Bố có rất nhiều bạn bè từ những ngày còn đi học. Suốt bao năm bị "đi đày" ở Sapa, chấp nhận làm một ông nông dân, bố hầu như cắt đứt mối liên hệ với những người bạn sinh viên của một thuở hào hoa, chỉ giữ lại mối liên hệ với một vài người bạn thân thiết nhất. Và bác Đính, người bạn đồng môn của bố là một trong số đó. Chẳng nhớ do duyên số thế nào mà về sau mình quen anh Tùng, con bác Đính, cũng là một nhà văn. Khi anh muốn viết bài về Sapa từ góc độ số phận một con người, ở đây là bố mình, anh hỏi mình một vài thông tin. Mình gửi thêm cho anh bài viết của Michaud, một nhà nghiên cứu dân tộc học đã dành rất nhiều thời gian ở Sapa và biết bố mình khá rõ. Trước khi gửi bài viết đi anh còn gửi cho mình đọc, nhỡ có chi tiết nào không chính xác. Mình đọc mà nước mắt ứa ra, nhớ thương bố vô cùng. Mình rất ân hận khi đã không có ý thức giữ gìn những bài báo, bài viết về bố, rất rất nhiều ở những năm bố mẹ làm khách sạn đó. Lưu lại bài viết của anh Tùng ở đây, bài đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần, để con cháu về sau đọc về ông. (Bài viết mình giữ nguyên, bài đăng trên báo bị kiểm duyệt, bỏ mất một câu.) Bố ơi, bố đã đi xa gần 1 năm rưỡi rồi, cả nhà vẫn luôn nhớ về bố với những kỷ niệm đẹp. Bố yên nghỉ bố nhé!
THÀNH PHỐ TRONG SƯƠNG
Tôi biết và yêu Sa Pa bằng một tình yêu xa, khi đơn vị đang truy quét địch vùng ven biển Hồ bên Campuchia. Ca khúc dịu dàng kể về một thành phố sương mù mây bay gió lạnh qua sóng đài phát thanh, đến an ủi những người lính Việt, xua tan cái khô nóng khốc liệt của mùa khô rừng khộp.
Về đời thường, tôi biết thêm Sa Pa ở nhiều cung bậc khác. Thì ra sương mù mây trắng Sa Pa ngoài vẻ mỏng manh lãng mạn thường thấy trong văn thơ, trong các tạp chí quảng bá du lịch còn bao phủ trong lòng nó những câu chuyện ẩn giấu, những số phận đời người.
Một trong những công dân Sa Pa mà những người ở thị trấn này lâu nhất hầu như ai cũng biết và kính trọng là ông Đặng Trung, chủ nhân “Auberge Đặng Trung”. Ông gọi cái cơ sở dịch vụ lưu trú của mình khiêm tốn là “auberge” (trong tiếng Pháp có nghĩa là quán trọ), nhưng cái “quán trọ” này đã có tên trong sách đỏ chỉ dẫn du lịch của Pháp và châu Âu từ những năm 90 thế kỷ trước. Khi ấy Sa Pa chỉ có mỗi khách sạn Công đoàn của nhà nước, vốn thừa hưởng hạ tầng kiến trúc từ thời thực dân Pháp và ba cơ sở lưu trú tư nhân.
Cũ hơn ông bác sĩ tất nhiên là Sa Pa, cái thị trấn heo hút bị bỏ quên trong mây từ đời nảo đời nào. Vài dòng lịch sử Sa Pa trong biên khảo: Sa Pa Français. Une brèvehistoire của tác giả Jean Michaud tôi trích lược như sau.
Ngày 8 tháng Năm năm 1909, Tourrès, công sứ Pháp tại Lào Cai, viết thư cho giám đốc trạm quan trắc Đông Dương, yêu cầu cung cấp thông tin khí tượng Sa Pa, Lồ Suối Tùng. Quan trắc khí tượng đã mang lại kết quả tốt như mong đợi. Vào năm 1913, trên các triền đất của cao nguyên Lồ Suối Tùng, người ta bắt đầu xây dựng các công trình kiên cố, với trạm điều dưỡng quân sự trên đỉnh đồi, nơi ngày nay là bể chứa nước mới của thị xã và trạm bơm.
Miéville, người Pháp đầu tiên đến sinh sống ở Sa Pa vào năm 1909, làm nông nghiệp. Năm 1912 tuyến đường mòn nối Lao Cai với Sa Pa được sửa chữa. Dịch vụ chuyển phát bưu điện do ngựa kéo bắt đầu hoạt động. Cũng vào năm đó người ta tiến hành xây dựng tòa nhà công cộng đầu tiên, khách sạn Hôtel de la Résidence provinciale. Năm 1918, hai biệt thự lớn được xây dựng trên khoảng đất ngày nay là khách sạn Victoria.
Năm 1922 Sa Pa xây dựng khách sạn Hôtel de la Résidence Supérieure, một nơi lý tưởng cho xã hội thượng lưu tụ tập, tiệc tùng và khiêu vũ trong mùa hè. Con đường qua thung lũng Ngòi Đum được sửa chữa nâng cấp, xe ô tô đi lại được vào năm 1924. Tháng Sáu năm 1929 cầu Lao Cai được hoàn thành. Sa Pa đã được kết nối với Lao Cai bằng điện thoại, và hai năm sau được kết nối với Hà Nội…
Các công trình kiến trúc Sa Pa bị tàn phá hai lần trong chiến tranh. Một lần năm 1946 do chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa kêu gọi tiêu thổ kháng chiến. Một lần năm 1952 do Pháp ném bom tiêu hủy sau chiến dịch Biên giới…Từ đó Sa Pa ngủ quên trong mây mù.
Mãi tới tận năm 1980, Sa Pa được nhạc sĩ Vĩnh Cát đánh thức, vinh danh là “thành phố trong sương” trong ca khúc nổi tiếng ông viết theo đơn đặt hàng của Tổng công ty rau quả Trung ương. Ca khúc thỏa mãn khách hàng bởi có đủ cả vườn tược hoa lá mận đào cũng như hạt giống rau các loại.
Ông chủ Auberge Đặng Trung giúp
đỡ Jean Michaud viết tài liệu biên khảo lịch sử Sa Pa trên khi tác giả lưu trú
tại đây. Họ có duyên với nhau bởi Đặng Trung rành tiếng Pháp, lại cũng có số phận
lênh đênh chìm nổi hệt như cái thành phố mây mù ông đang sống.
Ông Đặng Trung học Đại học Y khoa khóa 1, bạn
đồng môn với cha tôi. Lứa sinh viên đầu tiên của các thầy Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc
Di… thường con nhà khá giả, tiếng Pháp làu làu. Đi học xa nhà, dù phải dạy kèm,
dán hộp, bán báo… để lấy tiền ăn học nhưng Đặng Trung luôn là một trong những sinh
viên giỏi đứng đầu khóa. Thi tốt nghiệp cả ba môn ông đều được điểm cao: Nội khoa
9 điểm, Ngoại khoa 10 điểm, Sản khoa 10 điểm.
“Chẳng ngờ hôm đến xem quyết định, đất trời gần như sập. Tôi đứng chết lặng khi không thấy tên mình”. Đặng Trung kể như vậy trong hồi ký. Ông chưa được công nhận tốt nghiệp vì “có tồn tại, sai lầm trong quá trình học tập, cần phải có thời gian thử thách”.
Ngẫm nghĩ mãi, ông hiểu dần dần ra sai lầm của mình. Là vì ông là con nhà đại địa chủ ở Nga Vịnh, cùng quê huyện Nga Sơn với Hữu Loan, lại tích cực hướng theo làn gió đổi mới “Nhân văn – Giai phẩm”, vì bị nghi đã cộng tác với báo Đất Mới, một tờ báo của phong trào sinh viên mới ra được một số dã bị đình bản, vì đã đi bán báo Nhân Văn để lấy tiền ăn học.
Trong thời gian thử thách, ông đi làm phụ nề, đi dạy kèm, thậm chí ba lần phải đi bán máu ở bệnh viện Saint Paul…Hết kiên nhẫn chờ đợi cái bằng không bao giờ đến ấy, năm 1963 ông bỏ lên Sa Pa lập nghiệp. Khi ra đi lưng vốn còn mỗi 20 đồng mà riêng tiền vé tàu Hà Nội - Lào Cai đã là 5,9 đồng, tiền vé xe Lao Cai- Sapa là 1,1 đồng chiều lên và 0,8 đồng chiều xuôi. Lên Sa Pa, ông ở nhờ phòng trống nhà Bưu điện, làm đủ mọi nghề: kiếm củi bán cho lò vôi, cho khách sạn nhà nước, chặt vầu, nấu rượu, trồng lan, trồng dược liệu, đào rễ thông chưng dầu bán cho thương nghiệp…
Tôi biết những thông tin cặn kẽ này là vì đọc trong cuốn hồi ký của ông tặng cha tôi. Tôi vẫn gọi ông là bác sĩ vì chẳng có lý do gì một người đứng đầu lớp gồm toàn các giáo sư bác sĩ lại không phải là bác sĩ chỉ vì chưa được cấp bằng. Tri thức nằm trong tâm hồn, trong não người, không nằm trên tấm bằng vô cảm. Chính trị tanh tưởi chẳng nên thò mũi vào chuyên môn nhân đạo làm gì. Lên Sa Pa nhiều lần, tôi hay nghỉ lại cái “auberge” của ông và biết thêm nhiều chuyện nữa.
Khi đó ở Sa Pa chẳng có gì, khách đi công tác qua Sa Pa được giới thiệu thăm đài khí tượng, trại thuốc, trại rau hoặc mấy biệt thự cũ của Pháp còn sót lại. Nhóm “trí thức Sa Pa” ngày ấy như ông gọi vui, gồm ông Đức Đôn phụ trách vườn thuốc Sa Pa, ông Tác Nhân phụ trách đài khí tượng, anh Dưỡng kỹ sư khí tượng, cụ giáo Khánh - người ở Pháp về với cụ Hồ dịp hội nghị Fontainebleau.
Tôi nghĩ thầm biết đâu anh Dưỡng khí tượng kia lại là kẻ lăn gỗ chặn xe khách vì thèm nghe tiếng người trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Còn ông Tác Nhân hóa ra là thầy giáo dạy vật lý, từng dạy đại tướng Văn Tiến Dũng trong khóa tập huấn ở trường lục quân. Mọi người biết điều này khi bí thư huyện uỷ Sa Pa tháp tùng vị đại tướng đến thăm đài khí tượng, thăm thầy.
Đầu năm 1993, du lịch ở Sa Pa chớm mở. Loáng thoáng đã thấy du khách nước ngoài. Nhanh chóng nhận ra hướng đi mới, ông bác sĩ không được cấp bằng với vốn tiếng Pháp còn nhớ đã gắng tập nói lại dần dần..
Dịp may đến khi ông gặp vợ chồng người Pháp-Mỹ vợ là Catie Biau và chồng là David Johnson lúc họ đến Sa Pa. Quý mến và tin tưởng ông bác sĩ có cuộc đời nhiều trắc trở, hai vợ chồng đề xuất giúp ông 5000 dollars để xây dựng cái “auberge” đầu tiên. Tiếp tục phát triển, ông vay thêm vốn anh em họ hàng, vay vốn ngân hàng, mở rộng dần dần thành Auberge Đặng Trung trên phố Cầu Mây.
Chúa lòng lành luôn công bằng và chẳng quên một ai. Khách du lịch nước ngoài thích thú ồ ạt đến với ông bác sĩ già nói tiếng Pháp bằng thứ giọng Parisien của thế kỷ trước. Kinh tế du lịch đảm bảo nguồn thu tốt. Khách sạn ông bao giờ cũng dành để hai phòng cho các bạn lên chơi nghỉ lại.
Như để bù lại cho những tháng năm gian khó, ông quay lại với thú chơi hoa, chơi lan ngày trước. Vườn nhà ông trồng đủ loại hoa lan. Ông đặt mua, nhờ các du khách tìm giúp catalog hạt giống, tài liệu chăm sóc. Từ đó Auberge Đặng Trung nổi lên như một điểm sáng ngành du lịch mũi nhọn của Sa Pa. Báo ảnh Việt Nam gọi ông là “người yêu hoa tuyệt vời”. Báo Tết Người đương thời gọi ông là “Ông già hoa cỏ”. Năm 2002 kênh VTV3 cũng đến quay phim ông cùng ngôi nhà có vườn hoa trên núi. Cuốn phim dài gần 30 phút với nhan đề “Sa Pa với một người”. Sau đó, đoạn phim được dùng để quảng bá tuyên truyền cho du lịch Sa Pa. Trên phim, trên báo ảnh tất nhiên rất nhiều hoa đẹp, rất nhiều nụ cười tươi, chỉ những nhọc nhằn đắng cay xưa thì không xuất hiện.
Bác sĩ Đặng Trung mất năm 2022, sau cha tôi 4 năm. Lứa sinh viên khóa 1 Đại học Y Hà Nội các ông đã về trời gần hết. Cuộc sống đã sang một trang mới, một thế hệ mới. Tôi lên viếng ông giữa mùa hoa nở. Giữa cái thị xã trong mây này, mọi nỗi đau xưa rồi sẽ mờ dần. Tâm hồn chúng ta thật may cũng biết tự chữa lành. Như cành phong lan ông trồng kia, thời gian sẽ phủ lớp rêu tĩnh lên những mắt ghép đau, để rồi lại dâng hoa làm đẹp cho đời.
Bài báo của anh Tùng được minh họa bằng một bức ảnh ruộng bậc thang và một bức ảnh hoa phong lan. Nhưng mình muốn đưa bức tranh của bác Năng Hiển lên đây, vì đây mới thực là Sapa của mình
Bài hay quá! Cảm giác như có tiếng thời gian vọng về đâu đây. Mình thích cái ý của mấy câu kết: Thật may mắn là tâm hồn chúng ta biết cách tự chữa lành. Cụ đã có một cuộc đời thật ý nghĩa!
Trả lờiXóaBố mẹ chúng ta lần lượt ra đi. Buồn nhỉ!
XóaCũng là theo đúng quy luật của trái đất, đến nơi này rồi sẽ phải trở về. Mình vẫn nhớ lần mình ghé thăm, bàn tay của cụ ấm nóng và vững vàng. Nhanh vậy đó.
XóaNhững kỷ niệm buồn vui trong thăng trầm lịch sử
Trả lờiXóa