31 tháng 10 2014

KÝ ỨC NƯỚC NGA_CHUYỆN HỌC VÀ THI



Chả rõ mọi người khác luôn học hành vất vả thế nào, suốt thời gian bên Nga, mình ít khi cảm thấy việc học là vất vả. Chắc không phải vì mình giỏi mà chỉ vì mình luôn học một chương trình dễ hơn đám bạn khác hoặc mình dễ tự bằng lòng.

Khoa ngoại quốc tụi mình năm đó có khoảng gần ba chục mống, 4 cô người Việt (chỉ sau 2 năm thì đã có một em chuyển được lên Mát), 5 mống người Cămpuchia mà giờ mình chỉ còn nhớ tên mỗi cậu Chandra học cùng lớp, 3 cô Mông Cổ trong đó có một nường phải nói là rất xinh, da trắng, dáng đẹp và ăn mặc cũng đẹp. Đám còn lại mình chả nhớ từ những đâu, láng máng đọng lại là lớp mình có cậu người Ethiopia với thói quen không bao giờ nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Rồi mấy cậu người Ả rập, Palextin này nọ với hàm râu quai nón đẹp dã man. Mấy chục mống đó được chia làm 3 lớp. Lớp mình có mỗi 7 đứa. Bạn bè mình nhiều người học cùng với đám sinh viên Nga thì đương nhiên chương trình học như nhau và việc học khá vất vả. Đám tụi mình học riêng ở khoa ngoại quốc nên chương trình học nhẹ hơn hẳn. Và chả mảy may ở đâu có chuyện phải lấy lòng hay quà cáp thầy cô giáo.

Ngành học của mình là sư phạm tiếng Anh và tiếng Nga vậy nên đó là hai môn học chính. Mình học chuyên Nga từ hồi cấp 3, ngữ pháp đã rất chắc ngay từ trước khi sang Nga, lại được bồi bổ bằng thực tế một năm dự bị tại Minsk, thế nên việc thực hành tiếng đúng là như chơi. Nội dung học cũng rất thú vị. Các giờ thực hành tiếng Nga được lồng vào những nội dung về hội họa, văn học, văn hóa. Mình đã được học một cách khá có hệ thống về hội họa Nga, văn hóa Nga. Những bức tranh, tác giả nổi tiếng, những câu chuyện ẩn sau mỗi bức tranh. Những giờ văn học Nga cũng luôn rất hay ho với biết bao tác phẩm, bao giai thoại. Thế mà than ôi, mình đã cho ra khỏi đầu hết, giờ nhớ lại thấy tiếc vô kể. Chỉ hơi mệt mỏi hơn một chút là những môn lý thuyết tiếng mà giờ mình không còn bất cứ chữ nào trong đầu. Tiếng Anh là một môn chính quan trọng. Bắt đầu vào đại học mình mới học. Cứ chiều chiều, tan học sớm, khoảng 3.00-4.00, mình hay xuống phòng tiếng của trường, ngồi nghe băng và luyện phát âm, suốt cả một năm đầu như vậy. Dù vậy, so với chương trình của sinh viên học tại Việt Nam bây giờ thì những cái mình học ngày đó đúng là trò trẻ con, chắc về khoản thực hành tiếng thì suốt cả 5 năm học còn chả bằng sinh viên năm một. Học đến năm thứ tư mình mới thường xuyên đọc một tờ báo Nga bằng tiếng Anh, phải đặt và hàng tuần ra bưu điện khá xa lấy. Rồi mãi khi học đến năm thứ 5 mình mới bắt đầu nghe thời sự tiếng Anh qua ăngten parabol mà ngày đó mua tới cả nghìn đô. Giáo trình thực hành thì suốt 5 năm đại học vẫn chỉ là cuốn Essential English chán ngấy, chẳng chút thú vị so với những giáo trình bây giờ.

Bên Nga tiết học được gọi là “para” (nghĩa là cặp đôi), kéo dài 90’. Trung bình mỗi ngày tụi mình có 3 para, đôi lúc 4. Para đầu tiên bắt đầu lúc 8h sáng. Học hết 2 para thì sẽ có giải lao 30’, cũng là lúc ăn trưa. Những môn như thực hành tiếng Anh, thực hành tiếng Nga… thì học riêng, mỗi lớp dưới 10 sinh viên. Một số môn khác như Tâm lý, Triết, Kinh tế, Văn học Nga và rất nhiều môn lý thuyết tiếng sẽ học chung cả khóa, tức 30 chục mống người nước ngoài.
Thường mỗi kỳ tụi mình sẽ có 4-5 môn phải thi, là những môn cơ bản. Các môn khác, ví dụ như Triết, Kinh tế học… sẽ chỉ đánh giá là qua hay không qua. Nói chung, đám học sinh người Việt ở mọi khoa ngoại quốc thường dẫn đầu. Mình và mấy cô bạn cũng vậy. Do học hành chăm chỉ, trong lớp chịu khó phát biểu nên thường trong số 4-5 môn bắt buộc phải thi thì tụi mình sẽ được nhận điểm 5 mà chả cần thi cử gì cho 2-3 môn, tức chỉ phải thi 2-3 môn còn lại. Thi bao giờ cũng bằng hình thức vấn đáp, bài kiểm tra viết thì sẽ làm từ trước. Mỗi đứa có một cuốn sổ điểm nhỏ, đi thi cầm sổ theo, xong thì chìa sổ để giáo viên cho điểm luôn. Cũng phải nói thêm, lịch thi là một chuyện, tụi mình vốn đã phải thi ít môn, lại hay làm đơn xin thi sớm với lý do về nghỉ phép, vậy nên có khi thi xong trước bọn khác cả tháng trời, thế là nghỉ hè suốt từ tháng 5 đến hết tháng 8.

Mình có một kỷ niệm đáng nhớ với kỳ thi môn Tâm lý học cuối năm thứ Tư. Như mọi kỳ thi khác, mình cũng ti toe làm đơn xin thi sớm để biến nhưng lại lười chả học hành mấy. Đến hôm đi thi, mỗi mình và thầy giáo ngồi với nhau. Tất nhiên mình chỉ thở một hơi thì thầy đã biết thừa mình chưa ôn kỹ. Thầy bảo, thôi mày về đi, ba hôm nữa quay lại, tao không muốn làm hỏng sổ điểm của mày (Sổ điểm của mình đến lúc đó tất cả đều 5 điểm). Con bé ngượng chín mặt, về nhà đóng cửa miệt mài học. Ba hôm sau quay lại, thầy bảo đưa sổ đây, chả hỏi câu nào, cho mình 5 điểm rồi bảo mày biến, kakaka.

Vụ học thể dục là một kỷ niệm khác. Mỗi tuần tụi mình có một giờ thể dục, tập từ 3.30 đến 5.00. Việc học rất nhẹ nhàng, cả bọn đến khu tập, thích làm gì thì làm, tập thể dục, chạy, chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn…, miễn có mặt và tập tành đủ giờ để thầy giáo ký nhận. Dù vậy, con bé vẫn lười vì mùa đông đi học giờ đó chả khoái gì, lạnh chết đi được, mà bên ngoài thì chỉ 4 rưỡi đã bắt đầu tối. Đến năm 3, chắc đã thành ma cũ, mình bỏ học triền miên. Cuối năm con bé tá hỏa với khả năng sẽ không qua được môn thể dục vì không đủ số giờ. Chả riêng gì mình, một số bọn khác nữa cũng phải đi học bù bằng cách lên chỗ Lermontov đấu súng chạy 1 tiếng vào buổi sáng. Đành miệt mài sáng sáng cả bọn lên đó, cùng thầy chạy một tiếng, mỗi buổi lại chìa sổ cho thầy ký. Chạy được khoảng 5-7 buổi đã thấy mình khỏe hơn hẳn, chạy dai sức hơn hẳn, thế mà mình còn láo toét giả chữ ký sáng tác ra vài buổi. Hì hì, chắc thằng cu được di truyền khối cái láo toét của mẹ nó. Mà thực ra, chả cứ môn thể dục, môn thực hành tiếng Nga mình cũng trốn học tương đối :-)

Đến năm thứ 5, mình chọn viết luận văn môn Tâm lý chứ không viết về lý thuyết tiếng Anh hay Nga. Một nghiên cứu nhỏ về khả năng đọc của trẻ, đại để vậy. Cuốn luận văn hoàn toàn viết tay, bằng bút máy mực tím (eo ôi, giờ nghĩ lại thấy rồ man rợ kinh), nét chữ tiếng Nga nghiêng nghiêng thật đẹp mà giờ mình chả thể nào viết được đẹp như thế nữa. Bảo vệ luận văn xong, thầy giáo khuyến khích mình tiếp tục phát triển thành luận văn phó tiến sỹ. Hì hì, mình từ chối. Mình tin, kể cả viết tiếp được cái luận văn đó, chắc trình độ mình cũng chả khá thêm tý nào.

Sáu năm học liền, thế mà những ký ức của mình về việc học hành thật ít ỏi. Đôi lúc, những mảng ký ức rời rạc lại bất chợt hiện ra. Bất chợt một khuôn mặt, một câu nói. Dù mình chẳng nhớ gì nhiều từ những cái đã học, mình tin, đó chính là những bậc thang, từng bước từng bước, để mình đặt chân lên những nấc tiếp theo. Và nếu mình làm được điều gì trong cuộc sống về sau, chắc chắn phần nhiều nhờ những nấc thang đầu tiên đó, mặc dù tiếng Nga giờ nhiều năm mình cũng chẳng có cơ hội nói một câu. Nghĩ thế này lại thấy tiếc ơi là tiếc và thèm nói, thèm viết cái ngôn ngữ thật đẹp, cầu kỳ và sang trọng đó.

29 tháng 10 2014

THÙY DƯƠNG AND FRIENDS’ PARTY_CHIA TAY MÙA THU VÀ HALLOWEEN



Hôm nào trên đường đón con về, hai mẹ con cũng có bao chuyện để nói. Một hôm con gái cứ úp mở hỏi nếu con muốn một điều mẹ có đồng ý không. Mẹ phải gạn mãi, bảo nếu hợp lý hay cần thiết thì mẹ sẽ bằng mọi cách cố gắng vì con. Hóa ra là con muốn mời các bạn đến nhà chơi, mà trước đó vừa mời các bạn hồi cuối tháng 8, nên con sợ mẹ không đồng ý. Tất nhiên là mẹ đồng ý, mẹ cũng nên ủng hộ con chuyện con gặp gỡ bạn chứ nhỉ. Con mừng lắm, nghĩ ngay đến việc đặt tên cho chủ đề của buổi gặp gỡ. Sau một hồi lựa chọn, cuối cùng nàng chọn chủ đề Chia tay mùa thu. Và khi chọn chủ đề như vậy thì nàng nấn ná chờ đến khi thực sự cuối thu mới mời. Rồi lại gần đến Halloween, thế là nàng quyết định chủ đề buổi gặp gỡ là Chia tay mùa thu và Halloween.

Công chúa nhỏ cũng phải làm nhiều việc để chuẩn bị ra phết. Trước tiên là thiết kế poster. Tô tô, vẽ vẽ, đến bức thứ hai, sau khá nhiều lần tẩy xóa thì nàng cũng hoàn thành để sáng nay mẹ dán lên cánh cửa cho nàng. Ở phiên bản đầu tiên, nhà tài trợ được đề là “bố sẽ” và “mẹ chắc chắn”. Nàng bảo “bố sẽ” có cái hay mà cũng có cái dở, cái hay là khi bố bảo bố sẽ cho roi thì chưa chắc bố sẽ đánh, nhưng bố bảo bố sẽ mua đồ chơi cho thì cũng không chắc chắn. “Mẹ chắc chắn” cũng thế, cái dở là mẹ bảo tét mông thì chắc chắn mẹ sẽ tét, nhưng nếu mẹ bảo mẹ mua đồ chơi thì chắc chắn mẹ sẽ mua. Lý luận chặt chẽ phết :-)


 Poster của nàng
Xong vụ thiết kế poster thì nàng còn phải thiết kế và in thiệp mời. Thiệp mời ghi rõ khách tham dự chỉ được phép mặc quần áo/váy có màu đen, trắng, hồng hoặc xanh. Nàng dự định mời 9 bạn cả thảy, 7 bạn ở lớp, thêm Song Thư từ lớp học vẽ và Gia Hân từ hồi mẫu giáo. Đức Minh không được mời vì toàn con gái, bạn ấy sẽ không phù hợp, nàng bảo thế, hehe. Chủ nhà lên chương trình nào là kể chuyện ma, đóng kịch, tô màu, trốn tìm, giao lưu văn nghệ (ý là khách mời và chủ nhà cùng biểu diễn các tiết mục đàn)… Để đóng kịch thì còn phải tính các vai, chuẩn bị sẵn những tấm phiếu bốc thăm để phân vai… Rồi bà chủ bữa tiệc thuyết phục các nhà tài trợ rằng đám khách mời thích có cả pizza và cả mì Ý cơ.

Sau khi đã gửi các bạn thiệp mời và chắc hẳn đã hẹn hò nhau chán chê, tối thứ Sáu nàng ngồi kèm mẹ gọi cho tất cả các phụ huynh để xin phép. Lần này cả 9 bạn đều hẹn sẽ đến nên nàng vui lắm. Đưa nàng đi học sáng thứ Bảy, nàng bảo con mong đến ngày mai quá cơ.

Lần lượt từ 9.30 đến 11.30 thì các bạn đến đã gần đủ, thiếu mỗi Hà Phương, đến cùng một bạn nữa lúc hơi quá trưa. Chị Hoa cũng đưa hai em đến chơi, vậy nên quanh bàn ăn trưa hôm đó tổng cộng 12 bạn nhỏ, tất nhiên như tằm ăn rỗi. Người lớn phục vụ bọn trẻ xong mới được ngồi vào bàn.

Làm gì có chuyện ngủ trưa trong một ngày vui vẻ đến thế. Xong bữa trưa, theo kế hoạch sẽ là giao lưu văn nghệ rồi đến đóng kịch. Tiết mục đầu thì okie, từ dưới bếp còn nghe rõ réo rắt tiếng đàn tranh và violin. Đàn piano thì đã bạn này bạn kia ngồi vào từ sáng. Nhưng vụ đóng kịch thì mãi chẳng xong vì không bạn nào chịu đóng vai phù thủy gian ác (mà lại tới mấy vai kiểu đó, kakaka). Sau một hồi phân giải không xong thì bắt đầu chia nhóm nhỏ, nhóm đọc truyện, đánh bài. Còn có cả mưa rào nữa cơ, khi bạn Khánh Đan làm đổ nước vào chiếc mặt nạ Halloween của con, khiến mẹ phải xông vào can thiệp, giải quyết. Rồi chui vào phòng bố mẹ, tắt điện, thả rèm tối om để nghe truyện ma, các chị vung tay làm em Ngọc Mai bị chảy máu một chút. Sau đó, khi mẹ dắt em vào lại phòng thì con khăng khăng bảo nếu em ấy bị chấn thương thì bọn con không chịu trách nhiệm đâu, bọn con vẫn chơi đùa như thế có sao đâu :-)

Một hồi thì đến ăn bữa lửng, rồi mẹ đề nghị đám chim non biểu diễn đàn piano, phải hạn chế số tiết mục vì các con chim non quá hăng hái. Mẹ cũng xông vào trình diễn một tiết mục để cún được khoe mẹ.
  
Tranh nhau làm nghệ sỹ. Vòng hoa và mũ là chuẩn bị sẵn cho vụ đóng kịch :-)
Ầm ĩ nhà cửa suốt từ sáng đến tận hơn 6h bạn cuối cùng mới rời khỏi nhà mình. Cún nhất định không chịu trả lời mẹ, nhưng mẹ tin đến tận thứ Hai bọn con vẫn còn bàn về vụ ăn chơi đó. Nàng công chúa đã lên lịch cho các buổi tụ tập tiếp theo rồi. Đầu tháng Một sẽ là sinh nhật Khánh Linh, rồi tháng Ba con lại mời các bạn với chủ đề Mùa xuân.

Chắc chắn những buổi tụ tập như thế sẽ là kỷ niệm đẹp theo con rất lâu. Con hãy vui sướng tận hưởng những niềm vui tuổi thơ của mình nhé. Mẹ hoàn toàn ủng hộ và cố gắng hiểu các con, để như con bảo, mẹ còn hơn cả bạn, như cô tiên ấy. Yêu con gái mẹ thật nhiều!
Cùng các bạn trong phòng mình
 Quanh bàn ăn của bữa lửng

20 tháng 10 2014

ĂN CHƠI CUỐI TUẦN CỦA MẸ VÀ CON

Sau cả tháng trời vật vã với công việc, không một cuối tuần nào được nghỉ trọn vẹn cả hai ngày, cuối cùng, cơn ác mộng của mẹ cũng kết thúc vào tuần vừa rồi và mẹ đã có thể có một cuối tuần nghỉ ngơi thực sự.

Thong thả đưa hai anh em đi học sáng thứ Bảy theo lệ thường, đầu óc mẹ chẳng còn mảy may vướng bận công việc. Đưa con gái vào lớp xong, mẹ lười nhác dạo vài bước qua mấy phòng tranh, ngồi mơ màng trong sân bảo tàng Mỹ thuật một lát rồi phóng xe đến chỗ anh Tuấn học đàn, trong khi chờ anh còn kịp giải trí cho mình, đồng thời hành hạ người khac bằng đôi bản nhạc :-). Buổi chiều đó mẹ đã có thể cho phép bản thân một giấc ngủ trưa dài, rồi khi dậy thì vào bếp làm đôi món mà ngày thường mẹ chẳng thể nào làm.

Chiều thứ Sáu, được cô giáo con báo về việc tối thứ Bảy cô sẽ biểu diễn trong chương trình ca nhạc ở Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, mà con thì ngưỡng mộ cô lắm cơ, mẹ đã nghĩ ngay đến chuyện nhất định phải đưa con đi xem. Gọi điện hỏi cậu C., mẹ xin được ngay vé cho cả nhà. Vậy là sau bữa tối sớm hơn mọi khi, cả cún cũng được trang điểm và mặc bộ váy công chúa Elsa, khiến bác trông xe nhầm con đi biểu diễn ở đó, nhà mình vào ngồi khá sớm. Không có anh Tôm vì anh nhất định không muốn, bù lại đã có bác Th., người bạn lớn tuổi của con. Nhìn thấy cô giáo bước ra, con cứ rối rít hết cả lên. Nhiều tiết mục hay, tất nhiên có những bài hát con chưa cảm nhận được, nhưng con chả mấy quan tâm, miễn là thấy cô giáo ngồi đệm đàn cùng dàn nhạc. Được một hồi thì con bảo nhất định con phải gặp cô sau buổi diễn. Mẹ gửi tin nhắn cho cô nói cô nán lại sân khấu ít giây chờ con lên. Đến tiết mục cuối, khá khuya, khoảng 10.15, khi vừa nghe MC nói chương trình khép lại ở đây và mọi người bắt đầu đứng lên thì con cũng đứng phắt dậy, vừa chạy vừa len lỏi về phía sân khấu làm mẹ vội vàng chạy theo (Mẹ nhớ lại một vụ cách đây 2 năm, khi đưa con đi xem một chương trình nào đó ở nhà hát Tuổi trẻ, con chuẩn bị hẳn vở từ nhà để lên sân khấu xin chữ ký và tất nhiên rất mạnh dạn xông lên). Màn đã khép lại rất nhanh, hai mẹ con lách mình vào, kịp gặp cô vẫn còn ở sau cánh màn sân khấu. Con ngắm cô rất ngưỡng mộ, bảo mẹ cô đánh hai đàn đấy. Tất nhiên cô giáo cũng rất vui khi thấy con. Vì đàn đặt mua cho con vẫn chưa được, cô cho đàn vào hộp để con mang về nhà tập rồi khi nào cần biểu diễn cô mới lấy lại. Cái đàn cao hơn người con khá nhiều nhưng con nhất định đòi khoác trên lưng, lênh khênh, trông rất buồn cười, khiến ối người phải quay lại nhìn. Và nhất định không cho bác Thơ chụp ảnh.
 Chụp ảnh cùng cô sau buổi diễn

Qua một ngày thứ Bảy đầy ắp hoạt động từ sáng đến tối, nào là sáng học vẽ, chiều học đội tuyển và học đàn, tối đi xem ca nhạc, ngày Chủ nhật của con cũng rất đáng nhớ. Cách đây hơn tháng, một hôm con bảo mẹ con chưa được đi xem xiếc bao giờ, mẹ cảm thấy có lỗi với con kinh khủng. Đơn giản vì các con giờ có quá nhiều thú vui, làm mẹ chả nhớ đưa con đi rạp xiếc. Lập tức mẹ lên lịch cho suất xem vào sáng Chủ nhật tuần này ở Rạp xiếc trung ương cùng cô Sarah và em Lola nhà cô mới 4 tuổi. Trung tâm rắc rối của nhà mình ban đầu cũng định đi, sau lại không đi nữa. Dù chỉ có hai mẹ con, mà sau buổi xem hôm qua thì mẹ tự nhủ lần sau nhất định phải lôi cả Dad và anh Tôm đi bằng được, mẹ con mình vẫn enjoy như thường. Con đã phấn khích, cười đến vỡ bụng hay vỗ đến rát tay với một số màn gây cười hay những tiết mục xiếc thú rất thú vị, rồi kinh ngạc, hồi hộp đến nghẹn thở với những pha đu dây, uốn dẻo, thăng bằng… Rồi con nói một câu mẹ rất tâm đắc, cái gì cũng có thể làm được nhưng phải tập luyện thật nhiều mẹ nhỉ. 

Nhớ lại tuổi thơ của mình, mẹ chưa từng được xem xiếc cho tới khi đưa anh Tôm đi xem lần đầu khoảng gần 10 trước, khi anh Tôm có lẽ khoảng 3 tuổi. Hiểu biết hay ấn tượng của mẹ về xiếc chỉ là hình ảnh cô gái uốn mình trên không trung vô cùng đẹp đẽ trong một tấm bưu thiếp. Mà cả những tấm bưu thiếp như vậy cũng là của hiếm :-). Nhìn rạp khá vắng, có lẽ chỉ khoảng 1/3 số ghế có người ngồi, mẹ nhớ đến tản văn của Thảo Hảo, nói về chuyện người lớn nên mỗi năm đôi lần đưa trẻ em đi xem xiếc, cũng là một cách đóng góp để nuôi dưỡng lòng yêu nghề của những người trong ngành này. Đúng thật, lẽ ra mẹ nên đưa các con đi xem xiếc thường xuyên hơn. Giá vé rất rẻ, 100k cho suất ban ngày và 150k cho suất buổi tối hoặc ngày lễ. Chương trình được thay đổi sau một đôi tháng, tất nhiên có những tiết mục đinh nhưng cách dàn dựng luôn được đổi mới và thật sự rất công phu. Không chỉ con mà mẹ cũng đã rất thích buổi diễn ngày hôm đó. Chương trình kéo dài từ 9.30 cho đến tận 11.15. Sau buổi diễn mẹ muốn về ngay nhưng con nhắc nhở mẹ phải đưa con đi Nguyễn Xí mua truyện. Lập luận của con là, mẹ cứ bắt con mua truyện con không thích hay tự mua truyện cho con (ý nàng là cuốn Ông già Khốt ta bít mẹ yêu cầu nàng đọc, và đôi cuốn truyện khác mẹ mua cho nàng ở hội chợ sách. Haiza, còn vụ đấy nữa chứ, mẹ tranh thủ đi hội chợ sách vào giờ nghỉ trưa ở cơ quan, hôm sau con trách mẹ, hội chợ kéo dài cả tuần mà mẹ không đưa con đi). Đấy là thức ăn, thế thì phải có thêm gia vị chứ. Hehe, gia vị mà nàng nói đến ở đây là tập truyện tranh về bút chì Shin và Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài mà nàng đang rất say mê. Chả còn cách nào khác, đành phải đưa nàng lên Nguyễn Xí để bổ sung gia vị rồi mới về nhưng may vẫn kịp bữa trưa mà không bị quá muộn.
 
Đến rạp xiếc sớm, thế là hai mẹ con cùng cô Sarah và em Lola thư giãn ở công viên Lê Nin tới hơn nửa tiếng
Vụ ăn chơi cuối tuần đến đây là kết thúc. Sáng nay chở con đi học, hỏi con nghỉ hai ngày đã chán chưa, nhớ các bạn chưa, con bảo con vẫn muốn nghỉ nữa. Mẹ bảo con cứ nghĩ đi học vui thì con sẽ thấy vui ấy mà, nàng nói nghe rất tội, khi chờ bị kiểm tra tim cứ đập thình thịch thì vui làm sao nổi. Khổ thân con gái bé bỏng, kaka. Thế nhưng chiều mẹ đón đã thấy nàng vui lắm. Hôm qua nàng xin mẹ 3 lọ nước rửa tay để tặng các cô nhân ngày 20/10, hôm nay con kể với mẹ con tặng cô Mai (chủ nhiệm từ hồi lớp 1), cô Ly (chủ nhiệm lớp 2) và cô Thủy, chủ nhiệm lớp con bây giờ. Rồi con líu lo kể con và bạn Khánh Minh chạy đến chỗ lớp cô Mai, cô Mai nói với con nhiều nhất, nhưng nhất định không chịu kể cô nói gì, bảo mẹ không được tò mò, còn cô Thủy thì hỏi một câu mà trả lời thế nào cũng đúng, cô bảo tặng cô à, ơ thế không tặng cô thì con mang lên bàn cô làm gì, không tặng cô thì tặng ai.

Kết thúc một cuối tuần ăn chơi nhảy múa rất vui vẻ, đấy là mẹ còn cancel vụ cùng các con và em Tuấn Anh ra café đánh đàn. Cuối tuần này con lại đã lên lịch cho một chương trình rất thú vị rồi, nhưng vụ này mẹ phải chờ đến entry sau mới tiết lộ được, con gái nhỉ. Mà còn phải hỏi ý kiến con xem được phép tiết lộ chuyện riêng tư đến mức độ nào í chứ :-)