10 tháng 5 2013

GỢI TÌNH (3)



Ngoài Laxmi và Dev, những người Ấn Độ duy nhất Miranda biết là một gia đình hàng xóm nơi cô lớn lên gọi là nhà Dixit. Bọn trẻ con hàng xóm, kể cả Miranda cảm thấy rất ngạc nhiên về chuyện chiều nào ông Dixit cũng chạy bộ dọc theo những con phố bằng phẳng đầy gió khu họ ở trong chiếc áo sơ mi và quần thường ngày. Sự nhượng bộ duy nhất của ông đối với đồ thể thao là đôi giày rẻ tiền nhãn hiệu Ked. Nhưng bọn trẻ nhà Dixit lại thấy chuyện đó hết sức bình thường. Cứ cuối tuần, cái gia đình đó – bà mẹ, ông bố, hai cậu con trai và một cô con gái lại chui hết vào xe và đi đến một nơi nào đó chẳng ai biết. Những ông bố kêu rằng ông Dixit không chăm sóc bãi cỏ của ông ta cẩn thận, không cào lá đúng lúc, và nhất trí cho rằng ngôi nhà của nhà Dixit, ngôi nhà duy nhất với những lớp bên ngoài bằng nhựa làm hỏng vẻ đẹp của cả khu. Những bà mẹ chẳng bao giờ mời bà Dixit cùng họ đi bể bơi Armstrong. Ở bến xe buýt, bọn trẻ con đứng tránh khỏi mấy đứa trẻ nhà Dixit. Bọn trẻ thường thì thầm nói “Nhà Dixit cuốc phân” [Một cách chơi chữ, tạo vần trong nguyên bản tiếng Anh “The Dixits dig shit”] rồi cười phá lên.

Một năm, tất cả bọn trẻ con trong khu được mời đến dự sinh nhật cô con gái nhà ông bà Dixit. Miranda nhớ rất rõ mùi thơm nặng nề của hương và hành tỏa ra từ ngôi nhà và một đống giày chất trước cửa. Nhưng hơn tất cả cô nhớ đến một mảnh vải, cỡ như chiếc gối treo trên chiếc chốt gỗ phía dưới chân cầu thang. Đó là bức tranh một phụ nữ khỏa thân với khuôn mặt màu đỏ có hình giống như chiếc mộc của một kỵ sỹ. Cô ta có đôi mắt trắng to vĩ đại nghiêng về phía thái dương và những dấu chấm nhỏ là con ngươi. Hai vòng tròn với những dấu chấm nhỏ ở trung tâm là hai bầu vú. Một tay cô ta vung con dao găm. Một chân cô ta đạp người đàn ông xuống đất. Vòng quanh cơ thể cô ta là những đầu lâu đàn ông chảy máu, được xâu lại như chuỗi bỏng ngô. Cô ta thè lưỡi ra với Miranda.

-   Đó là nữ thần Kali, - bà Dixit sôi nổi giải thích, hơi nâng chiếc móc áo cho bức tranh thẳng ra. Đôi tay bà nhuộm lá móng với những hình thù rắc rối, các đường dích dắc và các ngôi sao. – Nào, cháu vào đi! Đến lúc ăn bánh rồi đấy.

Miranda, khi đó chín tuổi, quá sợ nên không thể ăn bánh được. Hàng tháng trời sau đó cô vẫn cảm thấy sợ hãi đến mức thậm chí không dám đi bên lề đường có nhà ông bà Dixit, đoạn đường cô phải đi qua mỗi ngày hai lần, một lần đến bến xe và lần khác là đi về nhà. Trong một thời gian dài cô thậm chí còn nín thở cho tới khi đến được khoảng đất tiếp theo không phải của nhà ông bà Dixit, giống như cô nín thở khi chiếc xe buýt chở học sinh đi ngang qua nghĩa địa.

Giờ đây, cô thấy xấu hổ khi nhớ lại chuyện đó. Bây giờ, mỗi khi cô và Dev làm tình, cô nhắm mắt lại và nhìn thấy những sa mạc, những con voi, những gian nhà bằng đá cẩm thạch trôi trên những chiếc hồ bên dưới mặt trăng tròn. Một hôm thứ Bảy, vì chẳng có việc gì để làm, cô đi dọc suốt con đường tới quảng trường Trung tâm, tới nhà hàng Ấn Độ và đặt một đĩa gà tiềm. Trong lúc ăn cô cố gắng ghi nhớ những cụm từ bên dưới tờ thực đơn, ví dụ như “ngon”, “nước”, và “xin mời hãy kiểm tra”. Cô không thể nào nhớ nổi những cụm từ đó và vậy là cô dừng lại ở một cửa hàng sách trên quảng trường Kenmore. Ở đó cô nghiên cứu bảng chữ cái tiếng Bănggan trong tập sách Hãy tự học. Cô cố phiên âm phần tiếng Ấn Độ trong tên cô – Mira – sang tiếng Băng gan vào cuốn sổ tay của mình. Tay cô chuyển động theo những hướng xa lạ, dừng lại và quay rồi bất ngờ cầm chiếc bút lên khi cô ít ngờ tới nhất. Theo những dấu mũi tên trong cuốn sách, cô vẽ một đường gạch từ trái sang phải từ điểm có những chữ cái, hình kia trông giống như một hình tam giác. Cô phải cố vài lần để viết được những chữ cái tên cô giống như những chữ mẫu trong cuốn sách, thậm chí khi đó cô cũng không dám chắc cô viết chữ “Mira” hay “Mara”. Đối với cô, nó chỉ là những dòng nguệch ngoạc nhưng cô kinh hoàng nhận ra rằng, ở một nơi nào đó trên thế giới, những chữ cái đó mang một ý nghĩa.


Trong tuần thì mọi việc không tồi tệ lắm. Công việc làm Miranda bận rộn, rồi cô và Laxmi bắt đầu đi ăn trưa cùng nhau ở một nhà hàng Ấn Độ mới ở góc phố. Trong suốt bữa ăn Laxmi thông báo tin tức mới nhất về tình trạng cuộc hôn nhân của cô chị họ. Thỉnh thoảng Miranda cố gắng thay đổi đề tài; cảm giác trong lòng cô khi đó giống như khi cô còn học cao đẳng, lần cô và bạn trai chuồn khỏi hiệu bánh kếp đông người mà không trả tiền ăn, chỉ đơn giản để xem liệu họ có thoát được không. Nhưng Laxmi chẳng nói chuyện gì khác.

-   Nếu mình mà là chị ấy thì mình sẽ bay ngay đến Luân Đôn và bắn chết cả hai, - một hôm Laxmi tuyên bố. Cô ta bẻ một nửa miếng bánh và chấm vào tương ớt. Mình không hiểu sao chị ấy có thể chờ đợi như thế.

Miranda hiểu thế nào là chờ đợi. Tối tối cô ngồi bên chiếc bàn ăn, sơn lên móng tay một lớp sơn trong, ăn xalát ngay từ chiếc bát trộn, xem tivi và chờ đợi ngày Chủ nhật. Thứ Bảy là ngày tồi tệ nhất vì đến thứ Bảy thì Chủ nhật dường như không bao giờ đến. Một thứ Bảy, khi Dev gọi điện, lúc đó khuya lắm rồi, cô nghe tiếng cười và tiếng nói chuyện ở tầng dưới, nhiều người đến mức cô hỏi anh có phải anh đang ở phòng hòa nhạc. Nhưng hóa ra anh gọi từ ngôi nhà ở ngoại ô.

-   Anh nghe em không rõ lắm, - anh nói. – Nhà anh đang có khách. Em có nhớ anh không?
Cô nhìn vào màn hình tivi. Thật là một tình huống nực cười vì cô đã dùng điều khiển từ xa tắt tiếng tivi khi có chuông điện thoại. Cô mường tượng anh đang thì thầm vào chiếc điện thoại di động, trong một căn phòng ở trên tầng, một tay đặt lên nắm đấm cửa còn ngoài hành lang thì đầy khách.
-   Miranda, em có nhớ anh không? – anh lại hỏi.
Cô nói với anh là cô có nhớ.

Ngày hôm sau khi Dev đến, Miranda hỏi vợ anh trông thế nào. Khi hỏi cô rất hồi hộp và chờ anh hút hết điếu thuốc cuối cùng, dụi hẳn nó vào đĩa gạt tàn. Cô tự hỏi họ có cãi nhau không. Nhưng Dev không hề ngạc nhiên trước câu hỏi. Anh nói với cô trong lúc đặt mấy miếng cá hồi trắng lên chiếc bánh quy giòn rằng vợ anh trông giống như một nghệ sỹ ở Bombay tên là Madhuri Dixit.
Trong một giây, tim Miranda dường như ngừng đập. Nhưng không, cô con gái nhà ông bà Dixit tên khác cơ, một cái gì đó bắt đầu bằng chữ P. Dù sao cô cũng băn khoăn tự hỏi không biết người nghệ sỹ và cô gái nhà Dixit có họ hàng gì không. Cô ta giản dị, luôn tết tóc hai bên suốt những năm học cấp ba.

Mấy hôm sau Miranda đến một cửa hàng tạp phẩm Ấn Độ ở Quảng trường Trung tâm. Cô biết ở đó họ cho thuê cả băng. Cửa mở sau một hồi chuông dài. Đang giờ ăn tối và cô là khách hàng duy nhất. Trên màn hình tivi gắn vào góc cửa hàng là hình ảnh những người phụ nữ trong bộ quần áo dành cho hậu cung đang lắc mông trên bãi biển.

-   Tôi có thể giúp cô được gì? – người đàn ông đứng ở quầy thu tiền hỏi. Anh ta đang ăn bánh gối, chấm nó vào một thứ nước sốt màu nâu trong chiếc đĩa giấy. Bên dưới quầy kính ở ngang thắt lưng anh ta là một khay bánh gối khác cùng những chiếc bánh trông giống như những miếng kẹo mềm bọc ngoài bằng những chiếc lá xỉn màu có hình như những viên kim cương. Một khay khác đựng bánh ngọt trong nước hoa quả. – Cô muốn băng video à?

Miranda mở cuốn sổ, nơi cô viết “Mottery Dixit”. Cô nhìn những chồng băng video trên các giá đằng sau quầy hàng. Cô nhìn thấy những người phụ nữ mặc váy trễ xuống hông và những chiếc áo ngực thắt lại giống như khăn tay. Một số người dựa vào một bức tường đá, hay một cái cây. Họ rất xinh đẹp, giống như những người phụ nữ múa trên bãi biển. Mắt họ đánh phấn và mái tóc đen dài. Khi đó cô biết rằng Madhuri Dixit cũng xinh đẹp.

-   Chúng tôi có những băng phụ đề, thưa cô, - người đàn ông tiếp tục. Anh ta nhanh chóng lau những ngón tay vào áo sơ mi và chìa ra ba tựa đề.
-   Không! Cảm ơn anh, tôi không cần! – Miranda trả lời. Cô đi lang thang trong cửa hàng, xem các giá hàng đựng những túi, hộp không đề gì bên ngoài. Tủ lạnh đầy những túi bánh mỳ ổ dẹt và những loại rau quả cô không nhận ra. Vật duy nhất cô nhận ra là một hàng những túi Hot Mix mà Laxmi vẫn ăn. Cô nghĩ đến chuyện mua vài túi cho Laxmi, rồi lại lưỡng lự, nghĩ không biết giải thích thế nào về chuyện cô làm gì trong một cửa hàng tạp phẩm Ấn Độ.
-   Cay lắm đấy, - người đàn ông nói và lắc đầu, mắt anh ta lướt qua thân thể Miranda. - Đối với cô thì chúng quá cay đấy.


Đến tận tháng Hai anh chồng chị họ Laxmi vẫn chưa tỉnh lại. Anh ta đã quay về Montreal, cãi nhau kịch liệt với vợ trong hai tuần, sắp xếp hai vali và lại bay về Luân Đôn. Anh ta muốn ly dị.
Miranda ngồi trong ngăn của mình nghe Laxmi nói với chị họ rằng trên thế gian này còn đầy những người đàn ông tốt đẹp hơn nhiều. Ngày hôm sau cô chị họ nói rằng cô ta và cậu con trai sắp về nhà cha mẹ ở California để cố gắng lấy lại sức khỏe và tinh thần. Laxmi thuyết phục cô chị họ thu xếp đến nghỉ cuối tuần ở Boston.

-         Thay đổi chỗ ở sẽ làm chị thấy khá hơn, - Laxmi nhẹ nhàng thuyết phục. – Hơn nữa, hàng năm rồi em chẳng gặp chị.

Miranda nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của mình, ước ao giá Dev gọi đến. Đã bốn hôm kể từ khi họ nói chuyện với nhau lần cuối cùng. Cô nghe thấy Laxmi bấm máy tổng đài chỉ dẫn và hỏi số điện thoại một thẩm mỹ viện. “Một chỗ nào dễ chịu ấy,” - Laxmi yêu cầu. Cô ta đặt lịch đi matxa, đắp mặt nạ, sửa móng chân móng tay. Rồi cô ta đặt chỗ ở nhà hàng Bốn mùa. Trong lúc cố gắng làm bà chị họ vui vẻ, Laxmi hoàn toàn quên mất cậu bé. Cô ta gõ những đốt ngón tay lên bức tường gỗ dán.
-   Thứ Bảy cậu có bận không?
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét