy xe ông ấy về thì về bám theo. Khi nhìn sang phía nhà, thấy xe ông Hiệp đã về, đang đỗ sau nhà, tôi liền đưa sổ sách và quyển séc của hợp tác xã cho cụ Sâm (khi ấy là chủ nhiệm hợp tác xã) nhờ giữ giúp, nói là về qua nhà một chút. Thực chất là tôi về để xin bám theo xe chạy theo gia đình. Tôi xin ông Hiệp cho vào Thân Thuộc để tìm vợ con và xin mang theo cháu Hưng cùng cái đài và một con chó rất ngoan, khôn và thân thiện. Quá trưa, xe gia đình ông Hiệp khởi hành. Đường qua đèo sang Thân Thuộc cũng có một số bà con cùng quê ông Hiệp đi cùng. Trên đường đi, đoàn người Sapa chạy giặc lũ lượt gánh gồng, tay sách nách mang, đúng như câu thành ngữ đông như chạy giặc. Cụ Quỳ, một người hàng xóm của chúng tôi, cũng xin ông Hiệp đi nhờ mà không được. Về sau, tôi được nghe ông ấy nói là ông Hiệp quý con chó của ông Trung hơn con người.
Xe vào đến Thân Thuộc thì dừng lại. Ông Hiệp đã nhắc nhở cho cậu cháu tôi xuống, nhưng nghe nói vợ con đã vào đến Than Uyên nên tôi lại phải nói khó với ông ấy cho đi tiếp một đoạn nữa. Tới nơi thì trời đã tối. Tôi để cho cháu Hưng trông đồ, còn mình thì rẽ vào bãi chợ Than Uyên, lách qua bãi lều đông nghịt người sơ tán, đang hỏi thăm người quen xem có gặp vợ con không thì nghe tiếng Tuyết Anh đang ở lều  bác Chỉnh. Lều ở đây là căng nylon lên nền chợ bằng lá, la liệt những lều là lều, đâu cũng người. Tôi được biết vợ con đang trọ gần đấy cùng gia đình anh chị Cảng và gia đình anh Đôn. Hôm sau, chúng tôi lại gặp cả gia đình ông Hùng Vân, cùng tổ chức nấu ăn những ngày ở Than Uyên.
(còn nữa)

8 nhận xét:

  1. khổ quá chị ạ. Mỗi lần đọc lại lịch sử nước mình, thấy thật thương. Ông nhà chị chịu khó thế, viết lại hết những cái này để con cháu đọc, quý quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dành tặng em một cuốn hồi ký của ông nhé. Hồi nào về chị tặng. Ông viết chân thật và tình cảm lắm.

      Xóa
  2. em xin đăng ký cả 2 tay. Em có theo link ở khucquanhanh nhưng chưa đọc được hết mà cũng chưa biết mở phần tiếp theo thế nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất trí. Dành cho em một cuốn, bao giờ về sẽ tặng :)

      Xóa
  3. Bài viết có giá trị lịch sử, bây giờ ở Than Uyên giáp Sơn La có nhà máy thủy điện Huội Quảng, anh đã đến tận thôn Bản Đốc Than Uyên, sưu tập những ký ức về cuộc chiến năm 1979 có lẽ là món quà để lại cho thế hệ sau này để cảnh giác, nó thật hơn chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu em ạ, anh thích đọc lại ký ức như thế này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho em đọc tài liệu của anh với. Thỉnh thoảng ngồi nhớ, thế là biết bao ký ức tràn về, nhưng nhiều khi em giận bản thân ghê gớm vì có bao điều muốn viết ra mà không ra được, cứ lẩn quất đâu đó, mơ hồ, không thành dòng mạch lạc, hoặc quên quá nhiều chi tiết :-(

      Xóa
  4. Sau Tết Kỷ Mùi, ngày xuân, trời nắng nhẹ, gió lành, hiền hòa bà con trong thị trấn vẫn đi làm bình thường, dân làng vẫn ai làm việc ấy. Ngày ấy, vợ tôi làm bên hợp tác xã nông nghiệp, còn tôi ở bên hợp tác xã thủ công. Tôi đã thôi làm quản trị, đang làm phụ động, nghĩa là làm những công việc lao động thuần tuý, linh tinh của hợp tác xã như thu gom vật liệu, thu gom gạch rơi vãi, nghĩa là những công việc không tên cho có ngày công. Khoảng nửa buổi, có người từ thị xã Lao Cai vào đưa tin: Quân đội Trung quốc (quen gọi là giặc Tàu) đã tràn sang chiếm thị xã rồi… / Nọ anh lên Lào Cai vào thắp hương Đền Mẫu nhớ lại năm 1979, anh đóng quân ở Vĩnh Yên trên tàu Lao Cai Yên Bái về Hà Nội tự vệ chạy mang theo cả súng, giờ nhạc xập xình, quán ăn dọc bờ sông phường Cốc Lếu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng còn lưu giữ rất nhiều ký ức của chuyến chạy giặc Tàu tháng 2 năm 79 đó. Mới đó mà đã 36 năm, vật đổi sao dời.

      Xóa