Những năm trước 90, lưu học sinh đi học
ở Nga cuộc sống ổn thỏa lắm. Học bổng khi đó 90 rúp, tạm gọi là thoải mái. Mùa
hè thì có tiêu chuẩn đi nghỉ. Các cuộc tham quan được tổ chức khá thường xuyên
cho học sinh. Trong suốt những năm học bên đó còn có tiêu chuẩn về phép 1 lần. Có
thể đăng ký đi làm thêm vào mùa hè, hái táo, hái lê, hái nho, làm các công việc
ở nông trang… Rồi dành dụm mua hàng để đóng thùng gửi về sau khi học xong. Các
anh chị thường ai cũng dành dụm tiết kiệm được chút ít, mà mình còn nhớ những
thùng hàng ngày đấy sẽ là vở kẻ li, bàn là, chậu nhôm, nồi áp suất, xà phòng
72, khăn voan màu đỏ… Đó là thời với câu Quanh
lưng thì thắt may xo/ Đầu đội áp suất chân đi bàn là”. Tụi mình còn được
truyền bá bài thơ ông bố viết cho con, lâu quá rồi, mình chỉ còn nhớ những đoạn
lõm bõm:
Hôm
nay cha viết thư này/Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi
Cả nhà
mừng lắm con ơi/Thùng hàng mới nhận bán lời lắm nghe
Ni-ken
đẩy được chục que/Vòng bi thắng đậm hơn xe rất nhiều
Điều
hoà lãi chẳng bao nhiêu/May nhờ trong ruột khá nhiều thuốc tây
Biết
không chục kiện ê-may/Tính qua chí ít năm cây có thừa
Xô tôn
đã dặn đừng mua/Tại sao mày cứ đóng bừa vào đây
Thùng
sau lưu ý thuốc tây/Đồ nhôm nghỉ khỏe chớ dây làm gì
….
Cần gì
ghi thật rõ ra/ Quần bò, áo gió hay là áo phông
Áo
thêu ở ngực có rồng/ Hay là Si-líp có bông hồng cài
Áo da
đểu, sâm Ki-tai/ “Nữ hoàng lộng lẫy” còn xài tiếp không
Bên ấy
gái Cộng khá đông/Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai
Thể
thao mác giả Ki-tai/Hay mì chính Thái với đài Hồng Kông
Bây
giờ đang giữa mùa đông/Con xem loại tất xù lông thế nào
Áo ren
các kiểu ra sao/Áo thêu chắc đã đi vào sử xanh
Cá sấu
một thuở tung hoành/Têpia chắc đã đi vào thiên thu
Sự đời
nghĩ cũng phù du/Mốt này kiểu nọ tít mù cung mây
Bước chân sang Nga giữa tháng 8, đám
nhóc chúng mình còn đầy háo hức, chưa thể hình dung nổi chỉ đôi tháng sau đó
chúng mình sẽ lãnh đủ những hậu quả của cuộc khủng hoảng nước Nga.
Nhóm chúng mình, gồm 5 anh em nấu ăn
cùng nhau. Phân công nhau đi chợ, nấu nướng, rửa bát. Sau giờ học, ai được phân
công thì buổi chiều phải đi chợ. Gọi là đi chợ thôi, tụi mình sinh viên, làm gì
có tiền để mua ở chợ ngoài mà phải lượn lờ các cửa hàng để mua thực phẩm. Đôi
ba tháng đầu mọi chuyện không đến nỗi quá tệ. Vẫn có thể mua bánh mỳ, trứng, sữa,
mỳ… dù đã phải xếp hàng. Càng ngày mọi việc càng tệ. Các cửa hàng thực phẩm thì
nhiều, nhưng thực phẩm khan hiếm vô kể, cứ mỗi khi có bán thứ gì là dân tình xếp
hàng dài dằng dặc. Nói chung ra đường thấy có người xếp hàng là phải xông vào,
không mua được thứ này cũng mua được thứ khác :-). Cảnh tượng đặc trưng
trong các cửa hàng khi đó là mọi giá hàng đều trống rỗng. Tất cả mọi thứ đều là
của hiếm, cá, trứng, thịt, gạo, dầu ăn, bơ, xà phòng giặt, xà phòng tắm, dầu gội
đầu, thậm chí cả băng vệ sinh… Hễ có đồ, bọn mình lập tức phải thông báo cho
nhau và cố khuân được nhiều nhất có thể trong tiêu chuẩn người ta bán cho mỗi
người. Suốt mấy tháng liền của mùa xuân năm 91, tụi mình chẳng được ăn bữa cơm
nào, bánh mỳ triền miên. Sau giờ học, nếu là phiên đi chợ, tụi mình đi rã cẳng
từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, mong tìm được thực phẩm. Nếu may mắn thì
mua được ít gạo, thường chỉ có gạo tấm, nếu không thì mỳ sợi, khoai tây, mà sẽ
là bán theo tiêu chuẩn, không bán cho một người
quá đôi ba cân gì đó. Gi gỉ gì gi, cái gì cũng được. Mình nhớ một bức
thư mình viết về nhà vào mùa xuân năm 91, mình bảo, mẹ ơi, con quên mùi cơm rồi,
mấy tháng nay bọn con chẳng được ăn bữa cơm nào.
Không có thực phẩm, và không có tất cả
mọi thứ nói chung, tất nhiên đồng tiền sẽ mất giá nhanh chóng. Mình cũng chả hiểu
làm sao tụi mình sống qua được cái năm đó mà không phải bán đi mấy đồng đô còi
cọc, theo mình nhớ là toàn bộ số hàng của mình khi đó bán đi thu được đâu đó
khoảng gần 200 đô. Chắc vì tụi mình chẳng hề bén mảng ra chợ, vẫn chỉ miệt mài
đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, và giá cả trong cửa hàng thì ổn, nếu có
gì đó để mua. Học bổng 90 rúp. Bánh mỳ tính bằng cô pếch, tức chẳng đáng bao
nhiêu. Trứng thì 12 cô pếch/quả, gạo 90 cô pếch/kg. Vé tàu điện ngầm 5 cô pếch/lượt.
Gửi thư về Việt Nam cũng vậy, 5 cô pếch/thư. Vậy nên thú vui của tụi mình là
ngày ngày miệt mài viết thư về nhà, không quên nhét vào mỗi bức thư một dải
băng xanh đỏ tím vàng mà ngày đó rất được chuộng làm quai nón :-)
Bọn con gái thường chẳng biết buôn bán
gì, ăn dè tiết kiệm, tìm mọi cách sống qua ngày, và tất nhiên là vẫn qua. Bọn
con trai thì chẳng như thế được, đói đầu gối phải bò. Những cậu nhanh nhẹn hơn
thì chỉ ít tháng sau khi sang đã bắt đầu biết buôn bán, kiếm vài đồng cho mình,
và cả cho bạn gái nữa, nếu có, và đó cũng là một gánh nặng. Mua đô của đám sinh
viên ngoại quốc, mang qua ốp công nhân bán lại. Đến ốp công nhân lấy váy bò, quần
áo, mang ra đứng bán ở ga tàu điện ngầm. Làm cửu vạn cho các anh chị đã thành
thổ dân, vận chuyển đồ, đôi lúc thậm chí quốc cấm, từ thành phố này đến thành
phố khác. Nói chung mỗi người một cách. Nghĩ lại, thấy thật xót xa, cho mình,
và cả cho biết bao những người bạn cùng khóa. Toàn bọn chả đến nỗi nào, nếu được
học hành tử tế chắc tụi mình đều nên người. Vậy nhưng khóa mình chắc chắn là
khóa mà số lượng học sinh bỏ học cao nhất từ trước tới đó. Biết bao cậu cùng
khóa đã bỏ học ngay từ năm thứ nhất, năm thứ hai. Không thể đổ tất cả cho hoàn
cảnh, nhưng rõ ràng hoàn cảnh đóng vai trò khá lớn. Đấy là bây giờ mình nghĩ thế,
chứ ngày đó chả nghĩ gì, hồn nhiên sống, hồn nhiên chấp nhận hoàn cảnh, chẳng mảy
may than van. Đôi lúc nhớ nhà mấy đứa khóc với nhau một lúc rồi thôi. Và kể cả
trong cái năm đầu tiên đầy bỡ ngỡ và khó khăn ấy thì tụi mình vẫn có rất nhiều niềm vui, rồi còn tranh thủ đi thăm thú
được mấy nơi. Vụ này sẽ phải kể tiếp trong phần sau :-)
Trong cái rủi cũng có cái may,nếu nước Nga không khủng hoảng thì có lẽ chúng ta không quan hệ đa phương như bây giờ và cũng không có đổi mới em ạ,kỷ niệm cũng vẫn ngọt ngào đó em
Trả lờiXóaVâng, ngựa tái ông, chẳng khi nào có thể nói rõ là may hay rủi anh ạ :D
Xóa