(Đăng lần đầu 13/1/2011)
Năm vừa rồi, trong dự án Nhân học của Quỹ Ford, mình dịch một số
bộ phim nghiên cứu nhân học, dân tộc học. Toàn những bộ phim kinh điển tuyệt
vời. Ví như bộ phim “Những con chim chết”[Dead Birds] của Robert Gardner
nói về hai bộ tộc luôn luôn đánh nhau vì họ phải chịu một số phận như vậy. Hay
bộ phim “Những người thợ săn” [The Hunters] của Marshall, kể về đời sống
của người Kung ở vùng sa mạc Kalahari. Bộ phim “Nghi lễ cuối cùng của ngài
Rai tôn kính” [The last rite of the honorable Mr. Rai] quay từ đầu đến cuối
một nghi lễ hỏa thiêu bên bờ sông Hằng…
Trong dịp này, mình cũng được dịch một bộ phim tuyệt vời mang
tên “Mystic vision, sacred art” mà mình dịch là “Hình ảnh huyền bí,
nghệ thuật thiêng liêng”, nói về tranh đường ca Tây Tạng. Hôm gần
đây, khi ngồi cùng với Hà ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, xem lại bộ phim mình đã
dịch để “OTK” nó lần cuối, mình thấy happy quá. Ôi, hóa ra mình sử dụng từ ngữ
nuột nà phết, kể cả những đoạn về Phật giáo, từ ngữ mình dùng toát lên đúng
tinh thần, nghe rất trơn tru. Vốn đã vô cùng thích bộ phim, xem lại lần này,
mình không thể kiềm được ý muốn “tự sướng” bằng một bài về loại tranh được nói
đến trong phim.
Thuật ngữ tiếng Anh gọi đó là thangka paintings, trong
tiếng Việt, có thể giữ nguyên thuật ngữ thangka, cũng có thể dịch là
tranh đường ca. Đây là một loại tranh Phật giáo, tương đương với từ
tranh thánh trong Thiên chúa giáo, bắt nguồn từ Phật giáo Tây Tạng. Ngày nay,
tranh thangka được sản xuất ở Lhasa và cũng được sản xuất rất nhiều ở
Kathmandu, thủ đô của Nepal. Mình sẽ chẳng thể nào viết về tranh thangka thuyết
phục hơn hay tỷ mỉ những lời thuyết minh, vậy nên mình trích một vài đoạn ra
đây.
“Trong Phật giáo Tây Tạng, triết lý Phật giáo trừu tượng – sắc
sắc không không, được biến đổi thành một biểu tượng giàu có và phức tạp về vũ
trụ. Rồi sau đó, vũ trụ mang tính biểu tượng này lại được thể hiện trong nghệ
thuật nghi lễ phong phú và đầy màu sắc. Các bức hoạ có lẽ là hình thức rõ ràng
và thành công nhất trong nghệ thuật thiêng liêng của Tây Tạng. Các bức hoạ tôn
giáo mang lại hình ảnh theo cách nhìn của những người thực hành Phật giáo Tây
Tạng. Theo truyền thống, tu viện là những nơi lưu giữ được nhiều nhất các bức
hoạ tôn giáo.
Bên trong, các bức tường và trần của tu viện này được che phủ
bởi những bức hoạ vẽ các vị thần, thánh và vua. Thangka, những bức tranh
cuộn cũng là một phần của nơi này. Các hình ảnh thiêng liêng mang lại tinh chất
thần thánh cho những nơi này.
Phần lớn các ngôi nhà theo Phật giáo đều có một phòng thờ để
treo những bức hoạ thangka, nơi các thành viên trong gia đình hàng ngày
thực hành nghi lễ tôn giáo. Những bức hoạ thangka vừa vẽ các vị thần
thánh vừa là cách để người ta tỏ lòng thành. Tất cả mọi hình ảnh thiêng đều
được coi là dành cho việc thực hành tôn giáo, nhắc nhở người thực hành về những
phẩm chất giúp người ta vượt qua bể khổ và gắn bó với nhau. Sự tác động của
những hình ảnh này xuất phát không phải từ sức mạnh của vật thể mà đi ra từ tâm
thức người thực hành.
Các bức hoạ thangka thường khá đơn giản, chỉ mô tả một vị
thần duy nhất. Nguyên tắc cơ bản trong việc tiết lộ về tính cách mỗi vị thần
được thể hiện qua màu sắc cơ thể, các vật thiêng, phục trang và đồ trang sức,
tư thế cơ thể, động tác tay và biểu hiện nét mặt…
… Các thầy tu Tây Tạng sử dụng các bức hoạ thangka để mô
tả đời sống các nhân vật tôn giáo và để minh hoạ trong khi thuyết pháp.
Quá trình vẽ một bức hoạ thangka bắt đầu bằng việc chuẩn
bị tấm vải vẽ. Việc này tốn mất nhiều ngày và thường là công việc của những
người đang học nghề. Vải để vẽ là loại vải bông Ấn Độ, nhẹ và dệt khéo. Tấm vải
được khâu chắc vào khung, được kiểm tra cẩn thận để đảm bảo bề mặt của tấm vải
căng đều. Để biến tấm vải bông thành tấm vải vẽ, người ta dùng một loại hồ, gồm
bột phấn mịn, đất sét trắng và hồ quét lên bề mặt tấm vải, tạo nên một bề mặt
mịn màng. Khi tấm vải trong khung đã hoàn toàn khô đi dưới ánh nắng, người ta
lại đánh nó sao cho bề mặt tấm vải trở nên hết sức mịn màng.
Trước khi vẽ, người thợ cả phác thảo các đường nét lên tấm vải
theo yêu cầu của các quy định mô tả bằng hình tượng trong Phật giáo Tây Tạng.
Cần phải đo đạc, tính toán kỹ lưỡng các tỷ lệ, cho phép đưa hình ảnh sơ bộ lên
bức tranh một cách cẩn thận, tạo nên những đường nét phác thảo chính xác về cơ
thể. Các hoạ sỹ khác dựa vào những đường phác thảo đó để tái tạo lại những
đường nét của Đức Phật hay các vị thần khác một cách chính xác. Mọi phần khác
của cơ thể đều được vẽ theo tỷ lệ sao cho cân bằng với phần đầu.
Một bức hoạ thangka không tuân theo những quy định nghiêm
ngặt của việc mô tả bằng hình tượng đều bị coi là không chính xác và không có
giá trị tôn giáo. Và như vậy, việc tạo ra một bức hoạ thangka chính xác
làm tăng giá trị tôn giáo của bức tranh. Đôi lúc, người ta vẽ phác thảo trên
giấy những bức thangka thường được mua hơn cả, và những phác thảo này có
thể được sử dụng vài lần. Trong trường hợp bức tranh lớn vẽ Phật Bà nghìn tay
này, một thợ vẽ mới vào nghề sao lại bản phác hoạ từ giấy sang tấm vải và quá
trình này có thể mất tới hai tuần.
Ở Tây Tạng thời xưa, màu được tạo nên từ khoáng chất và chất
nhuộm hữu cơ. Ví dụ như màu xanh da trời, màu xanh đậm, màu vàng và màu đen là
những màu gốc từ Tây Tạng. Qua quá trình buôn bán với Ấn Độ, Nepal và Trung
Quốc, các sắc vàng cam và đỏ thẫm được thêm vào bảng sắc màu của những bức hoạ thangka.
Bột màu phải được nghiền vô cùng mịn.
Ở đây, cậu bé Kyanos đang tạo nên hỗn hợp với các chất cho đến
khi chúng hoà trộn thật kỹ vào với nhau. Như Karma [tên người họa sỹ] giải
thích, việc tô màu lên bức tranh đi theo những quy trình tương đối cố định để
giảm thiểu tối đa số lần người ta phải pha những màu cụ thể nào đó. Trước tiên,
người hoạ sỹ bắt đầu với những cảnh xa hơn của bức hoạ, bầu trời và phong cảnh
nền, đầu tiên là màu xanh da trời, rồi sau đó là sắc nhẹ của màu xanh lá cây.
Khi những khu vực xa hơn đã được tô màu gần hết, người nghệ sỹ vẽ khu vực gần
với vị thần hơn, ví dụ như mũ miện hay các đường hào quang xung quanh. Ở đây,
người hoạ sỹ đang vẽ những cánh hoa sen phía bên dưới cơ thể Đức Phật. Một
người hoạ sỹ khác tô màu khoảng trống xung quanh vị thần đang phẫn nộ. Những
người nghệ sỹ sử dụng nhiều các kỹ thuật đánh bóng, tạo nên những màu sắc khác
nhau, đưa đến cảm giác về chiều sâu. Những đường nhấn bằng màu xanh đen tạo nên
một sự nổi bật, khiến các hình ảnh trở nên rõ nét trên nền vải, gây nên hiệu
ứng tạo bóng tốt hơn, tạo thêm cảm giác về không gian ba chiều của bức hoạ thangka.
Công việc này được dành lại cho những hoạ sỹ dày kinh nghiệm. Những người
hoạ sỹ lành nghề hoàn thiện những chi tiết tỷ mỉ cuối cùng, ví dụ như những
chấm vảy trên thân một con rồng. Đối với những bức hoạ thangka đắt tiền,
người hoạ sỹ dùng bột vàng và bạc để vẽ phần vương miện hay vòng cổ hay những
chi tiết trên man đà la như thế này.
Những chi tiết cầu kỳ đòi hỏi cây cọ vẽ cũng phải là loại cọ
chuyên biệt. Loại cọ vẽ tốt nhất là loại cọ vẽ dùng lông mèo hay lông rất mềm
của một loại chim. Loại bột vàng tốt nhất dùng để vẽ bắt nguồn từ một quá trình
do những người thợ kim hoàn hiếm hoi ở Kathmandu sáng tạo ra từ hàng thế kỷ
trước. Cho tới ngày nay, quá trình đó vẫn được coi là một quy trình bí truyền,
chỉ cộng đồng làm công việc đó mới được phép biết. Do chất kim loại bị mất đi
trong quá trình đun nóng, bột vàng để vẽ còn quý hơn vàng 24 carát. Hoàn thiện
vị thánh nơi trung tâm bức tranh là bước cuối cùng trong việc vẽ một bức hoạ thangka.
Trên bức hoạ mô tả Đức Phật Vàng này, sau khi đã vẽ phần cơ thể
bằng loại bột vàng ít giá trị hơn, giờ đây, Karma dùng bột vàng thực sự tô màu
lên đó. Sau đó, ông vẽ các đường nét ngón chân và ngón tay của Đức Phật. Khuôn
mặt vị thần hay phật là điểm nhấn quan trọng nhất của một bức hoạ thangka và
Karma đo lại các điểm để vẽ thật chính xác từng đường nét. Trong số các đường
nét trên khuôn mặt vị thần hay phật, đôi mắt đòi hỏi người họa sỹ phải cẩn
trọng hơn cả, vì người ta có thể cảm nhận được sức mạnh của vị thần nhiều nhất
chính là qua đôi mắt.
Toàn bộ quá trình vẽ giờ đã hoàn thành.
Tuy nhiên, để bức hoạ thangka có thể đóng vai trò là một
công cụ thuyết pháp hay thiền quán, người ta còn phải viết các ký hiệu đặc biệt
lên đằng sau bức hoạ.
Phần lớn các bức thangka đều có khung lụa thêu. Kiểu
khung nhẹ này cho phép người ta dễ dàng vận chuyển bức hoạ, đặc biệt trong các
điều kiện đi lại không dễ dàng ở Tây Tạng thời xưa. Dải khung được làm từ lụa
vàng, đỏ và xanh, làm nổi bật bức hoạ, tách biệt bức hoạ thiêng khỏi thế giới
vật chất tầm thường.
Trước khi bức hoạ hoàn thiện được treo trong một ngôi nhà hay
đền hay tu viện, các nhà sư thực hiện một nghi lễ để nhập hồn vị thần vào bức
hoạ. Các vị sư đọc kinh mời vị thần về. Nghi lễ kết thúc khi linh hồn vị thần
nhập vào trong bức hoạ.”
Vĩ thanh: Mình mê những bức họa đường ca từ sau khi dịch bộ phim
này. Và điều thú vị là trong chuyến đi Hàn Quốc vừa rồi, có một bữa tối tụi
mình được đưa đi ăn ở quán Tây Tạng. Vừa bước vào quán, mình đã phát hiện thấy
có rất nhiều tranh. Hỏi anh chủ quán, một người Tây Tạng còn khá trẻ, anh đó
nói rằng đấy đúng là tranh đường ca và còn mang ra thêm cho mình một tập
nữa để xem (vì các bức tranh này dùng khung lụa, cuộn lại được như trên đã
nói). Thật là “mãn nhãn”. Mình tranh thủ chụp một số kiểu. Mọi người trong đoàn
rất ngạc nhiên, hỏi mình mải mê làm gì vậy. Mình tranh thủ PR bản thân ngay lập
tức, giảng giải cho mọi người một số điều mình còn nhớ về tranh đường ca, về
bức man đà la treo trong quán, cảm thấy mình hệt như giáo sư “Biết tuốt".Hehe
Cảm ơn dự án Ford, cảm ơn chị Hiền. Mình vừa được xem phim, vừa
được học tiếng Anh, vừa được thêm bao kiến thức, vừa được trả tiền nữa chứ.
Hihi, cuộc đời thật đẹp!
Đây là một bức tranh đường ca mình chụp trong quán, cũng là một
hình ảnh manđàla
Còn đây
là một manđàla khác, nhưng là tranh trên gỗ chứ không phải tranh đường ca.
Viết thêm: Nhân dịp chuyển nhà, mình post lại, đọc lại bài này. Ôi, thèm đi Tây Tạng quá, bao giờ mình mới được đến đó nhỉ? Nhất định mình phải đến, nhất định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét