27 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_LỚP CHUYÊN TOÁN VÀ BẠN BÈ (02)

Bọn học trò tụi mình ngày đó ngoan lắm, tất nhiên không thiếu những trò nghịch ngợm trẻ con nhưng suy cho cùng vẫn là rất ngoan. Học trò lớp 5 và 6, độ tuổi 11-12, chắc cũng giống bọn trẻ nhà mình bây giờ, thậm chí còn tồ tệch, ngố hơn nhiều, vậy nên con trai và con gái ít chơi với nhau, chả có bao nhiêu kỷ niệm. Giống hệt bọn trẻ bây giờ, bọn mình cũng dùng phấn kẻ chia đôi bàn, đứa nào trót thò tay sang địa phận "đối phương" lập tức được khuyến mại một thước kẻ vào tay. Mình ngồi cùng bàn với Bình, một lần tụi nó trêu chọc, để cặp cậu ấy lên mặt bàn mình. Chả thèm nói năng gì, mình quăng bùm cái cặp sách nặng ra ngoài cửa sổ, thật ra thì lúc đó mình đã tự thấy mình đành hanh quá rồi, nên kỷ niệm đó theo mình mãi :). Với bọn con gái thì nhiều kỷ niệm lắm. Trong những giờ giải lao ngắn ngủi, một thời gian rất dài bọn mình say sưa với trò chơi tú tấn, nếu có 4 đứa chơi thì hai đứa một cặp, tấn sao cho người bên cạnh ôm một đống bài, sau đó thì chả ngẩng đầu lên nổi. Thật kỳ lạ, mình còn nhớ cả khuôn mặt tinh nghịch, nụ cười khoái chí của Xuân khi tống được cho đứa bên cạnh một đống bài tướng. Hình ảnh của mình ngày xưa giờ lặp lại ở con gái, trong những buổi đón con thấy nàng cũng ngồi ở sân trường mê mải chơi bài với các bạn, mẹ đến còn năn nỉ mẹ cho con chơi nốt ván đã. Rồi những lúc chạy đuổi nhau ngoài sân trường, hoặc mò ra gò đất cạnh trường hái những bông hồng dại màu hồng nhạt, bị người lớn nhắc nhở rằng ở đó có thể nguy hiểm, còn lại bom hay gì đó.

Mình nhanh chóng quen thân với bạn bè mới. Thân nhất là Tuyến. Có lần bố Tuyến đi công tác miền Nam về, Tuyến tặng mình chiếc khăn mùi xoa thơm nức mà mình cứ giữ mãi. Xuân ở Đại Kim, tròn như hạt mít. Sau Tết Xuân thường mang đôi chiếc bánh chè lam đến lớp cho tụi mình ăn. Những chiếc bánh chè lam hình tròn, thuôn dài, thơm nức mùi gừng và mùi bột, làm ấm những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo. Còn mình thì sau mỗi kỳ nghỉ thường mang đến một túi hạt hướng dương nhỏ, mẹ rang cho từ Sapa, là hạt hướng dương vườn nhà dành dụm được. Sau mùa hè năm lớp 5 thì mình còn mang đến lớp bông hoa hướng dương mới thu hoạch, còn nguyên hạt trong đó, và có lẽ cả mấy bông bất tử nữa, về sau Huyền bảo lại với mình, đấy là lần đầu tiên được thấy hoa hướng dương :). Thoa cũng hơi tròn, tuy rằng vẫn kém Xuân tương đối, có bố làm hiệu trưởng tại chính ngôi trường bọn mình học. Cô bạn bí thư hoàn toàn phù hợp với chức vị đó. Tiếng nói của Thoa rất có uy tín. Chả thế mà có lần bọn con trai đùa nghịch gì bị Thoa mắng xơi xơi chả khác gì chị mắng em, hi hi. Khá nhiều lần tụi mình vào nhà Thoa chơi, đến mức tận bây giờ mình còn nhớ chiếc sân nhỏ, giếng nước và gian phòng khách. Phong dáng dấp khá cao so với cái đám còi cọc là mình, Mai Lan, Mai…, có bố làm bác sỹ và hoàn toàn có thể được xếp vào diện tiểu thư. Rồi Võ Lan Anh có mẹ làm ở cửa hàng lương thực, hình như còn có chức tước, mà có lần chị mình đã nhờ vả để mua gạo theo sổ :). Nguyễn Lan Anh thì xinh ơi là xinh. Rồi Hằng kều nhà ở Yên Sở, Mai Lan nhà ngay gần trường… Hai năm học ở đó mình và một số cô bạn cũng kịp đạp xe đi vòng quanh thăm nhà nhau đôi lần. Sinh nhật mình, mẹ gửi một túi hạt hướng dương nhỏ, chị mua cho mình mấy cành hồng có cả lộc, cắm vào chiếc bình nhỏ, rồi ít bánh kẹo. Mấy cô bạn đạp xe đến chơi, vui ơi là vui. Đến bây giờ mình thậm chí còn nhớ hình ảnh mấy cô bạn thập thò ngó vào cổng hỏi nhà :)

Cùng đường đi học với mình là Thu. Nhà Thu khi đó ở trong ga Giáp Bát. Tóc Thu dài, luôn tết và thả buông đằng sau. Cô bạn có nước da bánh mật, đôi mắt to tròn và miệng cười rất duyên. Khi biết bọn mình cùng đường, bọn mình hay đi học cùng nhau, đoạn đường bắt đầu từ Đuôi Cá đến chỗ rẽ vào trường với rất nhiều chiếc ao đầy hoa trang nở hầu như quanh năm, những bông hoa trắng, nhỏ xiu mà mình luôn thấy duyên dáng lạ kỳ. Sau một thời gian thì Thu có xe đạp, nhiều hôm Thu đèo mình về đến gần Đuôi Cá mình mới phải đi bộ tiếp. Sau một năm học thì mình cũng được bố mẹ mua cho xe đạp và mình lại chở Thu những hôm Thu không có xe. Chả hiểu có lần giận dỗi gì, mình cứ lẽo đẽo dắt xe đi bên cạnh mà Thu không cách gì chịu ngồi lên cho mình đèo. Hôm đó về mình bị anh mắng, rằng sao ngày xưa đi bộ thì giờ đó về đến nhà mà bây giờ đi xe đạp cũng đến tận khi đó mới về.

Vở ngày đó bán theo phân phối. Đầu học kỳ II, một ngày trời u ám và vẫn còn khá lạnh mình cùng mấy bạn trong lớp, không còn nhớ rõ tất cả, nhưng chắc chắn có Thoa, Huyền và Xuân, đến một cửa hàng tận Đại Kim để nhận vở cho lớp. Bọn mình đạp xe đi rất xa, qua những con đường làng, nơi có những chiếc ao xưa với những bậc đá cũ kỹ, có những người phụ nữ đang giặt giũ ở chân bậc đá, giờ mà quay vào phim thì rồ man rợ phải biết :). Cả bọn chờ lâu ơi là lâu mới nhận được vở. Bọn mình chia nhau những tập giấy thếp chất lượng kém được buộc thành từng bọc, lóc cóc chở về trường để hôm sau phân cho lớp. Chẳng thấy vất vả hay bực bội gì vì cả bọn vừa ngồi chờ vừa trêu chọc nhau, cười rõ nhiều.

Ngày 20/11 một lũ lít nhít đạp xe đi thăm thầy cô. Tự bàn bạc, tự chuẩn bị, đứa có xe chở đứa không có xe. Quà là túi cam và bó hoa. Ừ, cái thời xa xưa ấy, cam là món quà phổ biến nhất, đến nỗi trong nhà mình anh chị rất hay đùa gọi ngày Hiến chương là ngày Hiến cam các nhà giáo J. Khá xa, đến nhà cô Thủy ở tận Đại La, nếu lấy trường Hoàng Liệt làm xuất phát điểm thì có lẽ phải 7km chứ không ít. Mình không lưu giữ ký ức về việc đến nhà thầy Phú, chỉ nhớ cả bọn vào nhà cô Thủy, một căn phòng nhỏ, ở một ngõ nhỏ trên đường Đại La, chẳng đủ chỗ cho cả bọn, dù vẫn chưa đủ cả lớp, ngồi cẩn thận. Và bọn mình khi đó ở Hoàng Liệt thì cũng khác gì nhà quê đâu, nên trông bọn mình khi đó chắc cũng giống những đoàn học sinh ở quê đi thăm lăng Bác mà bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn gặp khi phóng xe đến văn phòng mỗi sáng :). Có lẽ năm đó mình học lớp 5, vì sau khi có chuyện một nhóm học sinh của một trường nào đó ở Thanh Trì đi thăm thầy cô trên phố bị tai nạn, nhà trường khuyến khích học sinh không nên đi thăm thầy cô xa như vậy nữa.

Con đường từ đường quốc lộ vào trường khoảng 400-500m, hai bên bờ là ruộng khá sâu. Cuối năm 1984 xảy ra một trận lụt kinh khủng. Nước ngập sâu những mảnh ruộng hai bên đường, ngập sâm sấp con đường đó và có lẽ cả sân trường. Ngày cuối cùng đi học trước khi phải nghỉ, bọn mình dọ dẫm đi rất chậm trên con đường. Trên đường về, mình dừng lại ở đoạn gần đường rẽ vào chùa Sét bây giờ, đứng nhìn mãi chiếc ao ngập mênh mông, người dân đánh cá.

Nhà anh chị ở trong khu tập thể của người lao động, là vùng trũng, bị nước ngập mấy hôm liền. Đồ đạc kê cao lên, cả nhà sinh hoạt trên chiếc giường to ở gian ngoài. Buổi tối anh lội bì bõm trong nhà, nước ngang ống chân để cõng tụi mình vào gian trong. Vậy nhưng trường Tân Mai thì lại không phải nghỉ do không bị ngập. Mình phải làm nhiệm vụ đưa cậu cháu đi học. Bè được sáng tạo bằng một chiếc chảo to, mình lội nước đẩy cậu cháu trong mấy ngày hôm đó :).

Hai năm học chuyên Toán trôi qua nhẹ nhàng. Trường học đơn sơ, bạn bè giản dị và thân thiện. So với khi đi học lớp 3-4 ở Sapa mình suốt ngày bị bọn con trai trêu chọc và dọa đánh vì tội quá điệu (huhu, mình không hiểu khái niệm điệu mà bọn nó quan niệm là thế nào nữa) thì hai năm học này với mình thật nhẹ nhàng và vui vẻ biết bao. Mình ngày đó cũng gọi là có tý chức tước. Bạn bè nhắc đến việc mình là lớp trưởng trong khi bản thân mình lại quên béng. Ừ thế thì tại sao các thầy cô lại cho mình làm lớp trưởng nhỉ, hay vì anh mình khi đó làm ở Phòng Giáo dục. Chẳng nhẽ mình đã lạm dụng cái gọi là con ông cháu cha sớm như thế, kakaka. Điều an ủi là mình [có vẻ như] đã làm tốt công việc đó, hay ít ra thì cũng là một tấm gương về học khá để bạn bè ngưỡng mộ. Chẹp chẹp, ý này là về sau bạn bè nói chứ mình khi đó chẳng dám nghĩ thế.

Hết năm học lớp 6, do không có hộ khẩu Hà Nội, bố mẹ mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển mình về Sapa để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp II. Chia tay thầy cô, bạn bè, mà bản thân mình khi đó cũng chả nghĩ sẽ gặp lại, xa xôi cách trở như vậy, vả lại cũng còn quá bé để nghĩ bất cứ điều gì. Rồi sau đây sẽ là những kỳ thi khác, những kỳ thi giống như từng nấc thang, dẫn mình theo một ngả đường mà mình chả thể nào hình dung được.

25 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_LỚP CHUYÊN TOÁN VÀ BẠN BÈ (01)

Tặng những người bạn chuyên Toán của tôi

“Ngôi trường 30 năm tôi chưa trở lại thăm
Vùng ký ức bụi mờ che phủ
Mê mải với tương lai, tôi vô tình khi nghĩ về quá khứ
Những bậc thang nào đã nâng bước chân tôi

Chớp mắt bóng câu, năm tháng vụt trôi
Viên sỏi nào đập tan cánh cửa vào quá khứ
Tôi tần ngần trước mỗi tầng bụi phủ
Những kỷ niệm học trò chầm chậm tuổi thơ trôi

Chợt thấy thân thương đến nao lòng trường lớp bạn bè tôi
Con đường nhỏ gập ghềnh ngày mưa nắng
Những giờ ôn thi trôi qua trong nắng hè nóng bỏng
Sân trường đơn sơ tán phượng ấp tuổi thơ mình”

Lớp chuyên Toán đầu tiên của huyện Thanh Trì ngày đó khá vắng, khoảng hơn 20 học sinh. Mình chả còn nhớ hết tên bạn bè trong lớp. Nhưng chắc chắn tất cả đều là các hạt giống đỏ được chọn lựa từ các trường trong huyện Thanh Trì, và chắc chắn không thiếu nhiều cô chiêu cậu ấm. Mang mặc cảm của một cô bé miền núi, thường được cô nhắc nhở “xứ mù thằng chột làm vua/trong nhà nhất mẹ nhì con”, lại không có bất cứ điều gì để tự hào về gia cảnh hay địa vị của bố mẹ, ngược lại là đằng khác, mình đã nỗ lực rất nhiều để khẳng định bản thân trong môi trường đó.

Thầy Phú được phân công dạy Toán lớp mình. Thầy khi đó còn rất trẻ, anh mình hay tấm tắc khen thầy dạy hay. Nhà thầy ở tít trên phố, hàng ngày phóng xe hơn chục cây xuống trường dạy lũ lít nhít bọn mình. Ngày đó có một chiếc xe máy là oách lắm í. Anh mình có lần vẻ bí mật bảo nhà thầy có điều kiện lắm đấy nhưng khổ thân thầy có một đứa con hơi bị chậm. Một đôi lần, khi bố từ Sapa về thăm, bố đèo mình đến thăm thầy. Hình ảnh đứa con bị down của thầy ám ảnh mình khá lâu mãi sau đó.

Lớp chuyên Toán nên đương nhiên số tiết toán nhiều hơn những lớp khác, chương trình học được nâng cao hơn. Mình chả nhớ mình đã học như thế nào, nhưng chắc chắn là kết quả không tệ. Đơn giản mình không được phép tệ, vì như vậy thì xấu mặt bố mẹ và xấu mặt anh mình J. Các môn khác mình học cũng rất đều. Thật tiếc, mảng ký ức về thời gian học ở đây như đã bị xóa sạch, mình chỉ còn nhớ láng máng tiết kỹ thuật có lần tụi mình học muối dưa, một điều quan trọng là khi rửa rau phải nhẹ tay để không bị dập, rồi có lần tụi mình học cắt may quần đùi với sản phẩm của mình là một chiếc quần đùi đồ chơi bé xíu. Rồi điểm thi học kỳ môn Lịch sử của mình được 10. Nói chung, bố mẹ chả bao giờ phải phiền lòng về việc học hành của mình hay cách cư xử khi ở với anh chị.

Không có nhiều những hoạt động ngoại khóa như trẻ con bây giờ, mỗi năm một lần tụi mình làm báo tường, thứ luôn khiến mình hết sức khổ sở. Thường thì mỗi đứa sẽ cố nặn ra một thứ bắt chước thơ, mà nếu gọi là thơ thì đúng là phỉ báng thi ca, viết cẩn thận lên trang giấy học trò, trang trí xung quanh một cách đẹp nhất có thể để rồi sau đó T.H, người rất có hoa tay, sẽ vẽ trang trí tờ giấy to (cỡ A1) và tụi mình dán những “kiệt tác” của mình lên đó. Mình vẫn còn nhớ mình ngưỡng mộ như thế nào những chú cá vàng với cái đuôi hết sức mềm mại mà cậu bạn đó vẽ trang trí cho tờ báo tường của lớp.

Rồi tụi mình cắm trại. Không có nhiều không gian và cũng chả lôi đâu ra trại đẹp đẽ. Chúng mình cắm trại ngay trong sân trường, mỗi trại là những tấm chăn mà tụi học trò phân công nhau mang đi, được khâu lại, căng lên và trang trí sao cho đẹp nhất có thể. Khi đó mình say sưa kể cho mấy đứa bạn về trại của tụi mình ở Sapa, được dựng lên ở sân quần, một chiếc sân rất rộng nhìn lên ngọn đồi thông 79 cây (Ngày đấy não đã bị tẩy ghê lắm nên nhắc đến con số 79 là thiêng liêng ghê gớm J).

Năm mình học lớp 6 trường tổ chức đi tham quan Côn Sơn, địa điểm khi đó vô cùng phổ biến với các trường ở Hà Nội do khoảng cách không quá xa. Tụi mình tự mang đồ ăn trưa. Đứa thì xôi chả, đứa mang bánh mỳ, đứa khác lại mang bánh khúc với món lá khúc tự tay tụi mình hái từ những mảnh ruộng cạn nước dọc theo con đường vào trường chiều hôm trước. Bữa trưa tụi mình ngồi trên sân chùa, vừa ăn vừa trêu chọc nhau và ngắm dòng sông uốn lượn bên dưới. Đã đi thăm lại Côn Sơn-Kiếp Bạc một số lần, nhưng kỷ niệm của chuyến tham quan đó theo mình mãi, như một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi thơ nghèo khó, khi mỗi chuyến đi đều là một điều xa xỉ, là một sự kiện để mãi về sau mình còn khoe với bố mẹ, các chị, và cả những đứa bạn năm lớp 7 ở Sapa. Mình không còn giữ được tấm ảnh nào, nhưng vẫn nhớ rất rõ đôi ba tấm ảnh ngày đó, do cô của Mai Lan chụp cho, mình ngồi vắt vẻo trên cành đại :). Và một tấm ảnh khác chụp cùng Tuyến, tóc mình xõa ngang vai, tóc Tuyến ngang cằm. Mình nhớ cả chiếc áo mình và Tuyến mặc khi đó. Ngồi viết lại những dòng này, rất nhiều chi tiết của chuyến đi chầm chậm lướt qua như trong một đoạn phim quay chậm. Ôi, tuổi thơ thương nhớ của tôi. Hẳn một chuyến đi như vậy gây ấn tượng chẳng khác gì chuyến đi đến Disneyland của con trai mình bây giờ, khiến những chi tiết hằn sâu vào ký ức mình đến vậy.  

24 tháng 8 2015

MỘT THOÁNG VỚI KHÚC SÔNG QUÊ HƯƠNG CỦA TẾ HANH

Ngay từ những ngày đầu đến miền Trung từ hơn 15 năm trước, mình đã lập tức phải lòng những dòng sông tha thướt dịu dàng nơi đây. Lần nào cũng vậy, lướt qua một cây cầu, ngắm mặt nước phẳng lặng, hàng tre soi bóng, mình luôn bất giác nhớ đến những câu thơ của Tế Hanh về “con sông xanh biếc/nước gương trong soi bóng những hàng tre”.

Năm nào cũng đi qua những con sông miền Trung ít nhất 3-4 lần, và năm nay thì còn nhiều hơn tương đối, vậy mà ý định đến thăm khúc sông quê hương của Tế Hanh mãi chưa thành hiện thực. Trong chuyến đi Quảng Ngãi vào cuối tháng 5, lòng đầy quyết tâm và cũng có được chút thời gian rảnh, mình hỏi đường, rồi trên đường từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, giữa trưa nắng chang chang, xe chở mình rẽ xuống Bình Dương. Hai chị em loay hoay một hồi, mất thêm cả tiếng đồng hồ nhưng vì không có thổ dân nên cuối cùng chỉ đến được khu rừng dương nơi cửa biển, mình chụp vài ba kiểu ảnh không mấy ưng ý, một số kiểu ảnh vườn ớt khá ấn tượng. Chấm hết. Vẫn chưa biết đâu là khúc sông đã gợi cảm hứng cho nhà thơ :(.

Vậy nên khi lên kế hoạch cho chuyến đi ngắn đến Trà Bồng lần này, mình nghĩ ngay đến chuyện nghỉ lại một tối ở thị trấn Châu Ổ huyện Bình Sơn, ngoài việc tranh thủ gặp một vài thầy cô bàn công việc thì mình sẽ cố gắng đến khúc sông đó một lần nữa nếu có thể.

Bay vô Đà Nẵng mới 8h sáng, sau khi nghỉ ngơi ăn sáng, bọn mình tiếp tục hơn 2 tiếng trên con đường quen thuộc, với cậu lái xe rất thân thiện mà lần trước mình đã rất cảm động khi cậu bảo, chị đi xe nhỏ bị mệt thế này thì để mai em đổi sang xe to chị đi cho đỡ. Hơn 11h tụi mình đến thị trấn Châu Ổ. Rút kinh nghiệm vụ đi thăm con sông không thành lần trước, lần này mình gọi điện nhờ một anh người quen tư vấn về chỗ nghỉ và cả làm tourist guide nữa. Rồi hẹn hò với hai thầy cô Phòng Giáo dục để chiều đó, sau khi xong việc ở một xã ở huyện miền núi Trà Bồng mình có thể cùng mọi người dành thời gian xuống Bình Dương. Hì hì, đã ở miền Trung tới nửa năm, rồi liên tục các chuyến công tác vô đó, vậy mà mình vẫn bị vấn đề ngôn ngữ. Hẹn người quen, ngày kia em vô, đến khi mình vô tới Đà Nẵng và gọi điện hỏi, anh ấy ớ người ra bảo anh tưởng mai chứ. Kakaka, hóa ra mình tính là ngày mai rồi đến ngày kia, còn người miền Trung thì nói là mai, mốt rồi mới đến ngày kia :).

Đúng là có thổ dân dẫn đi có khác. Mình sung sướng đứng trên cầu Bà Dầu vào lúc 5 rưỡi chiều, mê mải ngắm dòng sông quê hương của Tế Hanh. Khúc sông đẹp và thơ mộng vô cùng. Sau đó là một bữa ăn đơn giản nhưng rất ngon miệng ở khu rừng dương Bình Dương, nơi cửa biển, mà người dân ở đây quen gọi là cù lao. Trong bữa ăn, mọi người tranh cãi từ đây ra cửa sông bao xa, một anh nói 1km, lập tức từ bàn bên cô giáo đọc câu thơ Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Mấy thầy cô mê mải nói chuyện về nhà thơ Tế Hanh, người em là nhạc sỹ Thế Bảo, đêm nhạc của nhạc sỹ Thế Bảo hoàn toàn dành tặng cho quê hương Bình Dương, cho ngôi làng Đông Yên đep như trong thơ.


Mình hoàn toàn bất lực trước vẻ đẹp của con sông, không cách gì thu giữ lại được bằng trình chụp ảnh không quá chứng chỉ abc của mình :(


Xuống đến cù lao lúc trời đã hơi tối. Dù vậy, nó vẫn mang một vẻ đẹp riêng
Nơi cửa sông (chụp từ chuyến đi lần trước, vào lúc giữa trưa)
Xong công việc ở Trà Bồng khi còn khá sớm, mình đã có đủ thời gian đi thăm vườn quế, tranh thủ hít đầy lồng ngực cái mùi hương quế ngạt ngào, nhớ lại chuyến đi Trà Bồng lần trước của mình. Tiếp theo tụi mình ghé ít phút vào một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ vỏ quế. Sau bữa trưa ở cơm gà Bà Luận, mình đã có thời gian dừng lại khá lâu ở Tam Kỳ để thăm triển lãm mỹ thuật khu vực, dưới sự hướng dẫn của một curator chuyên nghiệp nữa chứ :).
Chiếc lá quế xanh mướt, dài đến gần 40 cm bị bỏ quên lại ở xe :(

Hơn một tiếng tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, dưới cái nóng gay gắt mùa hạ, không có điều hòa cũng như không có bất kỳ chiếc quạt nào do bảo tàng mới khánh thành, còn chưa hoàn thiện, chắc nhiều người sẽ bảo mình dở người. Nói vậy thôi, mình đã được ngắm một số bức tranh rất đẹp, và biết được thêm bao điều hay ho về các kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật vẽ tranh trên những chất liệu khác nhau. Nói chung giống như một buổi học mỹ thuật rất đáng giá.
Bắt chước tý :) (Tác phẩm giải khuyến khích)
Một chuyến đi công việc, vậy mà mình đã tranh thủ được biết thêm bao điều thật thú vị. Thêm một địa danh nữa được đánh dấu vào check-list của mình, và mình lại mơ đến những miền quê xa.

18 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_CUỘC SỐNG XA NHÀ TRONG NHỮNG NĂM HỌC CHUYÊN TOÁN HOÀNG LIỆT

Mình chẳng còn nhớ bao nhiêu về những ngày đầu tiên đi học, trường mới, bạn mới, và cả cuộc sống hoàn toàn mới ấy nữa. Những kỷ niệm về hai năm ở với anh chị và học ở lớp chuyên Toán đó đọng lại mảng này mảng nọ, thỉnh thoảng lại thay nhau hiện lên. Nhưng chắc chắn đã không hề dễ dàng.

Nhà anh chị khi ở khu tập thể Tương Mai, khu lao động nghèo. Một gian nhà nhỏ, chiếc tủ kê giữa nhà ngăn thành giữa phòng khách, cũng là nơi ngủ và một buồng bên trong. Sâu hơn nữa là một gian cơi nới, và khoảng sân bé tý, có chiếc bể dùng chung với hàng xóm. Qua khoảnh sân bé tý, mùa hè xanh rợp dây nho là chiếc cống chảy dài qua suốt cả dãy nhà B4B, màu và mùi đều vô cùng đặc trưng của thời bao cấp.

Anh chị nghèo, đều là giáo viên, anh dạy văn cấp II, rồi sau chuyển về làm chuyên viên Phòng Giáo dục, chị làm Hiệu trưởng trường cấp I. Anh chị có ba con, con trai đầu hơn mình 4 tuổi, con gái giữa hơn mình 2 tuổi, và thêm cậu út kém mình 3 tuổi. Sẽ chẳng bao giờ mình quên được chiếc xe [gần như] cởi truồng mà anh vẫn đạp đi làm, chỗ pê đan đã bị hỏng, long ra từ bao giờ, chỉ còn lại mỗi cái trục giữa để đặt chân, vì đi lâu, trở nên trơn bóng và nhọn.

Mấy đứa cháu đều học trường gần nhà. Riêng mình thì vì học lớp chuyên nên khá xa. Đoạn đường đấy gồm đi từ nhà (giờ là ngõ 94, đường Tương Mai) ra ngã ba Trương Định-Tân Mai, xuôi đến Đuôi cá, qua ga Giáp Bát, tiếp tục xuôi qua Thịnh Liệt, đến tận Hoàng Liệt thì rẽ phải, đi theo con đường đất gồ ghề, hai bên là những mảnh ruộng cạn, khoảng 500m thì đến trường. Tổng cộng khoảng gần 5km, mình đi bộ hết hơn 1 tiếng. Lâu lâu, nếu tiện đường thì anh Túc chở mình đến chỗ rẽ rồi để mình tự đi bộ vào.

Như mọi gia đình khác thời bao cấp, sáng sáng anh chị mình dậy rất sớm nấu cơm. Cả nhà ăn vội vàng bát cơm rồi đi làm, đi học. Ngày đầu tiên tất nhiên anh Túc chở mình vào tận trường, có lẽ đưa vào tận lớp nữa. Sau đó, khi đã quen trường, quen lớp thì mình tự đi. Giờ chứng kiến con trai vào cấp II tự đạp xe đi học một đoạn đường chưa đầy 2km mình đã mừng lắm rồi, rơm rớm nước mắt dõi theo con, chả hình dung nổi cái con bé gầy còm là mình ngày đó đi học xa tới gần 5km, ngày này qua ngày khác, nắng rồi mưa, khi mới có 11 tuổi.

Từ Sapa về sống với anh chị, bao điều bỡ ngỡ. Buổi sáng đi học, mà thường gần 1h chiều mới về đến nhà, chiều mình sẽ học bài, rồi đến khoảng 4h chiều thì đi xách nước, chuẩn bị cơm cho cả nhà. Cô cháu gái khó tính, mặt luôn cau có, nên mình chả thể trò chuyện gì nhiều. Anh chị xoay làm thêm đủ kiểu để có đủ chi tiêu trong gia đình. Ngoài việc ở trường, chị nhận đan len, móc khăn… vậy nên những lúc rỗi rãi mình cũng học theo, đã đạt đến trình nhắm mắt đan thoăn thoắt J. Rồi rang lạc húng lìu. Buổi sáng nhiều hôm anh sẽ phải đi làm sớm, qua các quán nước để lại cho họ bán. Ngoài việc ngồi dán túi ni long, thường tuần một đôi tối chúng mình sẽ cùng ngồi đóng lạc, quy trình công nghệ bao gồm đếm một số hạt lạc nhất định cho vào túi ni lông, người ngồi bên cạnh sẽ chao qua ngọn đèn dầu để dán kín, những chiếc túi dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3.5-4cm sẽ đựng được 30-35 hạt, cỡ nhỏ hơn thì bớt lạc đi. Vừa làm tụi mình cũng được phép nhập khẩu phi tang [ở mức độ vừa phải] những hạt lạc còi. Kỷ niệm mình nhớ mãi là có lần tụi mình cho cả hòn sỏi vào túi lạc (lạc rang bằng cách quay cùng với sỏi cho giòn đều), hôm sau anh Túc đi đưa lạc về kể người ta kêu ca ông cụ suýt bị gẫy răng, hehe. Giờ viết lại vụ này mình còn chả nhịn được cười. Và cũng rùng mình khi nghĩ lại một buổi tối cô cháu ngồi học, tụi mình ngồi đóng lạc cạnh đó, bất chợt quay sang thấy gót chân nó muỗi bâu kín đen.

Gắn liền với thời bao cấp là kỷ niệm tụi mình đi xếp hàng đong gạo, xếp hàng xách nước. Và những cái nhà vệ sinh của thời bao cấp. Chỉ có thể dùng hai từ “rùng rợn” để mô tả.

Bọn trẻ con trong dẫy nhà đó không nhiều. Mình lại không học cùng trường nữa nên ít chơi với bọn nó. Ở nhà anh chị được một thời gian thì mình bắt đầu tập đi xe đạp, bằng xe chiếc xe [gần như] cởi truồng của anh hoặc chiếc xe của chị, hoàn toàn xứng đáng là “cặp đôi hoàn hảo”. Mấy đứa trong xóm chạy theo ê ê mình vì lớn như thế rồi mà còn chưa biết đi xe đạp J.

Sống xa bố mẹ chẳng dễ dàng gì. Mình đủ lớn để hiểu bố mẹ rất thương mình, vì lo cho tương lai của mình, và cũng vì thấy mình học được, nên mới phải gửi mình ở nhà cô, rồi lại nhà anh. Bố mẹ mình gửi tiền anh chị, đương nhiên, và anh chị là những người tuyệt vời, luôn để cho mình cảm thấy sự ấm áp, điều mà đến tận bây giờ vẫn là như thế, mình yêu quý anh chị tuyệt đối, nhưng con bé cháu đành hanh, và vẫn là trẻ con nữa, lúc này lúc khác không bỏ lỡ cơ hội khiến mình tủi thân, bóng gió đến chuyện mình ăn nhờ ở đậu, chuyện bố mẹ mình chỉ là nông dân... Và hay lấy cớ bận học để trút việc nhà cho mình. Mình đã hạnh phúc trong hai năm đó, nhưng chắc chắn cũng không ít lần rơi nước mắt.

Anh chị đều là những người có tâm hồn. Những lúc vui vẻ chị vừa đan len vừa đọc thơ. Sách chất trong nhà rất nhiều. Anh Túc thường vừa ngồi quay thùng lạc, vừa đọc sách, những cuốn sách giấy đen sì. Rồi những buổi tối cả nhà ngồi đóng lạc lại là lúc nói chuyện thơ văn. Chính từ những câu chuyện đó mà mình biết đến Đoàn Phú Tứ, Bùi Giáng, Mộng Hồ, Anh Thơ, Nguyễn Bính... từ rất sớm. Có lần chị Hạnh về chơi, thì thầm với anh Túc, trong trường sư phạm sắp tổ chức đêm nhạc Văn Cao, thứ nhạc ngày đó còn hầu như bị cấm đoán. Thỉnh thoảng thấy anh cao hứng huýt sáo hoặc ngâm nga những bài hát tiền chiến. Rồi có lúc lại bật cho cả nhà nghe Robertino.

Hoàng khi đó bắt đầu lớn, 15-16 tuổi, tập tành học đàn ghi ta. Mình học lỏm những nốt nhạc đầu tiên trong bài Làng tôi. Cây đàn to, mình chỉ có thể đặt nó nằm ngang trên đùi, nhưng đã bập bẹ bấm những nốt mà mình nhớ đến tận giờ, đồ mi sol lá sol, sol đố si la sol. Bố rất muốn cho mình học violin, ở cung văn hóa thiếu nhi. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước. Bố mẹ khi đó không thể có tiền cho một cây đàn violin, và đi học lại quá xa. Chính điều mong mỏi ấy của bố mẹ là động lực để sau này mình quyết tâm học, và giờ đây, mỗi lần về Sapa, khi bố bảo, con đánh đàn cho bố nghe đi, là mình vô cùng vui sướng được ngồi đánh cho ông hết bản này đến bản khác [trong số tiết mục vô cùng hạn chế của bản thân :)]

Mình đã được nuôi dưỡng trong một môi trường như thế suốt hai năm cấp II. Anh chị không dành được nhiều thời gian cho mình, cũng như chẳng thể dành nhiều thời gian cho các con. Và mình thì vốn là đứa trẻ ngoan, chỉ biết chăm chỉ đi học, về nhà lại học bài rồi làm việc nhà, chả gây rắc rối cho ai bao giờ. Tận bây giờ, cô Tuyết vẫn là tấm gương anh hay nêu cho đám trẻ học thêm tại nhà. Nhưng với mình, mình luôn biết ơn anh chị, biết ơn sự ngẫu hứng ban đầu của anh, sự chăm nom của anh chị với mình những năm sau đó. Chắc chắn hai năm đó đã đóng góp nhiều vào việc mình trở thành như ngày hôm nay, dù chả là gì to tát nhưng nếu không có những nấc thang đầu tiên đó, làm sao mình biết cuộc đời mình sẽ rẽ theo ngả nào, có thể giờ này đang ngồi quạt than nướng ngô cạnh nhà thờ Sapa, hoặc làm bà chủ khách sạn lớn, hì hì. Nhưng dù sao mình cũng thật khó hình dung mình trở thành một ai đó khác với mình bây giờ. Và chắc mình cũng không muốn khác đi một chút nào :)

17 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_TRỞ THÀNH HỌC SINH CHUYÊN TOÁN CẤP II

Cách đây ít ngày, thầy giáo dạy văn lớp 7 gọi điện hỏi thăm mình, cú điện thoại sau 30 năm. Mình thấy áy náy và xấu hổ kinh khủng. Thầy chủ nhiệm và dạy mình môn Văn năm lớp Bảy. Mình là học trò cưng, mình vẫn nhớ thầy bảo mình “cười như mùa thu tỏa nắng”. Cũng chỉ mỗi năm đó rồi sau đó mình đi học xa, hết cấp III lại đi nước ngoài đằng đẵng 8 năm, về nước cũng chỉ ở Hà Nội. Thầy cô, bạn bè cấp I, cấp II dường như trở thành vô cùng xa cách. Vậy nên mình chưa một lần trở lại thăm thầy. Dù vậy, thật lòng mình chưa bao giờ quên thầy. Mình vẫn nhớ cách thầy giảng văn rất hay, và cũng thường xuyên ngẫu hứng. Mà một trong những ngẫu hứng của thầy là tặng cho mình điểm 10 Văn khi mình nói leo thầy vài câu thơ trong một bài chưa được thầy giới thiệu ở lớp. Hai thầy trò có bao điều để cười nói, rồi lập tức kết bạn với nhau trên facebook và mình hẹn lần sau về Sapa nhất định em sẽ đưa bọn trẻ đến nhà thầy chơi.

Tiếp theo, cuối tuần trước một người bạn thời cấp hai, cũng từ hơn 30 trước, bất ngờ gọi. Những cú điện thoại giống như một cơn gió mạnh, mở toang cánh cửa căn phòng quá khứ, khiến bao hồi ức của mình lũ lượt kéo về. Bỗng dưng có cảm hứng viết về những ngày xa xưa ấy.

Trở thành học sinh chuyên toán cấp II

Lý do mình trở thành học sinh lớp chuyên Toán đầu tiên của huyện Thanh Trì thật ra lại do mấy trò tiêu cực lèm nhèm của vài mống có chút quyền hành ở cái thị trấn bé xíu xiu đó. Ngày đó mình học hệ phổ thông 10 năm, cấp 1 gồm lớp 1-4, cấp II gồm 5-7 và cấp III gồm 8-10. Những năm lớp 3 và 4 mình học tại trường thị trấn, chị Kiều hơn mình hai tuổi cũng học ở đó. Chị làm liên đội trưởng, em làm lớp trưởng hay một “chức vụ” tương đương gì đó. Kể về vụ chức tước thì mình phú quý giật lùi rồi, ngày đó chức to thế mà giờ chả có chức tước gì, kakaka. Mình vốn là cái đứa chả nghĩ được điều gì to tát, vậy nên đành làm con ngoan trò giỏi. Bây giờ thỉnh thoảng mẹ vẫn kể lại, trong buổi tổng kết quan trọng, giời mới nhớ nổi cụ thể là gì, khi mình học cuối lớp 4, chị Kiều ngồi bàn chủ tịch, còn mình làm MC. Mẹ được mời với tư cách phụ huynh tham dự và tự hào vô kể về hai cô con gái.

Cũng vì thành tích học tập như vậy, mình được cử tham dự trại hè thiếu nhi tổ chức tại Bãi Cháy. Náo nức lắm. Nào mình đã bao giờ được biết đến biển. Nhìn thấy biển là một ước mơ xa vời. Ở cái thời bao cấp xa xôi ấy, không tồn tại khái niệm du lịch hay nghỉ mát. Dưới ánh đèn tù mù, mấy tối liền mẹ cặm cụi ngồi khâu cho mình một chiếc váy hoa bằng vải pô pơ lin có quai chéo sau lưng. Gần đến ngày đi thì người ta thông báo với bố mẹ mình là mình không được đi nữa. Cái trò bẩn thỉu ấy mà, suất đấy đã được ưu ái cho một tiểu thư nhà quan thị trấn, trong khi bố mẹ mình là nông dân thuần túy. Vụ này bố mình đã kể lại trong cuốn hồi ký của ông.

Thương con, bố mẹ mình bảo, thôi không được đi trại hè thì bố mẹ cho đi Hà Nội chơi. Khổ, đi chơi gì đâu, chỉ đơn giản đi cùng bố về Hà Nội, ở lại nhà cô, rồi ghé thăm một đôi họ hàng khác, quà cáp mang theo là mấy cân lê vườn nhà. Anh họ mình ngày đó làm ở Phòng GD Thanh Trì nổi hứng kiểm tra qua loa trình độ mình rồi bảo năm nay huyện Thanh Trì mở lớp chuyên Toán đầu tiên, hay cho em thi thử. Mình thi thử, đỗ và ở lại nhà anh chị học hai năm cấp II ở lớp chuyên Toán đó. Hôm rồi nghe cậu bạn bảo, mình cứ tưởng T.A là con ông cốp, vì bố mẹ chuyển đi nên phải chuyển theo, mình phì cười bảo, mình là con nhà nông dân chính hiệu đấy. Ơ thế hóa ra ngày đấy mình đã có dáng tiểu thư mà tự mình không biết à, hehe.

Hai năm xa nhà bắt đầu một cách tình cờ vậy thôi. Theo thuyết hỗn độn "Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể dẫn tới hậu quả là một cơn bão ở Florida một tháng sau đó", thì hai năm học đó chắc chắn đã có ảnh hưởng rất lớn đến những bước tiếp theo trong cuộc đời mình sau này.

12 tháng 8 2015

MÙA HÈ CỦA CON GÁI_2015

Chỉ ít hôm nữa con lại đi học rồi, một năm học thật dài, tới 35 tuần mà chỉ có mỗi một kỳ nghỉ ở giữa. Chả giống như ngày anh Tôm học bên Anh, cứ 6-7 tuần lại có một kỳ nghỉ ngắn. Một điều an ủi là bù lại con đã có một kỳ nghỉ dài ơi là dài, và chắc chắn là rất đáng nhớ với bao kỷ niệm.

Nghỉ học được ít hôm thì hai anh em theo chân bác sang một ngôi chùa ở Thái Lan và tu trong chùa một tuần. Đã đi đến lần thứ 3 nên con thạo lắm rồi. Đã quen thân với các sư bên đó, với một số những bạn mà con đã gặp, con thậm chí còn chuẩn bị quà cho mấy thầy mà con yêu quý. Con chỉ hơi kêu ca chút là năm nay đông quá, hơn 1.000 người đến chùa vào dịp đó, đi dịp Tết thích hơn. Dù vây, vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ. Con thậm chí còn biểu diễn đàn trong một đám cưới của hai cô chú người Úc.

Ở Thái Lan về, dừng lại nhà đôi hôm là con đi Sapa luôn và ở suốt đến tận giờ. Năm nào con cũng đi Sapa nhưng chưa năm nào con vui vẻ đến thế này. Con chơi với em My và em Ly, bày bao nhiêu trò. Có hôm các con còn bày trò trình diễn thời trang, lôi hết các kiểu khăn của bà ra để làm phụ kiện. Khán giả là bà, mẹ của em My, em Vy và bác Quyết. Con mang cả hai chiếc đàn đi và tập chăm chỉ, một phần cũng vì con có các em làm fan hâm mộ. Vậy là hôm nào ông bà cũng được thưởng thức một chương trình đàn khá vui tai. Việc con đàn đã thành thói quen, hôm rồi anh H. và bạn bên Pháp về, sau bữa cơm tối cũng được thưởng thức một màn trình diễn của con.
Nhiều fan hâm mộ ghê :)
Năm nay con đã người lớn hơn, biết rằng mình lên Sapa để ông bà vui, vậy nên dù thích ở nhà bác T. nhưng con phân chia rõ ràng là ngủ nhà bác một tối rồi hôm sau ngủ nhà bà. Con bảo với bác sợ ở nhà bác nhiều ông bà nghĩ ngợi J. Hì hì, thảo mai thế thôi chứ thực ra ở nhà ông bà con cũng rất vui vì có em My và em Ly. Con chơi vui đến mức chả nhớ gọi điện cho mẹ. Có hôm mẹ hỏi con có nhớ mẹ không thì con thản nhiên bảo không, con chơi ở đây vui lắm.

Ở nhà bác con chăm chỉ giúp bác rửa bát. Dù nhà ít người, bát đũa chẳng bao nhiêu nhưng con vẫn đòi rửa cùng. Nếu bác bảo để bác rửa một mình thì con sẽ nói con thấy thế không phải. Có hôm con không rửa cùng bác được thì rất thảo mai con bảo, bác chịu khó rửa một mình nhé. Thỉnh thoảng ngại thì con kêu ca hôm nay con no quá, không có hứng rửa bát, bác tha cho con J.

Hôm sinh nhật bà bố mẹ và bác Thơ lên chơi vậy mà con cũng chả ngủ cùng mẹ tối nào. Trong lúc mẹ bận nấu nướng con nhận trách nhiệm làm hướng dẫn du lịch cho bác. Khi bác định hỏi một người khách vấn đề gì đó, con bảo, bác không cần hỏi ai đâu, bác cứ hỏi cháu đây này. Rồi cô hướng dẫn viên nhí còn chụp cho bác rất nhiều ảnh đẹp nữa chứ.
Hướng dẫn viên nhí nhưng thạo ra phết

Mẹ vụng về chả biết chăm con vậy nên suốt cả năm con chả lên cân. Vậy mà năm nào cũng vậy, chỉ lên Sapa một thời gian con sẽ được bác vỗ béo tương đối. Mẹ hay cười bảo cả năm mẹ sẽ cố gắng giữ cho con không bị sụt cân tý nào. Năm nay con được bác vỗ cho 2 cân, giờ được 27kg rồi, bác đùa bảo nói mẹ chuẩn bị tiền trả bác, 10 triệu/kg, con im thin thít J

Vèo một cái đã gần 2 tháng trôi qua kể từ hôm con đi Sapa. Con đã hẹn hò với chị T. để chị lên đón con về HN. Hôm qua con gọi điện cho mẹ hỏi số điện thoại của chị để liên lạc. Rồi bắt mẹ tìm bằng được cuốn “Nhật ký của mẹ” để chị mang lên cho con vì con muốn tặng bác T. cuốn sách đó. Biết chị sáng nay lên con thức dậy rất sớm để chờ chị, đến 5 rưỡi sáng, định gọi cho chị thì chị đã gọi bảo đang đứng trước cửa nhà. Hôm nay con đưa chị lên Hàm Rồng, rồi lên nhà bác T. chơi vui vẻ lắm.

Con đúng là một đứa trẻ ngọt ngào, đáng yêu, lúc nào cũng biết cách làm người khác vui. Đi Thái Lan con mua quà cho hết lượt, bố mẹ, các bác, món quà đặc biệt cho ông bà, rồi cả quà cho các “đồng nghiệp” của con (hihi, đấy là từ con dùng để nói về mấy chị bán hàng ở cửa hàng sách, chỗ con thỉnh thoảng đi làm cùng chị T. Khi mẹ hỏi lại “ai cơ” thì con bảo “thôi thôi con rút lại từ đó”). Còn lên đến Sapa đôi hôm thì con đã mua quà cho rất nhiều bạn ở lớp rồi. Với một trái tim đầy tình yêu thương như vậy, mẹ tin con sẽ được mọi người yêu quý.


Nghỉ nốt đôi ngày con nhé, thật vui. Những ngày hè như thế này chẳng kéo dài mãi, nhưng chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp, theo con mãi trong cuộc đời. Mẹ con mình thật may mắn có quê hương để nhớ thương, để con được về nghỉ cả mùa hè, để những ký ức đẹp đọng lại trong con. Cảm ơn ông bà thật nhiều con gái nhỉ. Mong con sẽ có thêm nhiều những mùa hè bên ông bà thế này. Và chắc bao giờ về hưu mẹ cũng phải về đó sống để các con của con có được mùa hè như của con bây giờ, con gái nhỉ J

03 tháng 8 2015

CHÚC MỪNG SINH NHẬT CON GÁI 9 TUỔI

Một hôm đã khá lâu, trên đường đi học con nói với mẹ vẻ vô cùng nghiêm túc, sắp đến ngày sinh của con rồi, con muốn mẹ tặng con một món quà. Mẹ hỏi, thế con muốn điều gì. Mẹ sinh cho con một em bé, đi, một em bé gái. Mẹ nói rằng giờ mẹ không sinh được nữa thì con khẳng định con biết mẹ vẫn sinh được J. Và khi mẹ nói nuôi một em bé rất tốn kém, bố mẹ không đủ sức thì con hỏi ngược lại, thế tại sao ngày xưa bà nuôi được nhiều con L.

Con luôn muốn có em, em gái, đã từ rất lâu rồi, và giờ thì con mang ngày sinh của mình ra để hỏi xin mẹ một điều như vậy. Mong muốn tưởng như nhỏ của con mà mẹ chẳng thể làm cho con được.

Một năm qua con đã lớn lên nhiều đến như vậy đấy. Con say sưa đọc khá nhiều sách về giáo dục giới tính và tỏ ra khá hiểu biết về lĩnh vực này. Bộ truyện kiến thức gần 30 cuốn với những tiêu đề và nội dung rất thú vị kiểu như Cây xanh đành hanh, Đại dương không dễ thương, Bờ biển bụi bờ, Khủng long khủng khỉnh… giúp con hiểu biết thêm rất nhiều. Đi nghỉ hè với ông bà ở Sapa con mang theo 5 cuốn, không quên dặn mẹ ít hôm sau lên thăm con nhớ mang thêm 5 cuốn nữa.

Con bắt đầu học đàn tranh từ tháng 9 năm ngoái và đến giờ, chưa được một năm, với kỳ nghỉ Tết khá dài, rồi suốt từ đầu hè đến giờ nghỉ luôn, vậy mà tiếng đàn của con đã khá mềm mại và chưa có dấu hiệu chán học J. Năm nay cũng là năm đánh dấu những bước tiến bộ rõ rệt của con với đàn violin. Chỉ có vụ tiếng Anh của con là dậm chân tại chỗ do thực sự con không có thời gian.
Cùng các bạn biểu diễn trong buổi văn nghệ đầu xuân
Biểu diễn đàn mọi lúc được mời, đây là trong buổi liên hoan cơ quan cũ của bố.

Con thể hiện rõ là đứa trẻ yêu nghệ thuật. Khá thường xuyên mẹ cho con đi nghe các chương trình hòa nhạc. Khi đi xem chương trình Tiếng trúc tiếng tơ, một chương trình nhạc dân tộc với ca trù, chèo, chầu văn, con đã xem say sưa từ đầu đến cuối, thậm chí lúc xong rồi cũng chưa chịu về, còn lên sân khấu giao lưu với các nghệ sỹ. Rồi đi xem chương trình có thầy con biểu diễn violin, lúc thầy biểu diễn xong con đòi vào tận phòng dành cho nghệ sỹ phía sau sân khấu để chào thầy, và đứng chờ để gặp bằng được bác nhạc trưởng người Mỹ J. Ít hôm trước con gọi điện về bảo mẹ giọng rất náo nức, mẹ biết không, Hồ thiên nga đến nước mình biểu diễn đấy. Mẹ giải thích cho con rằng vé đắt, mẹ con mình gắng dành tiền, để lần sau, con phụng phịu, thế lần nào cũng đắt thì cả đời con cũng không được xem à. Ôi chao con gái mẹ, con nói thế mẹ nỡ lòng nào không gắng cho con đi xem. Nhưng sau đó nghĩ đến chuyện đang nghỉ sung sướng ở Sapa con lại bảo thôi, để lần sau.
Bon chen đến bên cạnh nghệ sỹ để "phỏng vấn" mấy câu sau buổi diễn

Các kỹ năng mềm của con đều khá tốt. Trong năm vừa qua con tổ chức mấy lần “party” ở nhà mình để mời các bạn đến chơi, lên chương trình từ sớm, thiết kế poster, giấy mời, chuẩn bị quần áo để hóa trang, phân công đóng kịch, biểu diễn… Trong các trò chơi ở trường con cũng thường xuyên là người đứng ra lãnh đạo các bạn, tổ chức hoạt động…
Vừa hôm trước dịu dàng múa, ở đây lại là một hình ảnh hoàn toàn khác :)
Nhà thiết kế thời trang tương lai Thùy Dương và Khánh Minh (bạn ấy đề ở nhãn vở như vậy) có tới vài shop (là những cuốn vở như thế này), bán đủ thứ, từ đồ ăn, váy áo cho đến nhạc cụ xưa và nay, rất chú trọng thu hút khách thông qua khuyến mại :)
Nghĩ về con có biết bao điều ngọt ngào. Mà đâu phải riêng với mẹ. Ai đến nhà mình con cũng thân thiết, tình cảm. Mỗi lần về Sapa, mà năm nào ít nhất cũng hai lần, con đều mua quà cho hết lượt các bạn và cô giáo, thậm chí cả để dành cho mấy sư thầy ở Làng Mai, ngôi chùa bên Thái Lan mà từ năm ngoái đến giờ con đã qua tới 3 lần. Khi con đi Thái Lan mẹ chỉ cho con ít tiền tiêu vặt, vậy mà khi về con cũng mua quà cáp cho khắp cả nhà.
Bà tan chảy với món quà con tặng nhân dịp sinh nhật (con chuẩn bị từ trước đó, trong chuyến đi Thái Lan vào giữa tháng 6)
Thêm một tấm ảnh của con trong chuyến đi Thái Lan vào tháng 2
Con gái yêu thương của mẹ, lúc nào mẹ cũng nghĩ con là món quà tuyệt vời nhất ông Trời gửi đến cho mẹ. Chúc mừng con yêu thêm một tuổi, mãi ngoan ngoãn và ngọt ngào. Yêu con!