06 tháng 1 2014

KÝ ỨC NƯỚC NGA_SANG XUÂN VÀ HÈ Ở MINSK THÂN THƯƠNG



Dù có kéo dài lê thê, lê thê đến cỡ nào thì mãi rồi mùa đông cũng qua. Đầu xuân trời vẫn rất lạnh. Phải đến tận cuối tháng Tư tuyết mới tan hết, cây cối bắt đầu đâm chồi, nảy lộc. Thường bọn mình hay nhớ ngày sinh Lê Nin, 22/4, như là khoảng thời gian có thể có đợt tuyết nhẹ cuối mùa và 1/5 là lúc trời đã ấm hơn chút. Thật không thể tin được, tất cả như trong một câu chuyện cổ tích. Mùa hè nước Nga rất ngắn ngủi, vậy nên cây cối như chạy đua với thời gian, sống thật gấp khoảng thời gian có thể để rồi chẳng mấy chốc lại ngủ vùi. Cứ mỗi buổi sáng, hoặc chỉ cần so sánh từ sáng đến chiều, nhìn ra cửa sổ, thấy mỗi búp lá đã dài ra rất nhiều, rồi sau đó nở bung với tốc độ cứ như thể trong một câu chuyện cổ tích diệu kỳ và chỉ ít ngày là các con phố và công viên đã tràn ngập màu xanh. Nhưng trước đó, khi trời vẫn còn lạnh, ra ngoài đường vẫn còn thấy cóng tay thì dưới bến tàu điện ngầm đã có các bà già Nga đứng bán những bó hoa tử đinh hương nhỏ mà thơm ngát, màu tim tím hoặc trắng, hay những bó hoa tuy líp hoặc thủy tiên đủ màu sắc, các cánh hoa cũng hết sức đa dạng. Và trong những năm sau đó, khi mình ở Piatygorsk, đó còn có thể là hoa lanđưs, tiếng Việt gọi là linh lan, hay lan chuông với mùi thơm vô cùng quý phái, dáng hoa hơi rũ xuống, mang vẻ buồn dịu nhẹ, như lời thì thầm về một câu chuyện tình buồn.

Bây giờ lại gặp vấn đề khác là tụi mình không thể tập trung học được khi ngoài cửa sổ nắng ấm như thế, trời đẹp như thế, cứ như thể bắt buộc phải ra khỏi nhà ấy, và lũ chim thì ríu rít những điệu hát mời gọi. Tụi mình rên rỉ nỉ non, bảo tụi mình không thể học được. Đã không chỉ một lần cô giáo dạy văn lôi tụi mình ra công viên Gorki ngồi học bên một gốc cây nào đó. Thông thường sẽ là đọc một câu truyện, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, phân tích tác phẩm… Nghĩ lại, mình tiếc biết bao những năm tháng học bên đó khi đã để mọi thứ trôi tuột khỏi đầu thật dễ dàng. Chương trình học của bọn mình khá nhẹ nhàng và rất hay, lúc ở khoa dự bị thì chỉ học tiếng và văn học, văn hóa Nga. Lên đại học thì học thêm tiếng Anh, các môn lý thuyết tiếng… nhưng văn hóa và văn học Nga vẫn là một môn quan trọng. Mình đã được học biết bao điều hay ho về văn học, văn hóa và nghệ thuật Nga, được đi thăm bảo tàng này nọ, nhưng mình chẳng lưu tâm gì, thi xong là cho biến khỏi đầu luôn.

Từ ốp mình ở chỗ trung tâm đến ốp của trường Bách khoa là một đoạn đường khá dài. Đó là bến cuối cùng của tuyến tàu điện ngầm. Chẳng biết người ta gieo trồng vào tháng mấy mà khi trời nắng ấm, mặc được váy nhẹ cũng là lúc cánh đồng đậu Hà lan đã lên bời bời, lá mướt mát. Đất đai mỗi năm chỉ gieo trồng một vụ, được ủ suốt mùa đông nên nhìn đã thấy rất màu mỡ. Từ bến tàu điện ngầm tụi mình đi tắt qua cánh đồng để đến ốp trường Bách Khoa. Cánh đồng rộng mênh mông, đúng như kiểu của nông trang tập thể, trong những bộ phim xưa của Liên Xô. Mình và cậu bạn hái ngọn đậu Hà Lan mang về cho mọi người nấu canh, mà cũng chỉ mình mới biết món rau đó vì mỗi ở Sapa mới ăn vậy chứ mọi người làm sao mà biết được. Rồi ít lâu sau thì tụi mình lại đi mót quả đậu Hà Lan về luộc, cả túi to đùng, vì thu hoạch bằng máy, sót rất nhiều. Ở cánh đồng đó còn có thể hái khá nhiều rau cải dại, giống rau cải nhà mình nhưng thân có nhiều lông, ban đầu vị hơi đắng, nhưng sau giây lát thì lại cảm thấy vị ngọt rất rõ. Nhóm ăn chung đến đoạn cuối thì đã tan, do sự hình thành các nhóm nhỏ hơn, mà như mình đã nói, một số trong số đó giờ đã nhân lên gấp đôi :-)

Kỳ thi cuối năm qua đi nhẹ nhàng. Câu chuyện mình nhớ mãi đến bây giờ là bài thi nghe hiểu. Giáo trình của Nga khi đó giảng dạy rất một chiều, không như giáo trình tiếng Anh. Một dạng bài cho môn tiếng Nga mà tụi mình đã phải làm quen từ khi còn ở Việt Nam là nghe thầy cô đọc, hoặc hi-tech hơn thì nghe băng, một câu chuyện, rồi tụi mình phải viết lại câu chuyện đó, càng chính xác càng tốt. Trong câu chuyện mình nghe hồi đó, có chi tiết một người đợi người khác ở “becedka” [một góc nhỏ ngoài trời, thường là trong công viên hoặc khu vườn nhỏ, có mái che và vài chiếc ghế để ngồi trò chuyện], nhưng mình đã nghe nhầm từ đó thành “budka” là cái chuồng chó :-)

Sau kỳ thi cuối năm ít ngày thì có một đoàn từ trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Matxcơva đến phỏng vấn tụi mình. Trước đó, cuối năm học dự bị ở Thanh Xuân, tụi mình đã đăng ký ngành học dựa trên điểm số kỳ thi. Mình không thuộc diện đặc biệt xuất sắc nhưng cũng không tệ, điểm thi 19.5/20, cộng thêm 1 điểm ưu tiên nên đương nhiên cao hơn một đôi đứa được coi là cực đỉnh, và trong những ngành được phép chọn, mình chọn học tiếng Ả rập với tư duy hết sức đơn giản, cái gì ít thì quý, sau dễ xin việc. Cô bạn điểm cao nhất chọn học tiếng Inđônêxia, rồi một số khác chọn học Đông phương học, còn phần lớn đám thi khối D được phân đi học Ngôn ngữ và văn học Nga. Nhưng bước sang Nga vào thời kỳ khủng hoảng, Liên xô tan rã, trường ĐH Tổng hợp Tashken, nơi từ lâu vẫn đào tạo tiếng Ả rập với số lượng khá hạn chế, từ chối không nhận tụi mình nữa. Giờ tụi mình, tức 5 đứa thi khối D ở Minsk và đều là những đứa chọn học tiếng Ả rập hoặc Inđônêxia chỉ còn 2 lựa chọn, hoặc ĐHTH Ngôn ngữ Mátxcơva, hoặc ĐHSPNN Piatygorsk, và trường ĐHTH Ngôn ngữ Mát đến tận Minsk để phỏng vấn, chọn học sinh. Rõ ràng tụi mình đều muốn được học ở Mát, dù gì thì thủ đô vẫn hơn, nhưng mình đã trượt, không được chọn. Vậy là N.Tr và T.H. đi Mát, mình cùng hai cô bạn M. H sẽ về Piatygorsk, nơi mình gắn bó tới 7 năm sau đó.

Giữa tháng Sáu thì thi xong, điểm đến cũng đã rõ ràng, tụi mình chỉ còn nghỉ ngơi, chờ đến cuối tháng 8 sẽ chuyển đến Piatygorsk, một thành phố nhỏ xíu xiu ở miền Nam, mà nếu định chấm nó trên bản đồ Nga thì vừa đặt bút xuống đã phải nhấc lên ngay để khỏi loang sang thành phố khác :-)

Những ngày hè thảnh thơi bắt đầu. Tụi mình chỉ còn ăn uống, chơi bời, nghỉ ngơi, đi thăm bạn bè ở thành phố khác, nếu chuyện tiền nong cho phép, rồi đón bạn bè đến chơi. Ngày dài dần ra, và đã có một đêm cuối tháng Sáu, mình còn nhớ rõ đõ là đêm 23/6, mình thức cả một đêm, chờ xem đêm ngắn đến cỡ nào. Rồi chị H. từ Kiev đến thăm mình, dẫn mình đi thăm một vài anh chị khác ở ốp công nhân. Tụi mình hay đi dạo buổi tối, mỗi lần về đến gần ốp thì lại nghe mùi hương jasmin, một loài hoa chắc thuộc họ nhài, thơm ngan ngát, tỏa ra từ bụi hoa rất to gần đó mà mình còn có thể hình dung từng cánh hoa và lá của loài hoa này.

Đã sắp đến lúc mình phải tạm biệt Minsk, thành phố đã trở thành một phần ký ức thân thương mà bây giờ, mỗi khi nghĩ về con phố ấy, nằm cách quảng trường chỉ vài bước chân, ký túc xá ấy, công viên ấy, cánh đồng đậu Hà Lan và con đường tắt qua rừng đến ốp Bách Khoa ấy, mình vẫn không ngăn được cảm giác nao nao, rồi lại bất chợt nhớ về câu chuyện Những ô cửa sổ màu xanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét