31 tháng 12 2018

NHẬT KÝ MYANMAR_Trải nghiệm Yangon


Chặng cuối cùng từ hồ Inle về Yangon mình quyết định đi máy bay vì nếu đi xe đêm chắc mệt lắm, đường núi quanh co, lại xa xôi đến vậy. Mặt khác, mình cũng muốn trải nghiệm cảm giác “đi ô tô thì như máy bay, đi máy bay lại như ô tô” mà mình đã đọc thấy ai đó review. Vé đắt lòi, 103 đô cho chặng bay kéo dài vỏn vẹn hơn tiếng chút. Rời resort vào lúc 12h trưa, bọn mình dừng ít phút ăn bữa trưa nhanh ở thị trấn Nyaung Shwe, rồi chỉ thêm 40’ từ thị trấn đó thì tụi mình đã đến được sân bay Heho. Bước xuống cổng vào sân bay, mấy chị em bật cười bảo nhau, không khác gì trụ sở ủy ban xã. Chỉ cách cổng cái “ủy ban xã” đó vài chục mét là những quán hàng bán lẻ vài món đồ lặt vặt, nước uống. Tuy sân bay nhỏ như vậy nhưng các chuyến bay từ Heho đi Yangon lại khá nhiều, mỗi ngày có tới hơn chục chuyến chứ chẳng ít, với khá nhiều hãng máy bay tư nhân, đoạn này thì hơn Việt Nam là cái chắc. Check in rồi cả kiểm tra ở thêm một cửa nữa với khách ngoại quốc, tất tật đều được ghi vào sổ, no computer 😊. Phòng chờ cũ kỹ, bé xíu, trong đó có mấy kiosk bán hàng mà giá cả hầu như không cao hơn bên ngoài bao nhiêu. Bên ngoài đường băng cũng bé xíu, máy bay đậu sát gần cửa ra vào, tụi mình đi bộ vài bước đã đến chỗ lên máy bay. Vừa cất cánh được ít phút các cô tiếp viên rất xinh đã mang suất ăn đi phát, hai chiếc bánh ngọt khá ngon mà cún chén hết ngay lập tức, và chỉ hơn một tiếng sau nhóm mình đã lại đáp xuống sân bay Yangon, nơi mà đúng 7 ngày trước bọn mình lơ ngơ bắt xe ra bến xe khách, bắt đầu chuyến rong chơi.

Khi tìm khách sạn ở Yangon, tiêu chí của mình là gần chùa vàng Shwedagon. Và cái khách sạn Merchant Art Boutique đáp ứng đúng tiêu chí đó, cách chùa chưa tới 500m. Khi ở Inle mình cảnh báo mọi người, khách sạn ở Yangon em ít cầu kỳ nhất, chỉ đơn giản là ngủ một tối rồi hôm sau về ý mà, chuẩn bị tinh thần hạ giới đi nhé, không sang chảnh gì đâu. Vậy mà khách sạn rất ổn, rộng, được trang trí bằng những bức tranh 3D khá độc đáo. Cún trầm trồ, con thích khách sạn này. Khách sạn nhìn thẳng sang một khu tập thể cũ kỹ, rất gợi nhớ Hà Nội những năm thời bao cấp. Còn sáng hôm sau thì mình phát hiện ra một cây mít cao ngay bên dưới cửa sổ phòng mình ở tầng 5, chim hót ríu rít.

Check in xong bọn mình được phát một phiếu đồ uống miễn phí, với điều kiện phải sử dụng trước 8h tối. Đã hơn 6h tối rồi vậy nên tụi mình rủ nhau lên uống rồi sau đó mới đi tìm chỗ ăn. Hihi, hóa ra có mỗi cốc nước dưa hấu ép mà các khách sạn khác thường mang ra mời ngay khi khách mới đến. Bù lại, từ quán cà phê trên tầng 6 - nóc ngôi nhà, tụi mình được nhìn thấy cái chóp dát vàng sáng rực của ngôi chùa vút lên trên bầu trời, thế là lại náo nức đi ngắm 😊.

Chỉ còn đúng một ngày ở Yangon, chiều hôm sau cần có mặt ở sân bay lúc 5h, mình lên lịch đi thăm duy nhất ngôi chùa Shwedagon, dù đọc thấy còn nhiều chùa nổi tiếng khác, vì nói thật đi thăm nhiều chùa quá, đã bắt đầu thấy ngán.

Đã quen với việc mặt tiền bên ngoài không quá ấn tượng nhưng bên trong sẽ rất đẹp, nên tụi mình không thất vọng khi từ xa nhìn thấy cổng ngôi chùa (cổng phía đông) trông hết sức bình thường. Bên ngoài cổng chùa các em bé, người già, phụ nữ… bán túi nilong, hóa ra là để đựng giày, mình nghĩ chắc do chùa này quá rộng, người ta không bắt cất giầy dép ở tủ ngoài cổng vì mọi người có thể sẽ vào ở cổng này rồi ra từ cổng khác. Đường dẫn vào chùa rất rộng, được trang trí vô cùng đẹp đẽ, những hàng cột to, chạm trổ cầu kỳ, trần ốp gỗ trạm trổ, hai bên là các bức tranh tôn giáo, thế nhưng dọc theo hai bên là rất nhiều các cửa hàng nhỏ bán đồ tâm linh. Mấy chị em thắc mắc sao lại cho bán tràn lan như thế, hóa ra đây mới chỉ là đường dẫn vào chùa. Leo qua khá nhiều bậc cầu thang thì nhóm mình mới đến được cửa vào chùa, nơi ai cũng phải đi qua cửa kiểm tra an ninh, tiếp theo là mua vé và mình thì phải thuê thêm chiếc longyi vì hôm đó mình mặc quần bò, cô nhân viên giải thích là bó sát quá 😊
Ngẩn ngơ với đường dẫn vào chùa rất đẹp
 Những cây cột to và cao, được chạm trổ, sơn son cầu kỳ
Và phía trên cao
Bước vào sân chùa, mặc dù đã được nhìn ngắm nhiều chùa hoành tráng rồi, thì bọn mình vẫn sững sờ như thường. Ngọn tháp chính dát vàng cao vút trên nền trời xanh, và xung quanh ngọn tháp chính là một “rừng” những ngọn tháp nhỏ, vô vàn những khu thờ tự, đến mức người ta phát một tấm bản đồ in ấn rất đẹp, chỉ dẫn chi tiết hàng mấy chục những điểm cần/nên đến thăm – nào là bàn chân Phật (có hai điểm lưu giữ), tượng Phật bằng vàng (một số điểm), tượng Phật bằng ngọc nguyên khối nạm hồng ngọc, những quả chuông nổi tiếng (hai quả), cây bồ đề thiêng… Trong chùa còn có một bảo tàng ba tầng, lưu giữ những bức tượng, chuông, các món đồ tâm linh khác mà riêng việc đi thăm bảo tàng này cũng mất khối thời gian.
 Một rừng những ngọn tháp nhỏ xung quanh ngọn tháp chính

 Các ngọn tháp ở vòng ngoài, xa tháp chính hơn một chút
 Ngọn tháp chính sáng rực trong đêm (Ảnh: St)
Cún happy lắm khi nhìn thấy cây đàn hạc của Myanmar trong bảo tàng, mà cả hai bác đi cùng đều bảo đây là chiếc thuyền :)
Việc lang thang ở chùa mất thời gian hơn mình tưởng nhiều. Đến hơn 11h chút thì mình giục mọi người về trả phòng, ăn trưa rồi tính tiếp. Đã rất mãn nhãn với ngôi chùa to lớn đến vậy, tụi mình quyết định không đi đâu nữa mà ngồi ở sảnh khách sạn chờ đến giờ ra sân bay.

Chùa Shwedagon (Shwedagon Zedi Daw /ʃwèdəɡòun zèdìdɔ̀/), hay Chùa Vàng, ở Yangon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanma. Tại đây lưu giữ bốn báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và tám sợi tóc của Phật Thích CaNgọn tháp dát vàng của chùa cao tới 98 mét trên đỉnh nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, trên cùng là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g). Chùa nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon (Wikipedia).

Tổng kết lại, mình đã có một chuyến đi không thể mỹ mãn hơn. Mình như được quay trở lại một thời rất xa xôi nào đó, nơi những người dân sống theo một nhịp điệu khác, chậm rãi, hiền lành và thân thiện. Vùng đất của những ngọn tháp gạch đỏ như trong những câu chuyện xa xưa, vùng đất của những ngôi chùa vàng như trong những câu chuyện cổ tích, và vùng đất của một chiếc hồ như trong mơ.

Tạm biệt Yangon, tạm biệt những tháp chùa, tạm biệt những ngày tháng vô lo, mình hạ giới đây, quay trở lại làm con trâu trên cánh đồng thường ngày. Mình đã có những ngày rong chơi tuyệt vời, và cứ mỗi chuyến đi thế này, mình lại mong muốn được đi nhiều hơn nữa, khám phá những vùng đất mới lạ. Mình hỏi cún, chuyến sau con có đi với mẹ nữa không, cún trêu, còn tùy thái độ của mẹ. Haha, vụ này thì không được rồi nàng ạ, câu này để dành cho mẹ nói nhé. Nào, mẹ con mình lại cùng mơ đến những vùng đất xa xôi!

NHẬT KÝ MYANMAR_Hồ Inle - nơi thời gian ngừng trôi

Khi mặc cả xe riêng đi chặng đường Mandalay – hồ Inle cái giá 130 đô làm mình hơi ngại ngần vì đọc trên mạng thì chỉ 100 đô. Nhưng khi bước lên xe thì mình hoàn toàn happy, chúng mình bảo nhau đúng là đẳng cấp “đại da” 😊. Chiếc xe 7 chỗ nhưng lòng xe rất rộng, ghế ngồi thoải mái. Cún chiếm trọn băng ghế phía sau để nằm ngủ. Khởi hành lúc 12h, mình tính 7h tối sẽ đến nơi, như vậy bọn mình có trọn vẹn một buổi sáng chơi ở Mandalay và sẽ không phải đi nhiều khi trời đã tối. Việc chọn đi xe cũng còn vì không có chuyến bay nào khởi hành buổi chiều mà chỉ có chuyến bay buổi sáng, cũng đồng nghĩa với việc mất một buổi sáng chơi ở Mandalay.

Vượt qua khoảng hơn 100 km đầu đường khá đẹp với quang cảnh xung quanh là cánh đồng với những cây thốt nốt thì tụi mình bắt đầu vào những cua đường quanh co, dốc ngược, chả khác Sapa bao nhiêu. Cũng núi đồi, những ngọn núi khô cằn, nhìn từ xa chỉ thấy màu vàng úa mà không có màu xanh của cây. Có đoạn đường tệ đến mức cún hơi mệt, bảo mẹ nhắc bác chạy chậm hơn chút đi. Vượt qua một đoạn đường đồi núi khô cằn, chiếc xe bắt đầu đi vào không gian xanh hơn, cây cỏ bên đường rất giống với những con đường núi mình đã đi biết bao lần. Tầm 5h chiều thì mình đi qua thị trấn Kalaw, một thị trấn nhỏ nổi tiếng với những cung đường trekking, thậm chí nhiều người còn thích đi bộ từ đây, vượt qua hơn 60km đến tận hồ Inle. Qua thị trấn Kalaw một đoạn là đến Heho, nơi có sân bay của vùng, và qua Heho khoảng 45km là đến khu vực hồ Inle. Vào đến khu vực hồ Inle khi trời đã tối, chiếc xe cứ lần mò, đi qua con đường nhỏ hun hút tối. Mình thầm mừng vì khi đặt phòng ở Inle Resort &Spa, mình đã kiểm tra và thấy resort đó nằm ngay bên bờ hồ, không cần phải đi thuyền. Trời tối thế này, lại còn lạnh nữa, lạnh hơn Mandalay tương đối vì Inle Lake nằm ở độ cao gần 900m, phải bước chân xuống thuyền ra một resort nào đó giữa hồ chắc hẳn không mấy dễ chịu. Mình nhắc bác lái xe kiểm tra thật kỹ tên khách sạn để chắc đi đúng đường. May quá, một hồi thì cũng đến được chỗ có tấm biển tên resort, nhưng rồi phải thêm mấy phút mò mẫm trên con đường đất thì chúng mình mới đến được cổng resort. Chia tay bác lái xe, tụi mình được một zai trẻ dẫn vào lễ tân qua một đoạn đường khá xa, được cái đèn đóm lung linh nên thấy khá dễ chịu. Tiếp theo là đoạn đi bộ mấy trăm mét nữa từ lễ tân về đến phòng. Xa hun hút, nhưng hôm sau, khi khám phá khu resort dưới ánh nắng chan hòa chúng mình mới biết nó rộng và đẹp đến cỡ nào. Đã hơi muộn, cũng khá mệt sau hơn nửa ngày ngồi xe, tụi mình vui lòng với món tồm mi (chẹp chẹp, ở resort mà ăn mì tôm thì phải nói lái đi tý cho có vẻ món Tây sang chảnh :P) và hoa quả mua dọc đường rồi nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi chơi hồ ngày hôm sau mà mình đã kịp gọi điện và đặt với lễ tân chỉ 10’ sau khi đến khách sạn.  

Ở khách sạn có 2 tour khác nhau. Một tour đi thăm khu làng cổ Indein, nơi có hàng nghìn ngôi chùa san sát, rồi sau đó đi thăm các điểm quen thuộc trên hồ, thì sẽ phải xuất phát từ 7h sáng. Nếu bỏ qua khu làng cổ Indein mà chỉ đi trên hồ thì xuất phát lúc 8h sáng. Đã xem quá nhiều đền chùa, mình quyết định bỏ qua khu làng cổ, nhưng bạn lễ tân vẫn nhắc mình xuất phát lúc 7.30 để kịp đi thăm làng nổi (Về sau, khi xem ảnh khu làng cổ Indein trên mạng mình tiếc hùi hụi, huhu.)
Buổi sáng ở Inle mùa này khá lạnh, nhiệt độ ban đêm xuống 9-10C0, sáng sớm vẫn rất lạnh – 13-15C0 rồi sẽ lên đến 25-28 C0 trong khoảng 10h – 4h chiều. Mỗi chiếc thuyền cho khách du lịch chở tối đa 5 người. Thuyền đẹp, sạch sẽ, và có cả tấm chăn mỏng cho bọn mình khoác tạm khi lạnh, có ô che khi nắng lên.
Vì ở resort nên thuyền đón tụi mình ngay từ bến thuyền của resort. Cún cứ trầm trồ, sanh chảnh thật. Chiếc thuyền thon thon, dài hơn 10m nhưng chỉ rộng tầm 1.5m, mỏng manh như một chiếc lá tre. Bước xuống thuyền, trước mặt là một vùng nước mênh mông, và con thuyền thì mong manh đến thế, mình hơi lo lắng, nhắc cún lúc nào cũng phải mặc áo phao cẩn thận. Cún bảo, thế thì khóa học bơi tốn cả chục triệu để làm gì, thế nhưng cả ngày hôm đó, cứ xuống thuyền là cún khoác áo phao vào ngay. Đối với mình, áo phao còn có thêm một tác dụng nữa, ngăn bớt những ngọn gió lạnh buốt buổi sáng 😊.
Cái lạnh của hồ buổi sáng không làm bọn mình kém phấn khích tý nào. Đúng như mọi người đã mô tả, hồ đẹp tuyệt vời. Hồ Inle, hay còn gọi là Inlay trong tiếng Myanmar, mang nghĩa “hồ lớn”, có diện tích khoảng 220km, chiều dài 23.4km, chỗ rộng nhất 12.6km. Nước nơi lòng hồ sâu khoảng 6m, trong khi nước ở các con kênh rạch chằng chịt, nơi tộc người Inthar sinh sống, chỉ sâu khoảng 2-3m. Con thuyền máy lao đi vun vút như xé tan mặt hồ. Ở xa xa về mọi hướng có những con thuyền tương tự cũng đang lao đi, con thuyền nào cũng giống nhau, thon dài, mỏng manh, mũi vểnh cao lên, đuôi chúc xuống cứ như thể sắp chìm vào làn nước hồ. Hồ rất nhiều chim, những con chim đậu trên mặt nước, chao trên bầu trời thành đàn. Mình không mang theo bánh mì nên chẳng có gì cho chúng ăn. Thật tiếc khi các bạn ở khách sạn không mách bọn mình điều này.


Những chiếc thuyền đánh cá trên mặt hồ lúc sáng sớm
Đối với mình, hình ảnh những người đàn ông chèo thuyền bằng một chân là hình ảnh vô cùng độc đáo. Mình đã mong chờ để được nhìn thấy từ khi lên kế hoạch cho chuyến đi nên vội vàng chụp ngay khi nhìn thấy chiếc thuyền đánh cá đầu tiên. Có điều những người đàn ông chèo thuyền đánh cá trên hồ Inle ngày nay không còn mặc longyi nữa mà mặc quần, trong khi với mọi sinh hoạt khác, vẫn rất nhiều người đàn ông mặc longyi.
Vượt qua một khoảng hồ tương đối rộng tụi mình đi vào một con kênh/rạch nhỏ. Những con kênh ở đây cũng giống như những “con đường”, nối các làng với nhau. Vô vàn những khu làng như vậy, tổng cộng có tới hơn 500 làng sinh sống ven hồ và trên chiếc hồ này. Tộc người Inthar đã hàng nghìn năm nay sinh sống trên hồ theo đúng nghĩa của từ đó. Những ngôi nhà được làm trên cọc, có những chỗ bên dưới cọc nhìn thấy chút bờ đất, có những chỗ bên dưới hoàn toàn là nước. Chỗ chái mỗi ngôi nhà thường có một khoảng có mái che để thuyền. Có làng giàu có hơn, nhà cửa khang trang, bên hiên treo những giò phong lan. Cũng có ngôi làng hết sức đơn sơ, vách nứa. Tất tật mọi sinh hoạt đều trên mặt nước, trẻ con đi học bằng thuyền, người lớn đi chợ, đi làm, đi chùa bằng thuyền. Những vườn cà chua được trồng trên những bè nổi, cố định trên mặt nước bằng những cọc tre.
Thuyền bè ngược xuôi trên con kênh nhỏ, mũi thuyền vểnh lên cao vút

Những ngôi nhà bên bờ nước

Chỗ này là một con "đường cái", con kênh rộng và thuyền qua lại rất tấp nập


Và chùa chiền bên bờ nước
Khu chợ nổi thuyền bè san sát
Một cô bán hàng tấp vào bán, xinh ơi là xinh
Thuyền du lịch ghé vào một xưởng và cửa hàng bán đồ lụa
Vòng cổ đeo để làm cổ dài ra
Làm xì gà cheroot
Những chiếc bè nổi trồng cà chua trên mặt hồ, người ta cắm cọc để cố định các bè đó
Trong một ngày lang thang trên mặt hồ ấy, mình đã được đến thăm khu chợ nổi bán đồ lưu niệm, đến thăm ngôi làng làm đồ bạc, làng làm thuyền, làng làm thuốc lá, làng dệt lụa từ tơ rút từ thân cây sen. Nơi ngôi làng làm nghề dệt, những người dân ở đây thuê ba người từ bộ tộc cổ dài Kayan đến để quảng cáo. Hai người phụ nữ và một em bé gái cổ dài có vẻ rất thành thạo với việc tạo dáng, hễ thấy có người muốn chụp ảnh/chụp ảnh cùng là ngồi ngay ngắn, nở nụ cười làm hàng ngay lập tức. Dù vậy, mình và cún ngại ngần không muốn giơ máy lên, cũng không xông vào chụp cùng, thấy có gì đó không phải, như thể mình làm phiền họ.
Một ngày trên hồ Inle quả là trải nghiệm tuyệt vời. Mặt nước hồ trong vắt, lặng như tờ. Những nét văn hóa đặc sắc. Những cô gái dân tộc duyên dáng. Thời gian như thể ngừng trôi ở vùng đất vô cùng thanh bình ấy. Hai mẹ con hôm sau đã có một khoảng thời gian khá lâu ngồi bên bờ nước, ngắm mãi mặt hồ, ngọn núi xa xa, những chú cá, chú chim thỉnh thoảng lại lặn xuống nước kiếm mồi, mãi mới ngoi lên ở một chỗ có khi xa tít. Cún bảo con muốn ở lại đây cơ, không về đâu. Mẹ trêu, thì con xin làm dọn phòng  ý, sẽ được ở lại luôn. No no, con muốn được ở resort cơ. Ừ, cuộc sống còn dài, con sẽ quay lại nơi này, cả những vùng đất đẹp đẽ khác nữa.

Resort nơi mình ở đây, đẹp tuyệt vời


Cổng vào resort
Restaurant có nhất thiết phải to, rộng đến mức này không nhỉ?

Và con đường từ đường cái vào resort, sáng hôm sau hai mẹ con đi đạp xe
Những ruộng mía trổ bông, ở gần Hà Nội thì người ta đã chăng cọc thu tiền người đến chụp ảnh rồi đấy :)
Và công chúa yêu làm dáng trong resort

30 tháng 12 2018

NHẬT KÝ MYANMAR_Mandalay - thành phố của những ngọn tháp vàng (tiếp)

Mandalay, mỗi ngày một bất ngờ
Chỉ còn một buổi sáng ở Mandalay, mình chọn cho cả nhóm đi thăm hoàng cung và chùa Kuthodow – ngôi chùa lưu trữ cuốn sách lớn nhất thế giới. Đã khôn ra một chút sau vài ngày ở Myanmar, mình hỏi xe tuk tuk từ trước và biết rằng chỉ tốn vài nghìn để đi từ điểm này sang điểm khác ở vùng trung tâm Mandalay.

Hoàng cung không gây ấn tượng mạnh do mình đã thăm Tử cấm thành và hoàng cung ở Seoul. Dù thế, đây vẫn là một nơi nên đến khi thăm Mandalay.
Cổng hoàng cung
Những mái ngói gỗ đỏ chắc hẳn đã từng rất đẹp, giờ được trùng tu, lợp lại bằng mái tôn. Dù vậy, nhìn từ xa sẽ không nhận ra chi tiết đó
Những hành lang được chạm trổ rất đẹp
Dãy nhà phía sau, chắc dành cho cung tần mỹ nữ

Ngôi chùa Kuthodow chỉ cách hoàng cung chưa đến 10’ đi xe tuk tuk. Từ bên ngoài nhìn vào chỉ thấy một ngọn tháp vàng nhỏ và thấp thoáng vài ngọn tháp trắng tinh, nhưng đây là nơi đã khiến bọn mình sửng sốt đến thế nào khi bước vào bên trong. Ngoài tòa tháp chính thì xung quanh chùa là 729 gian phòng nhỏ được gọi là kyauksa gu, tất cả đều sơn màu trắng, lộng lẫy trong nắng sớm. Mỗi một gian phòng nhỏ như vậy chứa 01 “tờ” diện tích 1m*1.5m (mình thấy có một gian chứa tới 03 “tờ”). Những tờ như vậy là những bản kinh Phật được khắc trên đá. Chính vì vậy, nơi đây được gọi là “cuốn sách lớn nhất thế giới”, đập tan suy nghĩ trước đó của mình về việc mình sẽ được nhìn thấy những bản khắc gỗ khổng lồ tạo thành cuốn sách. Một số lượng khổng lồ - 729 - gian chứa những bản kinh như vậy được xây dựng theo một trật tự gọn gàng  sắp xếp ở bốn phía của chùa, với chính giữa là ngọn tháp dát vàng, tạo thành một quang cảnh vô cùng lộng lẫy. Chẳng thể nào đi thăm hết cả chùa, chúng mình chỉ lượn lờ một lát rồi về, chuẩn bị trả phòng và 12.00 lên đường đi hồ Inle, một địa điểm cách Mandalay hơn 300km.
Toàn cảnh chùa Kuthodow (Ảnh: ST)

Những "gian phòng" chứa các "trang sách"

Và đây là một "trang sách" (Ảnh: ST)
Đã quen với việc bên ngoài nhìn vào không quá hoành tráng hay ấn tượng ban đầu không quá mạnh mẽ, nhưng những gì mình nhìn thấy sau đó luôn khiến mình sửng sốt, như chuyến thăm ngôi chùa Kuthodow này, mình hoàn toàn tin rằng đoạn đường dài tới 7h chạy xe tới hồ Inle chắc chắn là đáng giá. Cún thì khỏi nói, trông chờ được nghỉ tại Inle Resort&Spa lắm, ngóng mấy hôm rồi. Và những trải nghiệm sau đó chứng minh mình đã đúng :).

29 tháng 12 2018

NHẬT KÝ MYANMAR_Mandalay, thành phố của những ngọn tháp vàng

Mình thật sáng suốt khi lựa chọn đi chuyến xe lúc 4h từ Bagan tới Mandalay. Dân du lịch bụi thường chọn đi xe đêm để tiết kiệm một đêm tiền phòng. Còn mình tính toán đi lúc 4h thì đến Mandalay vào khoảng 9h tối, vẫn có [gần như] cả ngày thăm thú Bagan mà lại được ngủ đêm tử tế.

Lần này thì không tốn 12,000 kyats đi tắc xi nữa mà nhà xe cho xe đến đón tụi mình tận khách sạn. Chẹp chẹp, oai thật, xe đưa đón tận nơi 😊. Chiếc xe giống xe tải nhỏ, thùng xe có mái nhưng hai bên thùng xe chỉ là những thanh sắt thưa, có tấm rèm mỏng, chắc để kéo ra che khi trời nắng. Mỗi bên thùng xe có một dãy ghế dọc để ngồi. Nhiều xe tương tự chở người địa phương còn chẳng có ghế, hành khách ngồi bệt xuống sàn xe. Đoạn đường từ khách sạn đến chỗ xe đỗ không xa gì, chắc khoảng 15’. Chiếc xe khách nhỏ, loại xe 24 chỗ nhưng chở tổng cộng có lẽ chỉ 15 khách, trong đó khoảng một nửa là dân du lịch. Mình ngồi ngang hàng với một thanh niên địa phương, bị tra tấn bởi tiếng nói chuyện điện thoại oang oang của cậu ta trên gần suốt dọc đường. Cái bọn dân châu Á nói gì thì nói vẫn giống nhau ở rất nhiều điểm xấu.

Con đường Bagan – Mandalay đẹp đến ngạc nhiên nếu so với những con đường đất ngay rìa New Bagan chỗ khách sạn mình ở. Đường rộng chỉ vừa đủ nhưng phẳng lỳ, xe chạy êm ru. Đoạn gần Bagan đất đai khô cằn, ngoài cây thốt nốt thì không có vườn rau hay cây ăn quả gì, nhưng chỉ ra khỏi Bagan một đoạn đã có thể nhìn thấy những mảnh ruộng trù phú, xanh um rau cỏ và có đoạn là cây thuốc lá. Mình mê mải ngắm khung cảnh hai bên đến tận hơn 6h, khi trời bắt đầu tối, và chẳng bao lâu sau thì vầng trăng lại lơ lửng ngoài cửa xe, theo chiếc xe của chúng mình trong đêm. Gần đến Mandalay cậu bé phụ xe đi hỏi từng người địa chỉ. Hơn 8h chút thì xe đến Mandalay và tụi mình được đưa đến tận khách sạn, dễ chịu thế cơ chứ. Lên phòng được ít phút thì mình phát hiện cún quên balo trên xe, vội vàng nhờ khách sạn liên lạc và hôm sau nhà xe mang trả lại tận khách sạn cho mình. Nói chung dịch vụ rất tốt với một giá vé khá rẻ – 9.000 kyats/người, tức khoảng 5.5 đô. Về vụ vé cầu đường thì ngoài vài trạm thu phí chính thức, thỉnh thoảng mình lại thấy bác tài dừng lại trước một baria hoàn toàn tượng trưng làm bằng cây tre hoặc đơn giản một thanh tre/gỗ gác ngang mấy thùng nhựa đường cũ. Có vẻ như vụ cát cứ, thu tiền ở từng vùng rất giống Việt Nam một thời gian trước đây.

Khách sạn nằm ngay trung tâm Mandalay, mình đặt với giá 45 đô/phòng và chất lượng cũng tương đương, nghĩa là tàm tạm, kiểu khách sạn 3 sao ở Việt Nam. Sáng hôm sau, khi từ phòng ăn trên tầng 6 nhìn xuống mình mới phát hiện ra nó nằm cạnh một chiếc chợ khá lớn, còn khi đó mình chỉ phát hiện ra ngay cạnh đó là nhà hàng BBQ. Nói chung đi đến đâu cũng phải liếc ngay để còn lo vụ ăn uống chứ. Cũng như khi đến Bagan, việc đầu tiên là hỏi xe đi hồ Inle. Từ khi lên kế hoạch, mình đã định đặt xe riêng cho đoạn đường Mandalay – hồ Inle vì không muốn đi xe đêm. Đi máy bay thì phải rời Mandalay từ sáng, thấy tiếc thời gian. Khách sạn đưa ra giá 200 đô cho một chiếc xe riêng. Chát quá, chờ tớ đến tầm đại gia xịn vung tiền không tiếc đã nhé, chứ bi giờ thì tớ vưỡn phải tính toán các cậu ạ. Lôi ra một số điện thoại mà mình moi được trên mạng trong khi lang thang đọc để tìm hiểu cho chuyến đi, mình nhờ khách sạn hỏi xe giúp. Giá được đưa ra là 130 đô, sau một hồi mặc cả bác lái xe đưa ra giá 125, giải thích rằng đây là xe to chứ không phải xe 4 chỗ, cho đoạn đường 7 tiếng Mandalay – hồ Inle. Okie, các “đại da” Hà thành tuy hơi xót (vì khi đọc trên mạng chỉ là 100 đô thôi) nhưng cũng đồng ý. Và đặt một chiếc taxi cho chuyến tham quan vòng ngoài Mandalay vào ngày hôm sau với giá 35 đô.

Đọc chán chê về Mandalay rồi nên hỏi ý kiến một em lễ tân rất dễ thương ít phút là mình hình dung ra ngay chặng đường cho ngày tham quan. Nhưng thực ra điều đó cũng chả cần thiết lắm vì cậu lái taxi – một giai trẻ rất thân thiện, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, chắc hẳn đã có vô vàn kinh nghiệm chở khách đi thế này, hôm sau sẽ nhiệt tình đưa bọn mình đi và còn dặn dò đủ kiểu để nhóm mình enjoy được nhiều nhất và tránh bị chặt chém không cần thiết.

Một ngày ở vùng ngoại ô Mandalay
Điểm dừng đầu tiên trên con đường ra ngoại ô Mandalay của bọn mình là ngôi chùa Mahamuni với bức tượng Phật rất lớn dát vàng. Chỉ đàn ông mới được vào bên trong, sát chỗ tượng Phật, còn phụ nữ không được vào mà chỉ có thể quỳ lạy từ tít xa. Cún nhận xét ngay, đấy, xã hội như thế thì làm sao phát triển được 😊. Rất nhiều người mua những lát vàng mỏng dính, bé xíu để dán lên tượng, và qua năm tháng, lớp vàng dát thêm đó [được nói rằng] đã dày tới 15cm.

Tiếp theo là một tu viện cổ nhỏ bằng gỗ mà mình không mấy ấn tượng. Sau đó chàng lái xe đưa bọn mình đi một đoạn khá xa, ra vùng ngoại ô Mandalay đến tu viện Mahagandayon. Đây là một học viện Phật giáo với số người theo học tới khoảng 1.400 giáo sinh, từ các em bé chỉ 7-8 tuổi cho đến lứa tuổi thiếu niên, thanh niên. 10.00 sáng hàng ngày các giáo sinh/tu sỹ trong bộ đồ màu đỏ từ những dãy nhà xa gần sẽ lần lượt đến, xếp hàng trật tự trên con đường bên nhà ăn để vào ăn trưa. Khi nhóm mình đến đó và lúc gần 10h thì đã có khá nhiều khách du lịch đứng chờ dọc hai bên con đường dài khoảng hơn trăm mét đó. Đến khi những em bé đầu tiên bắt đầu đứng xếp hàng thì cả rừng máy ảnh, điện thoại di động chìa ra. Một số “quý bà” đã chuẩn bị bánh kẹo, lần lượt chia cho các em bé và nhất định phải chìa khuôn mặt mình vào đó tự sướng mới yên tâm. Đến đoạn các giáo sinh đã vào nhà ăn và bắt đầu ăn thì cũng không thiếu người chìa máy ảnh chụp cảnh đó. Cún bực bội, vô duyên, ăn mà cũng không để người ta yên. Mẹ hoàn toàn đồng tình với nàng.

Xếp hàng chuẩn bị ăn trưa
Chuyến viếng thăm khu đồi Sangaing, nơi từng là thủ đô của vương quốc Shan trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ thể kỷ 14, với hai ngôi chùa trên núi cho mình cái nhìn toàn cảnh xuống bên dưới với vô vàn các tháp đền chùa và dòng sông Irra Wady uốn lượn mềm mại dưới chân đồi. Khác với Bagan, nơi phần nhiều các ngôi chùa và tháp đều rất cổ, được xây cả gần nghìn năm trước bằng gạch đỏ, phần lớn những ngôi chùa của Mandalay mới hơn, chỉ hơn trăm năm, với những chóp nhọn màu trắng hoặc vàng, được xây dựng vào thời kỳ Mandalay là cố đô của Burma, trước khi vương quốc này rơi vào tay thực dân Anh. Người đi chùa không đốt hương mà chỉ cúng hoa, những chùm hoa được kết rất đẹp, thơm ngát.
Ngọn tháp dát vàng rực lên trên nền trời xanh biếc và cái nắng trong suốt
Hoa để dâng vào chùa

 Khu đồi Sangaing nhìn từ bờ sông Irra Wady
Và đền chùa, và dòng sông nhìn từ đỉnh đồi Sangaing
Mái vòm của Đại học Phật giáo
Ăn xong bữa trưa rất ngon, chàng lái xe đưa nhóm mình đi thăm cố đô Inwa, cố đô cổ của Burma trong khoảng thời gian thế kỷ 14-19. Sau một đoạn trên con đường bờ đê rợp bóng cây, tụi mình đến được bến thuyền lúc khoảng 2h. Chàng kéo mình đến bên một gốc cây to trên đó có tấm bạt quảng cáo, chỉ cho mình những địa điểm nên đến và cả giá tiền, dặn dò để mình không bị chặt chém và nhắc muộn nhất 4.30 phải quay trở lại để đi thăm cây cầu gỗ U-bein.

Từ bờ bên này đến bờ bên kia chỉ mất khoảng 5-7 phút trên một loại thuyền máy khá to chở được khoảng 20-30 người với 1 đô tiền vé. Bước lên bờ là cả một rừng những chiếc xe ngựa đang chờ trên một bãi đất kín đầy phân ngựa, mùi hôi nồng nặc. Nếu đọc review có ai đó nói đến vụ này thì có khi mình sẽ lưỡng lự không muốn đi. Nhưng đã đến rồi thì phải đi thôi. Tụi mình mau chóng lấy 2 chiếc xe vì ở đây mỗi xe họ cương quyết chỉ chở hai người. May quá, thoát khỏi bãi đất đó một đoạn thì mùi hôi cũng hết dần. Ngôi chùa đổ nát – điểm đến đầu tiên trong khu cố đô – mang nhiều những nét tương đồng với những đền tháp ở Bagan, nhưng tu viện gỗ tiếp theo thì khác hẳn. Tu viện mang tên Bagaya Kyaung được làm hoàn toàn bằng gỗ tếch với hơn 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ và những hàng rui kèo gỗ tếch chạm trổ hết sức tinh tế. Qua năm tháng, những mái rui kèo, sàn nhà, cột gỗ trở nên đen bóng, ánh lên trong nắng.
Phế tích chùa Yandana Sinme, gợi nhớ những phế tích ở Bagan

Những cây cột gỗ tếch rất to của tu viện Bagaya
Đi xe ngựa mà cũng tắc đường :)

Điểm nhóm mình dừng chân khá lâu tiếp theo là tu viện Mahar Aung Mye Bon San. Tu viện có quy mô khá lớn, với những nét trầm mặc cổ kính, những cây táo dại nơi góc tường. Ánh nắng buổi chiều chiếu lên những bờ tường, bức tượng, tạo nên một quang cảnh đẹp khó lòng diễn tả.  
Tu viện Mahar Aung Mye Bon San

Tạm biệt hai bác đánh xe ngựa tuy không biết nói tiếng Anh nhưng luôn chờ đón tụi mình với nụ cười hiền lành mỗi khi tụi mình xuống xe đi vào điểm tham quan, nhóm mình quay được về bờ bên kia lúc hơn 4 rưỡi. Điểm đến tiếp theo mà mình rất náo nức là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới – 1.2km, nơi mình quảng cáo mấy lần rồi là ngắm hoàng hôn từ đó thì tuyệt đẹp. Than ôi, đời không như là mơ. Cây cầu đông nghẹt người, không thể thậm chí chụp một bức ảnh. Nếu vắng người thì quả là cây cầu sẽ rất đẹp. Cầu hoàn toàn bằng gỗ tếch, rộng khoảng 1.5m, chẳng có lan can gì cả, và cứ kéo dài hun hút. Tụi mình đi bộ ít bước nhưng chán quá đành quay về và rủ nhau xuống dưới gầm cầu chụp ảnh hoàng hôn trên ruộng. Nói chung không như mong đợi nên cả nhóm mau chóng rời nơi đó đi về. Chàng lái xe bảo kể cả sáng sớm cây cầu cũng đông nghẹt như vậy. Biết làm sao được. Mình thích đi ngắm, làm sao có thể cấm người khác cũng đi như mình 😊.

Một ngày thăm thú hết sức thú vị với tổng cộng 35 đô tiền xe, 20 đô tiền bữa trưa, 25 đô tiền vé vào cửa (mà sẽ còn sử dụng cho cả ngày hôm sau), tức mỗi người chỉ tốn 20 đô. Bọn mình nói đi nói lại, phê vãi phê vãi :P. Nhưng tụi mình chưa hình dung rằng phía trước còn rất nhiều điều hay ho hơn nữa đang chờ đợi.