01 tháng 1 2013

ĐỌC CUỐN ĂN PHỞ RẤT KHÓ THẤY NGON

(đăng lần đầu 9/7/2010)
Mình đã đọc cuốn này khá lâu. Hôm rồi lôi ra đọc lại. Cuốn sách toàn viết về đời sống văn phòng, đời sống mà mình cũng có tham dự một phần nhỏ trong đó, từ ngày xưa, và lại bây giờ.
Sách viết khá hấp dẫn. Các tản văn độ dài vừa phải, giúp người ta có thể tranh thủ đọc mỗi giờ nghỉ trưa một đôi cái (Ôi chết mất, câu này giọng văn không phải của mình, có vẻ như hơi bị lây anh chàng kia rồi thì phải
)

Các tựa đề nghe dí dỏm, hấp dẫn, kiểu như: Tết văn phòng, Sống thế nào là vừa? Làm sao để cho hết những ngày nghỉ, Tình là cái tình chát, Đi ăn cưới, Khách ở quê ra, Thực đơn cho buổi tối, Yêu Sếp thì ấm thân, vân vân và mây mây.

Cuốn sách mang đến một sự thư giãn, người đọc có thể bật cười vì cách ví von là lạ, cách tác giả sử dụng khá đậm đặc các cụm từ trong quảng cáo, bài hát, bài thơ, hay nhìn thấy mình trong chi tiết này, chi tiết kia... Dù vậy, gấp sách lại, bất chợt mình so sánh nó với Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên, mình vẫn thấy có một khía cạnh thật nổi bật. Đọc Nguyễn Trương Quý, giọng văn thì hài hước, dí dỏm, nhưng đanh đá, như của một chị gái già chỗ nào cũng thọc mũi vào. Còn Nguyễn Quang Lập, mà theo một số nhận xét là "bậy không thể tả", mà mình cũng thấy bác này viết tục tĩu quá cơ, chẳng thiếu thứ gì không cho vào văn chương, cuối cùng lại toát lên một sự nhân ái vô bờ. Mình đọc cuốn đó rất nhiều lần, vậy mà nhiều khi đọc đoạn này đoạn nọ vẫn ứa nước mắt.

Nói gì thì nói, mình vẫn thích kiểu văn chương như vậy. Văn chương phải làm con người tin yêu vào cuộc sống. Nguyễn Quang Lập không tránh né, văn ông chỉ ra rất nhiều mặt trái của xã hội, nhưng lại làm người ta tin rằng cuộc sống này vẫn rất đẹp, rất đáng sống.

Đọc tản văn của Nguyễn Trương Quý, không thể nói là không ấn tượng hay không hấp dẫn, nhưng đối với mình, đó chỉ là sự giải trí trong chốc lát, để nạp thêm ít thông tin, ngôn ngữ rồi lôi ra tái sử dụng khi cần, nhưng chắc chắn nó không đem lại cho mình cảm giác tin yêu ở cuộc đời này nhiều hơn.

Mà thôi, có lẽ bàn tiệc cũng cần có nhiều món đa dạng, để nếu ai cần món gì thì ăn món đấy.
Còn đây là thông tin về đời tư của nhà văn:

"Sinh năm 1977, hành nghề kiến trúc tự do, Nguyễn Trương Quý nổi tiếng trong giới kiến trúc sư (KTS) trẻ không chỉ bằng những công trình dân dụng mang phong cách trẻ trung, giản dị mà còn bằng những bài viết về kiến trúc rất sắc sảo, thậm chí gay gắt đến độ chua chát."
(http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nghe-cua-chung-toi-co-1.001-cach-ve-ra-tien/30076740/275/)

Còn đây là 1 tản văn trong tập:
Khách ở quê ra

TTO - Thật sự thì dân Hà Nội gốc không nhiều, còn thì chủ yếu vẫn là hai, ba đời là căng. Vậy nên xem ra ai cũng phải từ một vùng quê nào đó ra đi, và dường như mối liên hệ vẫn còn sâu đậm lắm.

Thế nhưng mà hương cau mùi mít chưa về đến đầu phố đã thấy cả nhà lo lắng sắp đặt. Nhà thành phố không rộng rãi để dành riêng giường huống hồ phòng ngủ cho khách ở cùng. Bụng dạ thành phố thì cũng không rộng rãi nốt để mà xởi lởi thực lòng chào đón quý khách, nhất là từ quê ra.

Này nhé, dân văn phòng quen ăn thịt gà làm sẵn, thì ông trẻ đã vác cái bu gà đặt xịch vào cạnh cửa. Chị vợ vẫn ngọt ngào, ôi hay quá, thịt gà ta nuôi vườn thế này ngon lắm đây. Khổ nỗi có thạo việc cắt tiết đâu, khen là khen thế chứ cũng hoảng lên tính mang ra chợ thuê làm thịt vậy. Rồi ông quen hút thuốc lào, cái nước điếu lênh láng chảy ra gầm bàn uống nước, vàng khè cả sàn nhà. Ông lại thoải mái như ở quê, cứ thế mà nhổ ra góc tường. Anh chồng thì tức lồi mắt, biết vợ tối nay lại móc máy cho vài câu chê cái khu bốn nhà anh, đau hơn hoạn nhưng vẫn phải giữ mặt tươi tỉnh. Mấy đứa nhóc đi học về trông thấy ông trẻ lem nhem, quần cộc áo vá, đâm ra cũng láo toét, chào trống không rồi đứa nào chạy về phòng đứa nấy. Ông ơi, ông mua bánh kẹo này làm gì, bọn nó ăn chán chê mê mỏi rồi. Anh chị lạ, chê quà nhà quê phỏng, tôi quý cháu mới mua cho chúng nó.

Mời ông vào xơi cơm. Vốn bữa ăn một gia đình dân văn phòng ở thành phố thì bạn đã biết, chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ có mỗi cái ti vi thao thao bất tuyệt, thế mà ông cụ lại vui chuyện, được chén rượu lại vui chuyện quá. Chuyện nhà quê xê ra chuyện thành phố, anh chồng thì căm vợ đang ngọt nhạt xỏ xiên nên cứ ừ à, gắp cho ông lia lịa để hãm phanh. Lũ trẻ con thì cười ré lên vì thấy chuyện thật nực cười. Quê hương đến phút này dúm dó chẳng khác cái bao tải hay túi xách đồ đạc của khách đang quây lại một đống góc nhà kia.
Khách ở quê ra vất vả với toa lét ngồi nơi thành phố. Dân thành phố về quê chun mũi với hố xí ủ cạnh chuồng lợn. Khách ở quê ra không quen nằm đệm, không quen ngủ trong phòng đóng kín mít. Dân viên chức về quê nằm xuống cái giường kẽo kẹt chăn chiếu mốc không sao nhắm mắt được. Nửa đêm khách dậy ho khạc, lọc xọc thuốc lào với chè chén… Nhưng mà khách quê hãi cái mát mẻ văn hoa của dân đi làm, nó cứ gọi là xiên đau vào bụng. Dân này thì lại ngại cái thăm hỏi ồn ào của lối xóm hương thôn. Cái hình ảnh ai như cô Thắm về làng hay là bác trưởng họ thành đạt đánh ô tô con về đầu xã, cả họ hoan hỉ, chắc chỉ phim truyền hình văn nghệ chủ nhật VTV3 diễn.

Lên vô tuyến thì nhà quê nào chả đẹp, người thành phố nào chả biết điều. Mẹ tôi và mấy dì hay xem cho rằng, phim truyền hình thu hút được nhiều bà con xem nhất là xê-ri “Cảnh sát hình sự”, vì khắc họa hai đối tượng thành công, là cave và xe ôm! Tập nào cũng có một hai cô tiếp viên nhà hàng vốn là gái quê, nay là chân rết cơ sở cách mạng của cảnh sát nhà ta. Lạ một nỗi là từ anh cảnh sát điều tra cho đến thằng lưu manh, đóng giả xe ôm đều đạt. Mặc dù mẹ tôi ở thành phố hay dì tôi ở quê, cả hai đều chăm chú theo dõi loạt phim này, mà không chỉ hai bà, cả mấy chị cơ quan tôi đến đám giỗ ở quê, đều nhớ tên anh Chiến chị Hiền (đôi điều tra viên suýt cưới nhau thì anh hi sinh, chị điều tra tiếp) và thuộc bài hát mở đầu do Thùy Dung hát, rất tâm trạng:

Có bàn chân lặng lẽ
Giữa dòng đời như nước cuốn
Chập chờn trắng đenKhông thể nhìn thấy đáy
Dù cho bão giông vẫn nghe tiếng gọi
Năm tháng xóa mờ như mây bayAi khóc?
Ai cười?
Cuộc đời như giấc mộng trả vay…
Ai giữ bóng lửa qua đêm đen
Ai đếm những bàn chân vô danh
Gửi làn hương thầm về theo trong gió
Suốt chặng đường gian nan.

Bởi vì tôi đã nghe đồng nghiệp của tôi huýt sáo bài này và về quê nghe em họ tôi véo von trong khi cuốc vườn, nên tôi nghĩ đến hiệu quả gắn kết hai nơi với nhau của nghệ thuật. Có thế chứ, ai bảo là có khoảng cách giữa hai nơi, mà ở đây là nghệ thuật, tức là thứ văn hóa rất cao rồi?

Nhưng chỉ thế thôi, chứ đừng có dại mó vào cái chu trình sống của anh viên chức. Bác nhà quê ơi, hãy xem tôi chỉ cho thấy cái phiền mà bác mang đến cho anh ta nhé: Sáng cả nhà anh ấy tuy có dậy muộn hơn người nhà quê, nhưng cả đám hộc tốc dắt xe từ bẩy giờ, thường thì họ ăn quà sáng ngoài đường, nay có bác đến chơi, chị vợ phải bớt thời gian trang trí khuôn mặt mà nấu cho bác bát mì hay là gọi cái bánh mì cho khách gặm. Có thể bác cũng chẳng ăn sáng, nhưng bác nên ở nhà trông nhà hay đi chơi đâu đến trưa hay tối hẵng về? Bác đừng tỏ nguyện vọng muốn đi chơi Bờ Hồ ngày thường. Bác ở nhà trông nhà thì vợ chồng họ phải khóa cửa giả cẩn thận, sợ kẻ xấu vào lừa bác, vậy khác nào bác bị cầm tù. Bác đi chơi thì bơ vơ có hơn gì bác ở trọ. Rồi xẩm tối cả nhà họ mới về, bác lại phải chờ bữa cơm tối khá muộn. Thay vì ăn nửa tiếng xong bữa cơm, họ phải kéo dài ra cả tiếng đồng hồ để nấu thêm món gì đó hay hàn huyên. Nếu tối đó có phim Hàn Quốc mà nhà họ hâm mộ đang đến tập cao trào, Kang Sê Hô biết mình bị máu trắng, mà bác lại thích xem kênh tuồng chèo cải lương, bác chịu khó nhịn và ngồi chờ cho tới lúc (được) đi ngủ. Chẳng lẽ bác lại có thể chê phim Hàn Quốc tóc nâu môi trầm, như thế là chê dân thành phố? 

Nếu cháu bác có chịu khó chở đi chơi phố ban đêm thì cũng không nên hỏi nó nhiều, nó đang giận bồ nên mới giết thời gian bằng cách chở bác đi thôi. Ở quê, hỏi thăm nhau lúa má năm nay thế nào, cháu ông Dần sắp cưới con bà Sàng, là chuyện thường, nhưng bác đừng hỏi cái gì đại loại thế với dân viên chức thành phố nhé, không hỏi tiền bạc (anh chồng lại nghĩ mình xin tiền), không hỏi chợ búa (bà vợ lo phải đi mua quà), không hỏi tình duyên (cháu nó đang ế, xin lỗi, nó tưởng bác hỏi đểu).

Bác nhà quê à, nhìn thì có vẻ dân viên chức thành phố sống đàng hoàng thật đấy, nhưng bác sống thử với họ mấy hôm xem, bác chả chán đến tận cổ. Bác sẽ thèm về với cái nhà vườn rộng rãi của mình, tuy nhem nhuốc cũ kỹ xộc xệch hơn đấy, nhưng chắc chắn không bao giờ cảnh vẻ đến phát ốm như đời viên chức văn phòng thành phố.

2 nhận xét:

  1. Nguyễn Trương Quý,anh nghe lần đầu,bạn anh là kiến trúc sư nhiều nhưng anh cũng chưa nghe danh tay kiến trúc sư sinh năm 1977 này
    Có nhẽ hợp với những người sinh năm 198x hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuốn này cũng khá nổi đấy anh ạ, từ năm 2008 rồi. Nhưng như em viết đấy, đọc để cười chút chứ không đọng lại nhiều. Cuốn Tự nhiên như người Hà Nội giá trị hơn. Cậu ấy còn viết truyện ngắn nữa, nói chung một vài truyện đọc cũng được lắm. Còn tiểu sử cậu ấy thì em trích dẫn ấy mà, em không biết gì về lĩnh vực kiến trúc và cậu ấy cả, hì hì.

      Xóa