31 tháng 5 2016

CÚN TẬP TÀNH LÀM NGHỆ SỸ :)

 Cún học đàn tranh đến giờ đã được năm rưỡi, trong đó có những khoảng nghỉ khá dài, cả tháng hoặc hai. Niềm say mê ban đầu không còn như xưa. Dù vậy, cún vẫn luyện tập đúng như cô yêu cầu, nghĩa là 30' mỗi ngày. Do học đàn từ sớm nên tai nghe của cún tốt lắm. Ngoài đàn tranh và violin là bắt buộc, thỉnh thoảng nàng còn ngồi vào đàn piano đánh vài nốt của một bản nhạc mẹ thường đánh hay những nốt nhạc trong bản nào đó mà cún tập với đàn tranh hoặc violin, tất nhiên ngón tay cũng như kỹ thuật sai bét :). Cún còn phát hiện ra những phím đen chính là các nốt trong đàn tranh của nàng mà đâu cần biết về khái niệm ngũ cung trong âm nhạc phương Đông.

Kinh nghiệm biểu diễn trước đám đông cún đã có từ lâu, mà lần sớm nhất là khi đi vào chùa ở Thái Lan cách đây tới 2 năm trước. Rồi những lần biểu diễn múa ở trường, thậm chí năm nay nhóm múa của trường con còn được cả giải nhì của quận nữa. Dù vậy, tuần trước khi cô giáo nói cô muốn con đi biểu diễn trong chương trình khai mạc ở Hội chợ Vân Hồ, cún ngại ngần, kêu sợ. Cô và bố mẹ động viên mãi không được, mà cô thì thiết tha với con lắm, cuối cùng bố mẹ phải dùng biện pháp cứng, không khuyên nữa mà yêu cầu con tham gia.

Giải quyết xong vấn đề thứ nhất thì lại vấn đề thứ hai nảy sinh. Buổi biểu diễn của con vào tối Chủ nhật, rồi còn luyện tập trước đó nữa. Mà mẹ thì tối thứ 4 đã lên tàu về Sapa với ông bà, bố tuần này cũng phải về quê có đám giỗ. Cô giáo nhiệt tình nhận trông nom con cả hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, đến khi nào biểu diễn xong bố mẹ mới phải đón. Trong tuần bố đưa đón con đôi buổi đi tập với các cô chú, rồi sáng thứ Bảy chở con qua trung tâm dạy đàn của cô. Sáng Chủ nhật mẹ đi ô tô từ Sapa về sớm để kịp đi xem phần con biểu diễn. Gọi điện cho cô giáo, cô bảo con bộ đội lắm, cô đi công việc cũng cho đi cùng luôn, ở nhà thì chăm chỉ luyện tập. Con gái mẹ đúng là tự lập thật, gửi con đi đâu mẹ cũng thấy yên tâm.

Gặp con gái mẹ ngạc nhiên quá cơ. Con mặc đồ dân tộc, trông rõ lớn. Các cô trang điểm cho con yêu lắm cơ, mà mẹ vốn đơn giản chả bao giờ có thể trang điểm cho con như vậy khi con đi biểu diễn ở trường. Phần biểu diễn của con cũng rất chững chạc. Mỗi tội mẹ quay kém nên hơi mờ. Sáng hôm sau cô còn làm mẹ ngạc nhiên thêm lần nữa khi thông báo con được 300k tiền cát sê. Ôi trời, có 4 phút trên sân khấu, rồi cô còn phải chiều chuộng con, tự dưng đèo bòng thêm một đứa bé suốt 2 ngày, cho con đi ăn pizza nữa chứ. Cún sung sướng hét ầm lên, mẹ không được trấn lột của con. Ơ nhưng mẹ có ý định đâu J. Chúc mừng con gái yêu của mẹ. Con như giọt nắng, mang lại niềm vui trong những ngày u buồn này. Ông chắc chắn cũng rất vui khi sắp được nghe con đàn hàng ngày rồi đấy.

Chụp cùng cô sau buổi biểu diễn
Và đây là clip của con.

30 tháng 5 2016

NHẬT KÝ BỐ ỐM_01

Đã hơn tháng nay ông ốm và từ khi thực sự biết bệnh là ba tuần. Ông yếu đi nhanh chóng. Ông nằm nhiều trên giường, khuôn mặt buồn rười rượi, môi mím chặt. Tính ông vốn không muốn làm phiền người khác, vậy nên ông cố gắng hết mức. Bà chỉ có thể biết ông ngủ ngon hay không khi nghe tiếng ông ngáy hay không chứ ông không rên rỉ, không kêu ca, ít trở mình mà cứ nhắm mắt nằm im phăng phắc. Ông ăn rất ít, tý cháo xay với rau. Ông chịu khó uống thuốc, dù rằng nhìn ông uống thật vất vả, có khi ngậm mãi ông mới nuốt được ngụm thuốc. Thỉnh thoảng dỗ dành mãi thì ông ra nhà ngoài nằm ghế ở đó được ít phút.

Sau cơn choáng váng ban đầu mấy mẹ con đã dần bình tĩnh và lo thu xếp công việc. Thay bằng tổ chức một bữa cơm mời họ hàng đến đông đủ, mẹ và bác Tú thông báo để họ hàng xa gần dần đến thăm. Các con thay nhau về để hầu như lúc nào cũng có người ở bên ông. Mình làm việc từ thứ 2 đến thứ 5 rồi tối thứ 5 lên tàu về với ông bà. Ngồi lặng lẽ bên ông, lúc này lúc khác cho ông uống thuốc, cùng ông nghe đi nghe lại những chương trình trong 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam. Cả nhà bảo nhau tuyệt đối không ai được khóc trước mặt ông, chỉ có một lần bà không kìm nén nổi, sụt sùi một lúc làm mình và bác Vân không biết phải làm sao. Thỉnh thoảng mình lại kể một câu chuyện cười để được nhìn thấy nụ cười của ông. Cả mấy mẹ con đều mất ngủ và sụt cân. Được cái có vẻ như ông vẫn ngủ không tệ, trừ vài hôm cuối có vẻ kém hơn. Mình thường xuyên trong tình trạng ngồi ở văn phòng mà lòng dạ nóng như như lửa đốt, thỉnh thoảng nước mắt lại ứa ra. Mỗi Chủ Nhật khi mình chào ông ra về ông lại khóc, miệng mếu máo như đứa trẻ, làm bước chân mình đi không đành lòng.

Nhà đông con, mỗi đứa chăm sóc ông bà theo một cách. Bác cả ngày nào cũng chạy đi chạy lại mấy lần, làm vệ sinh cho ông, cùng bà chăm ông những lúc không có các em. Bác Vân tuần về với ông bà vài ngày, ngày nào cũng tụng kinh cho ông sáng chiều, mỗi lần tới cả 2 tiếng, để cầu cho ông nếu có phải ra đi thì được thanh thản, nhẹ nhàng. Bác Kiều thường xuyên về truyền cho ông, chăm sóc ông mọi việc liên quan đến thuốc men. Rồi bê về cho ông một chậu hoa rất đẹp để ông ngắm cho vui. Cậu út cũng đưa bọn trẻ về cho ông bà vui. Mình thì đọc hết tài liệu này tài liệu khác, cùng bàn với cả nhà cách cho ông ăn, thuốc cho ông. Bà xót xa, con cháu đầy đàn, chả thiếu gì mà sao ông nỡ bỏ đi. Ông cứ nằm đây, yếu thế này cũng được, để bà và con cháu được chăm ông, bao lâu cũng được.

Ông mổ ung thư đã được 26 năm. Việc ông sống đến tận giờ đã là một điều kỳ diệu và cả nhà chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất. Dù vậy, nỗi đau, niềm xót xa thật khó tả thành lời. Từ khi ông bệnh, mình đã chả còn lúc nào hát, cười cũng hiếm hoi. Thỉnh thoảng mấy mẹ con ngồi với nhau ngoài bếp lặng lẽ lau nước mắt. Đã từ lâu lắm rồi mình mới lại hay khóc như vậy, những giọt nước mắt nhiều khi cứ ứa ra không cách gì ngăn được.

Tâm trạng cả nhà trồi sụt theo tình hình sức khỏe của ông. Có hôm ông khá lên, nói chuyện với mọi người được lâu lâu, nói đến chuyện viết tiếp hồi ký, cả nhà hồ hởi, mừng lắm, gọi điện thông báo nơi này nơi nọ. Thỉnh thoảng ông bảo mình đánh đàn cho ông nghe mình cũng mừng, tập bài Làng tôi để đánh cho ông nghe vì ông bảo nhạc cổ điển ông không hiểu lắm. Rồi bắt cô cháu Thảo ngồi vào tập đàn để nhà luôn có tiếng đàn cho ông vui.  Có hôm ông yếu đi, giọng nói đã không còn tròn tiếng, hoặc hơi sốt, cả nhà ủ rũ, bác Kiều vừa về đến Lao Cai lại vội vàng vào với ông bà, mấy chị em gọi điện cho nhau sụt sùi.


Vẫn biết điều kỳ diệu không dễ xảy ra, vậy mà mình cứ cầu mong. Như đã có lúc nào đó cách đây đôi năm, một hôm anh Hưng gọi điện khóc bảo với bố mình, mẹ cháu hôm nay không chịu ăn gì nữa rồi, thế mà sau đó bác Phương khỏe lại, đi lại được và giờ vẫn khỏe. Biết đâu điều kỳ diệu như vậy sẽ xảy ra với nhà mình. Và mình lại mơ đến một lúc nào đó ông khỏe lại, dù chẳng được như ngày xưa, không đi lại nhanh nhẹn được thì bọn mình sẽ đẩy ông trên xe, đưa ông đi chơi. Ông ơi, ông cố lên nhé. Ông đừng buông xuôi. Bà và tất cả chúng con bên ông, cả nhà mình lại chiến đấu, như ông đã từng vô cùng kiên cường chiến đấu hơn 25 năm trước, ông nhé! 

15 tháng 5 2016

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_05

- Trong bữa cơm Tôm kể, mẹ ơi ở lớp con phải viết bài văn kể về lão Hạc đấy, có thể chọn một vai bất kỳ, mẹ thử kể đi. Mẹ nghĩ một tý rồi bắt đầu, tôi biết lão Hạc từ cách đây mấy chục năm, từ lúc thằng cu nhà lão còn bé tý…. 

Tôm cắt ngang lời mẹ, con chọn kể từ nhân vật cậu Vàng đấy. Con có cách viết mà không ai bắt bẻ được con câu nào. Bố và mẹ mừng rỡ, ừ, con chọn thế hay đấy, bố còn tiếp một câu, Tôi ở với lão Hạc đến giờ đã được hơn mười năm.

Tôm bảo, con viết thế này mẹ ạ, Gâu gâu gâu gâu, gừ gừ gừ gừ… Chó mà, không nói được tiếng người.
Ặc ặc!
*****

Cún đố mẹ, Long hỏi Lan 5 câu hỏi, lần nào cũng là câu hỏi giống nhau. Lan trả lời 5 lần, mỗi lần câu trả lời lại khác nhau nhưng lần nào cũng đúng. Đố mẹ biết Long hỏi Lan câu gì.
Mẹ nghĩ mãi chả ra. Cún bảo, mẹ chịu chưa. Đáp án đây: Long hỏi Lan, Bây giờ là mấy giờ rồi? 

Hihi, cún lắm trò thiệt.
*****

Cún bị rụng răng sữa. Nàng tiên răng ghé thăm và để lại dưới gối tiền cho cún. Thường nàng tiên hay để lại 50.000. Lần này chắc do nhầm lẫn nàng tiên để lại 1 tờ 50k, rồi thêm 2 tờ 20k nữa. Tờ 50k đã cũ, còn tờ 20k thì mới cứng, giống những tờ mừng tuổi Tết. Cún cứ thắc mắc, mẹ hay nàng tiên răng nhỉ. Mẹ bảo mẹ có biết gì đâu. Cún thì suy luận, tờ cũ chắc của mẹ, còn 2 tờ tiền mới chắc của nàng tiên răng. Chắc là mẹ để nên mẹ mới gợi ý con tìm ở đó. Nghe mẹ và em đối đáp, anh Tôm phán, con thấy cả mẹ và em đều làm diễn viên đoàn kịch được rồi đấy J.
*****

Bác Lân đến chơi nhà, vào lúc gần bữa cơm, bố và mẹ tha thiết mời bác ở lại nhưng bác không nhận lời. Bố trêu cún, con mời được bác bố cho tiền đấy. Cún bật ra ngay làm cả nhà choáng váng, bác ơi bác ở lại đi, cháu chia cho bác một nửa. Bác vẫn không nhận lời, cún tiếc nuối bảo, tiền rơi vào đầu ai lại từ chối thế J
*****


Trên đường chở con đi học, ra khỏi nhà một đoạn ngắn mẹ hỏi con lại quên khẩu trang rồi à, cún bảo, làm gì có chuyện, con mà quên thì trời sập. Nàng quay đi lẩm bẩm một mình rất nhỏ, nhưng trời đã sập một số lần rồi. Mẹ bảo mẹ cuộc là con lại quên rồi, nàng khăng khăng không. Mãi một hồi thì nàng cũng tìm được khẩu trang và mẹ thua cuộc. Hôm nay nàng bảo mẹ, con thấy mẹ ngây thơ thật ấy, cái vụ thua cuộc ý, khẩu trang của con thì con phải biết chắc chắn con mới cuộc chứ J

03 tháng 5 2016

CHUYỆN NGÔI NHÀ NHỎ VEN ĐƯỜNG_NHỮNG NGÀY MƯA ẤM

Những cơn mưa Sapa tháng Bảy có thể làm nản lòng du khách. Chưa nói đến những cơn mưa ảnh hưởng bão, sầm sập sầm sập cả ngày, thì những cơn mưa đặc trưng của Sapa cũng khiến người phương xa não ruột. Không quá to nhưng dai dẳng. Bố kể đã có năm bố đếm thấy cả tháng 7 chỉ có được 5 ngày trời nắng. Tất nhiên không phải năm nào cũng vậy nhưng tháng Bảy vốn là mùa mưa ở Sapa và luôn mưa khá nhiều.

Trời mưa nên bố mẹ để bọn mình ngủ muộn. Kể cả đã tỉnh rồi thì cả bọn vẫn ưỡn ẹo trên giường, hưởng cái ấm áp trong một ngày mưa lạnh. Cả ngày bọn trẻ ở trong nhà. Bố mẹ cũng chỉ ra ngoài khi có việc chẳng đừng. Mình còn nhớ hình ảnh mẹ đeo chiếc thồ sau lưng, áo mưa trùm đằng sau, đội nón. Và khi mẹ về đến nhà thì cách gì cũng ướt khá nhiều. Về sau thì có chiếc ô tàu khá to màu đen, cán cong vòng chỗ tay cầm bên dưới. Thế đã là khá lắm, sang lắm rồi.

Tháng Bảy ngoài vườn cây lá xanh um. Đào và mận phần nhiều đã hết, chỉ để lại những vòm lá sum xuê. Những ngày trời mưa, cả vòm lá cũng sũng nước, tí tách tí tách nhỏ. Riêng lê vốn nở hoa muộn, tận tháng 3 mới nở, nên tháng Bảy vẫn còn rất nhiều quả. Trời mưa, những giọt nước lăn tròn trên quả, thi nhau nhỏ rất nhanh xuống mặt đất. Các loại rau mùa hè mơn mởn, trên những luống đỗ leo quả tròn lúc lỉu. Vườn bắp cải từng cây tròn xếp hàng ngăn nắp… Nhưng điều mấy chị em mong mỏi nhất là những vạt ngô nếp. Ngô nếp Sapa ngon hơn bất kỳ một giống ngô nếp ở nơi nào khác. Bắp ngô to như bắp tay người lớn, từng hàng hạt trắng sữa đều tăm tắp. Thời tiết Sapa lạnh khiến việc trồng ngô rất lâu. Gieo ngay từ sau Tết, mấy chị em ngóng trông, đợi những chồi lá nhọn như những cây kiếm nhỏ nhú lên khỏi mặt đất. Rồi trông chờ đến khi cây lên cao khoảng gần mét, những chiếc lá mơn mởn đồng loạt rung rinh trong gió sớm mát rượi. Đến khi những bắp ngô đầu tiên nhú lên, mấy đứa nhỏ tụi mình sẽ coi việc đi thụ phấn cho ngô là một trò vui. Cuộn một tờ giấy thành hình phễu, tụi mình cố gắng rung phấn hoa vào đó rồi lại rải chỗ phấn thu được lên những bộ râu ngô óng mượt, suôn mềm, như bộ tóc của một cô tiên. Những cây ngô Sapa rất cao, nhiều khi bọn mình chẳng cách gì với được bông hoa để mà rung phấn. Và tiếp tục chờ đợi, thỉnh thoảng lại tách bẹ ở những bắp trông đã to xem ngô tròn hạt chưa. Rồi một ngày sẽ có đứa sung sướng bảo, mẹ ơi, ngô căng hạt, luộc được rồi.

Những ngày tháng Bảy mưa, nếu không có việc nhất thiết phải ra ngoài mẹ ngồi lục lọi đống đồ cũ để khâu vá. Bố nằm trên giường đọc sách. Nhà không có tủ sách. Thay vào đó, sách được để trên gác xép, một khoảng không áp mái, không đủ để đứng lên mà chỉ có thể lom khom. Không có thang cố định mà khi nào cần thì bắc chiếc thang nhỏ để leo lên đó. Trời mưa, chẳng còn việc gì phải làm, mấy chị em sung sướng leo lên gác ngồi đọc sách. Lục lọi những chồng sách cũ, tụi mình đọc mê mải đủ mọi thứ bất kể có phù hợp lứa tuổi hay không. Những trang giấy đen xì, chữ bé li ti. Một vài ô kính thay cho viên ngói đủ để bọn mình lấy ánh sáng. Tụi mình đọc nghiến ngấu những dòng chữ trong tiếng mưa lách tách trên những viên ngói xi măng bố mẹ tự làm. Những cuốn sách kinh điển kiểu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, nhóm Tự lực văn đoàn, cho đến những cuốn văn chương cúng cụ hay gây tranh cãi như kiểu Đi về nơi hoang dã, hàng chồng báo Toán học tuổi trẻ, sách dịch… Những cuốn sách đã theo tuổi thơ của mình đi mãi, mà đến tận giờ đôi lúc mình cũng ngạc nhiên mình đã đọc nhiều đến thế, ở cái tuổi sự hiểu biết còn hết sức hạn chế.

Mấy chị em năn nỉ bố mẹ, trời mưa không làm gì thì cũng không cần nấu cơm. Chị Vân hay chị Tú lớn hơn nên sẽ phải khoác thồ ra vườn chặt ngô, rồi về bắc nồi luộc để ăn bữa trưa. Cả bọn chẳng rời căn gác, mang khẩu phần ngô của mình, thường là 2 bắp ngô to cỡ như bắp tay lên đó, vừa ăn vừa đọc sách vừa trêu chọc nhau. Cũng có khi không còn ngô non, tụi mình năn nỉ ăn ngô rang trừ bữa. Mỗi đứa sẽ một túi đầy ngô rang, tý tách vừa cắn ngô vừa đọc sách, rất lâu không rời căn gác. Thỉnh thoảng mẹ sẽ bày ra làm bánh cuốn, bánh tẻ, bánh nếp, hay chỉ đơn giản là chút bột mì được thêm đường để rán thành những chiếc tròn tròn thơm ngon trong chảo.


Những ngày mưa tháng Bảy mang theo bao ký ức. Mùi nồi ngô luộc tỏa ra khắp nhà, tiếng đũa khua đều trong chiếc chảo rang ngô, tiếng những hạt ngô nổ tý tách, để rồi lát nữa thôi, những nắm ngô sẽ nằm gọn trong túi áo tụi mình, hơi ấm thấm qua làn vải mỏng, làm ấm bàn tay trong tiết trời se lạnh của ngày mưa tháng Bảy. Tràn ngập ngôi nhà nhỏ là bầu không khí thanh bình. Bố mẹ ở dưới kia, người đọc sách, người khâu vá, bọn trẻ chúng mình chí chóe đùa nghịch hay đọc sách. Và những ngày mưa tháng Bảy theo mình mãi đến tận giờ. Để bây giờ, thỉnh thoảng khi nằm lười trong cái mát mẻ trời mưa, mình rất hay nhớ về những ngày mưa ấm ngày xưa tháng Bảy.

02 tháng 5 2016

CHUYỆN NGÔI NHÀ NHỎ VEN ĐƯỜNG_NHỮNG TRÒ CHƠI CỦA MẤY CHỊ EM

Suốt từ khi học lớp Một cho đến khi tốt nghiệp cấp III, mình chỉ ở cùng gia đình ba năm rưỡi (học kỳ II của lớp 2, sau đó là lớp 3-4 và lớp 7). Khoảng thời gian thật ngắn ngủi so với cả đời người. Mỗi khi nói chuyện mẹ vẫn bảo mẹ thương mình nhất, xa gia đình, tự lập từ nhỏ. Vậy nhưng chỉ 3 năm rưỡi đó đã đọng lại khá nhiều kỷ niệm của những tháng ngày ở Sapa cùng gia đình.

Nhà mình khi đó nằm cạnh con đường quốc lộ mà mọi người vẫn gọi là đường Trung quốc, từ Lao Cai chạy xuyên qua Sapa rồi đến Phong Thổ, Lai Châu, Điện Biên. Khi mình từ Hà Nội chuyển về vào giữa năm lớp 2 thì chị Tú là chị cả mới đang học lớp 8. Năm chị em lít nhít, hơn kém nhau chưa tới hai tuổi, đứa học sáng đứa học chiều. Lý do để bố mẹ đưa mình về Sapa học cũng hết sức giản dị - các chị đi học sáng hết, không có người nấu bữa cơm trưa.

Còi cọc, bé tý ty, như mọi đứa trẻ ngày đó, buổi sáng mình và em Thực ở nhà, làm đôi việc vặt và chịu trách nhiệm bữa cơm trưa cho cả nhà. Nghĩa là nấu nồi cơm. Ra vườn quanh nhà tìm món rau gì đó nấu. Còn thức ăn mặn thì khỏi cần, vì đó là thứ ít thường xuyên J Buổi chiều đi học, rồi tối tối mấy chị em ngồi vòng quanh chiếc bàn học bài dưới ánh đèn dầu tù mù. Cuộc sống vật chất của chúng mình ngày đó có lẽ không khác gì với cuộc sống những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa mà bây giờ mình vẫn thường xuyên đi ngang qua. Quần áo mặc lại của nhau, cứ từ chị chuyển cho em, quần rách của bố mẹ còn tận dụng hai cái ống may cho con. Không điện, và đương nhiên là không ti vi. Sách báo hiếm hoi. Tờ báo duy nhất cho bọn trẻ là Thiếu niên Tiền phong. Nhưng bố luôn mua rất nhiều sách. Và bọn mình thì cắm mặt vào bất cứ thứ gì có chữ, dù đó là báo Toán học Tuổi trẻ, mà khi đã trở thành một ông nông dân chính hiệu thì bố vẫn giữ thói quen đặt dài hạn, hay những thứ khó đọc đối với trẻ con mà về sau, khi đọc lại, mình nhận ra mình đã đọc nó từ những ngày xửa ngày xưa ấy – kiểu như Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn chẳng hạn.

Cuộc sống hết sức giản đơn như vậy mà sao với bọn trẻ chúng mình ngày đó vẫn ngập tràn niềm vui. Ngôi nhà nhỏ 3 gian gồm gian buồng của bố mẹ, gian giữa là phòng khách đồng thời có chiếc giường một cho em Thực, rồi một gian cạnh đó ngăn cách bởi tấm ri đô mỏng là hai chiếc giường đôi cho 4 chị em gái. Mỗi giường có một chiếc chăn bông ấm, mùa đông có thêm tấm chăn cũ lót làm đệm. Thế là đã sang lắm rồi. Ngoài cửa gió rít ù ù, lùa qua những khe hở thông thống chỗ chân tường (ngày đấy khi làm nhà thường không trát vách xuống tận nền mà để trống một đoạn tới 15cm) và mọi khe hở khác, còn trong này chúng mình nằm trên giường ấm áp, trêu chọc nhau, gọi với sang phòng bố mẹ. Dù mùa đông hay hè thì cả nhà luôn dậy sớm. Bao việc phải làm, nấu cơm ăn bữa sáng, gánh nước, quét nhà, rửa ấm chén, cho lợn ăn… Những buổi sáng mùa đông rét buốt ấy mẹ chỉ gọi bọn mình dậy khi bếp lửa dưới bếp đã cháy bùng bùng, ấm áp, thế mà mình và cậu em nhiều khi còn ưỡn ẹo mãi. Các chị lớn hơn thì không được phép như vậy. Đơn giản là không được, bố mẹ gọi là phải dậy ngay, không cần giải thích nhiều. Nhiều hôm trời lạnh đến mức tụi mình còn phải dùng chiếc gáo tôn đập phá vỡ lớp băng mỏng trên mặt bể để lấy nước.

Khi trời đã ấm, sáng sáng cả mấy chị em ra đường quốc lộ sau nhà cùng nhau chạy vài vòng tập thể dục xuống tận cống huyện. Con đường ngày đó gập gềnh. Giờ thì nhà cửa sát bên đường, nhưng ngày đó dọc con đường không có một nhà nào, nếu có thì cũng ở tít sâu phía trong, còn dọc đường quốc lộ chỉ là tả luy mọc đầy cây cỏ dại. Chiếc rãnh bên đường lúc nào nước cũng chảy róc rách, trong veo. Trên đường chạy thỉnh thoảng tụi mình dừng lại, ngó nghiêng tìm những chú cua đá thập thò rất nhanh dưới những tảng đá nhỏ. Rồi bọn mình ngóng xem khi nào thì cây trứng cua chỗ cống huyện chín. Những quả trứng cua vàng rộm, quả li ti hệt như trứng cua kết thành chùm, vị ngọt tan nơi đầu lưỡi. Những bụi mâm xôi hay bọn mình còn gọi là đùm đũm chín mọng đỏ hoặc vàng chìa ra mời gọi nơi vách tả ly. Rồi những mầm gai, mầm sun sún chấm muối. Chả thiếu thứ gì mà bọn trẻ chúng mình không cho vào mồm dù mẹ thường xuyên nhắc không được ăn uống linh tinh, dọa là rắn đã mút quả trước đó... Mình cứ nhớ mãi hình ảnh chị Kiều tóc cắt ngắn xù lên quanh đầu, nét mặt rạng rỡ, chạy ngược con đường quốc lộ đoạn gần rẽ về nhà, hai tay khum giữ vốc cát to đùng vừa vét ở cống ven đường, bảo mang về gom cho bố xây bể J

Cả buổi sáng dài chỉ có mình và Thực ở nhà với nhau. Làm xong việc vặt, mình và Thực thường bày đủ trò nghịch ngợm. Mùa đông thì đó có thể là trò dùng ống bơ nấu cơm trên chậu than sưởi, hoặc ra ngoài vườn làm một cái bếp bé tí xíu để nấu nồi cơm ống bơ ấy. Có hôm mẹ bất chợt về, hai chị em đang nấu chiếc ống bơ trên chậu than, giấu vội đi, bao lâu sau mới nhớ lôi ra thì nó đã mốc xanh mốc đỏ. Trời ấm thì hai chị em chơi đánh khăng, thỉnh thoảng có thêm bọn trẻ hàng xóm, Tuấn hoặc Khoa, con nhà cô Hòa chú Ruân ngay cạnh đó, cùng tham gia. Mình vẫn còn nhớ trình đánh khăng của mình ngày đó cao ra phết, hihi. Rồi bọn mình ra ngồi chơi ở đầu ngõ, chơi đồ hàng trên hai hòn đá khá vuông vức, được bố xếp rõ với ý đồ để cho bọn trẻ ngồi. Mà cứ mùa hè đến thì ngồi ở hòn đá đó có thể ngửi thấy mùi hoa hồng từ cây hồng bạch bên tay phải, bụi hồng khác bên tay trái, và những chùm hồng leo, lúc nào cũng mời chào đám cánh cam về ở ngay cách đó hơn mét. Giờ thì mọi người đua nhau đi mua giống hoa hồng đó, gọi là hồng cổ Sapa cơ đấy J Đối diện bụi hồng leo là mấy cây phù dung mà giờ mình chả còn gặp lại ở đâu. Những cánh phù dung mỏng manh, sáng nở ra mang màu khác để rồi chỉ qua trưa đã chuyển màu rồi chiều tàn.

Những đêm trăng đẹp hiếm hoi, bọn trẻ nhà mình và nhà cô Hòa chú Ruân tụ tập chơi cùng nhau. Trò chơi được ưa thích là trận giả, trốn tìm, thả đỉa ba ba. Nhưng điều đọng lại trong mình mãi là những buổi biểu diễn. Trăng sáng vằng vặc soi rõ khoảnh sân nhỏ nhà. Mấy diễn viên chính là mình và chị Kiều (chị Tú và chị Vân ngày đó đã hơi lớn, không còn tham gia trò quá trẻ con này nữa) lấy chiếc khăn bông bay buộc túm ở đầu một chút rồi choàng qua đầu mình, người này làm MC thì người kia làm ca sỹ, được giới thiệu lên hát bài này bài nọ. Khán giả thường sẽ có bố mẹ mình và cô chú Hòa Ruân. Bài nào cũng được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng, kể cả khi ca sỹ quên béng và phải dừng lại giữa chừng J