17 tháng 2 2024

NHẬT KÝ MALDIVES_02_MALÉ – MAAFUSHI, VỪA GẶP ĐÃ MÊ!

Gần 7h tối máy bay từ Kualar Lumpur mới cất cánh bay đi Maldives. Thời gian bay kéo dài 4.5 tiếng, nhưng do Malé, thủ đô của Maldives chậm hơn Kuala Lumpur tới 3 tiếng nên khi máy bay hạ cánh mới hơn 8h tối. Chiếc máy bay nhỏ, hạ xuống một sân bay có vẻ cũng rất nhỏ, từ đường băng hành khách tự kéo hành lý đi bộ vào khu vực nhà ga. Trước khi lên đường ba mẹ con đã nhắc nhau điền form xin nhập cảnh online, hành lý thì chỉ 7kg xách tay, vậy nên sau ít phút thì đã xong hết các công đoạn nhập cảnh.

Maldives bao gồm tới gần 1200 các hòn đảo nhỏ, vậy nên việc di chuyển hoàn toàn bằng phà hoặc thuyền cao tốc. Ba mẹ con tranh thủ ăn tối và chờ đến hơn 9h thì mới đến giờ đi thuyền cao tốc về đảo Maafushi, cách Malé khoảng 30km. Sân bay nằm sát bờ biển và ngay lập tức mình đã thấy nước ở đây trong đến cỡ nào. Thuyền cao tốc màu trắng, sạch sẽ và đẹp, có khoảng 30 ghế. Thời gian ghi là 30’ nhưng các chuyến tàu đêm thì lâu hơn, và đối với mình tối hôm đó thì chuyến tàu đi rất rất lâu. Mình ngồi trong thuyền mà cứ trông chờ đến lúc cập bến. Thuyền lao đi với tốc độ rất nhanh, ngoài kia mịt mù biển cả, nói dại mồm, nếu va phải bất kỳ chướng ngại vật nào thì tất cả sẽ lên thiên đường thật chứ không phải thiên đường hạ giới trong vòng một nốt nhạc. Ngoài mình ra liệu có ai lo lắng không nhỉ, hay những khách du lịch khác cũng như mình, lo mà không nói ra, còn với dân địa phương thì những chuyến tàu cao tốc buổi tối như thế này là điều thường ngày rồi. Và theo tin tức trên báo thì các vụ tai nạn với tàu cao tốc, phui phui, không quá thường xuyên. Tin tưởng và phó mặc cho con gái lên kế hoạch cho chuyến đi, mình hoàn toàn không hình dung việc di chuyển từ sân bay về đảo như thế nào, nhưng nếu đi lần nữa mình sẽ lựa chọn ngủ lại thủ đô Malé cho đêm đầu tiên, cách đảo sân bay chỉ 10’ taxi, rồi ngày hôm sau sẽ đi tàu về đảo. Khi chia sẻ với con gái nỗi lo lắng, con gái bảo mẹ, ôi zời, có tèo thì cũng phải tèo ở nước ngoài cho hoành tráng, có gì đâu 😊. Và mình thì luôn mua bảo hiểm loại cao cho mọi chuyến đi nước ngoài, trước hôm đi đã gửi bác Vân bảo hiểm của chuyến đi, trêu bác, nếu mẹ con em mà làm sao thì bác nhớ đi đòi tiền nhé, 6 tỷ một người đấy, kakaka.

Dòng chữ chào đón ở sân bay Ibrahim-Nasir (tên cựu tổng thống Maldives) rất duyên dáng, và phía sau là một cầu tàu bằng gỗ duyên dáng không kém, trên làn nước trong veo, như tất cả mọi bờ nước khác của xứ sở vô cùng đẹp đẽ này

Đảo Maafushi

Sau tất cả những lo lắng thì khá muộn, chắc 10 rưỡi đêm, thuyền cập bến đảo Maafushi. Khách sạn đã có người chờ sẵn trên bờ đón mấy mẹ con, va li được chất lên một chiếc xe hai bánh người kéo, đi về khách sạn chỉ cách bến tàu khoảng 400-500m. Mặc dù giá tương đương khách sạn 5 sao ở Việt Nam nhưng thực tế chỉ là một căn nhà 4 tầng khá nhỏ, mỗi tầng 4 phòng, trang bị cơ bản, nói chung tầm khách sạn 3 sao ở Việt Nam hoặc thậm chí thấp hơn. Cả ba mẹ con mệt quá rồi, ngủ để lấy sức cho các hoạt động ngày hôm sau thôi.

Đảo Maafushi là một trong số các đảo dân sinh lớn và quen thuộc với dân du lịch ba lô nhưng so với các đảo ở Việt Nam thì nó rất nhỏ, dân số đôi ba nghìn người với một trường học mà mỗi cấp chỉ có 1 lớp, vài shop kiểu cửa hàng tiện lợi, khoảng ba chục khách sạn, nhà nghỉ và có lẽ ngần đó nhà hàng, cộng thêm khoảng hơn chục công ty tổ chức tour. Hai con đường, mỗi đường chạy dọc một bên bờ biển và ở giữa là rất nhiều các ngõ nhỏ chạy song song nối hai con đường kia trên một hòn đảo chiều dài vỏn vẹn 1,26km và chiều rộng trung bình 260m. Các con đường trên đảo đều là đường cát và mọi nhà hàng, khách sạn đều chỉ cách bờ biển tối đa 200m. Cảm giác đầu tiên là hòn đảo rất sạch, kể cả khi bị cát vương vào chân thì cũng là cảm giác cát sạch, có lẽ do nước biển trong quá và bãi cát sạch quá, chẳng thấy một cọng rác, đến cả lá cây như cũng ngại rụng. Maafushi nằm giữa biển, theo logic thì hải sản phải là món ăn phổ biến, vậy nhưng có lẽ do cách ăn uống và giữ gìn vệ sinh mà tuyệt nhiên không thấy vỏ tôm, ghẹ hay các phần bỏ đi của hải sản ở bất cứ đâu. Mình cũng tuyệt nhiên không hề ngửi thấy mùi tanh nồng của biển thường khá đặc trưng ở Việt Nam. Đảo Maafushi đúng như hình dung của mình về một hòn đảo nhiệt đới giữa biển từ nhiều năm trước, với hàng dừa, bờ cát trắng, những tán cây nhiệt đới tỏa bóng mát, tạm đủ tiện nghi mà vẫn giữ được sự nguyên sơ từ những con ngõ nhỏ chưa bị bê tông hóa quá nhiều. Vừa mới gặp mà mình đã mê các hòn đảo của Maldives quá mất rồi! 

Con đường chính và cũng là lớn nhất đảo Maafushi, với căn nhà màu trắng - đối diện ngay cầu tàu - là trụ sở của công ty Icom, công ty vận chuyển khách bằng tàu cao tốc giữa Maafushi với các đảo khác

Những đoạn phố trên đảo Maafushi, hai bên là quán cà phê hoặc công ty du lịch
Đảo Maafushi hay đảo nào khác nhìn từ xa thì cũng đều như thế này - một vùng nước xanh ngọc và bờ cát trắng bao quanh đảo, đẹp như tranh!



2 nhận xét:

  1. Ôi em phát hiện ra chị Tuyết Anh viết rất hay, hút người đọc lắm luôn!😆💐

    Trả lờiXóa