31 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THANH XUÂN


Với số điểm thi đại học tương đối khá, mình là 1 trong số 7 sinh viên năm đó của trường ĐHSP NN được gửi đi học nước ngoài, tất cả đều là đi Nga. Với gia đình nhà mình, đó là một niềm vui vô cùng lớn. Chủ nghĩa lý lịch đã vào hồi thoái trào chứ nếu còn nặng nề thì chắc cũng chẳng đến lượt mình. Hôm nhận giấy báo cả đêm bố không ngủ được. Bố đi ra đi vào, mừng đến phát khóc vì đã có đứa con giờ sẽ học thay cho bố, “đi máy bay thay cho bố mẹ”.

Đầu năm 89, trong khi đám bạn nhập học vào Khoa Anh và Khoa Nga thì mình nhập học bên Khoa lưu học sinh của trường ĐH NN, ngày đó bọn mình gọi đơn giản là Thanh Xuân. Khoa Lưu học sinh năm đó có hơn 400 học sinh, quá nửa học tiếng Nga để đi Nga, số còn lại sẽ đi các nước Hung, Bun, Đức, Tiệp… Đám thi đại học bằng khối C và D được chia vào học ở 3 lớp – C1, C2, C3, trong khi đám thi đại học bằng khối A được chia vào các lớp A. Khoa Lưu học sinh thực sự là nơi tập hợp những sinh viên ưu tú nhất trong mọi lĩnh vực, từ học thuật đến nghệ thuật và mình đã được biết những người thật giỏi giang. Lớp C1 của chúng mình là một tập hợp những người sẽ học các ngành rất đa dạng – ngôn ngữ, quân sự, mỹ thuật, luật… Một số đứa tụi mình học chuyên Nga đã 3 năm thì việc học tiếng Nga ở khoa dự bị giống như một trò thư giãn, chả khó khăn gì. Trong khi đó những người thi đại học bằng khối C, giờ mới bắt đầu học tiếng Nga thì thật vất vả. Không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ cũng có nghĩa không được đi học nên ai cũng phải cố gắng hết sức. Dù tiếng Nga đã khá hơn rất nhiều so với các bạn trong lớp, mình vẫn là đứa chăm chỉ. Ngày ngày miệt mài học và tối lại lên thư viện. Lớp học bọn mình trên tầng 3 ở tòa nhà D2. Khoảng sân trước tòa nhà đó trồng rất nhiều cây trúc đào, trong bức ảnh chụp cả lớp ngày đó, mình mặc chiếc áo màu xanh có những chấm nhạt và chiếc quần màu trắng, tóc xõa ngang vai. Mình và Th., cô bạn ngồi cùng bàn đã có màn trao đổi thơ với một người nào đó, nhiều khả năng một chàng sinh viên, suốt một thời gian dài. Bọn mình để lại một đôi câu thơ, và người kia họa lại. Chẳng cố tìm hiểu đó là ai, trò chơi dấu mặt đó kéo dài một thời gian. Cô bạn mình ngày đó khá thân thiết, mình hay lên phòng bạn chơi, một chiếc phòng xép chỉ 2 người chứ không phải phòng tập thể 12 người như bọn mình, giờ bạn ở phương nao? Nhớ một buổi chiều nào đó, từ ô cửa sổ bé xíu phòng bạn mình cố dõi theo một bóng dáng thân quen đi dưới bóng những cây xà cừ to trên con đường ra cổng.

Anh Ch., người đã cùng mình, anh D. và bạn L. lên thư viện học cùng nhau biết bao buổi tối, giờ ở một phương trời xa tít và thật may bọn mình vẫn giữ được những kỷ niệm trong sáng vô cùng đẹp đẽ của cái tuổi đôi mươi đấy. Mình sẽ chẳng thể nào quên một ngày mùa đông 89-90 ấy, anh chở mình bằng xe đạp suốt đoạn đường đi chùa Thầy. Đêm Giáng sinh, cả đám rất đông bọn mình cùng nhau đi nhà thờ Phùng Khoang, dự hết cả lễ nửa đêm mới về. Và buổi liên hoan Giáng sinh làm mình cứ ngơ ngẩn mãi với món quà của một bạn phòng 418.  

Cuối năm đó bọn mình có một kỳ thi quan trọng. Mặc dù khi thi đại học thường dân khối Đ thi Sư phạm hoặc ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nga, kỳ thi này cho phép bọn mình được chọn lại ngành. Những ngành năm đó đưa ra là tiếng Ả rập, tiếng Indonexia, Đông phương học và tiếng Nga và ngôn ngữ văn học Nga. Bọn mình miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi đó. Điểm của mình tốt, 19 điểm/2 môn, cộng thêm điểm ưu tiên mình được 20.5, chỉ đứng sau mỗi cô bạn H. được 21 điểm. Thuộc diện được chọn ngành trước, mình cân nhắc rất nhiều giữa học tiếng Ả rập, Indonexia hay Đông phương học, cuối cùng mình chọn học tiếng Ả rập, với tư duy vô cùng đơn giản – thứ gì hiếm thì quý – mà ngày đó những người Việt học tiếng Ả rập quả thực đếm trên đầu ngón tay.

Một năm học Thanh xuân trôi qua rất mau, với biết bao kỷ niệm. Có lẽ đây là năm học với nhiều những kỷ niệm ngọt ngào nhất cuộc đời mình. Việc học khá nhẹ nhàng, và mình biết thêm khá nhiều bạn mới, bao gồm cả một số các fan hâm mộ mà giờ nghĩ lại vẫn xao xuyến với những điều ngọt ngào nho nhỏ dù rằng mình chưa có người bạn trai nào theo đúng nghĩa suốt cả năm học đó. Hay vì mình chưa có bạn trai nên cuộc sống của mình mới nhiều màu sắc như vậy?

Tạm biệt Thanh xuân, tạm biệt một năm đầy kỷ niệm, những kỷ niệm của một thời thanh xuân, như sương, như khói. Nhiều khi tưởng như đã quên, nhưng thật ra những kỷ niệm đó chỉ nằm ở một nơi thật sâu trong lòng, chờ thời điểm thích hợp để bỗng dưng ùa về, như mình đã có một “"chiều nao thấy hoa cười". Và chiều nay, một chiều cuối cùng của năm, sao bỗng dưng nhớ đến thế những ngày tuổi xuân, những người bạn, những kỷ niệm tuổi xanh!


Tạm biệt một năm êm đềm, đẹp đẽ đến vậy, mình nào có thể hình dung cuộc sống đang dành cho mình vô vàn những bất ngờ, khó khăn ở phía trước. Nhưng trước mắt là hơn hai tháng hè đầm ấm với gia đình, trước khi cuộc sống quăng mình vào một nước Nga trong cơn khủng hoảng, và cơn trọng bệnh của bố mà mẹ đã phải gồng mình đến thế nào để chèo chống gia đình vượt qua!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét