24 tháng 1 2013

MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI



Có biết bao bài hát về mùa thu, thật đẹp, thật da diết. Đối với mình, bài Mùa thu không trở lại của Phạm Trọng Cầu là một bài như vậy. Nghe một lần là nhớ mãi.

Phạm Trọng Cầu viết bài hát nổi tiếng này quãng thời gian ông học nhạc tại Paris. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Phạm Trọng Cầu nói “đối với tôi...là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi tôi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.

Câu chuyện tình kể ra có vẻ đơn giản, nhưng mình tin người trong cuộc đã trải qua những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ. Chắc hẳn chàng thanh niên khi đó, dù đã gần 30, dù là đàn ông và cố gắng che dấu sự yếu đuối của mình, chẳng thể ngăn nổi dòng nước mắt dâng lên khiến con phố như bị “sương mờ giăng âm u”. Mùa thu Paris, khó nói sương mờ, có chăng chỉ là sương khói trong mắt người ở lại mà thôi. Suốt cả bài hát, tác giả không hề dùng từ nước mắt, nhưng rõ ràng nước mắt hiện diện rất nhiều. Này đây “sương rơi che phố mờ”, này đây “mưa rơi trên phím đàn”, này đây “sương mờ dâng lên mi”. Nếu như ở câu đầu, tác giả mới chỉ viết “sương mờ giăng âm u”, người ta có thể hình dung đó mới là cảm giác nghèn nghẹn, làm đôi mắt bỗng dưng hơi cay, thì tiếp theo, với câu “sương rơi che phố mờ”, người ta có thể hình dung tác giả không còn ngăn nổi dòng nước mắt, nước mắt ở đây đã trào ra, cay đắng lăn từng giọt, từng giọt. Rồi tiếp theo, “mưa rơi trên phím đàn”, chắc hẳn chẳng có hạt mưa nào, tác giả ngồi trước cây đàn, nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào, biết rằng chẳng thể nào khác được mà nước mặt từng giọt rơi lã chã, không cách gì ngăn nổi.

Mùa thu sẽ còn quay trở lại. Nhưng cái mùa thu đó, mùa thu kỷ niệm, cùng với một người con gái, dường như đã ra đi mãi mãi. Mình thích cách Ánh Tuyết nhả chữ “Buồn này ai có mua”. Ừ, giá mà bán được nỗi buồn cho ai đó. Đôi lúc mình cũng ước như thế!

Từng câu, từng chữ trong bài hát đẹp đến mê đắm và vô cùng gợi hình, gợi ảnh. Những hình ảnh “nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine”, “lá úa khóc người đi” “lá rơi ngập ngừng” làm mình nhớ đến mùa thu nước Nga, nhớ đến những bài thơ của Olga Bécgôn, những bài hát về mùa thu của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…. Dù người con trai trong bài hát có phần ủy mị, có thể sẽ phải trải qua cảm giác “mưa rơi trên phím đàn” không phải một tuần mà là cả tháng, hai tháng, hay cả năm sau tim vẫn nhói đau mỗi khi đi qua những con đường cũ, mình tin chắc chắn chàng trai sẽ vượt qua. Chàng trai không ngừng hỏi đi hỏi lại "chừng nào cho tôi quên?" Không, sẽ chẳng quên đâu, nhưng rồi nỗi đau nào cũng qua, và chỉ còn những kỷ niệm đẹp sẽ ở lại mãi, để mỗi khi nhớ lại, sẽ không còn "sương mờ giăng lên mi" nữa mà là cảm giác ấm áp trong lòng. Biết đâu, chàng trai còn có thể nở một nụ cười nhè nhẹ. Nhưng cũng nhờ những giây phút đau đớn đến tột cùng đó, tác giả đã thăng hoa để có thể để lại một bài hát đẹp đến thế.

Mùa thu đã qua rất lâu. Vậy mà chẳng hiểu sao hôm nay mình lại thấy hứng thú với bài hát này.

Lời bài hát đây:
Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u

Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Ðếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi

Ngày em đi nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua

Từ chia ly nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn chừng nào cho tôi quên

Hôm em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Lá úa khóc người đi, sương mờ dâng lên mi

Em ra đi mùa thu, mùa lá rơi ngập ngừng
Ðếm lá úa sầu lên bao giờ cho tôi quên.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn em đã cho nghe lại bài hát này. Chị rất thích. Nghe em phân tích càng thấy yêu thích bài hát và người hát bài hát ấy hơn.

    Trả lờiXóa