23 tháng 12 2015

VERMEER - ẨN DỤ HỘI HỌA

Mình đã đọc một số cuốn do Trịnh Lữ dịch. Và luôn ngưỡng mộ cách ông dịch rất tuyệt, thể hiện một sự làm việc vô cùng nghiêm túc. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, mình chưa bao giờ tò mò tìm hiểu đó là dịch giả nào. Và tình cờ một hôm vào blog của ông, mình mới biết ông còn là một họa sỹ, con nhà dòng dõi. Mình mê mẩn bài viết này của ông về Vermeer, một họa sỹ mà mình vô cùng yêu thích nhưng chẳng hiểu bao nhiêu, dù đã cố gắng tìm hiểu khi mình dịch cuốn "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai". Liệu biết bao nhiêu trong câu chuyện dưới đây là sự thật, bao nhiêu phần là giai thoại. Nhưng chính vì thế, nó càng làm thế giới đó trở nên hấp dẫn đối với những người ngoại đạo.


15 December, hỏi thầy Phạm Long sao không ăn giỗ Vermeer. Thầy bảo “Em thích ăn sinh nhật Kadinsky hơn…” Thương cụ Vermeer quá, nên nhớ ngày giỗ cụ bằng câu chuyện này vậy.
Hương khói chả có, cỗ bàn càng không, giữa cảnh chiều đông mưa mù quạnh vắng, có một ly Porto màu huyết dụ và cái tẩu quèn nhồi sợi Black Stoker, một mình nhả khói tưởng niệm cụ Johannes Vermeer, bằng cách xem lại bức tranh này:
Screen Shot 2015-12-16 at 12.18.15 PM
“Nghệ thuật Hội họa” – The Art of Painting, rồi “Ẩn dụ Hội họa” – Allegory of Painting, tên bức tranh là như vậy. Tên tranh là thế, chắc vì mọi chi tiết trong tranh đều là ẩn dụ của nghề vẽ. Chuyện này nhiều người bàn rồi, mình chả nói nữa. Thương Cụ ở chỗ đây là bức tranh duy nhất Cụ vẽ cho chính mình, nhất định giữ trong nhà cho đến lúc chết. Cụ bà Catherina cũng biết thế, nên khi cụ mất, mới vội vàng viết giấy tặng bức tranh cho bà mẹ ruột để nó khỏi bị tòa án tịch biên bán đấu giá trả đống nợ chồng chất mà cụ ông để lại. Khổ nỗi, ông bạn thân nhất của Vermeer, người đã làm mẫu cho cả hai bức “Nhà Địa lý học” (The Geographer) và “Nhà Thiên văn học” (The Astronomer), là người đại diện pháp luật về tài sản của Cụ, lúc ấy lại có tinh thần thượng tôn pháp luật đến mức không chấp nhận việc tặng tranh trong nội bộ gia đình, và vẫn cho đám chủ nợ lôi bức tranh này cùng với tất cả những tranh và đồ đạc khác của cụ ra đấu giá ngay ở trụ sở Phường Họa sỹ của thành phố Delft, nơi Cụ sống suốt cả cuộc đời. Khổ nữa là chính Cụ đã từng là Trưởng hội cái Phường Họa sỹ ấy trong nhiều năm, kiểu như hội trưởng hội mỹ thuật của mình bây giờ. Không biết ai đã mua bức tranh ở phiên đấu giá của các chủ nợ ấy. Chỉ biết rằng sau này nó thuộc sở hữu của một chính khách người Áo là Gottfried van Swieten, một người đam mê âm nhạc và được hậu thế nhớ đến nhờ đã nâng đỡ bảo trợ cho cả ba thiên tài Hayden, Mozart và Beethoven. Gia đình van Swieten giữ bức tranh cho đến năm 1813 thì bán lại cho công tước xứ Bohemian-Austrian là Rudolf Czerni, với giá 50 florins. Công tước trưng bày nó ở nhà bảo tàng riêng của mình tại Vienna. Và từ đó, công chúng mới biết đến nó, nhưng vẫn đinh ninh là của người có chữ ký trên tranh: Pieter de Hooch, một họa sỹ hàng xóm của Vermeer, cùng trong Phường Vẽ với Cụ.
Khổ thân Cụ. Xuất thân nghèo hèn, ông nội với bố đẻ còn mắc tội làm bạc giả, chả ai biết tuổi thơ của Cụ thế nào, học hành ra sao. Chỉ biết là khi đã vẽ tranh kiếm sống thì Cụ tự nguyện bỏ đạo Tin Lành sang với Công Giáo để được lấy cô con gái một nhà chức sắc giầu có, rồi thì cả đời sống nhờ nhà mẹ vợ, vẽ cảnh nào cũng chỉ có cái phòng nhỏ có cửa sổ ở tầng gác hai ấy, tranh nào cũng chỉ có bố cục ở cái cửa sổ ở phía trái bức tranh. Mà gia cảnh thì nheo nhóc. Những 11 đứa con trong nhà. Ấy là đã chết mất 4 đứa ngay lúc mới sinh. Bà mẹ vợ, sau khi bỏ ông chồng vũ phu để ở riêng rồi cho vợ chồng cụ tá túc, thì cũng là người yêu hội họa, trong phòng riêng treo một bức rất đẹp của Dirck van Baburen, vẽ một chị gái điếm tươi cười nhận tiền của hai ông già chơi trống bỏi. Ấy vậy mà bức này cũng gợi hứng cho Cụ vẽ một bức tương tự – cũng là một cô gái điếm đang nhận tiền của khách, và lại còn có cả Cụ tự họa mình vào trong cảnh ấy nữa – bức tự họa duy nhất của Cụ. Ai biết nội tình gia đình cụ thời ấy chắc cũng chả dám kể ra ngoài.
Screen Shot 2015-12-16 at 12.00.26 PM
“Đồng tiền khó kiếm” (The Procuress) của Vermeer. Cụ là anh chàng áo đen mũ đen tay cẩm cốc rượu. Bây giờ ở Gemaldegalerie Alte Meister, Dresden.

"Đồng tiền khó kiếm" của Dirck van Baburen, hồi ấy treo trong phòng bà mẹ vợ, bây giờ thì ở bảo tàng mỹ thuật Boston.
“Đồng tiền khó kiếm” của Dirck van Baburen, hồi ấy treo trong phòng bà mẹ vợ, bây giờ thì ở bảo tàng mỹ thuật Boston.
Tranh cụ vẽ bức nào cũng cứ như cảnh tiên. Bờ sông thành phố nhơm nhếch chen chúc bẩn thỉu lắm mà vào tranh cụ thành ra như một thắng cảnh thanh bình trong vắt. Cảnh người đàn bà trong nhà cụ vẽ mới gọi là như tiên. Cái hay là ở chỗ những tranh ấy toàn là vẽ theo đơn đặt hàng của những người ở địa phương cả. Ai có tiền có nhà cũng muốn có tranh vẽ tôn vinh cuộc sống hàng ngày của chính gia đình mình. Mà cụ vẽ thì thật kỹ, dùng toàn những thứ màu quý cực đắt tiền – đỏ thắm thì phải là Vermillion nguyên chất, đỏ tía cánh sen thì phải là Madder Lake chính cống, lam biếc thì phải là từ ngọc Lapis Lazuli từ Ai Cập mang về, vàng thì phải là loại vàng chì pha kẽm vừa độc vừa hiếm… Cho nên cụ vẽ chậm, năm năng suất nhất cũng chỉ vẽ được ba bức khổ mỗi bề ba, bốn, năm chục phân tây. Thế nên rất ít khách đặt hàng. Cạnh tranh thì khốc liệt, vì quanh xóm cụ ở toàn những họa sỹ hăng hái tiếp thị và không vướng thê nhi, kiểu như Rembrandt và Hooch. Nhưng chắc là ai cũng phải phục tài cụ, phục cái kỹ lưỡng và tinh tế đến ghê người trong tranh cụ, nên vẫn bầu cụ làm trưởng Phường Vẽ, nghĩa là người có uy tín chuyên môn cao nhất để giao dịch với khách. Chắc là vì tính nết Cụ cũng ôn hòa tử tế nữa chứ chỉ có tài không thì chỉ có bị ghen ghét chứ ai bầu làm trưởng tràng làm gì. Ấy vậy mà năm 1663, khi có khách sộp là một nhóm quý tộc Pháp đến tìm mua tranh thì Cụ lại chả có bức nào ở nhà, đành phải dẫn sang nhà Hooch. Chắc sau vụ đó, Cụ mới vẽ bức “Nghệ thuật Hội họa”, như một mong đợi sẽ có người bước vào và thấy mình đang ngồi vẽ hẳn hoi. Cái màn cửa thì vén mở như mời chào. Họa sỹ thì ăn mặc thật là đẹp. Các thứ trong tranh đều là biểu tượng của hội họa, một nghệ thuật cao khiết khăng khít với triết học, âm nhạc, khoa học… chan hòa ánh hào quang của cả quyền lực trên trời và dưới đất. Nhìn các chi tiết, như chùm đèn trong tranh này, với cái bản đồ phía sau, đều ở phía xa trong tranh, mới thấy tài của cụ trưởng Phường Vẽ thành Delft.
Screen Shot 2015-12-16 at 12.22.11 PM
Khách mua tranh cụ toàn người trong cùng thành phố, nên danh cụ không ra được đến thiên hạ bên ngoài. Gia cảnh nheo nhóc, lúc nào cũng nợ đìa, mà sao tranh cụ vẽ không có tí dấu ấn khốn khổ bi quan nào. Bức nào, cảnh nào cũng như ngọc như ngà, tắm trong bầu không khí trong vắt tràn ngập ánh sáng tinh khiết. Tranh cụ chả có mô tả hay phản ánh gì thực tại cuộc sống thời ấy, cũng chả có lên tiếng phê phán, phản biện, hay ngợi ca cái gì to tát lẫy lừng, cũng chả dự báo gì cho tương lai. Tranh của Cụ là một thế giới ngọc ngà, một chốn riêng nhỏ bé, chả dính dáng gì đến những lầy lội của cả cuộc đời Cụ. Nhớ đến một lời thoại trong phim Amadeus, khi đám nhạc sỹ cung đình kêu với hoàng đế rằng vở ca kịch mà Mozart định viết cho nhà vua có đề tài thô lỗ quá, thì Mozart nói phắt ngay rằng “Maybe I am a vulgar man, but my music is not” (Ta có thể là một kẻ thô lỗ, nhưng âm nhạc của ta thì không). Nhưng có lẽ chỉ có ngày xưa, lúc nghệ thuật vẫn còn là nghệ thuật, chứ không phải đơn thuần là dấu vết của một hành vi tự diễn đạt cá nhân, thì câu nói ấy mới có nghĩa.
Quay lại với bức “Nghệ thuật Hội họa”. Dòng họ công tước Czerni và công chúng biết bức tranh này vẫn đinh ninh đó là tác phẩm của Pieter de Hooch. Mãi đến năm 1860, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Đức Gustav Friedrich Waagen, với những nghiên cứu thấu đáo của mình, mới khẳng định rằng chữ ký của Hooch trên tranh là giả mạo, và tác giả của nó là Johannes Vermeer. Lúc ấy, nghĩa là gần 200 năm sau khi Cụ mất, Vermeer mới được châu Âu biết đến, trở thành danh họa ngày càng lẫy lừng, mặc dù chỉ có 34 bức tranh còn lại được công nhận là của Cụ, và hầu hết là những tranh nhỏ xíu mỗi bề vài chục phân tây. Chỉ có bức “Nghệ thuật Hội họa” này, bức “Đồng tiền khó kiếm”, và một bức nữa vẽ lúc mới cưới vợ, có đề tài Công giáo, là có khổ trên dưới một mét vuông. Lạ một điều nữa: trong số 34 bức tranh ấy, chỉ có ba bức có chữ ký của Cụ. Hầu hết những bức nhỏ vẽ cho khách chả thấy bức nào có chữ ký.
Đây là hai bức có ông bạn thân làm mẫu, có chữ ký khá to tát và rõ ràng của cụ. Chắc hai bức này là cụ thích mà vẽ thôi, chứ ông bạn kia cũng chả trả tiền đặt hàng Cụ. Mà hai bức cùng có khổ 52X45cm, nên được coi là một bộ với nhau.
"The Astronomer" - Nhà thiên văn học.
“The Astronomer” – Nhà thiên văn học. Chữ ký trên ván cửa tủ phía sau, có cả ngày tháng sáng tác.

"The Geographer" - Nhà Địa lý học
“The Geographer” – Nhà Địa lý học – chữ ký trên tường phía sau, có cả ngày sáng tác.
Sau khi bức “Nghệ thuật Hội họa” được khẳng định là của Cụ, nó thành ra được giá kinh khủng. Có tài liệu viết rằng Hitler đã mua bức ấy với giá 1,8 triệu đô la Mỹ của nhà Czerni, thông qua một trung gian. Nhưng năm 1941, tờ New York Times có bài dẫn lời con cháu công tước Czerni, lúc ấy đã sống ở Mỹ, rằng không có chuyện bán cho Hitler, mà là định bán cho nhà triệu phú Mỹ Andrew Mellon, người đã trả 1,250,000 đô la để mua bức tranh cho vào bộ sưu tập bày ở National Gallery of Art tại Washington; nhưng chưa ngã ngũ thì Vienna đã tràn ngập quân Đức Quốc xã, và Hitler đã “thu giữ” nó cho bộ sưu tập riêng của mình ở Berchtesgaden. Còn chuyện Hitler mê bức tranh này như thế nào thì cũng nhiều người viết rồi, chả phải nhắc lại làm gì. Lúc cuộc chiến có vẽ đã ngã ngũ thắng thua, Hitler cho cất giấu các kiệt tác nghệ thuật của mình dưới một kho ngầm xây dựng trong một mỏ muối gần thị trấn Altaussee.
Khi chiến tranh kết thúc, đơn vị chuyên tìm kiếm các bảo vật nghệ thuật và tài liệu quý hiếm của quân đội Mỹ đã tìm ra kho báu ấy, với bức tranh còn nguyên vẹn. Đích thân viên chỉ huy đơn vị này đã áp tải bức tranh bằng tầu hỏa chạy từ Munich về Vienna để trao lại cho chính phủ Áo. Bây giờ, nó được trưng bày trong bảo tàng lịch sử nghệ thuật tại Vienna.
Khổ thân Cụ, cái năm 1675 ấy, dạo mùa hè, bà mẹ vợ sai Cụ đi đòi nợ hộ mình trên Amsterdam. Chả biết làm sao mà Cụ đòi được món nợ ấy rồi lại không đem về cho mẹ vợ. Chuyện vỡ lở, làm sao mà dấu được chứ. Thế là Cụ phát ốm, chán đời, đâm đầu vào trà đình tửu điếm và suy sụp hoàn toàn, đến giữa tháng chạp là chết.
Bây giờ, trong ngôi nhà thờ tin lành gọi là Nhà thờ Cũ ở Delft, vẫn thấy có tấm khắc đánh dấu chỗ chôn cất thi hài họa sỹ Johannes Vermeer. Nhưng dân địa phương bảo rằng bên dưới thật ra chả còn gì, vì trải qua mấy trận thành phố tháo cửa đê chắn sóng trong mấy đận chiến tranh, nơi ấy ngập lụt rất nặng, mồ mả chôn ở đó bị trôi chìm hết chả còn gì.
Cuộc đời Cụ liệu có phải là một ẩn dụ của hội họa? Hay của cái gì khác nữa? Tại sao khi chết Cụ lại về với nhà thờ Tin Lành, với đạo gốc của ông bà cha mẹ mình?
Tưởng niệm Cụ, mình như nghe thấy Cụ thì thầm, rằng “Họa sỹ, thì phải biết vẽ, phải mê vẽ, và biết thế nào là đẹp, con ạ…”
Shorewood, ngày giỗ Johannes Vermeer – 15 December 2015.

22 tháng 12 2015

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_03

Hai mẹ con đi mua đệm và ga gối. Sau khi xong việc, chị bán hàng hỏi, chị là giáo viên à. Mẹ tủm tỉm cười nói lảng chứ không trả lời vào câu hỏi. Chị bán hàng hỏi cún và cún bảo, ngày xưa ạ. Ra khỏi cửa hàng, mẹ bảo, đấy con thấy không, người ta nghĩ mẹ là giáo viên vì mẹ thường được khen là ăn nói dịu dàng.
- Cún: Xì, dị...u daaà...ng (dài giọng). Đúng là mèo khen mèo dài đuôi.
Lát sau mẹ gợi lại câu chuyện để trêu nàng. Nàng bảo, nếu con là bạn mẹ con sẽ nói khác, nhưng con là con nên chỉ nói thế thôi. Mẹ gặng, nói đi cho mẹ nghe nào. Không, nhỡ mẹ mắng. Mẹ hứa không mắng, thật đấy. Vâng, nếu là bạn mẹ con sẽ bảo, dịu dàng cái con khỉ mốc í.
Hahaha.


Đi học về ngang cửa hàng My Kingdom, nàng hét lên, mẹ ơi có va li đẹp kìa. Mẹ thuyết phục va li đó quá trẻ con này nọ. Sau một hồi mẹ thuyết phục nàng kết luận:
- Đấy là mẹ nghĩ thế, không phải con.


Cún đang học các đơn vị đo lường và cân nặng.
- Mẹ: Con nặng 27kg, vậy con nặng bao nhiêu yến.
- Cún: Có khi sụt cân xừ nó rồi.
(Hì hì, chả là cứ mỗi hè được bác chăm thì con lên cân, về với mẹ ít bữa lại sụt đi. Năm nay bác đã bảo rồi, bác không lấy tiền lên cân, nhưng nếu hụt lạng nào thì bác đòi tiền lạng đó J )


- Mẹ: Nếu con có 5 chiếc kẹo, em cún xin con 3 chiếc thì con còn bao nhiêu?
- Tôm: Con vẫn còn đủ 5 chiếc vì em xin nhưng con không cho.
- Cún (láu táu bắt chước anh, như vẫn thường làm thế): Đố anh, em có 5 chiếc kẹo, anh hỏi xin 2 chiếc thì em còn bao nhiêu?
- Tôm: Xời, vẫn còn đủ 5 chiếc chứ gì (Vì Tôm suy bụng ta ra bụng người J)
- Cún: Không, anh xin em cho ngay.
(Câu chuyện này của hai anh em cứ làm mẹ suy nghĩ mãi. Liệu có phải tính cách một đứa trẻ bộc lộ rất rõ qua những câu chuyện hàng ngày, và nếu như vậy thì mẹ phải làm sao để anh Tôm biết nhường nhịn, chia sẻ hơn đây?)

15 tháng 12 2015

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_02

- Mẹ ơi, nếu mình cũng giống Singapore thì thích nhỉ.
- Giống thế nào hả con?
- Thế này nhé, nếu ai đang ăn kẹo mà làm rơi giấy kẹo, xong rồi không chạy theo nhặt mà để cảnh sát bắt được thì sẽ phạt rất nhiều tiền. Con thích như thế.
(Câu chuyện giữa mẹ và cún)

- Con có thể đoán được tương lai đấy.
- Con đoán thế nào.
- Thế này nhé, tý nữa khi em Dương về, bố mẹ bảo em phải rửa bát bữa tối nay, thể nào em cũng “Ồi”, xong rồi chị Hoàng sẽ bảo, Để chị rửa cùng em. Mẹ ơi, mẹ hứa không cho chị Hoàng rửa hộ em cún đi.
(Chị Hoàng hàng tuần đến giúp mẹ dọn nhà vào cuối tuần. Mẹ và chị quý nhau lắm. Mẹ hay mời chị ở lại ăn cơm nhưng thỉnh thoảng lắm chị mới nhận lời. Và đây là câu chuyện của một buổi tối chị Hoàng ở lại ăn cơm với nhà mình.)

Trên đường đi học về, ngang qua một shop quần áo treo một bộ váy trẻ em khá đẹp, nàng níu áo mẹ :       
-  Mẹ ơi, đây này, cái cửa hàng gần cơ quan bố mà con bảo đây này.
Ừ bộ váy này đẹp đấy, mốt của năm nay con ạ. Nhưng bây giờ thì không được, cuối tuần nhé.
-  Đấy mẹ thấy không, khiếu thẩm mỹ của con cũng khá phết đấy chứ.

Cún: Mấy năm nữa con sẽ học thêm đàn piano [Cún hiện đã biết kéo violin tương đối khá và chơi đàn tranh cũng mềm mại phết]
Tôm (cười khẩy): Con nghĩ chỉ cần chơi xuất sắc một loại đàn
Cún (vẻ rất cương quyết): Con sẽ chơi xuất sắc nhiều loại đàn
Tôm: Ha ha ha, con thấy ở đây có hiện tượng bão rồi đấy, gió thổi bay phần phật.

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_01

Chỉ trừ những khi mẹ đi công tác (mỗi tháng trung bình vài ba hôm) hoặc thỉnh thoảng hứng lên nán ngồi nhà đánh đàn một lúc, bình thường mẹ luôn là người đưa đón con đi học. Đoạn đường gần 5km mỗi chiều hàng ngày là lúc mẹ con mình có thật nhiều điều để chia sẻ. Cũng có hôm con xị mặt vì bị mẹ mắng buổi sáng, trước khi đi học hay trong ngày có chuyện gì đó với bạn, nhưng thông thường con luôn vui vẻ và luyên thuyên suốt dọc đường rất nhiều câu chuyện, nhiều khi làm mẹ cười bò hoặc khiến mẹ phải suy ngẫm. Định ghi lại những câu chuyện đó từ lâu mà vì lười nhác, mãi nó chả thành hiện thực. Hôm nay mẹ quyết tâm đặt bút, ghi lại những kỷ niệm của con, có thể là dọc đường đi học, cũng có thể là ở nhà, rồi cả những trận cãi nhau mà vẫn dễ thương với anh Tôm nữa, để lớn lên các con có thể đọc lại.

CÚN VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
Cún bắt đầu quan tâm đến vấn đề giới tính lúc khoảng 7-8 tuổi. Mẹ không trốn tránh mà cố gắng giải thích cho con đúng sự thật bằng ngôn ngữ đơn giản và không quá đi vào chi tiết. Thật may, ở nhà có Bách khoa toàn thư dành cho trẻ em và sách dành cho bà bầu, hình minh họa đẹp và có lẽ cũng tương đối phù hợp để con tự tìm hiểu. Gần đây mẹ mang ở cơ quan về bộ sách dành cho thiếu nhi, Cơ thể mình thật lạ, Tò mò về cơ thể mình, Những điều cần biết về giới tính. Chủ đích là dành cho anh Tôm, nhưng trong khi anh Tôm hoàn toàn dửng dưng thì Cún rất thích, đọc và tủm tỉm cười. Cuốn sách Bật mí tất tần tật về bố mẹ cũng giúp Cún có thêm một số hiểu biết.

Một hôm trên đường đi học về, cún hỏi mẹ rất nghiêm túc:
 -  Mẹ ơi con muốn mẹ tặng con một món quà sinh nhật.
 - Tất nhiên rồi, con gái yêu, thế con muốn mẹ tặng con món quà gì.
 - Một em bé. Bố mẹ làm chuyện đấy đi (giọng hết sức nài nỉ).

Mẹ choáng váng, muốn ngất xỉu, ra sức giải thích cho con rằng mẹ thực sự không thể sinh thêm em bé. Khi mẹ bảo mẹ không còn sinh được nữa thì cún khẳng định, con biết rõ mẹ vẫn có thể sinh. Còn khi mẹ giải thích nếu có thêm em bé bố mẹ không đủ tiền nuôi, muốn có tiền nuôi thì mẹ sẽ phải làm việc vất vả thêm, như vậy không có thời gian dành cho các con. Cún vẫn chưa buông tha:
   - Thế tại sao ngày xưa bà lại có thể sinh nhiều con.

Haiza! Biết giải thích với con thế nào đây nhỉ.

Nói chuyện với bố, trong bữa tối bố căng bụng lên bảo đây này bố sắp có em bé cho con rồi. Cún bảo, bố nói điêu, đàn ông không sinh được em bé, trong bụng đàn ông không có túi nước ối J.

Một hôm buổi tối cún hỏi mẹ, Mẹ ơi mẹ có thích được cười không. Câu trả lời của mẹ tất nhiên là có. Và tác phẩm của cún khiến mẹ cười bò. Trang đầu cún viết: Con đã lớn khôn, bên cạnh là dấu mũi tên chỉ sang trang sau. Mở trang tiếp theo, dòng chữ phía trên là Chân dung tự họa sau 10 năm, và bên dưới là hình một cô gái với những dòng chú thích như sau: Cỡ giày 41, cao 1.75m, số đo vòng 1 chuẩn, thân hình phụ nữ quyến rũ (Vụ này là cún bắt chước trong cuốn Bật mí tất tần tật về bố mẹ)


Ôi con gái, mẹ chết ngất với những trò nghịch ngợm của con!

19 tháng 11 2015

20/11 BẬN RỘN CỦA CÚN

Như mọi bé gái chu đáo khác, cún luôn nhớ nhắc Mum và Dad chuẩn bị quà cho cô giáo mỗi dịp lễ Tết. Lớn hơn một chút thì cún chủ động chuẩn bị quà. Con gái chu đáo lắm, lần nào đi đâu chơi cũng nhớ mua quà cho nhóm bạn thân và cả cô giáo chứ chả riêng ngày lễ tết. Chả thế mà ngay buổi đầu tiên nhận cô chủ nhiệm của năm nay, con tặng quà mua từ Sapa cho cô rồi tự giới thiệu, chắc cô hơi choáng.

Ngày 20/10 con chỉ tặng quà mỗi cô Phương, cô giáo chủ nhiệm mà con yêu quý đặc biệt. Nhưng ngay khi đó con đã nghĩ đến món quà tiếp theo dành cho cô Phương vào ngày 20/11 là gì. Con hỏi ý kiến mẹ về các món quà. Con thích tặng thầy cô sách mẹ dịch lắm nhưng mẹ nói tặng sách không dễ do mỗi người có một gu đọc khác nhau, rồi bây giờ ai cũng bận rộn, ít đọc sách. Cuối cùng con quyết định chỉ tặng thầy Toàn dạy vẽ sách thôi, vì con đã hỏi rồi, thầy bảo thầy thích đọc và cuốn sách là về một bức tranh. Hai cô khác thì con tặng túi thổ cẩm đựng đồ trang điểm và dầu gội đầu. Riêng cô Phương thì con tặng cô hộp kem mẹ nhờ mua ở Hàn mà mẹ vẫn để ở văn phòng. Sợ mẹ không nhớ đem về, con thậm chí còn gửi tin nhắn nhắc mẹ.
Bốn gói quà cho 4 thầy cô, rất chi là cẩn thận
Mẹ tin thầy Toàn sẽ happy với món quà con tặng. Con bảo vì thầy dạy môn phụ nên chỉ mỗi mình con tặng quà

Lời đề tặng cô Trang dạy Toán :)
Con mong đến ngày 20/11 lắm, từ cách đó mấy ngày đã xin tiền mẹ đi mua túi đựng quà, thiệp… Tính cẩn thận, con để ý từng chi tiết nhỏ. Cô Phương dạy tiếng Anh thì bưu thiếp phải có dòng chữ tiếng Anh, lời chúc con cũng cố gắng tự viết bằng tiếng Anh. Lời chúc cô Trang con viết bằng thơ hẳn hoi (anh Tôm bảo, Xì, thơ mới chả thẩn, chả vần gì cả J). Trên đường đón con về, con rên rỉ, con mong đến ngày 20/11 quá. Hôm thứ Tư, mới là ngày 18 con đã mang túi quà đi tặng thầy Toàn vì mỗi tuần thầy chỉ dạy các con vào hôm đó. Rồi thứ Năm mang 3 túi còn lại đi tặng các cô, sung sướng lắm í. Đến tận buổi tối ngày 19 con gái còn muốn mẹ chuẩn bị thêm một món quà nữa cho cô giáo dạy múa. Mẹ nói để sáng hôm sau mua hoa nhưng nàng không chịu, kêu hoa chóng héo. Vậy là 9 rưỡi tối bố còn phải chở con đi mua thêm một món quà nhỏ.

Anh Tôm khác hẳn em. Tất nhiên là chẳng mảy may nghĩ hay quan tâm đến ai. Mẹ chuẩn bị một món quà nhỏ. Em cún tự xin tiền đi mua túi, mua thiệp, thậm chí cả viết lời chúc hộ anh rồi dúi vào tay anh, bảo với mẹ nếu con không viết thì anh ấy sẽ chẳng viết gì đâu J.

Không chỉ bận rộn với các món quà, năm nay bạn cún còn trong nhóm múa, tiết mục đinh của trường đợt này. Nhớ lại ngày đầu tiên đưa con đi khai giảng lớp Một, nhìn các bạn nhỏ nhảy thật đẹp, mẹ thầm mong đó là con gái mình. Và giờ thì con cũng đi biểu diễn. Bận rộn với con suốt 3 ngày. Hôm đầu con và các bạn biểu diễn trong lễ kỷ niệm của Viện Khoa học giáo dục. Không được đến đó, mẹ nhờ bác người quen quay lại clip các con múa. Rồi hôm sau lại đưa con đến trường sớm, giúp mặc váy, trang điểm để biểu diễn trước toàn trường và ngày tiếp theo thì biểu diễn trong buổi lễ dành cho các thầy cô giáo. Con múa thật đẹp, lắc mình lắc hông rất điệu nghệ.


Thế là cún đã có một kỳ 20/11 hết sức bận rộn nhưng đầy niềm vui. Mẹ cũng bận rộn thêm nhiều vì con nhưng mẹ rất vui nhìn con ngày càng khôn lớn. Chắc chắn con đã học được nhiều điều, biết yêu thương, quan tâm đến người khác. Còn mẹ thì như được uống thêm bao thuốc bổ khi được nghe những lời khen mọi người dành cho con. Bác Thơ không quên trêu mẹ “Mát chưa”, hihi. Rất chi là mát J

Công chúa đáng yêu đây
Và tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt:


13 tháng 11 2015

LỚN LÊN BẠN CÚN LÀM NGHỀ GÌ?

Cún, cũng giống như mọi bạn khác, có nhiều ước mơ lắm. Và ước mơ của cún thay đổi thường xuyên. Một ngày nào đó không lâu sau khi học xong lớp Một, cún bảo mẹ, lớn lên con thích làm cô giáo trường thực nghiệm. Mẹ hỏi lý do, cún bảo, để con yêu thương các em, con tặng các em điểm 10 cho các em vui. Hỏi chuyện kỹ hơn mẹ mới tá hỏa được biết cô Y. một cô giáo trẻ trung xinh đẹp của trường con thường xuyên giật tóc, béo tai nếu các con viết chậm, xấu, hay tẩy xóa tùm lum. Thật là khủng khiếp! Dù vậy, mẹ cố gắng suy nghĩ tích cực rằng một cô giáo với hình ảnh xấu lại có thể có tác động tích cực đến trẻ con như vậy, là khiến trẻ mong muốn khi lớn lên không xấu như cô giáo J

Ước mơ làm cô giáo theo đuổi con một thời gian dài. Lớn thêm chút nữa, mùa hè con học xong lớp 2, sau chuyến đi chùa một tuần vào dịp hè ở Thái Lan thì con mở trường dạy hát. Con có vẻ là một cô giáo với phương pháp dạy tích cực lắm í, cho học trò tự chọn bài, tự học theo tốc độ mà trò cảm thấy là hợp lý, rồi đánh giá, kiểm tra, cho lên lớp, hihi, y như thật.

Dù vậy, cún vẫn hay mơ màng tới nhiều công việc khác nữa. Nàng thích vẽ, đã từng có triển lãm hẳn hoi, mơ tưởng bán vé vào cửa giá cao mà mẹ phải bảo, không, vào cửa thì tự do nhưng tranh bán đắt. Rồi nàng thích làm nghệ sỹ đàn, nhưng gần đây thì nàng phát biểu làm nghệ sỹ mệt lắm, mà kiếm tiền chả đơn giản gì (Chà chà, chắc nghe lỏm ma măng đây mà). Rồi nàng tập tành viết lách với tác phẩm đầu tay dự kiến tới 19 chương nhưng mãi mãi mới chỉ dừng ở chương số 5. 

Ước mơ làm nhà thiết kế thời trang cũng theo con rất lâu. Con và bạn Khánh Minh có tới mấy cuốn vở vẽ đủ mọi thứ nhưng nhiều nhất vẫn là các kiểu thời trang váy áo, đầu óc kinh doanh ra phết, rồi bên ngoài đề rõ “nhà thiết kế thời trang tương lai Thùy Dương và Khánh Minh”. Những cuốn vở như vậy được coi là cửa hàng của con, các con bán mọi thứ cho các bạn trong lớp, rất thú vị.
Một trong số các "cửa hàng" của bạn cún
Rất rất thích thiết kế váy cô dâu!
Và nhiều mặt hàng khác nữa :)
Thậm chí cả đàn, giá 30 lạng vàng, haha

Bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, nhiều hôm con theo chị T. đi bán hàng ở cửa hàng của Thaihabooks, hay những hôm có hội chợ sách con cũng theo chị đi. Tất nhiên chơi là chủ yếu nhưng cũng có lúc chị cho con thu ngân. Con thích ngồi máy bấm tính tiền lắm và ao ước lớn lên đi làm thu ngân. Mẹ thì gợi ý, thu ngân là công việc đơn giản, dễ làm, con nên gắng làm công việc khó hơn, quản lý chẳng hạn. Gần đây hơn, có hôm đèo con đi học về, con bảo con sẽ làm ở Thaihabooks, giải thích rõ với mẹ, không phải thu ngân, và đi dạy thêm đàn nữa J.

Những trò của con luôn thật thú vị. Tuần trước lớp con đi tham quan, mẹ bận đi công tác nên đề nghị bố thu xếp công việc để đi cùng con. Về nhà thấy con khoe ngay là con làm một clip phỏng vấn các bạn trong chuyến đi. Mẹ ngạc nhiên hỏi, cô Phương giao cho con à, con bảo, không con thích thế. Ôi trời, mẹ ngạc nhiên quá luôn. Xem clip thấy con rất chững chạc, giới thiệu đâu ra đấy, hỏi bạn này bạn nọ, câu hỏi ít bị trùng lặp, rồi xông vào hỏi cả Dad nữa. Và cả sáng kiến cầm chiếc quạt gấp lại làm micro J. Đến đoạn Khánh Minh bảo, tớ mệt quá rồi, cậu nhờ bạn khác đi làm mẹ và chị Bưởi cười bò. Con không quên tiết mục thông báo về thời tiết và dõng dạc “Thùy Dương, đài CEO”. Trời, hoành tráng quá con gái ạ! Còn kể cho mẹ nghe chuyện phải làm 3 lần mới xong clip nữa chứ. Lần đầu phải dừng vì sự cố, rồi lần thứ 2 thì khi phỏng vấn một bạn, bạn ấy bảo, ơ, vừa mới phỏng vấn rồi còn gì, thế là lại phải dừng, hihi.

Mẹ đi công tác về, con kể chuyện cô Phương muốn đi Sapa, ngay lập tức con kể cô nghe các cách đi lại để cô cân nhắc và được cô khen có đầu óc kinh doanh. Tối qua khi hai mẹ con đi nghe hòa nhạc thì con nói đến chuyện cần xin chữ ký mọi bạn trong lớp để biết đâu lúc lớn lên bạn ấy nổi tiếng. Rồi cần xin chữ ký mọi người nổi tiếng mà mình gặp nữa. Con đề nghị mẹ đầu tư cho con một cuốn sổ chỉ để xin chữ ký. Con sẽ mang theo trong mọi buổi đi nghe nhạc hay những sự kiện có thể gặp người nổi tiếng. Xị mặt một chút là con chẳng thể nào có được chữ ký của Bethoween và Mozart. Haha. Đến đây thì mẹ cũng bị thuyết phục là con có “tầm nhìn chiến lược” ra phết J

Mẹ mừng vì con tỏ ra là một đứa trẻ hết sức nhanh nhẹn, luôn đầy ắp các ý tưởng và biết nhìn vấn đề dưới các góc độ khác nhau. Lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và ngọt ngào nữa. Có lần trong cuốn vở con tự mô tả mình là “Happy child”. Mẹ cũng chỉ mong các con mãi mãi được như vậy. Con làm điều gì, nghề gì mẹ cũng ủng hộ, nhưng mẹ luôn nhắc, làm gì cũng phải cẩn thận và hết lòng. Cố lên con gái nhé. Cố gắng mang lại cho con một tuổi thơ tràn đầy niềm vui và khuyến khích con khám phá mọi khả năng của mình, mẹ tin rằng đó là điểm khởi đầu cho thành công của con sau này. Yêu con gái thật nhiều!

Sản phẩm của con gái đây, đáng yêu và chững chạc quá thôi.

09 tháng 11 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_BẮT ĐẦU TỰ LẬP VỚI CUỘC SỐNG Ở TRƯỜNG CHUYÊN NGỮ

Lớp chuyên ngữ tụi mình năm đó có 3 lớp, lớp C dành cho học sinh Hà Nội mà phần lớn là cô chiêu cậu ấm, lớp B dành cho học sinh đồng bằng từ Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hóa, đại để vậy. Còn lớp A chúng mình là lớp miền núi, ưu tiên cho khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc, mở ra mỗi một năm đó, chả thế mà bố bảo mình “sinh phùng thời” vì nếu đi học sớm hay muộn một năm đều không có cơ hội vào học lớp chuyên ngữ này.
Chuẩn bị cho mình vào cuộc sống tập thể, bố mẹ sắm sửa cho mình một chiếc hòm tôn hoa màu sáng có thể khóa lại được, một chiếc chăn bông, một chiếc màn. Tất nhiên thêm chiếc cặp đi học đã cũ. Ngày nhập trường chỉ có vậy. Bố chở mình vào trường, nhận phòng, nhận bạn.  
Dù đã xa nhà từ nhỏ, nhưng trước đó là ở cùng cô hồi lớp 1-2, rồi ở nhà anh chị hồi lớp 6-7, vậy nên cuộc sống hoàn toàn tự lập trong tập thể, đối với một đứa trẻ còi cọc lúc đó mới 14 tuổi chắc chắn không hề dễ dàng. Đi bộ cùng bố ra cổng trường, mình lủi thủi quay trở vào nội trú, nước mắt lã chã rơi. Nhưng đây mới chỉ là những ngày tháng tự lập đầu tiên. Mình làm sao có thể hình dung nổi rồi sau đây mình sẽ còn đi xa tới mức đến như thế nao.
Bọn con gái được chia thành 2 phòng nội trú, phòng mình là phòng 418 có 16 đứa con gái, chia nhau ở trên 8 chiếc giường tầng, còn phòng kia là 518 có 14 đứa ở 7 giường tầng. Vài mống con trai hiếm hoi ở chung với bọn con trai lớp B. Mình ở tầng 1, còn cô bạn Thúy Mai mũm mĩm trắng trẻo ở tầng 2.
Bọn mình may mắn, khi nhập học thì khu nhà nội trú mới 5 tầng được đưa vào sử dụng nên không phải ở khu nhà lợp lá cấp 4 mà cứ thỉnh thoảng lại cháy do học sinh dùng đèn dầu rồi ngủ quên, làm đổ đèn hay những lý do hết sức vớ vẩn khác. Chuyên ngữ không đông, mỗi năm chỉ vài lớp mà trong số đó nhiều bạn nhà ở Hà Nội không ở nội trú, vậy nên tổng cộng chắc chỉ khoảng chục phòng, ở dồn lại một góc trên tầng 4 và 5. Theo thiết kế thì có phòng vệ sinh khép kín và nước được bơm lên phòng. Chỉ có điều trong thực tế thì bọn mình chưa từng được hưởng điều xa xỉ đó. Sắm sửa những đồ dùng thiết yếu cho đời sống, dần dần tụi mình mỗi đứa có thêm một chiếc xô đựng nước, một chiếc bếp dầu nhỏ và một chiếc nồi, ca đánh răng và một chiếc bát ăn. Xô nước thường được đặt trong phòng tắm khép kín vốn không thể được sử dụng theo đúng chức năng tắm rửa đã đành mà cũng chẳng thể đổ nước vì không có đường ống cống. Bếp dầu thì nhét gầm giường hoặc để ngoài hành lang. Vậy là mọi nhu cầu cần thiết bao gồm rửa tay, rửa rau, vo gạo (những khi cải thiện cuối tuần) và mọi thứ nước thải sinh hoạt nói chung và rác rưởi đều được xử lý một cách vô cùng đơn giản – hất toẹt qua ban công xuống phía sau tòa nhà. Nghĩ lại mình vẫn còn rùng mình với cảnh rác rưởi ở mặt sau ngôi nhà ký túc xá và như lại phảng phất cái mùi hôi thối khủng khiếp ấy. Chẳng hiểu các anh chị khoa Nga, những người không may phải ở tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà sống sót như thế nào qua mấy năm tập thể đó, liệu bây giờ, khi khoa Nga kỷ niệm 60 năm rầm rộ, có ai nhắc lại bức họa theo trường phái tự nhiên rùng rợn ấy không nhỉ.  
Học sinh chuyên ngữ ngày đó được bao cấp hoàn toàn. Không những không đóng bất cứ đồng tiền học phí nào, bọn mình còn được nuôi ăn ở miễn phí. Bữa sáng chúng mình tự túc. Thường sẽ có mấy cô mang bánh mì, khoai lang luộc, xôi, sắn, đại để vậy lên bán ở hành lang ký túc xá. Bố mẹ cho mình tiền đủ để ăn sáng – tương đương một chiếc bánh mì mỗi ngày, tất nhiên vào cái thời xa xưa ấy tụi mình chẳng có khái niệm kẹp bất cứ thứ gì. Hai bữa trưa và tối tụi mình ăn tập thể với tiêu chuẩn 15kg gạo/tháng. Học bổng mình chả còn nhớ là bao nhiêu, được chuyển thành thức ăn và vào các dịp lễ tết còn được chia quà nữa, hộp mứt, bánh pháo, gói đường, đại để vậy.
Lớp chia thành các mâm, mỗi mâm 5-6 suất rủ nhau ăn chung. Khi xuống nhà ăn sẽ chìa phiếu và được phát một nồi cơm, bên trên có ít thức ăn, có thể là vài miếng thịt thái mỏng dính mà giờ mình phải cố gắng lắm mới thái được như vậy, rồi một nồi rau lõng bõng, thuật ngữ chuyên môn gọi là “canh toàn quốc” với nghĩa “quốc” tức là “nước”. Đã có lần tụi mình thấy cả lăng quăng bơi lội trong canh mà mọi người nói do nhà bếp nấu ít nước cho nhanh và đỡ tốn củi, rồi sau đó cho thêm nước lã vào nên có loăng quăng. Rồi lần khác thì thấy các nhóm tranh nhau nồi canh, làm đổ cả vào đầu nhau J. Rất hiếm hoi, năm đôi ba lần, khi có dịp kỷ niệm nào đó thì tụi mình cũng được ăn tươi một bữa, nhiều thịt hơn bình thường một chút. Cơm gạo hẩm, dù thế bọn ruồi cũng chẳng tha, nồi cơm nào không có sinh viên ngồi quây xung quanh ăn thì sẽ ngay lập tức được bọn ruồi ưu ái bu đen đặc hay ít nhất nhìn từ xa cũng chẳng khác gì nồi xôi đỗ đen.
Than ôi cái thời khốn khó. Đúng là chó cắn áo rách. Bọn mình, cái lũ còi cọc đi học xa nhà, vậy mà cũng có cái để các cô cấp dưỡng trông chờ cơ đấy. Nào là buổi sáng, buổi tối bán cho đám học trò chưa đến mức đói nhưng trường kỳ thèm thuồng đôi ba lạng khoai, sắn, chiếc bánh mì, sang hơn thì là tí xôi, bánh khúc. Rồi vào bữa trưa và bữa tối thì bọn mình mang bát cơm hẩm đi đổi lấy tý dưa muối để dễ nuốt trôi đôi bát cơm hơn.

Mình thuộc diện có nhiều họ hàng ở Hà Nội nên so với nhiều bạn là được chăm sóc tốt hơn. Cuối tuần mình có thể về nhà cô, bác ăn chực bữa cơm, và mỗi bữa báo cắt cơm thì dôi ra được 5 lạng gạo, cũng là cái để cuối tháng lấy ra, bán lại cho các cô cấp dưỡng và có thêm đôi đồng quà vặt. Rồi thỉnh thoảng anh Lân vào thăm mình, mang cho hộp muối vừng. Lâu lâu bố mẹ về, quà tiếp tế là lọ muối vừng, sườn rang. Rồi có khi được tiếp tế mì sợi cán loại ngon, bột trộn trứng hẳn hoi J. Tận bây giờ mình vẫn là đứa còi cọc nhất nhà và mỗi khi kể lại chuyện ngày xưa, chị Kiều hay bảo vì ngày xưa vào cái tuổi ăn tuổi lớn đó mình chẳng được ăn uống đầy đủ nên không lớn nổi. Hì hì, giá chị ấy mà biết là nhiều người ghen tỵ với cái dáng tận giờ vẫn thon gọn của mình lắm í J. Và nếu biết nguyên nhân như chị ấy nói thì có khi mọi người tình nguyện nhịn luôn từ ngày ấy đến giờ ấy chứ, kakaka.

05 tháng 11 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THI CHUYÊN TOÁN VÀ CHUYÊN NGỮ

Ở nhà anh chị ôn luyện một thời gian, hoàn toàn là tự học và anh chị hướng dẫn thêm chút ít, mình dự thi vào lớp chuyên Toán của tỉnh Hoàng Liên Sơn và cùng với Bảo Ngọc, con nhà cô Thu chú Thụ hàng xóm của anh chị đỗ đầu lớp chuyên toán đó. Quyết định chính thức của bố mẹ là mình sẽ học chuyên Toán.

Đồng thời, bố vẫn nộp hồ sơ vào chuyên ngữ cho mình. Kỳ thi chuyên Toán diễn ra sớm, vậy nên sau khi thi xong chuyên Toán bố tiếp tục đưa mình về Hà Nội ôn luyện để thi vào chuyên ngữ. Việc luyện thi vào chuyên ngữ rắc rối hơn. Chủ yếu là bọn mình phải tập làm quen với ngoại ngữ, học phát âm, học một số câu tiếng Anh, mình nhớ mang máng vậy. Bố gửi mình ở nhà một bác người quen sơ, nằm trong khu tập thể trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ngày đôi buổi tụi mình đi học thêm, rồi ở nhà lại miệt mài học bài, trong cái nóng mùa hè và căn phòng chật chội của bác ở khu tập thể tồi tàn. Lớp học tiếng Anh của tụi mình nằm trong làng cốm Vòng, mình chỉ còn nhớ chút ít cảnh cô giáo dạy tụi mình phát âm tiếng Anh, nhưng lại nhớ rất rõ việc con bé ngố rừng là mình không rời mắt khỏi bức ảnh hình con tàu, từ mỗi góc khác nhau lại tạo cảm giác khác nhau chút ít mà ngày đó chắc phải sang trọng lắm người ta mới có để trưng ra J. Những ngày thực sự là ăn nhờ ở đậu, buồn, nhớ nhà. Những buổi chiều nóng bức, mình và Bình, một cô bé ở nhờ khác hay cùng nhau đi dạo và ôn bài dọc theo con mương hay ngôi chùa giờ nằm trong khuôn viên trường Sư  Phạm Hà Nội.

Hình ảnh buổi thi chuyên ngữ đọng lại lờ mờ. Mình phải thi Toán, Văn, kiểm tra năng khiếu (đại để chỉ là khả năng phát âm) và kiểm tra sức khỏe. Bố, như mọi ông bố khác, đứng ngoài cổng trường chờ mình và chính là lần đó bố gặp lại một ông bạn học cùng trường Y từ ngày nảo ngày nào, giờ cũng đưa con từ Hà Giang xuống thi. Đến đoạn kiểm tra sức khỏe thì huyết áp mình hơi bị cao hay thấp, giờ mình không còn nhớ rõ. Chả hiểu ai xui khiến, nào mình đã bao giờ có vinh dự được kiểm tra sức khỏe, có hiểu gì về các chỉ số đâu nhưng cũng biết rằng có điều gì đó bất thường, thế nên mình nước mắt ngắn dài, xin xỏ rằng thì mình đang bị ốm, rồi xin đo nhiệt độ (hơi cao thật, không biết có phải do quá lo sợ không, mặc dù mình không mảy may ốm). Thế là cô khám sức khỏe thương tình, ghi cho mình một con số đẹp, mình đoán vậy, vì sau đó mình được báo đỗ, sức khỏe bình thường. Mai, cô bạn cũng từ lớp chuyên Toán, nhà cạnh nhà anh chị mình cũng bị huyết áp cao thấp chút xíu gì đó, bị ghi là không đủ điều kiện sức khỏe, về sau bố mẹ bạn ấy phải tốn công xin xỏ, lập lại hội đồng, đưa bạn ấy đi kiểm tra lại mới được nhập trường. Vì vụ này mà cô mình hay bảo mình khôn như chấy, kakaka. Nhưng quả thật huyết áp mình sau đó có bị cao thấp gì đâu.

Kỳ thi chuyên ngữ đã qua, kết quả thì còn lâu mới báo, vậy nên mình lại được đưa về Sapa ít ngày, rồi về Yên Bái để nhập học ở lớp chuyên Toán.

Nhà anh chị ở trong khu tập thể giáo viên, có ba đứa con, một trai đầu kém mình hai tuổi và 2 con gái sau. Anh chị cũng được anh Túc chị Hồng truyền cho nghề làm lạc rang, vậy nên mình cũng phụ giúp anh chị lúc này lúc khác trong việc làm thêm. Rồi giúp anh chị cơm nước và việc vặt trong nhà. Nhà có một khoảnh vườn nhỏ, chị chăm rau tốt lắm, mùng tơi, rau muống, rau đay, mướp. Mình rất thích việc hái rau. Và cũng như mọi nhà, chị nuôi một con lợn, chăm nom chắc chả kém bất cứ đứa trẻ nào trong nhà J.

Từ nhà sang trường chỉ ba bước chân, và mình học ở đó vẻn vẹn có một tháng nên hầu như chả còn nhớ gì bạn bè. Mình chỉ còn nhớ chi tiết mà mãi về sau, Minh Hạnh, cô bạn cũng từ trường đó chuyển về chuyên ngữ kể, rằng lớp Minh Hạnh rủ nhau sang lớp mình xem mặt bạn gái đỗ điểm cao trong kỳ thi vào chuyên Toán. Kaka, vinh dự kinh!


Sau khoảng một tháng, mình nhận được giấy báo đỗ chuyên ngữ. Chả vẻ vang gì, 9/20. Đỗ chẳng qua là do người ta ưu tiên khu vực miền núi. Tuy vậy, so với lớp miền núi 38 bạn của mình thì hình như điểm vậy là cũng không tệ. Bố mẹ mừng lắm, quyết định cho mình đi học chuyên ngữ, bắt đầu những năm tháng tự lập tuyệt đối, ở tập thể cùng một lũ lít nhít khác.

Mình được phân học tiếng Nga ngày đó đang là thứ tiếng thời thượng, bố vui sướng bảo, cả đời bố mẹ chưa được đi máy bay, con học tiếng Nga thể nào cũng được đi Nga chỉnh tiếng mấy tháng, con đi [máy bay] thay cho bố mẹ. Chao ôi, ước mơ giản dị biết bao nhiêu của bố mình. Viết những dòng này, mắt mình cay xè khi nhớ lại cái thời khốn khó đó, bố đi đôi dép lê, đèo mình trên chiếc xe cà tàng từ nhà cô mình ở khu tập thể Trương Định vào tận Cầu Giấy, rất nhiều lượt, cả những ngày đi mua hồ sơ, đưa đón mình đi thi, và cả sau này nữa, khi mình đã học ở đó, thỉnh thoảng bố mẹ xuống thăm. Ước mơ nhỏ nhoi đến như vậy, bố mình làm sao hình dung được chính ông bà về sau cũng đi khắp nơi, hết trong nước rồi đến cả những nơi xa xôi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Malaysia, Singapore hay sang tận Úc thăm chú mình giờ đã định cư bên đó, trong khi vào những năm tám mươi khốn khó vô cùng ấy chú vẫn sống ở Việt Nam.

Nào, lại bắt đầu một cuộc sống mới với biết bao kỷ niệm, với cả những rung động đầu tiên của tuổi học trò. Chắc chắn có rất nhiều niềm vui, cả những nỗi buồn, nhưng giờ đây, sau bao năm, mỗi khi nhớ lại mình chỉ nhớ toàn niềm vui và hay tự cười tủm tỉm một mình với những ký ức ngọt ngào dễ thương của tuổi học trò ngày nào.

02 tháng 11 2015

ẤN TƯỢNG BẮC KINH_04_TỬ CẤM THÀNH

Ông bà nhà mình đi Côn Minh chơi năm 2004, về các cụ nức nở khen. Năm sau các cụ đi tour Bắc Kinh-Thượng Hải và về mẹ mình bảo, Côn Minh đã hay nhưng chưa là gì so với Bắc Kinh. Mẹ mình say sưa kể về Tử Cấm Thành với 9999 gian, những cung điện xa hoa, lộng lẫy. Vậy nên với mình và có lẽ là mọi khách khác, Tử Cấm Thành là một điểm must-go. Nghe một bạn ở Đại sứ quán nói vé vào Tử Cấm Thành không bán tự do và tặng cho mình đôi giấy mời, mình mừng húm. Khách sạn tụi mình ở chỉ cách quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành có 3km, tụi mình ra khỏi nhà lúc hơn 8h sáng chút, lên kế hoạch đi chơi ở đó đến khoảng 2h chiều rồi nếu kịp sẽ lang thang qua Thiên đàn. Cứ tưởng sẽ kịp đến Tử Cấm Thành khi mới mở cửa lúc 8.30, nào ngờ có vài km mà tụi mình mất tới hơn nửa tiếng. Vừa rẽ vào con đường [chắc là] dẫn đến cổng vào Tử Cấm Thành mình thấy một đám đông đang xếp hàng. Chả hiểu xếp hàng đi đâu, vì nào mình đã nhìn thấy gì, chỉ thấy đằng xa là bức tường giống như trong ảnh chụp, rồi quảng trường Thiên An Môn. Bọn mình đoán cửa kiểm tra nên cũng xông vào xếp. Với bọn Tàu thì chứng minh thư bị soi rất kỹ, nhưng bọn mình chìa hộ chiếu thì được đi qua nhanh hơn. Đi thêm một đoạn nữa lại thấy một đám đông xếp hàng dài dằng dặc, mấy hàng liền, đông nghìn nghịt, tụi mình đoán phải xếp tiếp nên cũng xông vào, tay lăm lăm cầm hộ chiếu. Không thể hỏi ai bất cứ thông tin gì, tụi mình cứ kiên nhẫn chờ hàng nhích lên rất chậm. Một hồi thấy loa thông báo gì đó rồi một phần lớn tản đi nhưng tụi mình vì thấy có người còn đứng nên vẫn đứng lại. Khoảng 40’ xếp hàng như vậy thì hai vợ chồng tiến đến được cửa. Hóa ra là kiểm tra an ninh lần nữa. Rất cẩn thận. Qua được cửa kiểm tra an ninh lần hai thì tụi mình thở phào vì đã lọt được vào khu vực Thiên An Môn lúc 10h sáng. Một hồi đi theo dòng người lúc này đã đông tương đối, tụi mình tiến vào phía trong. Hóa ra vé bán tận phía trong này. Lại kiểm tra vé và qua cửa kiểm tra an ninh một lần nữa thì tụi mình mới thực sự được lọt vào Tử Cấm Thành.
Hàng người đồng nghìn nghịt ở cửa kiểm tra an ninh thứ nhất
Mình không thể dùng từ nào để mô tả sự vĩ đại, hoành tráng của Tử Cấm Thành. Rộng mênh mông, hết điện này đến điện khác. Các điện lợp ngói lưu ly, rui mè trang trí họa tiết tinh xảo, cầu kỳ. Theo dọc trục chính, trước cửa các điện là những bậc thang đá trắng lộng lẫy, chạm trổ cầu kỳ. Ban đầu tụi mình đi theo trục chính, rồi sau rẽ vào khu trưng bày bảo vật bên tay phải, rồi đi ra theo đường hành lang phía bên trái. Rất thường xuyên cứ tưởng hết rồi, bước qua một cánh cửa lại thấy hiện ra những tòa điện mới. Lâu đài trùng trùng lớp lớp, không thể hình dung nổi quy mô đến đâu vì người ta mới chỉ mở cho công chúng xem khoảng 30% toàn bộ Tử Cấm thành. Lâu lâu mệt tụi mình dừng chân nghỉ một lát. Biết trước sẽ không thể được ăn trưa tử tế, mình mang theo nước, bim bim, bánh và hai quả táo to đùng. Tranh thủ lúc nghỉ chân cũng là lúc ăn trưa luôn. Lang thang suốt từ 10h sáng đến 2h chiều, đi bộ có lẽ cả gần chục km thì đôi chân mình đã rời ra. Trên đường quay ra, mà thực sự đã ra đến cổng, ông chồng thấy có chiếc xe bánh hơi chở sang một nơi đọc loáng thoáng là đài Thiên An Môn, hai vợ chồng sung sướng nghĩ đến chuyện đỡ phải đi bộ mà được ra tận quảng trường. Nhưng chiếc xe chỉ đi một đoạn rất ngắn. Tụi mình cố gắng đi thêm một đoạn mấy trăm mét nữa thì ra được gần cổng vào lúc sáng. Hóa ra có thêm một dịch vụ nữa là lên tận tầng 2 của điện Thiên An Môn, chỗ các vị lãnh tụ vẫn đứng duyệt diễu binh. Vé khoảng 43k tiền Việt. Mỗi tội lại phải kiểm tra túi rồi gửi túi và mới được lên. Rồi qua một cửa kiểm tra an ninh nữa mới được lên tháp!
Vòng cổng gần ngoài cùng của Tử Cấm Thành
Nơi từng là nhà hát
Từ một góc sân trong Tử Cấm Thành
Và từ một góc nhìn khác
Những bờ đá trắng lộng lẫy và uy nghi nơi sân rồng
Một con đường ở bên ngách, chỗ các tòa điện phía Tây
Mọi đường nét trang trí các điện đều vô cùng tinh tế
Không có cổng ra. Mình mặt méo xệch, lê lết đoạn đường có lẽ phải cả cây số để quay ngược lại chỗ cổng ra lúc trước. Có thể dễ dàng xuống bến tàu điện ngầm để về, chắc chỉ mất 10’ tàu điện ngầm, nhưng chân mình đau nhức sau cả đoạn đường dài đến vậy, thế là vui lòng trả cho chú tắc xi 50 tệ (175 k) sau khi mặc cả mãi vì chú ấy đòi tới 80 tệ cho đoạn đường có lẽ khoảng 3-4km.

Chân khập khiễng nhưng mình vẫn cố ngắm con đường, những ngôi nhà rất đẹp quanh cái hồ cạnh Tử Cấm Thành này. Đây là đoạn đường mình phải đi ngược lại từ đài Thiên An Môn về chỗ cửa ra :)
Mệt rã rời, mình thậm chí đi còn hơi khập khiễng, nhưng lòng vui sướng vô hạn. Thế là mình đã được đặt chân đến, tận mắt thấy những kỳ quan của thế giới. Hai bạn nhỏ chắc chưa thể đi được, các bạn ấy khó lòng mà chịu đựng được một ngày đi bộ khủng khiếp thế. Ừ, mà các con thì vội gì. Các con còn cả một cuộc đời tràn đầy niềm vui đang chờ đón. Nghĩ vậy, nhưng mẹ vẫn hình dung sẽ hạnh phúc biết bao nếu được cùng các con lang thang qua những địa danh tuyệt vời như thế này.
Buổi sáng cuối cùng ở lại Bắc Kinh mình lên lịch đi thăm Đền thờ Lama, một đền thờ của phái Mật tông Tây Tạng. Muốn giữ sức cho đôi chân nhưng cuối cùng vì chờ tắc xi lâu quá nên tụi mình đành xuống tàu điện ngầm. Thực ra việc đi bằng tàu điện ngầm khá đơn giản và thuận tiện, lại còn đảm bảo căn được giờ chứ không như tắc xi. Bến tàu điện đó cách khách sạn tụi mình có 5 ga, lại không phải đổi tàu. Tụi mình đến lúc đền mới mở cửa. Lang thang gần một tiếng qua các điện thờ, mình đã được chiêm ngưỡng bức tượng Phật rất hoành tráng, là tâm điểm của ngôi đền. Kiến trúc ngôi đền khá giống cung điện hôm trước, bởi nguyên thủy nó vốn là cung của một thái tử. Điểm khác là trong sân đền hay có cây, cây hồng lá rụng gần hết, quả lúc lỉu. Cây lựu nhỏ mà sai, những quả lựu đã già quá độ, nở bung, để lộ những hạt lựu căng mọng nước. Nhưng điều mình thích nhất là những bức tranh đường ca treo tại hầu như mỗi điện thờ. Những bức tranh thờ vô cùng tinh xảo, màu sắc độc đáo, khi vẽ người ta cần tuân thủ những quy định hết sức khắt khe của việc mô tả bằng hình tượng mà nếu không tuân thủ thì bức tranh sẽ không có giá trị tôn giáo. Những bức tranh mà mình mơ ước được ngắm thật kỹ kể từ khi dịch bộ phim nói về việc vẽ những bức họa thế này từ mấy năm trước.
Lang thang trên con phố mang đậm chất Tây Tạng chạy dài theo bờ tường của đền thờ, mùi hương, tiếng cầu kinh Om ba ni Bát ma hom văng vẳng làm một đứa ít chịu đi đền chùa như mình thấy đôi phần áy náy. Giá như những ngôi đền ở Việt Nam cũng ít bị thương mại hóa thế này thì có lẽ mình sẽ thường xuyên đi hơn. Nhưng mình tin Phật không trách mình, bố mẹ luôn dạy mình, Phật tại tâm mà.

Hơn một tuần ở Bắc Kinh, đến khi mình đã rất quen thuộc, biết ăn ở đâu, đi thế nào… thì cũng là lúc mình về rồi. Trong số các địa điểm nổi tiếng nhất mà sách hướng dẫn nào cũng nhắc đến chỉ còn mỗi Thiên đàn, ngõ phố cổ và khu phố nghệ thuật mình chưa đến được. Bên cạnh việc được thăm thú rất nhiều điểm hay ho, kỹ năng sống của mình nâng cao thấy rõ trong việc đi du lịch ở một nơi mà mình không giao tiếp bằng lời nói được. Và khỏe thêm một tý nữa chứ, do nhiều lúc phải uốn éo đủ kiểu chả khác gì tập thể dục bên cạnh việc dùng cả tứ chi để diễn tả điều mình muốn, kakaka.
Một nồi lẩu to với đĩa thịt bò Úc cũng to đại giá 42 tệ. Và vì chẳng biết gọi lẻ, ví dụ như một nồi, một đĩa thịt và 2 đĩa rau thế nào, tụi mình đành giơ 2 ngón tay ra hiệu 2 suất :)

Còn đây là cô con gái uống chè hoa cúc mẹ mang từ bển về, bảo uống chè này thì phải theo nghi thức trà đạo của Nhật Bản, dùng tay áo che mặt khi uống trà, kaka