03 tháng 12 2023

NHẬT KÝ NƯỚC ÚC_04_LANG THANG SYDNEY

 

Mình đến Sydney lần đầu năm 2019 nhưng đó chỉ là một chuyến ghé thăm ngắn ngủi, kịp đi dạo vài bước trên bờ vịnh chỗ nhà hát Opera Sydney và ăn một bữa trưa tại khu phố Tàu. Dù muốn khám phá thành phố này nhiều hơn, lần này mình cũng chỉ có vỏn vẹn 1 ngày rưỡi trước khi bay về Việt Nam.

Chọn xong một khách sạn ở ngay khu trung tâm, gần với Darlington Harbour nổi tiếng, cách phố Tàu vỏn vẹn 5’ đi bộ, mình bắt đầu cân nhắc cách tận dụng tốt nhất khoảng thời gian ngắn ngủi ở lại thành phố này.

Rời Melbourne khi trời hơi mưa, lúc hạ cánh xuống Sydney mình lại được nhìn thấy một bầu trời xanh không gợn mây, và những cây phượng tím trên đường về khách sạn. Căn phòng mình ở nhìn ra một con phố yên tĩnh, ngay bên ngoài cửa sổ là một khu vườn nhỏ với những chiếc lá non biếc xanh màu xuân. Trời đẹp, vừa đủ ấm áp, ra đường chỉ cần một chiếc áo khoác nhẹ là đủ. Về đến khách sạn khi còn khá sớm, mới có 11h sáng, check in xong mình lập tức xông ra đường tìm chỗ ăn trưa. Vừa đi mấy bước ra đường lớn mình nhìn thấy một cái tháp nhỏ đề University Technology of Sydney. Wow, trường chị Hà học ngày xưa đây. Ngày xưa rất hay nghe chị Hà kể về UTS với giọng đầy yêu thương, và mình thì ghen tỵ không biết bao giờ mình mới được đi học ở một nước nói tiếng Anh để giỏi tiếng Anh hơn, để hiểu về nền văn hóa của họ, phục vụ cho việc dịch sách văn học. Thế rồi mình cũng đi học ở Anh, làm việc trong môi trường nói tiếng Anh, có đủ trải nghiệm nào là với Bỉ, rồi Úc, rồi Mỹ, lại còn có những người bạn vô cùng thân thiết như chị Anne hay Greg. Nhớ ngày nào đó nói chuyện với một người bạn, mình bảo em ngưỡng mộ chị ấy quá, bạn mình bảo, đường đời mỗi người một ngả. Yes, bây giờ mình hoàn toàn tự tin mình đã có một cuộc sống, một công việc có ý nghĩa, và quan trọng hơn, mình đã không ngừng nỗ lực suốt cả cuộc đời.

Buổi chiều đầu tiên mình ưu tiên cho Bảo tàng Australia/Australian Museum. Và trên đường đến Australian Museum thì mình sẽ dừng ở nhà thờ thánh Andrew ít phút và đi ngang qua công viên Hyde Park. Nhà thờ Chính tòa Đức mẹ Maria nằm ngay cạnh Bảo tàng, mình có thể vào đó sau khi thăm bảo tàng. Yes, có vẻ hợp lý rồi, bắt đầu thôi.

Sau khi lang thang trong bảo tàng khoảng hai tiếng rưỡi, với chủ đề về thiên nhiên (mình đặc biệt ấn tượng về các loại chim, mà đặc biệt là vẹt của Úc), văn hóa của người thổ dân, và tất nhiên không thiếu các phòng trưng bày nghệ thuật, đầu mình không còn nạp được thêm thông tin gì nữa nên mình quyết định rời bảo tàng. Cách bảo tàng chừng 5’ đi bộ, ngọn tháp của Nhà thờ Chính tòa Đức mẹ Maria, ngôi nhà thờ được xây từ năm 1866 theo phong cách Gotic nổi lên sừng sững trên nền trời biếc xanh. Khoảng sân trước nhà thờ rất rộng, các chậu hoa nở rực rỡ. Nhà thờ rất lớn, uy nghi, mình đứng ở khoảnh sân trước nhà thờ, ngước lên nhìn hai ngọn tháp cao vút, lòng ngập tràn sự bình yên và hạnh phúc. Hôm đó mình gặp may, dù không tra thông tin trước nhưng 5h là giờ đọc kinh chiều. Trên giá có để những cuốn sách kinh cho mọi người cùng đọc. Vậy là mình và một số khách khác cầm sách, ngồi vào một khu riêng để cùng nhóm các giáo sỹ/linh mục đọc kinh cầu nguyện. Sau giờ đọc kinh mình còn lang thang trong nhà thờ thêm ít phút, đi vòng quanh nhà thờ, đốt một ngọn nến cầu cho bố mình, ngắm những vòm cửa sổ được trang trí bằng kính màu và cảm tạ Chúa đã dẫn dắt con đường của mình, cho mình được đi ra, nhìn ngắm thế giới và đến ngôi nhà của Chúa ở nơi đây.


Nhà thờ Chính tòa Đức mẹ Maria
Nhà thờ rất lớn, bên trong lộng lẫy vô cùng

Trước khi lên tàu điện về lại khách sạn, mình còn nấn ná ngồi lại tới 15’ trên chiếc ghế băng chỗ bến tàu, cũng là nơi trung tâm nhất của thành phố và ngắm tòa nhà thị chính, ngắm cây phượng tím bên hông tòa nhà đang nở hoa rực rỡ, ngắm tòa nhà của nữ Hoàng/Queen Victory Building phía xa, vĩ đại, nặng nề mà cũng rất cầu kỳ. Mãi đến lúc ánh nắng cuối ngày tắt dần phía sau những vòm lá công viên, trời trở nên se lạnh mình mới lên tàu điện về khách sạn.

Bên ngoài Bảo tàng công lý

Ngày thứ hai ở Sydney mình mua một tour đi thuyền trên vịnh kèm bữa trưa buffet. Tận 12h tàu mới khởi hành, vậy nên kế hoạch sáng đó của mình là dạo chơi một lát trong Vườn Bách thảo Hoàng gia, ghé thăm Bảo tàng Công lý và bảo tàng Sydney. Thật tiếc, bảo tàng Công lý chỉ mở cửa vào cuối tuần, nhưng bảo tàng Sydney, dù khá nhỏ, thực sự rất thú vị, với phần giới thiệu không thể chi tiết hơn về công trình xây dựng nhà hát Opera Sydney cũng như lịch sử thành phố. Mình bảo con gái, mẹ mơ ước một ngày nào đó con biểu diễn ở nhà hát này và mẹ ngồi nghe. Con gái bảo, gớm, mẹ mơ mộng quá đấy. Tại sao không, có ai đánh thuế ước mơ đâu. Và con chẳng nói đi nói lại mấy lần đấy thôi, nếu mình rất rất muốn một điều gì và cố gắng hết sức, con tin mình sẽ đạt được. Vậy nên mẹ cứ việc mơ ước, nhỉ 😊.

Ngồi trên chuyến tàu buổi trưa đó, ngắm thành phố nằm xung quanh bờ vịnh với những ngôi nhà chắc hẳn nhiều triệu đô của các đại gia hay người nổi tiếng, ngắm cây cầu, nhà hát và những chú chim hải âu lúc thì chao mình trong nắng, lúc thì đùa nghịch trong làn nước, mình chụp ảnh ly vang gửi cho con gái với lời nhắn, mẹ có chuyến đi chơi sang chảnh nè, con gái bảo, Ghê 😊. Ngắm một du thuyền to đùng đang đậu gần đó, mình ước kiếm đủ nhiều tiền để đưa cả hai đứa trẻ nhà mình và các chị mình quay lại đây, cùng nhau quẩy một hai đêm trên con thuyền đó. Haiza, giấc mơ này có vẻ cũng rất to. Nhưng ai mà biết được, nghèo thì lâu, giàu thì mấy, kakaka.


Ngắm bờ vịnh từ các hướng khác nhau
Và nhâm nhi ly rượu, giá cùng con gái thì tuyệt :)

Dù chỉ có 1.5 ngày lang thang ở Sydney, mình đã được nhìn ngắm khá nhiều – lang thang trên bờ vịnh, đi du thuyền, thăm các bảo tàng, thăm Vườn Bách thảo Hoàng gia, thăm nhà thờ, ngồi ngắm hoàng hôn trên bờ vịnh. Tuy thế, mình vẫn chưa được nghe nhạc trong Nhà hát con sò do chẳng có buổi biểu diễn nhạc cổ điển nào trong những ngày mình ở đây. Và còn Blue mountain, còn Bảo tàng công lý, Bảo tàng nghệ thuật, hay có đồng bọn để đi lang thang, ngồi uống bia ở khu Rocks –những điểm nhấn mà mình rất muốn đến. Vậy nên nhất định mình sẽ phải quay lại đây lần nữa, trong một chuyến đi chơi thong thả hơn, với chàng trai và cô gái yêu thương của mình.

Nhưng bây giờ thì tạm biệt Sydney, tạm biệt nước Úc nhé. Và hẹn ngày gặp lại!

25 tháng 11 2023

NHẬT KÝ NƯỚC ÚC_03_NƯỚC ÚC MÙA HOA

 

Lần đầu mình đi Úc vào tháng 7, khi đó đang mùa đông, nên cảnh sắc dù đẹp nhưng không quá đặc biệt, tuyết chẳng có mà hoa cỏ, lá vàng cũng không. Lần tiếp theo mình đi vào tháng 5 – cuối thu, và mình đã được thưởng thức những khu rừng, hàng cây rực rỡ trong mùa thay lá. Lần đi này, không cố tình chọn mùa, nhưng mình đã may mắn được biết đến một nước Úc của mùa hoa trong độ rực rỡ nhất.

Dù mục đích lớn nhất của chuyến đi là thăm chú thím, vậy nhưng sau buổi chiều đầu tiên các em lập tức nghĩ đến việc đưa mình đưa đi chơi và chọn đưa mình đi thăm lễ hội hoa tulip. Thím và các em cũng đã lâu không đi chơi chỗ đó, nên hai em đùa bảo, nhờ có chị chúng em mới được đi chơi đấy.

Lễ hội hoa tulip đã vào những ngày cuối. Một nửa số luống hoa đã tàn và số lượng hoa cũng thu hẹp nhiều so với vài năm trước, các em bảo vậy, thế nhưng chuyến đi với mình vẫn rất đáng giá. Mùa xuân mà, chưa cần hoa tulip chỉ cần ngắm những vòm lá biếc xanh hay những chiếc lá non mang màu đỏ thẫm, những chùm hoa anh đào, hoa mận và rất nhiều hoa mùa xuân rực rỡ cũng đủ cho lòng mình rộn ràng vui sướng. Mình và các em lang thang ở vườn hoa khá lâu, chậm rãi ngắm những luống hoa tulip đủ màu sắc, hình dạng, cả những bông hoa tulip màu gần như đen sẫm (làm mình nhớ cuốn truyện ngày xưa “Hoa Tulip đen”), cả những khoảnh vườn với rất nhiều loại hoa khác nhau, rồi cùng nhau chụp ảnh ở một chiếc chòi giữa vườn rất đẹp. Tụi mình cười đùa, trêu nhau, thực sự cảm thấy vui vẻ, ấm áp và gắn bó, mình bảo, chị ghen tỵ với hai em quá, chị cũng thèm có một người chị em sinh đôi như vậy 😊. Thím đã nhiều tuổi, đau chân, dù các em mang xe đẩy nhưng thím vẫn không muốn đi nhiều, bảo thím ngồi ngắm mọi người được rồi. Nhìn các em chăm sóc thím, mình thấy áy náy vì mình còn chả dành được nhiều thời gian và sự chăm sóc như vậy cho bố mẹ.

Một nửa số luống hoa tulip đã tàn. Dù thế, chỉ những gì còn lại cũng đủ để mãn nhãn
Hoa pion đây
Rất nhiều loại hoa đỗ quyên màu sắc và hình dạng khác nhau một chút
Lá cũng đẹp như hoa
Và một bờ lá non

Có một khoảng thời gian rảnh rỗi ở Melbourne hẹn hò với T.A, mình rủ cậu đi vườn Bách thảo. Vậy là sau một hồi lang thang và ăn trưa trong cà phê của bảo tàng mà chàng trai mời với lý do giờ con đi làm, có lương rồi, con mời mẹ, mình và chàng trai đi 2 bến tàu điện đến vườn Bách thảo. Năm 2019 mình đã đến khu vườn này vào mùa thu, và lần này mình quay trở lại giữa mùa hoa. Hai mẹ con lang thang rất lâu trong bầu không khí trong lành, trong ánh nắng buổi chiều trông rực rỡ mà chỉ vừa đủ ấm áp chứ không nóng, ngắm những cây/vạt hoa rất đẹp. Tuấn Anh cứ suýt xoa sao ở ngay đây mà con không để ý nhỉ, hôm nào con phải quay trở lại. Khu vườn thực sự rất đẹp, với một số loài cây/hoa có thể xếp vào dạng “kỳ hoa dị thảo”.


Thiên đường cũng chỉ cần đẹp thế này :)

So với vườn Bách thảo Melbourne thì Vườn bách thảo hoàng gia ở Sydney rộng hơn, bao quanh vịnh nên có một vẻ đẹp khác hẳn. Mình có quá ít thời gian ở Sydney, vỏn vẹn 1.5 ngày, nên thời gian dành cho công viên không đủ để mình đi một vòng. Dù thế, mình vẫn kịp ngắm vô vàn những loài hoa lạ đang vào giữa mùa khoe sắc và ngắm những cây phượng nở tím một góc trời. Công viên mùa xuân, buổi sáng trời hơi se lạnh, sau một lúc đi bộ thì chả còn thấy lạnh tý nào. Mình đi chơi công viên vào sáng thứ Sáu, có phải vì thế mà nó vắng vẻ, nhưng thực tế Úc dân số ít, công viên/cây xanh nhiều, vậy nên họ chả bao giờ có cảnh chen chúc, nườm nượp người. Công viên ở ngay cạnh Nhà hát Opera Sydney,  có những nhóm khách nhỏ ghé chân vào khoảng công viên cạnh đó, những chỗ xa hơn thì có rất ít người, một vài người chạy bộ, một vài ông bố bà mẹ đẩy xe đưa con đi dạo, nhóm thanh niên nằm phơi nắng. Cuộc sống cảm giác như vô cùng thanh bình, thư thái. Mà có lẽ sống trong một khung cảnh hiền hòa, đẹp đẽ như vậy khiến cho con người trở nên hiền hòa.



Vài hình ảnh hoa trong Vườn Bách thảo Hoàng cung Sydney
Nước Úc mùa hoa thật quyến rũ lòng người. Nhưng mình bảo chị Anne, đất nước chị đẹp thật đấy, nhưng không phải là đất nước em. Em muốn đến thăm nhưng em chưa bao giờ muốn định cư ở nước ngoài. Mình kể chị nghe những câu chuyện về gia đình mình, về những người Việt di cư, như thể một cái cây bị bứng đi, và mãi mãi vẫn đau đáu về quê hương, chẳng bao giờ hoàn toàn bén rễ ở mảnh đất mới. Mỗi lần nghĩ về những người Việt xa xứ, mình lại nhớ đến những câu thơ của Du Tử Lê “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển/Đời lưu vong không cả một ngôi mồ/Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/Hồn không đi sao trở lại quê nhà.” Nghĩ như vậy, việc chú mình giờ chả còn nhớ gì nhiều lại là một điều may mắn. Dù thật buồn!

19 tháng 11 2023

NHẬT KÝ NƯỚC ÚC_02_KHÁCH SẠN 5 SAO TẠI GIA VÀ PRIVATE PREMIUM TOUR Ở MELBOURNE :)

 

Sau hai tối ở nhà em họ, cuối chiều ngày thứ hai em chở mình sang nhà chị Anne, cách nhà em khoảng 40’ lái xe. Chị Anne và chồng đón mình vô cùng ấm áp. Đầu tiên là garden tour, khoe mình đủ thứ cây, từ hoa, rau tới cây ăn quả. Mình nhớ mấy lần chị mang từ vườn nhà sang cho mình lúc thì đôi quả chanh, rồi lá hương thảo, rồi lá bạc hà. Vườn vào cuối xuân, vài quả đào non, ít quả anh đào, mấy quả lê, tất cả cây và quả đều đang ở giai đoạn thiếu niên hoặc thiếu nhi. Cây chanh sai trĩu, quả vàng lúc lỉu, thơm ngát. Cây quất chiếm một góc vườn khác, quả màu vàng nhiều đến mức lấn lướt cả màu xanh của lá. Những cây rau cải bó xôi to đến bất thường, chắc hai chiếc lá đủ nấu một bát canh.

Biết mình không thích đồ Tây, chị Anne chuẩn bị một bữa cơm thuần Việt cho mình. Và suốt ba bữa tối ở nhà chị, hôm nào chị cũng cho mình ăn đồ ăn Việt, chăm sóc mình đầy ân cần, như thể mình là đứa em gái đi xa mới về, làm mình chẳng mảy may có cảm giác khách khí hay bất tiện. Nhà chị rộng, ở một khu khá đẹp. Mình độc chiếm một căn phòng mà mình nói đùa với chị là, em được ở khách sạn 5 sao miễn phí, bao gồm cả ăn uống nữa chứ 😊.

Trước khi lên đường mình đã gửi lịch trình cho chị và bảo, em hoàn toàn tin tưởng chị để chị lên kế hoạch đưa em đi chơi, chị đưa em đi đâu cũng được. Và chị đã thiết kế cho mình một ngày đi chơi thật tuyệt vời. Chương trình đi chơi ngày hôm đó bắt đầu bằng chuyến đi dạo bộ ở khu bảo tồn thuộc rặng Macedon, một địa điểm cách nhà anh chị khoảng 30’ lái xe. Đã có lúc nào đó chị gửi cho mình những bức ảnh tuyệt vời khi chị đi bộ ở đây, hồ nước, những tán lá vàng trên nền trời xanh. Và bây giờ thì mình thực sự đặt chân đến địa điểm này. Buổi sáng cuối xuân trời se lạnh. Mùi hương xuân lan khắp trong bầu không khí. Tụi mình đi bộ vòng quanh chiếc hồ nhỏ nước trong vắt, chẳng rõ có nhiều tôm cá không vì nước khá lạnh, rồi len lỏi trên con đường mòn nhỏ. Rừng có nhiều cây to và cao nhưng lá không quá rậm. Những dải ánh sáng mặt trời chiếu xuống lấp lánh trong một buổi sáng hết sức thanh bình, chỉ có tiếng chim hót ríu rít và mình cùng hai anh chị đi bộ. Suốt hơn một tiếng đồng hồ lang thang trong khu rừng, chúng mình bắt gặp duy nhất một toán khách ba người khác nhưng có rất nhiều chú chim lảnh lót, chào đón chúng mình. Anh Ian bảo thỉnh thoảng có thể bắt gặp kuala, nhưng hôm đó mình không gặp may, chẳng gặp chú kuala nào cả. Mình bảo anh chị, em như được lạc về tuổi thơ. Khu rừng, chuyến đi dạo, mùi hương cây gợi mình nhớ về những ngày đi rừng lấy củi, lấy rau lợn của tuổi thơ 40 năm về trước. Rừng ở Úc không phải là rừng ôn đới mà có khá nhiều cây bụi nhỏ bên dưới những cây cao vút, vươn lên cao. Đang là cuối xuân nên chỗ này chỗ khác các loài hoa đua nhau nở. Nhìn khu rừng bây giờ, khó ai có thể hình dung họ cũng đã từng phá cạn kiệt khu rừng này để lấy gỗ hồi cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó, khi nhận ra sai lầm, họ đã nhanh chóng trồng lại, chăm chút, và giờ có một rặng núi với khu rừng đẹp đến thế làm điểm dã ngoại cho người dân.




Mặt nước, bầu trời, cỏ cây và hoa lá trong buổi sáng thanh bình

Sau hơn 1 tiếng lang thang trong rừng thì anh chị chở mình đến Bendigo. Bendigo là thành phố lớn thứ hai của bang Victoria, chỉ sau Melbourne và nổi tiếng với cơn sốt vàng vào những năm giữa và cuối thế kỷ 19. Do dân số của Úc ít nên dù là thành phố lớn thứ hai của bang thì Bendigo thực sự không lớn lắm, cả về dân số lẫn diện tích. Lễ hội hoa tulip thường niên mới kết thúc một tuần trước đó, vậy nên mình không có cơ hội được chiêm ngưỡng khung cảnh lễ hội với vô vàn các loài hoa tulip chắc hẳn là đẹp lắm. Bù lại, đúng là có thổ dân đưa đi chơi có khác, mình được ghé thăm một ngôi nhà thờ rất đẹp ngay trên đường vào thành phố, được người hướng dẫn ở đó kể cho nghe câu chuyện về lịch sử của ngôi nhà thờ, về sự giàu có của ngôi nhà thờ (đến đoạn này chị Anne nháy mắt với mình vì vừa hôm trước thôi mình kể chị nghe về việc start-up chùa ở Việt Nam là lãi nhất, chả ai kiểm toán, đánh thuế, tha hồ thu tiền 😊).

Hai cô cháu mình chắc ghen tỵ lắm với vườn hoa oải hương bên hông nhà thờ này
Ven quanh chân nhà thờ là các dải hoa này đang nở rực rỡ
Cửa sổ được làm từ một loại kính đặc biệt, tạo ánh sáng khác thường trong suốt thời gian ban ngày

Thành phố Bendigo nho nhỏ, hoàn toàn không có nhà cao tầng, phổ biến là những ngôi nhà 2 tầng với hàng hiên được trang trí khá đẹp mắt. Đường phố nhỏ, xe cộ thưa thớt, những hàng cây lá non xanh mướt trong cái nắng giữa trưa. Tụi mình ăn trưa tại một nhà hàng Việt có vẻ rất nổi tiếng tại đây. Bát phở giá 17 đô (khoảng 270k), to như một cái chậu nhỏ, anh chị cứ hỏi có ngon không, có giống ở Việt Nam không. Hì hì, thì cũng ngon, cũng hơi giống, nhưng thịt là bò Úc, và đến cả lá hành cũng theo chuẩn Úc, to gấp mấy lần hành hoa, nên phở gợi nhớ vị phở bò thì đúng hơn 😊. Mà một chi tiết nhỏ như chất nước thôi cũng đã khiến vị phở trở nên khác rồi mà. Dân Úc không phân biệt nổi nhưng dân Việt ăn là nhận ra ngay.  

Các bảo tàng ở Úc đã miễn phí, lại còn hay có tour hướng dẫn miễn phí vào một thời điểm nhất định trong ngày (điểm này thực sự là tuyệt vời, vì bảo tàng ở châu Âu thường rất đắt, và muốn có hướng dẫn/tai nghe giới thiệu thì đương nhiên là bỏ thêm một số tiền không nhỏ.) Chị Anne đã tìm hiểu trước nên căn giờ đưa mình đến đó kịp theo tour hướng dẫn miễn phí đó, vẻn vẹn có 3 chúng mình và thêm một người khách khác.

Một bình hoa tinh xảo tuyệt vời trong bảo tàng
Trường học ở Bendigo, mới đầu mình cứ tưởng đó là nhà thờ
Bendigo nhìn từ tháp ngắm cảnh

Điểm nhấn cuối của chuyến đi chơi hôm đó là thăm nhà Greg, một người bạn chung của mình và chị Anne. Mình choáng ngợp trước ngôi nhà của Greg, mà đúng ra phải gọi là dinh thự, trên một khoảng đất chả rõ rộng mấy hecta mà có tới 2 cái ao nhỏ và một số cây cổ thụ. Mình đùa, em sẽ chụp ảnh ngôi nhà, đưa lên facebook và bảo em sang Úc thăm quan tìm mua nhà 😊. Mình cũng bảo Greg, em được đi tour private premium (tour riêng cao cấp), một mình em có tới hai hướng dẫn viên, hihi. Chị Anne giản dị nói, khi chị sang đó em chăm sóc chị hết lòng, vậy em sang đây chị cũng muốn được chăm sóc em.

Chả tìm ra ảnh ngôi nhà mình định mua bên Úc, nhưng với khu vườn thế này thì cũng đủ hình dung nhà sẽ đẹp thế nào :)

Sau ba tối ngủ lại nhà chị, sáng ngày thứ tư anh chị chở mình ra sân bay. Vừa đến Sydney mình đã nhận được tin nhắn của chị, bảo ngôi nhà của chị vắng tiếng em. Và mình thầm hứa sẽ còn quay trở lại Melbourne, không phải để rong chơi, ngắm cảnh, mà để gặp lại chú thím, các em họ mình, anh chị Anne-Ian, và đến thăm cả Greg nữa, những người bạn mình có được qua gần 5 năm làm dự án với Úc, giờ đã trở thành những người bạn lâu dài. Và như Cún nói đi nói lại mấy lần, khi mình rất muốn, và quyết tâm bằng mọi cách, thì con tin mình sẽ làm được. Mình cũng tin như vậy!


05 tháng 11 2023

TRỞ LẠI NƯỚC ÚC_01_ĐỪNG RƠI, ĐỪNG RƠI, LÁ ƠI!

 

Ghé thăm chú từ tháng 5/2019, mình hứa với chú thím, và cũng tự hứa với lòng mình sẽ sang thăm chú thím, dành thời gian cẩn thận chứ không phải ghé qua trong một chuyến công tác. Vậy nhưng đầu năm 2020 dịch Covid bùng phát, việc đi lại bị gián đoạn tới gần 2 năm, rồi những vấn đề trong cuộc sống khiến mình không cách gì thu xếp đi được. Năm ngoái, trước khi nghỉ việc ở Aus4Skills mình cấp tốc làm visa, và chỉ sau ít bữa thì nhận được – visa 3 năm hẳn hoi, thế là thoải mái để lên kế hoạch rồi. Chị T. bảo chị cũng muốn đi thăm chú thím, nhưng thời gian của chị rất linh hoạt, còn mình có được như vậy đâu. Cân nhắc một hồi, cuối cùng mình bảo, các bác đăng ký đi theo tour rồi ở lại đôi ba hôm là tiện nhất, cứ chờ em chả biết đến khi nào. Một lần sau khi đi về chị bảo, hôm nói chuyện, thím có nhắc cái Tuyết nó hẹn sang thăm chú thím, làm mình càng cảm thấy như có một việc chưa hoàn thành. Thỉnh thoảng nói chuyện với hai em, hỏi thăm về chú thím mà mình cứ thấy trong lòng không yên, dù có ai trách mình gì đâu. Dịp 2/9 vừa rồi mình định tranh thủ đi, nhưng hôm đó mình còn chẳng có đủ 4 ngày phép để nối các ngày nghỉ với nhau, thế là đành bỏ lỡ. Cân nhắc thêm chút, mình quyết định xin nghỉ một tuần nửa đầu tháng 10, vì nếu không đi dịp này thì đến đầu tháng 1/2024 mình mới có thể xin nghỉ phép, mà khi đó lại vào Tết mất rồi. Và nửa đầu năm sau thì mọi ưu tiên đều dành hết cho cô con gái chuẩn bị thi vào đại học, mình phải chuẩn bị tinh thần nếu cần tháp tùng nàng. Chú thím đều đã nhiều tuổi, mình cứ lo không nhanh thì chả biết còn có lúc nào gặp chú thím. Tự nhủ trong lòng như vậy và rất may vé thời gian này cũng hợp lý nên mình quyết luôn.

Đón mình ở sân bay lúc nửa đêm là cô em họ bằng tuổi – mặc dù tụi mình mới gặp nhau có một lần năm 2019 nhưng mình thực sự cảm thấy ấm áp, thân tình nên quyết định chẳng khách sáo gì cả, nhờ em đi đón và ở lại nhà em đôi hôm. Em bảo em đăng ký đón ba về nhà chơi, vì nếu vào viện chỉ được một lúc thôi. Nhìn thấy chú, nước mắt mình rơm rớm. Chú giống bố mình quá, giống từ nụ cười, khuôn miệng, dáng đi. Chú có vẻ không nhận ra mình, nhưng cô Huệ thì chú nhận ra. Rồi mình gọi điện để mẹ và thím chào nhau. Ngày hôm đó tất cả các cô em họ của mình, tổng cộng có đến 6 người, đều tụ tập cùng chú thím, rồi buổi chiều hôm đó, sau khi đưa chú vào lại viện các em cho mình đi một vòng thăm tất cả mọi nhà. Máu chảy ruột mềm. Chúng mình tuy mới gặp nhau một đôi lần nhưng tình cảm thực sự ấm áp. Và mình vô cùng xúc động khi nhìn thấy ở nhà em họ bàn thờ ông bà mình. Tấm ảnh nhìn ông bà rất buồn, xương xẩu, khắc khổ. Cũng phải thôi, tấm ảnh đó hình như chụp ít ngày trước khi ông mất, mà từ khi cải cách ruộng đất, khi bạt ngàn ruộng đất, nhà cửa đã bị tịch thu, ông bà bị đuổi ra ở ngoài chuồng trâu, rồi ông bị đi tù, con cái bị đạp xuống bùn đen, cuộc đời ông bà làm gì còn mấy niềm vui. Em họ mình chưa một lần gặp ông bà, lại là con gái, vậy mà em hiếu thảo, thay ba thờ cúng ông bà khi chú dần mất trí nhớ. Mình cứ ấn tượng mãi với điều này và cảm thấy như chúng mình trở nên gần gũi hơn nữa.

Với chú, ký ức dường như đóng băng ở một thời điểm nào đó. Chú không biết bố mình/bác Trung đã mất. Bọn mình bảo nhau, thôi thế cũng tốt. Nếu đầu óc còn minh mẫn, chắc hẳn chú sẽ nhiều tâm tư lắm. Cuộc sống của người tha hương khi đã lớn tuổi chắc chắn không dễ dàng gì. Mình tin chú luôn tha thiết nhớ về quê hương, như bố mình vậy. Đến tận khi bố đã yếu mẹ mình vẫn dỗ dành ông khỏe rồi tôi đưa ông về quê thăm mộ ông bà nhé. Chú sẽ chẳng bao giờ được nhìn lại quê hương, được nhìn lại mảnh đất, khu vườn tuổi thơ, mộ ông bà. Vậy thôi, chú không nhớ gì có lẽ lại tốt hơn. Chú cũng không phải đau đáu nghĩ về bố mình, nghĩ về những người thân khác, góc bể chân trời nhớ nhau nữa!

Mang tiếng sang tận Úc thăm chú mà mình chỉ gặp chú một lần ngày hôm đó. Vì thực ra mình cũng chỉ có thể ngồi bên chú, cầm tay chú một lát vậy thôi. Viện dưỡng lão làm hết mọi việc chăm sóc, và mình vừa từ Việt Nam sang, muốn vào đó thì phải qua một đôi thủ tục. Các em đón chú về hôm Chủ nhật nên cũng không tiện thứ Hai lại đưa vào thăm tiếp. Năm nay chú đã 91 tuổi, chả biết liệu có lần nào mình gặp lại chú nữa không . Những người trong gia đình cứ lần lượt ra đi – bác Duyên, bố mình, anh Túc. Chia tay thím, mình hẹn rồi cháu còn sang thăm thím chứ, thím bảo, khi đấy thì gặp thím trên bàn thờ thôi. Mình trêu lại, nhỡ cháu ra đi trước thì sao, hai cô em họ cũng hùa vào, bọn con cũng chuẩn bị tinh thần hết rồi.

Thế là mình đã làm được một việc mà lòng cứ đau đáu lâu nay. Chú, các bác, các cô, hay như mấy anh họ, tuy mình gọi bằng anh mà đã ngoài 80, khác gì những chiếc lá mong manh, nào ai biết còn bám vào cành được bao lâu nữa. Thỉnh thoảng mình mở ra xem lại tấm ảnh chụp hôm anh Túc sang nhà mình chơi, mấy anh em ngồi cà phê Bistro Garden, rồi chỉ ba tuần sau anh ra đi mãi mãi. Niềm an ủi là trước khi anh mất mình kịp sang thăm anh mấy lần và hy vọng chuyến đi chơi Ecopark để lại trong anh những kỷ niệm đẹp. Có lẽ giờ này anh đang ở bên ông bà, bên bố mình, trong một thế giới bình an.  

Mình ở xa tít, nhớ thương chú cũng chỉ gửi vào những tin nhắn không thường xuyên lắm với hai cô em họ hay những câu chuyện trong gia đình về những thửo xa xưa nào, vậy mà lòng cứ nao nao, nước mắt ứa ra khi tạm biệt chú ở cổng nhà dưỡng lão. “Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi/Có ai góc bể chân trời nhớ nhau”. Lần đầu đến thăm chú, khi gọi điện để chú và bố nói chuyện với nhau, mình thương bố mình và chú, như những chiếc lá mỏng manh, chỉ một cơn gió cũng đủ dứt khỏi cành. Bây giờ thì một chiếc lá đã dứt khỏi cành thật rồi. Buồn thật!



Cùng chú thím và hai cô em họ song sinh cùng tuổi

24 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_05_CHẠM TRÁI TIM VÀO EVEREST!

 

Thực ra mình không quá xa lạ với núi tuyết. Ngày sống ở bên Nga mình đã có cơ hội đi thăm Elbrus, ngọn núi cao thứ hai ở châu Âu, bước chân trên những lớp băng vĩnh cửu tầng tầng lớp lớp và chụp những kiểu ảnh đứng trên băng như thể đang đứng trên những đám mây bồng bềnh. Dù thế, Everest vẫn cuốn hút mình. Đọc một số bài viết về dịch vụ bay ngắm núi Everest mình quyết định chơi lớn 😊 – mua vé bay một chuyến như vậy, dù rằng giá vé khá chát – 240 đô cho 1 tiếng bay, tức 4 đô/1 phút ngồi máy bay ngắm cảnh. Mình chả mua sắm gì suốt cả chuyến đi (thực ra cũng chả có nhu cầu mua sắm gì) và mình thà không mua gì để chi tiền cho trải nghiệm này. Hơi băn khoăn về sự an toàn của những chuyến bay đến gần núi Everest, mình lọ mọ tra thêm. May quá, những tai nạn máy bay như vậy rất hiếm hoi, đại để xác suất cũng chỉ như những chuyến mình vẫn bay thôi. Nếu trời mưa hay mây nhiều, không ngắm được thì người ta sẽ hoàn lại tiền. Okela, quyết!

Những chuyến bay mùa này bay bằng máy bay thương mại cỡ nhỏ, loại 50 -70 chỗ mà người ta sẽ chỉ bán những vé cạnh cửa sổ để ngắm núi tuyết. Từ tháng 10 trở đi sẽ có thêm dịch vụ bằng máy bay trực thăng, giá vé đắt hơn tương đối, hình như khoảng 1000 đô. Vì được thiết kế để ngắm nắng sớm nên các chuyến bay đều sớm – 6.15, và như vậy mình phải dậy sao cho 5h kém 15 xuất phát từ khách sạn. Lúc mình ra đến sân bay mới hơn 5h chút xíu. Sân bay nội địa nhỏ xíu, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, trong đó đám đi ngắm cảnh như mình khá đông, hôm mình đi có tới 3 chuyến. Ngồi chờ rất lâu thì tụi mình được gọi ra máy bay. Những chiếc xe ô tô chở khách ra máy bay cũ kỹ, mùi xăng nồng nặc.

Kể ra leo lên một chiếc máy bay nhỏ xíu như vậy cũng hơi run. Chiếc của mình có 12 hàng, mỗi hàng 4 ghế, và hàng dưới cùng 2 ghế, tổng cộng có 25 vé được bán ra. Mình ngồi ở hàng cuối cùng, số ghế 13A. Máy bay cất cánh và toàn bộ thung lũng Kathmandu có thể được thu vào tầm mắt. Bao quanh thung lũng là núi non trùng điệp, màu vẫn còn xanh lắm. Không biết có phải do nữ thần giữ gìn mà rừng còn xanh đến thế. Nếu vậy mình cũng muốn ở Việt Nam có nữ thần, kakaka.

Máy bay sẽ bay dọc theo chiều dài của dãy Himalaya một đoạn, ngang qua những đỉnh chính rồi vòng lại để hành khách ngồi bên nào cũng sẽ có cơ hội ngắm các đỉnh núi tuyết. Bạn tiếp viên phát cho mỗi hành khách một tờ bản đồ đánh dấu chỉ rõ những đỉnh núi nên chú ý, và cứ mỗi khi bay gần đến đó thì bạn ấy sẽ đến bên từng người, chỉ cho biết đâu là ngọn núi đó trong số rất nhiều những ngọn núi chỉ cao thấp hơn nhau một chút xíu. Nepal sở hữu 8 trong số 14 đỉnh cao nhất của dãy Himalaya, vậy nên với họ những thứ như Phanxiphan nhà mình chỉ được coi là đồi thôi 😊. Mình chả thể nhớ được tên đỉnh nào ngoài Everest và cũng không có ý định tìm hiểu sâu nên chỉ mải mê dán mắt vào dãy núi trắng hùng vĩ xa xa kia – một vẻ đẹp đến ngạt thở. Nếu bay từ Nepal đi Lhasa (Tây Tạng) hoặc Bhutan thì máy bay sẽ bay ngang qua dãy núi, chắc hẳn sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh kỳ thú hơn nữa. Nhưng với những máy bay thương mại nhỏ thế này, độ bay thấp, họ không thể đến gần núi hơn do vấn đề an toàn, càng không thể bay bên trên dãy núi do đó chính là đường biên giới với Trung Quốc. Ngắm nhìn dãy núi, mình nhớ đến cuốn sách “Con đường mây trắng” của Govinda (đối với mình, đến tận giờ đây vẫn là cuốn sách thú vị nhất về Phật giáo Tây Tạng và những bí ấn của vùng đất này), đặc biệt đoạn mô tả cảnh ông đi ngựa qua một con đèo ở độ cao khoảng 6000m của dãy Himalya từ Srilanka vào Tây Tạng năm 1947, hành trình qua những tu viện Phật giáo, sống hơn ba tháng ở một nơi giống hang động hơn là nhà ở để nghiên cứu và chép lại những bức bích họa của một ngôi đền, nơi lạnh đến mức nước chỉ vừa rót ra ít phút thì đã đóng băng. Và hành trình của ông vượt dãy Himalay để trở về Ấn độ. Vừa ngắm dãy núi tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, mình tự hỏi sức mạnh bí hiểm nào đã giúp ông vượt qua những cung đường, những gian khổ như vậy từ cách đây tới hơn 2/3 thế kỷ.

Người Nepal tin rằng các vị thần của họ ngự ở trên đỉnh núi. Có phải vì họ có nhiều nơi cho thần linh
trú ngụ mà họ có nhiều các vị thần
đến vậy? Hay chính các vị thần đã ban tặng cho họ những ngọn núi tuyệt vời đến như thế?


Những rặng núi phủ tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, đẹp đến ngạt thở và bên dưới là bồng bềnh mây trắng khiến mình như trôi trong một giấc mơ

Chặng về mình không được ngắm núi tuyết nữa mà chỉ được ngắm mây và những ngọn núi xanh mướt cây cối chầm chậm trôi qua bên dưới. Khoảng 7.30 mình đã về lại đến sân bay và chưa đến 8h thì đã có mặt ở khách sạn, ăn sáng để chuẩn bị cho ngày lang thang cuối cùng ở Kathmandu.

Kathmandu nằm trong thung lũng, vậy nên bốn bề là núi, vẫn còn được rừng che phủ xanh mướt

Thế là mình đã có một chuyến đi đến Nepal thật nhiều cảm xúc. Dù mình chẳng đặt được bước chân nào lên chặng đường leo núi – nói cho sang mồm ấy mà, chứ thực ra dân không chuyên thường chỉ đi bộ đến những nơi gọi là base camp, tức các trạm ở chân núi. Và mình không mơ đến chuyện một lúc nào đó leo gì hết, chẳng bao giờ mình có thể chạm tay vào Everest, thì sáng hôm ấy, trái tim mình đã chạm tới Everest, khi mình cảm nhận sự vĩ đại dường nào của thiên nhiên, sự vô cùng vô tận của vũ trụ mà Đấng tạo hóa đã ưu ái cho mình có cơ hội được nhìn thấy. Mình định bắt chước giới trẻ, ngửa lòng bàn tay để chụp hình ảnh dãy núi nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ bé hoặc để bàn tay úp chạm một ngón tay vào đỉnh núi. Ý định không thành vì ánh sáng không cho phép, chắc cả vì không biết cách nữa. Vậy nhưng chắc chắn trái tim mình đã chạm vào Everest rồi!


23 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_04_ẤN ĐỘ GIÁO VÀ PHẬT GIÁO, TẠI SAO LẠI PHẢI PHÂN BIỆT?

Cùng với ba khu cố đô, những danh lam khác của Kathmandu được liệt kê trong danh sách di sản văn hóa vật thể của UNESCO bao gồm Boudhanath – đại diện cho trường phái Phật giáo Tây Tạng và Swayambhunath (còn được gọi là Monkey Temple/Đền Khỉ, đơn giản vì ở đó có nhiều khỉ) đại diện cho Phật giáo Newar (Đây là tên gọi của những cư dân bản địa của thung lũng Kathmandu). Phật giáo và Ấn độ giáo ở Nepal hòa quyện chặt chẽ. Nepal vừa có ngôi đền thiêng nhất trong Ấn độ giáo (đấy là theo ý kiến của người Nepal, có thể người Ấn độ không nghĩ vậy 😊) Pashupatinath, – lại vừa là quê hương của Đức Phật – thành phố Lumbini/Lâm tì ni, vừa có Bảo tháp Boudhanath.

Bảo tháp Swayambhunath hay Đền Khỉ là một ví dụ tuyệt vời về sự pha trộn và hòa hợp đến kinh ngạc giữa Ấn độ giáo và Phật giáo. Bảo tháp/Ngôi đền nằm cách trung tâm thành phố vài km, trên một ngọn đồi mà từ đó có thể nhìn thấy trọn vẹn toàn bộ thung lũng Kathmandu bên dưới. Hôm mình đến đang là ngày cuối của một lễ hội, đền thờ rất đông, và theo lời anh chàng hướng dẫn viên, ở đây ngày nào chả là lễ hội, hôm nay kết thúc lễ hội này thì ngày mai là lễ hội khác ý mà. Có lẽ thế thật, vì ngay sau đó, khi mình rời Đền Khỉ đến Patan Durbar Square thì cũng gặp ngay ở đó một lễ hội khác, người ta chăng bạt và có phần biểu diễn văn nghệ kéo dài suốt thời gian mình ngồi ăn trưa rồi lang thang ở bảo tàng ngay cạnh đó, chắc phải đến hai tiếng chưa hết. Các cô gái Nepal múa đẹp tuyệt vời, những động tác múa bụng rất dẻo như trong những bộ phim Ấn độ ngày xưa. Nhạc Nepal cũng những giai điệu na ná. Và ngoài đường thì mình chả phân biệt được phụ nữ Nepal và Ấn độ vì họ mặc đồ khá giống nhau.

Đền Khỉ hôm mình đến đông nghẹt người đi lễ, chả rõ là người Nepal hay người Ấn độ. Một bảo tháp thờ Phật nằm ở chính giữa ngôi đền với mái vòm trắng và tháp vàng lấp lánh có thể nhìn thấy từ xa nhiều km. Bảo tháp là một địa điểm hành hương quan trọng của các tín đồ Phật giáo từ thế kỷ thứ 5. Bảo tháp có 4 mặt, và ở mỗi mặt đều có một đôi mắt lớn, bên trên là một con mắt thứ ba của Đức Phật. Ngay cạnh bảo tháp là một loạt các đền thờ và các đền đài nhỏ khác trong đó có cả ngôi đền thờ thần Shiva của Ấn độ giáo. Không chỉ người theo Phật giáo coi đây là một địa điểm linh thiêng, người Ấn độ giáo cũng coi đây là địa điểm linh thiêng. Anh chàng hướng dẫn viên bảo mình, tại sao lại phải phân biệt Ấn độ giáo hay Phật giáo, chúng tôi tôn kính cả hai và chúng tôi có thể cầu nguyện ở đền thờ nào cũng được. Câu chuyện qua lại một hồi và mình kết luận, nhưng rõ ràng đến khi chết thì mỗi người sẽ phải đứng về phía một tôn giáo nào đó, vì nếu ai theo Phật giáo thì sẽ muốn được hỏa thiêu ở một địa điểm không phải là đền Pashupatinath, còn người theo Ấn độ giáo thì rất muốn được hỏa thiêu ở đó, đúng không? Anh chàng công nhận.

Ngay bên cạnh bảo tháp kiến trúc chóp tròn là đền thờ với mái vòm hai tầng đặc trưng của Nepal và nhiều các điện thờ nhỏ
Cách bảo tháp vài bước chân người ta đang xếp hàng rất dài để được vào đền thờ thần Shiva!
Lọt vào giữa một lễ hội nhỏ ở Đền Khỉ
Lọt vào một lễ hội khác ở Patan Durbar Square và xin được tấm hình với cô gái trong trang phục của người Newar. 

Tương tự như vậy, khi mình đến thăm Bảo tháp Boudhanath, nơi được coi là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất của Phật giáo thì ở đó cũng tràn ngập người Nepal. Cô đồng nghiệp người Nepal, người tự nhận mình theo Ấn độ giáo cho biết người Nepal theo Ấn độ giáo cũng coi đây là địa điểm linh thiêng và thường đến để cầu nguyện. Bảo tháp Boudhanath đại diện cho trường phái Mật tông Tây Tạng. Do những biến đổi của thời cuộc, khá nhiều người Tây Tạng đã phải di cư sang Nepal, họ sống thành một khu ở gần Bảo tháp Boudhanath, buôn bán, làm ăn và thực hành tôn giáo ở đây. Bảo tháp khá lớn, có đường kính khoảng 100m và chiều cao 36m. Dòng người đông đúc đi vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa quay các bánh luân xa được gắn vòng quanh chân bảo tháp, chắc hẳn với niềm tin sâu xa rằng các năng lực cao đẹp được tập trung trong lúc hình thành một bánh luân xa sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động viên và trao truyền lại cho người quay nó. Cũng giống như bảo tháp Swayambhunath, trên bốn mặt của thân bảo tháp Boudhanath đều có hình đôi mắt to lớn của Đức Phật dõi nhìn và bên trên trán là con mắt thứ ba, được coi là con mắt của trí huệ do tu tập mà có. Và đỉnh chóp của tháp là mái vàng được mạ vàng kết hợp với lọng, mang biểu tượng của sự cao quý.

Bảo tháp nổi lên trên nền trời chiều
Ảnh bảo tháp: chôm trên mạng

Dù tháng 9 vẫn là mùa mưa, mình đã may mắn không gặp mưa nhiều trong những ngày ở đây. Hôm đến thăm Bảo tháp Boudhanath, sau khi đi một vòng quanh bảo tháp, ngắm trọn vẹn từ mọi hướng, vòng thứ hai mình dành thời gian cho các cửa hàng phần lớn bán đồ Tây Tạng san sát đứng cạnh nhau dọc theo con đường đi vòng quanh bảo tháp. Mình dễ dàng phân biệt được những người đàn bà Tây Tạng do thường họ có khuôn mặt tròn xoe và quần áo dân tộc khác biệt. Những người đàn ông Tây Tạng thì mình chỉ phân biệt được nếu họ mặc quần áo dân tộc. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm như bánh luân xa, bát hát/singing ball, đồ bạc, khăn casơmia và đặc biệt rất nhiều cửa hàng bán tranh đường ca/thanka, cho mình tha hồ được ngắm. Cô bạn đồng nghiệp người Nepal tỏ ý tặng mình một bức, mình chân thành cảm ơn nhưng nói mình không thể treo được, cô bạn bảo, không sao, tớ sẽ treo ở nhà mình. Đấy, người theo Ấn độ giáo và sẵn lòng treo tranh Phật giáo trong nhà. Một ví dụ rất rõ nét về sự hòa hợp của hai tôn giáo trong xã hội Nepal.

Trong một lớp học vẽ tranh thanka
Rất nhiều cửa hàng bán tranh thanka, một loại tranh thờ mà giờ đã bị thương mại hóa
Cửa hàng bán đồ lưu niệm

Một đất nước với những phong tục rất độc đáo, ngày nào cũng có một lễ hội nào đó. Chắc vì thế người dân cần nhiều ngày nghỉ và trên thực tế họ có tới 36 ngày nghỉ chính thức mỗi năm. Vụ này thì ghen tỵ với các đồng nghiệp Nepal quá. Thêm cả ngày nghỉ lễ của Mỹ nữa thì có lẽ các bạn ấy có tới 40 ngày nghỉ mỗi năm ý chứ. Một đất nước mà ông vua (và kể từ 2008 họ không còn vua nữa thì thủ tướng) theo Ấn độ giáo lại cần được ban phước bởi một Kumari xuất thân từ dòng họ của thái tử Tất Đạt Đa hay chính là Đức Phật sau này. Đối với người Nepal, Chủ Nhật là ngày đầu tiên trong tuần. Cuối tuần của họ bắt đầu từ chiều thứ Sáu cho đến hết thứ Bảy. Đây cũng là đất nước duy nhất mà quốc kỳ không phải hình vuông hay chữ nhật mà là hai hình tam giác chồng lên nhau nữa. Chắc mình phải ở thêm một đôi tuần nữa mới khám phá được hết những nét độc đáo của đất nước này 😊

Chiếc xe chở đoàn cán bộ của chính phủ Mỹ đi tham quan :)
Phương tiện phổ biến ở Kathmandu. Nhìn thế này là đoán được hạ tầng giao thông thế nào rồi 

 

17 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_03_NAMASTE, KUMARI!/XIN CHÀO NỮ THẦN!

Truyền thống thờ nữ thần sống, trong tiếng Nepal gọi là Kumari, được bắt đầu từ thế kỷ 18, vào triều đại nhà Malla. Theo truyền thuyết, nhà vua cuối cùng của triều đại Malla thường có giấc mơ gặp nữ thần Taleju và chơi cờ với nữ thần. Một đêm nhà vua nảy lòng dục với nữ thần, khiến nữ thần nổi giận, nhắn rằng sẽ không quay lại và triều đại này sẽ diệt vong. Nhà vua nhận ra lỗi lầm, tha thiết cầu xin nữ thần tha thứ và tiếp tục bảo vệ cho vương quốc. Cuối cùng, nữ thần ban cho nhà vua đặc ân rằng bà sẽ xuất hiện dưới hình hài một bé gái còn tinh khiết/chưa từng chảy máu từ bất kể vết xước nào. Đồng thời cô bé đó phải xuất thân từ dòng dõi gia tộc Shakya, gia tộc đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Truyền thống được bắt đầu như vậy.

Ngoài xuất thân từ dòng dõi cao sang, các nữ thần còn được tuyển chọn hết sức khắt khe dựa trên 32 dấu hiệu/tiêu chí như về mắt, làn da, tính tình... từ khi mới ở độ tuổi 3-5 và khi được chọn sẽ phải rời xa gia đình vào sống trong đền. Khi kỳ kinh đầu tiên xảy ra, hoặc trong trường hợp bạo bệnh, các nữ thần sẽ hết nhiệm kỳ, trở lại với gia đình, trở lại với cuộc sống bình thường.

Người dân tin rằng các nữ thần có sức mạnh rất lớn. Khi mình hỏi một đôi bạn đồng nghiệp, tức những người có thể coi là trí thức, câu trả lời là nữ thần ngày nay mang tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng với vô vàn người dân thường ngoài kia, có lẽ họ không nghĩ vậy. Trong suốt lịch sử kể từ khi truyền thống Kumari được khởi đầu, tất cả các vị vua đều phụ thuộc rất lớn vào việc có được Kumari ban phước, tức chấm một dấu đỏ gọi là tikka lên trán hay không. Và không một ai có thể ép buộc Kamuri ban phước, vậy nên nếu Kamuri không ban phước cho nhà vua, điều đó báo hiệu một tai họa. Ví dụ được người dân nhớ rõ là năm 1954, vua Tribhuvan đã cùng hoàng tử Mahendar tới Kumari Chen (nơi ở của Kumari) để xin dấu tikka nhưng Kumari chỉ ban dấu cho hoàng tử mà không ban cho nhà vua. Ngay trong năm đó vị vua chết ở tuổi 49 vì bệnh tim và hoàng tử Mahendra lên ngôi. Hoàng tử trở thành nhà vua Mahendra và chết vào năm 1971, khi ông không kịp xuất hiện để xin dấu tikka vào dịp lễ hội Kumari Jatra của năm. Cậu hướng dẫn viên còn bảo mình, trong số các kiến trúc ở Kathmandu Square, nhờ có sức mạnh của nữ thần mà Kumari Chen hầu như không bị hư hại gì trong trận động đất năm 2015.

Câu chuyện về nữ thần sống khiến mình rất tò mò và muốn tìm mọi cách để được nhìn thấy nữ thần sống khi đến Kathmandu trong chuyến đi này. Không chỉ có một nữ thần mà có tới 7, có sách nói thậm chí là 10 nữ thần sống ở các khu vực khác nhau trong toàn bộ thung lũng Kathmandu, nhưng nữ thần hoàng cung – the Roayl Kumari, sống tại Kathmandu Durbar Square là nữ thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Quy định đối với Kumari ở mỗi nơi cũng khác. Ở Bhaktapur Square Kumari sống trong ngôi đền cạnh cung điện 55 cửa sổ. Việc chụp ảnh ngôi đền đó dù từ xa, hay chụp dòng ghi chú ở bức tường trong khuôn viên trước cửa đền cũng là không được phép, vậy nên làm gì có chuyện được nhìn thấy hay gặp nữ thần. Nữ thần ở Kathamandu Square thì xuất hiện hàng ngày trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi và du khách phải căn thời gian cẩn thận nếu muốn được nhìn thấy nữ thần. Trong lúc lang thang trên mạng mình đọc được một bài viết nói về việc có thể đến thăm, thậm chí chụp ảnh cùng nữ thần sống ở Patan Square. Vì vậy, lên kế hoạch cho ngày cuối cùng ở Kathmandu, mình nhấn mạnh với cậu hướng dẫn viên rằng ưu tiên của mình là được nhìn thấy hoặc gặp Kumari. Trong bữa liên hoan chia tay tối hôm trước, khi cô bạn đồng nghiệp hỏi kế hoạch của mình cho ngày cuối cùng rảnh rỗi ở Kathmandu, nghe bảo mình muốn đi gặp Kamuri, và mình sẽ đứng chầu chực dưới sân, nếu mãi nữ thần không xuất hiện thì mình sẽ hét toáng lên “Namaste, Kumari! Namaste, Kumari!/Xin chào nữ thần! Xin chào nữ thần!” cô ấy phì cười bảo, tớ rất thích cách suy nghĩ của cậu. Hihi, chi tiết này mình bắt chước một bạn trên mạng ý mà, chứ mình chưa kịp nghĩ ra 😊.

Đến Kathmandu Square lúc hơn 10.30, mình bảo cậu hướng dẫn mình muốn chờ ở Kumari Chen để không bỏ lỡ dịp duy nhất trong ngày nữ thần xuất hiện, thường vào khoảng 11.00. Kumari Chen về cơ bản giống như những khu khác trong cố cung, là một tòa nhà kín bốn mặt, trong đó có một mặt có lối ra, các mặt khác thì chỉ có cầu thang đi lên các tầng 2 và 3, tất cả hướng vào một chiếc sân rộng khoảng 60m2. Kumari sẽ xuất hiện ở ô cửa sổ nhỏ trên tầng 3. Trong sân có tấm biển ghi “Tuyệt đối cấm chụp ảnh Kumari!”. Đến gần 11h thì khoảng sân nhỏ chỉ rộng khoảng 60m2 đã khá đông, mình đếm được khoảng 100 người, phần lớn là khách du lịch phương Tây và hướng dẫn viên. Một người đàn ông trẻ đứng từ ô cửa sổ trên tầng 3 nói đi nói lại, Không được chụp ảnh, cất hết máy ảnh đi! Mọi người cũng tự giác bảo nhau cất hết và ngước mắt lên chờ đợi. Mình chờ khá lâu, có lẽ khoảng 11.10 gì đó thì nữ thần hiện ra trên khung cửa. Một khuôn mặt xinh đẹp hình trái xoan, mặt và tóc đều trang điểm cầu kỳ, đặc biệt là đôi mắt được kẻ rất dài sang hai bên và trang phục màu đỏ. Khuôn mặt hoàn toàn không có một biểu cảm nào, và đó cũng là yêu cầu bắt buộc. Kumari tuyệt đối không được giao tiếp với người ngoài, không được biểu lộ bất cứ tình cảm nào trên khuôn mặt. Kumari mà buồn bực hoặc giận dữ thì đó sẽ là điềm rất xấu. Kumari chỉ ra khỏi nơi ở trong những dịp lễ hội, một năm không quá 15 ngày và mỗi khi ra ngoài chân không được chạm đất, luôn phải được khiêng bằng kiệu hoặc bế. Kumari hiện thời, tên là Trishna Shakya, bắt đầu nhiệm kỳ năm 2017, khi cô bé 5 tuổi, tức hôm nay, khi mình thấy thì cô bé 11 tuổi. Đám khách du lịch tò mò được chiêm ngưỡng Kumari trong khoảng 5-7 giây và sau đó nữ thần trở lui vào phòng, đám khách du lịch tản đi, để rồi hôm sau lại có đám khác đến đứng dưới khung cửa sổ chờ đợi. Và đó cũng là những giây phút duy nhất trong ngày khi Kumari được nhìn thoáng ra thế giới bên ngoài.   

Kumari hoàng gia sống tại khu vực Kathmandu Durbar Square. Bức ảnh này có lẽ được chụp trong một lễ hội và khi đó Kumari được trang điểm với con mắt thứ ba ở giữa trán
Mình đang đứng chờ đây, trong khoảnh sân nhỏ của Kumari Chen, bốn phía đều là các dãy nhà với nhiều phòng nhỏ, và một lát nữa thì Kumari sẽ xuất hiện vài giây ngắn ngủi từ khung cửa sổ tầng 3

Ở Patan thì lại khác, Kumari sống trong một ngôi nhà nhỏ cách khu vực cung điện và đền đài chính khoảng 500m. Cậu hướng dẫn viên dặn mình khi thấy Kumari thì chắp tay, cúi đầu để xin tikka, thậm chí có thể xin chụp ảnh cùng Kumari. Thế nếu tôi không muốn xin dấu tikka thì sao? Không sao cả. Okie, vậy tôi sẽ chỉ chắp tay nói Namaste/Xin chào thôi và xin chụp một kiểu ảnh. Nữ thần của cậu mà, có phải của tôi đâu, mình nghĩ thầm. Ngôi đền của Kumari, giống như mọi kiến trúc khác, từ bên ngoài có thể thấy được trang trí, trạm trổ rất cầu kỳ, cũng là kiến trúc nhà bốn mặt nhìn vào khoảng sân chung. Mình thấy cậu ấy chuẩn bị một ít tiền nên cũng chuẩn bị theo. Một người phụ nữ, là người chăm sóc Kumari, xuất hiện từ cửa sổ tầng hai, sau đôi câu trao đổi thì cậu hướng dẫn viên bảo mình đi lên đó. Tụi mình bỏ dép, bước vào một khung cửa nhỏ, bên trong có cầu thang hẹp và tối dẫn lên tầng hai. Một tấm rèm đã cũ, cáu bẩn che cánh cửa chỗ đầu cầu thang tầng hai. Cậu hướng dẫn viên vén tấm màn, chờ đợi. Chút xíu thì có người đàn ông mang ra một chiếc chậu và bình nước, rót cho bọn mình rửa tay rồi dẫn tụi mình vào căn phòng nhỏ tiếp theo. Căn phòng nơi Kumari tiếp khách khá nhỏ, chắc chỉ hơn chục mét. Tấm thảm trải sàn màu đỏ, rất bẩn, có lẽ hàng thế kỷ chưa giặt, thêm tàn hương và đủ mọi thứ vương trên đó. Cậu hướng dẫn viên nhắc mình ngồi bắt chân kiểu kiết già hoặc bán kiết già. Đối diện chỗ mình ngồi là một chiếc ghế bành đỏ được coi là ngai của Kumira, bọc đệm đỏ và cũng cáu bẩn như mọi vật dụng khác trong căn phòng. Bên dưới chân ngai là vài chiếc đĩa nhỏ đựng đồ đã cúng xong còn để đó – quả chuối, hạt đỗ, tàn hương và những thứ gì gì nữa. Ngay sát bên phải ngai là vài món đồ - chiếc chậu nhựa nhỏ, mấy món đồ lặt vặt khác vứt lỏng chỏng. Các cửa sổ ở đây bằng gỗ, chỉ có những ô thoáng rất nhỏ, mang lại cho căn phòng ánh sáng yếu ớt. Ít phút sau người phụ nữ bế Kumari ra đặt lên ngai, chân Kamuri đặt vào chiếc chậu phía bên dưới. Cậu hướng dẫn viên tiến lên, cung kính quỳ lạy hôn chân Kumari. Kumari chấm tay vào chiếc đĩa đựng phẩm đỏ rồi chấm lên trán cậu hướng dẫn viên. Chờ cậu hướng dẫn viên lui xuống thì mình tiến lên, đặt một ít tiền vào chiếc đĩa ở gần chân Kumari và xin phép chụp một kiểu ảnh. Người chăm sóc giải thích Kumari cần có thời gian và không gian riêng tư và bế Kumari vào phòng. Tất cả diễn ra trong khoảng 2-3’. Vẫn là một khuôn mặt không chút biểu cảm, nhưng vì nhìn gần hơn, liệu có phải mình thấy cô bé có đôi mắt rất buồn?

Kumari tại cố đô Patan. Ánh sáng trong căn phòng rất yếu và thời gian không cho phép nên mình vội vàng đưa máy lên xin phép bấm một kiểu.
Nơi mình đến thăm Kumari ở Patan đây

Tò mò đến thế và giờ thì mình đã được nhìn thấy Kumari rồi đấy. Không chỉ là 5 giây thoáng qua khung cửa sổ mà tận mặt luôn. Thăm cả phòng tiếp khách, phần nào biết Kumari sống thế nào nữa. Nếu là một bà mẹ Nepal có lẽ mình cũng giống các bà mẹ khác, vô cùng tự hào khi con gái được chọn làm nữ thần sống. Nhưng vì mình không phải bà mẹ Nepal, nên mình chỉ thấy thương các cô bé. Một tuổi thơ bị tước đoạt, báo trước một tương lai đầy thử thách khi các em hết nhiệm kỳ, quay trở lại với cuộc sống thông thường. Và trộm nghĩ thêm, sự thịnh vượng của một đất nước phụ thuộc vào các Kumari như thế này ư? Có phải vì thế mà Nepal vẫn còn nghèo đói đến thế? Mình thương các cô bé, mình thương cả đất nước Nepal. Nhưng họ có cần mình thương không, hay mình đây mới đáng được thương nhỉ?

Nói thêm, ba khu cố đô - Kathmandu Durbar Square, Bhaktapur Durbar Square và Patan Durbar Square đều được xây dựng vào cùng một thời điểm nên kiến trúc có khá nhiều điểm chung. Bên cạnh các tòa cung điện dành cho gia đình hoàng gia là rất nhiều đền thờ.

Đôi góc trong cung điện ở Kathmandu Durbar Square
Đặc điểm chung là những đường nét chạm trổ tinh xảo. Cửa sổ chỉ có các ô thoáng rất nhỏ để kẻ thù khó lọt vào qua đường đó.
Ngôi đền này rất lớn, kiểu mái đặc trưng nằm sát cạnh cung điện trên Kathmandu Durbar Square nhưng mỗi năm chỉ mở cửa một ngày. 
Một ngôi đền nhỏ trong quần thể tại Kathmandu Durbar Square
Bên tay trái là các ngôi đền, tay phải là cung điện tại Patan Durbar Square.

Ngôi đền bằng đá thờ thần Krishna tại Patan Durbar Square
Ngôi đền này không thờ vị thần nào, mà do các hoàng tử xây để tưởng nhớ 8 bà vợ của nhà vua bị hỏa táng theo khi vua chết, nằm ngay sát cạnh các ngôi đền khác