30 tháng 4 2014

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_ĐẶT CHÂN ĐẾN NƯỚC ANH



Quyết định được nhận học bổng mới là bước đầu tiên vì sau đó mình vẫn còn biết bao việc phải làm và thông thường sinh viên sẽ lên đường để nhập học vào kỳ xuân, tức đầu năm, hoặc kỳ thu, tức sau gần 1 năm kể từ khi được thông báo trúng tuyển. Mình thì chả vội gì, ở nhà một năm chờ cún lớn, nhập học vào năm 2007 là hợp lý. Tuy nhiên, khá nhiều việc phải làm. Nào chọn trường, liên hệ nộp hồ sơ, làm mọi thủ tục với trường, với Bộ, tìm hiểu việc đưa con trai và phu quân cùng sang, rồi cuối cùng mới đến chọn đường bay, mua vé và ra đi. Mình chọn Đại học Tổng hợp Leicester. Lý do trước hết là trường có ngành học phù hợp. Rồi xếp hạng của trường cũng hợp lý để việc học không quá vất vả nhưng cũng vừa đủ “danh giá” :-). Khi mình chọn trường đó xếp hạng 19 và trong năm mình học ở đó thì trường đã nhảy bật lên hạng 12. Lý do khác để mình chọn thành phố Leicester còn vì sinh hoạt ở đó khá rẻ so với các thành phố khác. Về sau thì thấy mình đã không nhầm, cả về việc chọn trường học lẫn môi trường ở. 

Tiếp theo thì phải tìm hiểu xem bay đường nào cho thuận tiện, sẽ từ đó về thành phố của mình ra sao... Lần đầu tiên đi châu Âu, quả thực còn biết bao điều bỡ ngỡ. Rất may mắn, qua mạng, mình liên lạc được với vợ chồng V. và H. May mắn hơn nữa, V. làm việc tại đúng trường Đại học Tổng hợp Leicester. Vợ chồng V. và H. rất nhiệt tình giúp đỡ, hẹn sẽ ra ga đón và đồng ý cho mình ở nhờ trong những ngày đầu khi chưa ổn định.

Ngày 6/8/2007, sau khi để lại cún ở Sapa với bà và bác, mình ra đi, có phu quân và con trai đi tiễn, thực chất là mình sang trước ổn định nhà cửa, hai bố con sẽ sang sau nửa tháng. Mình và Th. hẹn nhau bay cùng một chuyến. Chuyến bay chuyển tiếp ở Sing với 6 tiếng đồng hồ chờ đợi. Suốt cả chuyến bay dài dằng dặc mình chả chợp mắt nổi phút nào, ban đầu thì mình và Th còn nói chuyện, sau thì mệt, chả ai buồn nói gì. Máy bay lượn vòng trên sân bay Manchester trong một ngày trời ảm đạm. Từ trên nhìn xuống, những dãy nhà thấp, thường chỉ 2 tầng, màu xám hoặc màu nâu gạch, buồn tẻ không chịu nổi. Trời ơi, chả nhẽ đây là chân trời mình mơ ước, nền văn hóa mình mong muốn được đắm mình trong đó? Đã tìm hiểu từ trước, tụi mình kéo va ly xuống bến tàu, mua vé rồi chia tay. Th. về Nottingham, thành phố gần khu rừng với câu chuyện nổi tiếng về Robinhood, còn mình thì sẽ phải đi tới gần 3 tiếng nữa để đến Leicester. Thế mà suýt toi với đoạn lên tàu. Suýt nữa thì mình lên con tàu đi về Chester chứ không phải Leicester vì hai từ đấy phát âm phần cuối hoàn toàn giống nhau.

Niềm náo nức biến mất từ lúc nảo lúc nào như chưa từng tồn tại. Mình buồn bã nhìn những bụi cây vùn vụt lướt qua. Làm gì có cái cảnh cây cối rực rỡ dưới nắng hè như McEwan mô tả rất ấn tượng trong cuốn Trên bãi biển Chasil. Ấn tượng đọng lại chỉ là những lùm cây thấp, nhiều nhất là cây hoa cơm nếp giống như ở Sapa, cả hoa màu vàng và màu tím, nếu dùng nước của nó để vo gạo, ngâm một lát thì khi đồ sẽ ra xôi màu vàng hoặc tím. Xa xa là những cánh đồng, những cây sồi với tán lá đặc trưng mà về sau thì mình sẽ thấy đẹp, nhưng lúc đó tuyệt nhiên không có cảm giác gì ngoài nỗi buồn, cảm giác lo lắng trĩu nặng trong lòng.

Hai cái valy nặng, cho cả một năm cơ mà. Lần đầu đi tàu ở châu Âu, cái gì cũng bỡ ngỡ. Cửa không tự động mở mỗi khi đến ga mà phải ấn nút, mình rất lo, chỉ sợ không nghe thấy thông báo tên ga hoặc không mở được cửa để xuống, hoặc một sự cố gì khác giời mà biết được. Ơn trời, mọi việc đều ổn thỏa. Cái ga nhỏ xíu xiu, chỉ có vài đường chờ tàu. Khệ nệ kéo được 2 valy ra khỏi ga thì đã thấy V. đứng chờ để đưa mình về.

Thế là mình đã tự lao đầu vào một thế giới khác, nơi mọi thứ với mình thật lạ lẫm. Mặc dù V. và H. tỏ ra thân thiện, nhưng dù sao mới chỉ là lần đầu gặp gỡ, nên mình không khỏi ngại ngần. H. nói ngay, chị đã đến đây thì đừng ngại, đằng nào chị cũng đến rồi. Mình thật lòng rất biết ơn H. và V. Tụi mình đã trở thành bạn bè từ đó. Giờ nhà H. tận nơi xa, chả mấy khi liên lạc, nhưng những tình cảm ấm áp thì còn lại mãi trong lòng mình và mình tin, bất cứ khi nào, nếu mình cần sự giúp đỡ của nhà H. hay ngược lại, tụi mình sẽ giúp nhau hết lòng. Nhà H. là căn hộ chỉ có một phòng ngủ. Phòng khách khá rộng cũng đồng thời là bếp, buổi tối mình trải đệm ngủ ở đó. Bé Sam nhà H. lúc đó 8 tháng, kém cún nhà mình 4 tháng. Nhìn H. nựng nịu con bé, mình nhớ con gái cồn cào.  

Đến nhà H. buổi sáng, ngay chiều hôm đó mình lang thang ra phố, ngó nghiêng vài văn phòng nhà đất, hỏi V. và H. chuyện thuê nhà. Chẳng hề dễ dàng vì thường phải có người bảo lãnh. Ai bảo lãnh cho mình bây giờ, huhu. Học bổng của mình chỉ có 450 bảng/tháng, mình mà chìa cái đó ra thì chả ma nào cho thuê vì ngần đó theo chuẩn của họ còn chả đủ tiền ăn. Vào ký túc xá thì quá đắt, tụi mình chưa nghĩ đến, và e chừng lúc đó cũng hết hạn đăng ký. Lang thang ngoài đường, rối bời chưa biết làm sao với vụ nhà cửa, nghĩ không biết mình có điên không, bỏ nhà bỏ cửa sang đây để rồi giờ thành không nhà không cửa. Đi từ phố này sang phố khác, nước mắt mình cứ ứa ra. Buổi tối, D., một cô bạn đã sang trước mình ít lâu gọi điện hỏi thăm, mình khóc như mưa như gió làm về sau nàng cứ nhắc mãi. Ở nhà chưa có mạng, những ngày đầu mình vào thư viện thành phố, nơi có thể sử dụng mạng miễn phí 30’/ngày, chát với chị Th. vài câu, nước mắt mình lại tuôn như suối.

Đôi hôm sau, khi V. dẫn mình vào văn phòng hỗ trợ sinh viên thì tìm được giải pháp. Hiện có một căn hộ nhỏ, cách trường 15 phút đi bộ, giá rất phải chăng – 300 bảng, mỗi tội phải giữa tháng 9 mới được lấy. Vì là dịch vụ hỗ trợ sinh viên nên không phải đặt cọc nhiều cũng như không cần người bảo lãnh hay chứng minh tài chính. Như thế là tốt quá rồi, nhưng cũng có nghĩa nhà mình sẽ phải ở nhờ V. và H. khá lâu nữa. Và trong lúc này V. và H. đã chuyển sang một căn hộ khác có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách trên đường London Road, chênh chếch ga Leicester. Tất cả các phòng đều nhỏ xíu xìu xiu, chắc căn phòng mình ở, mà về sau cả nhà  sẽ ở đó thêm một tháng chỉ khoảng 8m2.

Việc tiếp theo là xin học cho con. Mọi việc khá thuận lợi. Những giấy tờ cần thiết đã được chuẩn bị từ Việt Nam nên các thủ tục xong ngay. Mình chả cầu kỳ chọn trường vì đằng nào cũng có biết gì đâu. Từ nhà đi bộ đến trường con mất khoảng 20 phút. Rồi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký số bảo hiểm...

Dù sao cũng tạm gọi là ổn định. Giờ chỉ còn chờ hai bố con sang. Sáng 22/8 hai bố con hạ cánh ở sân bay Paris, rồi từ đó nối chuyến tiếp đến Manchester. Thấy mọi người nói sân bay Charles de Gaulle rất rộng, mình chỉ sợ hai bố con lạc, dặn dò hai bố con đủ thứ trước khi bay nhưng khi đón được ở sân bay Manchester mình mới thở phào nhẹ  nhõm. Giờ thì mình đi lại đoạn đường Manchester-Leicester lần thứ hai, đã thấy có phần quen thuộc hơn rồi.

Cuộc sống mới của cả nhà bắt đầu mà dù không phải lúc nào cũng thuận tiện, giờ nghĩ lại mình vẫn thấy quyết tâm đi học và đưa cả nhà đi theo là đúng đắn.

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NƯỚC ANH



Đã là dân tiếng Anh, ai cũng mong muốn được có thời gian sinh sống trong môi trường tiếng Anh xịn để nâng cao khả năng ngôn ngữ cũng như hiểu biết về nền văn hóa đó. Mình đương nhiên cũng vậy. Và lý do nữa là mình thích tìm hiểu về nền văn hóa Anh để cảm thấy tự tin hơn mỗi khi dịch dọt. Những năm 2000 trở về trước, dân tiếng Anh đi theo học bổng Ausaid khá nhiều, thường chỉ cần thi được IELTS 7.0 cho ngành học phổ biến hồi đó là TESOL (Giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài). Nhưng hồi đó mình còn chưa có Tôm và việc chờ đợi bạn ấy là ưu tiên hàng đầu. 

Sinh con xong, Tôm được hơn một tuổi thì mình bắt đầu tìm kiếm cơ hội đi học nước ngoài. Luyện và thi IELTS để có chứng chỉ. Lọ mọ tham gia khá nhiều triển lãm giáo dục của Anh, Mỹ rồi Úc. Chẳng dễ tìm được cơ hội. Đôi lần mình nộp hồ sơ học bổng Fulbright để được đi thi TOEFL miễn phí. Qua vòng đầu, đến vòng tiếp theo thì mình bỏ không nộp vì biết học bổng đó rất khó và không ưu tiên ngành giảng dạy tiếng Anh. Rồi mình nộp đơn xin học bổng cho ngành Dịch văn học của trường Đại học Tổng hợp Norwich, Anh, dù học bổng chỉ cấp 50% học phí, không mảy may có sinh hoạt phí. Hồ sơ của mình chả có gì nổi bật ngoài một tặng thưởng nhỏ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 2002, đôi cuốn sách dịch trong đó có một cuốn được xếp hạng sách bán chạy trong tháng 6-7 gì đó của năm 2000. Thất bại toàn tập. Giảng dạy tiếng Anh đã không còn là ưu tiên, những học bổng danh tiếng như Ausaid, Chevening lúc trước dành cho ngành này nhiều cơ hội giờ đã loại ngành này từ vòng gửi xe. Văn học thì vốn chẳng phải là lĩnh vực thường xuyên có những nghiên cứu cần trợ lý để người ta trao học bổng như một cách tìm trợ lý lương thấp. Và hồ sơ của mình thì hầu như chả có gì nổi bật, hoặc có thể mình chẳng bao giờ đủ tự tin thấy những thứ mình làm được là to tát. Có lẽ chỉ còn học bổng nhà nước là dễ hơn cả. Mình nộp đơn thi học bổng 322 lần đầu năm 2005. Trượt. Dù điểm mình đứng thứ hai trong khối ngành mình nộp đơn. Lý do là năm đó khu vực mình thi không có chỉ tiêu nào cho ngành nghiên cứu ngôn ngữ. Viết đến đây mình lại muốn chửi bậy, không có chỉ tiêu sao lại có trong hướng dẫn gửi ra, lại nhận hồ sơ và để con người ta đi thi. Phục thù thêm năm nữa, mình quyết tâm thi lại, chọn ngành Quản lý Giáo dục, lúc đấy đang khá là thời thượng. Lúc này động cơ đã bớt phần trong sáng. Mình đơn giản muốn thoát ra khỏi môi trường hiện tại vì chán dạy dỗ đến tận cổ sau khi đã nhiệt tình cống hiến tới 6-7 năm. Rồi Tôm lúc đó 4 tuổi, tính toán nếu đi học lúc Tôm 5 tuổi thì rất hợp lý vì Tôm sẽ ở nước ngoài một năm, vừa đủ để học tiếng Anh một chút rồi về Việt Nam vào lớp Một. Nhớ lại những tối mình miệt mài đi học lớp ôn thi đầu vào, nào quản lý giáo dục, nào lôgics học trong cái nóng tháng 4, tháng 5. Vào phòng thi khi đã có bầu bạn cún được hơn 7 tháng, các bạn cùng phòng ái ngại nhìn mình. Chả nhớ đã học thế nào, nhớ mỗi chi tiết mình cùn, không chịu đóng hụi chết với đám đồng môn vì nghĩ tại sao mình học cẩn thận lại phải đóng tiền. Mình bảo tụi nó, cứ ghi rõ bên ngoài phong bì tên mình không đóng tiền. Trong lớp có mấy em là chuyên viên ngồi bệt ở Bộ, các em ấy lại còn phụ trách cái dự án 322, nơi trình duyệt hồ sơ và hỗ trợ việc đi học của tụi mình mới tởm chứ. Tất nhiên là các em ấy cũng đi học kiểu on off nên rất nhiệt tình đóng góp, thậm chí còn kêu gọi nữa. Về sau, khi phải lên cái phòng đó một số lần làm thủ tục này nọ, mình và các em ấy vờ như chưa từng biết nhau, hehe. Điểm thi mình ổn, đâu đó trong top 5. Sinh bạn cún được hơn tháng thì mình được tin đã được học bổng. Các công đoạn, thủ tục trước khi nhận được quyết định đi học chả đơn giản tý nào, nhưng chuyện này mình vẫn còn ngại ngần chưa muốn viết ra. Liên quan đến Bộ, ngoài việc phải chờ đợi hơi lâu mỗi khi lên đó thì mình thấy mọi cái cũng không đến nỗi quá tệ. Mình vẫn nhớ chi tiết hồ sơ giấy tờ mình tự dịch hết. Tên khóa học nếu dịch đúng thì phải là Lãnh đạo và Quản lý Giáo dục, em H. ở Bộ khuyên mình, chị chỉ nên ghi là Quản lý Giáo dục thôi, ghi Lãnh đạo hơi nhạy cảm, sợ khó được duyệt, vì các sếp sẽ đặt câu hỏi, học về làm lãnh đạo à, hehe.

Thế là cuối cùng mình đã có được điều mình muốn. Mình sẽ được sống hơn một năm trong môi trường tiếng Anh, nền văn hóa Anh. Visa cho cả gia đình đã nhận. Niềm náo nức trước một cuộc sống mới với bao điều mới lạ nhiều lúc át cả nỗi lo phải xa con gái khi đó còn chưa đầy tuổi. Vả lại, để con lại cho bác T. và bà chăm sóc, mình cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

Giữa tháng 7, mang cún lên Sapa, chơi với con chục ngày rồi về Hà Nội để chuẩn bị đi, mình cảm giác như đã hoàn toàn sẵn sàng. Vậy mà khi xe chuyển bánh, vẫn không ngăn được cổ họng nghẹn lại, nước mắt cứ rơi trên đoạn đường Sa Pa-Lào Cai.

22 tháng 4 2014

KÝ ỨC NƯỚC NGA_MỘT LẦN ĐẾN RIGA



Anh H., con bác V., bạn thân của bố mẹ mình vào những năm 90 đó làm công nhân ở Riga. Vậy nên mình đã có dịp đến thăm thành phố nhỏ bé, xinh đẹp này trên bờ biển Baltic. Đó là hè năm 92, khi mình đã chuyển đến Piatygorsk, quay trở lại Minsk thăm Kh., mình tranh thủ đi xe buýt đường dài đến Riga.

Mấy thành phố bên bờ biển Baltic này thực ra khá gần nhau. Từ Minsk, thủ đô của Belarussia đến Vilnius, thủ đô của Lithuania chỉ hơn 180 km, rồi thêm hơn 200km nữa là đến Riga. Mình ngồi xe từ sáng, qua bến xe trung tâm Vilnius xe nghỉ khá lâu, chiều thì đến Riga. Lâu quá rồi, giờ đây mình chả còn nhớ gì nhiều. Con đường chạy qua những khu rừng, những cánh đồng trải dài vô tận, những cảnh làng quê Nga đặc trưng của mùa hè. Anh H. ra bến xe đón. Những ngày sau đó, mình ở chỗ chị H. người yêu anh. Luôn luôn là sự chăm sóc đầy ấm áp của anh chị và bạn bè, những người công nhân mà nếu so sánh về mặt cuộc sống thì hơn đứt cái đám lưu học sinh dù đã ở Nga cả đôi năm, tiếng Nga thì có vẻ khá đấy nhưng vẫn lơ ngơ chả khác đám bò đội nón là bao.

Đầy tình cảm và thân thiết, anh chị H đã đưa mình đi chơi những nơi đẹp nhất của Riga. Dù là một nước trong liên bang, do đặc điểm lịch sử, kiến trúc của Riga khá khác biệt so với Minsk hay Piatygorsk, mà điểm rõ nét nhất có lẽ là hương vị phương Tây chăng? Về sau, khi có dịp đặt chân đến Praha, những con đường lát đá cổ ở đây ngay lập tức gợi mình nhớ đến những con đường lát đá ngày nào ở Riga. Rồi những ngôi nhà mặt tiền phẳng lỳ cứ khiến mình so sánh với những ngôi nhà ở Amxtecdam, mà mình nói đùa là giống như một khuôn mặt bị gạt bằng, chẳng có tí mũi nào :-). Mình đã cùng anh chị lang thang trên những con phố nhỏ nơi trung tâm, leo lên tháp con gà, đến thăm một tòa thành cổ ở cách đó không xa, xách theo một chiếc cát xét và suốt lúc đi dạo vẫn bật những bài hát Tuấn Vũ vô cùng phổ biến hồi đó. Buổi trưa, tụi mình ngồi ăn dưới một vòm lá xanh um rực rỡ của mùa hè. Rồi ghé thăm cửa hàng nhỏ trong tòa tháp cổ với rất nhiều những món đồ làm từ hổ phách, thứ được coi là đặc sản của khu vực này. Về đến gần ký túc xá khi trời đã hơi chập choạng, có lẽ khoảng 10h tối, bụi hoa jasmin tỏa hương thơm ngát, giống hệt bụi hoa jasmin gần ký túc xá của mình ở Minsk.

Dành trọn vẹn một buổi chiều dài khác, anh chị đưa mình ra một bãi biển không xa thành phố là bao. Đó cũng là kỷ niệm của mình lần đầu được nhìn thấy biển. Bãi biển hoang vắng, xe ô tô đi xuyên qua rừng một chặng khá dài mới đến được. Không hề có bất kỳ một dịch vụ gì vì đó không phải là bãi tắm mọi người thường đến. Cả bãi biển chỉ loáng thoáng vài ba người. Biển lạnh. Dù là giữa hè, cái nắng của bờ biển Baltic đối với mình vẫn mang hơi thở lạnh. Nắng không vàng chói mà dìu dịu, chẳng bao giờ sợ làm đen làn da. Dù vậy, mình cũng chui hơi sâu vào rừng, bỏ bộ váy khoác ngoài để có được cảm giác xuống biển. Đọng lại không phải cảm giác lặn ngụp, vì thực sự mình không lặn ngụp, mà là khu rừng trải dài theo bờ biển, mùi lá cây tinh khôi, những vòm lá biếc, những tia nắng chiếu chênh chếch qua tán lá. Đều là rừng ôn đới, rất sạch, chỉ có mùn và lá cây chứ không hề có dây leo hay các loài côn trùng, vậy mà sao cánh rừng bên bờ biển Baltic năm ấy vẫn rất khác khu rừng cạnh ký túc xá trường Bách Khoa ở Minsk. Và trên tất cả là cảm giác choáng ngợp, mênh mông trước bề mặt trải dài vô tận, xanh biếc của biển Bắc khi mình được lần đầu đối diện.  

Mỗi lần đến thăm các anh chị đồng hương, thứ không thể thiếu là ít món đồ các anh chị nhất định phải tặng đám sinh viên nghèo rớt mồng tơi tụi mình. Nước gội đầu mùi táo, bên ngoài là hình quả táo xanh rất ngon, lọ nhựa giản dị, chắc 300ml, tất nhiên là đồ Nga nhưng với bọn mình thế là xa xỉ chán rồi, xà phòng, kem đánh răng, ít đồ ăn khô mang theo về. Và mình nhớ mãi chú thỏ bông ôm củ cà rốt, món quà mà về sau, khi có dịp, mình lại gửi hòm anh bạn đồng hương khác mang về Sapa và cô cháu mình nâng niu, giữ mãi.

Trở về Pyachigorsk, có lẽ 3 tháng sau, mình nhận được một lá thư từ Riga. Trên phong bì là những dòng chữ Việt. Nét chữ rất lạ. Hóa ra trong một phút nghịch ngợm, thần Cupid đã buông nhầm dây cung. Anh chàng người Nga, chính xác hơn phải nói là người Latvia, lái xe cho anh họ mình, là tác giả lá thư đó. Mình cư xử có đúng không nhỉ, khi đã chẳng bao giờ hồi âm, chả nghĩ đó là điều gì quan trọng và chắc chỉ sau ít lâu thì quên bẵng. Đến giờ mình cũng chả nhớ gì hơn ngoài việc lá thư khá ngắn, vài dòng hỏi thăm và những lời bày tỏ tình cảm vụng về. Hai bác người Nga, bố mẹ của anh chàng đó, mà trong những ngày ở Riga anh H. có đưa mình đến ăn cơm một lần, thì rất vui mừng trước việc con trai của họ đã nhiều tuổi và đây là lần đầu tiên có tình cảm với một cô gái. Đấy là anh H. về sau gọi điện giải thích cho mình vì sao có lá thư, ai là người viết hộ, vân vân và mây mây. Anh H. còn xin lỗi mình này nọ vì đã giúp anh chàng đó gửi thư cho mình. Nhưng có gì phải xin lỗi đâu nhỉ. Tất cả đều là những kỷ niệm đẹp mà. Chả thế mà tận giờ mình vẫn nhớ. Còn chàng có lẽ đã quên mình từ đời nảo đời nào.

Mình chỉ đến Riga có một lần ấy. Chẳng hiểu sao hai gia đình thân thiết thế mà về sau mình cũng không giữ liên lạc nhiều với anh H. Có phải vì chuyện giữa chị V. mình và anh của anh H. không thành. Anh H. về Việt Nam trước mình. Hai anh chị sau khi về Việt Nam không lâu thì chia tay. Giờ anh ấy vẫn ở LC. Ừ, những ngày thương nhớ ấy thấy thật thân thiết, gần gũi, anh ấy đối với mình như anh em ruột. Giờ thì năm nào mình cũng đi Sapa mấy lần vậy mà chả gặp nhau. Nghĩ thế lại thấy trách bản thân ghê gớm. Phải chăng mình đã quá vô tình, quá thờ ơ? Hay là vì điều gì khác? Hình như có một lần mình đến thăm anh ấy, nhưng chả có nhiều chuyện để nói nên sau cũng ngại. Rồi cứ lần lữa, lần lữa. Thời gian thì không phải là trôi mà bay vèo vèo. Bỗng dưng lại nhớ một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Vậy mà mình đã hững hờ. Và không chỉ một lần :-(. 

Tất nhiên là không hề có một tấm ảnh nào từ những ngày xửa ngày xưa đó, mình chọn vài tấm trên mạng vậy.
Có phải mình đã leo lên cái tháp cao tít kia không nhỉ? 
Con đường nào là con đường mình đã đi qua?
Mặt tiền ngôi nhà phẳng lỳ, rất giống những ngôi nhà ở Amxtedam
 Ước gì mình được đến lại những con phố, ngọn tháp kia một lần nữa!

21 tháng 4 2014

NƠI ẤY BÂY GIỜ MÙA HOA TỬ ĐINH HƯƠNG



Trong 2 tập truyện cổ Andexen, giấy đen sì, mà mình đọc ngày thơ bé, trở đi trở lại trong rất nhiều câu chuyện là những bông hoa tử đinh hương, thường được mô tả có màu tím dìu dịu, mang dáng vẻ u buồn. Những bông hoa đã hằn vào ký ức mình như thế, theo mình đi suốt những năm tháng học ở nước Nga. Hôm nay, tình cờ lang thang trên mạng, bắt gặp những bức ảnh hoa tử đinh hương mà một chị người quen ở trời Tây đưa lên, thế là bao ký ức đua nhau ùa về.

Mùa đông nước Nga dù kéo dài đến đâu thì cũng đến lúc phải chấm dứt. Trước khi tuyết tan khá lâu, suốt từ cuối tháng Ba, những bông hoa xuyên tuyết đầu tiên đã nhú lên, để rồi sau đó là hàng loạt những loài hoa khác chen nhau mọc trong cánh rừng sau khu ký túc xá. Nhưng hoa tử đinh hương thì phải cuối tháng Tư, đầu tháng Năm mới bắt đầu nở rộ. Suốt một bờ cây dọc con đường nhỏ phía sau ký túc xá, hoa nở thành hàng. Hoa tử đinh hương có nhiều màu, từ sắc tím đậm, tím nhạt, hồng đậm, hồng nhạt cho tới xanh nhạt hoặc trắng muốt. Nhưng ở thành phố mình ngày đó, có lẽ màu tím là phổ biến hơn cả. Cảm giác như hoa tử đinh hương mọc ở khắp mọi nơi trong thành phố, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những bụi tử đinh hương nhỏ hoặc cả bờ cây tử đinh hương. Những chùm hoa nở bung, những cành lá nhỏ trĩu xuống dưới sức nặng của chùm hoa. Cả không gian tràn ngập mùi thơm dìu dịu, nhè nhẹ của những bông hoa u buồn ấy. Và dù tử đinh hương có mọc ở rất nhiều nơi thì chỗ bến tàu điện ấy vẫn có mấy bà già Nga với chiếc xô nhỏ cắm những bó tử đinh hương xinh xắn, chờ người mua. Có lẽ, với người Nga, hoa tử đinh hương cũng thân thiết như thể bờ dậu cúc tần hay những chùm bông bưởi mùa xuân. Mình đã đọc một truyện ngắn, viết về một cô họa sỹ chỉ vẽ một chủ đề duy nhất, hoa tử đinh hương. Và nhớ mãi truyện “Khóm hoa tử đinh hương” của Iucazov.

Một năm nào đó, có lẽ là 92 hoặc 93, trên đường chờ tàu đi Minsk vào dịp 1/5, chị bạn đi tiễn mình chẳng quên cầm theo tặng mình một bó tử đinh hương nhỏ, dù rằng trên con đường tới hơn hai ngày từ Piachigorsk đến Minsk ấy, con tàu đã vượt qua biết bao rặng tử đinh hương đang vào mùa nở rộ. Chẳng biết chị ấy còn nhớ cái đường tàu ấy, con tàu ấy, bó hoa tử đinh hương ấy. Còn mình thì cứ nhớ mãi, nhớ mãi, nhớ cả chiếc áo khoác nhẹ màu vàng mình mặc hôm đó. Cứ như thể ai đó đã kẻ một đường rất đậm nên chẳng thể phai mờ. Rồi đến lượt mình, cũng rất nhiều lần mình mang cho cô bạn gái những bó hoa tử đinh hương đầu mùa mà mình hay mua dưới bến tàu điện ngầm ở Moscow. Chả biết bạn mình có còn bao giờ nhớ.

Trong những năm tháng ấy, biết bao lần mình đã đi dọc theo con đường sau ký túc xá, hít thật đầy hương thơm những bông tử đinh hương mà vẫn chẳng quên mang về vài nhánh, cắm trong chiếc cốc nhỏ. Rồi chẳng lần nào tụi mình quên tìm những bông tử đinh hương năm cánh, hy vọng những bông hoa đặc biệt đó sẽ mang lại điều may mắn. Rồi trong giấc mơ thiếu nữ, như trong một câu chuyện cổ ngày xưa, nàng tiên hoa mỏng manh khẽ khàng mở cửa, nhón chân bước vào, thì thầm điều gì khiến đôi môi bất chợt nở nụ cười.

Những bông hoa tử đinh hương dịu dàng, mang nặng biết bao ký ức. Bây giờ, nơi ấy cũng đang mùa tử đinh hương. Mình nhớ!