Tự nhủ với lòng sẽ viết về những năm tháng sống ở bên Nga, và trên thực tế mình đã bắt đầu những dòng đầu tiên từ dịp nghỉ 1/5 vừa rồi, vậy mà tới giờ, đã hơn nửa năm qua, vẫn chỉ là những đoạn tản mát và mình cũng mới chỉ viết được rất ít. Với mình, nước Nga là cả một thời tuổi trẻ với biết bao kỷ niệm mà nếu bây giờ nhắm mắt lại để hình dung, sẽ toàn là những điều khiến mình mỉm cười, dù khi đó có thể là những điều hết sức khó khăn. Chưa viết được nhiều, đành đưa từng đoạn ngắn lên đây chia sẻ với người thân và bạn bè. Biết đâu những lời động viên của mọi người lại giúp mình có thêm động lực :)
Mùa hè năm 90, mình về
Sa Pa nghỉ với gia đình, chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày. Chuẩn bị cho
chuyến đi là cả một công cuộc. Đối với những gia đình có điều kiện thì nào có
nhiều nhặn gì, nhưng với nhà mình, và chắc hẳn rất nhiều gia đình khác thời đó,
đó là một công việc không dễ dàng. Bọn mình đứa nào cũng chuẩn bị mang đi 2
chiếc váy bò (vì tiêu chuẩn được mang chính thức chỉ có vậy), ít áo phông cành
lan của Thái, son Thái, bút kẻ mắt, đôi ba gói quần lót… Ngoài mấy thứ để mang
sang đó bán như vậy, tụi mình phải chuẩn bị quần áo cho bản thân, chủ yếu vẫn
là vài chiếc quần bò, áo phông, áo khoác ấm, áo len, áo dài, ủng đông và một số
vật dụng cá nhân khác. Việc sắm nhiều đồ một lúc như vậy quả là một gánh nặng
đổ lên đầu mẹ. Mình chả còn nhớ tổng cộng tốn bao nhiêu, hình như vài ba chỉ. Cả
nhà lo lắng cho mình. Chị T. ngày đó mới lấy chồng được ít lâu, Ph. mới hơn một
tuổi, chị nuôi một con lợn suốt từ Tết để đến hè bán đi cho mình toàn bộ số
tiền. Chẳng còn nhớ rõ chị hay mẹ còn hẹn ai đó mua được cho mình một đôi ủng
lông. Anh Nh., anh T., mỗi anh cho mình một khoản tiền chiu chắt từ những đồng
tiền dạy học thêm, toàn những đồng tiền lẻ, cũ kỹ, xếp gọn gàng từng chục, từng
trăm. Rồi họ hàng, hình như rất nhiều người cho mình tiền, mỗi người một ít. Sau
một hồi mua mua sắm sắm, hầu như hành lý của đứa nào cũng giống nhau, một chiếc
túi ba tầng và một thùng các tông :)
Sau khi bị hoãn chuyến bay tới 2 tuần,
ngày 14/8, đám lưu học sinh chúng mình được tống cổ lên một chuyến bay cùng
nhau. Năm đó có tới hơn 400 lưu học sinh đi Nga. Mình lưu mãi hình ảnh bố và chị
K. đi tiễn mình. Chuyện này đã kể ở trong bài Vẩn vơ trước một chuyến bay. Phòng chờ sân bay Nội Bài khi đó bé lắm,
vậy mà đối với bọn mình có vẻ thật to và hoành tráng. Mình không khóc vì phải
xa nhà, nhưng tâm trạng lo sợ, hoang mang thì thật sự hiện diện. Toàn bộ máy
bay chỉ chở lưu học sinh, tụi mình túm tụm thành từng toán nhỏ, lang thang ở
sân bay Deli lúc chờ quá cảnh. Chắc chắn trông tụi mình khi đó vô cùng ngố. Mà
không chỉ trông, tụi mình thực sự vô cùng ngố.
Đã bao năm trôi qua, mình chẳng còn
nhớ bất kỳ điều gì về những công đoạn làm thủ tục ở sân bay Sheremenchevơ, ai
đón tụi mình, thế nào. Nhưng không bao giờ có thể quên được những cánh rừng bạch
dương dọc con đường từ sân bay về ký túc xá Bauman. Tối hôm đó tụi mình đã có
thể lượn lờ một chút gần khu ký túc xá. Đang giữa hè, những cành táo ven đường trĩu quả,
rủ xuống tầm tay. Những đứa bạo dạn hơn và có tiền thì đã có thể xông vào
cửa hàng mua bán này nọ. Đã học tiếng Nga tới 4 năm, đọc nhiều về cuộc sống,
văn hóa Nga, vậy mà mọi cái vẫn đều thật mới mẻ. Quên nỗi nhớ nhà, cả bọn trêu
chọc, cười đùa. Mình vẫn nhớ vụ bọn cái T.H nấu cháo vịt, bị nhóm anh T. bỏ
muối vào, làm thành một nồi cháo mặn chát, nuốt không nổi. Mãi về sau, khi đã học cùng nhau một thời gian dài, mới phát hiện ra nạn nhân, thủ phạm của vụ đầu độc này. Cách đây đôi tháng, đi ăn cùng nhau, tụi mình còn nhắc lại, cười mãi.
Đám đi Minsk (Belarussia) tụi mình khi
đó khá đông, khoảng chục người học dự bị cùng nhau ở Thanh Xuân, về sau còn có
thêm các em thi Olypic được chuyển thẳng sang Nga, không qua lớp dự bị ở Thanh
Xuân. Từ Moscow về Minsk là chuyến tàu đêm khoảng 12 tiếng. Chẳng có ai đón, tàu
về đến ga lúc khoảng 3h sáng. Tụi mình ngồi ngoài ga mãi, rồi sau cũng lọ mọ về
được ốp.
Từ đây bắt đầu chuỗi ngày dài đẵng đẵng,
lúc nào cũng mong ngóng tin nhà mà lá thư đầu tiên bọn mình cũng như ở nhà biết
rõ phải sau đôi ba tháng mới nhận được, vì còn phải chờ tụi mình sang đến nơi,
gửi thư về rồi ở nhà mới gửi sang, mà một lượt thư nhiều khi cả tháng trời.
Sáng sáng, khoảng 10.30, giải lao tiết đầu tiên, tụi mình chạy ùa xuống bảo vệ
xem có thư không, để rồi sau đó, đứa hớn hở, đứa ủ dột. Và có khi nhận được thư
lại buồn và lo lắng hơn khi biết ở nhà vừa xảy ra điều gì đó. Đương nhiên người
ở nhà không muốn người đi xa buồn, nhưng có những tin không thể dấu. Hơn nửa
năm sau khi sang, mình nhận được tin bố mình bị ung thư, nhưng may mắn đã qua đợt
chạy chữa, giờ bố mình chỉ mong một điều duy nhất, chờ đến khi mình được về
phép giữa kỳ, được nhìn mình một lần cuối (Ơn trời, hơn 23 năm đã qua kể từ cuộc
đại phẫu thuật khủng khiếp và lá thư gây đau tim ấy, giờ thì mình sắp về Sapa kỷ
niệm ngày bố mình được 85 tuổi :D)
Vậy là mình đã bị quẳng vào một thế
giới hoàn toàn xa lạ mà mình chưa được chuẩn bị kỹ càng. Chẳng có một con đường
nào khác ngoài việc tiến lên phía trước. Tất cả mới chỉ là bắt đầu của những
năm tháng tuổi trẻ với biết bao kỷ niệm. Không phải kỷ niệm nào cũng ngọt ngào,
thậm chí còn có quá nhiều khó khăn là đằng khác, nhưng bây giờ, khi hơn hai chục
năm đã trôi qua, mình hầu như chẳng còn nhớ gì nhiều về những khó khăn, đau khổ
mà chỉ nhớ tới những điều tốt đẹp đã qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét