19 tháng 11 2015

20/11 BẬN RỘN CỦA CÚN

Như mọi bé gái chu đáo khác, cún luôn nhớ nhắc Mum và Dad chuẩn bị quà cho cô giáo mỗi dịp lễ Tết. Lớn hơn một chút thì cún chủ động chuẩn bị quà. Con gái chu đáo lắm, lần nào đi đâu chơi cũng nhớ mua quà cho nhóm bạn thân và cả cô giáo chứ chả riêng ngày lễ tết. Chả thế mà ngay buổi đầu tiên nhận cô chủ nhiệm của năm nay, con tặng quà mua từ Sapa cho cô rồi tự giới thiệu, chắc cô hơi choáng.

Ngày 20/10 con chỉ tặng quà mỗi cô Phương, cô giáo chủ nhiệm mà con yêu quý đặc biệt. Nhưng ngay khi đó con đã nghĩ đến món quà tiếp theo dành cho cô Phương vào ngày 20/11 là gì. Con hỏi ý kiến mẹ về các món quà. Con thích tặng thầy cô sách mẹ dịch lắm nhưng mẹ nói tặng sách không dễ do mỗi người có một gu đọc khác nhau, rồi bây giờ ai cũng bận rộn, ít đọc sách. Cuối cùng con quyết định chỉ tặng thầy Toàn dạy vẽ sách thôi, vì con đã hỏi rồi, thầy bảo thầy thích đọc và cuốn sách là về một bức tranh. Hai cô khác thì con tặng túi thổ cẩm đựng đồ trang điểm và dầu gội đầu. Riêng cô Phương thì con tặng cô hộp kem mẹ nhờ mua ở Hàn mà mẹ vẫn để ở văn phòng. Sợ mẹ không nhớ đem về, con thậm chí còn gửi tin nhắn nhắc mẹ.
Bốn gói quà cho 4 thầy cô, rất chi là cẩn thận
Mẹ tin thầy Toàn sẽ happy với món quà con tặng. Con bảo vì thầy dạy môn phụ nên chỉ mỗi mình con tặng quà

Lời đề tặng cô Trang dạy Toán :)
Con mong đến ngày 20/11 lắm, từ cách đó mấy ngày đã xin tiền mẹ đi mua túi đựng quà, thiệp… Tính cẩn thận, con để ý từng chi tiết nhỏ. Cô Phương dạy tiếng Anh thì bưu thiếp phải có dòng chữ tiếng Anh, lời chúc con cũng cố gắng tự viết bằng tiếng Anh. Lời chúc cô Trang con viết bằng thơ hẳn hoi (anh Tôm bảo, Xì, thơ mới chả thẩn, chả vần gì cả J). Trên đường đón con về, con rên rỉ, con mong đến ngày 20/11 quá. Hôm thứ Tư, mới là ngày 18 con đã mang túi quà đi tặng thầy Toàn vì mỗi tuần thầy chỉ dạy các con vào hôm đó. Rồi thứ Năm mang 3 túi còn lại đi tặng các cô, sung sướng lắm í. Đến tận buổi tối ngày 19 con gái còn muốn mẹ chuẩn bị thêm một món quà nữa cho cô giáo dạy múa. Mẹ nói để sáng hôm sau mua hoa nhưng nàng không chịu, kêu hoa chóng héo. Vậy là 9 rưỡi tối bố còn phải chở con đi mua thêm một món quà nhỏ.

Anh Tôm khác hẳn em. Tất nhiên là chẳng mảy may nghĩ hay quan tâm đến ai. Mẹ chuẩn bị một món quà nhỏ. Em cún tự xin tiền đi mua túi, mua thiệp, thậm chí cả viết lời chúc hộ anh rồi dúi vào tay anh, bảo với mẹ nếu con không viết thì anh ấy sẽ chẳng viết gì đâu J.

Không chỉ bận rộn với các món quà, năm nay bạn cún còn trong nhóm múa, tiết mục đinh của trường đợt này. Nhớ lại ngày đầu tiên đưa con đi khai giảng lớp Một, nhìn các bạn nhỏ nhảy thật đẹp, mẹ thầm mong đó là con gái mình. Và giờ thì con cũng đi biểu diễn. Bận rộn với con suốt 3 ngày. Hôm đầu con và các bạn biểu diễn trong lễ kỷ niệm của Viện Khoa học giáo dục. Không được đến đó, mẹ nhờ bác người quen quay lại clip các con múa. Rồi hôm sau lại đưa con đến trường sớm, giúp mặc váy, trang điểm để biểu diễn trước toàn trường và ngày tiếp theo thì biểu diễn trong buổi lễ dành cho các thầy cô giáo. Con múa thật đẹp, lắc mình lắc hông rất điệu nghệ.


Thế là cún đã có một kỳ 20/11 hết sức bận rộn nhưng đầy niềm vui. Mẹ cũng bận rộn thêm nhiều vì con nhưng mẹ rất vui nhìn con ngày càng khôn lớn. Chắc chắn con đã học được nhiều điều, biết yêu thương, quan tâm đến người khác. Còn mẹ thì như được uống thêm bao thuốc bổ khi được nghe những lời khen mọi người dành cho con. Bác Thơ không quên trêu mẹ “Mát chưa”, hihi. Rất chi là mát J

Công chúa đáng yêu đây
Và tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt:


13 tháng 11 2015

LỚN LÊN BẠN CÚN LÀM NGHỀ GÌ?

Cún, cũng giống như mọi bạn khác, có nhiều ước mơ lắm. Và ước mơ của cún thay đổi thường xuyên. Một ngày nào đó không lâu sau khi học xong lớp Một, cún bảo mẹ, lớn lên con thích làm cô giáo trường thực nghiệm. Mẹ hỏi lý do, cún bảo, để con yêu thương các em, con tặng các em điểm 10 cho các em vui. Hỏi chuyện kỹ hơn mẹ mới tá hỏa được biết cô Y. một cô giáo trẻ trung xinh đẹp của trường con thường xuyên giật tóc, béo tai nếu các con viết chậm, xấu, hay tẩy xóa tùm lum. Thật là khủng khiếp! Dù vậy, mẹ cố gắng suy nghĩ tích cực rằng một cô giáo với hình ảnh xấu lại có thể có tác động tích cực đến trẻ con như vậy, là khiến trẻ mong muốn khi lớn lên không xấu như cô giáo J

Ước mơ làm cô giáo theo đuổi con một thời gian dài. Lớn thêm chút nữa, mùa hè con học xong lớp 2, sau chuyến đi chùa một tuần vào dịp hè ở Thái Lan thì con mở trường dạy hát. Con có vẻ là một cô giáo với phương pháp dạy tích cực lắm í, cho học trò tự chọn bài, tự học theo tốc độ mà trò cảm thấy là hợp lý, rồi đánh giá, kiểm tra, cho lên lớp, hihi, y như thật.

Dù vậy, cún vẫn hay mơ màng tới nhiều công việc khác nữa. Nàng thích vẽ, đã từng có triển lãm hẳn hoi, mơ tưởng bán vé vào cửa giá cao mà mẹ phải bảo, không, vào cửa thì tự do nhưng tranh bán đắt. Rồi nàng thích làm nghệ sỹ đàn, nhưng gần đây thì nàng phát biểu làm nghệ sỹ mệt lắm, mà kiếm tiền chả đơn giản gì (Chà chà, chắc nghe lỏm ma măng đây mà). Rồi nàng tập tành viết lách với tác phẩm đầu tay dự kiến tới 19 chương nhưng mãi mãi mới chỉ dừng ở chương số 5. 

Ước mơ làm nhà thiết kế thời trang cũng theo con rất lâu. Con và bạn Khánh Minh có tới mấy cuốn vở vẽ đủ mọi thứ nhưng nhiều nhất vẫn là các kiểu thời trang váy áo, đầu óc kinh doanh ra phết, rồi bên ngoài đề rõ “nhà thiết kế thời trang tương lai Thùy Dương và Khánh Minh”. Những cuốn vở như vậy được coi là cửa hàng của con, các con bán mọi thứ cho các bạn trong lớp, rất thú vị.
Một trong số các "cửa hàng" của bạn cún
Rất rất thích thiết kế váy cô dâu!
Và nhiều mặt hàng khác nữa :)
Thậm chí cả đàn, giá 30 lạng vàng, haha

Bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, nhiều hôm con theo chị T. đi bán hàng ở cửa hàng của Thaihabooks, hay những hôm có hội chợ sách con cũng theo chị đi. Tất nhiên chơi là chủ yếu nhưng cũng có lúc chị cho con thu ngân. Con thích ngồi máy bấm tính tiền lắm và ao ước lớn lên đi làm thu ngân. Mẹ thì gợi ý, thu ngân là công việc đơn giản, dễ làm, con nên gắng làm công việc khó hơn, quản lý chẳng hạn. Gần đây hơn, có hôm đèo con đi học về, con bảo con sẽ làm ở Thaihabooks, giải thích rõ với mẹ, không phải thu ngân, và đi dạy thêm đàn nữa J.

Những trò của con luôn thật thú vị. Tuần trước lớp con đi tham quan, mẹ bận đi công tác nên đề nghị bố thu xếp công việc để đi cùng con. Về nhà thấy con khoe ngay là con làm một clip phỏng vấn các bạn trong chuyến đi. Mẹ ngạc nhiên hỏi, cô Phương giao cho con à, con bảo, không con thích thế. Ôi trời, mẹ ngạc nhiên quá luôn. Xem clip thấy con rất chững chạc, giới thiệu đâu ra đấy, hỏi bạn này bạn nọ, câu hỏi ít bị trùng lặp, rồi xông vào hỏi cả Dad nữa. Và cả sáng kiến cầm chiếc quạt gấp lại làm micro J. Đến đoạn Khánh Minh bảo, tớ mệt quá rồi, cậu nhờ bạn khác đi làm mẹ và chị Bưởi cười bò. Con không quên tiết mục thông báo về thời tiết và dõng dạc “Thùy Dương, đài CEO”. Trời, hoành tráng quá con gái ạ! Còn kể cho mẹ nghe chuyện phải làm 3 lần mới xong clip nữa chứ. Lần đầu phải dừng vì sự cố, rồi lần thứ 2 thì khi phỏng vấn một bạn, bạn ấy bảo, ơ, vừa mới phỏng vấn rồi còn gì, thế là lại phải dừng, hihi.

Mẹ đi công tác về, con kể chuyện cô Phương muốn đi Sapa, ngay lập tức con kể cô nghe các cách đi lại để cô cân nhắc và được cô khen có đầu óc kinh doanh. Tối qua khi hai mẹ con đi nghe hòa nhạc thì con nói đến chuyện cần xin chữ ký mọi bạn trong lớp để biết đâu lúc lớn lên bạn ấy nổi tiếng. Rồi cần xin chữ ký mọi người nổi tiếng mà mình gặp nữa. Con đề nghị mẹ đầu tư cho con một cuốn sổ chỉ để xin chữ ký. Con sẽ mang theo trong mọi buổi đi nghe nhạc hay những sự kiện có thể gặp người nổi tiếng. Xị mặt một chút là con chẳng thể nào có được chữ ký của Bethoween và Mozart. Haha. Đến đây thì mẹ cũng bị thuyết phục là con có “tầm nhìn chiến lược” ra phết J

Mẹ mừng vì con tỏ ra là một đứa trẻ hết sức nhanh nhẹn, luôn đầy ắp các ý tưởng và biết nhìn vấn đề dưới các góc độ khác nhau. Lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và ngọt ngào nữa. Có lần trong cuốn vở con tự mô tả mình là “Happy child”. Mẹ cũng chỉ mong các con mãi mãi được như vậy. Con làm điều gì, nghề gì mẹ cũng ủng hộ, nhưng mẹ luôn nhắc, làm gì cũng phải cẩn thận và hết lòng. Cố lên con gái nhé. Cố gắng mang lại cho con một tuổi thơ tràn đầy niềm vui và khuyến khích con khám phá mọi khả năng của mình, mẹ tin rằng đó là điểm khởi đầu cho thành công của con sau này. Yêu con gái thật nhiều!

Sản phẩm của con gái đây, đáng yêu và chững chạc quá thôi.

09 tháng 11 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_BẮT ĐẦU TỰ LẬP VỚI CUỘC SỐNG Ở TRƯỜNG CHUYÊN NGỮ

Lớp chuyên ngữ tụi mình năm đó có 3 lớp, lớp C dành cho học sinh Hà Nội mà phần lớn là cô chiêu cậu ấm, lớp B dành cho học sinh đồng bằng từ Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hóa, đại để vậy. Còn lớp A chúng mình là lớp miền núi, ưu tiên cho khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc, mở ra mỗi một năm đó, chả thế mà bố bảo mình “sinh phùng thời” vì nếu đi học sớm hay muộn một năm đều không có cơ hội vào học lớp chuyên ngữ này.
Chuẩn bị cho mình vào cuộc sống tập thể, bố mẹ sắm sửa cho mình một chiếc hòm tôn hoa màu sáng có thể khóa lại được, một chiếc chăn bông, một chiếc màn. Tất nhiên thêm chiếc cặp đi học đã cũ. Ngày nhập trường chỉ có vậy. Bố chở mình vào trường, nhận phòng, nhận bạn.  
Dù đã xa nhà từ nhỏ, nhưng trước đó là ở cùng cô hồi lớp 1-2, rồi ở nhà anh chị hồi lớp 6-7, vậy nên cuộc sống hoàn toàn tự lập trong tập thể, đối với một đứa trẻ còi cọc lúc đó mới 14 tuổi chắc chắn không hề dễ dàng. Đi bộ cùng bố ra cổng trường, mình lủi thủi quay trở vào nội trú, nước mắt lã chã rơi. Nhưng đây mới chỉ là những ngày tháng tự lập đầu tiên. Mình làm sao có thể hình dung nổi rồi sau đây mình sẽ còn đi xa tới mức đến như thế nao.
Bọn con gái được chia thành 2 phòng nội trú, phòng mình là phòng 418 có 16 đứa con gái, chia nhau ở trên 8 chiếc giường tầng, còn phòng kia là 518 có 14 đứa ở 7 giường tầng. Vài mống con trai hiếm hoi ở chung với bọn con trai lớp B. Mình ở tầng 1, còn cô bạn Thúy Mai mũm mĩm trắng trẻo ở tầng 2.
Bọn mình may mắn, khi nhập học thì khu nhà nội trú mới 5 tầng được đưa vào sử dụng nên không phải ở khu nhà lợp lá cấp 4 mà cứ thỉnh thoảng lại cháy do học sinh dùng đèn dầu rồi ngủ quên, làm đổ đèn hay những lý do hết sức vớ vẩn khác. Chuyên ngữ không đông, mỗi năm chỉ vài lớp mà trong số đó nhiều bạn nhà ở Hà Nội không ở nội trú, vậy nên tổng cộng chắc chỉ khoảng chục phòng, ở dồn lại một góc trên tầng 4 và 5. Theo thiết kế thì có phòng vệ sinh khép kín và nước được bơm lên phòng. Chỉ có điều trong thực tế thì bọn mình chưa từng được hưởng điều xa xỉ đó. Sắm sửa những đồ dùng thiết yếu cho đời sống, dần dần tụi mình mỗi đứa có thêm một chiếc xô đựng nước, một chiếc bếp dầu nhỏ và một chiếc nồi, ca đánh răng và một chiếc bát ăn. Xô nước thường được đặt trong phòng tắm khép kín vốn không thể được sử dụng theo đúng chức năng tắm rửa đã đành mà cũng chẳng thể đổ nước vì không có đường ống cống. Bếp dầu thì nhét gầm giường hoặc để ngoài hành lang. Vậy là mọi nhu cầu cần thiết bao gồm rửa tay, rửa rau, vo gạo (những khi cải thiện cuối tuần) và mọi thứ nước thải sinh hoạt nói chung và rác rưởi đều được xử lý một cách vô cùng đơn giản – hất toẹt qua ban công xuống phía sau tòa nhà. Nghĩ lại mình vẫn còn rùng mình với cảnh rác rưởi ở mặt sau ngôi nhà ký túc xá và như lại phảng phất cái mùi hôi thối khủng khiếp ấy. Chẳng hiểu các anh chị khoa Nga, những người không may phải ở tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà sống sót như thế nào qua mấy năm tập thể đó, liệu bây giờ, khi khoa Nga kỷ niệm 60 năm rầm rộ, có ai nhắc lại bức họa theo trường phái tự nhiên rùng rợn ấy không nhỉ.  
Học sinh chuyên ngữ ngày đó được bao cấp hoàn toàn. Không những không đóng bất cứ đồng tiền học phí nào, bọn mình còn được nuôi ăn ở miễn phí. Bữa sáng chúng mình tự túc. Thường sẽ có mấy cô mang bánh mì, khoai lang luộc, xôi, sắn, đại để vậy lên bán ở hành lang ký túc xá. Bố mẹ cho mình tiền đủ để ăn sáng – tương đương một chiếc bánh mì mỗi ngày, tất nhiên vào cái thời xa xưa ấy tụi mình chẳng có khái niệm kẹp bất cứ thứ gì. Hai bữa trưa và tối tụi mình ăn tập thể với tiêu chuẩn 15kg gạo/tháng. Học bổng mình chả còn nhớ là bao nhiêu, được chuyển thành thức ăn và vào các dịp lễ tết còn được chia quà nữa, hộp mứt, bánh pháo, gói đường, đại để vậy.
Lớp chia thành các mâm, mỗi mâm 5-6 suất rủ nhau ăn chung. Khi xuống nhà ăn sẽ chìa phiếu và được phát một nồi cơm, bên trên có ít thức ăn, có thể là vài miếng thịt thái mỏng dính mà giờ mình phải cố gắng lắm mới thái được như vậy, rồi một nồi rau lõng bõng, thuật ngữ chuyên môn gọi là “canh toàn quốc” với nghĩa “quốc” tức là “nước”. Đã có lần tụi mình thấy cả lăng quăng bơi lội trong canh mà mọi người nói do nhà bếp nấu ít nước cho nhanh và đỡ tốn củi, rồi sau đó cho thêm nước lã vào nên có loăng quăng. Rồi lần khác thì thấy các nhóm tranh nhau nồi canh, làm đổ cả vào đầu nhau J. Rất hiếm hoi, năm đôi ba lần, khi có dịp kỷ niệm nào đó thì tụi mình cũng được ăn tươi một bữa, nhiều thịt hơn bình thường một chút. Cơm gạo hẩm, dù thế bọn ruồi cũng chẳng tha, nồi cơm nào không có sinh viên ngồi quây xung quanh ăn thì sẽ ngay lập tức được bọn ruồi ưu ái bu đen đặc hay ít nhất nhìn từ xa cũng chẳng khác gì nồi xôi đỗ đen.
Than ôi cái thời khốn khó. Đúng là chó cắn áo rách. Bọn mình, cái lũ còi cọc đi học xa nhà, vậy mà cũng có cái để các cô cấp dưỡng trông chờ cơ đấy. Nào là buổi sáng, buổi tối bán cho đám học trò chưa đến mức đói nhưng trường kỳ thèm thuồng đôi ba lạng khoai, sắn, chiếc bánh mì, sang hơn thì là tí xôi, bánh khúc. Rồi vào bữa trưa và bữa tối thì bọn mình mang bát cơm hẩm đi đổi lấy tý dưa muối để dễ nuốt trôi đôi bát cơm hơn.

Mình thuộc diện có nhiều họ hàng ở Hà Nội nên so với nhiều bạn là được chăm sóc tốt hơn. Cuối tuần mình có thể về nhà cô, bác ăn chực bữa cơm, và mỗi bữa báo cắt cơm thì dôi ra được 5 lạng gạo, cũng là cái để cuối tháng lấy ra, bán lại cho các cô cấp dưỡng và có thêm đôi đồng quà vặt. Rồi thỉnh thoảng anh Lân vào thăm mình, mang cho hộp muối vừng. Lâu lâu bố mẹ về, quà tiếp tế là lọ muối vừng, sườn rang. Rồi có khi được tiếp tế mì sợi cán loại ngon, bột trộn trứng hẳn hoi J. Tận bây giờ mình vẫn là đứa còi cọc nhất nhà và mỗi khi kể lại chuyện ngày xưa, chị Kiều hay bảo vì ngày xưa vào cái tuổi ăn tuổi lớn đó mình chẳng được ăn uống đầy đủ nên không lớn nổi. Hì hì, giá chị ấy mà biết là nhiều người ghen tỵ với cái dáng tận giờ vẫn thon gọn của mình lắm í J. Và nếu biết nguyên nhân như chị ấy nói thì có khi mọi người tình nguyện nhịn luôn từ ngày ấy đến giờ ấy chứ, kakaka.

05 tháng 11 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THI CHUYÊN TOÁN VÀ CHUYÊN NGỮ

Ở nhà anh chị ôn luyện một thời gian, hoàn toàn là tự học và anh chị hướng dẫn thêm chút ít, mình dự thi vào lớp chuyên Toán của tỉnh Hoàng Liên Sơn và cùng với Bảo Ngọc, con nhà cô Thu chú Thụ hàng xóm của anh chị đỗ đầu lớp chuyên toán đó. Quyết định chính thức của bố mẹ là mình sẽ học chuyên Toán.

Đồng thời, bố vẫn nộp hồ sơ vào chuyên ngữ cho mình. Kỳ thi chuyên Toán diễn ra sớm, vậy nên sau khi thi xong chuyên Toán bố tiếp tục đưa mình về Hà Nội ôn luyện để thi vào chuyên ngữ. Việc luyện thi vào chuyên ngữ rắc rối hơn. Chủ yếu là bọn mình phải tập làm quen với ngoại ngữ, học phát âm, học một số câu tiếng Anh, mình nhớ mang máng vậy. Bố gửi mình ở nhà một bác người quen sơ, nằm trong khu tập thể trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ngày đôi buổi tụi mình đi học thêm, rồi ở nhà lại miệt mài học bài, trong cái nóng mùa hè và căn phòng chật chội của bác ở khu tập thể tồi tàn. Lớp học tiếng Anh của tụi mình nằm trong làng cốm Vòng, mình chỉ còn nhớ chút ít cảnh cô giáo dạy tụi mình phát âm tiếng Anh, nhưng lại nhớ rất rõ việc con bé ngố rừng là mình không rời mắt khỏi bức ảnh hình con tàu, từ mỗi góc khác nhau lại tạo cảm giác khác nhau chút ít mà ngày đó chắc phải sang trọng lắm người ta mới có để trưng ra J. Những ngày thực sự là ăn nhờ ở đậu, buồn, nhớ nhà. Những buổi chiều nóng bức, mình và Bình, một cô bé ở nhờ khác hay cùng nhau đi dạo và ôn bài dọc theo con mương hay ngôi chùa giờ nằm trong khuôn viên trường Sư  Phạm Hà Nội.

Hình ảnh buổi thi chuyên ngữ đọng lại lờ mờ. Mình phải thi Toán, Văn, kiểm tra năng khiếu (đại để chỉ là khả năng phát âm) và kiểm tra sức khỏe. Bố, như mọi ông bố khác, đứng ngoài cổng trường chờ mình và chính là lần đó bố gặp lại một ông bạn học cùng trường Y từ ngày nảo ngày nào, giờ cũng đưa con từ Hà Giang xuống thi. Đến đoạn kiểm tra sức khỏe thì huyết áp mình hơi bị cao hay thấp, giờ mình không còn nhớ rõ. Chả hiểu ai xui khiến, nào mình đã bao giờ có vinh dự được kiểm tra sức khỏe, có hiểu gì về các chỉ số đâu nhưng cũng biết rằng có điều gì đó bất thường, thế nên mình nước mắt ngắn dài, xin xỏ rằng thì mình đang bị ốm, rồi xin đo nhiệt độ (hơi cao thật, không biết có phải do quá lo sợ không, mặc dù mình không mảy may ốm). Thế là cô khám sức khỏe thương tình, ghi cho mình một con số đẹp, mình đoán vậy, vì sau đó mình được báo đỗ, sức khỏe bình thường. Mai, cô bạn cũng từ lớp chuyên Toán, nhà cạnh nhà anh chị mình cũng bị huyết áp cao thấp chút xíu gì đó, bị ghi là không đủ điều kiện sức khỏe, về sau bố mẹ bạn ấy phải tốn công xin xỏ, lập lại hội đồng, đưa bạn ấy đi kiểm tra lại mới được nhập trường. Vì vụ này mà cô mình hay bảo mình khôn như chấy, kakaka. Nhưng quả thật huyết áp mình sau đó có bị cao thấp gì đâu.

Kỳ thi chuyên ngữ đã qua, kết quả thì còn lâu mới báo, vậy nên mình lại được đưa về Sapa ít ngày, rồi về Yên Bái để nhập học ở lớp chuyên Toán.

Nhà anh chị ở trong khu tập thể giáo viên, có ba đứa con, một trai đầu kém mình hai tuổi và 2 con gái sau. Anh chị cũng được anh Túc chị Hồng truyền cho nghề làm lạc rang, vậy nên mình cũng phụ giúp anh chị lúc này lúc khác trong việc làm thêm. Rồi giúp anh chị cơm nước và việc vặt trong nhà. Nhà có một khoảnh vườn nhỏ, chị chăm rau tốt lắm, mùng tơi, rau muống, rau đay, mướp. Mình rất thích việc hái rau. Và cũng như mọi nhà, chị nuôi một con lợn, chăm nom chắc chả kém bất cứ đứa trẻ nào trong nhà J.

Từ nhà sang trường chỉ ba bước chân, và mình học ở đó vẻn vẹn có một tháng nên hầu như chả còn nhớ gì bạn bè. Mình chỉ còn nhớ chi tiết mà mãi về sau, Minh Hạnh, cô bạn cũng từ trường đó chuyển về chuyên ngữ kể, rằng lớp Minh Hạnh rủ nhau sang lớp mình xem mặt bạn gái đỗ điểm cao trong kỳ thi vào chuyên Toán. Kaka, vinh dự kinh!


Sau khoảng một tháng, mình nhận được giấy báo đỗ chuyên ngữ. Chả vẻ vang gì, 9/20. Đỗ chẳng qua là do người ta ưu tiên khu vực miền núi. Tuy vậy, so với lớp miền núi 38 bạn của mình thì hình như điểm vậy là cũng không tệ. Bố mẹ mừng lắm, quyết định cho mình đi học chuyên ngữ, bắt đầu những năm tháng tự lập tuyệt đối, ở tập thể cùng một lũ lít nhít khác.

Mình được phân học tiếng Nga ngày đó đang là thứ tiếng thời thượng, bố vui sướng bảo, cả đời bố mẹ chưa được đi máy bay, con học tiếng Nga thể nào cũng được đi Nga chỉnh tiếng mấy tháng, con đi [máy bay] thay cho bố mẹ. Chao ôi, ước mơ giản dị biết bao nhiêu của bố mình. Viết những dòng này, mắt mình cay xè khi nhớ lại cái thời khốn khó đó, bố đi đôi dép lê, đèo mình trên chiếc xe cà tàng từ nhà cô mình ở khu tập thể Trương Định vào tận Cầu Giấy, rất nhiều lượt, cả những ngày đi mua hồ sơ, đưa đón mình đi thi, và cả sau này nữa, khi mình đã học ở đó, thỉnh thoảng bố mẹ xuống thăm. Ước mơ nhỏ nhoi đến như vậy, bố mình làm sao hình dung được chính ông bà về sau cũng đi khắp nơi, hết trong nước rồi đến cả những nơi xa xôi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Malaysia, Singapore hay sang tận Úc thăm chú mình giờ đã định cư bên đó, trong khi vào những năm tám mươi khốn khó vô cùng ấy chú vẫn sống ở Việt Nam.

Nào, lại bắt đầu một cuộc sống mới với biết bao kỷ niệm, với cả những rung động đầu tiên của tuổi học trò. Chắc chắn có rất nhiều niềm vui, cả những nỗi buồn, nhưng giờ đây, sau bao năm, mỗi khi nhớ lại mình chỉ nhớ toàn niềm vui và hay tự cười tủm tỉm một mình với những ký ức ngọt ngào dễ thương của tuổi học trò ngày nào.

02 tháng 11 2015

ẤN TƯỢNG BẮC KINH_04_TỬ CẤM THÀNH

Ông bà nhà mình đi Côn Minh chơi năm 2004, về các cụ nức nở khen. Năm sau các cụ đi tour Bắc Kinh-Thượng Hải và về mẹ mình bảo, Côn Minh đã hay nhưng chưa là gì so với Bắc Kinh. Mẹ mình say sưa kể về Tử Cấm Thành với 9999 gian, những cung điện xa hoa, lộng lẫy. Vậy nên với mình và có lẽ là mọi khách khác, Tử Cấm Thành là một điểm must-go. Nghe một bạn ở Đại sứ quán nói vé vào Tử Cấm Thành không bán tự do và tặng cho mình đôi giấy mời, mình mừng húm. Khách sạn tụi mình ở chỉ cách quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành có 3km, tụi mình ra khỏi nhà lúc hơn 8h sáng chút, lên kế hoạch đi chơi ở đó đến khoảng 2h chiều rồi nếu kịp sẽ lang thang qua Thiên đàn. Cứ tưởng sẽ kịp đến Tử Cấm Thành khi mới mở cửa lúc 8.30, nào ngờ có vài km mà tụi mình mất tới hơn nửa tiếng. Vừa rẽ vào con đường [chắc là] dẫn đến cổng vào Tử Cấm Thành mình thấy một đám đông đang xếp hàng. Chả hiểu xếp hàng đi đâu, vì nào mình đã nhìn thấy gì, chỉ thấy đằng xa là bức tường giống như trong ảnh chụp, rồi quảng trường Thiên An Môn. Bọn mình đoán cửa kiểm tra nên cũng xông vào xếp. Với bọn Tàu thì chứng minh thư bị soi rất kỹ, nhưng bọn mình chìa hộ chiếu thì được đi qua nhanh hơn. Đi thêm một đoạn nữa lại thấy một đám đông xếp hàng dài dằng dặc, mấy hàng liền, đông nghìn nghịt, tụi mình đoán phải xếp tiếp nên cũng xông vào, tay lăm lăm cầm hộ chiếu. Không thể hỏi ai bất cứ thông tin gì, tụi mình cứ kiên nhẫn chờ hàng nhích lên rất chậm. Một hồi thấy loa thông báo gì đó rồi một phần lớn tản đi nhưng tụi mình vì thấy có người còn đứng nên vẫn đứng lại. Khoảng 40’ xếp hàng như vậy thì hai vợ chồng tiến đến được cửa. Hóa ra là kiểm tra an ninh lần nữa. Rất cẩn thận. Qua được cửa kiểm tra an ninh lần hai thì tụi mình thở phào vì đã lọt được vào khu vực Thiên An Môn lúc 10h sáng. Một hồi đi theo dòng người lúc này đã đông tương đối, tụi mình tiến vào phía trong. Hóa ra vé bán tận phía trong này. Lại kiểm tra vé và qua cửa kiểm tra an ninh một lần nữa thì tụi mình mới thực sự được lọt vào Tử Cấm Thành.
Hàng người đồng nghìn nghịt ở cửa kiểm tra an ninh thứ nhất
Mình không thể dùng từ nào để mô tả sự vĩ đại, hoành tráng của Tử Cấm Thành. Rộng mênh mông, hết điện này đến điện khác. Các điện lợp ngói lưu ly, rui mè trang trí họa tiết tinh xảo, cầu kỳ. Theo dọc trục chính, trước cửa các điện là những bậc thang đá trắng lộng lẫy, chạm trổ cầu kỳ. Ban đầu tụi mình đi theo trục chính, rồi sau rẽ vào khu trưng bày bảo vật bên tay phải, rồi đi ra theo đường hành lang phía bên trái. Rất thường xuyên cứ tưởng hết rồi, bước qua một cánh cửa lại thấy hiện ra những tòa điện mới. Lâu đài trùng trùng lớp lớp, không thể hình dung nổi quy mô đến đâu vì người ta mới chỉ mở cho công chúng xem khoảng 30% toàn bộ Tử Cấm thành. Lâu lâu mệt tụi mình dừng chân nghỉ một lát. Biết trước sẽ không thể được ăn trưa tử tế, mình mang theo nước, bim bim, bánh và hai quả táo to đùng. Tranh thủ lúc nghỉ chân cũng là lúc ăn trưa luôn. Lang thang suốt từ 10h sáng đến 2h chiều, đi bộ có lẽ cả gần chục km thì đôi chân mình đã rời ra. Trên đường quay ra, mà thực sự đã ra đến cổng, ông chồng thấy có chiếc xe bánh hơi chở sang một nơi đọc loáng thoáng là đài Thiên An Môn, hai vợ chồng sung sướng nghĩ đến chuyện đỡ phải đi bộ mà được ra tận quảng trường. Nhưng chiếc xe chỉ đi một đoạn rất ngắn. Tụi mình cố gắng đi thêm một đoạn mấy trăm mét nữa thì ra được gần cổng vào lúc sáng. Hóa ra có thêm một dịch vụ nữa là lên tận tầng 2 của điện Thiên An Môn, chỗ các vị lãnh tụ vẫn đứng duyệt diễu binh. Vé khoảng 43k tiền Việt. Mỗi tội lại phải kiểm tra túi rồi gửi túi và mới được lên. Rồi qua một cửa kiểm tra an ninh nữa mới được lên tháp!
Vòng cổng gần ngoài cùng của Tử Cấm Thành
Nơi từng là nhà hát
Từ một góc sân trong Tử Cấm Thành
Và từ một góc nhìn khác
Những bờ đá trắng lộng lẫy và uy nghi nơi sân rồng
Một con đường ở bên ngách, chỗ các tòa điện phía Tây
Mọi đường nét trang trí các điện đều vô cùng tinh tế
Không có cổng ra. Mình mặt méo xệch, lê lết đoạn đường có lẽ phải cả cây số để quay ngược lại chỗ cổng ra lúc trước. Có thể dễ dàng xuống bến tàu điện ngầm để về, chắc chỉ mất 10’ tàu điện ngầm, nhưng chân mình đau nhức sau cả đoạn đường dài đến vậy, thế là vui lòng trả cho chú tắc xi 50 tệ (175 k) sau khi mặc cả mãi vì chú ấy đòi tới 80 tệ cho đoạn đường có lẽ khoảng 3-4km.

Chân khập khiễng nhưng mình vẫn cố ngắm con đường, những ngôi nhà rất đẹp quanh cái hồ cạnh Tử Cấm Thành này. Đây là đoạn đường mình phải đi ngược lại từ đài Thiên An Môn về chỗ cửa ra :)
Mệt rã rời, mình thậm chí đi còn hơi khập khiễng, nhưng lòng vui sướng vô hạn. Thế là mình đã được đặt chân đến, tận mắt thấy những kỳ quan của thế giới. Hai bạn nhỏ chắc chưa thể đi được, các bạn ấy khó lòng mà chịu đựng được một ngày đi bộ khủng khiếp thế. Ừ, mà các con thì vội gì. Các con còn cả một cuộc đời tràn đầy niềm vui đang chờ đón. Nghĩ vậy, nhưng mẹ vẫn hình dung sẽ hạnh phúc biết bao nếu được cùng các con lang thang qua những địa danh tuyệt vời như thế này.
Buổi sáng cuối cùng ở lại Bắc Kinh mình lên lịch đi thăm Đền thờ Lama, một đền thờ của phái Mật tông Tây Tạng. Muốn giữ sức cho đôi chân nhưng cuối cùng vì chờ tắc xi lâu quá nên tụi mình đành xuống tàu điện ngầm. Thực ra việc đi bằng tàu điện ngầm khá đơn giản và thuận tiện, lại còn đảm bảo căn được giờ chứ không như tắc xi. Bến tàu điện đó cách khách sạn tụi mình có 5 ga, lại không phải đổi tàu. Tụi mình đến lúc đền mới mở cửa. Lang thang gần một tiếng qua các điện thờ, mình đã được chiêm ngưỡng bức tượng Phật rất hoành tráng, là tâm điểm của ngôi đền. Kiến trúc ngôi đền khá giống cung điện hôm trước, bởi nguyên thủy nó vốn là cung của một thái tử. Điểm khác là trong sân đền hay có cây, cây hồng lá rụng gần hết, quả lúc lỉu. Cây lựu nhỏ mà sai, những quả lựu đã già quá độ, nở bung, để lộ những hạt lựu căng mọng nước. Nhưng điều mình thích nhất là những bức tranh đường ca treo tại hầu như mỗi điện thờ. Những bức tranh thờ vô cùng tinh xảo, màu sắc độc đáo, khi vẽ người ta cần tuân thủ những quy định hết sức khắt khe của việc mô tả bằng hình tượng mà nếu không tuân thủ thì bức tranh sẽ không có giá trị tôn giáo. Những bức tranh mà mình mơ ước được ngắm thật kỹ kể từ khi dịch bộ phim nói về việc vẽ những bức họa thế này từ mấy năm trước.
Lang thang trên con phố mang đậm chất Tây Tạng chạy dài theo bờ tường của đền thờ, mùi hương, tiếng cầu kinh Om ba ni Bát ma hom văng vẳng làm một đứa ít chịu đi đền chùa như mình thấy đôi phần áy náy. Giá như những ngôi đền ở Việt Nam cũng ít bị thương mại hóa thế này thì có lẽ mình sẽ thường xuyên đi hơn. Nhưng mình tin Phật không trách mình, bố mẹ luôn dạy mình, Phật tại tâm mà.

Hơn một tuần ở Bắc Kinh, đến khi mình đã rất quen thuộc, biết ăn ở đâu, đi thế nào… thì cũng là lúc mình về rồi. Trong số các địa điểm nổi tiếng nhất mà sách hướng dẫn nào cũng nhắc đến chỉ còn mỗi Thiên đàn, ngõ phố cổ và khu phố nghệ thuật mình chưa đến được. Bên cạnh việc được thăm thú rất nhiều điểm hay ho, kỹ năng sống của mình nâng cao thấy rõ trong việc đi du lịch ở một nơi mà mình không giao tiếp bằng lời nói được. Và khỏe thêm một tý nữa chứ, do nhiều lúc phải uốn éo đủ kiểu chả khác gì tập thể dục bên cạnh việc dùng cả tứ chi để diễn tả điều mình muốn, kakaka.
Một nồi lẩu to với đĩa thịt bò Úc cũng to đại giá 42 tệ. Và vì chẳng biết gọi lẻ, ví dụ như một nồi, một đĩa thịt và 2 đĩa rau thế nào, tụi mình đành giơ 2 ngón tay ra hiệu 2 suất :)

Còn đây là cô con gái uống chè hoa cúc mẹ mang từ bển về, bảo uống chè này thì phải theo nghi thức trà đạo của Nhật Bản, dùng tay áo che mặt khi uống trà, kaka

01 tháng 11 2015

ẤN TƯỢNG BẮC KINH_03_ĐI TOUR Ở BẮC KINH

Với mọi điểm du lịch mình thích tự lang thang. Nhưng Vạn lý trường thành nằm xa quá, điểm phổ biến khách du lịch hay đến - Bát Đạt Lĩnh - cách thành phố khoảng 60km, rồi hôm trước lại nghe em ở Đại sứ quán nói khó mua vé, người ta giới hạn số lượng, cần gửi scan hộ chiếu trước mới mua được, nên mình hoảng quá vội vàng hỏi và mua tour ở khách sạn. Đương nhiên bị cứa cổ rồi, 380 tệ/người, tương đương khoảng 1.350.000, trong khi mấy khách Tây sau đó mình hỏi bảo họ chỉ phải trả có 230 tệ mua online. Tự an ủi rằng trả tiền ngu phí, hoặc tự coi mình là đẳng cấp cũng được, ở khách sạn 5 sao thì dịch vụ phải tương ứng chứ, chẹp chẹp. Được cái tour hôm đó mình đi đúng là cao cấp thật, mỗi hai vợ chồng mình và một gia đình Thụy Điển khác có 4 người.
Tour của mình bao gồm đi lăng mộ nhà Minh, thăm xưởng làm ngọc, Vạn lý trường thành, thăm cửa hàng chè. Trước khi đến được khu lăng mộ nhà Minh thì tụi mình đã bị mất tới 30’ trong cửa hàng chế tác đồ đồng rồi. Tất nhiên là các sản phẩm đều rất đẹp, một số thợ thủ công ngồi đó làm hàng. Và giá thì trên trời. Em hướng dẫn viên ra sức giải thích rằng đây là món hàng chỉ riêng Bắc Kinh mới có. Chẳng ai trong số bọn mình thiết tha gì. Mình hơi thiếu tế nhị, vừa ra đến xe đã bảo sao tao thấy giá ở đây trên trời thế, hôm qua tao vừa thấy lọ kem giống hệt (cửa hàng bán đồ đồng nhưng có một số ngăn bán nào kem, trang sức…) giá có 20 tệ mà sao ở đây những 90, rồi bình hoa hôm qua tao thấy trong Cung điện mùa hè cũng rẻ hơn nhiều, làm em ấy lúng túng, bảo tao không biết là ở đây cũng bán kem, còn đồ đồng ở đây là xịn, chỗ khác có thể là đồ giả. Hơ, trong cung điện cũng bán đồ giả à, giải thích nghe không ổn rồi. Mà nói chung thì mình đếch tin bọn này.
Một đôi bình rất đẹp trong cửa hàng, giá thì tất nhiên hàng trăm triệu
Đoạn đường tiếp theo đến khu lăng mộ rất đẹp, có đoạn cây bạch quả lá vẫn còn xanh hoặc đã bắt đầu ngả màu, có đoạn là hàng bạch dương cao vút, nhiều đoạn khác bên đường rất nhiều cây hồng lâu năm lá đã rụng gần hết, chỉ còn trơ lại cơ man là quả trên cây. Rồi bọn mình lướt qua những vườn táo đang vào mùa thu hoạch, cây nhỏ mà táo sai lúc lỉu, nhìn ngon mắt vô cùng.
Khu lăng mộ không gây cho mình ấn tượng gì đặc biệt trừ những cây cột phải nói là rất to, và cả những tấm gỗ miếng làm rui mè tít trên cao. Lang thang chừng hơn nửa tiếng thì tụi mình quay ra, náo nức chờ điểm đến tiếp theo – Vạn lý trường thành, mà bên này thường mọi người chỉ hay gọi là trường thành.
Lúc lang thang trong sân khu lăng mộ, mình có ít phút nói chuyện với em gái hướng dẫn viên chắc tầm ngoài 30. Luyên thuyên về việc google bị chặn, facebook bị chặn, youtube bị chặn, mình hỏi giới trẻ ở đây có biết điều gì đã xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 không. Em gái lạnh lùng, nothing happened. Mình biết ngay mình đụng vào điểm cấm rồi. Tự an ủi rằng ở Việt Nam ít nhất tụi mình cũng được google thoải mái thông tin.
Trước cổng chính vào khu lăng mộ
Những chiếc lá sồi đã ngả màu đồng
Sau bữa trưa rất ít ấn tượng, tụi mình nghỉ ít phút và lên đường ngay. Trường thành nằm không xa khu mộ nhà Minh, vậy nên chỉ 1h tụi mình đã đến nơi. Bạn hướng dẫn viên không leo, sau khi giới thiệu vài phút thì bảo tụi mình tự leo và hẹn gặp nhau sau 1 tiếng rưỡi. Mình hăm hở leo trèo, trong lòng vui sướng vô hạn. Cuộc đời đã thay đổi biết bao từ thời bố mẹ mình cho đến chúng mình. Trước kia đối với mình đây là những địa danh trong mơ, nhưng giờ thì mình hoàn toàn có thể tự cho phép bản thân và gia đình lâu lâu có được những trải nghiệm kiểu này. Đoạn thành không rộng lắm với những bậc đá dốc ngược (nhiều những đoạn khác khá rộng, tới 6m và bằng phẳng, tùy thuộc vào địa hình núi nơi đó), do núi ở đó rất dốc. Mình cố leo lên trạm canh thứ 2, thực ra tổng cộng chỉ có hơn 300 bậc nhưng với nhiều những bậc đá cao tới gần 40 cm thì việc leo trèo không dễ dàng. Dù sao mình cũng lên đến nơi mà chỉ mất có 20’. Lang thang chụp ảnh chán chê, tụi mình mất thêm 10’ xuống núi không mảy may vất vả nhưng đôi chân thì giữ nguyên cảm giác hơi bủn rủn đến tận tối hôm đó.
Chiến công của mình đây
Ngồi làm dáng ở trạm canh :)
Một ngôi nhà dây leo phủ kín, những dây leo đã chuyển màu, tạo nên khoảng màu sắc rất hấp dẫn
Mọi tour của Trung Quốc đều không tránh khỏi việc ngày nào cũng kết hợp ít nhất 2 điểm mua sắm. Vậy nên sau cửa hàng bán đồ đồng và ngọc mà sáng đó tụi mình đã bị lôi vào, buổi chiều thì đề nghị được đưa ra là cửa hàng lụa hay chè. Mình chọn chè vì thích những loại chè hoa độc đáo của Trung Quốc. Cửa hàng chè rất hoành tráng, một em xinh đẹp phục vụ tụi mình, pha cho tụi mình uống cả thảy 6 loại chè khác nhau, loại nào cũng hết sức độc đáo, bắt đầu bằng chè sâm, rồi chè nhài, chè thả vào cốc nước nở thành hình hoa rất đẹp, chè đen uống với hoa hồng, thơm ngát mùi hoa, chè hoa quả. Xong công đoạn uống tới 6 chén chè nhỏ thì tụi mình được mời đi mua chè. Giá trên trời, mình chỉ phát âm mấy cụm từ đó đã đau hết cả mồm, hehe, ví dụ như có bánh chè khoảng vài lạng mà giá tới mấy triệu tiền Việt. Nói chung bình dân hơn thì cũng phải 5-700k/lạng. Mình thích các loại hoa khô, hoa cúc và hoa hồng, không phải để uống chè mà để ngâm rượu, mình đã hình dung là thơm lắm. Được cái hôm trước lang thang siêu thị đã phát hiện ra mấy vụ hoa đấy, nên mình chả dại gì mua, giá ở siêu thị rẻ, chỉ còn chưa đến một nửa.
Một loại chè hết sức cầu kỳ đây, thả vào là bên dưới nở bung ra bông hoa cúc trắng to, những bông hoa nhài nhỏ ở trên kết thành hình quai của chiếc lẵng hoa
Hoa hồng khô mua trong siêu thị, giá bằng 2/5 ở tea-house, mình thì với ý định để ngâm rượu :)
City tour của mình kết thúc sớm, em gái hướng dẫn viên chắc hơi thất vọng vì khách chả mua gì ngoài gia đình nhà Thụy Điển mua 3 hộp hoa hồng khô bé tý. Ai bảo gia đình kia không thích trò chuyện với mình, chứ nếu thân thiết thì mình đã bật mí từ đầu về giá cả trong siêu thị. Mà thôi, cũng nên để bọn Tàu làm ăn tý. Khách mà như mình cả thì mọi cửa hàng sập tiệm sớm, hehe.