28 tháng 6 2015

AUBERGE ĐẶNG TRUNG - NGÔI NHÀ BÌNH AN VÀ YÊU THƯƠNG

Đã có rất nhiều bài báo viết về ông bà, từ những năm 90, rất nhiều trên báo tiếng Việt, và cả trên báo tiếng Pháp, tiếng Anh. Rồi ông còn là nguyên mẫu cho đôi cuốn tiểu thuyết, một cuốn của bác nhà văn người Pháp, một cuốn của cậu cháu, Hoen rỉ. Nhưng ngày đó mình chả lưu tâm, chả giữ lại gì. Giờ nghĩ lại thấy ân hận quá. Mà tìm lại thì thật sự sẽ là rất nhiều công sức. Thôi thì giờ có gì sẽ cố gắng lưu lại hết. 



Auberge Đặng Trung - ngôi nhà bình an và yêu thương

Tôi đến thăm vợ chồng chú Đặng Trung và cô Cúc lần đầu tiên vào năm  1996. Gần 20 năm trước. Thế rồi tôi ấn tượng về nụ cười tươi, nhẹ nhàng và cách sống giản dị, về tinh thần lạc quan, yêu đời và cách sống trong thực tại, về những cây hoa, những cuốn sách của ông chủ Đặng Trung với những ấm trà thấm tình người nơi Sa Pa yêu dấu. Tôi đã tự hứa với mình rằng mỗi năm quay lại thăm ông chủ của quán trọ một lần, ấy vậy mà thời gian bay nhanh quá, sự đời cuốn tôi đi vội quá, 6 năm nay tôi mới lại có đủ duyên quay lại thăm ông bà.
Auberge dang trung00.jpg
Tôi nhớ nhất rằng cô Cúc là con nhà công giáo dòng, dân Phát Diệm chính cống. Còn chú Đặng Trung lại có tâm Phật. Cô lên đất Sapa này từ 1961 còn chú đến đây từ 1963 để rồi 1965 họ nên vợ nên chồng và sau này sinh ra đến 5 người con: 4 gái, 1 trai với con đàn cháu đống, chắt cũng đã có, sống hạnh phúc với nhau rất đặc biệt.
Cô tin vào giáo lý của Chúa và sống trong chuẩn mực của 10 điều răn cũng như hết mình vì cộng đồng các giáo dân cũng như bà con các dân tộc vùng cao nơi đây.
Tôi không thể quên phong cách nhẹ nhàng và trí thức của chú Đặng Trung. Phải tu tập công phu thế nào thì mới có cách sống thảnh thơi, rộng rãi, thong dong đến vậy. Có lẽ đến nay, tôi không đủ duyên may và vẫn ít biết những cư sỹ tại gia có thành tựu tu tập tốt như chú.
Chuyện kể rằng chú Đặng Trung là sinh viên khóa một đại học Y Hà Nội. Chú tốt nghiệp năm 1960. Tuy nhiên, chú là 1 trong 8 sinh viên của 80 sinh viên khóa một đó không được nhận bằng đại học (chính xác hơn là chưa được nhận bằng) bởi lý do …. lý lịch. Thời đó, những sinh viên, học dù có giỏi đến mấy nhưng nếu gia đình thuộc thành phần địa chủ hay giàu có cần phải đi lao động cải tạo vài năm mới được nhận bằng và được phân công công việc.
Cũng như những sinh viên cùng hoàn cảnh khác, chú Đặng Trung phải đi lao độngcải tạo, lao động bằng chân tay rất vất vả ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Suốt 3 năm, từ 1960 đến 1963 chú làm việc cật lực, đến mức được khen thưởng và cho đi nghỉ mát ở Sa Pa. Thế rồi chú lên và ở hẳn vùng cao này để làm nghề khai hoang: trồng rau, làm hạt giống rau cung cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp. Rồi vị bác sỹ đó đã quên hẳn chiếc bằng đại học để bắt đầu vào đời với làm đủ các nghề như thợ xây, thợ xẻ gỗ, thợ bê vác gỗ rừng, thợ mộc,….
Lần đi Sa Pa này, tôi không có ý định đến thăm cô chú nhưng chợt đi qua khu nhà có ô chữ quen thuộc “Auberge”, tôi ngó lên, thấy chú đang ngồi trên ban công tầng 3 đọc sách. Tôi quyết định gọi to và để rồi ông bác sỹ khóa 1 đại học Y Hà Nội, nay đã 86 tuổi, đón tôi vào uống trà đàm đạo.
Ngày nào chú Đặng Trung cũng ra ban công ngồi ngắm mây. Chú bảo, ngắm mây là một thú vui của chú. Chú rất thích ngắm mây côi - những đám mây nhỏ trôi lang thang một mình.
Chú Đặng Trung lôi tôi ra ngồi ngắm mây. Một đám mây nhỏ rồi tụ dần thành một đám mây lớn hơn. Chú hỏi tôi có thấy nhân duyên chưa. Nhân là hơi nước. Duyên là không khí lạnh, là gió, là bầu trời thênh thanh. Nhân duyên hội tụ đủ nên có đám mây lớn hơn.
Auberge dang trung04.jpg
Chú chỉ tay cho tôi thấy mây bay. Mây vào vùng lạnh thì lớn thêm ra. Chú hỏi tôi về hình thù của đám mây đang có. Rồi một đám mây mới. Chúng tôi ngồi ngắm mây lang thang. Chú hỏi tôi có biết khi nào đám mây kia tan không. Tôi chưa kịp trả lời thì chú đã phân tích về vùng không khí nóng. Khi không khí nóng lên , khi đám mây bay gặp vùng không khí ấm, hết duyên, đám mây tan vỡ.  Đời người cũng vậy. Vạn vật cũng thế.
Người con Phật có nhiệm vụ là pháp học và pháp hành. Pháp học là học các tinh hoa do Phật dạy như tam tạng kinh điển. Pháp hành là thiền định và thực tập những lời Phật dạy để đi đến cuộc sống vắng mặt của khổ đau, để ung dung tự tại trong cuộc sống hiện tại. Chú Đặng Trung có trong nhà 1 kho sách lớn mà tôi ước chừng vài ngàn cuốn, trong đó có quãng 1 ngàn cuốn tiếng Anh và 1 ngàn cuốn tiếng Pháp. Pháp học của chú là tự học, là thông qua sách. Tôi ít thấy ai ham đọc, mê tự học như chú, ít ai có tính quyết tâm cao độ, tinh thần kỷ luật trong pháp học như chú.
Chúng tôi ngồi nói chuyện về sự đời, về cuộc sống xung quanh. Giật mình chú cháu nghĩ về loài người đang chạy trốn khỏi sự truy đuổi của 4 con rắn độc, nhưng phía đằng trước lại có 6 tên cướp với vũ khí trong tay đuổi theo và truy sát. Tiếp nữa lại có một tên tướng cướp to lớn lực lưỡng hằm hằm sắc khí muốn nuốt chửng ta. Chỉ nơi phía sau đó mới có dòng sông mà phía bên kia là thanh bình, là hạnh phúc.
Bốn con rắn độc đó là bốn yếu tố làm nên thân này: đất, nước, lửa gió. Con người luôn tìm cách sống để thỏa mãn sự đòi hỏi của thân xác. Con người luôn bị thân xác thúc ép tìm mọi cách để có hạnh phúc vật chất tầm thường. Chính vì vậy mà muôn người phải lao tâm khổ tứ, vất vả ngày đêm, bao nhiêu cay đắng khổ đau, kể cả gian trá, lừa gạt, giết hại lẫn nhau,… miễn làm cho cá thân tứ đại này được thỏa mãn. Người tu là hiểu rằng thân tứ đại này là giả tạm, rằng đây là 4 con rắn độc đang truy sát mình, làm hại mình.
Chúng tôi trầm ngâm ngắm mây, ngẫm về 6 tên cướp đe dọa, đuổi chém. Đó là 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Loài người đang sống để thỏa mãn 6 giác quan này. Nào là nhà đẹp, vợ xinh, quần áo mới, phong cảnh khắp nơi,… để thỏa mãn đôi mắt. Tương tự như vậy đối với 6 giác quan kia. Và phải biết bao đắng cay, sầu khổ, mồ hôi và nước mắt suốt bao năm trời, thậm chí mất cả kiếp người,  mà liệu có thỏa mãn được chúng lấy vài ngày.
Tên tướng cướp hung hãn to lớn trước mặt ta là sự tham lam của con người. Lòng tham vô đáy. Có một muốn hai, muốn ba. Có cái gì hay xuất hiện ta dễ yêu thích. Yêu thích rồi sinh ra ham muốn. Ham muốn rồi muốn chiếm hữu. Những ham muốn vô hạn này đang theo sát mỗi chúng ta và truy đuổi ta. Các dục vui ít khổ nhiều, phiền não nhiều mà khổ đau càng nhiều hơn. Chỉ có cách tự làm bè, dùng tay bơi sang bên kia sông, đến Niết Bàn ung dung tự tại là con đường duy nhất.
Chú dẫn tôi ra thăm những cây mướp xanh mơn mởn và đã có trái. Mướp được trồng trong chậu. Chú Đặng Trung lại giảng tiếp cho tôi bài pháp tiếp theo. Rằng việc chú trồng mướp lúc đầu chỉ đơn giản làm cho mình chiếc mành che nắng. Ấy vậy mà chú quan sát cây mướp mỗi ngày. Cây mướp không tự mình leo trèo được. Chú làm giàn cho mướp trèo. Hướng leo của mướp hoàn toàn phụ thuộc vào người dẫn đường. Chú mê mải và thích thú ngắm và chỉ chi tôi những tay mướp bám chặt vào giàn.  Chú bảo, con người cũng vậy, rất cần sự dẫn dắt của những người thầy. Sai một ly là đi 1 dặm. Tâm ta lại càng cần được dẫn dắt, được hướng dẫn. Nếu dẫn tâm vào chỗ xấu ắt ta thành người xấu, khó mà thoát được.
Auberge dang trung05.jpg
Cô Cúc bước vào và kể cho tôi nghe về nhà thờ nơi đây. Rằng giáo dân được các cha dạy giáo lý rất cẩn thận và chu đáo từ khi các cháu còn nhỏ. Cô cho rằng giáo lý cho các em rất quan trọng và cần giảng nhiều lần, cần tổ chức thi để giáo lý ngấm vào các em, để các em khó làm điều xấu ác.  Cô nói rằng, trước khi kết hôn, bắt buộc các cặp uyên ương phải học cách làm vợ làm chồng rồi mới được làm lễ cưới. Tôi giật mình nghĩ đến đạo Phật: Ngay tại thủ đô Hà Nội, tại thành phố lớn như sài Gòn hay cố đô Huế,  hay chùa Dâu với thành Luy Lâu, nơi được coi là cái nôi Phật Giáo Việt Nam liệu giáo lý có được giảng dạy đều đặn. Tôi mơ ước đạo Phật Việt Nam có thể học những cái hay này của đạo Thiên Chúa giáo!
Chú Trung bảo rằng, đạo Phật ở Sa Pa còn thiệt thòi hơn nhiều. Ở huyện này bao năm nay không hề có một ngôi chùa nào. Tất cả mọi Phật tử đều tu tại gia, đều tự đọc kinh sách, tư thực hành. Tôi giật mình: ở đây hình như chỉ có đền. Càng giật mình hơn khi thấy hình như ngày rằm mồng một, thay vì đi chùa, bà con Sa Pa đi đền và có khi vẫn còn hủ tục cúng thịt, rượu bia và đốt vàng mã!
Tôi ngồi uống trà và cứ nghĩ: chú Trung phải có một sự hành tốt lắm thì mới có thói quen bao năm nay đi ngủ sớm để 4 giờ sáng là dậy. Đông cũng như hè. Chủ bảo rằng trời có sập chú cũng ngủ cứ nói gì chuyện mấy đứa cháu nô đùa hay thi nhau xem ti vi và trêu nhau. Bí quyết là sống bình an, không tham lam, không hờn giận. Bí quyết là không oán trời, không oán người,  và biết rằng tất cả là do nhân duyên, là do mình, mình làm thì mình ắt chịu. Bí quyết là tìm cách tránh xa 4 con rắn độc, tránh khỏi 6 tên cướp và tránh tên tướng cướp. Bí quyết là ăn uống hợp lý và thư giãn thân tâm.
Chuyện thú vị và có thật rằng cô chú đã chuẩn bị sẵn gỗ quan tài cho mình từ khi mới 50 tuổi. Chú bảo, tốt nhất là chuẩn bị sẵn cho cái chết của mình, để có thể ra đi thảnh thơi bất cứ lúc nào. Chú tâm sự với tôi rằng, mỗi chúng ta (nhất là chú) là con gà con bị diều hâu cắp đi, may thay đánh rơi. May mà vẫn được sống. Vậy nên cần sống tốt, sống thảnh thơi mỗi ngày. Sống và sống có ích. Cho xã hội, gia đình và cho chính mình.
Auberge dang trung03.jpg
Tôi nhìn vào cuốn sách màu vàng đã cũ mà chú đang đọc. Hóa ra là cuốn “Robinson Cruso” bằng tiếng Pháp. Chú vẫn đọc rất nhiều. Chủ bảo, mỗi trang thế nào cũng có 1 -2 từ mới hoặc từ mà mình quên. Thế là đánh dấu lại, lúc nào rảnh mang từ điển ra tra. Tra từ điển cũng là một thú vui của chú.
Trước khi chia tay, chú bảo có tin vui muốn báo cho cháu Hùng, rằng Sa Pa có chùa thật rồi. Chú khuyên tôi hãy đi bộ ngay về phía bên kia của hồ Xuân Viên để tìm đến thiền viện Đại Giác. Rằng từ năm 2012 đến nay đã có các quý sư  thầy và sư cô về Sa Pa thật rồi. Phật Pháp đã về đến vùng cao. Không mơ đâu mà đây là sự thật. Sự thật 100%.  Niềm vui này là rất lớn đối với các em nhỏ. Chú Trung rất vui cho tương lai của trẻ em và bà con dân tộc vùng cao nơi đây.
Tôi tạm biệt ông già 86 tuổi. Tôi chào cô chú và cất bước tìm đến vớí thiền viện bên kia hồ. Hóa ra đây là đại bản doanh của thầy Thích Trúc Thái Phước mà tôi đã có cơ duyên lớn quan biết từ lâu.
Mỗi bước chân về phía thiền viện Trúc Lâm Đại Giác tôi bước trong thảnh thơi. Miệng tôi cứ mỉm cười nhẹ nhàng và hạnh phúc về ngôi nhà của chú Đặng Trung. Mà lẽ ra phải gọi là khách sạn nhưng chú lại nhận là quán trọ. Thật khiêm tốn, đúng như tính cách của người con Phật.  Ngôi nhà của 2 tôn giáo Phật và Thiên chúa mà tôi vừa đến thật hạnh phúc và luôn tràn ngập yêu thương. Liệu còn ở những nơi đâu trên đất nước Việt Nam ta những ngôi nhà hạnh phúc và bình an cả 2 tôn giáo như thế này nữa!
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà