31 tháng 1 2014

TẾT Ở SAPA VỚI ÔNG BÀ NGOẠI


Theo lịch, năm nay nhà mình về bên ngoại ăn Tết, vậy nên tuần trước cả nhà đã có chuyến đi Thái Bình thăm ông bà nội. Khối điều hay ho mà mình chưa có lúc nào ghi lại. Vé cho chuyến đi Sapa thì mình đã đặt từ khá lâu. Ban đầu định tối 28 đi rồi tối mùng 2 về lại Hà Nội. Ông chồng bảo, Tết năm nay nghỉ dài, em về Hà Nội sớm làm gì. Ôi chao, được lời như cởi tấm lòng, mình vội vàng đổi vé về sang mùng 4 Tết, dù rằng mỗi vé mất thêm một số tiền. Hì hì, được ở thêm với ông bà 2 ngày, vài trăm là muỗi :-).

Đã đi con đường Lao Cai – Sa Pa đến thuộc từng đoạn cua, khúc rẽ, vậy mà cái cảm giác mong chờ để chóng về đến nhà thì lần nào cũng vậy. Đang ngồi trong lòng mẹ, chợt cún bảo, cứ cách một năm mình mới về ăn Tết với ông bà một lần, thế hai năm nữa mình mới được về ăn Tết với ông hả mẹ, tự dưng nước mắt mình lại rơm rớm, nghĩ đến chuyện liệu Tết năm sau nữa mình còn được gặp ông không. Ông đã nhiều tuổi, yếu và bệnh tật, lần nào mình về gặp ông cũng hoàn toàn có thể là lần cuối :-(.

Cảm giác về nhà với ông bà thật ấm áp, ngọt ngào biết bao. Bà bảo đã suốt hơn chục ngày nay ông cứ ngóng, đếm từng ngày chờ con cháu về, ngày nào cũng nhắc. Mấy chị đều ở gần nên vì thế chẳng ai về ở hẳn với ông bà lâu như mình. Đã từ hai chục năm, năm nay ông bà mới không có người giúp việc, vậy nên giờ đây, mỗi khi về mình lau chùi nhà cửa, cơm nước cho ông bà. Dù thế, công việc chả có bao nhiêu, mình vẫn thoải mái thời gian ngủ nướng, lang thang trong vườn, đọc truyện, ngồi nói chuyện với ông bà và bữa nào hai bố con cũng chén thù chén tạc :-). Lần này, tuy là Tết nhưng cũng chả bận hơn ngày thường bao nhiêu. Bánh chưng bao giờ bà cũng gói từ 24-25 Tết. Bà nuôi một bầy gà, bác T. mang đi thuê mổ, nem thì đã có bác K. gói, rán sơ cho bà mấy chục cái. Giò, chả, lạp xường chả đến lượt mình phải lo. Măng đã ninh một nồi ngon lành. Thịt đông đã nấu. Tóm lại, dù không có người giúp việc thì buổi tối cả nhà cũng chỉ ngồi bên lò sưởi nói chuyện, đọc truyện, đám trẻ con thì đòi sang nhà bác T. ngay từ tối đầu tiên, chó mẹ chả cần phải trốn, hehe. Rồi ngày hôm sau, khi mẹ không thể đưa đi thì hai đứa trẻ đã tự dắt nhau đi bộ khoảng gần cây để đến nhà bác chơi, rồi đến bữa lại tự dắt nhau về.

Sáng 30, sau khi ăn sáng cùng ông bà, nhớ lại chuyến đi dạo cùng ông 2 năm trước, dù chả dám nghĩ ông còn đủ sức đi một vòng như vậy, mình cũng bảo bà hay con rủ ông đi Hàm Rồng, không ngờ bà ủng hộ ngay. Bà bảo, con về đưa bố đi chứ mẹ chả đưa bố đi được. Nài nỉ mãi bà cũng không đi, bà bảo chân đau, hì hì, dù ngày nào bà cũng phăm phăm leo lên leo xuống không biết bao nhiêu lần, hết chợ rồi lại lên vườn với đàn gà. Thế là bà ở nhà, còn nhà mình sung sướng cùng ông đi Hàm Rồng.

Sapa sáng 30 Tết nắng rực rỡ, gần trưa thì nhiệt độ lên đến khoảng 22-25. Vườn lan mùa này ít hoa nhưng nhiều cây đào đã nở rộ bên cạnh những cây khác còn đang hoàn toàn trụi lá, nụ mới chỉ rất nhỏ. Trên nền trời xanh ngăn ngắt, mà đối với mình, hình như chỉ Sapa mới có màu trời xanh kỳ lạ đến thế, nổi bật những đỉnh nhấp nhô của dãy Hoàng Liên Sơn. Mùi mùa xuân, phải gọi thế mới đúng, hay mùi cây cỏ từ ký ức tuổi thơ làm mình phê như vừa dùng mấy viên thuốc lắc liền, hehe.

Cả nhà đi chậm rãi cùng ông, mình cứ luôn bảo, bố đi thật chậm thôi, hễ bố mệt thì cả nhà quay về ngay, vậy mà ông chả tỏ vẻ gì mệt mỏi. Lên được đến vườn lan thì mình cũng hơi hoảng chút, gọi điện cho bác K. hỏi có cho ông đi tiếp không hay để ông về. Bác cười giòn bảo, việc quái gì, ông thích cứ để ông đi. Đến được vườn hoa trung tâm mình đã mừng lắm rồi, coi như chiến công, nhưng ông cứ đòi đi tiếp. Gọi điện cho bà, bà bảo, ôi con cứ đưa bố đi, bố thích mà mẹ chả đưa được. Hehe, thế thì đi tiếp thôi :-).

Cứ chầm chậm như vậy, nhà mình lên đến tận sân mây. Đến gần đó thì mình khoái quá, nhất định phải gọi điện trêu chọc bác T. Mình bảo, bác xem có ai lấy chồng mà còn được ăn dầm nằm dề ở nhà bố mẹ cả tuần không. Bác có ghen không, em đang đi dạo với ông trên Hàm Rồng đây này. Bác cười ha ha bảo, ông mà đau chân thì dì cứ liệu hồn. Thế là mình quay sang bảo cún, ông mà đau chân là tại con đấy, con cứ quẩn chân ông, để bố mẹ không đỡ được ông cẩn thận. Lúc sau cún cứ bảo, mẹ ơi ông mà đau chân thì mẹ không được trách con đâu nhé. Lúc về gần đến nhà, nàng năn nỉ ông mấy lần liền, ông ơi ông đừng đau chân nhé. Yêu nàng quá cơ.

Suốt dọc đường đi, mình tranh thủ chụp cho ông cháu bao nhiêu ảnh đẹp. Cậu con trai thì nhất định không cho mẹ chụp, chả bù cho nàng công chúa thì ngược lại, tạo dáng mọi lúc mọi nơi. Ở một chỗ ngồi nghỉ, có chú ngựa được buộc gần đó, nàng bắt mình chụp với lý do đây là lần đầu tiên con nhìn thấy ngựa, mẹ phải ghi lại kỷ niệm của con chứ. Và nàng chỉ đạo mẹ viết blog thế này “Cún nhìn thấy một con ngựa trắng đẹp ơi là đẹp và đòi mẹ chụp ảnh”.

Đã ngần này tuổi mà hình như năm nay là năm đầu tiên mình phụ trách mâm cơm cúng chiều Ba mươi cũng như mọi mâm cơm cúng những ngày sau đó. Được cái nhiều món đã làm từ trước nên thường chỉ một loáng là xong. Ngồi bữa cơm chiều tất niên với ông bà, thấy thật bình yên, thật ấm cúng. Bà bảo, rồi cũng phải giải phóng cho các con, chứ cứ thế này chả bao giờ được ăn Tết ở nhà mình. Mẹ ơi, chúng con chả có nhu cầu ăn Tết ở nhà mình, chừng nào ông bà đôi bên còn thì chúng con sẽ lần lượt về ăn Tết với ông bà nội ngoại. Nghĩ đến chuyện ông bà đã cao tuổi, rồi sẽ đến lúc mình không được ngồi ăn cùng ông bà nữa, mình lại thấy nghèn nghẹn.

Thế là năm cũ đã qua, một năm mới lại đến rồi. Chả dám cầu mong gì nhiều, chỉ mong ông bà mạnh khỏe để chúng con có chỗ đi về. Ông bà ơi, đấy là điều tất cả chúng con đều cầu mong.  Để năm nào chúng con cũng được tụ tập đông đủ, ăn với ông bà bữa cơm, nhìn ông đi hết bàn này sang bàn khác, cầm ly rượu mà mắt rưng rưng, rồi vỗ ngực tự xưng tôi là ông già mười sao. Ông cố chờ thêm ít nữa nhé, đám cháu chẳng mấy chốc sẽ biến ông thành ông già hai mươi sao, để rồi cả nhà chen mãi mới vào được khung hình ảnh Tết mà năm nào ông cũng muốn chụp cùng con cháu. 

Còn sau đây là phóng sự ảnh buổi đi chơi của cả nhà cùng ông :-)
Lúc mới bắt đầu đi, cún tạo dáng trong khuôn viên Khách sạn Công đoàn
Cún thích quấn quýt bên ông, chả như anh Tôm, mải chạy nhảy đến cả rách toạc quần :-)

 Công viên ngày cuối năm rất vắng, thấy có một cô hướng dẫn đi cùng hai người khách, mình vội vàng nhờ chụp ngay cho cả nhà một kiểu
Tạo dáng giữa vườn lan, duyên dáng hệt như một nhành hoa

Hai năm rồi ông mới lại được lên Hàm Rồng, ông cười phớ lớ
Nàng tiên nhỏ của nhà mình giữa công viên đá
Đoạn này là cún chỉ đạo nghệ thuật cho mẹ đây
Cún lúc nào cũng thích chụp ảnh với Dad
Mình cũng tranh thủ tạo dáng, mà nhiều trong số đó là tác phẩm của cún. Cún bảo, chụp ảnh cho mẹ là vinh dự của con, ặc ặc
 Bầu trời xanh đến kỳ lạ của Sapa

Thêm bức ảnh chụp sau bữa trưa ngày mùng hai Tết. Năm nay do chúc rượu nhau quá nhiều, chả còn đủ thành viên do một số người đã phải đi nằm ngay sau bữa tiệc :-)

30 tháng 1 2014

VIDEO VỀ ÔNG NGOẠI

Cùng đợt với bài viết của báo Lào Cai online về ông, người ta làm một đoạn video về ông, phát trên đài Sapa. Vô khối lỗi, cũng giống như bài kia. Và trình quay thì tệ đến không thể tệ hơn, bao nhiêu cảnh đẹp mà lấy những đoạn phông nền quá kém. Nhưng thôi, mình vẫn muốn lưu lại, như một cách lưu giữ những kỷ niệm về ông bà.




25 tháng 1 2014

SAPA MỘT SÁNG CUỐI NĂM

(Đăng lần đầu 23/1/2012)
Vài hôm nữa mình lại được về Sapa rồi. Nhớ lại cái Tết của mình cách đây 2 năm, hai bố con đã có một cuộc đi dạo tuyệt vời vào sáng ngày 30 Tết. Vèo một cái mà đã 2 năm trôi qua, sức khỏe ông giờ chả còn cho phép một chuyến dạo chơi như thế này nữa. Haiza, mình đưa lại bài này lên đây, mong thời gian trôi nhanh để mình sớm được về Sapa.

Sáng 29, mà thực ra là 30 Tết, trời Sapa nắng đẹp kỳ lạ trong khi ở Hà Nội mưa phùn rét buốt.  Mình đã có một buổi sáng thật tuyệt vời lang thang cùng bố trên công viên Hàm Rồng, dường như hôm đó chỉ dành cho hai bố con. Vắng lặng, thanh bình, yên ả đến vô cùng. Suốt cả buổi sáng hai bố con chỉ gặp có vài người. Phong cảnh thì đẹp đến không thể tả xiết. 
Một góc Sapa nhìn từ sân mây


Dãy núi Hoàng Liên hùng vĩ, mà cái đỉnh xa tít kia đã bị mình chinh phục   


Từ trên sân mây nhìn xuống, cảnh rõ nét đến không ngờ




Góc nào của công viên cũng thật đẹp và quyến rũ, với những con đường len lỏi rất lãng mạn


Công viên vắng ngắt vắng ngơ, mãi mới gặp được một người để nhờ chụp cho hai bố con kiểu ảnh


Kiều lát đá đặc trưng của Sapa xưa, giờ chỉ còn lại ở rất ít chỗ
 Giữa vườn hoa lan 
Một kiểu ảnh nữa của hai bố con


Vườn hoa nhìn lên đỉnh con cóc


Ở một góc công viên, hai bố con gặp một cây mận rừng đang độ rực rỡ
 

Một buổi sáng thật thanh bình. Mong sao ông còn sống lâu và mạnh khoẻ để mình còn được cùng ông đi dạo nhiều lần như thế này. Nếu biết ông đã ngoài 80 mà còn đi hết một vòng, tổng cộng khoảng 3km và leo lên tận sân mây, chắc mọi người choáng phết đấy :-)

 

12 tháng 1 2014

QUÁN TRỌ ĐẶNG TRUNG VÀ ÔNG GIÀ TUỔI NGỌ

Ở Sapa ông là một nhân vật khá có tiếng. Bài báo viết về ông khá nhiều, rồi phóng sự, rồi làm nguyên mẫu cho một đôi cuốn tiểu thuyết. Bây giờ, thấy ông bà trong cảnh sung sướng như vậy, bạn bè ông bảo, ông thật biết nhìn xa trông rộng, không làm nhà nước mà bỏ lên Sapa từ những năm 60, mà nào có biết ông đã trải qua biết bao năm tháng cơ cực thế nào. Mình vô cùng ân hận đã không hề nghĩ đến chuyện lưu lại những bài báo, phóng sự về ông hay tiểu thuyết lấy ông làm nguyên mẫu. Muộn còn hơn không, giờ mình đang cố gắng tìm và lưu lại, giữ những kỷ niệm về ông bà, cho chúng mình và cho đám trẻ về sau.

Bài báo dưới đây viết vài chi tiết sai trầm trọng, nhất là cái chi tiết bán nhà cho con đi du học. Bọn nó dở hơi, cái thời đó làm gì đã có chuyện du học tự túc. Rồi ý tưởng xây khách sạn chỉ bắt đầu khá lâu sau khi ông đã đôi phần khỏe lại sau trận nằm liệt giường liệt chiếu tới hơn nửa năm. Và cả chuyện nguồn tiền để xây 6 phòng khách sạn nhỏ nhoi ban đầu cũng là một câu chuyện ly kỳ, đâu đơn giản là anh chị em họ hàng gom góp :). 

Nhưng thôi, sẽ lưu giữ chỉ đơn giản như một kỷ niệm về ông bà, kệ bố cái bọn phóng viên làm ăn cẩu thả. 


“Quán trọ” Ðặng Trung và ông già tuổi Ngọ
LCĐT - Ngày cuối năm, trời lạnh cắt da cắt thịt. Mưa mù mịt mùng cũng không ngăn nổi những nụ đào phai nở sớm. Băng qua cơn mưa sương, đi xuyên trong rét buốt của thị trấn xinh đẹp dưới chân núi “Phan” để đến khách sạn Auberge Đặng Trung, một trong những khách sạn tư nhân đầu tiên ở Sa Pa.
Cả đời chỉ thích hoa mai
Lặng lẽ và khiêm nhường giữa thị trấn trong mây có một khách sạn khá đặc biệt. Đặc biệt bởi cái tên sơ khai của nó là “quán trọ”. Người “khai sinh” ra quán trọ ấy là ông Đặng Trung, quê gốc ở xứ Thanh. Cách đây nửa thế kỷ, chàng sinh viên y khoa miền biển lên rừng theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới. Sinh năm Canh Ngọ (1930), được học tiếng Pháp từ năm lên lớp 2, bên cạnh tiếng Pháp, ông còn dịch được cả tiếng Anh. Cũng chính từ thông thạo ngoại ngữ, ông đã “bén duyên” với nghề hướng dẫn du lịch và làm khách sạn ở Sa Pa. Thế nên, khi hỏi về người làm du lịch đầu tiên, xây khách sạn tư nhân đầu tiên ở Sa Pa, mọi người đã chỉ dẫn ngay đến địa chỉ nhà ông...
Ông Đặng Trung và vợ trong khuôn viên khách sạn.
Khuôn mặt hiền từ, nhân hậu, giọng nói trầm ấm, ông chậm rãi kể lại: Lúc ấy cũng vì kế sinh nhai, “đói đầu gối phải bò” chứ tôi xây khách sạn cũng không có ý tưởng gì cao sang cả. Đơn giản chỉ là thế! Hồi ấy, Sa Pa rất thiếu người phiên dịch, bởi phong trào học ngoại ngữ chưa phổ biến như bây giờ. Thế rồi khách Tây đến đều khuyên ông bà mở khách sạn. Nhưng lúc đó, chỉ có hai bàn tay trắng, biết được ý định như vậy, bạn bè, anh em cùng “hùn vốn” cho đôi vợ chồng nghèo vay. Năm 1993, gia đình xây 6 phòng nghỉ và lấy tên rất khiêm nhường “Auberge”, tiếng Pháp có nghĩa là quán trọ. Sau này, dư dả một chút, mới đầu tư xây thêm 10 phòng nghỉ. Ông Đặng Trung bảo: Ban đầu, cũng chỉ nghĩ xây quán trọ nho nhỏ cho khách đến nghỉ, uống cà phê, đọc sách thôi. Thế nên, tôi hiểu vì sao tủ sách của ông có trên 2.000 cuốn, trong đó phần nửa là sách tiếng Pháp.
Đi qua hơn 80 mùa hoa đào nở, thì có tới hơn 20 năm ông Trung phải sống chung với bệnh tật. Từ tình yêu thương vô bờ bến của vợ con, nghị lực vươn lên mà dường như ông đã chiến thắng được căn bệnh ung thư quái ác. Ông hiểu hơn ai hết giá trị của tình người, trong đó có tình nghĩa vợ chồng, tình phụ tử đã tạo nên sức mạnh giúp con người ta vượt qua mọi phong ba, bão táp ở đời...
Dẫn tôi đi thăm khuôn viên nhỏ trồng nhiều cây cảnh quý, giờ là chốn điền viên của vợ chồng vui thú tuổi già, ông cẩn thận giới thiệu xuất xứ của từng cây. Nào là cây phong lá đỏ, ông lấy giống từ Úc về, cây hoa chuông treo trên dây trước mặt ông lấy hạt từ Pháp về, cây Tùng tuyết ông nhờ người mua tận Vân Nam (Trung Quốc)... Thắc mắc vì sao ông trồng nhiều cây mai đến thế, thì ông bảo “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” - có nghĩa là một đời chỉ biết lạy hoa mai. Đó là câu nói của bậc tiền nhân mà ông rất tâm đắc. Dừng lại giữa sân, dưới hai cây bách tán xòe bóng, ông Trung vừa nói vừa chỉ lên dòng chữ “AUBERGE” được đắp nổi trên tường nhà: Đấy, cái tên quán trọ được xây dựng từ năm 1994 đấy, mới đó mà đã 20 năm rồi!. Đúng vậy, quả là đời người trôi qua cũng thật nhanh.
Bước vào phòng khách, cạnh quầy lễ tân, trong không gian hẹp, những dãy bàn không còn ghế trống bởi hôm nay đông khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Họ ngồi uống cà phê và trò chuyện vui vẻ. Qua phiên dịch của hướng dẫn viên du lịch, Cedrice Le Gauo, quốc tịch Pháp đang nghỉ tại Khách sạn Auberge Đặng Trung, thổ lộ: Rất vui vì cảnh đẹp nơi đây cũng như lòng hiếu khách của người Sa Pa. Điều đặc biệt là tôi được nghỉ trong khách sạn được xem là một trong những khách sạn đầu tiên ở Sa Pa. Được gặp và trò chuyện với ông Đặng Trung, một người rất gần gũi mà thân thiện... cảm giác thật ấm áp!
“Thuận vợ, thuận chồng...”
Với Đặng Trung, “bóng hồng” luôn kề vai sát cánh cùng ông chính là bà Đỗ Thị Cúc. Không ngoa khi nói “đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của phụ nữ”. Mảnh đất Sa Pa, nơi gặp gỡ của hai ông bà, cũng là nơi tình yêu nảy nở và nên duyên chồng vợ... Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu, bà Cúc xúc động kể: Lúc đó làm khách sạn vất vả lắm, ở Sa Pa chưa có nhà nghỉ nào đón khách Tây cả. Lại chưa có chuyên môn nghiệp vụ du lịch, cứ “mò mẫm” theo kiểu đón khách nghỉ, phục vụ khách theo cái tâm của mình thôi, vì “ông nhà” biết ngoại ngữ! Vất vả nhưng vui. Bởi khi đó, chưa biết nấu món ăn theo kiểu Tây, nên khách đến nghỉ toàn vào bếp hướng dẫn bà nấu nướng. Những hôm đông khách, chưa có nồi chuyên dụng như bây giờ, toàn phải nấu cơm làm nhiều nồi rồi ủ vào chăn... Mãi đến năm 1996, Trường Hoa Sữa cho học viên lên thực tập tại Auberge, lúc ấy bà Cúc mới được học cách nấu ăn theo phong cách Tây.
Khách sạn “Auberge” Đặng Trung.
Khơi lại những ký ức một thời, bà Đỗ Thị Cúc vẫn không nguôi về những năm gian khó: Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thương nhất thằng Thực, con trai út. Đúng lúc, có ý tưởng xây khách sạn thì cũng là lúc ông Trung phải nhập viện mổ vì bệnh ung thư trực tràng. Đã thế lại phải bán hết nhà cửa dành tiền cho con gái đi học ở Nga. Khi xây khách sạn, tôi và cậu con trai, cứ đêm xuống lại mang can xuống tận “Vườn hồng” bây giờ để xin nước gánh về... Bà Cúc nhớ nhất là lần khách sạn đón, tổ chức lễ cưới cho Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, hồi hộp lo âu nhưng cũng xen lẫn niềm tự hào...
Sa Pa tròn 110 năm tuổi, khách đến Sa Pa đông hơn, nhất là du khách nước ngoài. Vợ chồng ông Trung lại mở rộng, xây dựng thêm 20 phòng, đầu tư các trang - thiết bị, nâng cấp phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn. Những lúc đông nhất, khách sạn phục vụ trên 30 phòng. Nhưng bây giờ, chuyện xây khách sạn, làm khách sạn hay kinh doanh với bà Cúc và ông Trung không còn làm ông bà phải bận lòng nữa. Khách sạn đã giao cho người khác quản lý... Các con trai, con gái giờ đã phương trưởng, mỗi người chọn một lối đi riêng, không ai làm theo nghề của bố mẹ. Ngày ngày, hai vợ chồng sát cánh bên nhau, vui an hưởng tuổi già. Còn gì bằng, khi ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mà vợ chồng vẫn có đôi, chiều chiều khoác vai nhau đi bộ giữa phố cổ Sa Pa. Sáng sáng, vợ thức giấc đun nước nóng cho chồng pha trà thưởng mai, ngắm mây bay trên đầu...
Bà Cúc bảo: Cảm thấy rất tự hào và viên mãn với hạnh phúc của mình được xây đắp ngần ấy năm. Dù đã “đầu bạc, răng long”, sức khỏe không còn nhiều nữa nhưng vợ chồng cũng chưa “tôi, cô” bao giờ, dù không phải là không có những lúc “dỗi nhau” đôi chút. Ngẫm lại mới thấy “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”...nhưng nhà tôi lại còn được “thuận” cả con!
Chiều cuối đông, trong căn phòng nhỏ của Khách sạn Auberge Đặng Trung, bên lò sưởi ấm, câu chuyện của chúng tôi với ông già tuổi Ngọ và người vợ đảm dường như cứ dài mãi với những ký ức, câu chuyện về ngày đầu khởi nghiệp làm khách sạn. Trên bàn, chậu mai Tứ quý đã nở hoa trắng muốt, ngoài kia dường như mùa xuân đang đến rất gần. Xuân này chủ “quán trọ” Đặng Trung lại đón thêm một mùa xuân năm Ngọ cùng với Auberge đi qua tuổi hai mươi!
Kiều Lê

11 tháng 1 2014

CHÚC MỪNG SINH NHẬT ÔNG 85 TUỔI



Đã từ lâu, nhà mình luôn tổ chức sinh nhật ông và việc về Sapa thăm ông bà vào đầu năm đã thành thông lệ. Năm nay lại còn đặc biệt hơn vì ông tròn 85 tuổi. 

Thời gian cuối sửa đường, tàu luôn bị chậm, vậy nên tàu chạy lúc 22.00 mà đến gần 9h tụi mình mới lên đến Lao Cai. Lần nào cũng vậy, biết mình lên là từ sáng hết mẹ rồi đến các chị gọi cho mình. Lần này cũng thế, í ới suốt từ 6h sáng. Hai chị bảo vào nhà các chị chờ, đi cùng với mấy chị em họ hàng khác. Không muốn phải chờ đợi và cũng rất sốt ruột về với ông bà, tụi mình phóng lên một chiếc xe về Sapa luôn. Về đến nhà là xông vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho đoàn về sau. Bữa trưa được coi là buổi họp trù bị cho bữa tối, vậy mà sơ sơ cũng ba mâm, món lòng từ chú lợn của bác V., ngon không thể tưởng.

Dù là sinh nhật 85 tuổi, ông bà không muốn mời họ hàng đông vì ngại mọi người đi lại vất vả. Cuối cùng quyết định chỉ mời con cháu sống ở Lao Cai và Sapa, cộng thêm đôi cặp thuê khách sạn và cửa hàng, thế mà cũng đến cả chục mâm. Mấy chị em quyết định tự nấu nướng, ăn uống ở nhà cho ấm cúng. Mình mua tôm ở Hà Nội mang lên, chị V. và anh T. đăng ký quay một con lợn cắp nách 25kg, đã nuôi cả tháng chờ đến ngày tổ chức. Chị K. lo làm vài con gà và gói nem. Bác T. lo đặt bánh và mấy món lặt vặt khác. Thế là được một bữa cỗ vừa ngon vừa đảm bảo và ấm cúng.

Phân công nhau mọi việc đã rõ ràng. Và thực ra cũng chả mấy việc phải làm, tôm đã hấp, nem đã rán qua, lợn đã quay, vậy mà chưa đến 2.30 đã thấy bác V., chỉ đạo nghệ thuật chính của bữa cỗ, xăm xắm ra bếp lo luộc gà, sắp đặt. Đám cháu về thăm ông bà khá đông, chỉ thiếu một tiểu yêu đang ở tận trời Tây, một tiểu yêu khác ở Hà Nội không về được, và hai nhóc nhà mình bị bố mẹ cắt đuôi do thời gian đi quá ngắn, không muốn tha lôi tụi nó theo. Mấy đứa nhỏ níu tay đòi ông đưa đi dạo bờ hồ. Mình bẩu, em nhận nhiệm vụ đưa ông đi dạo, sau khi bị bác V. quẳng cho vài ánh mắt hình viên đạn, mình chuồn, với lời hứa 4h nhất định sẽ về cùng sắp cỗ, hehe. Vì thế nên mình mới có được những tấm hình ông cháu vui vẻ đến thế này chứ :-). Bác ơi, bác thông cảm nhớ, mí lị phân công lao động rồi, em chuyên phụ trách mảng đời sống tinh thần cho ông bà mà, hì hì.
Ông cháu vui thiệt là vui
 Những tảng đá thân thuộc nhiều chỗ đã nhắn thín, do từ thời mình tụi mình cũng lê la ở đây thế này sau giờ học
 Mốc thì vẫn như mọi khi, không rời ông nửa bước


Ông cháu đi bên nhau thật thanh bình. Bờ hồ có hàng lan can mới màu trắng, rất hợp cảnh
Mấy cây hoa anh đào chỗ cổng ủy ban nở hoa đỏ rực

Ào một cái, đến 6 kém 15 thì tụi mình đã bày gần xong 10 mâm. Lần nào cũng vậy, con cháu về ông bà vui vô kể. Ông được nhận bao nhiêu quà, bao nhiêu lời chúc trong bữa tiệc nhưng ăn thì hầu như chẳng được gì. Nửa đêm ông đói đến không ngủ được, đòi bà dậy chuẩn bị cho ông ăn bù :-).

Lợn quay bác V. chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật ông ngon ơi là ngon
   Mấy chị em chẳng nhớ chuẩn bị nến, ông hỏi, nến đâu, hì hì, ông teen phết :-)


Đứa nào cũng tranh ôm vai bá cổ ông, kể cả cái đứa lớn tướng đã có chồng, hehe
Thời gian cuối ông yếu đi nhiều quá. Cứ mỗi lần về, mà nào có lâu la gì, thường vài tháng một lần, mình lại thấy ông yếu đi nhiều, đi lại lưng còng hơn, cứ vài bước lại dừng lại để thở. Mỗi lần về Sapa mình lại nghĩ, chả biết mình còn được về thăm ông bà bao nhiêu lần nữa. Cầu mong ông bà mạnh khỏe để sang năm, sang năm nữa, rồi nữa nữa nữa, tụi mình vẫn có thể cùng nhau quây quần trong bữa tiệc sinh nhật ông. Sau bữa tiệc, mấy chị em đã ngồi bàn ngay, tiệc sinh nhật ông sang năm sẽ đồng thời là kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà.

Ông ơi, chúng con chúc ông mạnh khỏe, để chúng con còn được về thăm ông dài dài!
Tấm ảnh này chụp 4 năm trước. Ngày đó ông còn dễ dàng ngồi lên bờ tường chăm hoa thế này đây, giờ thì đã không thể