20 tháng 11 2013

BĂNG CỐC DU KÝ 2_CHÚNG TA LÀ ANH EM MỘT NHÀ!!!

Mình phải cái bệnh thích bới bèo ra bọ :). So sánh giữa những lần mình đi hội thảo, mình thấy có sự tiến bộ rõ rệt về cách người ta chuẩn bị bài trình bày, điều đó chứng tỏ kỹ năng công nghệ thông tin đã tăng đáng kể. Điều mình buồn cười giờ lại là chuyện khác, trong lúc theo dõi bài trình bày, nhiều người cứ chìa nào máy ảnh, nào điện thoại di động, nào iPad để chụp hết slide này đến slide khác, mặc dù người ta đã thông báo sau hội thảo sẽ upload toàn bộ bài trình bày lên mạng, và thậm chí cả khi người trình bày tha thiết đề nghị đừng chụp ảnh, làm tôi mất tập trung. Thế là lại có cớ đưa nốt bài này từ chuyến đi cách đây tới 3 năm lên đây.

(Đăng lần đầu 11/9/2010)


Đã định không bàn luận gì về công việc, vậy mà không thể đừng được. Rất nhiều người chuẩn bị bài phát biểu không tốt, mà nói chung các bác ở tầm cao, thậm chí cả một bác Nhật Bản. Mình luôn rất ngạc nhiên khi thấy mọi người thậm chí không thể chuẩn bị được một bài trình bày Power Point đúng nguyên tắc, trông dễ hiểu. Rất nhiều bác đơn giản ngồi đọc tất cả những gì có trên đó. Hihi, lúc đó mình mong mất điện, để xem các bác ấy sẽ dài mặt ra như thế nào. Buồn cười thật, họ cũng giống Việt Nam ra phết, làm mình lại thấy lòng tự hào dân tộc được ve vuốt ít nhiều (không chỉ có sếp của Việt Nam mới dốt vi tính hay tiếng Anh, hay kỹ năng trình bày, hihi). Mình nói đùa với H. là thế này thì tụi mình có khối cơ hội, phải tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các bác này thôi.

Trong hội thảo cứ việc hô hào Giáo dục vì Sự phát triển Bền vững, trong thực tế thì cũng chả có gì bền vững lắm, một ví dụ nhỏ là điều hòa nhiệt độ thấp làm cả đoàn lạnh muốn chết, mình chẳng còn muốn chui vào phòng chỉ vì quá lạnh. Tóm lại, mình đã thấy cả bọn châu Á thì vẫn như nhau thôi, toàn hình thức, bản chất không khác nhau bao nhiêu. Cuối buổi một cậu ở UNESCO phỏng vấn mình đôi câu, và mình chả ngại gì mà không tuôn thẳng thừng là mình bị ướp lạnh, rằng lời nói và việc làm hoàn toàn không đi đôi bla bla. 

Thời gian ban ngày chẳng có, thế mà trong phòng họp chẳng có Internet, mình muốn google xem đi chơi đâu sau giờ cũng không được. Tuy vậy, mình cũng mày mò đi được MBK, khu mua sắm nổi tiếng ở Băng Cốc, rồi đi xem ở nhà hát Siam Niramit (dở òm, một kiểu nghệ thuật dành cho dân du lịch, xem một lần rồi thôi). Một bài học là lần sau luôn phải google và ghi rõ mọi cái từ nhà.

Một chuyến đi không đọng lại quá nhiều điều. Hoa lan của Thái Lan quả là rất đẹp, MBK đồ quả là nhiều, áo phông thực tình là rẻ, nhưng mình không phải dân nghiện mua sắm nên tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa với mình bao nhiêu. Lần sau mình sẽ muốn đi ra ngoài Băng Cốc, đến những vùng núi xa xôi chắc sẽ thú vị hơn nhiều.

BĂNG CỐC DU KÝ 1



Kể từ chuyến đi Thái năm 2010, đây đã là chuyến thứ tư của mình. Vẫn họp ở cái khách sạn mà 3 năm trước mình họp. Vẫn những khuôn mặt đã gặp ở hết hội nghị này đến hội nghị khác, nếu tính đây là lần thứ 4 mình tham dự các kiểu sự kiện như thế này do UNESCO tổ chức. Đã trở thành “professional conference-goer”, mình chẳng buồn kêu ca về cái tủ đá, vì đằng nào cũng chẳng ai làm khác đi, mà chỉ nhớ mang theo khăn choàng. Đồ ăn thì vẫn thế, cứ như thể 3 năm qua chẳng có gì thay đổi. Ừ, tối qua có một điều khá hay ho là nhân buổi tiệc tối, bác giám đốc UNESCO Băng cốc ôm đàn khuyến mại mọi người mấy bản, dù không thể coi là tuyệt tác nhưng rõ ràng rất hay. Chỗ tụi mình mấy năm trước ngồi chơi dưới sảnh, giờ người ta đặt một cây đàn piano ba chân. Mình rất muốn thử sức thử đánh một bản nhưng họ không cho đụng vào đàn :). Rồi điểm khác nữa là giờ ở khách sạn nhiều sao người ta cũng khuyến mại wifi, không phải trả tiền rất đắt như ngày xưa nữa.

Ngày thứ hai, mình gật gà gật gù suốt cả buổi chiều, buồn ngủ khủng khiếp. Giải lao cả bọn vội vàng ra sân ngồi, tranh thủ hưởng tý cái ấm áp của mặt trời, đứa nào cũng kêu bị lạnh cóng. Mình bảo, thế này là giáo dục vì sự phát triển bền vững đây nhưng có vẻ chẳng đứa nào hưởng ứng, chắc sợ vạ miệng, UNESCO giận, sang năm không mời :). Mình cóc sợ, không mời thì thôi, mà bọn nó cũng cần có người tham dự để nghe tụi nó nói chứ. Hehe, mình đang vi phạm nguyên tắc không nói chuyện công việc trên blog rồi. Thoát khỏi cái tủ đá lúc 5.30, chẳng có nhu cầu đi đâu, mình chui về phòng ngồi, post lại cái bài viết cách đây hơn 3 năm, khi lần đầu mình đến đây, còn hứng thú đi shopping và tìm hiểu.

HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG VÀ MỘT HÒN KHÔNG NGỌC CŨNG Ở VIỄN ĐÔNG – 35 NĂM TRƯỚC VÀ BÂY GIỜ
(Đăng lần đầu 11/9/2010)
Mình mới dự một hội thảo Giáo dục vì Sự phát triển Bền vững tại Băng Cốc do UNESCO Băng Cốc tổ chức. Sẽ không nói gì nhiều về nội dung hội thảo, mình chỉ muốn ghi lại một vài cảm tưởng về chuyến đi.

Tụi mình đến Băng Cốc vào buổi trưa. Từ trên cao nhìn xuống, cảm giác như chẳng khác Việt Nam bao xa, cũng những khoảng xanh nâu chen lẫn. Tuy vậy, xuống gần hơn một chút là cảm nhận được sự khác biệt ngay, các ô xanh, nâu hay ô gì đi nữa đều vuông vức, gọn gàng. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi mới được đưa vào sử dụng 3 năm nay, rộng mênh mông, thiết kế thuận tiện, đẹp đẽ.

Trên đường về khách sạn, khi xe chạy trên con đường cao tốc thênh thang, đôi lúc là những đường vòng, đường cắt hiện đại, sạch sẽ, mình cứ thấy buồn. 35 năm trước, Sài Gòn của mình được ca ngợi là hòn ngọc Viễn Đông. Giờ đây hòn ngọc đấy ở đâu rồi? Đến Sài Gòn hay Hà Nội chỉ cảm giác thấy sự nhếch nhác, ồn ào, bụi bặm, lộn xộn… Suy cho cùng cũng là một kiểu độc đáo không nơi nào trên thế giới có thể có được, nhưng liệu có bao nhiêu người thích cái sự độc đáo đấy?

Tụi mình ở khách sạn Imperial Queen’s Park. Khách sạn không có không gian bên ngoài rộng, nhưng sảnh bên trong thì mênh mông, nói chung là rất đẹp. Và bù lại, ngay cửa sau của khách sạn là một công viên khá đẹp gọi là Queen’s Park. Phòng thì chẳng hơn các khách sạn 3 sao, 4 sao mình đã ở Đà Nẵng hay Quảng Ngãi bao nhiêu nhưng đẳng cấp khách sạn 4 sao thể hiện ở nhiều điểm. Một ví dụ, xà phòng và sữa tắm, dầu gội … là đồ xịn, được thiết kế riêng, thơm độc đáo chứ không phải loại hàng chợ như khách sạn 4 sao ở Việt Nam nơi mình đã qua. Khách sạn của mình ở ngay khu trung tâm nhất của Băng Cốc, ô cửa sổ nhìn ra toàn lô nhô nhà cao tầng, ngay đối diện khách sạn mình ở là 4 ngôi nhà khoảng hơn 50 tầng khác.
À, mà đẳng cấp khách sạn 4 sao cũng phải thể hiện ở giá cả nữa chứ nhỉ. Khỏi phải nói về dịch vụ hay giá phòng, mình chỉ muốn nhắc tới một chi tiết nhỏ. Khách sạn không cho khách dùng Internet miễn phí. Giờ đầu tiên giá khoảng 200.000. Còn dùng từ giờ tiếp theo tới 24 tiếng là khoảng 400.000. Hihi, trong khi ngoài đường thì café với wifi miễn phí đầy ra. Hơi bất tiện chút nhưng mình nói đùa với cậu đồng nghiệp là mình có lý do chính đáng để khỏi phải check mail.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên, vẫn phải nói rằng cái khách sạn này tuy chỉ 4 sao nhưng chẳng một khách sạn 5 sao nào ở Hà Nội sánh được về mặt không gian và số lượng phòng và các dịch vụ đi kèm.

Buổi chiều đó tụi mình được một người bạn cũ mời dùng cơm. Nhà anh bạn đó không ở Băng Cốc mà ở ngoại ô, tụi mình phải đi tắc xi khá xa, hết 350 bạt (tương đương 200.000). Thật may, tụi mình có cơ hội được biết một góc khác của Băng Cốc. Đó là một khu cao cấp, dành cho người nước ngoài và người Thái giàu có. Mình không biết dùng từ gì hơn để mô tả ngoài một từ “tuyệt”. Các nhà đều là liền kề, xây vòng vòng tạo thành một vòng tròn. Mặt bằng mỗi căn hộ (hay nhà) như vậy khá rộng, khoảng 180m, 3 tầng, thiết kế theo một mẫu chung. Các con đường trong khu đều vô cùng sạch sẽ, hai bên đường đầy cây và hoa. Có những loài mình biết, như hoa giấy đủ các màu, hoa dâm bụt các màu đỏ, hồng và trắng, hoa mẫu đơn, hoa sứ các màu… Thường khoảng 35-40 hộ sẽ tạo thành một khu nhỏ theo hình tròn với những tên gọi rất dễ thương như Palm Palace, Palm Garden .... Trong mỗi khu nhỏ như vậy lại có một bể bơi ở giữa. Bể bơi không nằm dưới mặt đất mà nằm ngang tầng 2, từ các nhà có cầu thang nhỏ bằng gỗ dẫn từ tầng 2 ra bể bơi. Giá thuê một căn hộ như vậy rất rất rẻ so với Việt Nam: 800 đô.  

Trên đường về có một kỷ niệm nho nhỏ. Lúc xe dừng chờ đèn đỏ, có một cậu bé trông rất dễ thương, mắt rất sáng, đến bên cửa sổ xe mình và phun ít nước xà phòng lên kính xe rồi dùng chổi lau kính. Lau xong, cậu bé chắp tay trước ngực lễ độ và chờ đợi. Hẳn nhiên mình chẳng bắt buộc phải cho, nhưng ai nỡ từ chối một cách xin lịch sự như thế.

Như đã nói, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng mình không thể không nghĩ đến hòn ngọc Viễn Đông ngày nào và một cái hòn chẳng hề có tên ngày đó!

BIẾT LÀ BAO THƯƠNG NHỚ CHO VỪA!


Thời gian cuối sức khỏe mẹ mình không được ổn định. Chần chừ mãi, cuối cùng ông bà quyết định về Hà Nội khám. Thật may, bà mới chỉ chớm bị viêm dạ dày, dẫn đến khó thở, đau khu vực gần tim. Trưa Chủ nhật cả nhà tụ tập thật vui, có đến 7/11 đứa cháu của ông bà. Ông lại cười như pháo rang, nhìn đám con cháu ầm ĩ mà vui. Mình nhớ đến bài này viết suốt từ hôm đi Sapa thăm ông bà, vèo một cái, thế là tháng rưỡi đã trôi qua trong khi cảm giác như mình chưa kịp làm gì.
Mình về thăm bố mẹ
Công việc cứ triền miên triền miên, vậy nên suốt từ đám cưới cô cháu hồi tháng Một tới giờ mình chưa về Sapa thăm ông bà. Tuần trước, chẳng hiểu sao ruột nóng như lửa đốt, đi đường, nghĩ về ông bà mà nước mắt mình ứa ra. Bác T. bảo mình, hôm nọ bố nhắc em, bảo tới hôm kỷ niệm 100 năm Sapa em về à, bố có ý ngóng. Lại nghĩ tới bài viết Đời này bạn còn gặp bố mẹ mấy lần, vậy là mình quyết tâm vứt bỏ hết mọi thứ để về với ông bà vài hôm vì nhìn lịch từ giờ tới cuối năm thì chẳng còn khoảng trống nào khác. 

Chiều thứ Sáu, xong việc đã muộn, mình phóng đến lớp học đàn, học được mỗi 30’ thay vì 1 tiếng theo lịch, phóng về nhà ăn vội vàng bát cơm và ra ga luôn, còn chẳng kịp nói với mấy tiểu yêu câu nào. Leo lên tàu, ngủ tít và chưa đến 5 rưỡi mình đã xuống ga Lao Cai. Thêm chưa đầy một tiếng nữa là về đến nhà. Không dám thông báo với ông sớm, sợ ông ngóng con gái, rồi nhỡ vì việc đột xuất mình không về được ông lại buồn, đến khi mình đã lên tàu thì hai mẹ con lại muốn dành cho ông bất ngờ, vậy nên bà thì biết rõ mình đến đâu, ông thì không. Tuy thế, bản thân cũng chẳng giữ được mãi, lúc xe đến Tắc cô thì mình gọi điện báo với ông, bảo ông chuẩn bị nhận một gói quà to :). Ông mừng ơi là mừng.

Bố mẹ mình năm nay yếu nhiều. Ông giờ đi lại chậm chạp, lưng còng hẳn xuống. Xem lại những bức ảnh mới chỉ cách đây vài năm mà sao thấy ông khác nhiều quá, chẳng còn cái vẻ nhanh nhẹn, thoăn thoát như ngày xưa. Chẳng còn đủ sức chăm vườn hoa, ông nhường một phần cái vườn đã từng có lúc khá nổi tiếng, hoa nở quanh năm để bà quây lại nuôi gà. Bà vốn chả mấy khi ốm đau, vậy mà hôm mình về bà bị choáng, chuột rút, nằm mãi mới đỡ. Bác T. bảo, làm sao con gái về lại làm bà ốm thế hở giời, bà bị ngộ độc à :)?

Ở nhà với ông bà được gần 3 ngày, mình chẳng đi đâu, lau nhà, nấu cơm, lượn lờ quanh vườn, lên face chát chít, bù cho lúc ở Hà Nội bù đầu, chẳng có mấy thời gian. Chị H.A, một người bạn mình quen qua mạng tình cờ cuối tuần đó cũng có mặt ở Sapa, đến thăm mình. Hai chị em cười, hóa ra phải lên tận Sapa mới gặp được nhau. Rồi tình cờ tuần đó chị Th., chị L. bên Gánh hàng xén cũng có chuyến đi Sapa, mang gánh xiếc đến với bọn trẻ ở mấy bản quanh đó. Mình nấu nướng, mời mọi người một bữa tối, mấy chị em ăn uống với nhau vui ơi là vui. Ở Hà Nội thì hàng thế kỷ rồi chẳng gặp nhau, dễ có đến mấy năm ấy chứ.

Lưng lửng chiều ngày thứ Hai thì mình lại phải ra Lao Cai để về Hà Nội. Ông lập cập xuống cầu thang tiễn con gái, rồi cứ đứng đó nhìn theo mãi. Sẽ còn lâu lâu nữa mình mới về thăm ông bà được. Thời gian thì cứ trôi vèo vèo. Haiza. Thân này ví xẻ làm nhiều phần được! Nhiều lúc mình nhớ Sapa kinh khủng, thèm được về nhà, được đi dạo quanh Bờ Hồ với ông bà, hay ngồi tít trên tầng 4 của tòa nhà phía trên, ngắm trời đất, mây bay. Và những lúc như vậy, mình lại nhớ đến bài Thuyền viễn xứ của Phạm Duy “Chiều nay gửi tới quê xưa/Biết là bao thương nhớ cho vừa”.

16 tháng 11 2013

THẬP TOÀN ĐẠI BỔ



Tuần trước đi học về con trai bảo, mẹ ơi con được giải nhất khối viết truyện tiếng Anh đấy. Bố mẹ vô cùng bất ngờ, chàng nào đã bao giờ là con ngoan trò giỏi đâu nhưng cũng chưa tin lắm, bảo phải mang bằng chứng về bố mẹ mới quyết định thưởng.

Chiều thứ Hai, mẹ vừa về chàng đã reo ầm lên, mang khoe một phong bì, trên đề rõ, Giải nhất viết truyện khối 6, N.S.T, và được thưởng 100.000. Ôi chao là mừng, mẹ ăn mất cả ngon miệng. Nhà trường chỉ tốn có 100,000, bố mẹ thì tốn thêm một số trăm khác để động viên chàng.

Mày mò một hồi, bố mẹ tìm được trang đầu bài viết của con được đưa lên trang web của trường, trong mục viết về lễ hội Haloween. Bài viết của con tổng cộng có lẽ chỉ được hơn trăm từ, một câu chuyện ma mà con đã nghe nhiều lần, giờ con chỉ mô đi phê một ít, đưa ra cái kết khác so với câu chuyện con đã nghe. Mẹ lại phải giải thích với con thế nào là đạo văn, mình được phép sử dụng ý tưởng người khác trong chừng mực như thế nào. Niềm vui giảm đi chút ít, nhưng dù sao mẹ vẫn mừng khi con đạt được một kết quả nho nhỏ. Tác phẩm của con thì đây, trong mục Một số tác phẩm tự truyện về Halloween (cô giáo chỉ post trang đầu, còn thiếu trang tiếp theo):

Vài ngày sau, đến lượt công chúa yêu thương. Công chúa bảo, con mà cho mẹ xem là mẹ choáng đấy. Choáng thật, nàng được 4 điểm 10 kiểm tra giữa kỳ, là một trong hai bạn giỏi xuất sắc của lớp. Tuần này mẹ được thêm một liều thuốc bổ mới, con trai khoe được giải khuyến khích thi cờ vua. Hì hì, gọi là động viên bố mẹ tý, có vài bạn thi với nhau ấy mà.
 

Mẹ đúng là người dễ vui. Chỉ vài dòng chữ của con trai, mấy điểm mười của con gái mà vui tới mấy ngày liền. Cả ngày ở cơ quan, biết bao việc, nhiều khi về đến nhà thấy rã rời cả người, vậy mà chỉ cần con gái chạy ra ôm, mệt nhọc như tan biến. Tuy vậy, chẳng tránh khỏi nhiều khi các con cũng làm mẹ ngộ độc với những toa thuốc bổ quá liều, với những màn đóng vai quan tòa bất đắc dĩ mà lý lẽ của bên nguyên lẫn bên bị đều rối rắm như nhau, chẳng thể nào phân biệt đúng sai :). Chắc chắn do vậy nên người ta chỉ để weekend 2 ngày, vừa đủ liều, rồi quay lại với công việc, sau 5 ngày lại được/bị ở nhà hưởng liều đoping mới. Nói như vậy, nhưng dù gì, chắc chắn các con vẫn là món quà quý giá nhất mà mẹ được tặng và tuần này thì rõ là mẹ được một liều thập toàn đại bổ rồi. Cảm ơn các con thật nhiều!