24 tháng 2 2013

MÓN LẨU THẬP CẨM TRONG NGÀY HỘI THƠ



Đã thành thói quen, từ lâu mình thường mình hay dành ngày rằm để đi dự ngày hội thơ. Lần đầu tiên mình dự là khi có bầu cún, còn bây giờ, cún đã lớn để đi cùng mẹ. Nhớ mãi cảm giác của lần đầu tiên ấy, mình và cô bạn ngồi mãi ở chiếc ghế trong sân nhà Thái Học đến tận gần 4h chiều, khá vắng và thanh bình. Còn cảm giác lâng lâng thì kéo dài tới mấy ngày.

Năm nay mình cũng định đi sớm, nhưng vì phải đưa cô cháu gái đi khám răng nên hơn 9h mới đến nơi, đúng vào lúc chuẩn bị khai mạc. Đông nghịt. Riêng đoạn xếp hàng mua vé cũng mất khá nhiều thời gian, được cái không chen lấn xô đẩy và trẻ em dưới 15 tuổi được miễn vé. Tuy vậy, mình vẫn được chứng kiến cô bán vé gắt lên với một em sinh viên đứng ngay trước mình về vụ tiền lẻ tiền chẵn gì đó. Trang hoàng vẫn như mọi năm. Mình cũng không biết phải làm thế nào cho mới được, nhưng cứ lặp lại mãi thế này thì chán quá. Mình nhận ra rất rõ những gì được sử dụng từ năm kia, hay năm ngoái. Ví dụ như tấm phông có dòng chữ tết bằng hoa “Tinh hoa hội tụ” mình tin là của năm ngoái chẳng hạn, còn những chữ xếp bằng hoa dọc theo lối vào thì có lẽ từ năm kia. Mình vốn nhiệt tình bảo vệ môi trường, nên nghĩ rằng như thế là người ta tỏ rõ tinh thần tiết kiệm, sao lại có ý không vui nhỉ?

Qua 10 năm thả thơ, mỗi năm 50 câu, chắc bây giờ rất khó chọn được câu hay, nên những câu thơ được chọn in lên các dải lụa treo dọc đường vào chả gây được ấn tượng gì. Lác đác là những câu thơ của các nhà thơ có tên tuổi, còn lại rất nhiều nhà thơ đọc tên nghe lạ hoắc (biết đâu đây chính là lỗi của mình ít chịu đọc), có những câu thơ không những không hay mà còn gây phản cảm (cái này thì không chỉ riêng mình kêu ca mà mình nghe mấy người đi trước, đi sau mình kêu nữa: Có những đêm nằm ôm vợ giật mình…). Người đông quá, chẳng có hứng chụp ảnh nên mình cũng quên béng chụp lại cái câu này để post lên đây.

Đến thời điểm khai mạc, ở sân truyền thống là rước kiệu, là đọc Nam quốc sơn hà, ở sân trong là nhạc gì chả rõ, chỉ có điều cứ vọng ra sân ngoài này uỳnh uỳnh uỳnh uỳnh. Đứng chen chân một lát, bác V. phải bế cún lên để cún xem tiết mục rước kiệu, sau đó hai chị em và cún vào sân sau. Xem một tiết mục biểu diễn của sinh viên trường Đại Nam rồi cả ba đi vào nhà Thái học phía sau. Mẹ nhắc cún, con chỉ cần cầu xin học giỏi và ngoan ngoãn.

Chủ đề chính của hội thơ năm nay là Đất nước-Mùa xuân. Ừ thì hơi nhạt, hơi sáo, hơi lặp lại chút nhưng cũng ổn. Để tìm được một tên gọi vừa sáng tạo, vừa truyền thống chắc hẳn chẳng dễ gì. Rồi triển lãm 70 năm Văn hoá cứu quốc. Biết bao cuốn sách bày ở đó đối với mình thật thân thuộc. Hoá ra bố mình mua nhiều sách thật, nên ngày còn nhỏ mình đã được đọc rất nhiều. Đối với mình, tiết mục hay nhất là đoạn Nguyễn Việt Chiến đọc bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.

Ngoài sân chính có mấy bàn viết thư pháp. Cún đứng xem mê mải, thậm chí có lúc mẹ muốn ra chỗ sân khấu nghe đọc thơ cún cũng đòi đứng lại xem viết thư pháp một mình. Mẹ xin cho cún chữ Học giỏi chăm ngoan. Trên đường đi ra cổng, tình cờ gặp một người bạn của mẹ đi dự ngày hội thơ cùng ông bố. Mọi người hỏi con xin chữ gì và dặn con phải thực sự như thế chứ không phải chỉ để treo cho vui, con trả lời “Nhưng con đã như thế rồi mà”. Thấy bạn đi cùng bố, mình hơi chạnh lòng. Mình chưa bao giờ đưa ông đi cùng mình một sự kiện như thế này. Và cũng lâu rồi mình chả đưa ông đi nghe một cái gì hay ho cả. Nhất định đợt tới, khi ông bà về chơi, mình phải thiết kế một vụ nào đó để cả nhà đi cùng nhau.

Một ngày hội thơ ầm ĩ, như một món lẩu thập cẩm và ít để lại ấn tượng. Hình như mình bắt đầu mắc hội chứng sợ đám đông. Sang năm mình sẽ không đi dự từ đầu nữa, nếu tổ chức mấy ngày như năm nay thì mình sẽ đi từ trước, hoặc mình chờ qua phần khai mạc lâu lâu mới đến. Hay lẽ ra mình nên đi nghe những tối thơ trước đó trong đợt lễ hội, khi thơ được đọc, được cảm theo cách truyền thống hơn? 

Nàng thơ ơi, chiều nàng cách nào đây nhỉ? Có một nhà thơ viết, Xuân năm nào cũng mới/chỉ mình đang cũ thôi. Làm sao để người ta cũng có thể nói, Thơ năm nào cũng mới…

Viết thêm: Hôm nay mình thấy có một cô tết kiểu tóc hơi lạ. Vội nghía thật kỹ để thực hành trên đầu cún. Rồi được một em gái rửa tặng tấm ảnh rất thú vị từ chuyến đi cùng em hồi tháng Tám.  Cảm ơn em thật nhiều. Thêm những added values của buổi đi chơi sáng nay, hehe. 

ĐI DẠO TRONG NGÀY HỘI THƠ

(Đăng lần đầu 7/2/2012)



Còn nhớ những ngày hội thơ đầu tiên mà mình đi dự, bầu không khí thật lãng mạn mà cũng đầy vẻ lễ hội, lôi cuốn. Mọi người đi dự rất đông, rất nhiều tiết mục thú vị. Nào là đối thơ, thi trí nhớ về thơ, thi pháp… Câu lạc bộ thư pháp nhiều thành viên trẻ đến ngỡ ngàng, nhìn các em đưa những nét bút mềm mại mình vô cùng thán phục. Mọi người chen chân trong ngày hôm đó. Các nhà sách nườm nượp tham gia. Đến ngày hội thơ cũng còn là đến một nơi để chọn mua sách.

Tết năm 2009, khi Nguyễn Việt Chiến mới được ra tù và được chào đón như một người anh hùng, trong ngày hội thơ, anh lên sân khấu đọc một bài. Bên dưới mọi người vỗ tay rầm rầm. Thương anh và ngưỡng mộ anh, có lẽ đó là cảm giác chung. Câu thơ của anh, “Tôi cầm chính cả tôi lên/Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu” cũng được chọn thả trong năm đó.

Tuy nhiên, nàng thơ vốn đỏng đảnh, và tất cả những gì liên quan đến nàng cũng vậy. Người ta có thể chỉ chơi mãi một bản nhạc và nó vẫn hay, nhưng các sự kiện kiểu này thì không thể như vậy. Vì thế,  hình như qua mỗi năm ngày hội thơ lại thêm nhạt. Năm ngoái thì người ta lôi cụ ra làm chủ đề của ngày hội thơ. Mình chẳng thấy thích thú gì với chủ đề đó nên thậm chí còn không định đến, mãi đến giờ nghỉ trưa mới ngó nghiêng một chút và cũng có đầy thắc mắc.

Năm nay mình vốn định đi dự. Nhưng tâm trạng đã chẳng như ngày trước, sự náo nức cũng bớt đi nhiều. Rồi thêm bài viết của Nguyễn Thông khiến mình thấy mất cả hứng. Sáng dậy thấy trời mưa lạnh, cứ ngần ngại, may mà chị Th. lên dây cót không thì đã ở nhà.

Ngày hội thơ được tổ chức rất cẩu thả. Chương trình chính thức lúc 8.30 mà gần 9.30 mới bắt đầu. Trên các tấm panô lớn ghi tiểu sử và thơ của những tác giả nổi tiếng, chủ yếu là tác giả trong tập Thi nhân Việt Nam, mình và chị bạn phát hiện ra vô vàn lỗi, không kể lỗi đánh máy, dấu chấm, phẩy, dấu cách, mở ngoặc… thì còn có rất rất nhiều lỗi chính tả kiểu như “Dân chài lưới làn ra ngăm rám nắng”, “gieo lòng suống chiếu hoa”… Nhưng bực nhất là khi người ta ghi sai từ, làm hỏng hoàn toàn cả câu thơ. Bài Hai sắc hoa ty gôn có một câu thế này, Tôi chờ người đến với yêu thương. Đọc câu thơ đã thấy có bao tình cảm chứa chan trong đó. Vậy mà trên tấm pano người ta thản nhiên ghi, Tôi chờ người đến với yêu đương. Thế này thì đúng là yêu đương nhăng nhít vớ vẩn chứ tình cảm chân thật cái nỗi gì. Những lỗi như thế này rất nhiều. Đi dạo trong một buổi sáng yên lành, mưa bụi bay bay, đọc lại những bài thơ mình tâm đắc đúng là một niềm vui, nhưng thỉnh thoảng lại vớ được cục sạn to như vậy thì niềm vui cũng giảm đi phần nào. 

Vẫn nói về nội dung. Có 2 tấm panô được dựng vội lên với những hình ảnh về Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương, được một bác nào đó (hẳn nhiên trong ban tổ chức) ghi vội thêm đôi dòng chú thích bằng bút dạ. Cái đó thì cũng chẳng sao, nhưng chắc muốn lấy lòng bác Thỉnh, bác này chua dưới một tấm ảnh là "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn". Ôi chao cái trò nịnh nhau. Nếu bác ấy trích câu này chẳng hạn, Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi (Tổ quốc nhìn từ biển_Nguyễn Việt Chiến) thì hơi thở cuộc sống sẽ ngay lập tức được hiển hiện trong ngày hội thơ và Nguyễn Thông cũng có lý do để bớt chỉ trích.  

Cái mặt Hữu Thỉnh, sau bao nhiêu sự vụ gắn với tên tuổi ông đó, nhìn đã thấy mất cảm tình nên tụi mình không đứng đó nghe mà vào lễ ở khu hậu đường. Các tiết mục chính thì có cồng chiêng, hát Xoan, hát ca trù, hợp xướng thiếu nhi (kém dàn hợp xướng của cô Châu Anh là cái chắc). Một ngày hội thơ không mảy may gắn với những vấn đề của đất nước, thú thật ngay lúc đó mình còn không nhớ rõ chủ đề cụ thể là gì, chỉ biết là hoàn toàn chỉ là thơ ca chứ không gắn đến những điều người dân quan tâm, nơi sân khấu chính thì ghi “Thơ trăm miền/Poetry from near and far” (Về nhà google lại mới biết đó chính là đề của ngày hội thơ năm nay). Chẳng giống như ở Quảng Ngãi, theo lời bạn mình kể, mấy năm cuối toàn chọn những chủ đề gắn với biển đảo, và không khí rất hào hùng. Năm nay chủ đề của Quảng Ngãi là “Trường lũy biển Đông”. Ôi, ghen tỵ với bạn mình quá. Còn nói về hội thơ ở Hà Nội, tuy có một tấm biển rất to, kết hoa dòng chữ “Tinh hoa hội tụ”, mình thấy những lời của Nguyễn Huy Thiệp, “một lũ giặc già lăng nhăng thơ phú”, mới mô tả đúng bản chất của cái gọi là tinh hoa hội tụ này (Xin lỗi những nhà thơ, nhà văn chân chính nhưng nhất thiết mình muốn đưa bác Thỉnh và cái bác gì đi ghi chú thích ở trên vào đám tinh hoa này).

Hai chị em ra về sớm, trên đường ra, chỗ câu lạc bộ thơ công nhân, có một bác hát chèo, hát sống, chẳng nhạc nhẽo gì cả, mà hay ơi là hay. Mình bảo, tiết mục này còn thú vị gấp nhiều lần cái sân khấu chính của bác Thỉnh. Chị Th. cũng tranh thủ vào hát karaoke miễn phí mấy phút, hehe.
Dù có nhiều điều không ưng ý với ngày hội thơ. Dù chẳng thể nói, em có đủ năng lượng để sống cả một năm tiếp theo, như năm nào đó mình đã nói với chị Th., với bản chất AQ cố hữu, với tinh thần lạc quan của người Việt được xếp hàng đầu trên thế giới, mình vẫn thấy happy rằng mình đã có một buổi sáng khá thú vị. Nhưng mình chẳng coi đó là đi dự ngày hội thơ mà chỉ gọi là đi dạo trong ngày hội thơ. 

THẮC MẮC NHÂN NGÀY THƠ VIỆT NAM

(Đăng lần đầu 18/2/2011)



Đã thành lệ, những năm cuối mình thường dành cả ngày rằm tháng Giêng để đi dự ngày hội thơ Việt Nam. Nói chung có năm hay hơn, có năm kém, nhưng đó vẫn là món ăn tinh thần mà mình trân trọng.

Năm nay mình cũng lên kế hoạch như vậy từ lâu và vẫn có ý ngóng chờ. Chỉ có điều khi đọc về chủ đề chính của ngày hội, mình thấy hết cả hứng và quyết định không xin nghỉ phép để đi nữa. Dù vậy, vẫn cảm thấy áy náy nếu không ngó nghiêng chút, buổi trưa mình ghé qua đó, khi hội đã tan và mọi người về đã vãn. Lang thang trong đó chừng một tiếng, mình có nhiều thắc mắc quá.

Thứ nhất, trong sân Thái học có một cột ATM, trông rất phản cảm. Chỗ đặt gần với nơi mà có năm bác Trần Nhương ngồi vẽ tranh, ký tặng sách… Mình không thể hiểu nổi tại sao người ta lại phải đặt một cây rút tiền ở đó. Cột ATM được đặt từ bao giờ, hiệu quả thế nào? Bao nhiêu phần trăm số người biết trong đó có cột rút tiền và chủ đích mua vé vào cửa để rút? Bao nhiêu phần trăm số người tình cờ nhìn thấy và rút?... Hay ban quản lý lo xa, sợ vào ngày hội thơ dân tình muốn mua sách nhưng không mang đủ tiền. Cảm ơn ban quản lý, nhưng mình vẫn mong muốn giá Quốc Tử giám không được hiện đại hóa theo cách này thì hơn.

Thứ hai, câu “có thực mới vực được đạo” được thực hiện triệt để. Cũng trong sân Thái học có 2 quầy bán đồ ăn nhanh, xúc xích nướng, nước ngọt… Ừ, thì nghe thơ cũng cần phải no bụng chứ, tea break vốn là giữa buổi sáng, ban quản lý di tích chu đáo lo cho bụng dạ bà con. Nhưng liệu có thực sự cần thiết ở một nơi như thế không nhỉ, khi mà chỉ vài bước ra ngoài Văn miếu có vô vàn các kiểu cà phê, hàng quán, phục vụ mọi nhu cầu.

Thứ ba, hàng hoa dọc lối vào được xếp thành chữ rất đẹp. Nhưng mình muốn khóc quá vì mình nhìn mà có hiểu gì đâu? Ơ, thế “quốc chữ/ngữ” của mình là gì nhỉ? Tại sao người dân bình thường lại không đọc được cái dành cho người ta nhỉ?

Cuối cùng, “Lục bát thơ quán” kêu gọi mọi người ký để ủng hộ việc đưa lục bát thành “quốc thơ”. Mình vốn yêu thơ, nghĩ cũng nên ủng hộ một chữ. Một phút sau đó, đọc cái bài thơ của bác nào căng ở gần đó, mình muốn ngất xỉu luôn (Hic hic, hôm đó lười, không mang máy ảnh nên không chụp lại được vào đây). Mình có thắc mắc nữa là mình có đang tiếp tay cho người ta “hiếp dâm các con chữ” không nhỉ?

Một vài thắc mắc nho nhỏ. Ai giải thích giùm với, huhu.

17 tháng 2 2013

CHẠY GIẶC TÀU (Tiếp theo và hết_Trích "Hồi ký Đặng Trung"



Chúng tôi đợi hai ngày ở Than Uyên chờ tìm ô tô để đi tiếp nhưng không được. Vậy là lại phải tính đi bộ.
Đoạn đường Than Uyên – Mù Căng Chải dài 50km. Đoàn người đã tập hợp với nhau khoảng gần chục gia đình. Chúng tôi cứ đi, mệt thì dừng lại nghỉ. Trưa dừng lại nấu cơm ăn, tối tìm lán ngủ qua đêm. Trên cái xe đạp chúng tôi chằng buộc đồ đạc như xe thồ thời kháng chiến, cái ghi đông được buộc dài ra để dễ lái. Sau yên có cọc cao để cầm đẩy, mọi hành lý của cải đều chằng buộc lên xe. Chạy giặc mà đông vui, hát hò như thời dân quân đi chiến dịch. Đường đèo mới lạ, trời xuân nắng dịu, tuy chạy giặc nhưng có người có ta, lòng vẫn thấy thanh thản, nhất là cảnh vật đang mùa xuân, thật lấy làm kỳ thú. Dọc đường từ Sapa đến ngã ba rẽ đi Bình Lư, hoa đỗ quyên nở vàng nơi vách đá. Thời đó, cảnh môi trường vẫn đang còn nguyên sơ, thật phong phú. Đoạn đường Than Uyên, hoa bưởi nở rộ, đâu đâu hương hoa bưởi cũng thơm ngào ngạt. Từ Than Uyên, chúng tôi đi sang Mù Căng Chải, đoạn đường qua Tú Lệ, gần xa là từng vòm hoa ban trắng, khắp phố, núi đồi cảnh vật thật nên thơ.
Ngày 28/2 đoàn đi được khoảng 30km. Còn cách Mù Căng Chải hơn chục km thì đã chiều tà. Thấy có một lán rộng của người dân tộc bỏ trống, sẵn gần nơi có nước, tất cả dừng lại, tính chuyện nấu ăn, tìm chỗ ngủ, thực hiện câu nói: tối đâu là nhà, ngả đâu là giuờng.
Sáng hôm sau, dậy cơm nước xong chúng tôi lại đi tiếp. Khoảng trưa thì chúng tôi đến thị trấn Mù Căng Chải. Đây là huyện lỵ nên có Ủy ban huyện và trụ sở các ban ngành, có chợ, đa số là dân tộc Mông sinh sống, có suối chảy bám theo ven đuờng. Vì trong đoàn có nhiều trẻ nhỏ nên cả đoàn tính chuyện lưu lại đây, chờ đón được xe rồi đi tiếp. Chúng tôi vào công an huyện xin liên hệ thuê xe giúp nhưng đợi đã ba ngày vẫn không được. Lúc này đã là ngày 1 tháng Ba. Chúng tôi bàn tính lại, những người có xe đạp đi trước, rồi đến Nghĩa Lộ hoặc đâu đó thuê được xe thì quay lại đón đàn bà trẻ con. 9 người đạp xe đi tiền trạm, khoảng qua Tú Lệ thì nghỉ lại vì nơi đây có kho lương thực của nhà nước, dễ có xe. May sao, đến trưa có xe chạy qua về phía Mù Căng Chải, vậy phải chờ xe quay lại. Nửa chiều, xe quay lại. Chúng tôi cử người ra liên hệ, van nài, nói khó, nhờ xe quay về Mù Căng Chải đón các gia đình. Ở đây, lần đầu và cũng là lần duy nhất trong đời, tôi đã phải dùng câu tôi cắn cỏ lạy anh giúp gia đình chúng tôi.
Sau khi ngã giá 15 đồng một người, chỉ tính đầu người lớn, xe quay lại đón người nhà. Chúng tôi cử ông Đôn quay lại thu xếp. Còn đoàn người có xe đạp lại tiếp tục đi. Độ nửa chiều thì xe đã đón được tất cả mọi người và đuổi kịp đoàn xe đạp. Ông lái xe dừng lại cho mọi người đi xe đạp lên và buộc xe đạp xung quanh thùng xe. Xe qua thị xã Nghĩa Lộ và khoảng chín giờ tối thì về đến Yên Bái. Về sau, chúng tôi được biết ông lái xe tên Trường, là con rể bà Hai Thành người Sapa. Vẫn cảm thấy ơn ông lái xe, sau khi ổn định, những năm 1980, tôi đã tìm đến nhà ông ấy và nói lời cảm ơn lần nữa.
Cảnh thị xã Yên Bái những ngày ấy cũng xô bồ đông đúc không kém, bà con chạy loạn ùn lại cả nơi đây. Tất cả bà con tìm nơi vỉa hè rộng rãi hoặc vào các nhà tập thể bỏ trống hay chợ để trú qua đêm. Gia đình chúng tôi tìm vào chợ Yên Bái. Trời bắt đầu mưa phùn, nền chợ nhớp nháp. Chúng tôi chen chúc, tìm được một nền xi măng, trải ny lông trú qua đêm. Ông Đôn tìm vào nhà em ruột là cô Giảng, có chồng là ông Toàn, làm ở Sở nông nghiệp, cách chợ khoảng 3km. Ông Đôn bảo cô Giảng nấu cơm nóng sốt đem ra chợ cho gia đình chúng tôi dùng đêm hôm đó. Tình cảm bạn bè khi hoạn nạn thật đầm ấm, thắm thiết.
Ga Yên Bái là ga đầu mối, lại là ga chạy giặc nên rất đông và khó chen lên tàu. Tàu khi ấy chạy miễn vé cho dân chạy loạn, chen chúc, hỗn loạn. May sao, gia đình tôi có chú Ký là công nhân lái tàu đoạn đường sắt Hà Nội–Lao Cai, nên chú đã thu xếp để hai gia đình anh chị Phương và nhà tôi có chỗ ngồi xuôi tàu về Hà Nội.
Chập chiều ngày 3 tháng Ba, chúng tôi về đến Hà Nội. Tôi để tất cả ở lại ga, còn tôi một mình tìm về nhà cháu Túc ở Tương Mai. Cháu nấu cơm đem ra cho mọi người. Sau khi cơm nước, chúng tôi lại lên tàu về Thanh Hoá. Con chó theo về đến Hà Nội thì chuyển cho cháu Túc, không ngờ Túc dắt được một đoạn nó không quen nên dứt dây buộc chạy mất. Thật tiếc một con chó khôn ngoan đã được dạy dỗ, thật thân thiết, không biết rồi ra ai tóm được và là kiếp vào nồi.
Ngày mùng 4 tháng 3 gia đình tôi về đến Bỉm Sơn. Trời đã tạnh ráo. Tôi để vợ con lại nhà Yến Bài ở nông trường Hà Trung cho vợ con nghỉ ngơi và giặt giũ. Một mình tôi đạp xe về quê báo tin cho thầy mẹ ở quê nhà yên tâm. Thầy mẹ và bà con xiết nỗi vui mừng, thầy thở dài ra nhẹ nhõm: Hôm nay thầy mới thật nhẹ lòng. Còn những hôm trước đó, chị Quang xuống nhà có nói những nỗi lo lắng là chẳng thấy tin tức gì, thầy vẫn nói cứng là chúng nó (ý nói cả anh chị Phương) đều đã lớn cả, biết đường tiến lui, có e gì. Thật ra thầy gan dạ chẳng tỏ ra bên ngoài thôi.
Hôm sau, tôi lên Bỉm Sơn đón vợ con về. Bà con đến thăm hỏi, anh Quỳ mang sang giúp một thúng gạo, anh Quy giúp một thúng khoai. Ngoài ra, về vật chất chúng tôi không còn nợ ai nữa. Đến mùa gặt, thầy bảo mang thóc sang giả nợ anh Quỳ và tương đương về thóc gửi giả bác Quy. Tuy nhiên, về tình cảm bà con trong quê ai cũng bảo nếu thiếu thốn bảo họ sẽ giúp. Về tiền nong, về đến nhà là chúng tôi cạn tiền ngay, ngay cả trang trải tiền xe cũng xem như còn nợ chỗ ông Hiệp đoạn đi từ Sapa sang đến Than Uyên. Cũng may là còn mang được cái đài rađiô National cỡ to, tôi liền mang ra Phát Diệm, chỗ anh Tân, nhờ bán giúp, vay tiền trước để lấy cái chi tiêu. Sau anh bán cho được 1000 đồng.
Trong thời gian ở nhà, vợ tôi làm nội trợ, giúp mẹ tôi đi chợ mua thức ăn, mình tôi xông xáo lên huyện Trung Sơn (Sát nhập hai huyện Nga Sơn và Hà Trung), và đạp xe lên tận tỉnh Thanh Hoá để vào công ty lương thực xin trợ cấp lương thực cho người chạy nạn, tránh giặc Tàu. Gia đình chúng tôi được chế độ mua ba tháng lương thực nhưng nhập tiêu chuẩn về Phát Diệm, vì Phát Diệm là thị trấn, mọi việc dễ hơn quê nhà là nông thôn.
Đến cuối tháng ba, chúng tôi nghe đài báo, được biết giặc đã rút khỏi Sapa, ra Lao Cai và rút quân về nước. Lắng nghe thêm ít hôm nữa thì vợ chồng tôi để tất cả các cháu ở lại với ông bà, mò về Sapa xem tình hình để thu xếp mọi viêc.
Chúng tôi theo tàu lên được ga cuối là ga Phố Lu và từ đó đi bộ lên Cam Đường. Sau đó chúng tôi đi tiếp đường vòng từ Cam Đường lên Cốc San, rồi theo đường quốc lộ đi Sapa.
Những người cũ của Sapa lần lượt trở về, gặp nhau, chúng tôi kết đoàn đi cho vui và vững tâm. Đoàn đi khoảng bốn chục người. Hôm đó chúng tôi đi đến tận khuya thì tới Tắc cô (Trung Chải). Chân chồn gối mỏi, cả đoàn chia nhau vào căn nhà cũ khá lớn ở ven đường nghỉ đêm. Tâm lý vẫn còn hoang mang, sợ sệt, sợ giặc vẫn còn quanh quẩn đâu đây, sợ cả kẻ lưu manh, kẻ lòng dạ bất lương, lợi dụng lúc quân hồi vô lệnh, nên qua đêm chúng tôi thấp thỏm ngủ không yên. Tiếng chó sủa trong bản, con đom đóm to bay qua cửa sổ cũng khiến chúng tôi giật mình, nhất là cánh đàn bà. Thế rồi đêm cũng qua, khoảng non trưa thì chúng tôi về đến thị trấn, ai về nhà nấy, tìm hiểu tình hình nhà mình.
Lúc qua nhà cô Huệ ở Hà Nội, tôi đã phòng sẵn một mảnh bao xác rắn để làm  chiếu, một cái nồi nhỏ để nấu cơm, còn về đến nhà sẽ tuỳ nghi tính tiếp. Về nhà thì thấy nhà bị phá cửa trống hoác, hòm quần áo đồ dùng bị lục soát hết lượt này qua lượt khác, gạo mỡ sạch banh, cái gì lấy được đều bị những người về trước nhặt hết. Trước hết là lớp cán bộ huyện, huyện uỷ, lớp bộ đội về tiếp quản (tiểu đoàn 7 của sư đoàn 316), rồi cán bộ xã thôn và dân quân tự vệ. Thật ra toàn là cán bộ và dân ta cả, quân Tàu nó không thèm lèm nhèm lấy cái gì của dân. Về sau, tự bà con phát hiện đồ dùng của nhà mình hoặc ở nhà này hoặc ở nhà kia. Chính ở xóm tôi, sau người ta phát hiện ra một tay huyện uỷ viên (tay Phạm Hàm sau lên phó bí thư huyện uỷ) về trước đã thu thập khá nhiều của cải của bà con xóm làng, nào là phích nước, rất nhiều chén bát, ngay cả cuốc xẻng. Sau tôi chỉ bảo giả lại cho nhà tôi một cái xà beng và đôi thùng gánh nước để cảnh cáo. Và từ đó tôi cạch không thèm tiếp xúc, trò chuyện nữa.
Ôi, quân Tàu tràn sang Sapa 4 ngày 3 đêm. Của cải mất mát, nhưng cái mất lớn nhất là làm tha hoá lớp cán bộ, mất lòng tin ở nhau, cháy nhà ra mặt chuột.
Hai vợ chồng về nhà, thu dọn, quét tước lại nhà cửa, sang hợp tác đăng ký lại công việc, rồi một mình tôi ở lại trông nhà còn vợ tôi về quê thu xếp cho các con. Thực chưa đi học, chúng tôi cho ở lại trong quê, cùng Vân Anh đi học ở trường của xã. Tuyết Anh được đưa ra Hà Nội ở cùng cô Huệ đi học vì lúc này Tuyết Anh còn quá bé để đi bộ xuống trường của xã cách nhà trên 2km. Còn Tú Anh và Thuý Anh theo mẹ lên Sapa.
Cuộc sống ổn định trở lại. Vợ tôi theo tổ cán mỳ còn tôi lại bị phân sang tổ nề, công việc qua ngày để bảo đảm lẽ sinh nhai trong Hợp tác xã.
Sau khi chạy Tàu về, rất may mảnh vườn trồng đương quy lấy hạt giống vẫn còn, được chăm sóc tốt và cuối năm 1979 chúng tôi thu được trên 2kg hạt, thành tiền là trên 1000 đồng, lại tu sửa được nhà cửa và có tiền chi tiêu cho gia đình và các con ăn học. 
Sau đợt chạy Tàu, nhiều bà con đã bỏ Sapa để về xuôi. Trong thời gian này, tôi chuyển hạt giống cây thuốc về vùng Đông Mỹ, Phát Diệm và quê nhà và cũng có tư tưởng chuyển gia đình về Phát Diệm để gần thầy mẹ và cũng là để tránh xa vùng biên giới Trung quốc. Gia đình anh chị Phương đã chuyển hẳn về Bỉm Sơn, bắt đầu buôn bán vặt và sau ít năm đã khá hẳn lên, mua được đất khá rộng, đủ cho các con cháu làm nhà ở quay quần với nhau. Anh chị đã xây được nhà, tuy chỉ là nhà cấp bốn nhưng cũng khá khang trang, ngăn nắp.
Hết hè năm 1979 sang năm học mới, vì muốn tính chuyện về Phát Diệm nên chúng tôi đã chuyển Vân Anh ra Phát Diệm học, ở nhờ nhà anh chị Tân năm học 1979-1980. Đầu năm 1980, thầy tôi mất, Vân Anh do ở Phát Diệm nên đã có mặt ngày đưa tang thầy.
Do vợ tôi không đồng tình nên việc chuyển về Phát Diệm không thành. Năm học 1980-1981, chúng tôi lại chuyển Vân Anh về Sapa. Tuyết Anh học ở Hà Nội hết năm lớp một, sang gần hết nửa học kỳ 1 lớp 2 thì chuyển về Sapa để còn có thể tham gia cơm nước, đỡ đần gia đình. Còn Thực đã về Sapa từ cuối năm 1979 vì để ở quê đi chơi linh tinh ông nói không được, mà ông thì cụt chân nên không theo cháu được. Vậy là từ giữa năm 1980, tất cả gia đình tôi lại tập hợp đầy đủ, ổn định cuộc sống gia đình.