21 tháng 12 2016

"NHỮNG ĐÀN SẾU BAY QUA SƯƠNG MÙ VÀ KHÓI TỎA"

“Осень, осень! Над Москвою 
Журавли, туман и дым.”

Sang đến Minsk vào một ngày cuối hè năm 1990, nhóm 6 anh em bọn mình cùng nhau về ký túc xá của trường ĐHSP Minsk trên con phố Rumianseva. Chỉ ít hôm nữa thôi sẽ có thêm một nhóm khá đông các em học sinh sang theo diện đoạt giải trong kỳ thi Olympic tiếng Nga, nhưng đó là câu chuyện về sau, còn bây giờ thì 6 anh em chẳng mấy chốc đã trở nên hết sức thân thiết, nấu nướng ăn uống cùng nhau. Vậy nên vào khoảng cuối tháng 10, khi Thắng bé phải vào viện, do trong đợt khám sức khỏe đầu năm cậu ấy bị phát hiện có vấn đề về phổi, cả bọn thực sự buồn. Nội quy bệnh viện khắt khe, dù muốn tụi mình cũng chẳng thể vào thăm thường xuyên. Câu chuyện hay trở đi trở lại mỗi bữa tối là bao giờ Th. khỏi, liệu cậu ấy có phải về Việt Nam không, đôi lúc thoáng qua cả nỗi niềm lo sợ, cả tháng ăn cùng mâm vậy, không biết có ai bị sao không nhỉ. H., một trong số các em học sinh trong nhóm Olympic sang sau, lúc đó đã là bạn gái của Th., khóc hết nước mắt. Cả bọn thì thầm, bọn nó kiss nhau, có khi còn lây ấy chứ. Thật đúng là trẻ con hết sức.

Mấy lần vào cuối tuần cả nhóm chúng mình cùng nhau vào viện thăm Th. Bệnh viện nằm tít nơi ngoại ô, đi xe bus cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Con đường cuối thu, lá rụng gần hết, hàng cây đứng trơ trọi, buồn rầu. Chuyến xe đi mãi, đi mãi, ngang qua những ngôi nhà đặc trưng cho làng quê Nga đã chuẩn bị vào đông, nhỏ nhoi trong những làng nơi ngoại ô. Có thể viết rất thi vị về con đường và những ngôi làng, nhưng ngày đó mình hoàn toàn không cảm nhận thấy điều đó. Trời đã trở lạnh. Thỉnh thoảng những chú chim lẻ đàn vội vã bay đi tránh rét. Và suốt cả chặng đường, những câu thơ của Olga Bergolts cứ văng vẳng.

“Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa
Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi”

Cái tâm trạng buồn rầu của bài thơ thật phù hợp với buổi chiều cuối thu ấy, với tâm trạng của mỗi người trong nhóm, phần thì thương và ái ngại cho người bạn, phần thương chính bản thân mình, những đứa trẻ non nớt, lẻ loi, cô đơn nơi xứ người, đã trải qua sự náo nức ban đầu, và giờ chỉ còn lại sự buồn rầu, hoang mang trước một tương lai đầy bất định, nơi một nước Nga đang quằn quại trong cuộc khủng hoảng.

Dù trước đó đã chép khá nhiều thơ của Olga Bergoltz bằng tiếng Việt, nhưng trình tiếng Nga khi đó của mình vẫn chưa đủ để đọc bản gốc. Chỉ khi đã trưởng thành hơn, mình mới tìm về lại với nhà thơ yêu thích, cố gắng đọc bản gốc, cố gắng hiểu ý nghĩa từng từ ẩn sau những câu chữ của bà, trong cái mùa đông tuyệt vọng năm 94 ấy. Những bậc thang xuống căn phòng đọc dưới hầm. Chiếc ba lô trĩu nặng những cuốn sách của Olga Bergolts. Con đường tuyết trắng dẫn ra ga. Mình đã lang thang, đã lau nước mắt, đã cảm thấy tuyệt vọng biết chừng nào. Bây giờ nghĩ lại thấy những điều đó chả đáng để mình phải đau khổ như vậy. Dù sao thì mình đã vượt qua, nhờ sách vở, nhờ những vần thơ, mà mãi về sau, khi đọc Phùng Quán, mình càng hiểu hơn. “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Phải chăng, bà cũng có tâm trạng như vậy. Trong lúc lang thang trên con phố hoàn toàn có thể là quen thuộc mà như xa lạ, đau khổ với tình yêu tan vỡ, người đàn bà đã rút ruột gan ra những câu thơ da diết, vịn vào nó mà đứng dậy. Hay ẩn sau những câu chữ tưởng như chỉ toàn nói về tình yêu chính là dự cảm của bà về một tương lai đen tối – những tháng ngày tù tội trong nhà tù Sô viết, vào cái thời mà có tới ¼ dân số Leningrad được Soljenitsyne mô tả là “những dòng sông người chảy vào tù ngục”. Và cả nhà thơ Nguyễn Đỗ, liệu ngày đó anh đã đọc Quần đảo ngục tù, để nhìn thấy đằng sau những câu chữ thường được coi là những lời da diết của một bài thơ tình, một nỗi đau khác, lớn hơn rất nhiều, hay đơn giản là sự đồng cảm từ trái tim, của những con người đã từng trải qua mất mát, khổ đau, để viết “Đất nặng những gì thơ mỗi chữ cắn chặt môi”.

Bao năm tháng đã trôi qua, từ những buổi chiều xa xưa ấy. Những kỷ niệm tuổi trẻ như sương, như khói, thỉnh thoảng lại trở về. Để hôm nay, giữa một chiều đông Hà Nội mà như thể chiều thu, trời xanh biếc, nắng dịu dàng, chẳng cơn cớ gì mà sao mình cứ nhớ và thương về những buổi chiều “sương mù và khói tỏa/Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi” tít tắp 25 năm trước!

11 tháng 12 2016

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_09

* Hôm qua mẹ mang từ văn phòng về cuốn sách Nghe Teen, Teen nói, Nói Teen, Teen Nghe. Đi ngang qua chỗ bố mẹ đang ngồi, liếc thấy bìa cuốn sách, con dừng lại ranh mãnh cười, mẹ mới mua cuốn này để đối phó với con à, không ích gì đâu vì cuộc sống và sách vở khác xa nhau lắm. Ặc ặc. Lát sau con tò mò sán vào mẹ, đọc cùng mẹ một vài dòng và bảo, à con thấy cái này cũng đúng đấy. Rồi tẹo sau lại nhận xét, đấy, mẹ thấy đấy, con có để phòng bừa bộn đến thế đâu, con để thế là có lý do của con, đi học về con lôi tất cả ra khỏi túi để chỗ đấy, sáng hôm sau con lại cho tất cả vào túi mang đi. Nếu mẹ muốn con gọn gàng thì mẹ làm cho con một cái giá đi (giống hệt giải pháp người ta đưa ra làm ví dụ trong cuốn sách). Trước khi đi ngủ con sang nằm cạnh mẹ vài phút nữa rồi ranh mãnh trêu chọc mẹ, nếu mẹ đọc một lần mà không thuộc thì cần đọc đi đọc lại mẹ ạ. Bạn cún cũng chêm vào, con nghĩ mẹ nên mua cuốn sách này, chứ mượn thì lại phải trả. Mẹ trêu lại, con đọc để biết cách giao tiếp với con của con sau này à, cún bĩu môi, đến lúc đấy có đầy sách hay hơn ấy chứ.

* Tôm bảo mẹ, nếu thông minh là một cái tội thì con nghĩ con bị xử tử từ lâu rồi J. Khí phách kinh! 

* Cún bảo, mẹ ơi con thấy mẹ càng già càng xinh, không như người ta già thì xấu đi. Đây này, mặt mẹ không có nếp nhăn, tóc mẹ xoăn đẹp. Oai, cảm ơn con gái. Đây đúng là liều thuốc bổ quý nhất J

* Trên đường đèo cún đi học, cún bảo mẹ, bao giờ con lớn con sẽ kiếm thật nhiều tiền, con đón bố mẹ về ở cùng, tháng nào con cũng cho tiền bố mẹ đi du lịch, đi châu Âu. Mẹ bảo mẹ đi châu Âu rồi, mẹ không thiết nữa. Cún bảo, đến những nước khác nữa, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Hỏi lại nàng đôi câu, nàng bảo tháng nào cũng cho tiền đi du lịch trong nước thôi, còn nước ngoài thì mỗi năm một lần, còn phải tùy thuộc con có bao nhiêu tiền nữa, hihi. Nàng còn bảo mẹ, con sẽ mua xe Ranger Rover để mẹ chở con con đi học, mẹ phải tập lái xe đi nhé. Cảm ơn con gái yêu thật nhiều, dù điều đó không thành sự thật thì chỉ nghe cũng đủ mát lòng mát dạ J. Và mẹ chỉ cần các con hạnh phúc là đủ, đâu cần siêu xe và biệt thự, con nhỉ.


* Mẹ đi họp phụ huynh cho em cún suốt từ 8.30 sáng tới tận 3h chiều mới về (còn bố đi họp phụ huynh cho anh Tuấn thì từ 3h chiều đến tận 8h tối, ặc ặc). Vừa thấy mẹ về, Tôm cười cười [đúng kiểu cười đểu J] hỏi, Dương học hành sa sút lắm hả mẹ, chắc lại bị điểm 8 hả (chả là cuối học kỳ II lớp 4 cún có điểm 8 môn Toán). Mẹ suýt phì cười nhưng cố nén bảo, con vớ vẩn, làm gì có chuyện đấy. Tuấn ranh mãnh bảo, mẹ không muốn nói ra sự thật vì sợ con cười em, nhưng mẹ biết thừa là con có khả năng đoán trước tương lai mà (Từ ngày đi học khóa Kích hoạt não trái chàng luôn lôi món này ra). Chàng bình loạn thêm, Dương học hành sa sút nhỉ, mẹ nhỉ. Hồi học cấp I con có bao giờ bị điểm kém thế đâu :P.

27 tháng 11 2016

"Tuyệt phẩm" Canon in D by Tuyet Anh :)

Sau khi Tuấn Anh học đàn chỉ được vài tháng, gặp mình cậu đã tự tin đánh Canon in D, bản đã được viết đơn giản cho người mới học. Dù chả phải tuyệt tác gì, mình vẫn rất happy được nghe cậu cháu đánh đi đánh lại. Sau đó đến lượt mình mày mò tự tập bản này. Sau một thời gian ngắn tập tành, mình rụt rè chìa cho thầy giáo xem bản nhạc và đánh đôi dòng, có ý khoe chị tự tập đấy, không cần ai bảo :). Phản ứng của thầy giáo là, trời ơi, chị đánh cái gì đấy hả. Đấy mà gọi là nhạc à, nghe như nhạc chế. Sao chị lại tập cái thứ vớ vẩn này làm gì, từ từ rồi học bản gốc chứ lị.

Nhưng trò này bướng, không nghe thầy mà cứ tiếp tục đánh cái bản "như nhạc chế" :). Mà cũng lâu lắm rồi mình đâu có học thêm được bản nào, Haiza. Đánh như mình thì đúng là ngồi xổm lên âm nhạc cổ điển. Xin lỗi Pachelbel, ông sẽ không vui khi nghe mình đánh, nhưng chắc chắn ông sẽ vui khi biết bản nhạc của ông được yêu thích đến mức vậy. Cảm ơn nhà nhạc sỹ thiên tài với bản nhạc phổ biến nhất mọi thời đại. Còn mình thì an ủi bản thân rằng miễn mình cảm thấy happy khi ngồi trước cây đàn là đủ.

11 tháng 10 2016

CUỐI TUẦN CỦA CÚN VỚI MIỀN TRUNG_02

Ban đầu nàng bảo mẹ ở Hội An tối thứ Sáu thôi, chiều thứ Bảy ra Đà Nẵng để chiều Chủ Nhật bay về. Vừa đến Hội An nàng đổi ý ngay, bảo mẹ ơi mình ở đây cả hai ngày đi. Tất nhiên là mẹ đồng ý, mẹ chả thấy có lý do gì phải ra Đà Nẵng đông đúc và ồn ào cả. Vậy là sáng thứ Bảy, sau một vòng lượn vào phố cổ, hai mẹ con lên đường đi Cù Lao Chàm. Ca nô đi Cù Lao Chàm khởi hành từ bến Cửa Đại lúc 9h. Đoạn đường không xa xôi gì, chỉ 18km, đứng từ Cửa Đại nhìn rõ cù lao xanh xanh phía xa. Dù cơn bão còn đang ở tít ngoài khơi xa vậy mà biển ở đây vẫn bị ảnh hưởng, sóng khá lớn khiến chiếc ca nô trồi lên sụp xuống, nhiều lúc hai mẹ con tưởng như mình đang đi tàu lượn vây! Sau khoảng 20 phút thì cano đã đến được đảo. Đảo nhỏ, chỉ có 3 điểm tham quan chính – trung tâm bảo tồn sinh vật biển Cù lao Chàm, chiếc giếng và một ngôi chùa cổ. Chiếc giếng nước đầy, trong veo, cả hai mẹ con đều tranh thủ uống vài ngụm vì được quảng cáo đem lại sức khỏe, cún còn bảo con mang về cho bố và anh Tuấn cơ. Ngôi chùa cổ thanh bình nép dưới chân núi, hệt như hay được mô tả trong rất nhiều câu chuyện, nhưng cả hai mẹ con đều mặc quần sóc ngắn nên quyết định chỉ đứng ngắm từ xa. Bù lại, tranh thủ lúc cả đoàn vào chùa thì mẹ thử một con ốc nướng và một con hàu đá, cún thử quả sim mà nàng lần đầu tiên thấy trong đời và bánh xu xê dừa bé xíu trông rất yêu. 
Ngôi chùa cổ có niên đại hơn 200 năm nơi chân núi
Trên cầu cảng ở Cù lao Chàm
Sau một tiếng ở trên Cù Lao chàm cano lại đưa cả đoàn đến bãi Ông để thay đồ và đi ngắm san hô. Dịch vụ lặn ngắm, lúc mua tour được quảng cáo vậy, về bản chất là chổng mông ngắm san hô, bao gồm duy nhất một chiếc kính che kín mũi và mắt. Mặc áo phao, đeo kính vào, nhảy ùm xuống và úp mặt xuống ngắm, chốc lát lại ngẩng đầu lên để thở bằng miệng. Nhưng việc mặc áo phao khiến giữ cân bằng khó khăn hơn rất nhiều, thế nên mẹ hơi hoảng, Cún cũng hoảng, túm lại là đầu chổng xuống, đít chổng lên, vẫy vùng, có ngắm được gì mấy đâu :). Mà san hô ở đây cũng đơn điệu, không nhiều màu sắc và và có cá lượn lờ xung quanh như ở Nha Trang. Được một lát thì mẹ lên, giục cún lên theo. Cún lên ngồi trên ghế trong cano, mặt xì xị. Mẹ giải thích với mấy cô chú người Tây ban nha rằng bạn ấy không happy vì bị mẹ bắt lên sớm, một chú ngay lập tức ngoắc tay bảo xuống đây nào. Chỉ trong một giây, cái bộ mặt xì xị lập tức được thay bằng nụ cười đáng yêu, nàng nhảy ùm xuống cùng chú vùng vẫy thêm một hồi, trò chuyện với chú, về sau cứ bảo mẹ, chú ấy bơi giỏi lắm ý mẹ ạ, lúc bơi về thuyền chú cho con bám vào vai bơi vèo vèo.
Sung sướng được xuống biển thêm lần nữa
Sau vụ chổng mông ngắm san hô là bữa trưa ở bãi Ông. Đã chơi rất nhiều ở bãi biển Tam thanh vừa hôm trước thôi, vậy mà cún vẫn ăn thật nhanh rồi nghịch sóng ở bãi biển đến tận khi về, chẳng lên ghế ngồi nghỉ phút nào.

Bãi Ông đẹp tuyệt vời. Cát mịn, nước trong veo và hàng dừa chạy dài

Chặng đường về đúng là ấn tượng. Sóng đánh ào ào, thường xuyên nước hắt vào trong cano, chỉ một lát thì những ai ngồi bên phải cano ướt hết cả đầu tóc, quần áo. Ban đầu mọi người còn la hét, thích thú, sau chỉ mong cano chóng về bến. Chú lái cano giải thích với mẹ rằng cano phải chạy với tốc độ như vậy, chậm hơn thì không lướt được sóng, sẽ bị trồi lên sụp xuống, tha hồ mà say và chả vào bờ nổi.

Về đến Hội An vẫn còn sớm, hai mẹ con sung sướng có cả một khoảng thời gian tha hồ lang thang phố cổ. Không cưỡng được sự mời gọi của một tour trên sông, khi chiều dần xuống, hai mẹ con quyết định lên một chiếc thuyền nhỏ, làm một vòng xuôi về phía cửa sông, ngắm ngôi làng Cẩm Kim phía bờ bên kia, ngắm những khung cảnh như thơ, như nhạc dọc bờ sông Hoài và những cánh chim chiều vội vàng bay về tổ.
Buổi chiều trên sông Hoài
Bữa tối sang chảnh ở Secret Garden, một nhà hàng rất đẹp nằm trong con ngõ nhỏ xíu, mà trong lúc lang thang cún phát hiện ra và nhất định muốn ăn tối ở đó, làm cún không ra được khỏi cơn say Hội An. Rồi chầu cà phê với hai vợ chồng một người bạn mẹ trên ban công tầng hai quán Tam Tam mang đến rất nhiều điều thú vị khác. Nàng mê mải đếm những chiếc đèn lồng rất đẹp treo trong quán, trên đầu nàng, ngang qua con phố hẹp trước mặt, lúc thì bảo 150 chiếc mẹ ạ, lát sau lại 160 rồi 180 :). Khi biết quán cà phê Tam Tam chính là ngôi nhà ngày xưa nhạc sỹ La Hối từng sống, cún vô cùng thích thú bảo con phải khoe với ông chuyện này. Rồi nàng thì thầm, nhỡ bây giờ có một ông áo đen nhẹ nhàng ra ngồi cạnh mình thì sao. Tưởng tượng xong nàng sợ quá, co chân lên ghế, rồi nhất định không cho mẹ chụp ảnh với quán đó, bảo mẹ biết rồi đấy, khi mình nhắc đến tên người đã mất họ có thể hiện về :).



Những ngôi nhà duyên dáng trên con phố nhỏ đầy quyến rũ
Quán cà phê Tam Tam, ngôi nhà La Hối từng ở xưa kia
Và không thể thiếu chùa cầu
Buổi sáng cuối cùng ở Hội An, hai mẹ con dậy thật sớm để đạp xe ra làng trồng rau Trà quế. Làng quê xinh xắn, sạch sẽ và ngát thơm. Những con đường nho nhỏ, lát gạch sạch sẽ cho phép mẹ và cún đi một vòng quanh những ruộng rau gọn gàng, thỏa sức hít thở và ngắm nghía, tìm kiếm điều mới lạ. Lần đầu tiên mẹ và cún được thấy cây đậu bắp này. Rồi mẹ và cún nhìn thấy những bông hoa rau ngót tím lần đầu tiên trong đời.
Những luống rau rất gọn gàng

Húng quế thơm ngát và đang ra hoa

Ngôi nhà thanh bình bên ruộng rau
Con đường nhỏ len lỏi trong ruộng rau
Cún năn nỉ mẹ đổi vé, ở lại Hội An thêm chút nữa, bay chuyến tối nhưng mẹ cương quyết về chuyến buổi chiều. Cố gắng lang thang phố cổ lần cuối trong buổi sáng hôm đó, mẹ và cún mua được cho nàng chiếc áo dài, rồi lại dạo chơi qua những căn nhà, ngõ phố mà cả hai mẹ con đã đi lại nhiều lần đến thành quen thuộc, có lúc thì ngồi bệt xuống hiên nhà ai đó nghỉ chân.
Lạc vào một con ngõ rất hẹp
Không còn cơ hội đãi mẹ món chè mà cún dự định suốt từ trước chuyến đi, đơn giản vì không lúc nào có bụng để ăn, cuối cùng cún nhất định đòi mời mẹ món nước uống thơm mùi quế, thả thêm cánh sen, chỉ nhìn đã đủ thấy buổi trưa nắng trở nên mát rượi.
Cốc nước mát lịm cún nhất định đòi mời mẹ :)
Đã đến Hội An tới gần chục lần, vậy nhưng lần này mẹ mới thực sự khám phá Hội An cùng con và cả hai mẹ con đều phải lòng Hội An quá thôi. Một thành phố nhỏ xiu mà điều gì cũng dễ thương. Từ ngôi nhà homestay chỉ xây rất bé so với toàn bộ khoảng không để khách có không gian thư giãn, cho tới những cửa hiệu tận 8h sáng mới đủng đỉnh mở cửa. Một nhịp sống chậm rãi, thanh bình. Những ngôi nhà nhỏ, khiêm nhường, đầy khiêm tốn nhưng cũng rất kiêu hãnh, không cần phải chạy đua với bất cứ ai. Những nhóm học hát dân ca ở ngay hè phố hay trong một gian phòng trên phố cổ. Ngôi làng Cẩm Kim bên kia sông. Điều gì ở Hội An cũng khiến con thích thú.
Trên một cây cầu nhỏ ven làng Cẩm Kim
Buổi tối trước khi đi ngủ cún nằm hồi tưởng rồi tủm tỉm cười. Lát sau lại buồn ngay, bảo mẹ ơi con nhớ châu Âu, nhớ cả Hội An. Ừ, chỉ với một chuyến đi ngắn ngày, mẹ đã mang lại cho con biết bao ký ức đẹp đẽ. Mẹ con mình lại tiếp tục mơ về những chuyến đi xa nhé. Yêu con gái rất nhiều.

10 tháng 10 2016

CUỐI TUẦN CỦA CÚN VỚI MIỀN TRUNG_01

Nhìn thấy những tấm ảnh của mẹ trong chuyến đi thăm làng bích họa Tam Thanh, cún thốt lên, ôi đẹp thế, mẹ cho con đến đấy đi. Làm sao mà có thể từ chối một lời yêu cầu dễ thương đến thế cơ chứ, mẹ bắt đầu nghĩ xem khi nào có thể cho con đi. Thế mà cũng mãi mới thu xếp được, kết hợp với chuyến công tác miền Trung của mẹ vào đầu tháng 10.

Mẹ đi công tác từ thứ Hai, đến thứ Năm thì xong việc. Mẹ bảo Dad để cún bay vào Đà Nẵng một mình. Ban đầu bố không chịu, sợ nhỡ điều gì xảy ra. Cả nhà đi thì không ổn vì đây không phải là điều anh Tôm thích, thêm nữa năm nay anh ấy cuối cấp, mẹ hoàn toàn không muốn anh ấy nghỉ học. Mẹ ra sức thuyết phục rằng đó là dịch vụ của hãng hàng không, người ta phải bàn giao tận tay cơ mà, một hồi rồi Dad cũng đồng ý. Còn con thì náo nức lắm, đến những ngày gần đi cứ đếm từng ngày một.

Sáng thứ Sáu mẹ ra sân bay chờ con từ sớm vì thấy quy định ghi phải có mặt trước nửa tiếng. Đến tận giờ lẽ ra máy bay hạ cánh cũng chưa thấy có ai liên lạc, mẹ bắt đầu sốt ruột. Hóa ra máy bay muộn cả nửa tiếng. Đến khi máy bay đã xuống tới 20 phút cũng chưa thấy ai gọi điện, mẹ bắt đầu cà cuống. Bố cứ vài phút lại gọi điện hỏi thăm đón được con chưa. Đến lúc mẹ chuẩn bị lên quầy của hãng để hỏi thì thấy con cùng một cô tiếp viên đi ra. Trách sao không bật điện thoại để bố mẹ gọi thì con nói đi máy bay phải tắt mà, tận giờ con mới xuống. Rồi con hớn hở khoe con được đi xe VIP lắm ý, một mình con với một chú ngồi xe lăn nữa, mẹ chưa được đi bao giờ đâu, lúc con lên máy bay còn vắng nguyên, chưa có ai cả. Rồi cô hỏi con tại sao con lại bay một mình, tóm lại rất nhiều điều để huyên thuyên.

Mẹ đã đặt một chiếc xe đưa mẹ con mình về Tam Kỳ, dọc đường dừng ít phút ở Thăng Bình ăn món mỳ Quảng. Đến khách sạn Lê Dung con cứ trầm trồ, ôi khách sạn đẹp quá. Sau ít phút ngồi uống cốc nước, nghỉ ngơi chút xíu sau chặng đường tới tiếng rưỡi từ Đà Nẵng vô, hai mẹ con đi xuống làng bích họa. Ngắm nghía những ngôi nhà rất đẹp được một đoạn, con lạc chân qua một ngõ hẻm xuống biển và không thể nào lên nổi. Mùa du lịch đã qua, lại là giữa buổi chiều, vậy nên bãi biển vắng tanh, ngoài hai mẹ con thì chỉ có một đôi bạn trẻ duy nhất ngồi tâm sự dưới bóng mát con thuyền và những chú dã tràng hiếm hoi hễ thấy bóng người là chạy trốn rất nhanh. Bãi biển đẹp tuyệt vời, dài ngút tầm mắt. Cát mịn và sạch, sóng đánh vừa phải dưới ánh mặt trời mùa thu mang đến cảm giác dịu dàng chứ không hề chói gắt. Mải mê đứng bên bờ nước ngịch sóng, chẳng mấy chốc nàng bị sóng đánh ướt hết cả quần. Lâu lâu mẹ giục lên thì con nài nỉ, cho con chơi thêm 5 phút. Thỉnh thoảng nàng phấn khích bảo phê như con tê tê mẹ ạ  Sau tới mấy lần 5 phút nữa thì con dừng lại, viết chữ Thùy Dương lên cát rồi đồng ý cùng mẹ quay trở lại con đường chính, ngắm nốt những bức tranh cuối cùng trong làng rồi lên đường về Hội An, ý kiến đi ngắm tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng bị cún gạt đi, bảo nãy đi qua con thấy rồi, chả khác gì tượng mấy ông tổng thống bên Mỹ khắc trên vách đá, hehe. Vụ này thì mẹ đồng ý với nàng, mẹ cũng chả thấy khu tượng đài đó đẹp, chẳng qua nó nổi tiếng vì tốn tới hơn 400 tỷ.
Chụp cùng con gái với bức tranh ngay nơi đầu làng
Con ngõ ra biển có những bức tranh rất đẹp
Cún nhìn gì xa xăm nơi biển vậy?
Hoa thật và hoa giả  hòa lẫn vào nhau
Và con đường làng thanh bình
 
Mải mê ở bãi biển sau làng rất lâu, và trước khi rời đi thì viết dòng chữ Thùy Dương

Đoạn đường từ làng Tam Thanh đến Hội An chỉ dài hơn 40km, là con đường cao tốc nối Tam Kỳ với cầu Cửa Đại. Mình đã đi đoạn đường này một lần, mê mải ngắm những đụn cát trắng, những trảng phi lao lúp xúp trong một khung cảnh rất đẹp nhưng đầy nhọc nhằn. Đến một trảng cát trắng rất đẹp, mẹ cho bạn cún dừng lại chơi ít phút. Cún mê mải với bãi cát, bảo con chưa bao giờ được thấy cát trắng như thế này, cứ như tuyết ý nhỉ. Nghịch cát đủ kiểu tới 15 phút, nàng đòi lấy một túi cát mang về làm kỷ niệm sau khi đã viết xong dòng chữ Thùy Dương đã đến. Ý tưởng này được mẹ ủng hộ ngay, còn ý tưởng lấy cát và nước ở biển Tam Thanh lúc trước thì mẹ đành đầu hàng :)
Nghich cát rất lâu, và cuối cùng là viết tên hai mẹ con và lấy một ít cát mang về làm kỷ niệm :)

Khi tìm hiểu để đưa cún đi Hội An, mẹ hỏi han và đặt phòng ở Tea Garden Homestay. Cún xem trên mạng và thích lắm, vậy nhưng thực tế còn làm bạn ấy phê hơn nữa. Homestay nhỏ, chỉ có 10 phòng, giá cả hết sức phải chăng nhưng  khung cảnh xung quanh rất đẹp và khá nhiều cây, cả hoa phong lan và một spa nhỏ. Phòng của hai mẹ con nhìn ra chiếc hồ bơi nhỏ, tiếp đó là bãi cỏ, rồi viền xung quanh là một số cây to và dòng suối nhỏ với hàng đàn cá những chú cá mẹ gọi là cá chép nhưng cún nhất định bảo phải gọi là cá Koi mới đúng :). Không mang đồ tắm gì cả nhưng cô lễ tân vui vẻ cho con mặc nguyên cả bộ đồ áo phông quần sóc xuống bể, cún sung sướng vùng vẫy một lúc trước khi hai mẹ con đi ăn tối.
Phòng của hai mẹ con sát ngay bể bơi
Dẫn con đi bộ vào phố cổ, cách homestay của hai mẹ con chỉ khoảng 5 phút, mẹ hỏi có đúng như con hình dung không, cún bảo không, con cứ hình dung phải hai bên bờ sông cơ. Bình tĩnh nào, sông thì sẽ có sông nhưng trước hết phải ăn đã chứ. Hai mẹ con lang thang qua những con phố đi bộ rất đẹp, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi…, nghiêng ngó tìm quán ăn. Cún bị đánh gục hoàn toàn với quán Tam Tam Jardin trên phố Trần Phú, mỗi tội ngồi giữa phố cổ Hội An mà lại ăn spaghetti :). Dù thế nàng cũng nếm cao lầu của mẹ và khen ngon mẹ ạ.

Rời khỏi quán ăn, lang thang thêm một hồi thì hai mẹ con sang bờ bên kia của sông Hoài. Khu phố đêm rực rỡ, lung linh chạy dọc hai bờ sông, tạo nên một quang cảnh hết sức độc đáo. Điểm viết tên trên hạt gạo khiến cún mất khối thời gian mua quà cho các bạn. Mẹ rủ rê nàng nghe hát bài chòi, cún xị mặt nhưng cũng đành theo mẹ ra khu chòi ngồi, bảo giá Hội An không có bài chòi thì tốt. Nghe hết một vòng rồi mẹ vẫn chưa hiểu rõ luật chơi, nàng bĩu môi bảo mỗi thế mà mẹ cũng không hiểu và đòi chơi. Hai mẹ con leo lên một chiếc chòi, bỏ ra 40k mua hai tấm thẻ chờ vận may. Thỉnh thoảng mẹ lại hỏi con có hiểu họ hát gì không, cún gật đầu. Và nàng đỏ, nàng trúng được cả 3 con, con đầu tiên trúng khi họ mở thẻ đầu tiên, và con cuối là khi họ mở tấm thẻ cuối cùng. Phần thưởng là một chiếc lồng đèn màu đỏ chắc giá trị thực vài ba chục đồng, và biết bao phấn khích, sung sướng của nàng, điều không thể tính bằng bất cứ số tiền nào :).

02 tháng 10 2016

KÝ ỨC NƯỚC NGA_ĐẶT CHÂN LÊN NÚI TUYẾT

Vậy là cuối tháng 8 năm 1991 mình đặt chân đến thành phố Piachigorsk, nơi mình sẽ sống ở đây tới 7 năm, cả một thời tuổi trẻ. Mình đã lưu giữ biết bao kỷ niệm về cái thành phố nhỏ bé thân thương này, bao chuyến đi cũng khởi nguồn từ đây. Và mình thật may mắn khi có cơ hội đặt chân [gần] đến đỉnh núi Elbrus, nơi người Nga thường tự hào là ngọn núi cao nhất châu Âu.

Nằm trên độ cao hơn 500m so với mặt biển, cách không xa những đỉnh núi tuyết huyền thoại của dãy Kavkaz, chính xác hơn là trên thềm phía Bắc của dãy núi hùng vĩ đó, từ thành phố Pyachigorsk người ta có thể nhìn thấy xa xa đỉnh núi Elbrus quanh năm tuyết phủ. Khoảng cách cũng chẳng xa xôi gì, chỉ trên dưới 100km. Hầu như năm nào trường cũng tổ chức cho sinh viên đi nhưng mình không tham gia chuyến nào với nhà trường mà toàn tự đi cùng với các anh chị.

Những chuyến đi thăm núi tuyết như vậy thường vào mùa hè, khi nắng ngọt ngào và cây cối xanh um. Từ Piachigorsk xe chạy chếch theo hướng Đông Nam khoảng gần 90km sẽ đến được thành phố Nalchik, nơi có một đường cáp treo đơn, mỗi người ngồi một ghế lên tít đỉnh cao, trong khi cách vài mét dưới chân là biết bao hoa cỏ. Thảnh thơi ngồi trên chiếc ghế đơn mà mình chưa từng thấy sợ, say mê ngắm những đỉnh núi tuyết phía xa trong khi dưới chân là một thảm cây và hoa đầy màu sắc, với mình có lẽ thiên đường cũng chỉ đến thế mà thôi. Chuyến đi Nalchik đó anh Hùng đã lái xe đưa cả nhà vào một con hẻm nhỏ, lọt giữa những dãy núi chất ngất tuyết phủ quanh năm. Những đỉnh núi ngạo nghễ vươn mình, chóp nhọn màu trắng lấp lóa tít phía trên cao khiến tim mình như ngạt thở, bất giác nhớ đến những cơn ác mộng khi một trái núi khổng lồ đổ sụp xuống người mà mình không cách gì tránh được. Con đường vắng vẻ, lâu lắm mới gặp một đôi chiếc xe của những người khách du lịch hiếm hoi hoặc của người dân địa phương. Sau một hồi thì đến đoạn không đi xe được nữa mà chỉ còn là con đường nhỏ lát bằng những tấm gỗ rộng chỉ khoảng hơn 1, một bên là vách núi vươn ra suối, che tầm nhìn khiến người ta thậm chí còn chả nhìn thấy bầu trời, và phía bên kia là dải lan can cũng bằng gỗ, chạy men theo con suối nhỏ trong vắt, nhìn rõ đáy. Tụi mình xuống xe đi sâu vào một đoạn rồi quay ra, dành chút thời gian thưởng thức xiên thịt nướng của người dân địa phương đậm hương vị vùng bắc Kavkaz mà tụi mình kêu ca là gây gây mùi thịt cừu. Mình còn quay trở lại thành phố Nalchik không chỉ một lần và kỷ niệm đáng nhớ tiếp theo là lần đầu tiên trải nghiệm tàu lượn, lúc nó lao xuống mình đã sợ đến chết khiếp như thế nào. Đấy chắc chắn là bài tập thực hành để sau này phục vụ con trai trong tiết mục tàu lượn ở Disney Land :).

Những con đường mùa hè đẹp như trong tranh. Vòm lá xanh ngắt chạy dài hầu như mọi lúc ở hai bên đường. Nhiều đoạn đó là những cây to bóng ngả bao trùm cả nửa con đường rộng. Những đoạn khác lại là những rặng táo hay mận dại. Đường trải nhựa phẳng lỳ, xe chạy bon bon hơn 100 km/giờ, dù đó là ở vùng đông dân hay miền núi xa xôi, dân cư thưa thớt.
 
Không đi theo hướng đông nam mà chếch về hướng tây nam sẽ là những con đường dẫn đến 2 địa điểm nổi tiếng – Elbrus, đỉnh núi cao nhất, nóc nhà của châu Âu với độ cao tới hơn 5600m và Dombai, đỉnh núi khiêm tốn hơn, chỉ hơn 4000 m nhưng con đường đến đó để lại những ấn tượng suốt đời không phai.

Đó là năm 1996, khi mình đã học năm thứ 5. Một ngày hè trời nắng vừa phải, nhà mình rủ hai vợ chồng anh chị Sơn Thủy cùng đi Elbrus. Chiếc xe Lada đời số 6 cho phép nhà mình chạy với tốc độ vừa phải, bon bon trên con đường hướng đến điểm lên núi cách thành phố của mình khoảng 100 km. Chưa có nhiều kinh nghiệm du lịch nên dù có nhớ mang theo áo khoác mỏng nhưng bên trong mình lại mặc áo cộc tay và váy hoa nhẹ. Hệ thống cáp treo, vốn được xây dựng trong suốt gần 20 năm mới xong – 1959-1976, gồm ghế đôi ở đoạn đường khởi động, và sau đó là cabin, đưa tụi mình lên đến độ cao hơn 3600m. Không có thảm cây, thảm hoa, dưới chân mình chỉ là mênh mông tuyết trắng và hùng vĩ núi non. Sau đó thì chỉ có thể đi lên cao hơn nữa bằng loại xe chuyên dụng, có bánh xích để bám chắc vào mặt băng. Chiếc xe đưa mình lên độ cao 4.800m, cũng là độ cao cuối cùng có phương tiện, muốn leo hơn nữa chỉ có xe “căng hải”. Trên đường đi tụi mình lướt qua mấy ngôi nhà gỗ cháy nham nhở, vốn là một cái khách sạn nhỏ, dân tình bảo nhau đây là khách sạn nằm ở độ cao lớn nhất thế giới nhưng đã bị cháy trong một vụ hỏa hoạn gần đây. Lúc này lúc khác bọn mình nhìn thấy thấp thoáng phía xa những người đang trượt tuyết, vẽ những đường lượn đầy duyên dáng, đẹp đẽ vào khoảng mênh mông màu trắng.

Cảnh núi non đẹp không tả xiết. Bốn bề là những đỉnh núi tuyết trắng mênh mông, chen lẫn đó đây là những mảng xanh thẫm nơi sườn núi. Trên mặt đất là thảm băng vĩnh cửu, mênh mông, trải dài. Có những tấm ảnh mang lại cảm giác như sau lưng cả đoàn là tấm thảm bông mà người ta có thể sung sướng nhảy vào đó, nhào lộn trên tấm thảm bông trắng toát, mềm mại. Có những chỗ băng đóng trong veo, như thể bước trên một tấm gương, những hạt sỏi, hạt cát nằm sâu dưới lớp băng 1-2cm tạo thành những điểm nhấn kỳ diệu, lấp lánh.



Những khung cảnh tuyệt vời mà mình đã được tận mắt chiêm ngưỡng
Và mình của cái thời cách đây tới hơn 20 năm :)

Chẳng thể chơi được lâu vì quá lạnh, một hồi thì bọn mình cũng phải xuống núi, uống cốc chè nóng và ăn miếng bánh mì  thịt nướng để lấp đầy cái dạ dày trống rỗng sau khi đã bỏ ra đến ngần đó nhiệt lượng chống chọi với cái lạnh nơi đỉnh núi.

Bất ngờ vẫn chưa hết. Trên đường về, ngay cách chân núi không xa tụi mình phát hiện ra một cánh đồng hoa bạt ngàn. Trời hơi âm u, không có nắng rực rỡ khiến cho cánh đồng hoa tím tạo cảm giác buồn. Bọn mình mê mải ngắm và chụp ảnh. Những khung cảnh tuyệt vời cuộc sống đã ban tặng cho mình cơ hội thưởng thức.

Chuyến đi thăm đỉnh Dombai, cũng trên rặng núi Kavkaz đó thì mình đi cùng một đoàn khá đông, với kỷ niệm đáng nhớ nhất là độ dốc của đường cáp treo ghế đôi rất kinh khủng. Anh cùng đoàn trêu bảo, không chết được đâu, vì thấy bảo ít năm trước có một cô đến đây muốn tự tử nhưng vẫn không chết. Và trên đường đi là một con suối đẹp như trong truyện cổ, đến mức bọn mình trầm trồ ước ao khi nào chết được chôn ở đây :). Rồi khi lên đến nơi bọn mình đã phải mua mấy cuộn phim với giá trên trời, kèm theo lời nhận xét của mấy bà già bán hàng, là giá phim ở đây cũng cao như mấy đỉnh núi, kaka.

Ngồi viết lại những dòng này, nhớ nước Nga biết bao, nhớ những mùa hè, mùa đông, mùa xuân, mùa thu của cái thành phố đó. Nhớ những con đường mình đã qua. Và mình thêm quyết tâm lên kế hoạch đi thăm lại thành phố bé tý ở phương Nam ấy, lần này thì còn thêm một mục đích nữa là cho bọn trẻ được biết nơi ngày xưa bố mẹ đã từng quen nhau.

14 tháng 9 2016

TRUNG Á - ĐÃ MỘT LẦN TÔI ĐẾN!

Những  năm 90 xa xưa, nghèo khó ấy, cả cái thị trấn heo hút, vắng vẻ của mình chỉ có 3 người “đi Tây”. Mình đi theo diện học bổng, được coi là hoành tráng nhất, nhưng dưới con mắt của các anh chị công nhân thì chắc là nghèo khổ nhất. Chị Hoa đi xuất khẩu lao động ở Kiev, anh Vinh học trung cấp kỹ thuật ở Tasken. Ngoài ra còn một người nữa mà vì không có bất kỳ mối quan hệ nào nên mình cũng chả nhớ tên.

Thị trấn nhỏ, mọi nhà đều biết nhau, sang đó thì xa xôi cách trở đến thế, vậy nên 3 chị em trước kia chỉ biết nhau sơ sơ giờ rất quý mến nhau. Ngay từ năm đầu tiên, khi mình còn học dự bị ở Minsk chị Hoa đã vượt tới gần 600km đến thăm mình. Rồi mình cũng đến thăm chị tới 2 lần liền, mà những ký ức ngọt ngào về chuyến đi, về những ngày xa xưa thương nhớ ấy vẫn còn đọng mãi nơi mình. Ngồi đánh những dòng chữ này, lại thấy nhớ chị ấy quá thôi. Và cũng vì có anh Vinh ở Tasken, mình đã có dịp được đến cái thăm cái thành phố êm đềm xa xôi ấy, trong một chuyến đi đầy kỷ niệm.

Từ vùng núi Kavkaz đến trung Á là quãng đường rất dài, tới hơn 3000 km. Mùa xuân 1992, bố mẹ gửi cho mình một khoản tiền nhỏ (50 đô) nên mình bay đến đó lấy, mà giờ nghĩ lại hình như tiền vé nếu không quá thì cũng gần bằng ngần đó. Chính xác hơn là anh Vinh đưa tiền cho mình còn bố mẹ mình ở nhà đưa tiền cho nhà anh Vinh :). Ít nhất thì đấy là một lý do cực kỳ chính đáng để mình có cơ hội đi một chuyến xa đến như thế.

Dù đã thấm đẫm văn hóa Nga từ rất lâu trước khi sang Nga, dù đã mê say cuốn Giamialia truyện núi đồi và thảo nguyên với bối cảnh là đất nước Kyrgizistan, một nước láng giềng với Uzberkistan, chung nhau những thảo nguyên mênh mông, cùng nằm trên cung đường tơ lụa cổ xưa, hình dung của mình về Trung Á khi đó hết sức mờ nhạt. Một vài người quen, bạn bè ít ỏi đã từng đặt chân đến đó nói rằng thành phố đó nóng và có rất nhiều đồ ăn giống Việt Nam. Chấm hết.

Chuyến đi dài tới gần gần 5 tiếng bay, may thế, ngày đó có đường bay thẳng từ sân bay Mineralui Vody tới Tashken. Chắc hẳn mình đã được chờ đón ở sân bay, vì nếu không làm sao mình về được ốp. Một cô gái hơn 20 ở một ốp [gần như] toàn đàn ông. Mình hoàn toàn vô tư, anh ấy có lẽ cũng vậy, thuần túy chỉ là tình cảm đồng hương. Và việc đồng hương, bạn bè đến thăm nhau như vậy quá là bình thường. Anh ấy gửi mình vào phòng của mấy chị nào đó và mình đã có khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rất đáng nhớ.

Mới là tháng 2. So với những thành phố phương Bắc thì Tashken quả là ấm áp. Mình mặc chiếc áo khoác nhẹ màu hồng rất nhạt, chiếc quần ka ki thụng màu vàng cứt ngựa, đeo chiếc bờm nhỏ, tóc buông xõa, đeo chiếc túi nhỏ màu trắng. Ừ, sao mình cứ hay nhớ những chi tiết thật nhỏ đó trong khi bao điều quan trọng thì chẳng nhớ. Mình cùng anh ấy và đám bạn lang thang trên những con đường mùa xuân cỏ cây bắt đầu nảy chồi, nhiều nhất vẫn là đám hoa bụi màu vàng rực rỡ. Những cây mận, đào đang trong giai đoạn chuẩn bị để chỉ ít lâu sau sẽ bung ra rực rỡ, từ màu trắng tinh khiết của mận cho đến màu hồng nhạt, hồng sẫm của đào. Những hàng rào hoa hồng đang chuẩn bị trổ bông. Những thảm cỏ mà chỉ ít bữa nữa thôi sẽ phủ kín bồ công anh. Hương xuân tràn khắp không gian, trong một bầu không khí rất khác với cái thành phố nhỏ ở tít vùng núi Kavkaz xa xôi.

Thành phố Tashken là một thành phố của người Trung Á theo đạo Hồi, mà ngày đó dân Nga và cả người Việt hay miệt thị gọi là đầu đen (haiza, trong khi đầu mình cũng đen y hệt) đúng là rất khác biệt so với Piachigorsk. Những kiến trúc Hồi giáo cổ, trang phục phụ nữ đạo Hồi, khu chợ đầy hương vị phương Đông, quán ăn, đường metro với những chi tiết trang trí khác hẳn ở Moscow hay Kiev, Minsk ... Tất cả đều khiến mình say mê. Chỉ tiếc, vốn kiến thức, vốn sống ngày đó quá nghèo nàn, mình đã chẳng học được nhiều điều như lẽ ra đã có thể. Lang thang qua một số kiến trúc Hồi giáo với vốn kiến thức bằng zero, mình cũng không có một cố gắng nào tìm hiểu về con đường tơ lụa huyền thoại xa xưa ấy hay tìm cách đi xa hơn, thăm cửa ngõ sa mạc hay nơi bắt đầu của những thảo nguyên mà những lời ca và giai điệu Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời cứ gợi mình nhớ đến, dù rằng lời bài hát tiếng Nga thì chả mảy may liên quan. Mà kể cả nếu muốn thì chắc bọn mình cũng không có điều kiện, với cái túi tiền vô cùng eo hẹp của sinh viên :(.

Đọng lại rõ nét nhất với mình có lẽ là khu chợ trung tâm, chợ Chorsu hay còn gọi là Eski Juva. Chợ có hình vòm, giống như khá nhiều những khu chợ khác ở Nga. Len lỏi qua từng khu, nào khu hàng rau nơi cà rốt, khoai tây, khoai lang, cà tím… chất đầy trong những sọt to, rồi khu gia vị thơm nồng với vị quế, vị hồi, nghệ…, khu người Triều Tiên với rất nhiều loại kim chi và cả miến, một điều vô cùng đặc biệt với mình. Rồi khu hàng vải, hàng lưu niệm. Ngày đó mình đã hoàn toàn không hình dung ra mình đang ở một địa điểm trên con đường tơ lụa huyền thoại, mà nếu bây giờ lạc vào đó, chắc hẳn mình sẽ có thêm cảm giác như trong một phiên chợ Ba tư, văng vẳng đâu đây tiếng chuông lạc đà, tiếng vòng chân lách cách của những người con gái Ba tư trong truyện cổ Nghìn lẻ một đêm, tiếng những điệu nhạc Ba tư quyến rũ mà ngày trước, mỗi khi ở ốp nghe thấy bọn mình hay nhăn mặt nhìn nhau than van bọn Ả [rập] và Áp[ganistan] bật to quá, phát bực mình.

Như mỗi lần mình đến thăm một ai đó, chị Hoa, anh Hiếu, và lần này là anh Vinh, mọi người đều chăm sóc mình với đầy tình cảm ấm áp. Để rồi ký ức về chuyến đi theo mình mãi, đến mức đã gần 25 năm qua, mà sao giờ mình còn nhớ nhiều đến thế, những hình ảnh mình cùng mọi người đi chơi, thậm chí đến cả những chi tiết trên bộ quần áo hôm đó mình mặc.

Cuộc sống trôi qua chẳng chờ đợi ai. Mình thật có lỗi khi chẳng giữ mối liên lạc thường xuyên dù những tình cảm quý mến thì vẫn vẹn nguyên. Chị Hoa vẫn ở Kiev, lâu lâu chị em mới nói chuyện một lần. Cũng hẹn hò sẽ sang Kiev chơi nhưng mãi chỉ là kế hoạch :(. Anh Hiếu ở ngay Lao Cai, anh Vinh ở Sapa mà mình cả chục năm không gặp. Càng sống mình càng chiêm nghiệm thấy cuộc đời này thật hữu hạn, dù chỉ gặp một lần cũng cần phải có duyên. Thế mà mình, dù lòng đầy trân trọng, đã chẳng biết cách hoặc đơn giản là lười nhác không giữ những người bạn đó. Niềm an ủi là những kỷ niệm đẹp đó từ những ngày xa xưa sẽ còn mãi với mình, và chắc hẳn trong lòng những người bạn mình cũng vậy. Be happy, những người bạn yêu thương của tôi, và còn duyên, chắc chắn sẽ gặp lại!

Còn mình, giờ đây rất muốn được cùng con gái lang thang ở vùng Trung Á, với mơ ước đi thật xa, khám phá thật kỹ, đắm mình trong nền văn hóa độc đáo của cả dải đất này, lang thang qua những “thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời” hay sa mạc bỏng cát, lần theo dấu vết đoàn lạc đà trên cung đường tơ lụa huyền thoại ngày nào, hay những nơi vó ngựa Thành Cát Tư Hãn từng tung hoành, làm mưa làm gió, xoay chuyển hoàn toàn lịch sử cả một vùng đất.. Nào, mình lại mơ!

HẬU CHÂU ÂU

Đã gần nửa năm trôi qua kể từ chuyến du lịch châu Âu của hai mẹ con. Mẹ cũng không ngờ một chuyến đi có 2 tuần mà để lại trong con những cảm xúc mạnh mẽ đến thế. Thỉnh thoảng con lại bảo, mẹ ơi con nhớ châu Âu. Mẹ nói con chịu khó chờ vài năm nữa nhé, mẹ dành dụm tiền lo một số việc rồi mẹ con mình lại đi. Con gái vội thanh minh, bảo con nhớ thôi chứ có phải con đòi đi đâu. Ừ, con không đòi đi nhưng mẹ thì muốn đưa con đi lắm cơ. Con đáng yêu, ham học hỏi như vậy, nếu không tạo điều kiện cho con thì mẹ thật có lỗi. Từ ngày đi về, mẹ cũng ít nghe bài Paris có gì lạ không em. Tuy vậy, thỉnh thoảng, trên đường chở con đi học hay lúc nào đó mẹ chợt nhớ mà hát bài đó thì con không cho mẹ hát nữa, bảo mẹ cứ làm con nhớ. Mẹ trêu con, cố tình hát thêm vài câu, con đấm thùm thụp vào lưng mẹ, bảo con sắp chảy nước mắt đây này.

Con gái đã bị ảnh hưởng của mẹ thật nhiều, và giờ thì vượt xa mẹ rồi và thường xuyên khiến mẹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chắc hẳn những phòng tranh trong bảo tàng Lourvre đã hằn sâu vào trí óc con đến dường nào, nên dù trước đó con đã có tình yêu với hội họa, giờ con còn trở nên hiểu biết hơn nhiều. Con hay nhắc đến tranh, bức này bức nọ, con tiếc nuối vì chưa được ngắm một số bức con vô cùng thích, mà một trong số đó là bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer. Con bảo con thích bức đó lắm ấy mẹ ạ vì nó liên quan đến cuốn sách mẹ dịch :). Con hỏi mẹ khi nào thì cho con đi thăm ngôi làng bích họa. Con mê mải với những bức tranh trong triển lãm ở 16 Ngô Quyền hôm nọ. Và hôm qua, khi trên đường đi, mẹ nói về một bức tranh đang được rao bán với giá 200.000 đô, giải thích thêm là bằng cả ngôi nhà mình đang ở, con bảo mẹ ơi mình bán nhà đi mua bức đó nhé. Ôi, đến đoạn này thì đầu gấu hơn mẹ nhiều rồi :). Mỗi khi đi phòng tranh hay triển lãm, con thường xuyên thích những bức theo trường phái trừu tượng và ranh mãnh cười bảo mẹ, con biết bức tranh có ý nghĩa gì đấy :). Sinh nhật con, con muốn được tặng một bức tranh mà con thích ở May Gallery trên Sapa với giá chả hề rẻ tý nào, bà bảo làm sao chiều trẻ con hết được những điều đó, nhưng mẹ giải thích, đó cũng là đầu tư vào giáo dục, và bà lại nhất thiết đòi góp cùng mẹ để tặng con.

Suốt mùa hè dài ở với ông bà, một cách tự nhiên, con nghe cùng ông rất nhiều chương trình trong 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam. Thời điểm này, bài hát yêu thích của con là phần 2 mang tên Ai xuôi vạn lý trong trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương và Hoài cảm của Cung Tiến. Con mê mải nghe đi nghe lại, cười mẹ khi mẹ hát sai và bảo mẹ hát chẳng có nhịp gì cả. Khi mẹ giảng giải đôi điều về nhạc sỹ, về bài hát, con bảo con biết hết rồi, ặc ặc. Mẹ lại nhớ mùa hè trước, sau một mùa hè ở Sapa thì con say mê bài Gửi người em gái miền Nam và Tóc mai sợi ngắn sợi dài. Hóa ra mẹ đã có một tri kỷ thực sự để có thể nói về rất nhiều điều, và người bạn này chắc chắn sẽ bên mẹ mãi mãi, mãi mãi.

Con chẳng hề là học trò xuất sắc trong lớp, con chưa từng ở top 5 hay thậm chí top 10, nhưng với những kỹ năng mềm mà mẹ dần dần cùng con phát triển, với tình yêu với cái đẹp mà mẹ từng bước gieo vào lòng con, mẹ tin con sẽ có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, không chỉ đầy đủ về vật chất mà còn tràn đầy những niềm vui tinh thần.

Con gái yêu, công chúa ngọt ngào của mẹ, mẹ sẽ cố gắng để con có thêm nhiều những chuyến đi đầy ấn tượng như chuyến du lịch châu Âu nhé. Để con sẽ mãi nhớ về một tuổi thơ ngọt ngào, để mỗi chuyến đi là một nấc thang đưa con từng bước vững vàng vào đời.


Viết thêm: Mẹ đang đọc cuốn Độc hành, một cuốn theo thể du ký về con đường tơ lụa của một anh chàng đã bỏ ra khoảng thời gian rất dài khám phá con đường đó, con lập tức đọc theo mẹ và khen cuốn này hay quá, con thèm được khám phá thế này. Oài, nghiện hơi sớm đấy con ạ :P