26 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ (Tiếp)

Nhà bác Quang ngày đó ở dãy nhà K16, khu tập thể Trương Định. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ, rộng có lẽ chỉ 10m2, nằm trên tầng 2 của dãy nhà lắp ghép hai tầng. Những tấm gỗ cầu thang ọp ẹp dẫn xuống một gian bé tý xíu lợp giấy dầu làm chỗ đi vệ sinh, tắm rửa. Và ở bên ngách là một phòng cơi nới, rộng chỉ vài m2. Anh Lân và bác ở gian phòng cơi nới bên dưới, mình được ưu tiên ở gian phòng tử tế trên tầng 2.

Từ nhà bác Quang có hai cách để đi vào trường mình. Cách thứ nhất là đi ra đường Trương Định, rẽ sang đường Đại La, sau đó đi tiếp hết đường Trường chinh, hay còn gọi là đường Tàu bay, rồi vào đường Láng - ngày đó còn đầy những mảnh ruộng trồng rau húng - hết đường Láng thì đi vào đường Cầu giấy và cuối con đường đó là trường mình. Có thể đi tắt một đoạn, đó là từ khu tập thể Trương Định đi qua cây cầu khỉ sang đường Giải phóng, ngược lên ngã tư Vọng rồi từ đó vào đường Tàu bay. Nếu đi tắt thì gần được hơn 1km, có lẽ thế. Đấy là đoạn đường mình đã đi học suốt cả năm học lớp 12. Nghĩ lại, mình không thể hình dung nổi. Đoạn đường dài tới 13-14km. Ngày nào anh Lân cũng dậy rất sớm nấu cơm để mình và anh cho vào cặp lồng mang đi học, đi làm – em đi vào tận Cầu Giấy, anh thì xuống Văn Điển. Món ăn thường xuyên của hai anh em là lạc rang muối, mà hai anh em hay gọi đùa là chả lăn, cộng thêm một món rau nào đó, mùa đông thường xuyên là bắp cải xào. Chắc anh Lân dậy từ 4.30, vì mình phải đi học rất sớm, ngày nào cũng phải ra khỏi nhà trước 6h sáng, hôm nào trực nhật chắc còn sớm hơn nữa. Mình còn nhớ vào những ngày mùa đông mình đạp xe đến tận Ngã tư Sở trời mới tờ mờ sáng. Một thời gian sau khi ra ở ngoại trú thì mình kết bạn với H.Th., cô bạn bây giờ đã là một sếp lớn của ngành ngân hàng. Mình và H.Th ngày nào cũng chờ nhau ở chỗ cống Mọc và hai đứa vừa đạp xe song song vừa ôn bài với nhau suốt đoạn đường còn lại.

Buổi trưa, cùng một vài đứa bạn cũng ở ngoại trú như vậy tụi mình lôi cặp lồng cơm lạnh ngắt ra ăn. Bây giờ thì nuốt không nổi nhưng ngày đó chả kêu ca gì, thậm chí bọn ở nội trú nhiều khi còn xin vài hạt lạc của tụi mình, nắc nỏm khen ngon nữa. Câu chuyện thỉnh thoảng mình và anh Lân hay kể lại cùng nhau là một hôm anh Lân mang trứng đi ăn, anh đồng nghiệp cùng phòng xuýt xoa, hẳn một quả trứng cơ à, sang thế 😊

Dù căn phòng nhỏ như vậy, từ thời cô Huệ đã trồng một giàn thiên lý và khi anh Lân tiếp quản ngôi nhà thì giàn hoa vẫn còn đó. Mình còn nhớ những buổi chiều đầm ấm, hai anh em hái hoa thiên lý, thậm chí khi chưa có hoa thì còn hái cả những chiếc lá non để nấu canh. Và từ nhà bên văng vẳng vọng sang câu hát, Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Anh Lân khi đó đã đi làm nhưng vẫn chăm chỉ học lắm, tối tối phóng xe đi học thêm tiếng Anh. Rồi có hôm còn khoe với mình anh dịch mấy câu thơ tiếng Anh này, lâu quá mình chả còn nhớ gì, nhưng nhớ là mấy câu thơ về cây thông. Việc học hành như vậy về sau giúp anh Lân có khá nhiều cơ hội xin các khóa học bổng ngắn hạn và công việc cũng rất tốt.

Lên lớp 12 bọn bạn cùng lớp học thêm như điên. Bọn ở ngoại trú càng đồn thổi thầy cô này kia dạy hay, đua nhau đi luyện. Mình học thêm rất ít, duy nhất mỗi môn văn, vẫn là của cô Th. Những hôm phải học thêm mình về rất muộn. Đường Láng ngày đó hình như còn chưa có điện đường, bọn mình, thường chỉ có 2 đứa con gái, cắm cúi đạp xe qua cả đoạn đường dài khá tối với những cây xà cừ to đùng, tỏa bóng đầy hăm họa.

Mình không còn nhớ nhiều về những tháng ngày ôn thi đó, chỉ nhớ mình miệt mài ôn luyện Toán theo 2 cuốn bộ đề mà hình như năm đó mới ra. Mình cũng không thức đêm hôm nhiều, trong khi một cô bạn cùng lớp tên là H. thường kể về chuyện bạn ấy thức đêm thức hôm thế nào, rồi kiệt sức và nhắm mắt ngủ toàn thấy quan tài bay lơ lửng. Bọn khác bảo, con H. toàn bốc phét. Của đáng tội, H. thi đại học điểm hoàn toàn toàn bình thường.  

Đến ngày thi, anh Thanh (anh của anh Lân), xung phong đưa mình đi thi để mình đỡ mệt. Anh mượn được một chiếc Babeta – mà ngày đấy nhà mình gọi đùa là Ba bét nhè – chở mình đi trong 2 ngày thi.
Kết thúc một năm học gian truân, ngày nào cũng đạp xe gần 30km dưới trời lạnh khi mùa đông, nóng lúc mùa hè, không kể những hôm mưa to gió lớn chỉ có mảnh áo mưa buộc túm lại. Và cứ tự giác học hành như điên. Bố mẹ ở xa, nào có ai hỏi chuyện bài vở mình bao giờ. Mà nghĩ lại, ngày đó mình chả mảy may nghĩ mình vất vả, cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên học như một lẽ thường vậy thôi.

Mình đã được đền đáp xứng đáng. 10 điểm Toán (Khóa thi năm đó của trường ĐHSPNN chỉ có 2 điểm 10 Toán), 7 điểm Văn và 8 điểm tiếng Nga. Tiếng Nga thì hơi tệ, học chuyên mà được có 8 điểm, trong khi đó điểm tiếng Nga tính hệ số 2. Nhưng dù sao đó cũng là một thành tích tốt. Mình được 33/40, đứng khá cao trong bảng điểm của trường và được đi Nga học. Ngày đó chưa dùng chữ “được học bổng”. Được đi học mang nghĩa được nhà nước đài thọ hoàn toàn mọi chi phí đi học.

Kết thúc những năm tháng chuyên ngữ với biết bao kỷ niệm. Bây giờ con trai thỉnh thoảng cười cười trêu, ngày xưa mẹ được 10 điểm Toán thi đại học, thế bây giờ mẹ còn nhớ gì không. Những lúc như vậy mình bảo cậu, mẹ không nhớ rất nhiều điều trong Toán, nhưng mẹ tin những bài học ngày đó đã cho mẹ cách tư duy để mẹ học tiếp về sau, đã giúp mẹ trở thành con người như ngày hôm nay.

Dù đã phải sống cuộc sống hoàn toàn tự lập, xa bố mẹ từ năm 14 tuổi. Dù đã đói ăn, vất vả biết bao nhiêu, giờ đây, mỗi khi nhớ về quãng thời gian chuyên ngữ, trong mình chỉ còn lại những kỷ niệm ấm áp. Và chuyên ngữ chính là nấc thang để giúp mình đi tiếp những bước về sau. Nếu không học chuyên ngữ, nhiều khả năng mình cũng giống các chị, ở lại Sapa, lấy chồng Sapa, được bố mẹ đẻ/bố mẹ chồng cho miếng đất và nhiều khả năng giờ cũng giàu lên vì đất. Dù thế, mình rất thật lòng mấy lần bảo mẹ, nếu con ở lại Sapa, làm bà chủ khách sạn và có trăm tỷ thì con cũng không đánh đổi cuộc sống của con bây giờ dù con chỉ có ít tiền.


Tạm biệt chuyên ngữ. Mình đang vô cùng náo nức trước cả một tương lai rộng mở. Nhưng trước mắt sẽ là một năm học dự bị ở Thanh Xuân, nơi mình đã gặp người bạn trai đầu tiên với những kỷ niệm vừa ngọt ngào, vừa đau đớn. Và đó cũng là nơi mình gặp người không phải là bạn trai ngày nào nhưng để lại những ký ức không thể quên. Có phải vì nơi đó tên là Thanh Xuân mà nó đã lưu giữ của mình nhiều kỷ niệm đến vậy, để mỗi khi nhớ lại, lòng chẳng thể nguôi yên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét