24 tháng 2 2022

NHẬT KÝ F0_02_CỨ BÌNH TĨNH MÀ CÁCH LY THÔI

 

Đến sáng thứ Hai thì mình đã hết sốt hoàn toàn, cơ thể cũng đỡ mệt. Mình đi mua một ít đồ để lại nhà cho bọn trẻ - trước khi ra khỏi nhà mình xoa cồn vào tay, đeo khẩu trang, rồi khi mua thì đứng xa xa tất cả mọi người. Mình hoàn toàn không ho, hắt hơi trong toàn bộ quá trình này, vậy nên mình nghĩ như vậy cũng không làm lây cho ai được. Chuẩn bị đầy đủ đồ cho các con, sắp xếp gọn gàng đồ mang theo sang Ecopark, sau đó bọn mình khử khuẩn nhà cửa. Ông chồng lau sàn nhà bằng nước xà phòng, còn mình thì dùng cồn lau các tay vịn cầu thang, mọi bề mặt bàn, tủ, các nắm đấm cửa, các công tắc điện. Thế mà cũng đến gần trưa mới xong để rời nhà.

Căn hộ mới hầu như còn trống trơn. Riêng đồ nấu nướng thì khá đầy đủ do trước khi đi SG cún sang đây ở đôi hôm nên hai mẹ con đã cùng nhau sắm sửa một số đồ, cún thậm chí còn mua rau, trứng và một lô đồ ăn liền để sẵn trong nhà. Mình khuân sang ít gạo và rau cỏ cùng vài món đồ khác – chổi, cây lau nhà, thùng rác, cùng một số món đồ thiết yếu và yên tâm tự nhốt mình trong nhà.

Cả miền Bắc đang những ngày rét nhất mùa đông. Ecopark ít nhà, nhiều cây, nhiệt độ luôn thấp hơn trung tâm Hà Nội 2-3 độ, dù chỉ cách nhau hơn chục km. Những ngày mùa đông ở đây đương nhiên cũng lạnh hơn, thêm việc căn hộ ít đồ, chưa có người ở nên tạo cảm giác lạnh lẽo. Suốt ngày đêm bên ngoài gió thổi ù ù, những ngọn cây ngả nghiêng, gợi nhớ những mô tả trong cuốn Đồi gió hú. Dù thế, nhìn ra cửa sổ với khoảng không xanh ngút ngàn giúp mình cảm thấy thư thái hơn nhiều.

Hai anh em ở nhà có vẻ ổn thỏa. Cậu con trai có việc gì thì gọi mẹ rồi mẹ hướng dẫn làm. Từ những việc nhỏ nhất như thùng rác sắp đầy rồi, em Tép làm tung cái bếp lên rồi mẹ ạ, em Tép làm đổ hộp nước luộc gà… Tối cún nấu cơm, anh rửa bát. Con gái xào rau xong chụp ảnh khoe mẹ, rồi có hôm buổi sáng chụp ảnh báo cáo, “con gái đang đi làm nha” 😊.

Một đôi người bạn gọi điện hỏi thăm, mình bảo, tầm này mà còn chưa bị dương tính thì có khi nên nghĩ lại, ăn ở thế nào mà chẳng ai thèm giao lưu nên đến tận giờ vẫn âm tính, hay tự kỷ trong nhà không giao tiếp xã hội, kakaka.

Còn một việc nữa – báo với phường. Ban đầu mình ngại ngần, sợ nhà bị chăng dây thì ảnh hưởng đến con gái không đi tập, đi biểu diễn được, ảnh hưởng dây chuyền sang toàn bộ dàn nhạc. Nhưng sau đó thì mình được biết tầm này chả còn ai chăng dây nữa, cũng chẳng ai đến kiếm tra đâu, đơn giản là họ ghi nhận, nếu triệu chứng rất nặng, kêu gào thảm thiết thì may ra mới được hỗ trợ, chứ bình thường thì chả ai còn hơi sức quan tâm. Thậm chí cán bộ phường cũng nhiễm gần hết rồi. Vậy nên mình đã thông báo đầy đủ, và đúng như dự đoán, chả ma nào gọi đến mình, mãi cũng chưa thấy có quyết định cách ly gì hết. Mình được đưa vào nhóm f0 của phường để theo dõi/hỗ trợ, và có ở trong đó mới biết cứ vài phút lại có tin nhắn mới do người dân khai báo bản thân/người thân bị nhiễm. Cảm tưởng như một nửa Hà Nội đang bị nhiễm vậy. Văn phòng mình đến hôm nay đã có 7 người gia nhập đội ngũ những người chẳng mấy chốc sẽ trở thành đa số.

Hôm nay đã là ngày thứ 6 hoặc 7 tính từ khi mình khởi phát triệu chứng, tùy vào việc tính thế nào là bắt đầu khởi phát – hơi có cảm giác chảy nước mũi hay tận khi sốt dữ dội. Sau hai hôm nghỉ ốm – thứ Hai và thứ Ba, hôm qua mình đã quay trở lại chế độ làm việc từ nhà. Thế là mình đã có kim bài miễn trừ rồi cơ đấy. Nếu không vướng trận này thì thứ Hai tới mình sẽ bay vào Quảng Trị. Giờ thì chuyến đi đó đổ bể. Bù lại, nếu sau đây mình lên kế hoạch đi đâu đó thì cũng có vẻ yên tâm là khả năng đổ bể ít hơn hẳn. Chị L. ở cùng nhà cún trong SG hôm qua báo đã dương tính. Ngày nào mình cũng dặn con gái phải cẩn thận, tối thứ 7 này nàng diễn buổi đầu tiên, thứ Hai có buổi diễn tiếp theo, và thứ Tư là một buổi khác. Như vậy, tuần sau khi nàng bay vào SG thì chị L. cũng khỏe rồi.  

Cái thời buổi gì thế này. Hết dịch bệnh tới chiến tranh. Hôm nay gọi điện hỏi thăm chị H. bên Kiev, hỏi chị ơi chị có kế hoạch đi sơ tán đâu không? Đi đâu, đi đâu hả em? Đi đâu, đi đâu?

21 tháng 2 2022

NHẬT KÝ FO_01_VỊ KHÁCH KHÔNG MỜI MÀ ĐẾN

 

Đưa con gái vào SG và thứ Hai mới quay ra, hôm thứ Ba mình xin làm việc ở nhà vì không yên tâm đến văn phòng. Cuối ngày thứ Hai mình tự test - âm tính, vậy nên thứ Ba vững bụng đi làm. Cuối ngày thứ Năm thấy ông chồng mệt mỏi, mình bảo cu Tuấn đi mua que thử cho Dad thử ngay – cũng âm tính. Dù sao mình cũng không thấy yên tâm nên báo với sếp mình sẽ làm việc ở nhà và theo dõi, mọi sinh hoạt ở nhà vẫn bình thường, Mr nhất thiết bảo anh chỉ bị viêm họng. Chiều thứ Sáu mình thấy cơ thể có chút gì đó mơ hồ khác lạ, lại tự test và vẫn âm tính. Trước đó mấy hôm mình đã hẹn chú Quốc, chú Bình và hai dì sáng thứ Bảy đi xem giúp căn hộ mới, tìm phương án thiết kế phòng khách, nên cứ băn khoăn đi hay không. Căn hộ ở xa, mà mình thì đi làm cả ngày nên chỉ cuối tuần mới có thời gian cho việc này, rồi theo kế hoạch tuần cuối tháng 2 mình đi Quảng Trị, vậy nên lỡ cuối tuần này cũng có nghĩa lỡ cả nửa tháng. Mình cứ băn khoăn đi hay không và nghĩ vì test âm tính nên quyết định vẫn đi. Đêm thứ Sáu mình thấy người mệt hơn bình thường, ngủ không ngon. Sáng dậy mình quyết định gửi tin nhắn cho chú Quốc rất sớm, báo cháu phải hủy thôi vì người không khỏe, lỡ có gì lại lây cho chú. Cũng không phải là một ngày đẹp trời cho việc đi xem căn hộ - mưa sầm sập và rét buốt kinh khủng. Cả ngày hôm đó mình rất mệt, sốt cao, chóng mặt, nước mũi chảy, đau người… nói chung đủ các triệu chứng. Không tin test nhanh nữa nên mình quyết định đặt test PCR cho cả nhà vì thứ Hai cún sẽ từ SG về, phải biết kết quả rõ ràng để quyết định có cho cún về nhà không hay gửi đi ở chỗ khác. 9.30 sáng CN họ đến lấy mẫu và đến 4.30 chiều thì chàng trai nhà mình có kết quả đầu tiên – âm tính. Lúc sau kết quả của mình và Mr đến – cả hai đều dương tính, nồng độ virus của mình thậm chí rất cao là đằng khác. Con gái đề xuất bố mẹ sang Ecopark ở đi, nhường nhà cho con, con đi ở nhờ chỗ khác không tiện, vì đồ đạc của con ở nhà hết.

Cũng may, ngay từ thứ Bảy, mặc ông chồng cứ khăng khăng anh chỉ bị viêm họng, mình đã bảo mẹ sẽ rất hạn chế ra khỏi phòng ngủ, mẹ sẽ khử khuẩn thường xuyên các bề mặt, nhưng Tuấn cũng cần rửa tay thường xuyên và ăn cơm riêng. Vậy là nhà mình đã bật chế độ cảnh giác, chưa cách ly hoàn toàn nhưng cũng gần như cách ly từ thứ 7. Khi biết kết quả mình quyết định ngay – sáng thứ Hai sẽ dọn dẹp đồ đạc, sau đó khử khuẩn nhà cửa rồi mình và ông chồng sang Ecopark đi cách ly, hai anh em tự bảo ban nhau.

Vật vã hết một ngày thứ Bảy, đến sáng CN thì mình đỡ sốt cao, người cũng đỡ mệt hơn một chút, dù cả ngày CN mình vẫn chủ yếu làm bạn với cái giường và người vẫn hâm hấp. Nhà mình và vài người bạn biết tin, hết người này người kia hỏi thăm. Mình bảo, đi trước về trước, giờ em có kim bài miễn trừ rồi, kakaka. Bác V. bảo mình làm gì gì đó mà tỏi xay cùng dấm táo và một vài thứ khác, cực tốt cho phổi, mình bảo thôi em lười lắm. Bác K. thì không nói mình làm mà bảo để chị gửi cho dì một lọ. Thế là ngay CN mình đã nhận được và bắt đầu uống thần dược của bác 😊. Một cô em gọi điện cứ tha thiết đề nghị chị uống theo đơn của nhà em, gồm kháng sinh, kháng viêm này nọ. Mình trêu trêu có phải đơn này của bác sỹ Google không, bạn ấy không hiểu, bảo không không cái này em tự cho anh nhà em uống, anh ấy khỏi rồi. Mình biết cậu ấy vốn chẳng triệu chứng gì mấy nên bảo, biết đâu không uống thuốc của em vẫn khỏi thì sao, chị không uống theo đơn của bác sỹ Google đâu. Bạn ấy tự ái, bảo vâng vâng, thôi ạ. Hihi, vụ này mình hơi làm nàng mất lòng một chút, người ta có lòng mà mình không có dạ. Người Việt mình thật kỳ, bác sỹ học 5-6 năm kê đơn thì còn băn khoăn chán, không tin. Nhưng rất sẵn sàng tin các bác sỹ Google. Mình vốn rất ngưỡng mộ GS.TS. Nhà giáo ND Google, cái gì cũng biết, nhưng vụ uống theo trăm kiểu đơn trên mạng thì no, sorry.  

Vụ này mới hay chứ. Tối CN mình gọi điện cho dì Xuân, phân trần về việc cháu phải hủy hẹn, sợ ảnh hưởng chú dì. Vừa nói dứt câu dì đã cười sằng sặc bảo chú mày hai vạch chiều nay rồi, kakaka. Tối trao đổi với một chị bạn khác đang có một công việc làm chung, chị ấy bảo chị cũng đang có triệu chứng không khỏe rồi đây, mình bảo, chúc mừng, giờ bị F0 mới là đúng trào lưu chị ạ!

Những ngày này cảm tưởng như một nửa Hà Nội đã dương tính hết. Người thân, người quen thấy bị rất nhiều. Mọi người nói đùa tầm này chỉ cần nhốt những người âm tính lại, dương tính cho ra đường thoải mái, ai mà âm tính nhưng không sợ bị lây cũng cho ra đường thoải mái luôn. Nhà mình thế là đạt tỷ lệ 50% đã bị lây nhiễm rồi đấy. Thân phận F0 giờ bèo bọt lắm, chẳng ai thèm quan tâm, đâu có như cách đây một năm thì thôi rồi, cả hệ thống xông vào o bế 😊. Sự thật là số người nhiễm quá nhiều, hôm nay tin nhắn của phường mình là trung bình mỗi ngày 300 ca, đến cán bộ phường cũng dương tính gần hết thì làm gì còn ai làm việc.

Vậy nên mình cứ bình tĩnh tiếp đón vị khách không mời này theo cách của mình thôi – ngày hai lần uống thần dược của bác Kiều, uống bổ phế để ngăn ngừa ho, uống nước gừng sả chanh, luôn luôn là nước nóng. Bác Vân cứ nhắc mình vậy nhưng thực ra điều đó là thừa, vì vào những ngày lạnh nhất trong năm này – chỉ có 8-11 độ, mình không uống được nước lạnh luôn. Cũng may mình vẫn còn nguyên cả vị giác và khứu giác. Yes, let's wait and see. Hy vọng mình sẽ không bị thêm triệu chứng nặng nào.

 

 

14 tháng 2 2022

CON GÁI ĐI XA_02_BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG MỚI Ở SÀI GÒN

 

Con gái đã đi xa nhiều lần, nhưng mọi lần con đi ít hôm rồi về, còn lần này, con bước chân vào cuộc sống tự lập thực sự. Nhập học Nhạc viện Tp HCM từ tháng 10 nhưng suốt cả học kỳ 1 con học online nên bây giờ mẹ mới đưa con vào để học trực tiếp. Sau đây sẽ là những năm tháng dài đằng đẵng xa nhà, con sẽ chỉ về thăm nhà vào mỗi dịp nghỉ. Rồi ai mà biết được, con thậm chí có thể lập nghiệp xa nhà ấy chứ.

Từ năm ngoái, khi con lên kế hoạch việc đi học, mẹ đã đau đầu nghĩ đến chuyện thu xếp nơi ăn chốn ở cho con. Cái khó nhất là tìm một người để mẹ tin tưởng gửi gắm con. Đầu tiên hai mẹ con nghĩ đến chuyện con có thể ở cùng chị Tr., người mà đôi lần vô SG con đã đến ở nhờ ít bữa, con gái một người bạn của Dad. Con cũng có thể ở cùng cháu Y., hai cô cháu khá thân thiết. Kế hoạch chưa tiến hành đã bị đổ bể vì cả chị Tr. và cháu Y. đều có bạn trai, chuẩn bị cưới. Cuối cùng, con tự tìm được một người bạn trên mạng, chỉ là mối quen biết hết sức xa xôi. Mẹ gọi điên hỏi chị ý, xin số căn cước và chị ý đưa ngay. Nói chuyện thêm một hồi nữa thì mẹ cảm thấy tin tưởng phần nào. Hẹn hò thuê nhà từ tháng 6, nhưng rồi bệnh dịch bùng phát và tận đến tháng 12 thì mẹ mới khởi động lại vụ tìm nhà cho con. Hai mẹ con tìm hiểu các lựa chọn – căn hộ mini hay căn chung cư, khu nào là thuận tiện …, và cuối cùng dừng lại với tòa Central Garden, mà với người SG thì quen thuộc hơn với tên Chợ Nga. Nơi đó rất trung tâm, ngay giữa quận 1. Từ đó đến Nhạc viện chỉ khoảng 3km, con đi lại đỡ vất vả, rồi nếu mẹ nhờ ai đến ngó con thì cũng tiện. Tuy vậy, căn hộ đã thuê từ giữa tháng 12 nhưng rồi đến tận gần giữa tháng 2 mẹ mới đưa con vào.

Chuẩn bị cho việc đi “du học” con gái bận kinh khủng. Mẹ vẫn hay trêu con thật quảng giao. Nàng có rất nhiều bạn và suốt từ trước Tết đến sau Tết nàng bận rộn với việc chia tay bạn bè. Sau hôm mùng 3 ở Sapa về nàng bận cùng chị T. sang Ecopark ở lại chơi hai tối. Tiếp theo hôm thì bạn này, hôm thì bạn khác, hôm nào cũng bảo con đi ăn chia tay bạn. Theo kế hoạch, thứ Bảy hai mẹ con bay thì tối thứ 5 và 6 nàng sẽ ăn ở nhà. Vậy nhưng tối thứ 5 nàng vẫn miệt mài chia tay với bạn, rồi tối thứ 6 lại bảo bọn con hẹn nhóm F2 (là nhóm anh chị em họ bên đằng Dad.) Mẹ cương quyết, không, hôm nay con ăn cơm ở nhà, con dành thời gian cho người ngoài thì cũng phải dành thời gian cho gia đình. Mẹ chủ động gọi điện cho chị Ph., xin lỗi chị về việc không cho con đi ăn cùng nhóm. Kết cục là hôm đó 7.05 nàng đi tập đàn về, ngồi ăn cùng cả nhà đến 8h kém 15 thì nàng bảo giờ con xin phép đi cà phê với nhóm F2 được không ạ. Mẹ trêu, cả nhà cảm ơn con đã dành cho cả nhà 40 phút quý báu 😊. Chưa hết, 10.05 tối nàng về đến nhà, quẳng xe vào nhà rồi bảo con xin phép ra ngõ 5’, có bạn đến tặng quà chia tay cho con. Ôi ôi cô con gái tôi!

Cuối cùng thì có vẻ con đã chia tay xong với mọi bạn bè của mình. Mẹ cũng kịp đưa con đi chào một đôi người bạn, họ hàng, nhưng vẫn còn bác L. thì con chưa thu xếp được thời gian đi và hai mẹ con đành hẹn ít bữa nữa con ra đến chào sau vậy.

Xong hết mọi việc, tối thứ 6 hai mẹ con chuẩn bị để lên đường. Con bảo đêm nay con sẽ thức cả đêm, một thời điểm quan trọng thế này cơ mà. Mẹ dặn dò con nhớ mang đầy đủ đồ dùng, bắt đầu một cuộc sống mới cơ mà. Nàng bảo con thấy chả có gì cần mang và mẹ muốn để con tự thu xếp nên không can thiệp. Kết cục hai mẹ con chỉ có mỗi người một valy nhỏ. Vụ này vào SG mới thấy thiếu tùm lum và phải đi sắm một số thứ mà ở nhà vốn đã có.

Chị L. ở cùng con có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn, mới gặp lần đầu nhưng mẹ thấy khá tin tưởng. Mẹ dành một buổi sáng đi siêu thị, cùng con gái sắm thêm một số thứ để ổn định cuộc sống cho con. Căn hộ đã có những thứ cơ bản – máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, đồ gỗ, và chị L. đã sống ở đây nên đồ nấu nướng về cơ bản đã có. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số thứ như đôi dép đi trong toilet, ga gối mới, mắc áo… Cứ làm gì mẹ lại dặn con về việc sau đây con sẽ phải làm những việc này. Trước giờ con gái chỉ thích được bay xa khỏi mẹ, giờ bảo, huhu, con nghĩ lại rồi, con muốn mẹ vào đây với con. Con gái còn trêu mẹ, nếu mẹ thuê cho con một căn biệt thự bên Phú Mỹ Hưng hoặc Thảo Điền, có quản gia và lái xe riêng thì con đỡ buồn 😊. Yes, cô con gái của tôi thật có năng khiếu tiêu tiền!

Mẹ dẫn con gái đi gặp bác T., một người bạn của mẹ mà đã hơn 30 năm chưa gặp lại, lang thang cùng bác một buổi tối, ăn cơm tấm SG rồi đi ra bến Bạch Đằng, ngồi ôn lại những kỷ niệm của một thời vất vả hơn 30 năm trước. Rồi hai mẹ con đi thăm bác Ch., một người bạn khác. Bác Ch. mang hết món này món khác ra tiếp đãi hai mẹ con, dặn dò con cần gì cứ gọi các bác, hẹn sẽ đến căn hộ thăm con, rủ con đi chơi cùng gia đình bác. Rồi bác chia sẻ về chuyện bác cũng lo lắng thế nào mỗi khi không liên lạc được với con trai bác đang học ở bên Úc. Ngồi nói chuyện với bác T., bác Ch., hay khi bà hỏi thăm, rồi lúc ngồi cùng con ăn bữa tối ở Loteria, hay lúc đi trên đường, cứ nghĩ đến chuyện sau đây để con gái bé bỏng ở lại SG một mình, nước mắt mẹ lại ứa ra.

Bây giờ thì con gái đã vào lớp, học buổi trực tiếp đầu tiên, lần đầu tiên gặp thầy cô và các bạn mặc dù đã học cả kỳ I cùng nhau. Mẹ dặn dò con về những điều cần làm, về việc mẹ cũng bắt đầu đi ở tập thể khi mẹ bằng tuổi con bây giờ, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều. Mẹ đã vượt qua tất cả, vậy thì không có lý gì con không vượt qua khi mà bây giờ mọi điều kiện đều thuận lợi hơn rất rất nhiều lần.

Tuần sau con sẽ bay ra Hà Nội để diễn tới 3 buổi liền ngoài đó, rồi cùng dàn nhạc bay vào để diễn một tối rất hoành tráng ở Bình Dương. Con bảo coi như chuyến đi này là tiền trạm, thiếu gì con sẽ mang vào đầy đủ sau. Còn với mẹ, mẹ đang tập “cai con” đây, hôm qua chat với bác Ch. mẹ nói thế là nước mắt chảy ra, rồi viết đến đây mắt lại rơm rớm.

Con gái yêu, hãy cố gắng con nhé. Chẳng có thành công nào tự dưng đến. Sẽ nhớ nhà, nhớ Hà Nội, nhớ những người bạn. Sẽ khó khăn, sẽ phải tập làm quen với cuộc sống mới… Nhưng chắc chắn, đây là cơ hội để con trưởng thành, để con vững bước trên con đường của mình, mà mẹ lúc nào cũng ở bên, sẵn sàng chìa tay mỗi khi con cần. Yêu con gái thật nhiều!


12 tháng 2 2022

NHỚ HOA LÊ TRẮNG NGÀY XƯA

 Trưa nay một bạn ở văn phòng đặt mua hai bó hoa lê. Bạn ấy mang bó hoa vào văn phòng, sung sướng khoe với mọi người. Những cành lê nhỏ bằng ngón tay, dài khoảng hơn mét, được bó gọn gàng. Chỉ nghe từ “hoa lê” là trong lòng mình đã trào lên cả một trời thương nhớ. 

Ngôi nhà tuổi thơ của mình ngày xưa là một ngôi nhà ba gian, phòng khách ở giữa, nơi bố mẹ kê một chiếc giường đơn cho em Thực, phòng ngủ của bố mẹ một bên, bên kia là gian nhà được ngăn ra bằng tấm rido, bên trong kê hai chiếc giường đôi cho bốn đứa con gái. Nhà lợp ngói xi măng trắng do bố mẹ tự làm, mà câu chuyện làm ngói này cũng vô cùng thú vị. Đi ngang qua phòng bố mẹ, hoặc đi theo hiên mấy bước thì sẽ xuống bếp, nơi có bếp củi, gác củi, chạn bát, và là nơi cả nhà ngồi ăn uống.

Vườn nhà mình khi đó tuy không nhiều nếu so với các nhà khác trong xóm, nhưng cũng có một số cây ăn quả tương đối lâu năm. Không kể đào và mận, chỉ tính riêng lê thì ngay bên hông bếp là một cây lê to. Sau bếp là một cây lê to khác, và ngồi nhìn thẳng từ cửa bếp ra sẽ thấy một cây cũng to không kém. Quanh vườn nhà còn vài cây nhỏ hơn nữa. Hoa lê nở muộn, sau khi hoa đào và mận đã dần tàn. Những đứa trẻ bọn mình quen với cây cối từ nhỏ, liếc qua thân cây hay lá là phân biệt được ngay các loại cây mận, đào, lê, nhiều khi cả giống nữa, như giống mận Tả Van, mận hậu, mận Hoàng Tả Lý… Cây lê thường vươn thẳng, những cây trưởng thành cao hơn đào mận nhiều trong khi hai loại cây kia có xu hướng tỏa tán rộng. Hoa lê trắng muốt, tinh khôi, từng chùm từng chùm. Chỗ khu vườn, giờ là công viên trung tâm có mấy cây mắc cọp, mùa xuân về cả cây cũng phủ đầy hoa trắng, mà giờ những cây đó bị chặt hết rồi. Mình nhớ có lần bố làm thí nghiệm cho bọn mình xem, cắm cành hoa lê vào lọ nước pha mực Cửu long, lát sau cánh hoa chuyển sang màu xanh do hút nước từ lọ lên.

Qua tháng ba, tháng tư, những quả lê dần lớn, rất chậm. Đến tháng 5 tháng 6 rồi tháng 7, những cành lê trĩu quả dần cong xuống dưới sức nặng của những quả lê đã to hết cỡ, lần lượt có má hồng và được coi là chín. Một hôm nào đó, cả nhà đang ngồi ăn trong bếp bất chợt nghe một tiếng rắc to. Hóa ra một cành lê to trên cái cây ngay ở vườn trước bếp đã gãy dưới sức nặng của những quả lê. Mùa hè bọn mình ăn quả đến thỏa thích, cứ ra vườn thấy quả nào thích là hái ăn luôn, chẳng cần gọt vỏ hay bổ gì. Mà chẳng hẳn là mùa hè, đào non bọn mình đã hái chấm muối ăn từ lúc còn bé như ngón cái, tầm tháng Hai, tháng Ba gì đó. Dù cùng gọi là đào, mận hay lê thì sẽ có các giống khác nhau, cây chín sớm, cây chín muộn nên mùa ăn hoa quả của bọn mình kéo rất dài 😊. Mình vẫn còn nhớ bức ảnh bố và em Thực, chụp bên chùm quả lê rất sai. Bố ngày đó trẻ lắm, mới ngoài 50 chứ mấy. 

Thường sẽ có người đến nhà mua. Mẹ làm mấy cây sào có rọ ở đầu để khi có khách mua, cả nhà cùng xúm vào hái, bán vãn từng cây. Ngoài bán buôn như vậy, mình cũng thường thồ lê ra ngã ba, ngồi bán cho những xe khách dừng nghỉ ở đó trên con đường đi Điện Biên, Lai Châu và ngược lại, từ đó về Lao Cai, Phố Lu. Ngày đó lê, đào và mận thường được cho vào những chiếc giỏ. Chưa có túi nylong, mình không còn nhớ những người mua 1-2 ký thì làm sao, hình như họ sẽ có túi để bọn mình bỏ lê vào đó.

Tháng năm qua. Giờ cả thị trấn chỉ còn sót lại vài cây đào, cây mận. Cây mắc cọp cổ thụ chỗ công viên trung tâm đã bị đốn hạ từ khi nào mình cũng chẳng biết. Lê hầu như vắng bóng. Có những dự án trồng lê, trồng mận ở dưới xã nên muốn ngắm hoa phải bỏ công đi xa chút. Truyền thông đã làm tốt công việc của nó trong việc phát tán cái sai, nên tên gọi “mận hậu” vốn “thổ dân” Sapa chỉ dành để gọi giống mận róc hạt, vỏ và ruột màu xanh, giờ được dùng để gọi bất cứ thứ gì là mận từ Hà Giang, Bắc Hà hay đâu đó, miễn là miền núi, mang về Hà Nội bán. Và thường xuyên hơn cả đó là giống mận tam hoa Bắc Hà, hoặc một giống mận vỏ vừa có màu xanh lại má hồng. Cách gì thì đó cũng không phải là hương vị mận hậu của mình ngày xưa! Dân Hà Nội, hoặc dân không phải Sapa nói chung chẳng ai phân biệt được mắc cọp và lê, hoặc tư duy ngược lại, quả có hình bóng đèn gọi là mắc cọp, và loại quả tròn, mà dân Sapa xưa giờ gọi là mắc cọp, thì được gán tên là lê. Hoa lê của mình xưa giờ chỉ còn trong kỷ niệm . Người ta mang hoa lê về phố bán. Những cành lê gầy guộc, mỏng manh.. Cách đây vài năm, khi phong trào đó chưa rộ lên, có một hôm mình thoáng thấy bóng mấy nụ hoa quen, mình phóng theo mãi để tận mắt nhìn xem có đúng đó là hoa lê. Và đến khi biết rõ đấy là hoa lê, mình cứ buồn buồn, Những bông hoa lê của mình ngày xưa khi bị ngắt ra khỏi mạch sống, xứ sở của nó dường như lạc lõng ở cái xứ này, nhìn tội nghiệp như cô gái quê xinh đẹp một hôm bỗng dưng thấy mình mặc mini jupe đứng ở Bờ Hồ.

Ừ, mà buồn làm gì. Đến cả cái thân xác, thứ là “của mình” nhất, rồi một ngày cũng tan biến, vậy nên hãy take it easy/coi mọi việc nhẹ nhàng đi. Vậy mà những cơn thương nhớ cứ thỉnh thoảng lại quay về!

Hoa lê xuống phố (Ảnh: Internet)
Ngày xưa, ngày xưa ơi! (Ảnh: Internet)


  

08 tháng 2 2022

HOA KHÔNG QUÊN

 Những bài hát Nga luôn mang mình trở về với những năm tháng tuổi xanh. Đôi lúc mình nhớ đến con đường cổ tích, đoạn từ bến Công viên ra Chợ Dưới, nơi những dịp cuối xuân mỗi ngày búp lá búp lá lại bung to ra đến bất ngờ, đến địa điểm đấu súng của Lermontov, nơi đầu xuân những búp hoa xuyên tuyết màu hơi xanh vươn lên qua những lớp lá mục phủ kín mặt đất. Hay con đường sau ký túc xá nở rợp hoa tử đinh hương. Mấy đứa cùng năm bọn mình đã cùng nhau hát không biết bao nhiêu lần bài hát Hoa không quên/Hoa lưu ly của Ион Суручану. Lũ con gái chúng mình ở độ tuổi 20 phơi phới ngày đó đã bị thì chàng ca sỹ ngoài 40 tuổi làm ngẩn ngơ với những lời ca giản dị và giọng ca trầm ấm quyến rũ. Và bây giờ, nghe lại những lời ca ấy, mình như thể được quay trở về với một bầu trời thương nhớ ngày xưa ấy!

Незабудка

Мы с тобою встретились посредине лета,
Были голубыми небо и цветы.
Я скажу спасибо случаю за это,
Что передо мною появилась ты

Hoa không quên

Đôi ta quen giữa những ngày hè

Trời xanh thẳm và cỏ hoa rực rỡ

Anh thầm thì cảm ơn vì tất cả

Vì trước anh em xuất hiện bất ngờ

Я своё смущенье приукрасил шуткой,
И ещё подумал про себя тайком,
Что тебя назвал бы только незабудкой
Голубым и нежным солнечным цветком

Câu đùa nhẹ anh giấu niềm bối rối

Và trong lòng, thầm nghĩ lén riêng anh

“Hoa không quên” – giá được gọi em như vậy

Bông hoa nhỏ xinh, ngời nắng, dịu dàng

Припев:
Незабудка, незабудка иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка в сказке я живу как будто,
И тебя я незабудка не забуду никогда

Điệp khúc:

Hoa không quên, hoa không quên bé nhỏ

Đôi khi phút giây hơn cả trăm năm

Hoa không quên, phải trong mơ anh đang sống?

Và sẽ chẳng bao giờ quên em, hoa không quên.

Так судьбa нам выпалa, что пришлось расстаться,
Даже твоё имя неизвестно мне.
Только остаётся мне с тобой встречаться
Звёздными ночами, да и то во сне

Số phận định chúng mình phải chia xa

Tên em đó anh cũng chưa được biết

Chỉ còn được gặp em trong những đêm đầy sao

Trong giấc mơ dịu ngọt của riêng mình

Я стою, волнуясь, в телефонной будке,
Телефон твой где-то мне нашли друзья.
Набираю номер, здравствуй Незабудка!
Так всю жизнь хотел бы звать тебя лишь я

Trạm điện thoại, anh bồn chồn, lo lắng

Số em đây bè bạn giúp anh tìm

Run tay bấm, chào em, hoa không quên!

Mong được gọi em như vậy, suốt đời anh

Припев (2 раза):
Незабудка, незабудка иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка в сказке я живу как будто,
И тебя я незабудка не забуду никогда

Điệp khúc:

Hoa không quên, hoa không quên bé nhỏ

Đôi khi phút giây hơn cả trăm năm

Hoa không quên, phải trong mơ anh đang sống?

Và sẽ chẳng bao giờ quên em, hoa không quên.

05 tháng 2 2022

THƯƠNG NHỚ HOA CẢI VÀNG THÁNG CHẠP

Đã quyết định ăn Tết tại Hà Nội, vậy nhưng đến 26 Tết thì hết các bác rồi bà gọi điện thuyết phục mình đưa bọn trẻ về với ông bà. Các bác bảo ông bà nhớ thương bọn ở xa, bạc cả đầu vì trông ngóng, chứ bọn chị ở đây ngày nào, tuần nào chả về. Rồi Dương chuẩn bị đi Sài Gòn học, biết đâu ông chả còn gặp được cháu. Bà bảo ông nhất thiết muốn gặp Dương trước khi con bé đi Sài gòn, ông chả sợ gì Covid cả. Cả nhà đã nói thế, mình biết làm sao. Vậy là kế hoạch bị thay đổi vào phút chót, khiến mình cũng hơi bận rộn chút vào ngày cuối ở lại Hà Nội.

Ngày 27 hai mẹ con chở nhau đi trong mưa bụi lạnh đến thăm bác Túc vì mình nhất thiết muốn đến thắp hương cho ông bà trước khi đi Sapa. Thắp hương cho ông bà xong, hai mẹ con ngồi bên bác Túc, nghe bác kể lại những giai đoạn trong lịch sử của gia đình, rồi bác chỉ cho cún xem cỗ khán thờ, bức cuốn thư, những món đồ ông bà để lại từ những năm 40. Sau nhà bác Túc hai mẹ con đi tiếp một đoạn đường xa ơi là xa đến nhà bác Như, rồi sau đó chở con gái đi gặp các “đồng nghiệp”, “con có việc rất quan trọng” 😊, nên khi mẹ về đến nhà thì đã tối mịt, tay lạnh cóng, và tất nhiên chả thể nào lượn lờ mua được hoa hoét gì.

Sáng 28 cả nhà sắp xếp đồ đạc, sang Ecopark nhận căn hộ mới, ăn bữa trưa đơn giản tại căn hộ mới rồi lên đường phóng lên Lao Cai, nơi bác Vân đã hẹn đón cả nhà ăn bữa tất niên. Ăn xong bữa tối cả nhà còn chuyện trò một lúc, vậy nên tới tận 7.30 cả nhà mới rời Lao Cai về Sapa. Bà dặn từ trước, sương mù dày lắm đấy, vậy nhưng cả nhà vẫn chưa hình dung sẽ mù đến cỡ nào. Trời bắt đầu mù khi đi được hơn nửa đoạn đường. Trước mặt khoảng 5m đã rất khó nhìn, xe cứ phải căn những vệt phản quang giữa đường để bám vào đó mà lò dò. Cả hơn chục km cứ đi như vậy, cho tận đến khi vào thị trấn, có đèn đường thì mới đỡ hơn chút. Hai anh em khoái chí lắm, quay video và trầm trồ, ôi ảo thật ấy, cứ như trong phim kinh dị.

Ông bà có cháu về mừng lắm, tíu tít. Các bác đã chuẩn bị từ trước nhiều, nên việc bếp núc của mình khá đơn giản. Và lúc này lúc khác, mình và bà có thời gian ngồi ôn lại những câu chuyện xưa cũ, những câu chuyện lúc nào cũng khiến Cún mắt tròn mắt dẹt, hoặc thấy thú vị quá, hoặc thấy bà “ngầu” quá 😊.

Những ngày này Sapa rất vắng vẻ. Khách sạn sau nhà chẳng có khách. Chính xác hơn là người thuê đã trả, hiện chưa có chủ mới, nên tất nhiên cũng không có khách. Cún thích được ở trên đó một mình, bà bảo, thì cả khách sạn đấy, con muốn ở đâu thì ở, cún bảo, ôi, một mình ở cả khách sạn, ngầu thật sự. Còn mẹ thì trêu, coi như là con thuê bao toàn bộ khách sạn, nhỉ 😊.

Tết năm nay lạnh hơn nhiều so với những Tết gần đây. Không hẳn là mưa nhưng sương mù rất nặng hạt. Cả nhà suốt ngày ngồi bên bếp lửa, còn chẳng thò đầu ra ngoài cửa. Mình và cún rủ nhau sáng mùng hai sẽ đi bộ dạo quanh thị trấn, ngắm những cây hoa đào mà hôm trước mới chỉ kịp nhìn thoáng qua cửa kính xe, vậy nhưng sương nặng hạt quá nên kế hoạch đó đành bị hủy. Dù thế, có tối cún vẫn ra ngoài mua kem ăn và bảo ôi con thấy mình ngầu thực sự. Có lúc nàng lại nghịch trò hà hơi, thích thú bảo con hà ra khói này.

Sapa mùa này hoa cải nở rất nhiều. Những nhánh hoa cải vàng dịu nhẹ, duyên dáng từ những cây cải mèo. Những nhành hoa cải trĩu xuống dưới sức nặng của những giọt sương tê tái, đặc trưng của Sapa, rồi hôm khác dường như thắm hơn trong cái nắng hanh hao mùa xuân. Cái mảnh vườn sau nhà mình ngày xưa mùa xuân vàng ươm một màu, và trong ký ức mình mãi còn lại tấm ảnh bé xíu cỡ 3*4, mấy chị em đứng hàng đầu, do bác Võ An Ninh chụp khi mình mới 7-8 tuổi gì đó nhưng bé như cái kẹo. Rồi một cái Tết năm nào đã rất xa xôi, trời nắng, các chị mải mê đi chơi với bạn, mình ngồi đọc Kiều cho mẹ nghe ở đầu hè, kế bên là vườn hoa cải nở vàng.

Và từ những ngày cuối cấp hai ấy, mình đã thuộc rất nhiều thơ Nguyễn Bính, thuộc đến tận bây giờ

“Anh trồng cả thảy hai vườn cải

Tháng chạp hoa non nở cánh vàng

Lũ bướm láng giềng đang khát nhụy

Mách cùng gió sớm rủ rê sang”

Những vườn cải xưa của mình giờ đã trôi vào dĩ vãng. Cả Sapa giờ chỉ còn lác đác vài cây hoa đào, hoa mận và những vạt cải nhỏ nhoi lẩn giữa những ngôi nhà cao tầng. Còn mình thì thương nhớ hoa cải tháng chạp, biết bao giờ nguôi!

Sapa chìm trong sương mù và giá rét
Ông bà bên bếp lửa thật ấm áp
"Thương nhớ biết bao giờ nguôi"