18 tháng 4 2017

HỌC SINH CÁ BIỆT hay NHỮNG NỔI LOẠN TUỔI DẬY THÌ_02

Vật vã rồi con cũng qua được lớp 8 với điểm số không quá tệ. Bố mẹ nín thở khi con vào lớp 9. Con bảo muốn chuyển hẳn vào Nhạc viện nhưng bố mẹ không đồng ý, thực ra thì mẹ sợ môi trường trong đó không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến con. Vậy nhưng để con học trường ngoài, bố mẹ cũng thường xuyên được hưởng biết bao sự đau đầu suốt từ đầu năm học đến giờ.

Vào học lớp 9, chị Linh gia sư năm lớp 8 không theo con được nữa vì chị bận đi làm. Chị My nhận thay chị Linh kèm con học. Không một chút tiến bộ nào. Được 2 tháng thì chị chạy mất dép. Chị là chị họ của con, thấp bé, con chẳng hề sợ chị tý nào, toàn trêu chọc chị. Một thời gian con đòi tự học, bố và mẹ kèm. No use. Đỉnh điểm là vụ nuốt 30 viên thuốc ngủ, phải đi cấp cứu và làm bố mẹ đau tim muốn chết. Vụ này thì viết cả vài entry nữa mới hết được chuyện L L L.

Bố mẹ thường xuyên được cô giáo chủ nhiệm nhắn nhủ gì đó. Con không thích học, con ghét tất cả các môn ngoại trừ Tin học. Với cô giáo Tin con yêu quý lắm, còn lại xù lông nhím với tất cả các cô giáo khác. Thậm chí có lần trong giờ Toán con giải một bài theo phương pháp lập trinh rồi nộp cho cô. Con ngủ trong lớp, tất cả mọi giờ. Con không chịu làm bất cứ phiếu bài tập nào… Sau vụ nuốt thuốc ngủ thì cô giáo cũng đầu hàng con, chả dám nhắc nhở gì nữa. Trong kỳ thi học sinh giỏi, con đi thi môn Tin và ở cấp quận con đứng thứ 4 trên tổng số 30 bạn, được chọn đi thi cấp thành phố. Cô giáo Tin nói cô hoàn toàn tin tưởng con sẽ được giải cấp thành phố. Vào phút gần cuối, Phòng GD ra thông báo chỉ những học sinh toàn diện mới được đi thi, mà con thì còn xa mới nằm trong số đó. Vậy đấy, người ta thản nhiên gạt một đứa trẻ ra ngoài chỉ đơn giản vì nó không giống tất cả những bạn khác.

Thái độ học nhạc cũng không khá hơn bao nhiêu. Năm trước con vẫn tập đều đặn 2 tiếng mỗi ngày. Còn năm nay việc tập bị giảm xuống còn tiếng rưỡi hoặc thậm chí chỉ 1 tiếng. Việc con qua được kỳ thi học kỳ I với mẹ là một điều kỳ diệu, khi con may mắn bắt trúng cả 3 bài con đánh trôi chảy. Vậy nhưng sau đó 3 tháng, ngay sau buổi thi giữa kỳ II thì chính thầy giáo gọi điện cho bố mẹ nói “Nó làm mát mặt thầy. Ai cũng nói có một sự tiến bộ vượt bậc.” Từ đó, mỗi khi mẹ nhắc con tập thì con lại lý luận, mẹ đừng có nói thời gian chưa đủ này nọ, quan trọng là kết quả, mẹ thấy đấy con tập thế cũng đủ để kết quả tốt. Thứ Bảy tuần trước, đi học giờ xướng âm về con khoe thầy giáo xếp con và 4 bạn nữa vào nhóm có năng khiếu, chỉ nghe một nốt là đọc được ngay nốt đó, gọi là perfect pitch.

Học hành thì như vậy nhưng kỹ năng chơi game tiến bộ theo đường thẳng đứng. Em cún bảo anh Tuấn cầu hôn cái máy tính rồi J. Đã có một thời gian dài con qua mặt bố mẹ ban đêm dậy chơi điện tử, với hệ quả tất yếu là đến lớp gật gù (Con bảo bây giờ con không dậy chơi nữa nhưng đến lớp con vẫn ngủ vì quá chán). Vụ việc chỉ được phát hiện khi mẹ đặt đồng hồ dậy lúc 1h đêm và được mục sở thị con đang say đắm bên vị hôn thê toàn năng, huhu.

Còn vài hôm nữa con sẽ thi nốt các môn chính – Toán, Văn và tiếng Anh. Đã quyết định vào Nhạc viện học cấp III, con không cần phải ôn luyện và trải qua kỳ thi vào cấp III như các bạn. Con lên kế hoạch sau đây sẽ đi học lập trình và cả tiếng Nhật nữa. Con bảo con đã tính toán cho tương lai mình rồi, học nhạc và lập trình. Con sẽ là sinh viên Nhạc viện đầu tiên thi vào Đại học FPT. Mục tiêu ngắn hạn là hè này sẽ kiếm ít nhất 3 học trò để dạy nhạc, còn sau 3 năm nữa thì sẽ phải có nhiều học trò hơn, dạy ở một trung tâm chính thức hơn.


Haiza, một năm dài dằng dặc và không biết bao sự vụ đau đầu. Vào Nhạc viện học hẳn là một bước ngoặt. Bố mẹ chẳng biết phải hỗ trợ con như thế nào. Bài học làm mẹ thật khó, mẹ chưa từng bao giờ biết giải như thế nào là đúng. Tiếp tục nín thở chờ con qua tuổi nổi loạn! 

HỌC SINH CÁ BIỆT hay NHỮNG NỔI LOẠN TUỔI DẬY THÌ_01

Mẹ luôn là con ngoan trò giỏi, vậy nên chẳng thể hình dung con trai mẹ lại là học sinh cá biệt L. Lúc nhỏ con là đứa trẻ rất nhanh nhẹn, và bây giờ con vẫn vậy. Mẹ không bao giờ quên ngày đó con mới 7 tuổi, mùa hè đi học thêm ở nhà cô tận gần Big C, đoạn đường phải tới hơn 3km chứ chẳng ít gì. Mẹ và em trên Sapa, bố đưa con đi học thêm, để con ở cửa nhà cô cùng một bạn nữa rồi vội vàng đi làm. Nhưng hóa ra tuần đó cô cho nghỉ, con và bạn chờ một lúc rồi tự đi bộ về tận nhà. Nhà bạn ở gần trường, chắc bằng nửa đoạn đường từ nhà mình đến nhà cô, nên đến trường rồi con còn phải đi bộ một đoạn khá xa nữa để về nhà. Mẹ lo cuống cuồng, còn con sau đó kể khi qua ngã ba con nhờ chú xe ôm dẫn.

Những ngày đầu đi học lớp Một, tối nào việc học bài cũng là cực hình đối với con. Con ngồi học, nước mắt rơi lã chã, nhìn rất thương. Và đã có lần con ước mình là con mèo J. Dù vậy, suốt những năm học cấp I con vẫn luôn là học sinh giỏi và chưa gây ra quá nhiều rắc rối.

Lên cấp II con lớn lên nhiều. Từ khi đi học lớp 6 đã đòi tự đạp xe, không cho bố mẹ đưa đón nữa. Con chủ động trong việc đi học và cả đi lại nói chung. Thế nên mới có chuyện con cầm tiền, đi mua hộ các bạn những chiếc hộp đựng bài, mỗi cái lấy lãi 5k. Nhưng việc học thì lại khác, sự chủ động, tự giác của con trong học tập thay đổi theo hướng chậm dần đều L. Thỉnh thoảng con lại tặng mẹ một món quà nào đó, đại để như 4 Văn chẳng hạn, hay những tin nhắn từ nhà trường về chuyện con thiếu sách vở, không làm bài tập… Rồi con bắt đầu có ý nghĩ thi vào nhạc viện để việc học văn hóa cho nhàn, vì con nói con thấy tập đàn thích hơn. Học xong lớp 7, mùa hè năm đó con quyết định thi vào nhạc viên. Chả ôn luyện gì nhiều nhưng con đã thi đỗ và từ lớp 8 con phải học song song cả hai nơi – nhạc viện và trường của con.

Năm lớp 8 con gây nên xì lan can đầu tiên – bỏ nhà ra đi. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ mẹ yêu cầu tập đủ số giờ đàn theo quy định, chốt bằng một câu không tập thì không đi tham quan (Lớp lên lịch đi tham quan 2 ngày, lần đầu tiên bố mẹ cho phép con đi qua đêm như vậy). Hôm đó là tối Năm mà thứ Bảy các con đi tham quan. Con vùng vằng, bảo mẹ không bao giờ chịu hiểu con. Tối thứ Sáu mẹ về mà chưa thấy con đâu cũng hơi ngạc nhiên, nói bố ghé qua trường con xem thế nào. Lát sau bố về bảo, to chuyện rồi em ạ. Anh vào thấy cậu đang ngồi ở sân trường, bố bảo về thì về nhưng sau đó nó ra cổng trước, phóng xe đi mất. Cả buổi tối hôm đó bố mẹ phát rồ đi tìm con xung quanh trường, ở mọi nơi có thể, mẹ nước mắt ngắn dài. Con bật máy lên đúng 2 lần để liên lạc với bố mẹ, gửi tin nhắn với nội dung bố mẹ đừng tìm con, sáng mai con sẽ về.


Sáng hôm sau là buổi đi tham quan, bố bảo mẹ đừng đi, để bố đến thôi, còn mẹ thì dặn bố đừng làm ầm ĩ, để con về nói chuyện sau. Con xuất hiện ở trường, thản nhiên lên xe đi tham quan cùng các bạn, mẹ thì thở phào. Câu chuyện tiếp theo là khi con về mẹ hỏi đêm hôm đó con ở đâu, làm gì… Con bắt mẹ phải hứa “không lên giọng dạy dỗ con” thì con mới nói. Con ở quán điện tử cả đêm, tối hôm trước ăn mì tôm!

17 tháng 4 2017

KHI MỘT NGƯỜI BẠN RA ĐI

Mình và H. chưa từng thân thiết. Dù thế, bọn mình đã có 3 năm học cùng nhau tại trường Chuyên ngữ, trong đó có 2 năm mình ở tập thể trong trường nên dù sao cũng đọng lại khá nhiều điều ngoài những giờ học trên lớp.

H. trắng trẻo, môi đỏ, má hồng, xinh y như con gái. Cô Ph. rất quý H. Và vào cái tuổi cấp III bắt đầu biết thích nhau ấy, hình như trong lớp cũng có khối cô bạn quý mến H.

Sau khi tốt nghiệp cấp III, mình đi học xa tới 8 năm. Bạn bè cấp III trở nên xa xôi, mình chỉ còn giữ liên lạc gần như với một cô bạn thân duy nhất, mà cũng chả quá thường xuyên nói chuyện với nhau. Mình có cảm tưởng như đã cả thế kỷ chưa gặp lại H., có lẽ thế thật, hình như hồi họp lớp 25 năm vào trường H. không có mặt, rồi cả đợt kỷ niệm 60 năm chuyên ngữ mình cũng không gặp H.

Cuối năm 2016, kỷ niệm 30 năm vào trường Chuyên ngữ, cả khối tổ chức hội khóa ở FLC Sầm Sơn, và đó là lần đầu tiên mình gặp lại H., sau tới gần 30 năm. Thỉnh thoảng vẫn nghe mấy cô bạn cập nhật, vậy mà mình không khỏi ngỡ ngàng khi gặp lại H. Không mảy may chút dấu tích của cậu bé trắng trẻo, mũm mĩm, má hồng xinh như con gái ngày nào. H. gày gò, già trước tuổi, giọng nói cũng khác. H. ốm yếu, lâu nay chỉ ở nhà vợ chăm, cả chuyện đi nghỉ cũng phải do các cô bạn cùng lớp trao đổi, thuyết phục bằng mọi cách để vợ đồng ý cho H đi. Có lẽ lâu lắm rồi ít được gặp bạn bè nên H. vui lắm. H làm thơ, những vần thơ hết sức ngô nghê nhưng tình cảm, đọc tặng người này người nọ, cười nói.

Buổi tối, sau chương trình chung tới hơn 10h tối, cả bọn lại kéo về một phòng ngồi tán chuyện tiếp. Không thể nào thiếu được màn ôn lại những câu chuyện ngày xưa đứa nào thích đứa nào. Hết đứa này đến đứa khác, không biết thật đến đâu khai rằng ngày xưa đã từng thích H. Chả biết cậu bạn có tin không nhưng ít nhất đó cũng là một lý do cho những trận cười vỡ nhà. Đến lượt mình bị tra khảo, không dám nói thật về câu chuyện những ngày xa xưa ấy, mình cũng lôi H. ra làm bung xung. Một đôi cô bạn biết chuyện gào ầm lên, nói dối, nói dối, chắc cậu bạn cũng chả tin đâu, nhưng bọn mình vẫn cười nghiêng ngả, rồi trêu chọc H., sướng nhé, được nhiều bạn thích thế. Ít nhất 3 trong số 12 đứa con gái tối đó đã nói rằng ngày xưa từng thích H. Cậu bạn ngồi cười sung sướng, rất hiền lành, có lẽ nó cũng biết tụi mình lôi nó ra làm lá chắn vì có vẻ như nó vô hại. Và ai cũng thương nó, kể cả mình, chưa từng thân thiết và hầu như không có mối liên lạc nào.

Vậy mà chỉ chưa đầy 3 tháng sau chuyến đi đó, tụi mình đột ngột nhận tin nó ra đi. Cả lớp sững sờ. Rất nhiều đứa, dù đang đi xa hay ở xa cũng tìm cách đến chia tay với nó. Có đứa còn đến mấy lần, ngồi ở đó với nó lâu nhất có thể. Con nó còn bé, đứa nhỏ hơn dù quấn khăn trắng mà vẫn chạy chơi, nô đùa ầm ĩ, đâu biết rằng sau đây sẽ chẳng còn nhìn thấy bố. Vợ nó, hiền lành, tần tảo, yêu thương, chăm sóc nó bao lâu, nay đứng lặng lẽ bên quan tài tiếp người đến viếng, nhìn thật tội nghiệp. Những giọt nước mắt mình cứ ứa ra, khi mình nghĩ đến nó, đến những người thân khác của mình, cơn bạo bệnh của bố mới qua, sự ra đi bất ngờ của bà nội bọn trẻ.


Thế là một người bạn cùng lớp cấp III đã ra đi. Tất cả chúng mình đều bị ám ảnh một thời gian. Dường như sự ra đi đột ngột của nó đã khiến chúng mình xích lại gần nhau hơn. Vì cuộc sống này thật hữu hạn. Vì mọi điều đều có thể xảy ra. Vì chúng ta có thể chia xa bất cứ lúc nào. Cậu hãy yên nghỉ nhé. Dù chưa từng thân thiết, chẳng giữ bất cứ tấm ảnh nào của cậu, tớ vẫn giữ lại những kỷ niệm đẹp của cả lớp những năm tháng xa xưa ấy. Và hình ảnh một cậu bé rất đáng yêu sẽ còn lại mãi với chúng tớ. R.I.P!