27 tháng 2 2015

GIEO MẦM



Bắt đầu học đàn từ khi các con còn nhỏ, thời gian thấm thoắt trôi, một hôm nào đó, xem lại những tấm ảnh các con ngày mới bắt đầu chập chững, mẹ thấy tự hào mẹ con mình đã đi được quãng đường thật dài.

Khi anh Tôm học gần hết lớp Một, mẹ dỗ dành anh theo học lớp cảm thụ âm nhạc tại trung tâm Sol Art. Những giờ học cảm thụ khá nhẹ nhàng, chủ yếu chơi các trò chơi với âm nhạc, thời gian ngồi trước đàn rất ít nên anh có vẻ thích thú. Được ít hôm mẹ hỏi anh có thích được bố mẹ mua cho một cây đàn piano của riêng mình không. Anh Tôm sung sướng gật đầu và mẹ cũng giao hẹn luôn, việc mua một cây đàn không đơn giản, bố mẹ phải cố gắng nhiều mới có thể mua cho con, vậy nên con phải hứa sẽ thực sự học lâu dài. Vẫn còn lâng lâng với viễn cảnh có một cây đàn của riêng mình, anh Tôm hứa ngay. Con đường học đàn của anh Tôm bắt đầu từ đấy, với khá nhiều lần đổi thầy cô. Tất nhiên, đoạn đường đã qua đầy gian truân, đã có những thời điểm nước mắt anh chảy ròng ròng khi ngồi vào đàn, rồi anh bảo từ giờ con không học đàn nữa, con trả lại đàn cho mẹ vì bây giờ mẹ cũng đánh đàn. Mẹ không quát mắng gì, chỉ vô cùng cương quyết bảo bố mẹ mua đàn chỉ vì con, bố mẹ và con đã bỏ nhiều công sức, nhiều tiền, giờ con đi tiếp thì được, bỏ là mất hết, chỉ một đôi năm nữa con sẽ cảm ơn bố mẹ đã ép buộc con học. Không là không. Vậy là lại bước tiếp sau những cơn giận dỗi và làm mình làm mẩy, dỗ dành, hứa hẹn... Khoảng một năm trước, khi chuyển con sang một trung tâm mới, chắc thầy biết cách động viên nên con tiến bộ nhanh hơn hẳn, rồi con tuyên bố muốn thi vào nhạc viện. Kể từ đó, thời gian đánh đàn hàng ngày tăng từ 30’ lên 45’. Dù sau đó con không thi nữa thì thời gian tập đàn hàng ngày vẫn giữ nguyên. Việc tập tành đã vào quy củ, việc ngồi thiền trước đàn hàng ngày là điều hiển nhiên, bố mẹ ít khi phải nhắc nhở. Năm nay con lại tuyên bố sẽ thi vào nhạc viện và tự động tăng thời gian tập hàng ngày lên 2 tiếng. Chả phải lúc nào cũng được đầy đủ 2 tiếng nhưng dù 1 tiếng hay tiếng rưỡi thì mẹ cũng thấy hài lòng rồi. Tốc độ vỡ bài của con rất nhanh, kỹ năng thị tấu tốt, kỹ thuật ngón tốt, đặc biệt những đoạn chạy tốc độ cao. Mỗi tội như mẹ hay đùa, con đánh với một tốc độ kinh hoàng nhưng không chút cảm xúc, kakaka.
Con trai năm 2010
Thấy anh Tôm học đàn, từ lúc 3-4 tuổi cún cũng hay ngồi vào đánh vài nốt vớ vẩn. Mẹ vẫn nghĩ khi nào con vào lớp Một thì con sẽ theo chân anh học đàn piano. Thế rồi một hôm, khi con hơn 5 tuổi, bác V. đến lên dây đàn cho nhà mình, gặp và mê tít con. Bác cứ bảo con mà học celo thì hay biết bao, thậm chí bác bao học phí. Rồi chả hiểu bác nhắc đến violin khi nào mà con nằng nặc đòi học violin. Khi được mẹ giải thích rằng mỗi ngày phải luyện tập ít nhất 20’ thì con hùng hồn tuyên bố con sẽ tập mỗi ngày 2 tiếng. Một hồi rồi cả nhà cũng đồng ý cho con học violin và ông bà tặng con cây đàn bé xíu, trông rất xinh. Học violin thật vất vả. Con bé bỏng như thế, cây đàn dù thuộc cỡ nhỏ thì con vẫn phải căng tay ra mới vừa. Con học mấy tháng liền mới biết cầm đàn và acxe đúng cách. Học cả năm trời mà tiếng đàn của con nghe vẫn thật khủng khiếp, chả khác ếch kêu là mấy. Được một hồi thì con nản, con bảo giờ con ân hận rồi. Nhưng là đứa trẻ ngoan ngoãn, con biết con không được phép dừng vậy nên mẹ con tiếp tục học, tiếp tục vật lộn với 20’ tập hàng ngày của con mà nhiều khi con chả mấy hứng thú, cò cưa như cơm nguội, còn bác Th. và bác T. bảo như kéo nhị.
Công chúa năm 2009
 Còn đây là 2010
Từ lâu, khi xem bộ phim Tân tiếu ngạo giang hồ con mê cô diễn viên chơi đàn tranh lắm. Con tha thiết đề nghị mẹ cho con học. Mẹ không muốn con vất vả nên cứ chần chừ mãi. Cuối cùng cũng phải đồng ý cho con học với cam kết rằng mỗi ngày sẽ tập ít nhất 30’, học ít nhất 2 năm mới được bỏ. Thấm thoắt con học đàn tranh đã được gần 5 tháng. Với đàn tranh con tiến bộ rất nhanh. Hai cô trò yêu quý nhau lắm, buổi học nào cũng ngồi lâu ơi là lâu. Cô tỉ mỉ và có phương pháp khác thầy, khích lệ con nhiều. Chả rõ đã đến lúc tiếng đàn violin của con do tập luyện lâu nên khá hơn, hay do ảnh hưởng tốt từ việc học đàn tranh, mà thời gian cuối cả tiếng đàn violin của con cũng tiến bộ nhiều.
Tự tin kéo đàn trong buổi lễ Elsa Party_Tháng 5/2014
 Và ở Thái Lan, trước 450 khách
Một thú vui khác nữa của con là ngồi vào cây đàn piano. Thường cứ về đến nhà, vứt cặp sách là con sẽ ngồi vào cây đàn, bấm một đoạn ngắn trong bản waltz mẹ tập mãi nên con nghe cũng thành quen và tự mày mò. Con đã có thể chuyển đổi các bài giữa cả 3 nhạc cụ, học ở đàn này thì đánh luôn cả ở 2 đàn khác, dù con chưa hề có một buổi học piano. Ông bà về chơi nghe thấy thế thì choáng lắm :).  

Với anh Tôm vất vả bao nhiêu thì với con mẹ nhẹ nhàng bấy nhiêu. Mọi hạt mầm mẹ gieo cho con gái đều nhanh chóng cho kết quả. Vừa đưa con đi xem vở nhạc kịch Nhà thờ Đức bà Paris mấy hôm trước thì vài ngày sau, khi mời các bạn đến chơi con đã đóng vai đạo diễn, bắt các bạn tạo một đôi cảnh như thật, bôi cả mực đỏ lên tay giả làm máu me rồi nằm xoài trên nền nhà. Rồi hướng dẫn các bạn trong một điệu nhảy. Một hôm đến đón, thấy các con bảo chúng con đang làm phóng sự tuổi teen, thế là mẹ lại nhớ lần cho các con đi Kid City và con chọn chơi trò đóng vai phát thanh viên.

Nào, mầm đã nảy, mẹ con mình hãy cũng nhau chăm bón, vun trồng. Mẹ luôn cảm thấy có lỗi vì có vẻ như mẹ đã không dành thời gian đầy đủ cho các con, khiến kết quả học tập của các con không được như mong đợi. Nhưng liệu có nhất thiết phải ép các con học miệt mài cái thứ mà các con không hề yêu thích và bản thân mẹ biết rất rõ không giúp ích quá nhiều cho các con trong cuộc sống sau này. Còn âm nhạc và sách vở, mẹ biết chắc, sẽ là người bạn suốt đời của các con, là chỗ dựa, là cái giúp các con cân bằng trong cuộc sống mỗi khi gặp khó khăn. Cố lên các con nhé. Mẹ yêu các con.

Còn đây là một clip đàn tranh của con, công sức sau 5 tháng học hành. Mẹ tự hào về con quá.

25 tháng 2 2015

ĐI GIỮA MÙA XUÂN



Lên đến Sapa vào chiều mùng 4 Tết, mình lòng đầy phấn khích khi còn cách Sapa hơn chục cây đã thấy loáng thoáng những cây đào, cây mận hoa nở hồng rực hay trắng muốt. Gửi tin nhắn cho một người bạn bảo em phê như vừa nuốt mấy viên thuốc lắc :). Vừa về đến nhà mình bảo sáng mai con đi Hàm Rồng, vì sợ trời sẽ chuyển mưa lạnh. Thấy mình nói vậy, ông bảo ngay, bố leo với con. Năm nay ông yếu nhiều, đi lại chậm và run, mình băn khoăn, không muốn để ông đi. Bác T. bảo cứ cho ông đi, bác K. cũng đồng tình. Thế là hai bố con đã có một buổi sáng lang thang 3 tiếng liền trên khu công viên Hàm Rồng đẹp tuyệt vời. Ông là vị khách du lịch đặc biệt, đi đường bao nhiêu người hỏi thăm ông và phần lớn đều choáng váng khi biết tuổi ông. Có người sau khi hỏi tuổi ông xong cứ mô Phật, mô Phật. Đến khu vườn lan hay vườn hoa thì khách du lịch vẫn đông nườm nượp, chắc tranh thủ ngày cuối trước khi về lại với công việc, nhưng khi mình và ông leo lên chỗ vườn hoa nhìn lên đỉnh con cóc thì đã khá vắng vẻ. Cái đám dân thành thị đứng ở vườn hoa trung tâm nhìn lên sân mây thấy chết khiếp, không nhiều người dám leo. Mình và ông thì cứ chậm rãi đi, bỏ lại sau lưng rất nhiều người. Lên đến gần vườn hoa con cóc, không nhịn được, mình lại gọi điện cho cô cháu ở Lao Cai trêu chọc đôi câu. Chưa kịp nói gì cô cháu đã bảo, biết rồi, có mỗi bài đấy mà năm nào cũng đem ra. Mình bảo, ừ đấy, mỗi bài đấy nhưng năm nào cũng làm cho một đứa ghen tỵ đến chết, hehe. Trêu nó vậy thôi, nhưng mình thương nó thật. Ngày chưa lấy chồng quấn quít ông bà vô kể, giờ con bìu con ríu, rồi ngay trước Tết mẹ chồng lại bị ngã, nàng tận giờ còn chưa vào thăm ông bà được, nhớ ông bà có khi còn khóc ấy chứ. Nào có xa xôi gì, hơn 30 km, thế mà lấy chồng rồi cứ như thể cách núi cách sông.
Tác phẩm buối sáng leo Hàm Rồng của mình đây:
 Ông đứng ở khu vườn lan
Thị trấn bên dưới thật xinh đẹp
 Nào thì hoa đào
 Kiểu xếp đá chồng lên thành cột, và cả con đường lát đá rất đặc trưng của Sapa xưa


Mình cứ mê mẩn những bông hoa mận hậu
 Những cây mận, đào chen giữa núi đá
 Con đường năm nào mình cũng đi mà chưa bao giờ thấy chán
 Mận, đào và mận rừng trong cái nắng vàng rót mật và bầu trời ngăn ngắt xanh
 Cô cháu mình mà nhìn thấy ảnh này thì ghen tỵ lắm đây :)

Cây mộc lan mới được gây giống, năm ngoái còn chưa có. Cây mới cao khoảng 2m mà năm nay đã nhiều hoa phết. Đường kính hoa khoảng 12-15cm.
Sapa đang ở vào thời điểm rực rỡ. Khắp xung quanh thị trấn chỗ nào cũng có thể bắt gặp những cây đào hoa và nụ loáng thoáng bên những chồi biếc đã bung ra. Những cây hoa mận thì khác hẳn, không một chiếc lá, hoa mọc bám theo các cành tạo thành những cành hoa trắng tinh khôi, mềm mại. Vườn mận của ông Pờ nơi trung tâm, ngày xưa là của gia đình, giờ đã thành tài sản chung, thành đặc sản của Sapa. Những cây mận tuổi đời có lẽ đã 50-70 năm, rêu mọc kín đen các cành, nếu vào mùa đông thì người ta cứ nghĩ những cây đó chết rồi. Vậy mà xuân tới, những chùm hoa mận lại bung ra, đẹp lộng lẫy, kiêu sa mà mình ngắm không biết chán.


Khu vườn quanh một ngôi nhà
Nhà thờ tĩnh lặng trong buổi chiều mùng Sáu, khi khách du lịch đã vãn


Những cây mận hậu nơi công viên trung tâm
 Đã biết cây mận hậu ở dốc Ôten từ lâu, và cũng muốn ngắm cây hoa vào buổi sáng sớm, một hôm mình dậy sớm, lang thang qua nhà thờ, vườn hoa trung tâm, men bờ hồ bên phía núi Hàm Rồng để đến tận chỗ cây hoa đó, đứng ngắm một lúc rồi men theo phía bờ hồ bên kia đi về. Mất đúng 1 tiếng. Làm nghệ sỹ [thật] đâu phải chuyện đơn giản, hehe. Sản phẩm của buổi sáng đi dạo ngắm hoa chụp ảnh của nghệ sỹ nửa mùa là mình đây:



Bao năm rồi mình không đi bản Cát cát chơi. Ông bảo ông muốn đi. Thế là hai bố con có thêm một buổi sáng nữa lang thang. Chao ôi, đi bộ xuống dốc khoảng 4km, không phải dốc thường, mà nhiều đoạn bậc rất dốc, xuống tận con suối, chỗ nhà máy thủy điện cũ, rồi thêm khoảng gần 2km đường tương đối bằng phẳng hơn thì mình và ông mới lên đến chỗ xe tắc xi. 150k cho đoạn đường về khoảng 4km. Tắc xi Sapa đúng là dã man. Trên đường đi gặp một vài cậu hướng dẫn quen, ông bảo hôm nay ông làm hướng dẫn viên cho một khách VIP. Kakaka, mình thật sung sướng. Chả biết bao giờ mình mới được hưởng lại cái niềm sung sướng này. Đường dốc quá, chân ông yếu, thường xuyên mình và ông đi rất chậm, ông bám vào tay mình. Ông bảo, bố đi lần này dối già, sang năm không đi nữa. Nghe ông nói vậy, mình thấy buồn. Nhưng thôi, chả dại gì buồn lâu. Mình đã được cùng ông đi giữa mùa xuân, một mùa xuân thật lộng lẫy, sẽ mãi là kỷ niệm để mình mang theo, để về sau mình kể cho các con, và cả các cháu nữa, về ông bà, về quê hương, nơi luôn mang đến cho mình cảm giác bình yên. 
 Đường xuống Cát cát
 Đoạn đường bằng phẳng ít ỏi, sau khi hai bố con đã vượt qua khoảng gần 5km dốc và bậc đá
 Hai mẹ con ngồi bên bờ suối thật thanh bình.