Nghỉ đông
đầu tiên, mình và K. đi Kiev thăm chị H., đồng hương Sapa của mình. Nước Nga rộng,
đi từ thành phố này đến thành phố kia mất hơn chục tiếng đã được coi là gần.
Kiev cách Minsk khoảng 12h tàu. Chả biết bây giờ tàu bên đó đã thay đổi thế
nào, mấy chục năm đã qua từ những ngày xa xưa ấy, còn ngày đó tàu chia thành
các khoang khác nhau, tùy thuộc vào giá tiền. Sang trọng nhất là khoang 1 giường,
rồi khoang 2 giường, 4 giường. Tụi mình sinh viên, đi khoang chung, tiếng Nga gọi
là plaskarnưi, nghĩa là cả toa đều là
giường nằm nhưng không ngăn thành buồng nhỏ để tiết kiệm diện tích. Ở loại toa
này, ngoài giường xếp theo chiều ngang, còn có giường theo chiều dọc, như vậy,
với mỗi toa người ta có thể xếp thêm tương đối nhiều chỗ và vé cũng rẻ hơn nhiều.
Kiev chia
thành 2 khu, khu mới và khu cũ. Khu cũ, cũng là khu phố cổ, các con đường nhỏ,
nhiều con đường lát đá, tàu điện chạy leng keng qua những đoạn hơi dốc và vòng
vèo. Kiev từng là thủ đô của Nga trong quá khứ, vậy nên ở đây có những nhà thờ
rất đẹp. Ở khu mới, tức bên kia sông, tàu
điện ngầm chạy nổi trên mặt đất sau khi đã chạy qua lòng sông đến được đây. Còn
ở khu cũ, tàu điện ngầm chạy rất sâu. Sau này mình may mắn được đi nhiều nơi,
đã thử tàu điện ngầm ở một số nơi như Rome, Paris, Bruxelles, Antwerpen, Praha
hay BangKoc, nhưng mình chưa thấy ở đâu bến tàu điện ngầm đẹp như ở Nga. Bến
tàu điện ngầm ở Kiev cũng không là ngoại lệ, vì dù bây giờ Ukraina và Nga là
hai nước tách biệt, vào thời kỳ xây tàu điện ngầm, đó vẫn là Liên bang Xô viết.
Các bến tàu điện ngầm ở Kiev rất sâu, và giống như các bến tàu điện ở Moscow, đều
có kiến trúc đẹp, sang trọng, theo phong thái cổ điển. Cá cược với nhau về số cột
đèn cắm dọc theo thang máy lên xuống, mình và cậu bạn đã vòng lại một đoạn cầu
thang lên xuống tàu điện ngầm rất dài trong khi thời gian còn lại chẳng là bao.
Chẳng còn nhớ gì nhiều, nhưng đọng lại là chuyến đi chơi của tụi mình cùng chị
H. và V., ngắm những tháp nhà thờ dát vàng, lung linh trong tuyết và nắng mùa
đông. Tụi mình đi thăm khu hầm mộ hoàng gia. Ở Kiev có một bảo tàng vô cùng độc
đáo, bảo tàng các vật nhỏ nhất trên thế giới. Mình đã kinh ngạc đến cỡ nào khi
được dẫn đến đó. Mỗi hiện vật trong bảo tàng là một tuyệt tác và mình không thể
hình dung nổi làm sao người ta có thể làm được những điều kỳ diệu như vậy. Đó
có thể là một bàn cờ với đầy đủ quân được tạo nên trên một hạt gạo, một bông hồng
được tỉa từ đầu một sợi tóc, cả một chiến hạm bé tý ty... Điều độc đáo nữa là mọi
vật trong bảo tàng đó đều do một nghệ nhân duy nhất tạo nên. Toàn những thứ
không thể hình dung nổi.
Trong cái
lạnh của mùa đông, mình ở lại ốp chị Hoa gần một tuần, trong khi K. thì tá túc
bên ốp xây dựng chỗ V, cậu bạn thân thiết, đồng hương Hải Phòng. Mình quen với
rất nhiều chị ở ốp đó, vẫn còn nhớ tên nhiều chị đến tận giờ, sung sướng hưởng
sự chăm sóc của chị H., được ăn các món Việt thực sự. Và bây giờ, bao nhiêu năm
đã qua, mình và chị vẫn là bạn bè, rất yêu quý nhau, chỉ vì mỗi người mỗi nơi
mà chẳng mấy khi có điều kiện quan tâm đến nhau nhiều hơn.
Mình còn quay
trở lại Kiev một lần nữa, vào mùa hè, có lẽ khoảng 2 năm sau đó. Lần này, tụi
mình cùng chị H. và V. đi chèo thuyền trên sông Dnieper. Kỳ lạ, mình còn nhớ rất
rõ chiếc váy mình mặc, dài và màu hơi tối, có những chấm nhỏ. Đã hơn 20 năm kể
từ những tháng ngày tươi đẹp đó. Bạn bè mình còn vài người vẫn ở lại Kiev. Chị
H. đã mua nhà, bọn trẻ đã lớn, chả biết có lúc nào về hẳn, mình hẹn với chị sẽ
sang thăm, nhưng cũng biết sẽ còn rất rất lâu nữa. Chị bảo hàng thế kỷ rồi chị
chẳng đi thăm lại khu hầm mộ hay cái bảo tàng đó, không có bọn em chị đi làm
gì. Chị H., nghệ sỹ đàn tam thập lục, học cùng khóa tụi mình, lấy chồng Nga và
định cư bên đó, vẫn ngố hệt như cái thời học cùng tụi mình ở Thanh Xuân, lớn tướng
rồi mà cái gì cũng mang về mẹ làm hộ. D. học kinh tế và ở lại làm ăn buôn bán,
vợ chồng bạn chưa có con, đôi lúc muốn hỏi thăm mà chẳng dám, sợ bạn buồn. V.
thì đã thành người thiên cổ từ cách đây chục năm. Tụi mình đi Hải Phòng thăm mẹ
V. sau giỗ đầu cậu ấy, rồi mỗi người bận một việc, sau lần đó cũng chưa rủ nhau
đi thăm m cậu ấy lần nào nữa. Khi cùng chèo thuyền, cười đùa với nhau trong một
ngày nắng rực rỡ trên dòng sông Dnieper, tưởng như “cuộc đời toàn nhàn hạ/chỉ để
thương, để nhớ, để yêu thôi”, bọn mình đâu có nghĩ gì, và cũng làm sao có thể hình
dung, số phận mỗi đứa đã được sắp xếp, để rồi sau đây, V. ra đi khi chưa đầy
30, K. đến tận giờ vẫn chưa lấy vợ. Sau lần đó, mình chỉ gặp lại V. một lần duy
nhất nữa khi V. đến Minsk chơi. V. là đứa hết sức thông minh, học giỏi khủng
khiếp và cũng vô cùng chân thành với bạn bè. Ngày đó mới ngoài hai mươi, mình
thậm chí chả nhớ nổi tên mấy nhà triết học nổi tiếng thì cậu bạn “trên thông
thiên văn, dưới tường địa lý” đã đòi bàn luận các trường phái triết học này nọ.
Rồi mình nhớ cậu ấy khoe với tụi mình cậu ấy học được cách thiền, bằng cách nằm
dài trên nền nhà và không nghĩ ngợi gì, mỗi ngày nửa tiếng, khi đó cơ thể sẽ được
bổ sung năng lượng và hết sức mạnh khỏe J. Cậu bạn chải tóc lật,
khoác áo choàng nhẹ, xách ca táp, trông như ngôi sao điện ảnh thời thượng. V.
ra đi mà không bao giờ biết được một điều, rằng cái Th. rất quý mến V., còn V.
thì lại bị cô bạn hoa hậu khóa đó mê hoặc nên chẳng bao giờ nhận ra điều đó.
Một thành
phố mình chỉ đến vẻn vẹn hai lần thế mà biết bao kỷ niệm. Nhớ thật là nhớ, những
người bạn của mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét