01 tháng 1 2014

KÝ ỨC NƯỚC NGA_KÝ TÚC XÁ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MINSK



Ký túc xá trường Đại học Sư phạm Minsk, nơi mình học dự bị, nằm trên con phố Rumianseva, sát cạnh quảng trường trung tâm. Ai đã học tiếng Nga hơi sâu một chút những năm đó đều biết quyển đọc thêm Tiếng Nga 4, bìa màu tím. Trong đó có một câu chuyện mang tựa đề Buổi học cuối cùng. Bối cảnh là nước Nga trong chiến tranh thế giới thứ Hai. Cô gái Gienhia Rumianseva thích cậu bạn lớp bên nhưng chẳng dám ngỏ lời. Buổi học cuối cùng, cô lấy hết cam đảm hẹn cậu bạn sẽ gặp lại sau 10 năm hay 20 năm gì đó. Sau đó cô gái ra trận, trở thành anh hùng và hy sinh. Chàng trai trở thành nhà văn. Khi ngày đó đến, ông bồi hồi đi đến cây cột nhà hát, nơi cô bạn ngày xưa giao ước sẽ gặp lại, và có cảm giác như cả cuộc đời mình đã sống để chờ giây phút đó. Mình bị ám ảnh bởi câu chuyện này. Khi thấy tên phố, mình cứ có cảm tưởng như phố đó được đặt theo tên cô gái (mặc dù trên thực tế thì không phải như vậy, con phố mình ở được đặt theo tên một người anh hùng khác và là đàn ông).

Ký túc xá là một tòa nhà 4 tầng cũ. Phòng ở trên tầng 3, 4, lớp học ở tầng 2. Tầng 1 là phòng sinh hoạt chung, một số phòng chức năng. Trong phòng sinh hoạt chung đặt tivi và một cây đàn piano. Mình rất tiếc là ngày đó đã không có một cố gắng nào để học, dù cũng chưa hình dung được nếu muốn thì sẽ học thế nào. Mình ở cùng phòng với một cô bạn người Nigeria rất xinh đẹp và một cô sinh viên Nga cũng vô cùng xinh đẹp. Cô bạn Nga hầu như chả mấy khi ở ký túc xá, nên nói chung bọn mình chỉ có hai đứa ngoại quốc. Mới đầu thì cũng ngọt ngào lắm, nhưng rồi ở với nhau lâu, chẳng tránh khỏi những lúc cãi nhau, bực bội, đến đoạn cuối thì chán nhau lắm rồi, thế nhưng xa nhau lại nhớ, về sau, khi đã mỗi đứa một thành phố, mình còn đến thăm cô bạn ở Len một lần (tên gọi tắt của Leningrad hay bây giờ được lấy lại là Saint Peterbug).

Phòng ở ký túc xá rất đơn giản, trong phòng chỉ có 3 chiếc giường đơn và tủ liền tường. Phòng tắm chung ở tầng hầm, nhà vệ sinh thì ở mỗi đầu hàng lang, bếp cũng được xếp theo kiểu tương tự, ở hai đầu. Cảnh tranh giành nhau bếp nấu nhiều khi chả tránh khỏi.  Các bà gác cổng ký túc xá khá nghiêm ngặt, bọn mình mỗi lần có bạn đến đều chẳng dễ dàng gì. Đọng lại mãi là hình ảnh các bà già Nga nhất thiết phải to lù lù. Chả biết các bà mẹ Nga đôn hậu dịu dàng ở đâu chứ như mình nhớ thì các bà gác cổng, kể cả ở Minks hay Pytiagorsk hay mắng tụi mình sa sả, chắc do tụi mình đi chơi về muộn, có bạn đến, hay những lỗi gi gỉ gì gi nữa :-). Buổi tối tụi mình hay xuống phòng sinh hoạt chung nghe chương trình Thời sự, cũng là một cách học tiếng Nga.

Nhà ăn ở tầng 1. Vô cùng đặc trưng là cái mùi khoai tây nghiền và giò rán. Đó là một kiểu giò mà có lẽ tỷ lệ thịt không nhiều, cắt khoanh dày khoảng 1.5cm. Mình còn bị cái mùi đó ám ảnh mãi những năm tháng về sau.

Tụi mình sang tới Nga ngày 15/8, đúng vào thời điểm rực rỡ nhất của mùa hè. Cả đám hay kéo nhau đi dạo ở công viên Gorky, cách ký túc có mấy bước chân. Công viên nhiều cây, các vòm lá biếc xanh, rực rỡ, tươi mát vô kể, một dòng suối mềm mại chảy qua. Đang độ rực rỡ của mùa hè, cả thành phố ngập chìm trong các màu hoa lá. Quả cũng rất nhiều, cả bọn hái táo, hái mận, thỉnh thoảng đến thăm những ký túc xá khác có người quen, mà trong tiếng Nga gọi là ốp. Nào là ốp trường Bách khoa, ốp trường Tổng hợp, ốp Nhạc viện, mấy ốp của các chú nghiên cứu sinh, ốp của các anh chị công nhân… Câu chuyện cười tụi mình hay kể những ngày đó là các chú nghiên cứu sinh mỗi khi có khách thường pha chè rất ngọt để người ta không uống được, rồi khi nào khách về thì chưng lại để lấy đường, hihi. Những trải nghiệm đầu tiên với tàu điện ngầm, tàu điện, xe buýt. Tất cả đều là mới mẻ với đám thanh niên lần đầu xa nhà. Chẳng mấy chốc, tụi mình đã dần quen với cuộc sống, nghe và nói tiếng Nga cũng thạo hơn nhiều. Rồi những cuộc tình nảy nở, đơm hoa kết trái cũng trong năm học dự bị này. Chỉ riêng ở ký túc xá chúng mình đã có tới 6 đôi trên tổng số chưa đầy 20 lưu học sinh và 3 đôi còn bên nhau đến tận giờ, con cái đã lớn tướng.

Cửa sổ phòng mình nhìn ra con phố Rumianseva. Chẳng thể nào nhớ nổi đó là cây gì. Có thể là một loại phong, hay cây thích, cây đoạn. Vào thu, hàng cây đổi màu, cả con phố vàng rực lên. Rồi những hàng cây rụng lá, nhiều vô kể, hình dung lại, mình cứ nghĩ lá rụng dầy lắm, người ta vun vào chỗ gần gốc, chắc ngập đến tận lưng bắp chân. Những chiếc lá ép còn nằm mãi trong cuốn sổ của mình.

Thời của mình là thời của những bài hát như Hoa sứ nhà nàng, Đêm đông, Sao em nỡ vội lấy chồng và vô vàn những bài nhạc vàng mà mình còn nhớ đến tận giờ. Và mình thì đặc biệt thích Khánh Ly cùng băng Sơn Ca 7. Chẳng bao giờ mình có thể quên giai điệu ở phần đầu cuốn băng đó, Sơn Ca, Sơn Ca, Sơn Ca. Đã có một đêm giữa tháng Sáu, quyết tâm xem đêm ngắn đến cỡ nào, mình thức cả đêm, và đến lúc 3-4h sáng thì ngồi vắt vẻo trên cửa sổ tầng 4, thò chân ra ngoài (bệ cửa sổ rất to) chờ những tia nắng đầu tiên. Trong phòng là băng Sơn Ca có lẽ đã quay đi quay lại đến lần thứ bao nhiêu không biết trong cái đêm đó :-) 
Mình và các cô bạn sau buổi biểu diễn văn nghệ. Không phải nhân vật chính chắc chả ai có thể nhận ra :-)

4 nhận xét:

  1. Một thời để nhớ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh ghé thăm. Chúc anh năm mới nhiều may mắn!

      Xóa
  2. ÔI nhớ quá Tuyết Anh ơi, cũng những cảm xúc đó, cảm ơn em! <3
    Vẫn nhận ra cô ca sỹ nhỏ bé xinh đẹp he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhờ chị động viên, sẽ cố gắng post thêm các entries khác về nước Nga :)

      Xóa