12 tháng 1 2014

QUÁN TRỌ ĐẶNG TRUNG VÀ ÔNG GIÀ TUỔI NGỌ

Ở Sapa ông là một nhân vật khá có tiếng. Bài báo viết về ông khá nhiều, rồi phóng sự, rồi làm nguyên mẫu cho một đôi cuốn tiểu thuyết. Bây giờ, thấy ông bà trong cảnh sung sướng như vậy, bạn bè ông bảo, ông thật biết nhìn xa trông rộng, không làm nhà nước mà bỏ lên Sapa từ những năm 60, mà nào có biết ông đã trải qua biết bao năm tháng cơ cực thế nào. Mình vô cùng ân hận đã không hề nghĩ đến chuyện lưu lại những bài báo, phóng sự về ông hay tiểu thuyết lấy ông làm nguyên mẫu. Muộn còn hơn không, giờ mình đang cố gắng tìm và lưu lại, giữ những kỷ niệm về ông bà, cho chúng mình và cho đám trẻ về sau.

Bài báo dưới đây viết vài chi tiết sai trầm trọng, nhất là cái chi tiết bán nhà cho con đi du học. Bọn nó dở hơi, cái thời đó làm gì đã có chuyện du học tự túc. Rồi ý tưởng xây khách sạn chỉ bắt đầu khá lâu sau khi ông đã đôi phần khỏe lại sau trận nằm liệt giường liệt chiếu tới hơn nửa năm. Và cả chuyện nguồn tiền để xây 6 phòng khách sạn nhỏ nhoi ban đầu cũng là một câu chuyện ly kỳ, đâu đơn giản là anh chị em họ hàng gom góp :). 

Nhưng thôi, sẽ lưu giữ chỉ đơn giản như một kỷ niệm về ông bà, kệ bố cái bọn phóng viên làm ăn cẩu thả. 


“Quán trọ” Ðặng Trung và ông già tuổi Ngọ
LCĐT - Ngày cuối năm, trời lạnh cắt da cắt thịt. Mưa mù mịt mùng cũng không ngăn nổi những nụ đào phai nở sớm. Băng qua cơn mưa sương, đi xuyên trong rét buốt của thị trấn xinh đẹp dưới chân núi “Phan” để đến khách sạn Auberge Đặng Trung, một trong những khách sạn tư nhân đầu tiên ở Sa Pa.
Cả đời chỉ thích hoa mai
Lặng lẽ và khiêm nhường giữa thị trấn trong mây có một khách sạn khá đặc biệt. Đặc biệt bởi cái tên sơ khai của nó là “quán trọ”. Người “khai sinh” ra quán trọ ấy là ông Đặng Trung, quê gốc ở xứ Thanh. Cách đây nửa thế kỷ, chàng sinh viên y khoa miền biển lên rừng theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới. Sinh năm Canh Ngọ (1930), được học tiếng Pháp từ năm lên lớp 2, bên cạnh tiếng Pháp, ông còn dịch được cả tiếng Anh. Cũng chính từ thông thạo ngoại ngữ, ông đã “bén duyên” với nghề hướng dẫn du lịch và làm khách sạn ở Sa Pa. Thế nên, khi hỏi về người làm du lịch đầu tiên, xây khách sạn tư nhân đầu tiên ở Sa Pa, mọi người đã chỉ dẫn ngay đến địa chỉ nhà ông...
Ông Đặng Trung và vợ trong khuôn viên khách sạn.
Khuôn mặt hiền từ, nhân hậu, giọng nói trầm ấm, ông chậm rãi kể lại: Lúc ấy cũng vì kế sinh nhai, “đói đầu gối phải bò” chứ tôi xây khách sạn cũng không có ý tưởng gì cao sang cả. Đơn giản chỉ là thế! Hồi ấy, Sa Pa rất thiếu người phiên dịch, bởi phong trào học ngoại ngữ chưa phổ biến như bây giờ. Thế rồi khách Tây đến đều khuyên ông bà mở khách sạn. Nhưng lúc đó, chỉ có hai bàn tay trắng, biết được ý định như vậy, bạn bè, anh em cùng “hùn vốn” cho đôi vợ chồng nghèo vay. Năm 1993, gia đình xây 6 phòng nghỉ và lấy tên rất khiêm nhường “Auberge”, tiếng Pháp có nghĩa là quán trọ. Sau này, dư dả một chút, mới đầu tư xây thêm 10 phòng nghỉ. Ông Đặng Trung bảo: Ban đầu, cũng chỉ nghĩ xây quán trọ nho nhỏ cho khách đến nghỉ, uống cà phê, đọc sách thôi. Thế nên, tôi hiểu vì sao tủ sách của ông có trên 2.000 cuốn, trong đó phần nửa là sách tiếng Pháp.
Đi qua hơn 80 mùa hoa đào nở, thì có tới hơn 20 năm ông Trung phải sống chung với bệnh tật. Từ tình yêu thương vô bờ bến của vợ con, nghị lực vươn lên mà dường như ông đã chiến thắng được căn bệnh ung thư quái ác. Ông hiểu hơn ai hết giá trị của tình người, trong đó có tình nghĩa vợ chồng, tình phụ tử đã tạo nên sức mạnh giúp con người ta vượt qua mọi phong ba, bão táp ở đời...
Dẫn tôi đi thăm khuôn viên nhỏ trồng nhiều cây cảnh quý, giờ là chốn điền viên của vợ chồng vui thú tuổi già, ông cẩn thận giới thiệu xuất xứ của từng cây. Nào là cây phong lá đỏ, ông lấy giống từ Úc về, cây hoa chuông treo trên dây trước mặt ông lấy hạt từ Pháp về, cây Tùng tuyết ông nhờ người mua tận Vân Nam (Trung Quốc)... Thắc mắc vì sao ông trồng nhiều cây mai đến thế, thì ông bảo “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” - có nghĩa là một đời chỉ biết lạy hoa mai. Đó là câu nói của bậc tiền nhân mà ông rất tâm đắc. Dừng lại giữa sân, dưới hai cây bách tán xòe bóng, ông Trung vừa nói vừa chỉ lên dòng chữ “AUBERGE” được đắp nổi trên tường nhà: Đấy, cái tên quán trọ được xây dựng từ năm 1994 đấy, mới đó mà đã 20 năm rồi!. Đúng vậy, quả là đời người trôi qua cũng thật nhanh.
Bước vào phòng khách, cạnh quầy lễ tân, trong không gian hẹp, những dãy bàn không còn ghế trống bởi hôm nay đông khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Họ ngồi uống cà phê và trò chuyện vui vẻ. Qua phiên dịch của hướng dẫn viên du lịch, Cedrice Le Gauo, quốc tịch Pháp đang nghỉ tại Khách sạn Auberge Đặng Trung, thổ lộ: Rất vui vì cảnh đẹp nơi đây cũng như lòng hiếu khách của người Sa Pa. Điều đặc biệt là tôi được nghỉ trong khách sạn được xem là một trong những khách sạn đầu tiên ở Sa Pa. Được gặp và trò chuyện với ông Đặng Trung, một người rất gần gũi mà thân thiện... cảm giác thật ấm áp!
“Thuận vợ, thuận chồng...”
Với Đặng Trung, “bóng hồng” luôn kề vai sát cánh cùng ông chính là bà Đỗ Thị Cúc. Không ngoa khi nói “đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của phụ nữ”. Mảnh đất Sa Pa, nơi gặp gỡ của hai ông bà, cũng là nơi tình yêu nảy nở và nên duyên chồng vợ... Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu, bà Cúc xúc động kể: Lúc đó làm khách sạn vất vả lắm, ở Sa Pa chưa có nhà nghỉ nào đón khách Tây cả. Lại chưa có chuyên môn nghiệp vụ du lịch, cứ “mò mẫm” theo kiểu đón khách nghỉ, phục vụ khách theo cái tâm của mình thôi, vì “ông nhà” biết ngoại ngữ! Vất vả nhưng vui. Bởi khi đó, chưa biết nấu món ăn theo kiểu Tây, nên khách đến nghỉ toàn vào bếp hướng dẫn bà nấu nướng. Những hôm đông khách, chưa có nồi chuyên dụng như bây giờ, toàn phải nấu cơm làm nhiều nồi rồi ủ vào chăn... Mãi đến năm 1996, Trường Hoa Sữa cho học viên lên thực tập tại Auberge, lúc ấy bà Cúc mới được học cách nấu ăn theo phong cách Tây.
Khách sạn “Auberge” Đặng Trung.
Khơi lại những ký ức một thời, bà Đỗ Thị Cúc vẫn không nguôi về những năm gian khó: Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thương nhất thằng Thực, con trai út. Đúng lúc, có ý tưởng xây khách sạn thì cũng là lúc ông Trung phải nhập viện mổ vì bệnh ung thư trực tràng. Đã thế lại phải bán hết nhà cửa dành tiền cho con gái đi học ở Nga. Khi xây khách sạn, tôi và cậu con trai, cứ đêm xuống lại mang can xuống tận “Vườn hồng” bây giờ để xin nước gánh về... Bà Cúc nhớ nhất là lần khách sạn đón, tổ chức lễ cưới cho Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, hồi hộp lo âu nhưng cũng xen lẫn niềm tự hào...
Sa Pa tròn 110 năm tuổi, khách đến Sa Pa đông hơn, nhất là du khách nước ngoài. Vợ chồng ông Trung lại mở rộng, xây dựng thêm 20 phòng, đầu tư các trang - thiết bị, nâng cấp phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn. Những lúc đông nhất, khách sạn phục vụ trên 30 phòng. Nhưng bây giờ, chuyện xây khách sạn, làm khách sạn hay kinh doanh với bà Cúc và ông Trung không còn làm ông bà phải bận lòng nữa. Khách sạn đã giao cho người khác quản lý... Các con trai, con gái giờ đã phương trưởng, mỗi người chọn một lối đi riêng, không ai làm theo nghề của bố mẹ. Ngày ngày, hai vợ chồng sát cánh bên nhau, vui an hưởng tuổi già. Còn gì bằng, khi ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mà vợ chồng vẫn có đôi, chiều chiều khoác vai nhau đi bộ giữa phố cổ Sa Pa. Sáng sáng, vợ thức giấc đun nước nóng cho chồng pha trà thưởng mai, ngắm mây bay trên đầu...
Bà Cúc bảo: Cảm thấy rất tự hào và viên mãn với hạnh phúc của mình được xây đắp ngần ấy năm. Dù đã “đầu bạc, răng long”, sức khỏe không còn nhiều nữa nhưng vợ chồng cũng chưa “tôi, cô” bao giờ, dù không phải là không có những lúc “dỗi nhau” đôi chút. Ngẫm lại mới thấy “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”...nhưng nhà tôi lại còn được “thuận” cả con!
Chiều cuối đông, trong căn phòng nhỏ của Khách sạn Auberge Đặng Trung, bên lò sưởi ấm, câu chuyện của chúng tôi với ông già tuổi Ngọ và người vợ đảm dường như cứ dài mãi với những ký ức, câu chuyện về ngày đầu khởi nghiệp làm khách sạn. Trên bàn, chậu mai Tứ quý đã nở hoa trắng muốt, ngoài kia dường như mùa xuân đang đến rất gần. Xuân này chủ “quán trọ” Đặng Trung lại đón thêm một mùa xuân năm Ngọ cùng với Auberge đi qua tuổi hai mươi!
Kiều Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét