Ở nhà anh chị ôn luyện một
thời gian, hoàn toàn là tự học và anh chị hướng dẫn thêm chút ít, mình dự thi
vào lớp chuyên Toán của tỉnh Hoàng Liên Sơn và cùng với Bảo Ngọc, con nhà cô Thu chú Thụ hàng xóm của
anh chị đỗ đầu lớp chuyên toán đó. Quyết định chính thức của bố mẹ là mình sẽ học
chuyên Toán.
Đồng thời, bố vẫn nộp hồ
sơ vào chuyên ngữ cho mình. Kỳ thi chuyên Toán diễn ra sớm, vậy nên sau khi thi
xong chuyên Toán bố tiếp tục đưa mình về Hà Nội ôn luyện để thi vào chuyên ngữ. Việc luyện thi vào
chuyên ngữ rắc rối hơn. Chủ yếu là bọn mình phải tập làm quen với ngoại ngữ, học
phát âm, học một số câu tiếng Anh, mình nhớ mang máng vậy. Bố gửi mình ở nhà một
bác người quen sơ, nằm trong khu tập thể trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ngày
đôi buổi tụi mình đi học thêm, rồi ở nhà lại miệt mài học bài, trong cái nóng
mùa hè và căn phòng chật chội
của bác ở khu tập thể tồi tàn. Lớp học tiếng Anh của tụi mình nằm trong làng cốm
Vòng, mình chỉ còn nhớ chút ít cảnh cô giáo dạy tụi mình phát âm tiếng Anh,
nhưng lại nhớ rất rõ việc con bé ngố rừng là mình không rời mắt khỏi bức ảnh
hình con tàu, từ mỗi góc khác nhau lại tạo cảm giác khác nhau chút ít mà ngày
đó chắc phải sang trọng lắm người ta mới có để trưng ra J. Những ngày thực sự là ăn nhờ ở đậu, buồn, nhớ nhà. Những
buổi chiều nóng bức, mình và Bình, một cô bé ở nhờ khác hay cùng nhau đi dạo và
ôn bài dọc theo con mương hay ngôi chùa giờ nằm trong khuôn viên trường Sư Phạm Hà Nội.
Hình
ảnh buổi thi chuyên ngữ đọng lại lờ mờ. Mình phải thi Toán, Văn, kiểm tra năng
khiếu (đại để chỉ là khả năng phát âm) và kiểm tra sức khỏe. Bố, như mọi ông bố
khác, đứng ngoài cổng trường chờ mình và chính là lần đó bố gặp lại một ông bạn
học cùng trường Y từ ngày nảo ngày nào, giờ cũng đưa con từ Hà Giang xuống thi.
Đến đoạn kiểm tra sức khỏe thì huyết áp mình hơi bị cao hay thấp, giờ mình
không còn nhớ rõ. Chả hiểu ai xui khiến, nào mình đã bao giờ có vinh dự được kiểm tra sức khỏe, có hiểu gì về các chỉ số đâu nhưng
cũng biết rằng có điều gì đó bất thường, thế nên mình nước mắt ngắn dài, xin xỏ
rằng thì mình đang bị ốm, rồi xin đo nhiệt độ (hơi cao thật, không biết có phải
do quá lo sợ không, mặc dù mình không mảy may ốm). Thế là cô khám sức khỏe thương tình, ghi
cho mình một con số đẹp, mình đoán vậy, vì sau đó mình được báo đỗ, sức khỏe
bình thường. Mai, cô bạn cũng từ lớp chuyên Toán, nhà cạnh nhà anh chị mình
cũng bị huyết áp cao thấp chút xíu gì đó, bị ghi là không đủ điều kiện sức khỏe,
về sau bố mẹ bạn ấy phải tốn công xin xỏ, lập lại hội đồng, đưa bạn ấy đi kiểm
tra lại mới được nhập trường. Vì vụ này mà cô mình hay bảo mình khôn như chấy,
kakaka. Nhưng quả thật huyết áp mình sau đó có bị cao thấp gì đâu.
Kỳ thi chuyên ngữ đã qua, kết quả thì còn lâu mới báo, vậy nên mình lại được
đưa về Sapa ít ngày, rồi về Yên Bái để nhập học ở lớp chuyên Toán.
Nhà anh chị ở trong khu tập
thể giáo viên, có ba đứa con, một trai đầu kém mình hai tuổi và 2 con gái sau.
Anh chị cũng được anh Túc chị Hồng truyền cho nghề làm lạc rang, vậy nên mình
cũng phụ giúp anh chị lúc này lúc khác trong việc làm thêm. Rồi giúp anh chị
cơm nước và việc vặt trong nhà. Nhà
có một khoảnh vườn nhỏ, chị chăm rau tốt lắm, mùng tơi, rau muống, rau đay, mướp.
Mình rất thích việc hái rau. Và cũng như mọi nhà, chị nuôi một con lợn, chăm
nom chắc chả kém bất cứ đứa trẻ nào trong nhà J.
Từ nhà sang trường chỉ ba
bước chân, và mình học ở đó vẻn vẹn có một tháng nên hầu như chả còn nhớ gì bạn
bè. Mình chỉ còn nhớ chi tiết mà mãi về sau, Minh Hạnh, cô bạn cũng từ trường
đó chuyển về chuyên ngữ
kể, rằng lớp Minh Hạnh rủ nhau sang lớp mình xem mặt bạn gái đỗ điểm cao trong
kỳ thi vào chuyên Toán. Kaka, vinh dự kinh!
Sau khoảng một tháng, mình nhận được giấy báo đỗ chuyên ngữ. Chả vẻ vang
gì, 9/20. Đỗ chẳng qua là do người ta ưu tiên khu vực miền núi. Tuy vậy, so với
lớp miền núi 38 bạn của mình thì hình như điểm vậy là cũng không tệ. Bố mẹ mừng
lắm, quyết định cho mình đi học chuyên ngữ, bắt đầu những năm tháng tự lập tuyệt
đối, ở tập thể cùng một lũ lít nhít khác.
Mình được phân học tiếng Nga ngày đó
đang là thứ tiếng thời thượng, bố vui sướng bảo, cả đời bố mẹ chưa được đi máy
bay, con học tiếng Nga thể nào cũng được đi Nga chỉnh tiếng mấy tháng, con đi
[máy bay] thay cho bố mẹ. Chao ôi, ước mơ giản dị biết bao nhiêu của bố mình.
Viết những dòng này, mắt mình cay xè khi nhớ lại cái thời khốn khó đó, bố đi
đôi dép lê, đèo mình trên chiếc xe cà tàng từ nhà cô mình ở khu tập thể Trương
Định vào tận Cầu Giấy, rất nhiều lượt, cả những ngày đi mua hồ sơ, đưa đón mình
đi thi, và cả sau này nữa, khi mình đã học ở đó, thỉnh thoảng bố mẹ xuống thăm.
Ước mơ nhỏ nhoi đến như vậy, bố mình làm sao hình dung được chính ông bà về sau
cũng đi khắp nơi, hết trong nước rồi đến cả những nơi xa xôi như Bắc Kinh, Thượng
Hải, Malaysia, Singapore hay sang tận Úc thăm chú mình giờ đã định cư bên đó,
trong khi vào những năm tám mươi khốn khó vô cùng ấy chú vẫn sống ở Việt Nam.
Nào, lại bắt đầu một cuộc sống mới với biết bao kỷ niệm, với cả những rung động đầu tiên của tuổi học trò. Chắc chắn có rất nhiều niềm vui, cả những nỗi buồn, nhưng giờ đây, sau bao năm, mỗi khi nhớ lại mình chỉ nhớ toàn niềm vui và hay tự cười tủm tỉm một mình với những ký ức ngọt ngào dễ thương của tuổi học trò ngày nào.
Không ngờ bạn cũng "cá sấu" ra phết. Mình cũng phải phì cười đoạn nước mắt ngắn nước mắt dài xin xỏ để được kiểm tra lại. Nếu không thế có khi bây giờ lại khác rồi cũng nên :).
Trả lờiXóaCuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều, thế sự thì luôn biến động, chỉ mong sao Việt Nam luôn giữ được yên ổn và tiếp tục phát triển. Bạn cũng như nhiều người con đất Việt khác đã bay đi học hỏi và trở lại góp phần vào sự phát triển đó.
Đúng đấy, cứ mỗi bước đi lại dẫn tới bước tiếp theo, mà cứ như thể đã được định sẵn. Nếu mình không học chuyên ngữ thì mình cũng khó hình dung bây giờ mình sẽ làm gì. Như đã có lần tự trào, nếu không đi học thì hoàn toàn có thể bây giờ mình đang ngồi quạt ngô cạnh nhà thờ Sapa, hoặc làm bà chủ khách sạn :)
Xóa