19 tháng 9 2014

CON TRAI VÀ TÀI CHÍNH VI MÔ

(Đăng lần đầu 9/2/2011)


Hehe, nghe đầu đề có vẻ to tát quá. Nhưng mình đang định bàn một chuyện to tát ở đây thật đấy chứ. Đấy là dạy cậu cả cách quản lý tài chính của bản thân.

Tôm đã náo nức chờ Tết từ rất lâu rồi, mà lý do chính thì chỉ là vụ mừng tuổi thôi. Năm ngoái cậu cả cứ khăng khăng đó là tiền mọi người cho con, bố mẹ giải thích mãi rằng tiền nào cũng chỉ từ túi bố mẹ ra. Nghe chừng chẳng thuyết phục được cậu bao nhiêu, cuối cùng vẫn phải giữ riêng cho con một ít, chi tiêu việc của cậu. Đã thế, đằng nào cũng vẫn phải chi, năm nay mình tuyên bố con sẽ được phép giữ tất cả số tiền mừng tuổi. Con sẽ được chi tiêu dưới sự quản lý của bố mẹ, nghĩa là bố mẹ cất riêng cho con, khi nào cần thì cho phép con chi. Khoản tiền đó sẽ được tiêu vào các khoản như sách vở, quần áo, mua quà tặng bố mẹ và em vào các ngày sinh nhật, chi cho việc mời bạn bè của con trong dịp sinh nhật con (con không đồng ý chi để làm cơm mời họ hàng, hehe), chi tiền thuốc trong trường hợp bố mẹ đã nhắc mà con vẫn cố tình không giữ gìn sức khỏe để bị ốm. Cuối cùng là một khoản được dành lại để mua đồ chơi.

Sau Tết, hai mẹ con tổng kết, được cũng khơ khớ. Hai mẹ con bàn bạc, lên dự toán, cộng trừ nhân chia mất một buổi tối, cuối cùng, ra được một bản dự toán do Tuấn lập dưới sự hỗ trợ của mẹ, có mẹ ký duyệt hẳn hoi. Hehe, giờ cậu cả chỉ việc chi tiêu thôi.

Luôn là một vấn đề đau đầu, đến tuổi nào thì trẻ con được phép giữ tiền và tiêu tiền. Bố mẹ mình phản đối, nói rằng để càng muộn càng tốt, mình cho cậu tự đi mua gói bim ông bà cũng sợ cậu tiếp xúc với tiền thì sớm hư. Mình theo quan điểm khác. Quản lý và tiêu tiền cũng là một kỹ năng sống. Suy cho cùng, 9 tuổi đã khá là lớn, cho các con tự quản lý tiền, các con cảm thấy có trách nhiệm với đồng tiền của mình hơn. Chẳng nói đâu xa, như cậu cả nhà mình, hồi trước, rửa tay xong cứ vẩy tay ra nhà, nhắc mãi chẳng được, sau mình và cậu thỏa thuận, cứ mỗi lần cậu vẩy tay như vậy, mình sẽ phạt cậu 5.000, trừ đi từ số tiền mình còn đang giữ của cậu. Tiền đó sẽ trả cho bác giúp việc vì bác phải làm thêm một phần việc nhỏ. Cậu bỏ được hẳn thói quen xấu đó, có lần, rửa tay xong, vừa định vẩy tay ra  nhà, cậu nhớ ngay, rụt tay lại, bảo, suýt mất 5.000. Một đôi thói quen xấu khác cũng được sửa theo cách đó. Hoặc có những lần con trai đòi hỏi mua này nọ, bố mẹ bàn bạc và bảo, cho phép con tiêu bằng tiền của mình, cậu lập tức “co vòi” lại.

Theo quan điểm của mình, tập cho con thói quen quản lý tài chính là một điều hoàn toàn cần thiết. Sang năm thì mình đã có thể dạy cậu cả cách tính toán, lập dự toán trên excel nữa. Cậu cả thì đang mong lớn thật nhanh để đi làm thêm vì bố mẹ tuyên bố rằng tiền con thực sự kiếm được thì con có quyền quyết định chi tiêu, bố mẹ không quản lý. Giá như ở nước ngoài, ở độ tuổi như con mình, cậu có thể đi bỏ báo hoặc làm một việc gì đó. Ở Việt Nam thì mình nghĩ nát óc mà chưa ra một việc gì cậu có thể làm vào dịp hè, trừ việc nhổ tóc bạc cho bố, chắc sau đây là tóc bạc cho mẹ nữa, vài năm nữa, tóc bố mẹ bạc nhiều, con cũng kiếm được khối :-)

Con mong kiếm tiền và ý thức tiền nong sớm thế, mình nên mừng hay lo đây?

Viết tiếp chuyện của năm nay


Sau một thời gian được mẹ cho phép được giữ tiền và tự quản lý, cậu cả chán vì thấy được tiêu cũng khó khăn quá. Thế là các Tết sau cậu tự động nộp lại tiền cho mẹ. Tuy vậy, cái máu ham tiền trong cậu hình như chưa bao giờ cạn :-)

Lên lớp 4, con có sáng kiến cho bạn ngồi bên cạnh nhìn bài toán, mỗi lần bạn phải mua cho con một cái bánh mỳ 10k, loại các con vẫn thích. Được một thời gian, sau khi đã xơi khơ khớ bánh mỳ của bạn, mẹ có vinh dự được cô giáo thông báo, đề nghị chàng trai chấm dứt vụ mua bán kiểu này. Ka ka ka. Lên lớp 5 thì chàng có ý tưởng mua một loại súng trẻ con về bán cho các bạn ở lớp. Nhưng vụ này lõm, vì hồi đó đã gần nghỉ hè, con chả bán được cái nào.

Chả hiểu bắt đầu từ đâu mà cả bữa cơm tối nay con say sưa kể và mẹ cười phát sặc khi được biết những mánh kiếm tiền của con. Đầu tiên là trong cặp con lúc nào cũng để vài cái khăn quàng, bạn nào quên thì con cho thuê, trước 3k/ngày, giờ giảm giá còn 2k. Tuần trước con cho thuê được 2 lần. Con tuyên bố trước cả lớp, trước cả cô giáo nhưng cô không nói gì. Mẹ thì thấy chả vấn đề gì, đấy là quyền của con. Rồi đôi khi con có vài chục trong túi, con cho các bạn vay lãi. Con bảo nhiều bạn lớp con cũng làm như thế. Một kiểu kinh doanh nữa là con đi mua hộp đựng quân bài magic cho các bạn, mỗi một hộp con lấy lãi 5k, con thẳng thắn với các bạn thế. Đã có hai bạn đăng ký nhờ con mua hộ, bạn í đưa tiền, con mua hộp cho bạn và giữ lại phần lãi cho mình. Không phải vì các bạn ấy không biết chỗ mà có khi chỉ vì bố mẹ ngại đèo đi mua nên bạn cũng nhờ con. Chà chà, chủ động đi xe đạp lợi thế đấy :-). Kế hoạch tiếp theo của con là mua giấy màu in một loại thẻ nào đó của bọn con để cắt ra bán.

Bố mẹ cứ nhìn nhau cười rũ. Rồi nghiêm túc giải thích cho con thế nào là chữ tín, thế nào là kinh doanh có lãi khi con kể chuyện bạn Hưng mua bim bim loại 1k và bán 5k. Bạn í mua 40 gói nhưng bán được mỗi 3 gói, lỗ một trận, hihi.

Cún hay bắt chước anh, cũng láu táu bảo con sẽ làm này làm nọ. Mẹ lại phải nhắc con mỗi nơi một khác, con phải tìm điểm gì có thể làm ở trường con chứ. Nàng nghĩ đến việc cho thuê truyện, in tờ tô màu các hình trong phim Frozen.

Con trai mẹ học hành bình thường, chưa từng là con ngoan trò giỏi. Con luôn làm mẹ lo lắng về chuyện lớn lên con sẽ làm gì khi mà theo mẹ thì con hay cáu kỉnh, ích kỷ, không hề biết lo lắng…, nói chung là một phiên bản của Nobita :-) Liệu những gì con đang làm có phải là mầm mống của năng khiếu kinh doanh? Liệu bố mẹ có thể làm được gì để giúp con. Haiza, bài học làm mẹ, bao năm qua mẹ vẫn chưa vượt được ngưỡng abc. 

2 nhận xét:

  1. Ngày trước còn bé anh chả được mừng tuổi ngày tết bao giờ, bố anh giao hẹn, cứ tuần nào xem sổ liên lạc mà tốt bố cho hai hào để mua truyện ( Ngày ấy mua được quyển sách người tốt việc tốt - toàn kể chuyện thiếu nhi giúp gia đình có người đi chiến đấu ở miền nam) rồi có lần anh tích được 1 đồng định đi mua truyện, mấy thằng trẻ con gần thị xã, nó ra trấn lột móc mất mấy hào, thế là xong. Đến giờ vẫn nhớ mãi ( ngẫm ra một điều kẻ cướp, kẻ cắp luôn có quanh ta)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thì có được mừng tuổi, nhưng thường chỉ vui vài ba hôm Tết rồi lại nộp hết cho người lớn. Lúc 7-8 tuổi gì đấy, em ở với cô, mỗi lần bố mẹ về thăm chỉ mong được bố mẹ cho đôi hào đi mua cái bánh quế và đôi mẩu quế bé tý, nhấm nháp mãi trong những ngày lạnh :-)

      Xóa