25 tháng 12 2022

CHÚC MẸ CON MÌNH GIÁNG SINH AN LÀNH!

 Giáng sinh năm nay chàng trai của mẹ đã 20 tuổi rưỡi, con gái cũng đã thực sự trưởng thành, hơn 16 tuổi rồi. Đây là Giáng sinh đầu tiên mẹ con mình đón ở ngôi nhà mới nên mẹ muốn cầu kỳ chút – mẹ đã tìm mua cây thông từ khá sớm, rồi tìm mua khăn trải bàn, đồ trang trí … - nhưng cuối cùng thì việc trang trí không thực sự ưng ý. Cây thông mẹ đặt mua trên mạng quá bé so với phòng khách nhà mình, vì cả nể nên mẹ đành dùng tạm, không nghĩ đến chuyện trả lại. Một cô hẹn mua giúp khăn trải bàn hịn, cuối cùng hịn không có mà rởm cũng không có nốt 😊. Dù thế, đến ngày Giáng sinh thì ngôi nhà của mẹ con mình vẫn rất màu sắc – sofa được thay sang bộ vỏ bọc màu cam ấm áp cùng đôi gối thêu dòng chữ Giáng sinh, một bức tranh nhỏ tạm thời được tháo xuống để lấy chỗ cho vòng nguyệt quế, và một lọ hoa rực sắc đỏ. Mẹ bảo chàng trai, sau đây mẹ sẽ mua chân nến và một số món đồ trang trí khác để Giáng sinh nhà mình sẽ đẹp hơn.

Giáng sinh của mẹ con mình năm nay khá nhiều điều để nhớ. Dù đã mua tặng con trai một chiếc áo sơ mi rất đẹp từ khá lâu trước đó, Chủ Nhật mẹ vẫn rủ chàng trai đi shopping và mua tặng chàng thêm một chiếc áo khoác. Chiếc áo thật vừa vặn và chất lượng rất tốt, chàng trai cứ xuýt xoa, đúng là hàng xịn mẹ ạ. Thứ Hai đầu tuần Giáng sinh mẹ con mình rủ bác A. đi ngắm khu trang trí Giáng sinh của Ecopark. Tối thứ Ba bác A. rủ hai mẹ con đi xem Avatar 2. Một bộ phim kéo dài tới hơn 3 tiếng, uỳnh uỳnh bắn và đánh nhau, tất nhiên có kèm theo nhiều những cảnh thiên nhiên và kỹ xảo đẹp tuyệt vời. Mẹ và bác A. chịu đựng, có lúc mẹ chán quá lôi điện thoại ra lướt thì bị bạn ngồi đằng sau nhắc, bảo chói mắt bạn ý. Ra khỏi rạp bác A. bảo, lần xem Avatar 1 chị thấy mình bị chấn động, bao cảm xúc đọng lại, mà sao bộ phim này đánh đấm nhiều quá hay vì mình già thật rồi hả em, kakaka. Nhưng chàng trai thì khá thích bộ phim, vậy là mẹ vui rồi. Vụ ăn chơi tiếp theo là thứ Tư đó chị H.M từ Sơn La xuống, hai mẹ con cùng chị đi ăn tối rồi lượn lờ Nhà thờ Lớn. Dù chưa phải đêm Giáng sinh nhưng quảng trường nhỏ trước cửa Nhà thờ đã đông kín người, tràn ngập không khí Noel.

Cuối cùng là vụ chàng trai tặng mẹ quà. Một hôm nào đó mẹ chìa cái tai nghe ra kêu ca tai nghe của mẹ có vấn đề. Cũng chỉ nói vậy, chứ mẹ chưa có ý định mua cái mới vì nó chỉ bị rơi miếng bọc của một bên tai. Vậy mà chàng trai để ý. Chàng trai dành khá nhiều thời gian tìm hiểu và cuối cùng mua tặng mẹ một đôi tai nghe rất hịn trong khoảng ngân sách eo hẹp của sinh viên. Tối thứ Năm khi mẹ vừa về đến nhà chàng trai đã cười cười chìa ra, tặng mẹ này và sau bữa ăn thì nhiệt tình lắp các phần, hướng dẫn mẹ cách sử dụng, bắt mẹ nghe thử… Hôm sau chàng trai quan tâm, mẹ dùng chưa, mẹ thấy thích không. Tất nhiên là rất thích con ạ. Chàng trai bảo, thế là xong Giáng sinh rồi mẹ nhỉ, tuần này mẹ con mình ăn chơi nhiều phết rồi. Hihi, hóa ra đối với chàng Giáng sinh chỉ là ăn chơi và tặng quà. Nhưng mẹ thì tận dụng ngay cơ hội này để giáo dục chàng về niềm vui khi chia sẻ, quan tâm đến người khác. Bao lâu nay lúc nào mẹ cũng gồng mình lên, tỏ ra thật mạnh mẽ để chăm lo, nuôi dạy các con, nhưng thực sự mẹ cũng rất cần được các con thấu hiểu và quan tâm, yêu thương. Giờ đây có vẻ như mẹ bắt đầu gặt hái trái ngọt. Món quà của chàng ngọt ngào quá đỗi, làm mẹ tan chảy. Có vẻ chàng đã rất mất thời gian cho món quà này. Chàng kể vanh vách các loại tai nghe, tại sao lại mua cái này, các loại tai nghe khác nhau ra sao, có thể đắt đến thế nào... Câu kết là, con cố gắng để có được một căn hộ mà ở đó con có một phòng studio được thiết kế để nghe nhạc và mẹ có thể nghe cùng con 😊.

Buổi trưa thứ Bảy mẹ nấu ăn đơn giản, chàng trai phụng phịu vẻ rất đáng yêu, Giáng sinh mà mẹ cho con ăn thế này à. Hê hê, chờ đi. Bữa tối Giáng sinh với món beefstaek ngon tuyệt, mà chàng luôn bảo ngon hơn beefstaek của nhà hàng, khiến chàng trai rất happy. Mẹ thì bảo, sang năm sẽ có đầy đủ khăn trải bàn, chân nến và các kiểu trang trí khác nữa. Rồi bao giờ con có gia đình riêng, ngôi nhà riêng của mình, con cũng chuẩn bị cho Giáng sinh như thế nhé.

Vậy là một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Các con đã lớn, các con không còn tin vào câu chuyện ông già Noel hay công chúa tuyết, nhưng chính các con đã trở thành ông già Noel mang đến cho mẹ niềm vui. Tạ ơn Chúa đã ban các con cho mẹ! Cảm ơn các con đã đến trong cuộc đời mẹ, để mẹ được đồng hành cùng các con trong cuộc đời này. Yêu chàng trai và cô gái của mẹ vô cùng! Mẹ đang chờ đợi để tối nay được hẹn hò cùng cô gái của mẹ, cùng nhau đón Giáng sinh ở Sài Gòn đây! Chúc mẹ con mình Giáng sinh an lành!

24 tháng 12 2022

RA BIỂN LỚN_06_LẦN ĐẦU CON GÁI ĐỘC TẤU CÙNG DÀN NHẠC

 Đã gần nửa tháng trôi qua từ buổi tối hôm đó, vậy mà cảm giác lâng lâng vẫn còn lại trong mẹ. Một cơn mưa những lời chúc mừng. Rất nhiều người hỏi mẹ, chắc tự hào về con lắm nhỉ. Mẹ luôn trả lời rằng điều quan trọng nhất là con hạnh phúc, còn việc mẹ được tự hào về con chỉ là added value/điều có được thêm thôi. Mà làm sao có thể không tự hào – con mới hơn 16 tuổi, con mới là sinh viên năm 2 và con mới học cây đàn này được vỏn vẹn ba năm rưỡi.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày nào đó hồi tháng 6, khi con náo nức khoe với mẹ, bác Honna cho con solo một bài dài 15’ ở một chương trình vào cuối năm đấy mẹ ạ. Kể từ đó, cuộc sống của con xoay quanh bản nhạc. Dịp nghỉ hè bác giao bài cho con và con bắt đầu miệt mài tập kể từ khi quay trở lại SG vào cuối tháng 7. Suốt mùa hè cô và con vẫn học đều đặn để cô giúp con luyện bài và cô nhất định không chịu nhận tiền học phí đó là khoảng thời gian cô được nghỉ. Mỗi chuyến ra Hà Nội con sẽ được gặp bác để bác nghe con đánh. Có lần con khoe, bác bảo con tiến bộ nhiều mẹ ạ. Kế hoạch học tiếng Đức, lẽ ra phải bắt đầu từ tháng 8, bị hoãn lại cho đến khi nào biểu diễn xong, vì “con phải tập trung rất nhiều cho việc luyện tập và biểu diễn.” Và suốt trong thời gian này con vẫn thường xuyên biểu diễn cùng dàn nhạc trong những chương trình khác, vậy nên áp lực của con khá lớn.

Solo cùng dàn nhạc lần đầu tiên là một dấu mốc cực kỳ quan trọng, vậy nên con chuẩn bị kỹ lưỡng vô cùng. “Chồng có thể con không lấy nhưng buổi diễn đầu tiên quan trọng không kém nên con sẽ mặc váy theo phong cách váy cưới.” Tháng 8 nàng đã đi thử váy cưới, chắc cả chục tiệm luôn, để chọn mẫu váy cho sự kiện quan trọng này. Việc may mất khá nhiều thời gian. Ban đầu lịch diễn dự kiến là tháng 11 và nàng chuẩn bị để cuối tháng 10 váy đã may xong. Giầy là một vấn đề khác. Váy trắng nên giầy cần tương ứng và nàng đã phải mua đến đôi thứ hai mới ưng ý vì đôi giầy trắng thứ nhất sau một đôi buổi tập thì thấy đi không ôm chân, không thuận tiện cho việc đạp pedal. Tiếp theo là trang sức. Mẹ tặng nàng một chuỗi dây chuyền mới, vừa nhân dịp nàng 16 tuổi vừa nhân sự kiện này và nàng đặt mua một chiếc dây chuyền Swarovski từ Úc. Cuối cùng là một đôi hoa tai. Đến gần ngày biểu diễn thì nàng đi làm tóc, “chị T. tóc xanh, con tóc hồng, đi cùng nhau cho nổi.” Làm tóc xong, nàng nhắn cho mẹ, trông Tây lắm mẹ ạ, nhưng mẹ đừng lo, đây là Tây bắc 😊. À, con gái bắt mẹ mua một chiếc váy mới để mặc trong dịp này. Thế là mẹ cũng có phần, kakaka.

Chương trình không bán vé, vậy nên từ khá sớm mẹ đã nghĩ liệu có thể xin ai được vé để mời bạn bè và người thân. Người đầu tiên nghĩ đến đương nhiên là chú L. rồi, con hay diễn ở đó nhưng mẹ chưa bao giờ xin vé chú. Rồi tìm cách hỏi xin từ đơn vị tổ chức – UNFPA, hỏi một cô trong nhạc viện, và nhờ anh C. xin từ trên Bộ Văn hóa. Đến trước hôm diễn vài ngày thì mẹ đã có được 7 vé, kể ra là không tệ, nhưng để mời bạn bè của cả mẹ và con thì vẫn còn thiếu tương đối. May quá, trước ngày diễn đôi hôm thì con được phát thêm mấy cặp vé nữa, thế là cũng tạm đủ. Nào ai mà biết được là đến buổi trưa hôm diễn thì bác Honna mang đến một tập vé, thoải mái xin, nhưng tất nhiên tầm đó đã hơi muộn để báo/cho vé.

Bác Tú lọ mọ đi từ Sapa về để xem con diễn trực tiếp. Bà cũng muốn đi, nhưng ông mới mất, bà Đạt lên thăm và ở đó ít bữa nên bà đành ở nhà. Cô Nhi bay từ SG ra, ngồi xem con tập và tổng duyệt. Bác Thơ, bác Ánh, bác Tâm, cô Hạnh đều có mặt. Đương nhiên không thể thiếu bà Xuân, người mà vì thế con hay tự nhận mình là COCC 😊.

Tiết mục của con được vỗ tay rất lâu, được nhiều người hú (hê hê, đấy là đám bạn của con từ nhóm Operaphilia), và rất nhiều hoa, con ôm một bó trĩu nặng. Đấy là trước đó mẹ còn dặn tất cả người nhà mình – bác Tú, bác Thơ, bác Ánh, cô Hạnh… rằng không cần mua hoa cho con. Thế mà trưa hôm sau vẫn có một nhóm bạn khác tặng cho con tiếp. Nhà không có đủ chỗ để hoa, mẹ mang cho cả hàng xóm và cả bác Ánh.

Sau buổi diễn của con mẹ gửi tin nhắn cảm ơn bác Honna, bác nói con là một đứa trẻ tài năng và nghiêm túc. Rồi bác M.C, một nhà phê bình âm nhạc và là người quen đã lâu của mẹ cũng khen mới có ba năm rưỡi mà con chơi tốt quá. Tất nhiên là có một cơn mưa những lời khen từ bạn bè mẹ khi mẹ post tin về buổi diễn của con trên facebook. Vụ này thì con gái tệ quá. Bắt mẹ cập nhật về công việc mới trên facebook để “con bỏ block mẹ để viết status cảm ơn, con muốn có mẹ ngầu một chút”, kakaka. Đành phải ngoan ngoãn nghe lời con cập nhật, làm bao người vào chúc mừng, hỏi về vụ đó trong khi mẹ chưa muốn cập nhật phần công việc. Con gái tag trong một status cảm ơn, thêm một núi những lời chúc mừng khác, nhưng rồi chỉ hai hôm sau nàng lại block mình, cái status cảm ơn đó biến mất, còn lại trơ khấc mỗi vụ cập nhật công việc thì đến tận giờ vẫn chình ình ở đó, zời ạ.

Chúc mừng con gái đã đạt được một cột mốc quan trọng trên con đường học nhạc. Mẹ hạnh phúc khi nhìn thấy con gái hạnh phúc. Hãy hạnh phúc với âm nhạc của con, mang niềm vui và cái đẹp đến cho cuộc đời này, con gái yêu nhé. Yêu con thật nhiều!

Video phần diễn của con đây

Và mấy bài báo về con:

Nữ sinh lớp 11 và niềm đam mê với đàn harp

Cô học sinh lớp 11 và những thành công đầu tiên với đàn harp

Nghệ sỹ độc tấu Thùy Dương - người chơi đàn harp chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội

Viết thêm: Mẹ nghe đi nghe lại video của con. Rủ Tuấn ra phòng khách ngồi xem clip đó TV cùng mẹ, Tuấn từ chối, mẹ bật con nghe từ trong phòng được rồi. Mẹ nài nỉ, nhưng con phải ra đây xem cùng mẹ cơ, chàng bẩu, ơ, thế mẹ nghĩ nhạc để nghe hay để xem. Đến lần thứ 5 hoặc 10 gì đó thì chàng cười cười, mẹ vẫn chưa chán à. Hahaha.

23 tháng 11 2022

BỐ HÃY YÊN NGHỈ, BỐ NHÉ!

 5 ngày trôi qua từ hôm bố ra đi. Mình như trôi đi trong một giấc mơ, không để ý đến ngày tháng, mọi sự như trong một lớp sương mờ.

Ông bắt đầu yếu đi hồi đầu tháng 11. Tuần đầu tháng 11 đó mình đang sụt sịt, người gây gây sốt. Ngay khi khỏe lại, mình lập tức đi Sapa. Đúng là ông yếu hơn, ông không ngồi được bao nhiêu, nằm suốt cả ngày, lơ mơ trong giấc ngủ, ăn uống rất ít. Dù thế, trong vài ba ngày ít ỏi mình ở đó, mình vẫn có thể cùng bà nâng ông dậy, bón cho ông hôm thì mấy thìa cơm, hôm mấy thìa phở. Lên thăm ông ba hôm, mình chào ông về, dặn ông con về vài hôm rồi con lại lên. Về Hà Nội mới được 3 hôm thì nhận tin báo ông yếu hơn, sốt cao. Ngày nào cũng bao cú điện thoại qua lại, cứ nghe tiếng chuông điện thoại là mình sợ. Rồi bác sỹ thông báo ông bị Covid, lần lượt bác Tiến, bác Tú, bác Kiều đều bị lây. Thư, Vi đang ở thăm ông bị bà đuổi về ngay lập tức. Mình ở Hà Nội nhưng ruột nóng như lửa, cứ nhấp nhổm định đi Sapa, còn bà thì gàn. Thêm đôi hôm nữa thì mình bảo kệ con cứ lên, bây giờ bố còn nhận biết được, con lên để gặp bố, chứ mấy hôm nữa khéo bố chẳng còn nhận ra con. Nào ngờ, khi mình rời nhà ở Hà Nội vào sáng thứ Sáu ông vẫn còn tỉnh táo, vậy mà sau đó tình hình xấu đi rất nhanh. Khi mình về qua Lao Cai thì hai mẹ con đã thống nhất rằng cún sẽ đặt vé bay về ngay tối hôm đó. Chỉ ít phút sau, lúc xe chạy qua Tả phình, chị Kiều gọi điện mếu máo bảo, xe về đến nơi thì dì bắt xe ôm về ngay nhé. Mắt mình nhòe nước, vậy là ông đã không thể chờ mình thêm, dù chỉ 15’-20’.

Ông nằm đó, bình thản như đang trong giấc ngủ, khuôn mặt vẫn hồng hào, da thịt vẫn ấm. Bác Vân dặn mình không được chạm vào ông, sợ ông đau, vậy mà mình cứ muốn đặt tay lên má ông, cầm bàn tay ông. Cả đêm hôm đó bác Vân đọc kinh cho ông, các con cháu thay nhau ngồi bên ông trong những giây phút cuối, để được gần ông thêm chút nữa, để ông được ấm áp trong những giờ phút cuối bên gia đình. Ngắm nhìn ông, những hình ảnh, kỷ niệm với ông như một thước phim quay chậm cứ lúc này lúc khác lướt qua trí nhớ mình. Hình ảnh ông dạy mấy đứa con học khi chúng mình còn nhỏ, hình ảnh ông gầy gò, đưa mình đi Hà Nội đi học khoảng năm 84-85 gì đó, năm đó nước lụt lớn, chiếc thuyền mỏng manh như lá tre chở hai bố con qua sông để lên tàu ở bờ bên kia chỗ ga Bạch Hạc. Hình ảnh ông đạp xe từ Trương Định vào Cầu Giấy đưa mình đi thi chuyên ngữ năm 86. Hình ảnh ông tiễn mình ở sân bay Nội bài năm 1990, hình ảnh những khi ông về nhà mình chơi ở Hà Nội, mình chở ông đi thăm họ hàng, ngồi sau xe ông bảo tiếng xe máy như tiếng sóng con nhỉ. Sinh nhật mình năm 28 tuổi, ông mua tặng mình bộ Tuyển tập truyện ngắn Nga bốn cuốn dày cộp. Bao nhiêu kỷ niệm cứ hiện về trong đầu mình.

Mình hỏi đi hỏi lại, bà ơi bà đã kể cho ông nghe chuyện Thùy Dương đi biểu diễn bên Hàn Quốc chưa, chuyện Thùy Dương sắp có buổi solo nữa, rồi bà đã kể với ông con sắp đi làm lại chưa, để ông khỏi lo con gái thất nghiệp. Vừa hai hôm trước đó thôi mình có cuộc họp, thông qua một người bạn mình kết nối Michaud và Omega để Omega cân nhắc việc in sách của ông ấy bằng tiếng Việt. Michaud nói với bạn ở Omega về ông Đặng Trung, “dù ông ấy không công bố gì nhưng ông ấy là một học giả về Sapa. Tôi sẽ đưa vào lời tri ân ông Trung như một người đã giúp tôi rất nhiều trong nghiên cứu.” Mình định nói chuyện này với bà để nhờ bà nói với ông, như món quà Michaud gửi tới ông. Vậy nhưng thấy ông mệt, mình lại không nói, thầm nghĩ sẽ tự về nói với ông. Nhưng cơ hội đó đã không còn, và bây giờ mình tiếc nuối đã không nhờ bà một việc như vậy .

Họ hàng từ xa lần lượt đến. Đầu tiên là đoàn anh Túc đi ngay lúc chiều, khi vừa có tin ông mất. Rồi mấy đoán từ Lao Cai, Bắc Hà. Đến gần sáng thì có thêm các đoàn từ Thanh Hóa và Hà Nội đi xe đêm, bao gồm cả cún đã kịp bay ra Hà Nội lúc hơn 9h để lên xe lúc 10h đêm ở Nội Bài và hai cô cháu nội vừa về Hà Nội được đôi hôm, giờ lại lên với ông. Sáng/trưa hôm sau thì thêm các đoàn khác đi xe riêng từ Hà Nội, Yên Bái, Mậu A… Con cháu, người thân lên chia tay ông rất đông, chả biết rõ con số chính xác là bao nhiêu, có lẽ hơn 120 người, vì bữa ăn ba ngày sau khi đưa ông ra mộ về có 18 mâm, trong đó có hai xe đầy người đã lên đường về Hà Nội ngay mà không dự bữa cơm trưa đó do có việc gấp.

Đám tang ông diễn ra suôn sẻ với bài điếu văn do anh Như viết rất đẹp, khiến khối người sau đó tò mò hỏi ai viết điếu văn vậy. Anh Như và anh Túc, hai đứa cháu mồ côi mà ông đã dìu dắt từ nhỏ, đứng túc trực cạnh linh cữu ông đáp lễ, làm khối người thắc mắc hai anh có phải con riêng của ông không, kakaka. Chị cả đã chọn cho ông bà một khu đất tuyệt vời, nhìn ra dãy núi Hoàng Liên Sơn, với trời xanh và mây trắng, mà mình tin bất cứ ai cũng muốn có được một chỗ nằm đẹp đẽ như vậy. Nhà mình thương nhớ ông vô cùng, nhưng cũng hiểu rằng ông đã rất may mắn được ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, đơn giản như đi vào một giấc ngủ dài. Cả nhà rất đoàn kết, không hề có chuyện bất đồng trong mọi chi tiết tổ chức tang lễ vì đã có bà, người thuyền trưởng vĩ đại, dù đau buồn nhưng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền gia đình và ai cũng tôn trọng ý kiến bà tuyệt đối.  

Xen giữa rất nhiều giây phút chảy nước mắt vì nhớ thương ông vẫn không thiếu những giây phút rất hài và ấm áp, như nhà mình vẫn luôn thế. Trong lúc mình đang đứng cạnh bàn thờ để đáp lễ người đến viếng, có hai đồng chí Tây đi ngang qua nhà mình, vừa đi vừa nhiệt tình nhảy theo điệu nhạc đám ma, khiến mình không nhịn nổi cười. Một lần khác, khi mình ngó từ chỗ đứng đáp lễ vào nơi đặt áo quan của ông phía đằng sau, thấy ba cô cháu gái yêu quý của ông đều đang ngồi ở tư thế úp mặt vào đầu gối, vai rung rung. Mình cứ thắc mắc không biết bọn này đang cười hay khóc, mà lúc chúng nó nhìn lên rõ là mắt mọng nước cơ mà, nhưng cái điệu rung vai thì không giống khóc lắm. Tối hôm đó, khi đưa ông đi thiêu mình mới hỏi về việc đó, Vy bảo, khi đó Dương bảo là, nếu em chết thì cúng em trà sữa với pizza ý, em không thích ăn gà luộc đâu. Ối dồi ôi, mọi người cười một trận. Rồi một lúc khác mình bảo chị Vân, sau đây chúng ta động viên bà học đàn, để trí óc bà hoạt động, cho khỏi teo não. Nói xong hai chị em bảo nhau, có mà chúng ta teo não trước ý, bà thì còn lâu, khôn cực. Thế là lại cười. Bàn về việc xây mộ, khắc bia cho ông thì bọn trẻ con xông vào trêu bà rằng bao giờ bà mất mỗi năm chúng con sẽ đặt một lọ nước hoa loại đặc biệt, phiên bản dành riêng cho bà, rồi thiết kế váy riêng cho bà chứ không mua đồ hàng loạt, kakaka.

Bố ơi, bố đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, luôn là một con người hiền lành, đức độ, yêu thương vợ con. Bố hãy thanh thản yên nghỉ nhé. Chúng con sẽ chăm lo mẹ chu đáo cho bố yên lòng. Mẹ và chúng con rất thương nhớ bố, nhưng cả nhà không bi lụy mà sẽ chỉ nhớ về bố với những kỷ niệm đẹp đẽ thôi. Bố vẫn ở đây cùng cả nhà, nheo ánh mắt nhìn cả nhà cười, như khi vừa kể một câu chuyện dí dỏm. Mẹ và chúng con rất yêu bố và nhớ về bố như vậy, bố nhỉ!

Bố vẫn hàng ngày nhìn chúng con cười như thế này đây

Bố hãy thanh thản ngắm núi và mây trời, bố nhé. Chỗ nằm đẹp quá đến nỗi Thùy Dương cũng đòi về nằm cùng ông bà đấy, ông ạ :P


05 tháng 11 2022

RA BIỂN LỚN_05_CHUYẾN LƯU DIỄN ĐẦU TIÊN CỦA CON GÁI

 Một hôm tháng 5 con khoe, năm nay con sẽ được đi Hàn biểu diễn cùng dàn nhạc đấy. Wow, oai thế cơ à. Mẹ biết rằng khi làm trong lĩnh vực này con sẽ có lúc đi lưu diễn như một phần của công việc, nhưng không thể nào hình dung cơ hội lại đến với con sớm như vậy. Thỉnh thoảng khi mẹ hỏi tập đến đâu rồi, chuẩn bị thế nào, nàng bảo, chưa có gì chắc chắn mẹ nhé, tất cả có thể thay đổi vào phút chót.

Tầm tháng 9 chú giám đốc dàn nhạc gọi cho mẹ chính thức thông báo về việc này và hỏi nhà mình có đồng ý cho con đi không. Tất nhiên rồi, con gái biết mẹ luôn ủng hộ con, ủng hộ cả những ý thích rất điên rồ của con mà. Mẹ cũng tìm hiểu về việc cần chuẩn bị gì khi con đi cùng dàn nhạc, dù sao con vẫn là một đứa trẻ dưới 18 tuổi, chưa có quyền tự do thích đi đâu, làm gì thì làm. Thực ra cũng đơn giản – giấy ủy quyền của bố mẹ cho một người lớn trong đoàn, đương nhiên chú L., vì chú chịu trách nhiệm chính, và để cẩn thận, giấy ủy quyền sẽ được dịch ra tiếng Anh. Phòng công chứng chuẩn bị bản nháp giấy ủy quyền, bố mẹ đến, rà soát các chi tiết và ký, chỉ một lát là xong. Thêm đôi ba hôm cho vụ dịch sang tiếng Anh nữa. Visa làm theo đoàn, con kêu ca tờ khai visa kinh khủng quá mẹ ạ. Kinh khủng gì, nhiều thứ giấy tờ khai còn kinh khủng hơn nhiều. Con phải tập làm quen với nó thôi, rồi sau đây còn khai nhiều 😊.

Dù chẳng phải lần đầu con đi nước ngoài, nhưng là lần đầu hoàn toàn đi với người ngoài, vậy nên mẹ khá lo lắng. Mẹ bảo, để mẹ nói với chú L. xếp cho con ở cùng phòng với chị Tú nhé. Con nhảy dựng lên, mẹ đừng có can thiệp vào mấy chuyện đấy, không ai làm như thế cả. (Nàng luôn muốn tỏ ra mình đã trưởng thành, rất ghét bị mẹ can thiệp vào “công việc”). May quá, tối 22/10, khi đi nghe hòa nhạc ở Nhạc viện, tình cờ mẹ ngồi cùng hàng ghế với nào là bác Honna, cô M.A. và cả chú L. Wow, dịp may đây rồi. Mẹ xông ra chào cô M.A. và bảo em là mẹ của Thùy Dương và nhờ cô lưu ý con. Cô khen ngay ôi con gái chững chạc và độc lập lắm. Hê hê, trước đó còn có vụ nhầm chị Th.H là con gái cô M.A. nữa và chỉ một lát sau thì mẹ nhận được tin nhắn của con gái, giọng rất hình sự, mẹ nói gì với cô M.A. vậy? Con gái cũng có mắt thần, tai thần, giống hệt mẹ, nhể :P. Tranh thủ trò chuyện cùng chú L. vài câu, chú hỏi ngay có biết con chơi thân với ai trong dàn nhạc. Mẹ bảo, C.T ạ, được rồi, thế thì để xếp các bạn ấy cùng phòng, còn biết chúng nó đi đâu 😊. Đấy, chú thật hiểu ý mẹ.

Bay về Hà Nội để biểu diễn tối 23/10, sáng 24 con bay sớm vào SG để đi học, tối 27 lại bay ra Hà Nội để tập tành, chuẩn bị cho chuyến đi và buổi biểu diễn. Qua mấy năm dịch bệnh, đây là chuyến lưu diễn đầu tiên của dàn nhạc trong một sự kiện khá quan trọng, nên dàn nhạc còn có cả thông cáo báo chí hẳn hoi, và ngay ngày đầu tiên đoàn sang đến Seoul thì đã thấy Vietnamnet viết về sự kiện này rồi.

Thật là một sự trùng hợp. Cách đây 11 năm mẹ lần đầu đặt chân đến Seoul cũng đúng vào ngày con gái bay sang bên đó - 30/10. Nửa tháng trước bà đi Hàn Quốc ngắm mùa thu, bà mua quà cho mọi người, riêng con thì bà cho tiền, bảo để con tự mua thứ mình thích. Mẹ cũng rộng tay cho nàng một khoản, nàng sung sướng cười, bảo con sẽ mua quà cho mẹ. Mà chuyến này tiền cát sê của nàng cao hơn hẳn nữa chứ. Giầu ghê, mẹ trêu nàng 😊.

Chuyến bay khá muộn nhưng con rời nhà từ 4.30 chiều để đi ăn cùng một nhóm bạn bè/đồng nghiệp, mà sáng đó thì nàng có buổi làm việc không được lên lịch trước, đi từ sáng đến tận gần 3h chiều mới về. Tóm lại giống như thường lệ, nàng đi mất mặt mỗi khi về Hà Nội. Tiễn nàng ra cửa mẹ còn có ôm nàng một cái trước khi chia tay và nhắc nàng kiểm tra hộ chiếu. Đến quá 7.30 tối thì mẹ gọi điện nhắc nàng nhớ tập trung đúng giờ. Thực ra từ xưa đến giờ con gái là đứa trẻ tự lập và có kỷ luật, chắc không cần mẹ nhắc con vẫn làm mọi việc chỉn chu. Nửa đêm hôm đó, khi máy bay chuẩn bị cất cánh nàng gửi tin nhắn chào tạm biệt mẹ, còn ngoằng thêm một câu, iu mẹ và hình trái tim, làm mẹ già sáng hôm sau tỉnh dậy nhìn thấy trong lòng lâng lâng mãi 😊.

Vậy là con đã có chuyến đi lưu diễn đầu tiên trong đời. Đi ngắn ngày nhưng các con có khá nhiều thời gian để chơi – gần 3 ngày – mỗi khi mẹ đi công tác thời gian đi chơi còn chẳng được nhiều như thế. Tối hôm trước con gái gửi cho mẹ mấy tấm ảnh bảo, ôi đẹp lắm mẹ ạ. Yes, mùa thu Hàn quốc đẹp vô cùng.

Mẹ thật hạnh phúc được nhìn thấy con trưởng thành, được nhìn thấy con có cơ hội đi đây đi đó, thưởng thức những vẻ đẹp của cuộc sống. Mẹ ngồi trong nhà, nhìn qua khung cửa mùa thu nhà mình mùa này cũng vô cùng đẹp và chờ con gái về. Cảm tạ Chúa đã ban phước lành cho mẹ con mình, để mẹ được ở bên con, dõi theo bước đường của con và nhìn thấy con hạnh phúc. Yêu con gái thật nhiều!




Cô công chúa của mẹ đây, yêu vô cùng!

21 tháng 10 2022

RA BIỂN LỚN_04_CON GÁI VÀ NHỮNG CHUYẾN “CÔNG TÁC”

 

Sau buổi biểu diễn đầu tiên với dàn nhạc vào tháng 6/2020, dần dần, những buổi biểu diễn của con với dàn nhạc trở nên thường xuyên hơn. Có chương trình biểu diễn trực tiếp, có chương trình ghi hình phát trên TV. Vai trò của con cũng dần được tăng lên. Những cột mốc mà thỉnh thoảng hai mẹ con nhắc lại với nhau là tháng 6/2020, sau đúng một năm kể từ khi bắt đầu học đàn harp con được ngồi cùng dàn nhạc giao hưởng lần đầu tiên, ở vị trí Harp 2. Sau hơn một năm nữa thì con được bác tin tưởng cho ngồi vào vị trí bè trưởng, Harp 1. Rồi sau đó ít lâu thì con cùng dàn nhạc đi Hải phòng tham gia chương trình Liên hoan âm nhạc toàn quốc, chuyến “công tác” đầu tiên của con trong đời 😊.

Tuy con vào SG học nhưng việc biểu diễn cùng dàn nhạc vẫn khá đều đặn. Dàn nhạc gửi công văn cho trường, mua vé cho con mỗi khi mời con ra Hà Nội biểu diễn. Đôi lúc cũng có chương trình biểu diễn của dàn nhạc trong SG, và khi đó con bay ra tập, rồi lại bay vào cùng dàn nhạc, đỡ cho mẹ mấy tấm vé liền trong năm học vừa rồi. Mẹ lúc nào cũng biết ơn các bác/cô chú ở dàn nhạc tạo điều kiện cho con học hỏi, nên thấy con được biểu diễn cùng dàn nhạc là mừng lắm rồi, nếu có phải mua vé cho con chắc mẹ cũng chả có ý kiến gì, đằng này lại còn được dàn nhạc mua vé cho.

Dù về Hà Nội thường xuyên, cứ về đến nhà là con có bao bạn bè hẹn hò, và để có nhiều thời gian hẹn hò hơn, con thường bay về SG bằng chuyến rất muộn. Lần gần đây nhất con bay chuyến hơn 9h tối, báo hại mẹ thức mãi, chờ con về đến nhà mới yên tâm đi ngủ. Sau lần đó mẹ cương quyết, yêu cầu con bay trước 7h tối, nếu con không đồng ý thì mẹ sẽ nói chuyện với chú L., nói dàn nhạc không đặt vé cho con muộn như vậy. Con giận dữ, tại sao mẹ cứ can thiệp vào công việc của con. Mẹ phải giải thích, con còn chưa đến 18 tuổi, nếu con gặp bất cứ rắc rối nào thì sẽ có thể khiến dàn nhạc gặp rắc rối theo. Luật nào cho phép dàn nhạc mua vé cho một đứa trẻ dưới 18 tuổi bay vào cái giờ đó? Viện dẫn đến đó thì có vẻ nàng đành chấp nhận. Liên quan đến các chuyến bay đi bay về của nàng thì nàng còn dính một phốt nho nhỏ với mẹ nữa. Nàng đề nghị mẹ giữ kín, nghệ sỹ mà chưa gì đã dính phốt thì chả ra làm sao cả 😊. Yes, mẹ chiều nàng nên chuyện này giữ kín, nhất định không khai đồng chí du kích trong đống rơm, kakaka.

Con thường bay từ SG về HN cũng muộn và mẹ phải chấp nhận vì lịch học của con như vậy, có hôm học xong lúc 8h tối rồi con mới ra sân bay. Với các chuyến đi về như vậy của con, mẹ hay đặt taxi quen đưa đón con. Cách đây mấy hôm, khi con lên kế hoạch bay về, mẹ bảo mẹ sẽ ra sân bay đón, con bay muộn quá, nửa đêm mới xuống sân bay thì taxi quen mẹ cũng không yên tâm. Con lại rú lên, không không. Thế rồi đôi hôm sau nàng gửi tin nhắn cho mẹ, mẹ không phải lo nữa nhé, con có xe của dàn nhạc đưa đón sân bay. Từ giờ trở đi các chuyến bay của con về Hà Nội đều thế. Wow, oai thế cơ à, có xe riêng đưa đón cơ đấy! Để chắc chắn mẹ hỏi lại chú L., và con gửi cho mẹ xem tin nhắn của chị từ phòng hành chính của dàn nhạc gửi con. Okie, thế này thì yên tâm rồi. Một lịch “công tác” khá dày cho suốt các tháng 10-12 của năm nay. Vừa đầu tháng 10 ra biểu diễn, rồi đến 18 lại bay ra cho buổi biểu diễn ngày 23/10. Bay vào SG để đi học 4 buổi, 27 lại bay ra để 30/10 đi Hàn Quốc (vụ “lưu diễn” này nhất định mẹ phải viết một entry riêng rồi 😊). Giữa tháng 11 con có một chương trình khác, và đầu tháng 12 sẽ là một chương trình đặc biệt của con trong năm nay, chương trình mà con đã luyện tập suốt từ đầu hè. Rồi con úp mở về một đôi chuyến lưu diễn trong năm sau. Mẹ thì nhắc con tìm master class vào mùa hè để con có thể học thêm với các thầy cô khác. 

Không thể nào ngờ được cô con gái của mẹ đã trưởng thành như thế này. Con cứ bay cao, bay xa, hạnh phúc với cuộc sống của con nhé. Mẹ mãi ở phía sau, nâng đỡ, làm chỗ dựa cho con. Yêu con gái của mẹ rất nhiều!


20 tháng 10 2022

CÓ HẸN VỚI BÌNH YÊN!_01

 Vậy là mấy mẹ con chuyển sang nhà mới đã được hơn 7 tháng. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, mình chưa biết làng hoa Xuân Quan hay làng Bát Tràng đi lối nào, rồi mua chậu trồng cây ở đâu, giờ thì mình đã hoàn toàn thành thạo.

Chiếc ban công phòng khách, sau một đôi lần mua hoa, mua chậu, giờ mình đã rất hài lòng. Nhà cũ không có nắng, cùng lắm là mình chỉ trồng được hàng cây vạn niên thanh. Chuyển qua nhà mới, mẹ con náo nức đi mua cây trang trí ban công ngay. Loạt cây đầu tiên là 6 chậu hồng môn. Ban công mùa hè, cứ đến đầu giờ chiều là nắng chiếu bỏng rát. Được hơn một tháng thì cây bắt đầu có hiện tượng cháy lá, khi đó mình mới tìm hiểu và biết rằng hồng môn là loại cây trồng trong nhà, không chịu được nắng. Loạt hồng môn được đưa vào nhà, từ đấy đến giờ vẫn lác đác ra hoa nhưng màu nhạt hẳn đi và hoa cũng nhỏ, được cái lá vẫn tiếp tục ra rất đẹp.

Loạt hoa hồng môn được thay bằng những chậu hoa diễn châu mà đến tận giờ hoa vẫn nở rất đều, một loại hoa khác mua cùng đợt thì đã lụi. Lần thứ 3 thay hoa cho ban công, mình nghĩ mình ít kinh nghiệm chăm cây, vậy nên chọn một loại cây vô cùng dễ chăm – hoa xương rồng. Những chậu hoa xương rồng nhỏ xinh nở những bông hoa đỏ suốt từ đó đến giờ, đã hơn tháng rưỡi và vẫn rất đẹp. Chậu trồng hoa cũng được mua mới, đầu tiên là loại chậu nhựa đặt sát xuống sàn, sau mình thay bằng chậu gỗ có hình hàng rào, rồi lại được kê lên mấy chiếc cốc, vừa để tiết kiệm diện tích, vừa sạch sẽ và đẹp hơn.

Hài lòng với ban công phòng khách rồi, mình quay ra chăm lo ban công phòng ngủ. Mua mấy chiếc giá đỡ chậu hoa, mình đặt những chậu hoa nhỏ lên cao, giải phóng mặt bằng rồi náo nức nghĩ đến chuyện sẽ trồng ít rau ăn. Vậy nhưng cũng mất thêm ít thời gian thì mọi việc mới sẵn sàng. Nhờ hàng xóm, mình có được số điện thoại và một cú tel là có người chở đất đến tận nhà. Em H.M, nhân một chuyến về Hà Nội, mang cho mình một mớ hạt rau. Mất một lúc buổi chiều mình gieo xong hạt cải cúc và cải mơ vào mấy chiếc chậu nhỏ, thêm 2 chậu trồng hành để tiện khi cần. Buổi chiều hôm đó, khi mình hì hục gieo gieo rắc rắc, gọi Tuấn ra xem, Tuấn bảo, mẹ làm cái gì đấy, hỏi chấm (?), con thích hoa cơ. Mẹ bảo, mẹ đang tập tành, nếu thành công thì mẹ sẽ trồng rau mẹ con mình ăn, còn không thành công thì mẹ quay lại trồng hoa. Mới chỉ hai hôm thì đám rau của mình đã bắt đầu nảy mầm, và sáng nay ra thăm thì những mầm non đã bắt đầu vươn lên, xanh lấm tấm trong chiếc chậu bé tý, như một món đồ chơi 😊

Đã gần hai tháng kể từ khi mình nghỉ. Thời gian này thường mỗi tuần mình đi làm hai ngày cuối tuần. Sáng thứ Sáu xe đón mình đi, chiều tối thứ Bảy trả mình về đến nhà. Những ngày khác mình hoàn toàn thảnh thơi. Mỗi sáng và chiều mình hay thong thả đi dạo và thường ngồi bên bờ hồ một lát. Hà Nội đang là những ngày thu, thời tiết đẹp tuyệt vời. Nhiều hôm khoảng 5h chiều mình xuống bờ hồ ngồi hóng gió, ngắm nhìn bầu trời xanh ngắt và mặt nước gợn lăn tăn, thấy lòng bình yên vô cùng. Những nỗi lo cơm áo gạo tiền tất nhiên vẫn còn đấy, nhưng mình cho phép bản thân được thư giãn. Suy cho cùng, nếu trong cuộc đời này mình kiếm bớt đi một đôi tỷ thì cuộc sống của mình và các con cũng chả vì thế mà ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí, việc hơi thiếu thốn một chút hoàn toàn có thể là động lực để các con cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống.

Vậy nên, dù thời tiết đẹp hay xấu, dù mặt trời ấm áp hay như hôm nay, trời trở lạnh, mình kéo kín cửa kính, ngắm khu rừng ngoài kia chìm trong làn sương mỏng và những giọt mưa nhỏ, mình quyết định sau đây mình sẽ chỉ hẹn hò với bình yên thôi!

Chiều thu Ecopark, hò hẹn với bình yên


29 tháng 9 2022

CHUYỆN CHÀNG TRAI ĐI HỌC FPT_05_CỨ ĐI RỒI SẼ ĐẾN

Cuối cùng chàng trai chỉ thực tập hơn 10 tuần, khi dự án kết thúc thì chàng cũng được nghỉ. Chàng nghỉ ngơi suốt từ giữa tháng 7 cho đến hết tháng 8, sống một cuộc sống thật thư giãn. Đôi lúc mẹ sốt ruột, giục chàng thì chàng bảo, con cần nghỉ ngơi, mấy hôm nữa đi học rồi con sẽ rất bận. Mẹ thì chưa bao giờ thấy chàng rất bận, suốt cả thời học sinh và cả khi học đại học 😊. Chàng bảo, mẹ không nhìn thấy lúc con học đấy thôi, nếu con không học thì làm sao con có kết quả tốt thế. Hì hì, cũng đúng.

Hai mẹ con thảo luận rất nhiều về việc con sẽ ở đâu khi vào học kỳ mới. Ở ký túc xá, thuê phòng trọ bên ngoài hay đi về nhà ở Thanh Xuân. Nhóm mấy người bạn của con cũng bắt đầu bàn các phương án và có vẻ thiên về việc cùng nhau thuê một phòng trọ bên ngoài, thậm chí đã bắt đầu cùng nhau lang thang trên mạng tìm phòng. Kế hoạch là sáng thứ Hai con đi khỏi nhà sớm, rồi tối thứ Sáu lại về nhà rồi.

Giữa tháng 8 nhà trường bắt đầu xếp lịch cho học kỳ mới. Lịch học kéo dài suốt từ thứ Hai đến thứ Sáu, có ngày chỉ học tiếng rưỡi. Con bảo, nếu con đăng ký được lịch học theo ý con thì chỉ cần đi học hai ngày trong tuần thôi, và thêm mấy buổi học online nữa, như thế thì con không cần phải lên đó ở. Con loay hoay viết thư cho trường xin được đổi lịch nhưng lớp nào cũng đủ sỹ số rồi nên không đổi được. Mẹ, mẹ nhờ giúp con đi, chàng trai năn nỉ. Mẹ nghĩ ngay đến cô P. A., người đã giúp con vụ chuyển đổi tín chỉ. Sau vài tin nhắn trao đổi qua lại, mấy hôm sau cô P.A. bảo việc của Sỹ Tuấn xong rồi chị nhé. Khỏi phải nói chàng trai mừng thế nào, vậy là chàng sẽ chỉ cần đi học trên trường có hai ngày mỗi tuần thôi, thứ Ba và thứ Năm. Bù lại, đã lên trường con học 4-5 tiết luôn, mà tiết ở đó thì kéo dài tới 90’. Kế hoạch là sáng thứ Ba chàng đi học, tối về nhà bên Thanh Xuân, thứ Tư ở lại đó, sáng thứ Năm lên trường đi học rồi tối thứ Năm về thẳng Ecopark. Được đúng tuần đầu tiên. Tối đầu tiên ngủ lại nhà cũ chàng được một bạn gián đến hỏi thăm. Câu chuyện của chàng rất lâm li. Con vừa nằm xuống gối thì nhìn thấy ngay một con gián chỗ gần gối. Con hét toáng lên và nó bay vù đi mất, sau đó tìm mãi chẳng được. Mẹ trêu, thì con xử lý nó đi, mà con to thế này lại sợ con gián bé tý à. Mẹ biết không, gián không biết bò lùi đâu, rất nhiều người phải đi bệnh viện cấp cứu vì bị gián chui vào mũi, vào mồm hay vào tai rồi đấy. Con bị ám ảnh rồi, con phải chui vào vỏ chăn con mới ngủ được đấy. Sau hai hôm ngủ ở nhà cũ, tối thứ Năm về đến nhà chàng vui sướng vô cùng, ăn bữa tối ngon lành, nằm ở sofa luyên thuyên với mẹ biết bao chuyện, cứ như thể xa cách lâu lắm rồi. Sau tuần đầu tiên đó thì chàng nhất định không về nhà cũ ngủ nữa. Vậy là sáng thứ Ba chàng ra khỏi nhà lúc gần 8h sáng, tối cũng tầm đó mới về đến nhà. Còn thứ 5 thì ra khỏi nhà sớm hơn một chút, 6.30 hoặc muộn nhất là 6.50. Thôi cũng được, có con ở nhà tất nhiên mẹ càng vui. Thanh niên trai tráng, đi học xa chút cũng không sao, con thấy được là mẹ yên tâm rồi.

Trường có canteen, rồi cả quán cơm ngoài cổng trường nữa. Vậy nhưng sau đúng hai buổi ăn trên trường thì chàng bảo, mẹ ơi mẹ chuẩn bị gì cho con mang đi ăn với, con không nuốt nổi cơm trên đó. Nhưng ở trường không có lò vi sóng, làm sao quay cơm đây. Dù sao mẹ con cũng đã tìm ra giải pháp – mẹ có thể làm cho chàng một hộp salad Nga, khoai tây rán và xúc xích chấp nhận ăn nguội, hoặc đơn giản là mấy lát bánh mỳ ăn với thịt hun khói, kèm theo sữa, kẹo chocolate, hoa quả. Hôm đầu mang hộp đồ ăn trưa đi, tối về chàng khoe, hôm nay ăn thích thật mẹ ạ. Ngồi trên lớp sạch sẽ, ăn ngon lành, cảm giác rất yomost 😊.

Một hôm trong bữa tối chàng khoe, con mới có một job đấy. Wow, job gì vậy. Con làm tư vấn. (Chà, nghe oai ghê.) Một bạn ở trong SG đang phải làm bài tập, bạn ấy không biết gì, bạn ấy nhờ con, trong vòng hai tuần phải xong. À, hôm nay bạn Hải nhờ con xem CV. Con bảo bạn Hải là bạn ấy còn thiếu nhiều kỹ năng và kinh nghiệm lắm, vậy nên con pass cho Hải việc này, chỗ nào Hải không làm được thì con sẽ tư vấn cho Hải để Hải giúp bạn kia. Làm sao mà con quen bạn ý? À, con chơi game với một nhóm, bạn này là bạn của một bạn trong nhóm game. Kết quả cuối cùng mà chàng khoe với mẹ là, Hải và bạn kia thành bạn bè rồi, giờ các bạn ấy chơi game với nhau. Bạn ấy qua được môn rồi, 7 điểm, mà ban đầu bạn ấy chưa biết gì cả. Hải cũng vững vàng lên nhiều, ghi được một dòng vào CV và con cũng ghi được vào CV là con làm cố vấn 😊. Trong dịp hè chàng trai còn giúp bạn Hà, con cô Liễu, đồng nghiệp cũ của mẹ ôn thi một môn nữa. Chàng nhận xét, giáo trình của bạn ấy học cũ, lạc hậu lắm mẹ ạ. Sao người ta không tạo các nhóm làm dự án liên ngành nhỉ, bọn con viết phần mềm nhưng bọn con có biết đồ họa đâu, rồi sản phẩm tốt bọn con cần có người làm marketing để đưa ra thị trường nữa chứ. Mà con thấy thích dạy mẹ ạ, con nghĩ con khá biết cách giảng giải để người khác hiểu. Ừ, con hoàn toàn có thể mở một lớp dạy lập trình miễn phí cho các em bé... Cứ như vậy, mẹ và chàng trai có thật nhiều thời gian trò chuyện với nhau, mẹ có thể chia sẻ với con rất nhiều điều.

Vậy là con đi học được ba tuần rồi. Chẳng mấy chốc lại hết một kỳ. Nhớ lại những ngày đầu tiên con mới nhập học, con gọi điện về cho mẹ, mẹ ơi, con về nhé, con bỏ học đây, con không học nữa đâu. Thế nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Chỉ thêm hai kỳ nữa là chàng trai ra trường rồi. Nhìn thấy con trưởng thành, ngày càng chững chạc, mẹ mừng vô cùng. Mẹ chỉ cần như vậy – các con có một công việc mà các con yêu thích, tự lo được cho mình và sống một cuộc sống yên bình. Mẹ con mình cùng cảm tạ Chúa đã ban phước lành cho mẹ con mình nhé!

 


29 tháng 8 2022

ĐỜI THAY ĐỔI KHI CHÚNG TA THAY ĐỔI_03_MÌNH MUỐN TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

 Cân nhắc mãi, cuối cùng thì mình đã đưa ra quyết định rời bỏ công việc hiện tại. Đó là một quyết định không dễ dàng. Mình vốn đã định chỉ làm 3 năm nữa rồi chuyển từ chế độ làm việc toàn thời gian sang làm bán thời gian, các công việc tư vấn ngắn hạn, đại để vậy. Dự án mình đang làm ở đây còn hơn 3 năm nữa sẽ kết thúc, khi đó mình nghỉ là vừa đẹp, chấm dứt cuộc đời làm văn phòng 8 tiếng/ngày. Nhưng đời không như là mơ, hoặc do mình là con người quá phức tạp. Một thời gian dài công việc không chạy, nhàn nhã nhưng không hề là sự nhàn nhã thoải mái. Rồi khi công việc chạy, bận đến không thở nổi thì mình lại chán ngán về những vấn đề khác – môi trường làm việc đã không còn enabling như nó đã từng hoặc như mình mong đợi. Và quan trọng hơn, mình không tin những việc mình đang làm là có ý nghĩa, lĩnh vực mình phụ trách không còn là giáo dục, điểm mạnh của mình. Ý nghĩ rời bỏ công việc cứ nhen nhóm trong lòng. Nhưng mình cũng chưa dũng cảm dứt áo ra đi ngay, vì thực ra mình đã nộp một đôi chỗ, vị trí cao hơn hiện tại, nhưng cả đôi nơi mình đều bị trượt ở vòng phỏng vấn đấy thôi. Mình có phải diện giỏi giang gì đâu, nên làm gì được ai săn đón, toàn phải đi câu, rình mãi mới thấy cá mà cá chả thèm cắn câu :).

Thêm một đôi điều không như ý. Cân nhắc thêm một chút, mình quyết định đã đến lúc phải dừng lại. Cũng giống như lần bỏ việc năm 2018, mình nghĩ nếu cứ tiếp tục ở lại đây, mình sẽ không còn tôn trọng bản thân được nữa, mình sẽ chả thể nào nói về công việc với niềm yêu thích, tự hào. Mình cũng đã đến giới hạn chịu đựng về mặt sức khỏe, việc bị stress khiến mình ăn cơm không cảm thấy ngon như mọi khi. Mình trao đổi với chị A., người mình luôn tin tưởng trong những vấn đề kiểu thế này, rồi một đôi người bạn khác nữa, và đương nhiên cả các con. Chẳng ai dám đưa ra quyết định giúp mình, nhưng các cuộc trò chuyện làm mình thêm quyết tâm. Và các con ủng hộ mình. Tuấn bảo, sang năm con đi làm rồi, con có thể góp với mẹ. (Cảm ơn con trai thật nhiều <3). Đã quyết định sẽ rời bỏ công việc, mình đặt lịch nói chuyện với sếp và ngay buổi sáng thứ Hai đầu tuần đó mình vào thẳng vấn đề, em muốn thôi việc, em sẽ làm đến cuối tháng 8 và nghỉ việc. Với các công việc em đang phụ trách, em đề xuất thế này thế này… Sếp sững người. Một con bé nhân viên lúc nào cũng ngoan như cún, làm việc có trách nhiệm, chả bao giờ kêu ca gì mà bỗng dưng đùng một cái thông báo nghỉ. Sếp hỏi tại sao, mình thẳng thắn – bản chất công việc không mang lại niềm vui ở mức độ em mong đợi, các yếu tố của môi trường làm việc cũng chưa ở mức độ em mong đợi. Câu chuyện khá ngắn, vì sếp thừa thông minh để hiểu một khi mình nói ra điều này nghĩa là mình đã suy nghĩ thấu đáo.

Đưa ra quyết định xong mình thấy nhẹ nhõm, bắt tay vào làm những việc cuối cùng và chuẩn bị bàn giao. Gửi tin nhắn, viết thư thông báo cho những đối tác thân thiết, mà có những người giờ đã trở thành bạn bè, ai cũng bảo ôi sao lại thế, đang quen làm việc với chị/em. Mọi người hỏi mình chuyển đi đâu vậy, mình rất hồn nhiên bảo em chưa biết sẽ đi đâu, làm gì, cứ nghỉ đã :). Một nhóm các thầy cô mà mình đi cùng trong một khóa học từ 2018 lập tức tổ chức một chuyến đi chơi, mua hoa tặng mình và một thành viên khác nghỉ quản lý. Anh V., người được coi như trưởng nhóm bảo, dù em đi đâu, làm gì thì em vẫn là thành viên của nhóm nhé. Bó hoa này để đánh dấu sự thay đổi của em thôi. Sau đó liên tục các bạn bè khác cũng mời mình đi ăn. Mình tự giễu bản thân, cứ như thể mọi người ăn mừng việc mình thôi việc, kakaka.

Bận rộn đến ngày cuối cùng với một hội thảo online kéo dài đến tận 12h trưa, vậy nên trong ngày nghỉ đầu tiên mình vẫn phải làm nốt một đôi việc rồi phóng đi hẹn hò với bạn bè. Ngày nghỉ đầu tiên đánh dấu bằng chầu cà phê đầu tiên từ 1.30 đến 2.30 và sau đó là chầu cà phê tiếp theo từ 3.00 đến 6.00, rồi vẫn với nhóm đó tụi mình ngồi tiếp ở quán lẩu đến 8.30 tối, trong một ngày khi cơn bão số 1 bắt đầu đổ bộ và trời mưa ào ào trên đường mình về nhà tối hôm đó. Không đơn giản là chuyện trò luyên thuyên, chúng mình nói nhiều về giá trị của công việc/cuộc sống, về những gì mỗi người mong muốn làm. Thậm chí Th.P, một coach chuyên nghiệp dẫn dắt bọn mình như trong một buổi khai vấn thực sự.

Trên con đường về tối đó, mình nhớ lại ngày thứ Bảy vừa cách đó mấy hôm mình đi dự sự kiện ra mắt cuốn Dọc đường của Nguyên Ngọc. Cả mình và cô bạn T.H đều đồng tình với nhau rằng buổi trò chuyên cực kỳ gợi cảm hứng. Sau đó, khi ngồi cùng nhau ăn bát cháo lòng thay cho bữa trưa, cả hai đứa mình mắt đều rớm nước (chẳng hiểu vì sao nữa), nói rằng chúng mình muốn làm những điều đẹp đẽ, có ý nghĩa cho cuộc sống này. Mình bảo, nếu sống được thọ như bác Ngọc thì tớ còn tới 40 năm nữa, và tớ không muốn cuộc sống trôi đi vô vị.

Đấy, vì thế mà bây giờ mình lại nhảy ùm xuống ao rồi. Tiếp tục rải hồ sơ, tìm việc thôi. Có điều so với cuối năm 2017 thì bây giờ mình vững vàng, tự tin hơn, các con cũng đã lớn hơn nhiều, cho phép mình không phải quá lo lắng. Ừ, mà mình đã có offer làm một đôi công việc tư vấn nữa, công việc dù được trả ít nhưng nó thực sự cho mình niềm vui.

Dù vậy, câu hỏi vẫn còn lại đó, mình muốn trở thành một người như thế nào trong cuộc đời này?


07 tháng 8 2022

NGÀY CON GÁI TUỔI TRĂNG TRÒN

Vừa quay trở lại Sài Gòn học với cô giáo được hơn hai tuần, con gái đã lại bay về Hà Nội để gặp bác Honna trả bài, và “con muốn đón sinh nhật ở nhà”. Ba mẹ con đón sinh nhật sớm của con ở quán Broadway Grill, quán ăn Ý yêu thích của các con. Mẹ không mua bánh để thổi nến, vì ai cũng ngại ăn bánh ngọt, dù mua chiếc nhỏ về thì cũng sẽ ăn mãi mới hết. Mẹ bảo Tuấn, con nhớ tặng quà em nhé, chàng chỉ cười cười. Sau đó, nhớ ra còn một khoản mẹ phải gửi cho chàng, mẹ gửi béng vào tài khoản của em với dòng chữ Quà sinh nhật từ anh Tuấn. Cún sướng rơn, còn Tuấn tuy không happy lắm nhưng cũng đành chịu.

Em cún chu đáo lắm. Trước hôm từ SG về cún đi lang thang rồi bảo mẹ để con mua quần áo cho anh (tất nhiên là bằng tiền của phụ huynh rồi 😊), và mua cho anh nào áo khoác, nào áo phông, còn hứa sẽ mua cả quần. Nhìn hai anh em ríu rít, lòng mẹ ấm áp vô cùng.

Để bù lại lần về nghỉ hè hôm tháng trước đi chơi đến mất mặt, nàng bảo lần này con sẽ chỉ đi chơi 2 hôm thôi, còn lại con ở nhà với mẹ. Sau buổi tối CN ăn cùng mẹ và anh thì mấy hôm tiếp theo nàng lượn suốt, hết bạn này đến bạn khác. Có hôm nàng hẹn qua văn phòng mẹ để đi ăn trưa, thế nên mẹ không mang cơm theo. Đến gần trưa nàng gọi điện bảo con đi ăn với bạn, mẹ già đành lọ mọ đi mua bánh mỳ về văn phòng ngồi gặm. Mẹ than van con cho mẹ leo cây thế đấy, nàng cười hinh hích. Nhưng nàng cũng phân trần, con đi ăn tối với bạn bè có 2 hôm, còn lại toàn về ăn với mẹ đấy thôi😊

Ở tuổi 16, con gái đã đạt được nhiều hơn mẹ trông đợi rất nhiều. Thực ra thì mẹ chẳng trông đợi gì nhiều, chỉ mong con học hành, lên lớp bình thường và có một tuổi thơ để khi nhớ lại con thấy vui vẻ. Vậy nhưng con có một cuộc sống đầy màu sắc và chắc hẳn đầy niềm vui. Con có rất nhiều bạn bè, hầu hết thuộc giới nghệ sỹ và được bạn bè yêu quý. Con biết rõ con đường muốn đi và khẳng định được bản thân trên con đường này. Con đã được biết đến, được mời biểu diễn thường xuyên, được coi như thành viên bán chính thức của dàn nhạc giao hưởng quốc gia.

Tuổi 16 con gái đã sống xa nhà, tự chăm sóc bản thân, tự lo tất cả mọi thứ, từ việc học hành, biểu diễn đến tìm hiểu trường, chuẩn bị cho con đường tiếp theo của con.

Buổi tối cuối cùng của con ở Hà Nội, ba mẹ con rủ nhau đi ăn ở nhà hàng Nhật. Trên con đường đi bộ về nhà dọc theo bờ hồ, mẹ kể cho con nghe về buổi đi chơi của mẹ ngày hôm đó, việc mẹ hát vài bài karaoke và kêu ca mẹ không thưởng thức được những bài hát nhạc trẻ hiện hành rồi ngân nga mấy câu trong bài Hai phương trời cách biệt mà lúc chiều mẹ vừa hát. Như thể chạm đúng vào chiếc công tắc nào đó, con nhiệt tình hưởng ứng hát cùng mẹ, rồi cứ thế hai mẹ con vừa đi vừa hát, hết bài này đến bài khác. Gu âm nhạc của hai mẹ con thật giống nhau, toàn những bài hát tiền chiến, hoặc âm hưởng tiền chiến. Về đến chiếc ghế gỗ bên bờ hồ gần nhà mình, con gái bảo mẹ ơi mình ngồi đây đi. Zời ạ, trời mưa nhẹ, mẹ vẫn đang phải cầm ô, ghế ướt. Con bảo, về nhà thay quần áo, đằng nào chả thay. Okie, mẹ được cái cũng điên gần bằng con. Bờ hồ không một bóng người, hai mẹ con thả sức ngồi hát, hết Cung đàn xưa đến Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Bây giờ tháng mấy, Nửa hồn thương đau, Đêm cuối cùng… Con thật phiêu, sau một hồi hát, con lôi điện thoại ra thu âm, không cho mẹ hát cùng nữa, mặc cho có lúc mưa nặng hạt hơn mẹ giục cũng không chịu về. Con còn bảo, có hôm con thử giọng với các anh chị ở Operaphilia, giọng con mà được luyện cẩn thận thì cũng ra gì và này nọ phết đấy. Nhìn con phiêu trong những bài hát yêu thích, toàn những bài hát với ca từ rất đẹp và nhiều chỗ không dễ hiểu với một đứa trẻ 16, mẹ ngỡ ngàng nhận ra con đã trưởng thành đến thế nào.

Ngồi ở ghế hơn nửa tiếng, đến 10h mẹ giục về nàng vẫn chưa chịu về, bảo con chỉ còn mỗi hôm nay ở đây thôi, mẹ ngồi với con, nếu không thì mẹ về trước, con ngồi một mình. Cuối cùng, sau một loạt các bài nhạc Trịnh, đến gần 10 rưỡi nàng cũng chịu về. Một lúc nào đó có hai người đi ngang qua, lúc họ đến gần con gái mới phát hiện ra, ôi chết rồi mẹ ơi, có người. Hihi, có gì mà chết người cơ chứ. Tuy vậy, chiều lòng con gái mẹ cũng nghiêng ô che để họ khỏi nhìn thấy đầu hai mẹ con, dù là từ phía sau. Mẹ biết, rồi cái buổi tối mưa hai mẹ con ngồi hát cả tiếng ở bờ hồ chắc sẽ theo mẹ mãi, sẽ là một kỷ niệm của mẹ con mình về tuổi trăng tròn của con, và cả sự điên rồ của hai mẹ con nữa. Trưa hôm sau, khi Tuấn hỏi hôm qua mẹ và em đi đâu khuya thế, mẹ bảo mẹ và em ngồi hát ngoài bờ hồ, hôm nao mẹ con mình cũng ra đó hát nhé. Tuấn cười sằng sặc bảo con không điên như em 😊.

Chúc cô con gái tuổi trăng tròn luôn được làm điều con yêu thích – được chơi đàn, khi con vui, khi con buồn, trên những sân khấu lớn, đạt được những mơ ước của con – bay cao, bay xa vào thế giới rộng mở kia. Mẹ mãi ở bên con, yêu thương và thấu hiểu, cả những giây phút rất dị của hai mẹ con nữa, con gái nhỉ! Yêu con gái của mẹ vô cùng!


15 tháng 7 2022

KỲ NGHỈ HÈ CỦA CON GÁI

 Con gái đi học xa, tuy về thường xuyên nhưng mỗi lần về con khá bận rộn, hết luyện tập lại biểu diễn, thời gian dành cho mẹ rất ít. Nhưng lần này thì khác, con về nghỉ hè ba tuần liền. Tối hôm trước ngày bay, con gái gửi cho mẹ một tin nhắn dài ngoằng, liệt kê đủ mọi món nàng thèm, và món nàng muốn ăn ngay trong ngày đầu tiên về đến nhà là bánh cuốn Gia An. Chiều hôm đó nàng chủ động đặt bánh cuốn Gia An để mẹ xách từ văn phòng về - hai suất liền chứ không phải một và tối khuya hôm đó, gần về đến nhà thì nàng đã cuống quýt mẹ quay nóng lại cho con đi, ăn một mạch hết hơn một suất 😊

Tối đó nàng ngủ cùng, ôm ấp mẹ, kể bao chuyện, bắt mẹ thức đến khuya, chắc tận 1h sáng luôn. Những ngày sau thì nàng tung tăng thăm bạn bè và có một hôm về nhà cũ soạn đồ để chuyển sang bên này. Đã lên kế hoạch đi Sapa thăm ông bà từ lâu, ở nhà với mẹ được một tuần thì nàng đi Sapa, đúng vào những ngày Hà Nội nóng nhất. Có hôm mẹ hỏi thăm nàng, bảo nàng ở trên đó thêm đi, dưới này nóng lắm, nàng trêu mẹ bằng một cái mặt cười và dòng tin, “Trên chăn bông, dưới chăn lông, xin chào 38 độ” (ý là người đang nằm trong chăn bông chào người ở nơi 38 độ 😊)

Ở Sapa một tuần thì nàng về. Ôi trời, cứ tưởng về với mẹ, nào ngờ đi mất mặt. Nàng có vô vàn bạn để hẹn hò, mỗi hôm một chị bạn/nhóm bạn nào đó, rồi anh chị em họ bên nội, bên ngoại. Tóm lại là từ Sapa về Hà Nội hôm thứ Sáu, ăn cùng mẹ bữa tối đó, và cả một tuần nữa mẹ mới được ăn cùng nàng bữa tối khác vào thứ Sáu sau đó. Mẹ rên rỉ thì nàng bảo, con chỉ có mấy tuần mùa hè ngắn ngủi, mẹ phải cho con chơi cho thoải mái chứ, rồi vào kia con lại học bục mặt ra ý. Đến sát những ngày gần đi nàng ngủ mấy tối liền bên nhà em Thư Vi. Sau hai tối nàng ngủ bên đó, mẹ bực lắm rồi, bảo con đi luôn đi, thế mà nàng cũng chỉ về ăn cùng mẹ bữa tối rồi lại chớp chớp mắt xin sang nhà các em, bảo đằng nào ở nhà thì mẹ con mình cũng mỗi người một phòng mà. Giời ạ, biến. Mẹ bực mà không làm sao được.

Một chuyện bất ngờ nho nhỏ. Một hôm nàng bảo mẹ, con đang được nhà hát nhạc vũ kịch tìm đây. Thế rồi hôm sau nàng vẻ quan trọng khoe, người ta mời con làm khách mời trên chương trình tivi. Tiếp theo sau đó là mấy ngày nàng miệt mài tập, tối nào cũng muộn mới về, đồng thời chuyến bay vào Sài gòn cũng bị lui ít hôm để nàng quay xong chương trình này. Chương trình con được mời, Cà phê Sáng, chiếu lúc 6.30 và là trực tiếp luôn, vậy nên tối hôm trước con ở lại nhà em Thư Vi để sáng hôm sau đến trường quay từ sớm. Mẹ khoe với ông bà và các bác để cả nhà cùng xem. Còn mẹ thì lúc đó đang trên đường đến văn phòng nên mẹ phải cài VTVGo trên điện thoại để xem trên đường đi. Bà bảo, ông ngồi xem, thấy cháu thì mừng lắm, được một tý nước mắt lại chảy ra. Anh Tuấn tầm đó ngáy kho kho trên giường, đâu có xem gì nên buổi tối, trong lúc ăn cơm mẹ bật lại để Tuấn xem. Tuấn cười cười, em tập bài này trong bao lâu hả mẹ, mẹ bảo ba ngày. Chàng cười rất đểu bảo ngay, đấy, con biết ngay mà, chỉ lừa được người không biết gì thôi, chứ cái bài này dễ kinh khủng, có mỗi mấy nốt nhạc cứ đánh lên cao rồi lại xuống thấp. Hahaha, rất biết hạ thấp nhau. Cún bảo đánh bài khó chị ca sỹ không hát được. Mà anh biết không, chị ấy còn hát sai ấy, em vội vàng theo, may mà câu sau lại đúng :P.

Bây giờ thì con gái đã trở lại Sài Gòn, trở lại với căn phòng, cây đàn của con rồi. Sau đây con sẽ không còn kỳ nghỉ nào dài nữa cả. Nhưng chẳng phải việc chơi đàn với con cũng là một niềm vui bất tận đó sao. Chúc mừng con gái đã qua một năm học nữa, với nhiều kỷ niệm, nhiều bước tiến đáng nhớ. Yêu con gái rất nhiều!

 

19 tháng 6 2022

NGÀY CON TRAI 20 TUỔI

 

Vậy là chàng trai của mẹ đã hai mươi tuổi. Gần đến ngày sinh của con, mẹ hỏi con muốn được tặng quà gì, thì năm nay con được mua máy tính mới rồi mà, chàng hồn nhiên đáp. Dù khó lòng để nói con rất tình cảm và biết thương mẹ, điều rõ ràng là con ít đòi hỏi, cuộc sống của con đơn giản vậy thôi – học hành, chơi game, tìm hiểu điều mình thích, được mẹ nấu cho ăn ngon 😊. Hôm lâu khi chia sẻ với con về khoản nợ tiền nhà chưa trả hết, chàng hào hiệp đề xuất ngay, chỉ sang năm con đi làm rồi, con sẽ góp cùng mẹ trả nợ tiền nhà. Đúng rồi, rồi sau đó mẹ con mình lại cùng góp tiền để con mua cho bản thân ngôi nhà của riêng con, con trai nhỉ.

Mẹ nhớ rõ từng chi tiết những ngày tháng mang thai con, những giây phút chờ sinh con, những năm tháng tuổi thơ của con, một em bé nhanh nhẹn và rất biết lý sự. Quãng thời gian dậy thì của con là rất nhiều nước mắt của mẹ, nhưng dần từng bước con dường như quay trở lại với quỹ đạo, và cũng có thể do mẹ biết cách làm bạn với con hơn. Đến bây giờ, khi chàng trai hai mươi thì mẹ chả còn kêu ca gì về con nữa, nghĩ đến con mẹ thấy lòng ấm áp và bình yên.

Chàng trai hai mươi của mẹ không có những thành tích của “con nhà người ta” – chăm ngoan, học giỏi, nhận học bổng du học, đại để vậy, nhưng chàng trai hai mươi của mẹ biết rõ con muốn làm điều gì, đạt được điều gì trong cuộc sống. Mẹ thường xuyên bảo, con không cần nhiều tiền đến thế để hạnh phúc, nên nếu con kiếm được nhiều tiền, hãy đóng góp, hãy làm một điều gì đó cho cộng đồng. Chàng trai hai mươi của mẹ đã có một CV vững vàng để tự tin rằng con sẽ không khó khăn khi tìm công việc. Chàng trai có những kỹ năng trong công việc – giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý, phân công nhiệm vụ… - những kỹ năng mà có lẽ ở tuổi 35 mẹ cũng chưa được như vậy. Chàng trai cũng có chính kiến hết sức rõ ràng, thường xuyên tranh luận với mẹ về những vấn đề chính trị, xã hội. Và chàng trai của mẹ có một tính hài hước rất dễ thương. Nghe mẹ trao đổi về kế hoạch nghỉ hưu sớm, chàng trai trêu, con nghĩ mẹ có thể bắt đầu tập tỉa cây bon-sai được rồi đấy. Và vừa hôm qua thì chàng trai lại bảo, mẹ có muốn con tìm cho mẹ vài game dành cho người già không, những game đấy không yêu cầu phải rất nhanh mà nó hỗ trợ mẹ tập thể dục, đại để mẹ đứng trước tivi rồi tập thế này thế này này. Ôi chết cười với chàng trai.

Tuổi 20 chàng trai của mẹ tình cảm hơn tuổi 15-17 nhiều. Ngày nào chàng cũng kể cho mẹ nghe những chuyện ở văn phòng chàng, rồi trong bữa cơm thì trêu chọc mẹ, mẹ nhìn con ăn ngon thế này mẹ có thích không (hì hi, thích), tổi tối thì đi dạo cùng mẹ ở bờ hồ, khủyu tay gác lên vai mẹ để ra vẻ ta đây rất cao. Hôm mẹ mệt chàng đã biết hỏi, mẹ có muốn con ở nhà với mẹ không.

Kỷ niệm ngày sinh, hai mẹ con lượn lờ Aeon, và chàng trai chọn Cowboy Jack, với một đĩa sườn nướng rất to. Lúc nhìn menu chàng có vẻ ngại ngần (chà, biết thương mẹ ghê 😊), nhưng mẹ bảo, con cứ thoải mái đi, hôm nay là ngày sinh của con cơ mà. Rồi em cún gọi điện chúc mừng sinh nhật anh. Và hoa, và bánh, mà sau đó hai mẹ con ăn mãi mới hết.

Tuổi 20 là một cột mốc quan trọng. Giờ đây con đã là một chàng trai trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn và việc làm của mình. Mẹ đã không còn hiểu được những câu chuyện chuyên sâu về ngành nghề của con. Dù lúc này lúc khác con vẫn mải mê chơi game, mẹ dường như biết chấp nhận, ít càm ràm hơn. Chỉ một năm nữa là con sẽ ra trường, với một chặng đường hoàn toàn mới mở ra trước mắt. Chúc con trai của mẹ bước vào một chặng đường mới này với đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, để con có những trải nghiệm, những ký ức về một tuổi trẻ thật đáng sống của mình, con nhé. Yêu con rất nhiều!

04 tháng 6 2022

ĐỜI THAY ĐỔI KHI CHÚNG TA THAY ĐỔI_02


Vậy là hai mẹ con chuyển sang Ecopark ở đã được gần 2 tháng rưỡi. Ba tuần đầu tiên chàng trai chỉ ở nhà, ngủ muộn, chơi điện tử và chờ mẹ đi làm về. Nhưng từ 11/4 thì chàng đã bắt đầu đi thực tập, mà kỳ thực tập thì chả khác gì mẹ đi làm cả, cũng là toàn thời gian. Đi làm được mấy hôm chàng thỏ thẻ, mẹ ơi mẹ chuẩn bị cơm cho con mang đi làm. Wow, thay đổi lớn đây. Và từ đó sáng sáng mẹ có thêm nhiệm vụ chuẩn bị cơm trưa cho con, một hộp nhỏ đựng cơm, hộp khác đựng thức ăn chia thành ba ngăn nhỏ, thường mẹ sẽ cho rau vào một ngăn, và hai món thức ăn mặn ở hai ngăn còn lại. Bên trên hai hộp cơm luôn có một chai nhỏ đựng nước hoa quả, rồi một hộp sữa, một chiếc kẹo chocolate to để chàng ăn bữa lửng. Chàng khen, cơm của mẹ ngon hơn cơm gọi bên ngoài nhiều. Thế là mẹ tít mắt, cảm thấy sung sướng vô cùng. Đồng nghiệp của chàng bảo, em đi làm mà hưởng thụ nhỉ, thế này thì lương không đủ tiêu. Hihi, đúng là không đủ thật, nhưng quan điểm của mẹ chàng rất rõ ràng, con không cần tiết kiệm mấy đồng lẻ, mà phải quyết tâm kiếm nhiều đồng chẵn. Tiền bỏ ra để ăn uống cẩn thận và nghỉ ngơi tốt thì rất xứng đáng con trai nhỉ.

Đường đi làm của chàng xa hơn của mẹ nhiều – 25km so với 15km đến Nhà hát lớn. Buổi sáng 6.30 chàng đã phải ra khỏi nhà để đi chuyến xe 6.33’. May mà bến xe ngay dưới chân tòa nhà nên chỉ cần ra khỏi nhà trước giờ xe chạy 2-3’ là đủ. Đường trên cao, nếu thông thoáng thì mất 45-50’ là đến bến cuối, nhưng đường ít khi thông thoáng mà hay ùn, thậm chí có khi tắc. Chàng chuẩn bị tinh thần kiểu gì một tháng cũng vài ba hôm về muộn – 7h hoặc thậm chí hơn chút – nhưng cho đến bây giờ, sau gần hai tháng đi làm thì mọi sự vẫn ổn. Chàng vẫn thấy việc bỏ ra tới gần 3 tiếng trên đường mỗi ngày để được sống ở Ecopark là điều xứng đáng. Tuy nhiên, vì chàng có nhiều lựa chọn nên kế hoạch tiếp theo của chàng là sau kỳ thực tập sẽ tìm một công ty nào đó trụ sở ở ngay quận Hai Bà Trưng hoặc Hoàn Kiếm để việc đi lại thuận tiện hơn. Mẹ thì làm gì có lựa chọn như vậy, nên mẹ chả kêu ca gì cả. Đoạn đường của mẹ thường mất 45-50’ trên xe bus, nhưng vì bến nhà mình là bến cuối nên khá thường xuyên không còn chỗ ngồi, đứng nhiều khi còn chật ý chứ. Thời gian cuối mẹ chuyển sang đi muộn hơn một chuyến – 7.06 thay cho 6.46 và may mắn là chuyến này về cơ bản vắng hơn nên mẹ ít khi phải đứng.

Buổi sáng khi hai mẹ con ngồi ăn nhanh cùng nhau, mẹ hay bảo chàng, con nhìn ra ngoài cửa sổ kìa. Một màu xanh rậm rì, trải dài xa tít, thật đã con mắt. Khoa học đã chứng minh sống gần thiên nhiên giúp người ta khỏe hơn, thư giãn hơn. Mình chả cần khoa học gì thì cũng cảm nhận rõ rằng cứ đi về gần đến nhà, nhìn những hàng cây chạy dài bên đường lòng mình đã thư thái hơn nhiều. Bước xuống khỏi xe bus mỗi chiều nhiều khi mình bắt gặp mình mỉm cười, lòng bình yên, hạnh phúc. Buổi tối thường mình sẽ rủ, và cũng có hôm con trai rủ mình đi dạo ít bước theo bờ hồ. Chàng trai thích nhìn ngắm những gợn nước lung linh trong ánh đèn, thích nhìn con đường, cây cầu. Kết thúc chuyển đi dạo buổi tối hai mẹ con hay ngồi lại ở chiếc ghế bên hồ, có khi ngửa mặt lên nhìn trăng, sao, rồi có hôm là trời gió, những đám mây trắng nhẹ bay nhanh.

Những câu chuyện buổi tối, trong bữa ăn, và được tiếp nối trong các cuộc đi dạo bên hồ, thường về công việc của con, dự án hiện tại và những dự định trong tương lai. Từ bao giờ mẹ cũng chẳng nhớ, con trai đã trở nên chín chắn như vậy. Con dạy thêm cho bạn H., con cô L. đồng nghiệp cũ của mẹ và bạn H. ngưỡng mộ con vô cùng, về kiến thức và cả những dự định rõ ràng của con. Em M. cũng vậy. Wow, mẹ đánh giá thấp con trai của mẹ rồi nhỉ. Hihi, nói vậy thôi chứ giờ mẹ đâu có hiểu rõ những gì con học, con làm, những câu chuyện chuyên môn của con. Cứ thấy con hào hứng là mẹ vui rồi.

Con gái lâu lâu mới về thăm nhà. Con thường hay bảo mẹ, về bên này thích quá, con cứ muốn nấn ná ở nhà thôi, hôm nào con cũng đi muộn vì không muốn rời nhà. Tối hôm qua con gái gửi mẹ hai tấm ảnh chụp từ hè năm ngoái và bảo, con nhớ Ecopark quá.

Mẹ con mình cũng bắt đầu có hàng xóm mới. Thực ra chúng ta mới gặp có hai nhà chếch cửa, và mọi người nhìn chung đều hiền lành, dễ chịu. Cư dân ở đây nói chung khá đồng nhất và văn minh. Một hôm cún đi từ bên Hà Nội về muộn. Nàng tập đàn cả ngày, mệt quá, lên xe là ngủ thiếp đi và qua bến nhà mình mà không biết. Đến khi nàng hỏi đã đến bến Sky 1 chưa, mọi người bảo quá rồi, thế là chú lái xe sau khi đã trả xong khách thì đi vòng lại bến đó cho con về. Cún rất happy và bảo, mẹ ơi sao mọi người ở đây tốt thế.

Mẹ rất mừng mẹ con mình đã tìm được một nơi mà ở đó cả mấy mẹ con đều rất hạnh phúc. Cách đây một năm mẹ đâu có bất kỳ ý nghĩ nào về việc chuyển đi nơi khác thế này. Và từ khi mua được căn hộ mới, mẹ luôn bảo với Tuấn, khi mình quyết tâm và tìm mọi cách để làm thì mình sẽ làm được con ạ. Chàng đồng tình ngay, con cũng nghĩ thế. Hóa ra việc mua căn nhà mới này còn là một điều giúp các con thêm nỗ lực trong cuộc sống.

Đúng là đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Và chắc chắn mẹ con mình đã cố gắng để thay đổi theo hướng tốt hơn. Chúc mừng cả mấy mẹ con mình, nhỉ!

 


Ban công mới của hai mẹ con. Chỉ cần ngồi trong nhà nhìn ra đã làm mình thư thái

Ở làng mình cứ giơ điện thoại lên là có sẵn cảnh đẹp
Nơi buổi sáng cuối tuần mình hay ngồi một lúc dưới gốc đây đọc sách và nghe tiếng chim

 

14 tháng 5 2022

TÉP THƯƠNG YÊU ƠI, TẠM BIỆT EM NHÉ!

 Tép ốm gần một tháng. Ban đầu Tép bị đi ngoài kéo dài. Mình chưa có kinh nghiệm nuôi mèo bao giờ nên cứ nghĩ cũng giống như người, vài hôm sẽ qua. Nhưng mãi em không khỏi đi ngoài. Rồi Tép bắt đầu kém ăn, ít hoạt động hơn. Đến lúc đó thì mình nghĩ phải cho em đi khám. Lọ mọ tìm hiểu, mình đưa em ra phòng khám EcoPet. Bác sỹ khám, làm các xét nghiệm rồi cho em uống men tiêu hóa. Mình vật lộn cho em uống men tiêu hóa. Bữa đầu còn được, bữa sau thì em bỏ không ăn khi mình trộn men vào thức ăn. Mình quệt vào đầu ngón tay rồi bôi lên mũi em để em phải liếm. Cũng chẳng ăn thua gì. Em bỏ ăn đôi hôm thì mình sốt ruột quá, lại mang em ra phòng khám, gửi em nội trú ở đó để người ta ép em ăn bằng xi lanh. Được đúng một hôm, phòng khám gọi điện cho mình báo có thể em bị một căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm có tên là lepto và không cho em nội trú nữa. Đón em về, tạm thời mình để em ở một phòng riêng và mày mò tìm hiểu về căn bệnh, về việc liệu có thể chạy chữa cho em ở đâu. Một hồi thì mình quyết định cho em đi phòng khám Thành Vinh ở đường Trường Chinh. Tuấn phải nghỉ làm một hôm, ở nhà chờ người đến đón em đi. Cả ngày làm việc mình cứ phấp phỏng chờ kết quả xét nghiệm của em vì xét nghiệm của phòng khám EcoPet làm chưa đủ kỹ lưỡng. Bác sỹ báo em không bị lepto nhưng kết quả xét nghiệm rất xấu, em bị một căn bệnh tên là FIP, không chữa được. Gan, mật của em cũng có vấn đề. Nghe bác sỹ nói mà nước mắt mình cứ chảy ròng ròng. Không thể nào tưởng tượng được, vừa mới gần đây thôi em vẫn vui vẻ nhảy nhót, vẫn nằm lăn ra chờ được vuốt ve mỗi khi mình đi đâu về, sao lại có thể như thế được. Và tại sao không phải bạn nào khác mà lại là em Tép yêu thương của mình?

Mình tiếp tục hỏi thông tin ở phòng khám ngày trước Tép đã từng khám, rồi hỏi người quen, thử xem còn có cách nào không, liên lạc với một số nơi, tìm hiểu... Mình rất muốn tiếp tục đưa em đến nơi khác, một ai đó hứa hẹn sẽ chữa khỏi cho em. Nhưng có một lời khuyên làm mình phải để ý, một bạn ở bệnh viện thú cưng SamYang bảo mình, có lẽ chị nên để em ấy ở Thành Vinh, bên đó cũng tốt, mỗi lần di chuyển là một lần em ấy sẽ stress thêm. Mình nói chuyện với các con, đề nghị các con rằng nếu chữa chạy cho em tốn rất nhiều tiền thì sẽ cắt giảm mọi chi tiêu khác để lo chạy chữa cho em, chúng ta không thể nào để mặc em ốm được. Trước mắt cả nhà quyết định để em nằm viện ít bữa, ít nhất hàng ngày em sẽ được bổ sung thuốc bổ, tiếp tục theo dõi tình hình.

Vậy là Tép nằm viện gần một tuần, ngày nào mình cũng nói họ gửi video để biết tình hình em. Cún từ Sài gòn ra và tranh thủ ghé thăm Tép trước khi vô lại trong đó. Mình cũng dành một buổi trưa đi từ văn phòng đến thăm em. Tép yếu đi từng ngày, chỉ nằm một chỗ trong lồng. Hôm mình đến thăm, Tép nhận ra mình nên cứ meo meo đòi ra, thương vô cùng. Sau gần một tuần, khi thấy rõ rằng sẽ không có tiến triển gì, và bác sỹ cũng đã nói từ đầu, bệnh em rất nặng, không chữa được, cả nhà quyết định rằng sẽ tốt hơn nếu cho em về nhà để em được sống những ngày cuối trong khung cảnh quen thuộc, trong bầu không khí ấm áp, yêu thương. Câu chuyện cũng được cả nhà bàn là sau khi em mất sẽ làm gì – chôn hay hỏa táng - và cả nhà quyết định sẽ chôn em ở gốc cây khế nơi nhà cũ để cả nhà được biết em ở đâu. Suốt cả thời gian này mình vẫn cố trông chờ vào phép màu, biết đâu Tép sẽ khỏe lại, sẽ nhảy nhót, chơi đùa, đòi được âu yếm.

Về nhà Tép tiếp tục không ăn gì, yếu đi từng ngày. Em không còn sức để ra đón mỗi khi có người nhà về nữa, nhưng em vẫn muốn được gần gũi người. Cuối tuần trước mình dành rất nhiều thời gian cho em, ngồi làm việc trên giường để em có thể nằm ép vào chân mình. Đi làm về việc đầu tiên là xem em thế nào. Thường em nằm hoặc ngồi trên giường mình, thấy mình vào thì meo meo chào hỏi. Mình sẽ ngồi với em ít phút, trò chuyện với em, vuốt ve em, đưa bát nước, bát đồ ăn vào trước mặt dỗ dành xem em có ăn uống được tý nào không rồi mới đi nấu cơm. Thực ra thì em đã gần như bỏ ăn, da thịt tóp đi từng ngày. Hai mẹ con vật lộn tìm cách chăm em, ép em dù là vài thìa sữa. Hôm đón em ở Thành Vinh Pet về mình đang đi công tác, chính Tuấn là người chạy đi mua sữa rồi tìm mọi cách bón cho em đôi thìa. Hôm sau hai mẹ con thử dùng xi lanh để ép em ăn sữa, bơm từng chút một chút một, chỉ sợ em bị sặc. Tuấn đề nghị sao mình không thử cho em ăn bằng bình sữa. Lại đi mua bình sữa, cũng chỉ được hôm đầu, hôm sau cố mãi cho ăn được một chút thì chỉ hai phút sau em nôn ra hết. Mình đau lòng bảo Tuấn, thôi không ép em nữa con ạ, mẹ không ngại mỗi lần bế em, ép ăn là sữa dây hết ra quần áo, nhưng mẹ thương em nôn, chắc em khó chịu lắm. Chúng ta tôn trọng em, không ép em nữa, chỉ đưa vào trước mặt, nếu em không muốn ăn thì để em được yên vậy.

Chứng kiến Tép yếu đi từng ngày như vậy, mình đau lòng vô cùng. Niềm an ủi là em có vẻ không đau đớn gì, chỉ yếu dần đi thôi. Đã có lúc mình nghĩ hay trợ tử cho em, để em được sớm ra đi, nhưng niềm tin vào Chúa không cho mình làm như vậy, và cún cũng không muốn. Cả tuần cuối mình ngủ không ngon vì mỗi khi em giẫy hay có một cái đạp nhẹ mình lại lo em làm sao, rồi mình tỉnh giấc mỗi khi em xoay trở cách nằm. Em vẫn thường xuyên nép sát vào mình, nhìn mình và khi mình trò chuyện thì em meo meo một cách yếu ớt. Suốt những ngày đó mình luôn buông rèm, để phòng tối cho em khỏi khó chịu. Đêm cuối cùng em ngủ cùng mình là đêm thứ Tư, khi em vẫn còn có thể nhảy lên giường được, nhưng chiều thứ Năm đi làm về thì mình thấy em không ở trên giường nữa mà chui vào một góc trong phòng tắm. Tối muộn hơn thì mình thấy em nằm nghiêng, vẫn còn thở nhưng hơi thở nặng nhọc, mắt nhắm nghiền. Đã đọc nhiều về những giờ cuối của mèo, vả lại đã hơn một tuần em chỉ ăn uống rất ít, mình hiểu những giờ cuối của em đã đến. Mình khép hờ cửa phòng tắm, phòng ngủ của mình bên ngoài cũng không bật điện để em được yên tĩnh. Dù muốn vuốt ve em nhưng mình hiểu em muốn được một mình, được yên tĩnh trong những giờ cuối đó nên mình chỉ ở ngoài cửa phòng tắm, trò chuyện với em, đọc bài kinh để em ra đi thanh thản mà nước mắt như mưa, rồi bảo Tuấn vào nói lời tạm biệt em. Buổi sáng hôm sau, ngay trước khi tỉnh dậy ít phút mình mơ thấy Tép khỏe mạnh, nhảy nhót tưng bừng, chắc em ấy nói lời tạm biệt với mình.

Vậy là Tép đã rời xa nhà mình rồi. Bây giờ thì Tép đã nằm nghỉ ngơi dưới gốc cây khế, và biết đâu em đang ở một thế giới thật đẹp, thật thanh bình. Mình nhớ Tép khôn nguôi, cứ nghĩ về em là nước mắt lại trào ra. Tép vừa qua sinh nhật 1 tuổi được mấy hôm. Vì em ốm đau nên chẳng nghĩ chuyện làm sinh nhật cho em. Mình không thể hình dung việc nuôi em Tép khiến mình gắn bó với em đến thế. Và ân hận. Nếu mình có kinh nghiệm hơn, cho em đi khám sớm hơn, lưu ý từng thay đổi nhỏ của em, biết đâu đã có thể chữa chạy cho em khi mới chớm bệnh và em qua được. Niềm an ủi là tuy cuộc sống của em ngắn ngủi nhưng chắc chắn em đã được yêu thương hết lòng. Mình nhớ thỉnh thoảng còn đùa với chị Th., nó sướng hơn em nhiều. Và em cũng sống một cuộc sống có ý nghĩa, mang lại cho nhà mình biết bao niềm vui.

Tép ơi cả nhà tạm biệt em nhé. Có duyên, chúng ta sẽ gặp lại. Nhưng chắc chắn cả nhà sẽ còn nhớ đến em, rất lâu, rất lâu nữa. Cầu mong em sang một thế giới khác, nơi em lại được yêu thương và em lại như mọi khi, vô lo vô nghĩ nhảy nhót và mang niềm vui đến cho mọi người. Yêu em thật nhiều!


27 tháng 4 2022

CHUYỆN CHÀNG TRAI ĐI HỌC FPT_04_VIẾT TIẾP CHUYỆN THỰC TẬP

 Thế là chàng trai đi thực tập được hơn 2 tuần, giờ đã là tuần thứ ba. Tối nào hai mẹ con cũng có bao chuyện để nói quanh bữa cơm – các bạn, mà không, các anh chị thỉnh thoảng lại hỏi con khi có điều không hiểu. Có một chị nhiều tuổi nhất còn xin ngồi cạnh con để tiện hỏi. Con thấy chả có áp lực gì, đây là những việc con vẫn thường làm… Thường buổi tối, sau bữa ăn mẹ sẽ rủ chàng trai đi dạo ít phút quanh bờ hồ với những cây cầu đổi màu, với những hàng đèn lung linh. Và chủ đề thường xuyên trong những cuộc đi dạo là việc con cần tiếp tục củng cố những kỹ năng gì, như thế nào, kế hoạch trong ngắn hạn, dài hạn… Mẹ trêu, đi làm vất vả nhỉ. Chàng tỉnh bơ đáp lại, thì rõ, bình thường đi học con có học cái gì đâu.

Đi làm được đúng một tuần, buổi chiều hôm đó chàng vừa bước vào nhà đã náo nức khoe với mẹ ngay, hôm nay con được promotion (thăng chức 😊) đấy. Mẹ ngạc nhiên hỏi promotion gì, chàng cười cười giơ ngón cái lên làm điệu bộ bảo, một dạng promotion. Hôm nay con được chuyển từ nhóm thực tập sang nhóm nhân viên chính thức rồi. Công việc thật, trách nhiệm thật, mỗi tội tiền thì chưa chắc thật, hê hê (ghi chú, câu này là của mẹ thêm vào.) Dự án ground, bọn con phải bắt đầu làm từ đầu đấy. Team chúng con có 3 người. Hôm sau đi làm về chàng bảo, chàng vẻ rất quan trọng bảo, suốt cả ngày hôm nay con hầu như chỉ họp hành (Hề hề, giống mẹ ghê.) Mẹ hỏi thế các anh chị đi thực tập cùng thế nào, có hơi ghen tỵ với con không. Có, hình như là có 😊.

Thế là chàng trai đã bắt đầu công việc một cách thực sự. Chàng lập tức viết thư cho phòng dịch vụ sinh viên, hỏi nếu sau kỳ thực tập chàng được công ty nhận vào làm chính thức thì nhà trường có hỗ trợ không. Câu trả lời là trong trường hợp đó sinh viên không cần điểm danh mà chỉ cần đi thi thôi. Con nghĩ con không quay lại trường ngay đâu, ít nhất con sẽ đi làm thêm 1 kỳ nữa, có thể đến tận kỳ làm đồ án tốt nghiệp thì con mới đi học lại. Thi toàn trắc nghiệm ấy mà, con chả cần học, con chỉ cần hiểu câu hỏi rồi đoán câu trả lời là được. Mẹ thấy con có ghê không, lẽ ra phải tập huấn một tháng, rồi sau đó tập huấn ở mức độ cao hơn, đằng này con được tuyển thẳng vào nhóm nhân viên chính thức. Win-win, công ty có được một nhân viên đầy nhiệt huyết, lại tiết kiệm, trả lương cho con vài đồng lẻ, còn con thì được tạo cơ hội để học hành biết bao điều.

Văn phòng xa, thời gian cuối, từ khi học sinh đi học lại còn tắc đường hơn bình thường, ngày nào con cũng mất ít nhất 1 tiếng 10’, thậm chí tiếng rưỡi cho một chiều. Vậy nhưng chàng trai vẫn thích đi về bên Ecopark hơn, bảo con thấy giống như con đi học trên Láng Hòa lạc. Dù vậy, có hôm chàng trai cũng rên rỉ, giá con có thể làm ở ngay Ecopark nhỉ. Mẹ động viên, bây giờ đi thực tập nên con có ít lựa chọn. Cố gắng hết kỳ thực tập rồi con tha hồ chọn công ty mà ứng tuyển. Con hoàn toàn có thể có cơ hội tìm được công ty ở ngay Ecopark, ở Gia lâm, Long biên, hoặc quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm cũng giúp rút ngắn đường đi tương đối.

Đi làm được đôi hôm thì chàng trai đề xuất con muốn mang cơm đi. Mẹ và chàng đi tìm mua cho chàng một bộ hộp và túi để xách đi làm của Lock&Lock rất tiện và đẹp. Suất cơm của chàng còn gồm cả nước hoa quả, rồi một chiếc kẹo chocolate to, thường là Sneakers hoặc KitKat và hộp sữa để ăn thêm lúc lửng buổi sáng. Chàng kể, chị bạn đi thực tập cùng bảo em đi làm mà có vẻ hưởng thụ nhỉ, thế này thì lương không đủ tiêu. Hihi, có vẻ thế thật. Nhưng mẹ nêu quan điểm là con cần tìm cách nâng cao năng lực và kiếm thêm tiền chứ không phải tiết kiệm mấy đồng lẻ. Chuyện ăn uống, đi lại phải làm sao để mình làm tốt công việc và giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Đến cuối tuần thực tập thứ hai chàng mới kể cho mẹ nghe về việc công ty chàng có happy hour vào chiều thứ Sáu, hát hò, chơi game, giao lưu… Mẹ khuyến khích ngay, con cần giao lưu để mở rộng mối quan hệ. Mẹ sẽ nấu cơm chờ con về, hoặc mẹ con mình ra ngoài ăn. Đi chuyến xe muộn hơn 1 tiếng, hoặc muộn nữa cũng không sao, hoặc mải vui quá thì về nhà cũ ngủ.

Vậy là chàng trai đã thực sự làm người nhớn rồi. Sáng sáng mặc dù vẫn để mẹ gọi đôi lần mới dậy nhưng từ hôm đi làm chàng mới nhỡ xe bus có 1 lần 😊. Mẹ cũng mới thống nhất sẽ gọi chàng sớm thêm 5’ để chàng có thể ăn bữa sáng một cách ngon lành hơn. Trẻ con sắp nghỉ hè, hy vọng khi đó đường xá sẽ thông thoáng hơn. Mà kể cả phải ngồi trên xe bus lâu thêm 10-15’ thì con vẫn có thể nhắm mắt nghỉ ngơi, nghe nhạc mà. Về nhà thì đã có cơm nóng canh ngọt chờ con. Con đi làm bằng xe bus thế này mẹ thấy yên tâm hơn hẳn so với việc chàng trai phóng xe máy ngoài đường.

Mẹ chờ xem con sẽ có những điều bất ngờ nào nữa dành cho mẹ đây. Với mẹ, chỉ cần con vui với công việc là mẹ happy rồi. Chúc con trai vững vàng nhé!