24 tháng 12 2021

CHUYỆN CHÀNG TRAI ĐI HỌC FPT_02

 

Chàng trai đã qua thêm hai kỳ học nữa và hôm nay đang trong quá trình đăng ký các môn cho học kỳ tiếp theo. Cái vụ miễn môn học cuối cùng đã được giải quyết xong trước khi bắt đầu kỳ 3, chàng trai được miễn 9 môn, trong đó có một môn đã học ngay từ kỳ 1 nên việc miễn không có giá trị. Dù vậy, con vẫn được miễn 8 môn, tương đương với khoảng 1.5 kỳ, nằm rải rác ở các kỳ khác nhau, rồi thêm vụ được miễn học tiếng Anh nữa, nên chàng trai tiết kiệm cho mẹ tương đối - gần trăm triệu tiền học phí luôn. Đây là kỳ thứ tư, tuy nhiên, vì con được miễn một số môn, nên hai môn của kỳ 4 đã được đẩy lên học từ kỳ 3, và kỳ 5 cũng có môn được miễn, nên kỳ tới đây là sự kết hợp các môn còn lại của kỳ 4 và 5. Gần như suốt năm 2021 vừa qua các con học online. Kỳ 2 chàng trai phải thi lại một môn, với điểm vừa đủ qua. Kỳ 3 thì môn tiếng Nhật chàng trai cũng phải thi lại, mà nguyên nhân vô cùng vớ vẩn. Các bài kiểm tra trong kỳ chàng toàn 9-10, nhưng đến bài thi cuối chàng ẩu, lẽ ra sau khi xong trang đầu phải bấm sang trang tiếp theo để làm thì chàng bấm “Nộp” khi mới hoàn thành chưa đến nửa bài kiểm tra nên điểm dưới trung bình luôn, kakaka. Tất nhiên hôm thi lại chàng làm cẩn thận và được điểm cao. Chàng trai tuyên bố chắc nịch, môn nào mà con nghĩ con sẽ sử dụng thì con học cẩn thận, còn môn nào mà con không thấy có ích thì sao con lại phải học. Đã có kinh nghiệm từ kỳ trước nên giờ chàng biết tầm quan trọng của việc đăng ký hay gửi đơn cho phòng đào tạo đúng hạn để được học môn mình cần vào thời gian mình chọn. Hôm qua chàng còn ranh mãnh chia sẻ câu chuyện “bọn con hack hệ thống của trường để đăng ký được cho cả ba đứa bọn con vào một lớp đấy, giờ lớp đấy có 32 người.” Hệ thống của trường quy định mỗi lớp 30 sinh viên. Nhưng nhóm bạn của chàng có 3 người muốn học cùng nhau, mà chắc do các bạn khác đăng ký nhanh quá nên lớp nào cũng chỉ còn 1-2 chỗ trống. Chàng ranh mãnh cười, học CNTT để làm gì nếu không biết làm những thứ này. Ôi trời!

Kỳ 3 của con trôi qua nhẹ nhàng, thường mỗi ngày 2 tiết, mỗi tiết 90', tức tổng cộng 3 tiếng. Riêng thứ Năm chàng nhàn hơn, chỉ học một môn trong 1.5 tiếng. Kỳ tới đây sẽ mệt hơn chút, nếu học tập trung thì ngày nào con cũng phải lên trường. Được cái con đăng ký tiết đầu luôn sau 9.00 và tiết cuối kết thúc lúc 4.00 nên dù phải lên trường học thì việc đi lại cũng không quá vất vả. Nhớ lại buổi học đầu tiên của kỳ 3, chàng tham gia với tâm thế hào hứng. Chàng kể, hôm nay có một thầy giáo khá quy củ. Thầy bảo buổi nào thầy cũng sẽ giao bài tập về nhà và nếu ai không làm bài tập đầy đủ thì sẽ bị trừ điểm. Thế nhưng vào cuối buổi học đầu tiên đó chàng trai tranh luận với thầy một vấn đề, hỏi một câu hơi khó, làm thầy quên béng việc phải ra bài tập về nhà 😊. Chàng cũng hào hứng khoe có môn chàng học với các anh chị K14 đấy, vì việc đăng ký môn học cho phép con được chọn môn, chọn lớp chứ không nhất thiết theo một lớp từ đầu đến cuối như mẹ ngày xưa. Kỳ tới đây thì chàng còn có nhiều môn học cùng K14 hơn nữa ấy chứ, vì chàng đã vượt các bạn cùng năm – K16 - khá xa.

Vậy là chàng trai đã lên năm 2 (mà bản chất là năm 3 do chàng được miễn năm đầu học tiếng Anh), còn chưa đầy 2 năm nữa là xong đại học. Mẹ nhắc chàng hỏi Phòng Đào tạo về kế hoạch đi thực tập, vì chỉ sau kỳ tới đây kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4/2022, thì ngay sau đó con đã vào kỳ thực tập rồi. Bất kể kỳ thực tập đó ở đâu thì mẹ cũng muốn con đi - Nhật hay Ấn độ. Con cần rời xa mẹ để tự lập, để trưởng thành. Mẹ trêu, ôi mẹ sắp không phải trả tiền học cho con nữa rồi. Khi đó góp tiền với mẹ cho em đi học nhé. Chàng tỉnh bơ, tự túc là hạnh phúc, có làm thì mới có ăn. Ơ, thế ai đang trả tiền học cho con đây, hả 😊.

Cảm ơn con trai. Dù theo chuẩn “con nhà người ta” thì con chả đạt chuẩn gì - không được học bổng du học, không trường top đầu, etc. – mẹ vẫn happy với lựa chọn của con. Mẹ nhìn thấy con được học thứ con thích và biết rõ mình muốn gì. Việc học kéo dài cả đời, hoàn toàn có thể đến năm 40 tuổi con muốn đi học lại nhạc thì sao, nếu con đã có đủ tích lũy tài chính cho việc học tiếp. Con hãy sống làm người tử tế, và làm điều mình yêu thích, thế là đủ hạnh phúc. Con hãy nghỉ ngơi, chơi điện tử nốt mùa Giáng sinh này để mẹ con mình cùng bước vào một năm mới nhiều may mắn con nhé! Yêu con trai của mẹ rất rất nhiều!

23 tháng 12 2021

LẶNG LẼ SAPA

 Sau chuyến lên Sapa cùng một nhóm bạn bè từ tháng 4, suốt từ đó đến đầu tháng 12 mình không về lại Sapa. Thỉnh thoảng có những khoảng lặng của dịch bệnh nhưng mình luôn ngại ngần không dám về, nhỡ mang bệnh tật về cho ông bà, còn thời gian cuối này thì số ca nhiễm của Hà Nội thực sự tăng cao, thậm chí dẫn đầu luôn. Dù thế, đầu tháng 12 có một việc giấy tờ cần phải giải quyết nên mình thoáng về qua nhà.

Bây giờ thì các hãng xe khác nhau đã bắt đầu chạy lại, tiếng là đều đặn nhưng khá thưa thớt. Mình chọn loại xe chỉ có 9 ghế, đưa đón tận nhà. Xe đón lúc hơn 7h và gần 11h rưỡi thì mình đã có mặt ở Lao Cai, hôm đó dân tình đang nháo nhác với hơn một chục ca dương tính. Công việc giấy tờ mất khoảng gần 1 tiếng và đến gần 2h thì mình đã có mặt ở Sapa.

Thị trấn vắng tanh. Nhưng cách gì nó cũng không còn là thị trấn của mình ngày xưa nữa. Dù vắng tanh thì toàn thị trấn vẫn là những hộp beton xếp chồng lộn xộn. Những cửa hàng tạm thời đóng cửa vì không có khách nhưng các con đường thì vẫn chỗ này chỗ nọ bị đào bới, bẩn thỉu. Thị trấn nên thơ ngày xưa với những vườn đào, mận, lê và các luống rau xanh mướt đã gần như biến mất ở khu vực trung tâm thị trấn. Ở ven hồ, ngay chỗ bắt đầu đường Xuân Viên, một cái cây giả lá bằng nhựa lấp lánh, đánh lừa những đôi mắt vốn đã kém và hai năm nay còn kém đi nhiều vì màn hình máy tính. Cây mận cổ đẹp nhất Sapa ở dốc Otel ngày nào (cách người dân gốc Sapa gọi một con dốc nhỏ do chỗ này từng có một khách sạn tên là Grand Hôtel de Chapa, hay đơn giản Metropole, được xây từ năm 1932) đã bị chặt, nhường chỗ cho khách sạn Mường Thanh thô kệch, xấu mù. Sapa của mình những ngày này trở lại lặng lẽ, nhưng đâu có còn Lặng lẽ Sapa của Thành Long.

Chỉ có trọn vẹn một ngày ở Sapa nên mình thậm chí còn không bước chân ra khỏi cửa. Sau nhà, vườn rau mùa đông kém xanh. Giàn su su lá đã tàn, chỉ còn vài quả cuối mùa mình hái nốt. Su hào, cải bắp của mẹ năm nay hơi kém, mà cũng đã phục vụ ông bà gần hết. Cây ngân hạnh ngày nào bé tý giờ đã cao vút, lá trút sạch không còn chiếc nào. Mẹ bảo ít bữa trước lá vàng rực, làm mình nhớ mùa thu 2011 ở Hàn Quốc, đúng vào dịp lá ngân hạnh đổi màu. Ở nơi góc sân yêu thích của mình những cây mai đang ấp nụ, để rồi chỉ vài tuần nữa những bông mai đầu tiên sẽ bung ra trắng muốt. Chục năm trước, khi ông còn khỏe, khu vườn lúc nào cũng đầy màu sắc, giờ thì đã chả còn những màu sắc đó nữa. Ừ, mà tiếc nuối làm gì, trên đời này đâu có gì là vĩnh viễn. Rồi một ngày nào đó, hoàn toàn có thể khu vườn đó sẽ thuộc về một chủ khác, hôm nay mình thấy chị mình bảo cậu thuê khách sạn đã báo trả nhà rồi. Đã hơn hai năm nay không có khách, chắc hẳn cậu ấy đang tìm đường xoay xở. Bà bảo, hôm nọ M. nó có mấy khách, nghe tiếng người rộn ràng được một tý, rồi lại thôi. Khách sạn mà lâu không có người cũng ẩm mốc hết.

Cho đến bây giờ thì có thể nói bằng sự quản lý ngu xuẩn người ta đã hoàn toàn thành công trong việc phá tan cái thị trấn xinh đẹp của mình ngày nào. Mình tin hoàn toàn có thể phát triển một cách hài hòa và vẫn giữ lại được quy hoạch đẹp đẽ. Nhưng điều đó đòi hỏi tâm và tầm, hai thứ thiếu triệt để trong não trạng đám lãnh đạo ngu dốt.

Những ngày này, khách du lịch loáng thoáng quay lại Sapa. Nhưng những người mình biết thường chọn đi xuống bản chứ ít ở lại trung tâm. Chỉ mùa hè tới thôi, Sapa sẽ lại đông đúc như trước dịch hoặc gần như vậy, người ta sẽ lại tiếp tục chen chúc nhau trong những nhà hàng và con phố trung tâm. Mẹ mình sẽ bớt lo lắng vì sẽ thu được tiền cho thuê nhà.

Và Sapa thì hết lặng lẽ. Nhưng dù có những ngày lặng lẽ tạm thời này, Sapa tuổi thơ của mình nào có còn! Cũng như một Sapa của những năm đầu thế kỷ, nơi có những nhà trọ mang tên như Madeleine, Rose, hay các biệt thự les Marguerites/biệt thự hoa cúc, les Hibiscus/biệt thự hoa dâm bụt, les Génariums/biệt thự hoa phong lữ thảo đã tàn lụi theo thời gian.

Mình đã bảo đâu cần tiếc nuối vì trên đời đâu có gì vĩnh viễn. Vậy mà viết đến đây chẳng kìm nổi sự nhớ thương cứ trào lên. Một ngày duy nhất ở Sapa không cho phép mình đi tìm lại những dấu tích của một Sapa xưa, sờ tay vào những trụ đá làm cổng những biệt thự, khách sạn xưa cũ. Và cả những con người của một Sapa xưa cũ như mẹ mình, bố mình và những người cùng lứa, chẳng mấy chốc rồi cũng sẽ rời xa cuộc sống này, mang theo những câu chuyện, hiểu biết của họ về Sapa, vĩnh viễn!


Sapa những năm đầu 1990 (Ảnh: Internet)

 

 

16 tháng 12 2021

"CHỈ MỘT VÀI HÔM NỮA THẾ RỒI..."

 Sáng thứ Hai đầu tuần, lại trùng với lễ tang của nhạc sỹ Phú Quang. Mình vốn không cuồng, chỉ thích một số bài của nhạc sỹ, và về sau thì thích nghe thêm một số tác phẩm khí nhạc của ông, nhưng vì có một người bạn phương xa nhờ đặt hộ vòng hoa, nên quyết định đến tận nơi viếng ông, cũng là để đảm bảo vòng hoa được mang vào tận nơi một cách cẩn thận.

Đám tang khá vắng, nếu so với đám tang Nguyễn Huy Thiệp gần đây chẳng hạn, hay từ những cơn sóng trên mạng mấy ngày cuối, người ta có thể hình dung một đám tang chắc hẳn chen đặc người. Không hề. Từng đoàn nhỏ đi viếng, mọi người phần lớn đứng cách xa nhau, khoảng sân phía trước nhà tang lễ vắng vẻ. Hà Nội se se lạnh, bầu trời quang đãng, một bầu không khí lãng đãng như trong những bài hát của ông. Trong lúc chờ chị H.A đến để cùng vào viếng, mình đứng ở một góc xa, tiện thể thực hành bài tập quan sát mà ngày nào, khi đi tập huấn các cô giáo mầm non, tụi mình yêu cầu các cô cố gắng quan sát thật chi tiết. Rất nhiều vòng hoa, và nhiều vòng hoa rất đẹp, kết hoàn toàn bằng hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa ly…, nhưng cũng có những vòng hoa mà 9/10 nguyên vật liệu là nilon, giấy bóng kính các màu. Vòng hoa của chủ tịch nước là một trong số đó, vòng tròn bé xíu ở giữa được kết bằng hoa cúc và một bó hoa phía trên cùng được kết bằng hoa lan. còn lại tất cả là nguyên vật liệu tái sử dụng – trắng, đỏ và vàng đến lóa mắt. Tất nhiên lá thì là lá thật! Không rõ vòng hoa của chủ tịch nước là tiền riêng hay tiền ngân sách. Nhiều khả năng tiền ngân sách và chắc định mức chi tiêu cộng với việc bớt xén chỉ cho phép mua một vòng hoa như vậy. Nhưng mình nhớ lại, đã có lúc này lúc khác mình bù tiền túi vào khoản định mức để đặt những vòng hoa cẩn thận khi đi viếng.

Rất nhiều người nổi tiếng đến viếng. Người nổi tiếng được xướng tên là ca sỹ, nghệ sỹ này nọ. Và khá thường xuyên mình được nghe xướng tên những nhân vật mà khi ghi vào tờ đăng ký viếng người ta không quên nhét vào đó đầy đủ học hàm, học vị, chức danh…, nhiều chức danh giờ chỉ còn là “nguyên”. Chị H.A sau đó cười bảo mình, đi viếng đám tang và đọc sổ tang luôn là một điều thú vị, hôm nay tao liếc qua thấy có một người viết vài dòng mà rõ ràng cho thấy mối quan hệ chả thân thiết gì, nhưng bên dưới chữ ký thì dằng dặc chức danh người đó, rồi lại có người viết, thương em quá mong em được bình yên, kakaka. Khi chuẩn bị đọc điếu văn, phần lớn đã đứng nghiêm túc chờ đợi nghe, thì một cặp vợ chồng đứng tuổi ngay cạnh mình vẫn cố tình loay hoay cùng tự sướng cảnh dự lễ tang. Rồi gần như suốt lúc đọc điếu văn thì một thanh niên đi đi lại lại ngay trên hàng đầu để livestream. OMG, làm sao người ta có thể làm những điều kinh khủng như vậy trong một lễ tang. Mình nhớ ngay đến câu thơ trong cuốn truyện của Lê Đạt, “Khốn khổ là thân con người/Dưới mồ đội đất trên đời đội danh.” Danh to, danh nhỏ, tất cả vùi con người trong những nấm mồ của họ, mà việc trưng ra vô vàn những "nguyên" hay động tác cố tình tự sướng để thu được cảnh quan tài, dòng chữ phía sau nhiều khả năng cũng chỉ với mục đích kiếm được vài lời khen ngợi hoặc like sau đó.

Mình dự đến tận khi di quan ra xe. Nhạc trong lễ tang phần lớn là những bản nhạc của ông, gợi cảm giác nhẹ nhàng (sau đó chị H.A bảo, trừ người nhà ra tao chả thấy ai có bộ mặt tiếc thương, kakaka) nhưng bài điếu văn thì giống hệt một bản sơ yếu lý lịch không chút cảm xúc. Mình phẫn nộ quá, bảo làm sao người ta có thể viết một bài điếu văn khô đến mức như thế, còn đưa vào cả chi tiết ba vợ làm gì. Khác hẳn bài điếu văn Nguyễn Huy Thiệp, đầy cảm xúc, đầy sắc màu và khiến người ta phải nhớ. Chợt nhớ ra lúc đứng ngoài sân chờ chị H.A, dù đứng khá xa mà vẫn nghe thấy một nhóm ba người bàn tán về cuộc sống riêng tư của ông với người vợ thứ ba. Trời ơi, cái thói tọc mạch của người Việt thật là kinh khủng.

Chỉ một vài hôm nữa thế rồi

(Người ta thương nhớ có ngần thôi)

(Nguyễn Bính)

Hôm nay, mới chỉ một tuần qua kể từ khi Phú Quang mất, thì những dòng thương nhớ ông đã trôi xa đến tận phương trời nào của thế giới mạng rồi và người ta lại đang mải mê với những hot news mới, chả biết còn bao nhiêu người nghĩ đến ông, sau khi đã tung hô những ngôn từ vô cùng to tát mà có lẽ bản thân ông cũng ngại ngần phải nhận.

Trong làn sóng những dòng ngợi ca bất tận, bất chợt, một người bạn đưa ra câu hỏi, giữa Lam Phương và Phú Quang, ai là người có ảnh hưởng lớn hơn. Thật khó để mà so sánh, hai dòng nhạc khác nhau, hai bối cảnh khác nhau. Mình chả muốn phải chọn ai cả, dù cũng chả là fan cuồng của nhạc sỹ nào, nhưng nếu dựa trên những tiêu chí định lượng như số lượng tác phẩm, số lượng băng đĩa phát hành, độ nổi tiếng, phổ biến của bài hát, hay thậm chí việc bị nhại lời đi… thì phải chăng Lam Phương chiếm vị trí cao hơn, trong khi những tác phẩm của Phú Quang có phần định hình ông với nhóm khán giả dường như chọn lọc hơn.

Hôm nay mình nghe lại tác phẩm này của Phú Quang. Dường như có giai điệu nào của Nga, của những ngày tuổi trẻ vọng về! Và mình nhớ về ông như nhớ về tuổi trẻ của mình!

Tác phẩm "Tình yêu của biển" cùng dàn nhạc Mùa thu