29 tháng 1 2013

ĐỌC TIỂU THUYẾT "THIẾU NỮ ĐEO HOA TAI NGỌC TRAI CỦA TRACY CHEVALIER"



(Đăng lần đầu 15/11/2011)
Cuốn truyện này mình dịch từ năm 2007. Ngôn ngữ giản dị, không chút cầu kỳ nhưng đã giúp chuyển tải một câu chuyện tình dang dở mà vô cùng đẹp đẽ, bi kịch của tình yêu và cuộc sống, bi kịch của người nghệ sỹ lang thang giữa thế giới ảo và cuộc sống đời thường, bi kịch của một người bình thường chợt lạc chân vào chốn nghệ thuật. Đã có khá nhiều bài viết giới thiệu cuốn sách, hôm nay lang thang trên mạng, bất chợt tìm được bài này,  nếu là tác giả, hẳn phải có cảm giác như tìm thấy tri âm tri kỷ, còn mình, chẳng có được cảm giác đó nhưng cũng thấy lòng thật rung động. Xin phép tác giả được đưa về nhà mình.

(Viết thêm: Lâu lắm rồi, suốt từ 2008 tới giờ mình chẳng dịch được cuốn truyện nào hay ho. Công việc dịch mình vẫn làm đều, nhưng toàn là mấy cuốn sách nghiên cứu, mà bây giờ nhìn lại chính mình cũng thấy choáng, chẳng hiểu sao mình có thể dịch nổi, có cuốn dày và khó kinh khủng. Hôm nay đưa bài cũ này lên đây để quyết tâm khởi động lại, sau Tết có lẽ mình sẽ bắt tay dịch một cuốn sách văn học khác)

NÚT THẮT TỪ CHẤM SÁNG CỦA HOA TAI NGỌC TRAI
Phạm Thị Thùy Linh

Nếu chỉ đọc những bài viết đăng trên các báo chí nước ngoài và trong nước, nếu chỉ nghe người khác nói về “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của Tracy Chevalier như một sự tán dương, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có được một cảm giác thật như vậy trong từng diễn biến tiểu thuyết của bà. Cuộc sống và nghệ thuật, sự bế tắc và bi kịch của con người khi phải lựa chọn, phải đứng giữa hai đầu mút chỉ ấy thật trớ trêu. Có lúc, tưởng như nghẹt thở. Nhưng rồi, với cách gỡ nút của Tracy Chevalier, hoàn toàn lô-gic và thực tế, mọi thứ dù có cao trào đến đâu cũng trở về với đúng quy luật của nó. Và nghệ thuật, dù sao cũng vẫn là một góc khuất của những thiên tài đang ẩn sâu trong mỗi con người giữa cuộc sống đời thường….

Tạp chí Time không hề ngoa khi nhận xét về cuốn tiểu thuyết này bằng một câu cảm thán “Một cuốn tiểu thuyết như ngọc”. Cuốn tiểu thuyết cũng như nguồn gốc gợi cảm hứng sáng tác của tiểu thuyết gia Tracy – bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” – là một hoàn mỹ nghệ thuật. Dường như không thể tìm được khiếm khuyết. Cách kể lôi cuốn. Diễn biến nhẹ nhàng mà vẫn đôi lúc sóng gió và đầy căng thẳng. Nếu được ví, có lẽ tôi sẽ ví cuốn tiểu thuyết này như hình ảnh động ghi lại cuộc sống đầy bi kịch giằng xé của những nghệ sĩ giữa đời thường. Và sự sáng tạo của họa sĩ Vermeer cùng với sự xuất hiện của cô người mẫu sinh ra để dành cho bức họa ấy như một điển tích vĩnh cửu cho bi kịch của những người làm nghệ thuật.

Griet, cô hầu của họa sĩ Vermeer không phải sinh ra để làm người hầu. Do hoàn cảnh khó khăn, bố bị tai nạn không thể là lao động chính, cô trở thành người hầu gái giúp gia đình họa sĩ Vermeer. Công việc chính mà cô nghĩ khi đến nhà ông là giặt giũ, đi mua thịt, cá và dọn dẹp phòng tranh của ông. Nơi đó chính là không gian sáng tạo của ông và cô sẽ phải dọn dẹp mà không được xê dịch bất cứ thứ gì. Cô làm việc của mình và mỗi lúc càng đam mê với hội họa. Nói chính xác hơn, cô đam mê người họa sĩ và cách sáng tạo bức họa của ông. Chưa bao giờ, gia đình họa sĩ Vermeer lại có nhiều biến cố với một người hầu gái như cô. Cô giúp họa sĩ nghiền màu, pha màu, giúp ông mua họa phẩm và còn chỉ ra những gì còn thiếu trong bức tranh của ông. Dần dần, vô hình trước mắt mọi người, cô trở thành cộng sự của ông trong căn phòng nhỏ bé.

Tracy dẫn dắt người đọc qua các chi tiết mô tả diễn biến tâm lý, tình cảm của Griet hoàn toàn lô-gic và êm đềm theo mạch thời gian. Nhưng để ý sâu hơn, trong người con gái có năng khiếu và đôi mắt nghệ thuật ấy chảy 2 luồng suy nghĩ. Sự đam mê nghệ thuật và cuộc sống đời thường. Cô say mê hội họa, quên thời gian với phòng tranh với những miếng màu, quên mệt mỏi dù phải làm việc nhiều hơn…. Nhưng cô chấp nhận để hy sinh vì nghệ thuật. Ông chủ của cô, họa sĩ Johhannes Vermeer chung cảm nhận với cô, tìm thấy được mạch đam mê trong con người cô để biến chúng thành cộng sự của ông. Bên nhau, họ dành tất cả tình cảm, tâm trí vì nghệ thuật. Mọi thứ họ muốn đạt đến là những bức họa hoàn mỹ về bố cục, chi tiết, màu sắc và ánh sáng.

Không hề có sự phàm tục theo lối tình cảm thông thường trong cuốn tiểu thuyết này. Kể cả những chi tiết Griet đi cùng cậu con trai người bán thịt – sau này trở thành chồng cô. Cũng không hề có những chi tiết tình tứ câu khách như nhiều tiểu thuyết hiện nay vẫn có. Cuốn tiểu thuyết của Tracy thực sự mang phong cách cổ điển, lãng mạn và dịu êm như chính phong cách bức họa “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”. Bí ẩn và vô cùng sâu lắng. Những nỗi giằng xé của Griet được miêu tả qua những đặc tả nội tâm của cô khi nghĩ về anh con trai người bán thịt : “Anh ta là nơi trốn chạy của tôi, là điều nhắc nhở rằng tôi còn có một thế giới khác nơi tôi có thể bước chân vào”. Thế giới khác mà cô nói tới đó chính là cuộc sống bình thường với những sinh hoạt đời thường. Ở đó cô có gia đình, con cái và những lo toan vặt vãnh. Không màu mè, không ánh sáng, không chi tiết…. Nhưng tại thời điểm ấy, Griet vẫn dành tình yêu cho nghệ thuật và người họa sĩ là ông chủ của mình. Tình yêu nghệ thuật cũng khiến cô hụt hẫng hơn khi bức họa chân dung cô chỉ còn 1 chi tiết ánh sáng để hoàn thiện.
 
Trường đoạn này đặc tả bức tranh của Vermeer một cách hoàn hảo: “Bức tranh không hề giống một bức tranh nào khác của ông. Đó là bức tranh vẽ tôi, vẽ đầu và vai tôi, không có bàn và rèm cửa, không có cửa sổ và chổi lông để làm mềm đi hoặc làm sao lãng sự chú ý. Ông vẽ tôi với đôi mắt mở to, ánh sáng chiếu qua khuôn mặt tôi nhưng phía bên trái tôi lại ở trong bóng tối. Tôi mặc đồ màu xanh, vàng và nâu. Tấm vải quấn quanh đầu khiến tôi không giống mình mà giống Griet từ một thành phố khác, thậm chí từ một nước khác. Nền bức tranh là màu đen khiến tôi có vẻ cô đơn hơn nhiều, mặc dầu rõ ràng là tôi đang nhìn một ai đó. Tôi có vẻ như đang chờ đợi một điều gì đó mà tôi không nghĩ là đến một lúc nào đó sẽ xảy ra…”. Griet sợ ông sẽ hoàn thiện bức tranh, và lúc ấy, vị trí của cô sẽ không còn ý nghĩa nữa. Nỗi lo sợ của cô cuối cùng cũng thành sự thật khi ánh sáng của chiếc hoa tai ngọc trai thu hút ánh mắt ông. Bức họa hoàn thành. Bi kịch cũng cao trào ở đây. Nút thắt đẩy Griet đến lựa chọn quay trở về với cuộc sống bình thường. Chấp nhận lời cầu hôn và trở thành vợ người bán thịt.

Cũng đã có lúc, cô thoáng nghĩ về niềm say mê của mình, nhưng “Con trai tôi khiến tôi quay trở lại với gia đình mình, như tôi đã từng luôn là như thế…”. Đúng như lời nhận xét của một nhà phê bình nào đó “Đây là một tác phẩm kinh điển đương đại – một tiểu thuyết xuất chúng về mất đi của sự trong trắng và cái giá của thiên tài”. Có những nỗi chua xót mơ hồ khi cùng nhân vật của tiểu thuyết đi từng chặng đường trong cuốn sách này. Đau như nỗi đau của chính người đọc đi đóng vai Griet. Tracy tả và dẫn dắt bạn đọc tài đến mức, cả những tia ánh sáng, cử động tay, chân, cảm xúc của nhân vật cũng hiện lên rõ nét. Và chỉ với một chấm ánh sáng của chiếc hoa tai ngọc trai – bà đã tạo ra điểm gút cuối cùng hoàn thiện tác phẩm của mình. Như họa sĩ thiên tài Vermeer cũng đã hoàn thiện bức họa nổi tiếng “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” chỉ với chấm sáng của chiếc hoa tai ngọc trai. Và cũng chấm sáng ấy đã biến người hầu gái thành một quý cô, như lời nói của con trai họa sỹ khi Griet quay về ngôi nhà ấy theo lời mời của vợ ông sau khi ông mất: “Chị là quý cô trong bức tranh”!
Nguồn: Internet

26 tháng 1 2013

NÀO THÌ ĐI THI!




Tôm học đàn đã lâu, vậy mà chưa có lần nào thử sức. Cách đây đôi tuần, khi ở trung tâm nói tổ chức thi, mẹ vui lòng đăng ký cho con thi ngay. Chả tập luyện gì hơn ngày thường, thỏa thuận với mẹ mỗi ngày 15’, đúng 15’ chàng trai đứng lên. Đã thế, trước khi ra khỏi nhà chiều nay lại còn một trận mưa bất chợt nữa, chàng trai đánh nhau với mẹ vì mẹ bắt ngủ trưa, rồi đến lúc gọi dậy thì không chịu. Dù sao, khi đến được đó tâm trạng chàng trai đã khá hơn nhiều, nhất là khi mẹ chỉ cho con thấy ai thi xong cũng có quà, hehe.

Mẹ không chuẩn bị máy quay cẩn thận, vậy nên chỉ có mỗi cái clip quay bằng điện thoại để giữ làm kỷ niệm cho con. Chàng trai của mẹ đánh khá ổn, dù đoạn nhạc con chọn hơi ngắn so với các bạn. Các bạn gái thường mặc váy rất đẹp, tóc buộc cao, trông dễ thương vô cùng. Con trai của mẹ chẳng kém cạnh tẹo nào, mặc áo đuôi tôm, thắt cà vạt hẳn hoi, mỗi tội bố phải đứng xa quá, mà máy thì lại chẳng zoom được nên nhìn con bé tý. Con tỏ ra chững chạc, khi ra cúi chào, rồi biểu diễn xong cũng chào rất cẩn thận. Cái vụ bản lĩnh sân khấu này thì hơn đứt mẹ rồi. Mẹ hỏi con có run không, con bảo, chăng run gì cả. Phải thế chứ!

Chúc mừng con, con trai yêu của mẹ!

TRÊN CON ĐƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP HÓA!


(Đăng lần đầu 1/11/2011)
 
Hihi, Tôm cứ như thể đang trên con đường tập tành làm ca sỹ. Tối hôm vừa rồi chàng lại được mời tham gia cùng dàn hợp xướng của cô Châu Anh hát bài Cachiusa trong chương trình truyền hình trực tiếp "Bài ca chiến thắng". Bố mẹ vất vả đưa đi tập 3 tối, tối thứ Tư thì tổng duyệt ở Cung văn hóa hữu nghị Việt xô. Các con còn nhỏ mà  sao học bài hát nhanh thế. Chỉ sau một buổi thì con đã gần thuộc cả lời Việt và lời Nga. Động tác con tập cũng rất nhanh, đến buổi thứ ba thì đã hết sức thuần thục, nhuần nhuyễn.

Đến hôm biểu diễn, mẹ về sớm đưa con đi. Vì không mấy lưu tâm nên mẹ chẳng có vé, chỉ xem các con tổng duyệt trước giờ bắt đầu. Nhìn cả một dàn hợp xướng tập dượt, các bạn gái mặc váy đỏ rực, cài hoa trên đầu, đáng yêu vô kể. Xem được hai lượt thì mẹ phải ra khỏi phòng, chờ con ở bên ngoài. Mẹ chui vào quán càphê gần đó để xem các con biểu diễn qua tivi. Trời ơi, mà sao cái vụ kính kiếc kéo dài đến thế cơ chứ. Cứ tưởng nhanh được đón con nhưng cuối cùng đến tận gần 8 rưỡi các con mới được biểu diễn.

Không giống như lần biểu diễn trong chương trình Giờ trái đất hồi năm ngoái, năm nay con không được quay cận cảnh. Dù vậy, mẹ vẫn nhìn thấy con rất rõ. Trông con dù bé nhưng vẫn hết sức chững chạc, động tác thuần thục. Ôm con vào lòng sau buổi biểu diễn, mẹ thấy thật tự hào và hạnh phúc. Lúc này thì con cũng là thập toàn đại bổ con trai yêu ạ.

Ca sỹ đi biểu diễn thì có cát sê. Chàng trai của mẹ, tuy cũng làm công việc của ca sỹ, nhưng cát sê lại toàn do mẹ chi.
Nào đưa đón, nào những bữa ăn bên ngoài, rồi còn tiền mừng nữa chứ. Chao ôi. Thế mà trên đường đưa con đi, con thỏ thẻ với mẹ rất thật lòng, "Mẹ ơi, nếu lớn lên con học không giỏi lắm, không làm được gì thì con đi hát cũng được. Hôm qua con thấy có chú hát đấy. Mà nếu con vừa hát lại vừa đánh đàn thì con sẽ kiếm được tiền gấp đôi". Con trai ngây thơ của mẹ ơi, nghề nào cũng phải vất vả học mới thành tài được. Dù có một chất giọng tốt thì cũng phải khổ luyện mới thành ca sỹ. Mẹ thì chỉ mong những giờ học đàn hay những buổi đi hát thế này để con có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Chúc chàng trai của mẹ "đắt sô" nhé, thỉnh thoảng đi biểu diễn chút cho vui vẻ. Mà có lẽ bác Mỹ (ở Sol Art) lại sắp gọi con đi thu băng cùng dàn hợp xướng rồi đấy. Hìhì, nghịch lý hiện giờ là chàng trai của mẹ càng đắt sô thì mẹ càng mệt thôi.
Clip các con biểu diễn đây:



(P/S: Ai quan tâm đến Tôm thì lưu tâm, sẽ nhìn thấy chàng trai ở phút 1.33-1.36 gì đó).