09 tháng 11 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_BẮT ĐẦU TỰ LẬP VỚI CUỘC SỐNG Ở TRƯỜNG CHUYÊN NGỮ

Lớp chuyên ngữ tụi mình năm đó có 3 lớp, lớp C dành cho học sinh Hà Nội mà phần lớn là cô chiêu cậu ấm, lớp B dành cho học sinh đồng bằng từ Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hóa, đại để vậy. Còn lớp A chúng mình là lớp miền núi, ưu tiên cho khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc, mở ra mỗi một năm đó, chả thế mà bố bảo mình “sinh phùng thời” vì nếu đi học sớm hay muộn một năm đều không có cơ hội vào học lớp chuyên ngữ này.
Chuẩn bị cho mình vào cuộc sống tập thể, bố mẹ sắm sửa cho mình một chiếc hòm tôn hoa màu sáng có thể khóa lại được, một chiếc chăn bông, một chiếc màn. Tất nhiên thêm chiếc cặp đi học đã cũ. Ngày nhập trường chỉ có vậy. Bố chở mình vào trường, nhận phòng, nhận bạn.  
Dù đã xa nhà từ nhỏ, nhưng trước đó là ở cùng cô hồi lớp 1-2, rồi ở nhà anh chị hồi lớp 6-7, vậy nên cuộc sống hoàn toàn tự lập trong tập thể, đối với một đứa trẻ còi cọc lúc đó mới 14 tuổi chắc chắn không hề dễ dàng. Đi bộ cùng bố ra cổng trường, mình lủi thủi quay trở vào nội trú, nước mắt lã chã rơi. Nhưng đây mới chỉ là những ngày tháng tự lập đầu tiên. Mình làm sao có thể hình dung nổi rồi sau đây mình sẽ còn đi xa tới mức đến như thế nao.
Bọn con gái được chia thành 2 phòng nội trú, phòng mình là phòng 418 có 16 đứa con gái, chia nhau ở trên 8 chiếc giường tầng, còn phòng kia là 518 có 14 đứa ở 7 giường tầng. Vài mống con trai hiếm hoi ở chung với bọn con trai lớp B. Mình ở tầng 1, còn cô bạn Thúy Mai mũm mĩm trắng trẻo ở tầng 2.
Bọn mình may mắn, khi nhập học thì khu nhà nội trú mới 5 tầng được đưa vào sử dụng nên không phải ở khu nhà lợp lá cấp 4 mà cứ thỉnh thoảng lại cháy do học sinh dùng đèn dầu rồi ngủ quên, làm đổ đèn hay những lý do hết sức vớ vẩn khác. Chuyên ngữ không đông, mỗi năm chỉ vài lớp mà trong số đó nhiều bạn nhà ở Hà Nội không ở nội trú, vậy nên tổng cộng chắc chỉ khoảng chục phòng, ở dồn lại một góc trên tầng 4 và 5. Theo thiết kế thì có phòng vệ sinh khép kín và nước được bơm lên phòng. Chỉ có điều trong thực tế thì bọn mình chưa từng được hưởng điều xa xỉ đó. Sắm sửa những đồ dùng thiết yếu cho đời sống, dần dần tụi mình mỗi đứa có thêm một chiếc xô đựng nước, một chiếc bếp dầu nhỏ và một chiếc nồi, ca đánh răng và một chiếc bát ăn. Xô nước thường được đặt trong phòng tắm khép kín vốn không thể được sử dụng theo đúng chức năng tắm rửa đã đành mà cũng chẳng thể đổ nước vì không có đường ống cống. Bếp dầu thì nhét gầm giường hoặc để ngoài hành lang. Vậy là mọi nhu cầu cần thiết bao gồm rửa tay, rửa rau, vo gạo (những khi cải thiện cuối tuần) và mọi thứ nước thải sinh hoạt nói chung và rác rưởi đều được xử lý một cách vô cùng đơn giản – hất toẹt qua ban công xuống phía sau tòa nhà. Nghĩ lại mình vẫn còn rùng mình với cảnh rác rưởi ở mặt sau ngôi nhà ký túc xá và như lại phảng phất cái mùi hôi thối khủng khiếp ấy. Chẳng hiểu các anh chị khoa Nga, những người không may phải ở tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà sống sót như thế nào qua mấy năm tập thể đó, liệu bây giờ, khi khoa Nga kỷ niệm 60 năm rầm rộ, có ai nhắc lại bức họa theo trường phái tự nhiên rùng rợn ấy không nhỉ.  
Học sinh chuyên ngữ ngày đó được bao cấp hoàn toàn. Không những không đóng bất cứ đồng tiền học phí nào, bọn mình còn được nuôi ăn ở miễn phí. Bữa sáng chúng mình tự túc. Thường sẽ có mấy cô mang bánh mì, khoai lang luộc, xôi, sắn, đại để vậy lên bán ở hành lang ký túc xá. Bố mẹ cho mình tiền đủ để ăn sáng – tương đương một chiếc bánh mì mỗi ngày, tất nhiên vào cái thời xa xưa ấy tụi mình chẳng có khái niệm kẹp bất cứ thứ gì. Hai bữa trưa và tối tụi mình ăn tập thể với tiêu chuẩn 15kg gạo/tháng. Học bổng mình chả còn nhớ là bao nhiêu, được chuyển thành thức ăn và vào các dịp lễ tết còn được chia quà nữa, hộp mứt, bánh pháo, gói đường, đại để vậy.
Lớp chia thành các mâm, mỗi mâm 5-6 suất rủ nhau ăn chung. Khi xuống nhà ăn sẽ chìa phiếu và được phát một nồi cơm, bên trên có ít thức ăn, có thể là vài miếng thịt thái mỏng dính mà giờ mình phải cố gắng lắm mới thái được như vậy, rồi một nồi rau lõng bõng, thuật ngữ chuyên môn gọi là “canh toàn quốc” với nghĩa “quốc” tức là “nước”. Đã có lần tụi mình thấy cả lăng quăng bơi lội trong canh mà mọi người nói do nhà bếp nấu ít nước cho nhanh và đỡ tốn củi, rồi sau đó cho thêm nước lã vào nên có loăng quăng. Rồi lần khác thì thấy các nhóm tranh nhau nồi canh, làm đổ cả vào đầu nhau J. Rất hiếm hoi, năm đôi ba lần, khi có dịp kỷ niệm nào đó thì tụi mình cũng được ăn tươi một bữa, nhiều thịt hơn bình thường một chút. Cơm gạo hẩm, dù thế bọn ruồi cũng chẳng tha, nồi cơm nào không có sinh viên ngồi quây xung quanh ăn thì sẽ ngay lập tức được bọn ruồi ưu ái bu đen đặc hay ít nhất nhìn từ xa cũng chẳng khác gì nồi xôi đỗ đen.
Than ôi cái thời khốn khó. Đúng là chó cắn áo rách. Bọn mình, cái lũ còi cọc đi học xa nhà, vậy mà cũng có cái để các cô cấp dưỡng trông chờ cơ đấy. Nào là buổi sáng, buổi tối bán cho đám học trò chưa đến mức đói nhưng trường kỳ thèm thuồng đôi ba lạng khoai, sắn, chiếc bánh mì, sang hơn thì là tí xôi, bánh khúc. Rồi vào bữa trưa và bữa tối thì bọn mình mang bát cơm hẩm đi đổi lấy tý dưa muối để dễ nuốt trôi đôi bát cơm hơn.

Mình thuộc diện có nhiều họ hàng ở Hà Nội nên so với nhiều bạn là được chăm sóc tốt hơn. Cuối tuần mình có thể về nhà cô, bác ăn chực bữa cơm, và mỗi bữa báo cắt cơm thì dôi ra được 5 lạng gạo, cũng là cái để cuối tháng lấy ra, bán lại cho các cô cấp dưỡng và có thêm đôi đồng quà vặt. Rồi thỉnh thoảng anh Lân vào thăm mình, mang cho hộp muối vừng. Lâu lâu bố mẹ về, quà tiếp tế là lọ muối vừng, sườn rang. Rồi có khi được tiếp tế mì sợi cán loại ngon, bột trộn trứng hẳn hoi J. Tận bây giờ mình vẫn là đứa còi cọc nhất nhà và mỗi khi kể lại chuyện ngày xưa, chị Kiều hay bảo vì ngày xưa vào cái tuổi ăn tuổi lớn đó mình chẳng được ăn uống đầy đủ nên không lớn nổi. Hì hì, giá chị ấy mà biết là nhiều người ghen tỵ với cái dáng tận giờ vẫn thon gọn của mình lắm í J. Và nếu biết nguyên nhân như chị ấy nói thì có khi mọi người tình nguyện nhịn luôn từ ngày ấy đến giờ ấy chứ, kakaka.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét