Những
hàng cây vàng lá mùa thu đầu tiên của Nga qua đi rất nhanh. Chẳng mấy chốc thì
cây đã trụi sạch lá, chuẩn bị bước vào mùa đông. Tuyết rơi khá sớm. Đầu tháng
10 đã lác đác những bông tuyết đầu tiên. Trước đó cả bọn đã được cô giáo dẫn ra
cửa hàng Thế giới trẻ em để sắm đồ (Đám lưu học sinh tụi mình toàn bé như cái kẹo,
nếu không sắm ở Thế giới trẻ em thì còn sắm ở đâu :-).
Theo mình nhớ, mỗi đứa được mua trong vòng 150 rúp. Học bổng tụi mình khi đó 90
rúp, đủ ăn, vậy nên 150 rúp có lẽ là số tiền không nhỏ. Mỗi chiếc áo khoác hoặc
đôi ủng thường khoảng 30-40 rúp gì đó, dù rằng chọn được một món phù hợp thực
không đơn giản, đồ khá thô, miễn là ấm. Ngày đầu tiên tuyết rơi, cả bọn sung
sướng đi chụp ảnh, ngắm tuyết, nghịch ngợm đủ trò, chưa biết rằng sau đây sẽ ngán
đến tận cổ mùa đông nước Nga như thế nào.
Niềm náo
nức ban đầu nhanh chóng qua đi. Mùa đông dài lê thê, lê thê. Ngày ngắn dần lại
mãi. Minsk ở khá gần về phía Bắc nên đến tháng 12 thì tận 9h trời vẫn chưa sáng
hẳn và chỉ 4h chiều đã tối mò. Với cái bọn 17-18, tuổi ăn tuổi ngủ, trời thì
rét như thế, tối như thế, dậy làm sao nổi. Vậy nên lớp học bình thường sỹ số đã
ít, những ngày mùa đông, hết đứa này đến đứa khác trốn học. Mình chẳng còn nhớ
thầy giáo đó tên gì, thầy nhỏ con, chả hơn bọn Việt là bao. Rất hay có cảnh sau
9h sáng, thầy loi choi lên gõ cửa phòng anh Ch., anh Th. gọi các anh đó dậy đi
học. Mấy đứa con gái tụi mình thì ngoan ngoãn hơn, chả mấy khi bỏ học, nhưng ngồi
trong lớp toàn ngáp ngắn ngáp dài, mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ chờ trời sáng
là chuyện bình thường.
Ký túc xá
quản lý chặt chẽ, phải cuối tuần mới cho người lạ vào. Khổ thân anh chàng bạn mình,
phải trốn tránh đủ kiểu, nhờ vả anh Ch. và anh Th. để vào được. Chia tay nhau
cuối tuần, hẹn đến tuần sau gặp, vậy nhưng kiểu gì giữa tuần cũng thấy chàng lò
dò sang, tìm mọi cách để vào được ký túc xá. Trời mùa đông lạnh, có muốn đi dạo
cũng chẳng biết đi đâu. Vậy mà có lần chàng lôi mình ra khỏi ký túc xá lúc mới
có hơn 9h sáng. Tụi mình lang thang ngoài công viên vắng ngắt vắng ngơ, chẳng
có một ma nào, mình nhìn thấy một con chó chết, nằm vùi trong tuyết. Hình ảnh đấy
cứ theo mình mãi.
Một kỷ niệm
khó quên nữa trong những ngày mùa đông đó là anh Th. thường đứng ở cầu thang tầng
4, hét toáng lên kiểu ơ ớ ờ gì đó, volume ở mức max, bảo anh đang tập hát
opera. Tụi mình cười đến đau bụng. Rồi suốt những ngày tháng đó, Đ., một em thi
Olympic tiếng Nga, được chuyển tiếp sang Minsk không qua dự bị Thanh Xuân, bị
em H. hút hồn, bật đi bật lại bài Giọt lệ
đài trang, từ tầng 3 mà ở tận tầng 4 mình còn nghe rõ, nên bây giờ mỗi khi
nghe bài đó thì những ký ức của thời sinh viên ở Minsk cứ quay về.
Việc mua
đồ ăn bình thường đã vất vả, mùa đông còn vất vả hơn. Sù sụ trong những chiếc
áo khoác to, tụi mình tay xách nách mang khi thỉnh thoảng trúng quả, gặp cửa
hàng có bán món mì sợi ngon hay trứng hay thịt. Còn khoai tây, hành tây và loại
bắp cải cuộn cứng như đá là các món thường xuyên. Suốt mấy tháng mùa đông dài dằng
dặc, tuyết chả bao giờ tan hết, nếu thỉnh thoảng trời ấm lên, tan đỡ một chút
thì vài hôm sau lại được phủ lên lớp tuyết mới, lớp băng mới đóng dày thêm. Những
dải băng to từ mái nhà rủ xuống, nếu bất ngờ rơi vào đầu ai thì sẽ giúp người
đó lên chuyến tàu suốt là cái chắc. Đám con trai cũng tập tành trượt giống bọn
Tây, cố lướt đi giống tụi nó ở những đoạn đường đóng băng.
Thật lạ,
sao mình chẳng nhớ mình đã học cái gì, ra làm sao trong những tháng mùa đông
đó, cứ như thể mảng ký ức về vụ học hành đã bị xóa sạch :-).
Đó là năm dự bị, tụi mình chỉ học tiếng, vậy thì nhiều khả năng chỉ học các kỹ
năng tiếng, rồi thêm môn văn hóa, văn học (về vụ văn học thì mình có nhớ, nhưng
đấy là những giờ học khi mùa xuân đã đến cơ). Bù lại, mình nhớ rất rõ tụi mình
được dẫn đi xem vở bale Hồ thiên nga, được đi thăm bảo tàng không chỉ một lần,
được đến thăm làng Khatưn, nơi có vụ thảm sát trong chiến tranh thế giới thứ
Hai. Buổi tham quan làng Khatưn được tổ chức vào mùa đông nên mình còn nhớ rõ cảnh
cánh đồng, những ngôi nhà làng quê Nga trong cảnh băng giá buốt lạnh, hệt như
trong những tấm bưu thiếp rất đặc trưng của Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét